NHƯ VƯỜN HỒNG GIÊ-RI-CÔ

(Linh mục Anphong Trần Đức Phương)

 

Nhớ năm xưa, vào Tháng Mân Côi, tôi đã thật cảm động khi nghe ca đoàn hát bản thánh ca vinh danh Mẹ Maria: “Mẹ Triển Dương…” (nhạc và lời của Cha Vinh Hạnh): “Mẹ triển dương như cây hương nam trên núi Libanô, như cây trắc bá trên đồi Sion… Mẹ đứng cao như cây thiên tuế xứ Canđê, như Vườn Hồng Giêricô…” Khi về nhà,  tôi đã viết một bài về “Tháng Mân Côi  và việc lần chuỗi Mân Côi…” (Có gửi  kèm theo tài liệu này).

 

Vào tháng Hoa (tháng Năm) năm nay  (2007), tôi rất  vui mừng phấn khởi theo dõi cuộc tổ chức lần chuõi Mân Côi “Rosary Bowl” thật đông đảo tại vận động trường “Rose Bowl” (Pasadena, California)…   Với tâm tình  tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ, tôi ghi lại những dòng này để xin góp một bông hoa hồng nhỏ vào vườn hoa hồng bao la của Mẹ Maria.

 

Bài này gồm hai phần:  1. Cha Patrick Peyton và Tràng Hoa Mân Côi.

                                      2. Kinh Mân Côi (Rosary).

 

I. Cha Patrick Peyton và Tràng Hoa Mân Côi.

 

Cha Patrick Peyton  nổi tiếng như một “Linh mục Mân Côi” (Rosary Priest). Cha cũng nổi tiếng với hai câu nói mà nhiều người đã biết:

 

Thế giới cầu nguyện, thế giới sẽ hòa bình” (A World at Prayer is a World at Peace).

 

“Gia đình cầu nguyện chung, gia đình sẽ sống hiệp nhất” (The Family that Prays together, Stays Together).

 

Cha sinh năm 1909. Từ khi lớn lên vào sau khi đã vào Dòng Thánh Gia (Holy Cross), rồi chịu chức Linh Mục (ngày 15- 6-1941) , Cha luôn nhìn thấy những thảm họa của chiến tranh trên thế giới và những đổ vỡ nơi nhiều gia đình. Cha đã cầu nguyện nhiều với Chúa, xin Mẹ Maria chuyển cầu, cho hòa bình thế giới, cho sự hòa thuận thương yêu trong các gia dình. Vâng theo lời mời gọi của Mẹ Fatima, Cha đã tận dụng tài năng, sức lực để phát động phong trào cầu nguyện chung trong các gia đình, nhất là qua chuỗi Mân Côi,  để thờ phượng Chúa và tôn vinh Mẹ Maria; đồng thời suy ngắm các Mầu Nhiệm cuộc đới Chúa cứu thế và Mẹ Maria để gây tình  yêu thương trong gia đình giửa vợ chồng, giửa cha mẹ và các con , và chung tay xây dựng  hòa bình thế giới : “Gia đình cùng cầu nguyện, thế giới cùng cầu nguyện, thì tình yêu sẻ triển nở trong các gia đình và Hòa bình sẽ đến với thế giới.”

 

Phong trào này (Family Rosary Crusades) đã khởi đầu từ giữa thập niên 1940 và vẫn tiếp tục đến ngày nay. Phong trào đã cổ động mạnh mẻ và gây được lòng nhiệt thành cầu nguyện qua tràng Chuổi Mân côi trong các gia đình, các nơi thờ phượng, và các nơi công cộng. Nhờ phong trào này cổ động qua mệnh lệnh Fatima, nhiều người đã siêng năng suy ngẫm kinh Mân côi hàng ngày. Nhiều gia đình đã cùng lần Chuỗi chung; ít là vào cuối tuần và các dịp đặc biệt gia đình xum họp, như vào ngày Giổ, ngày Tết… Nhiều Nhà thờ Hoa Kỳ ngày nay giáo dân có thói quen đến sớm cùng suy ngắm Kinh Mân côi trước giờ thánh lễ, để chuẩn bị tâm hồn, cùng Mẹ Maria, dâng Thánh Lễ sốt sắng. Thật là việc đạo đức rất đáng khuyến khích. Ngoài ra còn có phong trào “Chuổi Mân Côi Liên Gia”, nhất là vào Tháng Mười (Tháng Mân Côi), “Chuỗi Mân Côi Liên Kết… Để phổ biến việc lần chuồi Mân Côi, nhiều gia đình , nhiều hội đoàn đã xung phong làm các tràng chuỗi Mân côi rất đẹp để gửi tặng đến các Nhà Thờ, Nhà Nguyện, và  các xứ truyền giáo.

