TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN:

PHƯƠNG DIỆN GIÁO LUẬT VÀ MỤC VỤ

Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ

(gpquinhon.org) Thứ năm - 10/10/2013 05:49

(Tiếp theo và hết)

IV. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG – ĐỀ NGHỊ

1. Định hướng lâu dài và chỉ dẫn cụ thể 

Trước hết, các vị có thẩm quyền không những nhìn nhận và tôn trọng mà còn cần tạo những điều kiện pháp lý thuận lợi, những cơ sở vật chất và nâng đỡ tinh thần để giúp người giáo dân thực thi có hiệu quả nghĩa vụ và quyền của mình trong việc tông đồ. Cụ thể cần chú ý vài điểm sau đây[1]:

- Giúp đỡ để thích nghi cơ cấu giáo xứ một cách uyển chuyển theo giáo luật, nhất là để cho các giáo dân tham gia vào trọng trách mục vụ.

- Giúp đỡ các cộng đồng cơ bản. Các cộng đồng này diễn tả trung thực sự hiệp thông trong Giáo Hội và là trung tâm truyền bá Phúc âm trong sự hiệp thông với các vị chủ chăn.

- Canh tân các giáo xứ và để các giáo xứ sinh hoạt có kết quả, phải tạo nên những hình thức hợp tác, ngay cả trong phạm vi thể chế giữa các giáo xứ trong một giáo hạt.

2. Đào tạo nhân sự giáo dân 

Tiếp đến, cần có những chương trình đào tạo giáo dân thích hợp và dài hạn. Thực tế việc đào tạo giáo dân trong giáo phận chúng ta còn nhỏ giọt và ít người được tham dự. Có một nhận xét là hiện nay bình thường để đào tạo một linh mục, theo ratio mới của HĐGM Việt Nam và theo qui định của giáo phận chúng ta, ít nhất cần 10 đến 12 năm; đào tạo một tu sĩ ít nhất cũng 6 đến 8 năm nhưng giáo dân thì sao? Nhiều khi để chuẩn bị cho họ đi đến hôn nhân chỉ có ít ngày hay một vài tháng; hoặc có khi mời họ tham gia vào trong các hội đoàn mà không có hay nếu có thì chỉ chuẩn bị qua loa theo kiểu như người ta thường nói “bắt cóc bỏ dĩa”. Bởi vậy, cần có một chương trình dài và khoa học để đào tạo nhân sự giáo dân[2].

Chúng ta nên biết rằng «việc đào tạo tín hữu giáo dân phải nằm trong những ưu tiên của giáo phận, và hiện diện trong các chương trình sinh hoạt mục vụ, làm thế nào để tất cả cố gắng của cộng đoàn (linh mục, tu sĩ, giáo dân) quy hướng về cùng đích này»[3]. Như vậy việc đào tạo giáo dân không phải dành riêng cho một nhóm người nhưng là bổn phận và quyền lợi của toàn dân Chúa. Nội dung đào tạo chú ý trước hết về mặt thiêng liêng, đào sâu đức tin qua việc học giáo lý có hệ thống, nắm vững học thuyết xã hội của Giáo Hội, và trong khuôn khổ của việc đào tạo toàn diện và hợp nhất người tín hữu giáo dân, chúng ta phải ưu tư tài bồi các giá trị con người; nó cần thiết cho sinh hoạt truyền giáo và tông đồ[4].

Đặc biệt lưu tâm đến giới trẻ. Làm sao chúng ta có thể qui tụ họ trong những hội đoàn được nếu chúng ta không tìm hiểu não trạng, suy nghĩ, ước muốn của họ. Đôi khi chúng ta thấy có những người trẻ công giáo tự phát lập thành nhóm với ước muốn làm điều gì đó tốt đẹp hơn. Việc hiểu và tìm cách qui tụ họ trong hoàn cảnh ngày nay rất khó nhưng đó là điều hết sức cần thiết[5].

3. Phục hồi hay thành lập mới các hội đoàn

Như đã nói, hiện nay tại Việt Nam có nhiều tổ chức, hội đoàn công giáo được phép sinh hoạt, do đó giáo phận và mỗi giáo xứ chúng ta cũng cần phải phục hồi hay thành lập những hội đoàn mới thêm nữa hầu phục vụ chương trình Tân Phúc âm hóa và canh tân của giáo phận. Chúng ta có thể học hỏi và rút kinh nghiệm của những giáo phận khác về tổ chức các hội đoàn.

Mặt khác, cũng phải hết sức khôn ngoan và thận trọng vì «cần phải tránh phân tán lực lượng do việc lập thêm những hội đoàn và những công cuộc mới khi không đủ lý do, hoặc cố giữ lại những hội đoàn không còn ích lợi hoặc giữ lại những phương thế đã lỗi thời. Cũng không phải luôn luôn thích hợp khi du nhập một cách bừa bãi những hình thức hội đoàn của các nước khác»[6]. Muốn vậy, giáo phận phải có những nghiên cứu nghiêm túc một cách khoa học, cả về phương diện xã hội, để có thể đưa ra những quyết định chung thích hợp.

