“Thuộc về sự thật”, “ở trong sự thật” và “làm sự thật” theo thư thứ nhất Gio-an

 

 

Dẫn nhập

 

Danh từ “sự thật” (alêtheia) xuất hiện 20 lần trong ba thư Gio-an. Cụ thể là danh từ này xuất hiện 9 lần trong thư thứ nhất Gio-an (1Ga 1,6.8; 2,4.21a.21b; 3,18.19; 4,6; 5,6), 5 lần trong thư thứ hai (2Ga 1a.1b.2.3.4) và 6 lần trong thư thứ ba Gio-an (3Ga 1.3a.3b.4.8.12). Bài viết này sẽ tìm hiểu đề tài sự thật trong thư thứ nhất Gio-an qua lời mời gọi của tác giả dành cho độc giả: “Thuộc về sự thật”, “ở trong sự thật” và “làm sự thật”. Đề tài sự thật là đề tài lớn và bao trùm thần học Tin Mừng Gio-an và ba thư Gio-an, nên phần trình bày dưới đây chỉ bàn sơ lược đến những điểm song song giữa thư thứ nhất Gio-an và Tin Mừng Gio-an liên quan đến “người tin” và “sự thật”, cho dù bản văn Tin Mừng Gio-an và thư thứ nhất Gio-an đặt trong hai bối cảnh khác nhau.

 

Thư thứ nhất Gio-an được viết ra trong bối cảnh cộng đoàn đang rơi vào tình trạng chia rẽ trầm trọng. Ngôn sứ giả (1Ga 4,1), những kẻ phản Ki-tô (1Ga 2,18a.18b.22; 4,3), những kẻ dối trá (1Ga 1,10; 2,4.22; 4,20; 5,10) là những người từng là thành viên của cộng đoàn (1Ga 2,19). Thực tế này đối lập với “sự thật”, đối lập với “chân lý đức tin” mà cộng đoàn tuyên xưng. Trong bối cảnh khủng hoảng nẩy sinh từ giữa cộng đoàn, lời nhắn gửi của tác giả dành cho độc giả: “thuộc về sự thật” và “hành động theo sự thật” được dựa trên cơ sở: “Thần Khí là sự thật”.

 

Xem hoàn cảnh của cộng đoàn thư thứ nhất Gio-an trong bài viết “Chia rẽ và hiệp thông” – “sự thật vào đối trá” trong thư 1Ga(http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/11/chia-re-va-hiep-thong-su-that-va-doi.html). Các trích dẫn Kinh Thánh dưới đây lấy trong Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt.

 

1. Thần Khí là sự thật

 

Ở 1Ga 5,6, “Thần Khí” được định nghĩa bằng “sự thật”. Tác giả thư thứ nhất Gio-an viết: “5Ai là người thắng thế gian, nếu không là người tin rằng: Đức Giê-su là Con Thiên Chúa? 6Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến nhờ nước và máu, không chỉ trong nước, nhưng trong nước và trong máu; và Thần Khí là Chứng Nhân (to pneuma estin to marturoun), vì Thần Khí là sự thật (to pneuma estin hê alêtheia)” (1Ga 5,5-6).

 

Trong mạch văn 1Ga 5,5-6, định nghĩa: “Thần Khí là sự thật” nhằm giải thích vai trò chứng nhân của Thần Khí: “Thần Khí là Chứng Nhân.” Nội dung của lời chứng là “Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến nhờ nước và máu, Người là Con Thiên Chúa.” Trong Kinh Thánh, cách định nghĩa về Thiên Chúa bằng động từ “là” (eimi) nhằm diễn tả một trong những vai trò hay khía cạnh của mầu nhiệm Thiên Chúa. Chẳng hạn, “Thiên Chúa là ánh sáng (ho theos phos estin)” (1Ga 1,5); “Thiên Chúa là tình yêu (ho theos agapê estin)” (1Ga 4,8.16). Định nghĩa: “Thần Khí là sự thật” (1Ga 5,6) được hiểu theo hai hướng: (a) Khẳng định tính xác thực điều Thần Khí làm chứng. Thần Khí cho người tin biết sự thật về Đức Giê-su là “Đấng đã đến nhờ nước và máu”. (b) Qua lời định nghĩa về Thần Khí, Thiên Chúa mặc khải cho con người biết rằng: một trong những đặc điểm của Thần Khí là sự thật.