 

Từ 50 năm nay Phong trào cũng đã tổ chức được những cuộc cầu nguyện Kinh Mân Côi tập thể ở những nơi công cộng và có nhiều người tham dự. Mục đích cũng là gây ý thức đời sống cầu nguyện nơi mỗi người, mỗi gia đình, các cộng đoàn; đồng thời cũng gây ý thức việc cầu nguyện và chung tay xây dựng Hòa Bình trên thế giới, nhất là các nơi đang bị tan nát vì chiến tranh. Ban tổ chức (Holy Cross Family Ministries) cho biết đã có 40 cuộc cầu nguyện “Kinh Mân Côi Chung” nơi công cộng tổ chức rải rác các nơi trên thế giới; tổng số người tham dự là 28 triệu. Năm 2006, tổ chức ở Florida. Năm nay 2007 (ngày thứ Bảy 19/5) tổ chức tại Rose Bowl, một vận động trường lớn ở Pasadena (California, có 90.000 chổ ngồi). Cuộc cầu nguyện chung này được gọi là “Rosary Bowl”. Buổi cầu nguyện khai mạc lúc 6g00 chiều đến 9g00 tối. Bắt đầu bằng những lời cầu nguyện và các bản thánh ca ngợi khen Chúa và tôn vinh Mẹ Maria. Đức Hồng Y Roger Mahoney đã chủ tọa cuộc Kiệu Thánh Thể và giảng thuyết cũng như ban phép lành Thánh Thể kết thúc.

 

Có hơn 50 ngàn người tham dự; trong đó có các Đức Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ nam nữ, những người Công giáo và ngoài Công giáo. Những người tham dự đã tự túc từ các nơi ở Hoa Kỳ đến, thuộc nhiều sắc tộc khác nhau. Cũng có một số từ các nước khác đến, dù xa như Phi Luật Tân. Tất cả đã cùng cầu nguyện kinh Mân Côi bằng 55 thứ tiếng khác nhau. Thật là một cuộc cầu nguyện tập thể vĩ đại. Ban tổ chức cho biết đã phải mất 18 tháng để trù hoạch tổ chức (bắt đầu công bố từ Lễ Kính Đức Mẹ Guadalupe , ngày 12 tháng 12 năm 2006), nên rất thành công, trật tự, an ninh và thật nhiệt thành, sốt sắng. Tuy phải có vé mới được vào; nhưng vé được phát không tại địa điểm, và được gởi đến các nơi theo yêu cầu. Cuộc tổ chức đã tổn phí khá nhiều, nhưng đã có nhiều người hảo tâm, nhiều tổ chức, đoàn thể đóng góp giúp đở.

 

Cha Patrick Peyton đã qua đời từ năm 1992; nhưng tinh thần truyền giáo của Cha, phong trào cầu nguyện Kinh Mân Côi trong gia đình (Family Rosary Crusades) mà Cha đã gầy dựng vẫn tồn tại và phát triển. Ngày nay phong trào đã lan tràn khắp thế giới, đã giúp nhiều gia đình được bền vững trong đức tin, và sống yêu thương, hạnh phúc trong tình yêu Chúa theo gương mẫu Thánh gia: Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu Hài Đồng. Dù đã qua

 đời , nhưng hương thơm thánh thiện và lòng nhiệt thành phục vụ của Cha , đặc biệt qua việc xây dựng tình yêu gia đình qua việc cầu nguyện Kinh Mân Côi, vẫn sống động trong bao tâm hồn. Giáo Hội, qua Bộ Phong Thánh, đang tiến hành thủ tục để tôn vinh Cha .

 

Mong mỗi người chúng ta biết noi gương Cha Patrick Peyton, siêng năng lần chuổi Mân Côi, tìm hiểu mỗi ngày sâu xa hơn về ý nghĩa thần học và tu đức của chuổi Mân Côi, tham gia các phong trào cổ động việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi trong các gia đình, các cộng đoàn.