4. Sử dụng thích đáng phương tiện truyền thông 

Chúng ta phải tận dụng những phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt hệ thống internet. Ai trong chúng ta cũng thấy được sức mạnh và ảnh hưởng của truyền thông trên công chúng. Chẳng hạn, chỉ cần truyền hình đưa cảnh bão lũ, thiên tai một nơi nào đó và mời gọi đóng góp thì được rất nhiều người hưởng ứng. Bởi vậy «Giáo Hội cần khám phá những cách thế để tận dụng mọi phương tiện truyền thông đại chúng vào kế hoạch mục vụ và hoạt động mục vụ, nhờ biết sử dụng cách hữu hiệu mà sức mạnh của Tin Mừng có thể đến và tiếp xúc một cách rộng rãi với từng cá nhân cũng như với toàn cả các dân tộc, đưa các giá trị của Nước Trời thâm nhập vào các nền văn hóa của Châu Á»[7].

Trong Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông Xã hội (1.2013), Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nêu tầm quan trọng của các trang mạng xã hội như là “cổng thông tin của sự thật và đức tin”, và là “không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng” và khuyến khích người công giáo trên toàn cầu sử dụng tốt hơn các phương tiện truyền thông và các hình thức thông tin khác để chia sẻ Tin Mừng cho tất cả mọi người nam nữ. Hiện nay giáo phận chúng ta đã có website (gpquinhon.org) được rất nhiều người quan tâm truy cập mỗi ngày.

Nhìn chung giới trẻ ngày nay dường như không thể sống mà thiếu internet. Còn điện thoại di động, “dế yêu”, iphone, ipad,… là vật bất li thân của giới trẻ (và cả người lớn nữa!). Họ rất thích thú và thường xuyên sử dụng hệ thống internet và các trang mạng xã hội (có khi trở nên đam mê nữa) ví dụ như facebook, twitter, hoặc dùng Blog, Vblog (tức Video Blog). Họ sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như để biết thông tin, liên lạc, chia sẻ suy tư, để học hỏi, để bày tỏ ý kiến, để làm bạn, lập nhóm fan riêng...

Thay vì lên án cho đó là những trò vô bổ, mất thời gian, chúng ta nên tìm hiểu thấu đáo hiện tượng trên và cũng có thể từ đó tìm thấy được lợi ích thiết thực của nó trong mục vụ và tổ chức các hội đoàn. Chúng ta có thể coi “không gian kỹ thuật số” là những “không gian mới” để hình thành “hội đoàn” có sức vượt ra khỏi không gian địa lý của giáo xứ, giáo phận nhưng vẫn gắn kết chặt chẽ với giáo xứ và giáo phận. Chúng ta có thể hình dung tổ chức một “hội đoàn thời @” khác với hội đoàn truyền thống xưa nay. Có thể đây là hình thức thích hợp với giới trẻ ngày nay khi mà giới trẻ ngày nay vì công việc và học hành không còn “đóng khung” trong lũy tre làng hay giáo xứ của mình nữa. Để có thể lập hội đoàn như vậy vừa nói đòi hỏi người có trình độ chuyên môn và cũng cần có sự nghiên cứu nghiêm túc đặt ra.

KẾT LUẬN 

Như chúng ta biết nhờ bí tích rửa tội và thêm sức mà «tất cả mọi Kitô hữu có bổn phận và có quyền hoạt động để cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền đạt tới toàn thể nhân loại trong mọi thời và mọi nơi»[8]. Và «mọi Kitô hữu có quyền cổ vũ và nâng đỡ hoạt động tông đồ, kể cả bằng những sáng kiến riêng, tuỳ theo bậc sống và hoàn cảnh của mỗi người»[9]. Giáo dân cần ý thức hoạt động tông đồ là nghĩa vụ và quyền của mình và phải thực thi theo nguyên tắc: hiệp thông, truyền giáo, công ích, salus animarum và đồng trách nhiệm. Cũng nên biết rằng, tại những nơi mà tự do tôn giáo được bảo đảm, thì cá nhân và cả những người có quyền bính dân sự cũng có quyền tự do tham gia vào hoạt động tông đồ của Giáo Hội[10].

Về phần mình, «các chủ chăn thì biết rõ giáo dân giúp ích rất nhiều cho toàn thể Giáo Hội. Các ngài biết rằng Chúa Kitô không đặt các ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Giáo Hội đối với thế giới. Nhưng nhiệm vụ cao cả của các ngài là chăn dắt tín hữu và nhận biết các phận sự và đoàn sủng nơi họ, để mọi người cùng góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách thức của mình»[11].