 

Sự nối kết giữa “Thần Khí” (pneuma) và “sự thật” (alêtheia) đã được nói đến trong Tin Mừng Gio-an. Vào cuối sứ vụ công khai, hai lần Đức Giê-su đồng hoá Đấng Pa-rác-lê (paraklêtos) với “Thần Khí sự thật” (pneuma tês alêtheias). Lần thứ nhất, Đức Giê-su nói với các môn đệ ở Ga 14,15-17: “15Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy; 16và chính Thầy sẽ can thiệp với Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Pa-rác-lê khác (allon paraklêton), để Người ở với anh em mãi mãi. 17Thần Khí sự thật (pneuma tês alêtheias)  Đấng thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy cũng chẳng biết Người. Còn anh em, anh em biết Người, vì Người ở lại giữa anh em và Người sẽ ở trong anh em.” Trong đoạn văn Ga 14,15-17, “Đấng Pa-rác-lê khác (allon paraklêton)” chính là Đấng Pa-rác-lê (ho paraklêtos) sẽ được nói đến trong những đoạn văn sau (Ga 14,26; 15,26). Thực vậy, Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng Gio-an được đồng hoá với “Thánh Thần” (to pneuma to hagion)” (Ga 14,26) và Thần Khí sự thật (to pneuma tês alêtheias)” (Ga 15,26).

 

Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật – trong Tin Mừng Gio-an có vai trò làm chứng. Trong đoạn văn báo trước sự bách hại (Ga 15,18–16,4a), Đức Giê-su nói với các môn đệ như sau: “Khi Đấng Pa-rác-lê (paraklêtos) đến, Đấng mà chính Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Cha, Người là Thần Khí sự thật (pneuma tês alêtheias), Người xuất phát từ nơi Cha, Đấng Pa-rác-lê sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26). Xem phân tích chi tiết đề tài này trong tập sách: Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật – trong Tin Mừng thứ tư.

 

Các trích dẫn trên cho thấy sự song song liên quan đến đề tài Thần Khí trong Tin Mừng Gio-an và trong thư thứ nhất Gio-an. Nếu như trong Tin Mừng Gio-an, “Đấng Pa-rác-lê là Thần Khí sự thật” (14,16-17) thì trong thư thứ nhất Gio-an “Thần Khí là sự thật” (1Ga 5,6). Nếu như trong Tin Mừng Gio-an, “Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật – làm chứng cho Đức Giê-su” thì trong thư thứ nhất Gio-an “Thần Khí là Chứng Nhân” (1Ga 5,6). Tương quan giữa “Thần Khí” và “sự thật” như trên là cơ sở cho tác giả thư thứ nhất Gio-an xây dựng tương quan “người tin và sự thật”.

 

2. Người tin và sự thật

 

Tác giả thư 1Ga mời gọi độc giả bước vào tương quan với sự thật qua nhiều kiểu nói khác nhau: “Làm sự thật”, “sự thật ở trong mình” và“thuộc về sự thật”. Những kiểu nói này diễn tả những khía cạnh khác nhau về mối liên hệ giữa “người tin” và “sự thật”.

 

a) Làm sự thật

 

Trong phần đầu Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su định nghĩa “làm sự dữ” và “làm sự thật” ở Ga 3,20-21 như sau: “20Mọi kẻ làm sự dữ thì ghét ánh sáng và không đến với ánh sáng để các việc của họ khỏi bị chê trách. 21Nhưng kẻ làm sự thật thì đến với ánh sáng để các việc của người ấy được bày tỏ ra là đã được thực hiện trong Thiên Chúa.” Đề tài “làm sự dữ” và “làm sự thật” trong Tin Mừng Gio-an được đặt trong bối cảnh khác với thư thứ nhất Gio-an. Thật vậy, sự xung đột trong Tin Mừng thứ tư liên quan đến những kẻ chưa tin. Đức Giê-su tranh luận với những kẻ chống đối Người. Họ là những người Do Thái, những người Pha-ri-sêu và các thượng tế. Các môn đệ xung đột với thế gian thù ghét, vì thế gian này bách hại họ (Ga 15,18–16,4a). Nói chung, đối lập trong Tin Mừng thứ tư là đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa những người tin vào Đức Giê-su và những người không tin, đối lập giữa cộng đoàn đón nhận Tin Mừng vào cuối thế kỷ I với Do Thái giáo và dân ngoại thời đó.