 

Xin Mẹ Maria Mân Côi giúp chúng ta biết suy ngắm các mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu và của Mẹ  Maria (Vui, Thương, Ánh sáng, và Mừng), để noi gương và canh tân cuộc đời tín hữu của chúng ta, thánh hóa bản thân, thánh hóa gia đình, và chung tay thánh hóa môi trường chúng ta sống: cộng đoàn, khu xóm, trường học, sở làm; đồng thời chung tay xây dựng Hòa Bình Thế giới.

 

Xin Thiên Chúa và Mẹ Maria ban muôn ơn lành cho mọi người chúng ta và gia đình chúng ta.

 

II. Kinh Mân Côi  (ROSARY)

      

Danh từ Mân Côi chuyển âm từ chữ Hán, còn trong tiếng Anh chữ Rosary (từ tiếng Latinh Rosarium) có thể dịch là “Vườn Hồng” hay “Tràng Hoa Hồng”. Tràng chuổi Mân Côi và việc lần chuổi Mân Côi đã trải qua một lịch sử lâu dài.

 

Theo lịch sử thì việc cầu nguyện chuổi Mân Côi phát xuất từ việc những giáo dân thời trung cổ muốn bắt chước các dòng tu đọc hàng ngày 150 thánh vịnh; nhưng vì thời đó dân chúng ít người  biết chữ, nên thay vì đọc 150 thánh vịnh, thì đọc hai kinh dể thuộc lòng nhất là kinh Lạy Cha và Kính Mừng. Thường đọc chưa theo một tiêu chuẩn nào nhất định. Sau này dần dần thêm vào việc suy ngẫm các mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu, từ việc xuống thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, lớn lên, đi rao giảng, chịu khổ nạn, sống lại và lên trời. Các mầu nhiệm được đặt vào các quảng đều của kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng để suy ngẫm. Muốn dể nhớ, người ta bắt đầu làm các chuổi hạt cỏ các đọan chia ra từng 10 hạt để đếm khi đọc các kinh. Những chuổi hạt thô sơ lúc đầu, đã biến chuyển qua thời gian cho đến chuổi tràng hạt hòan bị như ngày nay.

 

Vào khỏang thế kỷ 16 trở đi, các tu sĩ bắt đầu làm những chuổi Mân Côi dài để đeo bên mính, ở ngòai áo dòng. Còn giáo dân thì thường đeo chuổi Mân Côi vào cổ. Mới đây còn có nhưng chuổi Mân Côi chỉ gồm có 10 hạt để dể mang trong tay khi đi đường, hoặc một vòng tròn để đeo vào ngón tay.

 

Theo lời kêu gọi của Đức Mẹ Fatima, Cha Patrick Peyton đã phát động mạnh mẽ phong trào “Gia đình đọc kinh Mân Côi” nên việc cầu nguyện bằng chuổi Mân Côi đã rất phổ biến khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên vẫn có những quan niệm cho rằng việc lần chuổi Mân Côi chỉ dành cho những người bình dân, các vị già nua tuổi tác, còn giới trẻ cầu nguyện bằng kinh thánh thì tốt hơn nhiều. Cũng có quan niệm cho rằng việc lần chuổi Mân Côi chỉ hướng về Đức Mẹ, chỉ cầu nguyện với Đức Mẹ mà quên hướng về Chúa.

 

 

Thực ra trong lịch sử có nhiều nhà trí thức vẫn lần chuổi Mân Côi hàng ngày, như André  Marie Ampère (1775 – 1836) , như Paul Claudel ( 1868-1955) (sau khi đã trở lại) .v.v… Các Đức Giáo Hòang, các vị trong hàng Giáo phẩm, các tu sĩ nam nữ vẫn lần chuổi Mân Côi hàng ngày. Khi hiện ra ở Fatima, Đức Mẹ cầm tràng chuổi Mân Côi, và cùng đọc kinh Mân Côi với ba em. Đức Mẹ đã kêu gọi nhân lọai hãy ăn năn cải thiện đời sống, siêng năng lần chuổi Mân Côi để thánh hóa bản thân, gia đình và cầu cho hòa bình thế giới. Đức Thánh Cha Gioan Phalồ II đã thành lập Năm Mân Côi (từ tháng 10/2002 đến tháng 10/2003) và ra Tông Thư “Kinh Mân Côi Kinh Đức Tinh Nữ Maria” (Rosarium Virginis Mariae) vào ngày 16/10/2002 (Các chi tiết, xin xem thêm bài “Tháng Mân Côi…”  (Có gửi kèm).