Sứ vụ tông đồ giáo dân xuất phát từ các bí tích khai tâm Kitô giáo, «điều nầy có nghĩa là những hoạt động tông đồ của giáo dân không nhất thiết cần phải có phép chính thức đặc biệt hay một sự ủy nhiệm nào của người có thẩm quyền trong Giáo Hội»[12] dù vẫn được giáo quyền giám sát và chăm nom. Hơn nữa, đó là một kết quả tự nhiên nhờ ân sủng của các bí tích đã lãnh nhận. Tông đồ giáo dân bằng phương thế cá nhân cần được đề cao, nhất là những nơi còn khó khăn.

Một trong những hình thức tông đồ giáo dân tập thể đó là các hội đoàn. Trong giáo xứ không thể thiếu các hội đoàn. Các hội đoàn đã và đang đóng góp rất nhiều vào công cuộc Tin mừng hóa, cũng như làm cho người khác nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Giáo Hội. Các hoạt động của hội đoàn cũng góp phần không nhỏ vào việc làm phát triển đời sống vật chất và tinh thần của Giáo Hội và xã hội. Tuy nhiên cần thận trọng trong việc tổ chức hội đoàn tránh tình trạng dẫm chân lên nhau hay có tranh cạnh giữa các đoàn thể trong Giáo Hội hoặc với các tổ chức xã hội.

Giáo quyền và đặc biệt là cha sở có vai trò quan trọng trong sự tồn tại, phát triển và định hướng tương lai của các hội đoàn. Trong hoàn cảnh ngày hôm nay có lẽ cũng đã thích hợp để tái lập hay thành lập những hội đoàn mới tại các giáo xứ. Điều quan trọng là cần xác định những hội đoàn nào nên hay chưa nên lập. Ngoài ra cũng cần nghĩ tới một hình thức “hội đoàn thời @”.

Việc đào tạo nhân sự cho việc tông đồ giáo dân nói chung và cách riêng là cho tổ chức hội đoàn là điều cần thiết, nên đặt ra chương trình cụ thể và có kế hoạch lâu dài.

Giáo phận chúng ta trên đường Tân Phúc Âm hóa và chuẩn bị kỷ niệm 400 năm Tin mừng lần đầu tiên đến với giáo phận, thì việc tông đồ giáo dân và tổ chức hội đoàn là điều rất đáng quan tâm. Hy vọng sắp tới chúng ta có nhiều sáng kiến hơn nữa trong hoạt động tông đồ giáo dân và tổ chức hội đoàn. Điều nầy đòi hỏi sự cộng tác đắc lực của mọi thành phần dân Chúa, trong đó hàng giáo sĩ, nhất là các cha sở đóng vai trò quan trọng không thể thiếu được.


[1] Xem Christifideles laici số 27.

[2] Có người đề nghị một kế hoạch đường dài, “thập niên” trong việc đào tạo nhân sự giáo dân. Theo đó giai đoạn đầu chuẩn bị xa là 3 năm để học hỏi về Giáo hội, nghiên cứu hoàn cảnh, học hỏi kinh nghiệm…; giai đoạn sau là 2 năm chuẩn bị gần, với việc đào tạo theo nghĩa hẹp và giai đoạn sau cùng là 5 năm đào tạo chuyên biệt cho từng thành phần, từng giới, về căn bản cũng như chuyên môn… Xem Tin Vui, Đào tạo nhân sự giáo dân, trong Bản Tin Hiệp Thông của HĐGM Việt Nam, số 8 năm 2000, tr. 348-350.

[3] Christifideles laici số 57.

[4] Xem Christifideles laici số 60.

[5] Riêng về giới trẻ, trong kỳ hội thảo cấm phóng năm 1995, giáo phận chúng ta đã đề nghị đoàn ngũ hóa giới trẻ trong độ tuổi 18 đến 25 hoặc 30 quy tụ một nhóm men, theo mô hình sinh hoạt: Chia sẻ Lời Chúa, dạy về thuật lãnh đạo, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, ca múa, sinh hoạt văn nghệ, cầu nguyện… Xem Bản Thông Tin giáo phận Qui Nhơn, số 94, tháng 3.1995, tr. 15.

[6] AA số 19

[7] Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu Ecclesia in Asia, số 48.

[8] GL điều 211.

[9] GL điều 216.

[10] Xem G. Dalla Torre, «Titulus II: De obligationibus et iuribus christifidelium laicorum», trong P. V. Pinto (chủ biên), Corpus Iuris Canonici I, Commento al codice di diritto canonico, Città del Vaticano 2001, 132.

[11] LG số 30.

[12] D.L. Barr, «The obligation and rights of the lay Christian faithful (cann. 224-231)» trong J. P. Beal, J. A. Coriden, T. J. Green, New commentary on the Code of Canon law, New York, 2000, 292-293.

 


Trang Mục Vụ