 

Sự đối lập trên không xuất hiện trong thư thứ nhất Gio-an. Xung đột trong thư 1Ga xảy ra ngay giữa cộng đoàn người tin. Các ngôn sứ giả và những kẻ phản Ki-tô là những người đã từng là thành viên của cộng đoàn (1Ga 2,19). Trong hoàn cảnh này, tác giả thư 1Ga khích lệ cộng đoàn: hãy thể hiện sự thống nhất giữa lời nói và hành động. Tác giả viết: “Nếu chúng ta nói rằng: Chúng ta có sự hiệp thông với Người (Thiên Chúa)  chúng ta đi trong bóng tối, là chúng ta nói dối và không làm sự thật” (1Ga 1,6). Nói “Hiệp thông với Thiên Chúa” mà lại “đi trong bóng tối” là mâu thuẫn và không thống nhất “lời nói” với “việc làm”. Trong trường hợp này, nói “Hiệp thông với Thiên Chúa” là nói dối. Đồng thời “đi trong bóng tối” là “không làm sự thật”. Vậy, làm thế nào để có thể “nói sự thật” và “làm sự thật”. 

 

b) Có sự thật ở trong mình

 

Để có thể “nói sự thật” và “làm sự thật” thì cần có “sự thật ở trong mình”. Theo tác giả thư 1Ga, “người nói dối” là người không có sự thật ở trong mình. Tác giả định nghĩa “nói dối” như sau: “Kẻ nói rằng: ‘Tôi biết Người (Đức Giê-su Ki-tô)’ mà không giữ các điều răn của Người, là kẻ nói dối và sự thật không ở trong người ấy” (1Ga 2,4). “Người nói dối” là người không thống nhất trong lời nói và hành động: Nói là “biết Đức Giê-su” nhưng lại “không giữ các điều răn của Người”. Sự kiện “ngôn hành bất nhất” này là dấu chỉ “sự thật không ở trong người ấy” và người ấy “không thể làm sự thật” và “hành động trong sự thật”. Để “có sự thật ở trong mình” con người cần đứng về phía sự thật, hay nói theo ngôn ngữ Gio-an: “Thuộc về sự thật”.  

 

c) Thuộc về sự thật

 

Tác giả thư thứ nhất Gio-an động viên cộng đoàn hãy yêu thương bằng hành động, bằng sự thật và thuộc về sự thật. Tác giả viết ở 1Ga 3,18-19: 18Hỡi các con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu mến bằng lời nóihay bằng miệng lưỡi nhưng bằng hành động và bằng sự thật. 19Trong điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta thuộc về sự thật và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Người (Thiên Chúa).” Tác giả mời gọi độc giả đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng yêu thương “trong hành động và sự thật (en ergôi kai alêtheiai)”, cách yêu thương này chứng tỏ mình “thuộc về sự thật (ek tês alêtheias)”.

 

Trong Tin Mừng Gio-an, “thuộc về ai” là đề tài thần học quan trọng. “Thuộc về quỷ” hay “thuộc về Thiên Chúa” (Ga 8,44-17), “thuộc về thế gian” hay “không thuộc về thế gian” (Ga 15,18-19; 17,14.16) dẫn đến hệ quả quan trọng: “được Sống” hay “phải chết”, “có” hay “không có” sự sống đời đời. Theo thần học Tin Mừng Gio-an và thư thứ nhất Gio-an, “thuộc về Thiên Chúa”, “thuộc về Đức Giê-su” là “thuộc về sự thật”.

 

Vào cuối Tin Mừng thứ tư, Đức Giê-su nói với Phi-la-tô về “những người thuộc về sự thật”. Đối thoại giữa Phi-la-tô và Đức Giê-su ở Ga 18,37 cho thấy mục đích sứ vụ của Đức Giê-su là “làm chứng cho sự thật”. Sau khi Đức Giê-su khẳng định với Phi-la-tô: “Vương quốc của Tôi không thuộc về thế gian này…” (Ga 18,36), Phi-la-tô nói với Đức Giê-su: “Vậy chính Ông là vua sao?” (Ga 18,37a) Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài nói rằng Tôi là Vua. Vì điều này Tôi đã sinh ra, và vì điều này Tôi đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật, bất cứ ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Tôi” (Ga 18,37b). “Thuộc về sự thật” là điều kiện tiên quyết để có thể “nghe Đức Giê-su”. Mạch văn cho phép hiểu rằng: Phi-la-tô không thuộc về sự thật, Ông ấy không xét xử Đức Giê-su theo sự thật, nên sau khi hỏi Đức Giê-su: “Sự thật là gì?”, Phi-la-tô đã bỏ đi ra ngoài. Ông ấy không dám đối diện với sự thật. Đó là sự thật về chính Phi-la-tô và sự thật về Đức Giê-su. Xem bài viết: “Sự thật là gì trong Ga 18,28–19,16a”(http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/04/tim-hieu-ga-18281916a-15-su-that-la-gi.html).