 

Khi đọc kinh Mân Côi, qua Mẹ Maria và cùng với Mẹ, chúng ta hướng về Thiên Chúa Cha, về Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc và Chúa Thánh Thần Đấng Thánh Hóa; đồng thời suy ngắm các giai đọan cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô trên trần gian.Kinh Mân côi vì thế  đựơc coi như “ bản tóm lược Tin Mừng  Tình thương của Chúa (Đức Gioan Phaolo II).  Khi lần tràng chuổi Mân Côi, chúng ta bắt đầu xướng (hoặc hát) kinh Chúa Thánh Thần để xin ơn thánh hóa. Dục lòng ăn năn tội qua việc đọc kinh Ăn Năn tội. Đọc kinh Tin Kính để xác quyết niềm tin của chúng ta vào các tín điều của Giáo Lý Công Giáo. Mở đầu mỗi chục, chúng ta xướng các biến cố cuộc đời cứu chuộc của Chúa Giêsu (qua các mùa Vui, Ánh Sáng, Thương, Mừng) để suy ngẫm và xin ơn Chúa thực hiện vào cuộc đời chúng ta (riêng các đòan viên Đạo Binh Đức Mẹ, khi lần chuổi trong các phiên họp, thì bỏ phần lời nguyện xin).

                      

Mở đầu mỗi chục hạt, chúng ta đọc kinh Lạy Cha để nhắc nhở chúng ta hãy cùng Mẹ Maria cầu nguyện với Chúa là Cha, rồi đọc những lời cầu nguyện với Mẹ Maria bằng 10 kinh Kính Mừng… Thánh Maria… Chúng ta kết thúc mỗi chục bằng kinh Sáng Danh để tôn vinh Thiên Chúa Ba ngôi; rồi đọc lời kinh Fatima để xin Chúa tha tội cho chúng ta, cứu chúng ta khỏi hình phạt hỏa ngục, đặc biệt cầu cho những người đang sa ngã cần đến lòng Chúa thương xót hơn!

 

Như vậy việc đọc kinh Mân Côi qnan trọng rất nhiều ở việc suy ngẫm các mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô và xin ơn thực hiện vào đời sống chúng ta để canh tân bản thân, gia đình và xã hội theo lời mời gọi của Mẹ Fatima. Khi lần chuổi Mân Côi, cũng như khi đọc kinh chung, điều quan trọng là đừng đọc vội vàng,  đừng đọc như thể cho chóng xong. Chúng ta vừa đọc thong thả, vừa để tâm trí thanh thản suy nghĩ theo các lời kinh chúng ta đọc và các mầu nhiệm  chúng ta đã xướng lên trước mỗi chục kinh.

 

Giữ được những điều trên đây khi lần tràng chuổi Mân Côi, là chúng ta có thể suy ngẫm được một cách tổng quát Tin Mừng cứu chuộc của Chúa Giêsu. Nhờ đó chúng ta đã ý thức được mỗi ngày một rõ hơn về những hy sinh đau khổ của Chúa, của Mẹ Maria Đồng Công Cứu Chuộc. Chúng ta cũng được chiêm ngắm các mẫu gương trong Phúc Âm để thực hiện vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

 

Mỗi người chúng ta đều là những con người yếu đuối, dể sa ngã. Hơn nữa chúng ta lại phải sống giữa một thế giới đầy những cám dỗ “ham danh, ham lợi, ham lạc thú”; một thế giới đang có chủ trương mạnh mẻ về vô thần và vô luân (tự do luyến ái, tự do ly dị, phá thai, kết hôn đồng phái tính…). Đó là những chủ trương đưa nhân lọai đến con đường dẩn tới thù hận, chiến tranh  hủy diệt. Vì thế chúng ta cần phải hướng tâm lên Chúa và cùng với Mẹ Maria “tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi chước cám dổ” (Mac. 14, 38).


Muc Luc Muc Vu