 

Kết luận

 

Phần trình bày trên cho thấy sự liên hệ giữa thư thứ nhất Gio-an và Tin Mừng thứ tư về hai mối tương quan:

a) “Thần Khí” và “sự thật”: “Thần Khí là sự thật (to pneuma estin hê alêtheia)” (1Ga 5,6) trong thư 1Ga, và “Thần Khí sự thật (to pneuma tês alêtheias)” (Ga 14,16; 15,26; 16,13) trong Tin Mừng Gio-an.

b) “Người tin” và “sự thật”: Độc giả được mời gọi “Làm sự thật (poieô tên alêtheian)” (1Ga 1,6 // Ga 3,20), “thuộc về sự thật (ek tês alêtheias)” (1Ga 3,19 // Ga 18,37) và có “sự thật ở trong mình (en toutô hê alêtheia estin)” (1Ga 2,4).

 

Cho dù bối cảnh Tin Mừng Gio-an và thư thứ nhất Gio-an khác nhau, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, độc giả cũng được mời gọi bước vào tương quan với “sự thật”. Dù người môn đệ ở trong hoàn cảnh khó khăn thử thách đến từ bên ngoài (Tin Mừng Gio-an), hay khủng hoảng đến từ bên trong cộng đoàn (thư thứ nhất Gio-an), người tin vẫn được mời gọi “đứng về phía sự thật”, “thuộc về sự thật”, “ở trong sự thật” và “hành động theo sự thật”.

 

Sự thật đó là gì? Hãy đọc toàn bộ sách Tin Mừng và ba thư Gio-an, độc giả sẽ biết sự thật là gì. Có thể tóm kết đề tài “sự thật” như sau: Lời Thiên Chúa là sự thật (Ga 17,17), toàn bộ giáo huấn của Đức Giê-su là sự thật (Ga 8,45-46). Đặc biệt, sự thật là chính Đức Giê-su vì Người là Lời (Logos) Thiên Chúa (Ga 1,1) và Người là sự thật (Ga 14,6). Sự thật là Đấng Pa-rác-lê vì Đấng này là “Thần Khí sự thật” (Ga 15,26) và “Thần Khí là sự thật” (1Ga 5,6).

 

“Sự thật” (alêtheia) là đề tài lớn và bao trùm thần học Tin Mừng và ba thư Gio-an. Vì thế, đề tài này sẽ được triển khai trong nhiều bài viết khác nhau. Bài chia sẻ này chỉ là một phần nhỏ về “sự thật” trong thư thứ nhất Gio-an. Tác giả thư 1Ga mời gọi cộng đoàn và độc giả: “Thuộc về sự thật”, “ở trong sự thật” và “làm sự thật”, đây là cách sống của người “thuộc về Thiên Chúa”, “ở trong Thiên Chúa” và “hiệp thông với Người”. Lời mời gọi của tác giả thư 1Ga cho thấy rằng: Hiểu biết Lời Chúa là cần thiết nhưng chưa đủ, điều quan trọng hơn là sống với Lời Chúa, để Lời Chúa ở lại trong mình và hướng dẫn mọi hành động, lời nói của mình trong cuộc sống. Xem phân tích đề tài “Thần Khí sự thật” trong các tài liệu Qumran, trong Tin Mừng Gio-an và thư thứ nhất Gio-an ở trang 85-139 của tập sách: Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật – trong Tin Mừng thứ tư./.

 


Ngày 26 tháng 12 năm 2011.

Giu-se Lê Minh Thông, O.P. 

http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/12/thuoc-ve-su-that-o-trong-su-that-va-lam.html

email: josleminhthong@gmail.com

 


Trang Kinh Thanh