II. VAI TRÒ CỦA NGHỆ THUẬT ĐỐI VỚI ĐỨC TIN

Mỗi người đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa của mình. Muốn truyền bá đức tin cho các dân tộc thuộc những nền văn hóa khác nhau, Giáo Hội cần phải nhờ đến các lối diễn tả của những nền văn hóa ấy, để các chân lý đức tin trở nên dễ hiểu và dễ chấp nhận đối với các dân tộc. Nghệ thuật là một thành phần cấu tạo của các nền văn hóa. Vì vậy, để có thể phân tích kỹ lưỡng vai trò của nghệ thuật đối với đức tin, trước hết chúng ta thử nhìn qua vai trò của văn hóa nói chung đối với đức tin.

1. Vai trò của văn hóa đối với đức tin

Công đồng Vaticanô II có một cái nhìn rất cởi mở và một đánh giá rất tích cực đối với các thực tại trần thế. Trong sắc lệnh về tông đồ giáo dânApostolicam Actuositatem,  công đồng đã khẳng định: “Tất cả những gì tạo nên trật tự trần thế như giá trị của cuộc sống và của gia đình, văn hóa, kinh tế, nghệ thuật và nghề nghiệp, tổ chức cộng đồng chính trị, bang giao quốc tế và những thực tại tương tự khác, cũng như sự biến chuyển và tiến bộ của chúng, tất cả những thực tại đó, hoặc xét ngay trong chính bản tính của chúng, hoặc xét chúng như thành phần của toàn thể trật tự trần thế, chẳng những chúng là phương thế giúp con người đạt tới mục đích tối hậu, mà chúng còn có giá trị riêng do Thiên Chúa phú bẩm: ‘Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!’ (St 1,31)”.[1]

Trong lời khẳng định trên đây, văn hóa được kể vào số những thực tại thuộc trật tự trần thế. Nói đến trật tự là nói đến cái đẹp, sự hài hòa. Trật tự trần thế là do chính Thiên Chúa tạo dựng từ sự hỗn mang vốn được Thánh Kinh coi như biểu tượng của hư vô. Trật tự ấy phản ánh sự tốt đẹp của Thiên Chúa Tạo Hóa, và một khi được giao phó cho con người chăm sóc, thì nó cũng ghi dấu ấn của con người là thụ tạo tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa đã tạo thành giống hình ảnh của Người, với sứ mạng làm cho các thực tại ấy ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Do tội lỗi của con người, trật tự trần thế đã phần nào mất đi vẻ đẹp nguyên thủy và có nguy cơ trở về tình trạng hỗn mang. Vì thế, Lời Sáng Tạo đã trở thành Lời Cứu Độ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể để cứu độ trần gian. Theo khuôn mẫu của mầu nhiệm Nhập Thể và để nối dài mầu nhiệm ấy, Giáo Hội đã tìm cách đưa Lời Chúa vào các nền văn hóa của các dân tộc, như lời dạy của công đồng trong sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes:

“Lời Chúa là hạt giống, vừa nẩy mầm trong đất mầu mỡ thấm nhuần sương thiêng, vừa thu hút biến đổi và tiêu hóa mẫu mỡ đó để sau cùng mang lại nhiều hoa trái. Thật vậy, tương tự như chương trình Nhập Thể, các Giáo Hội trẻ trung, khi đang được bén rễ trong Chúa Kitô và xây dựng trên nền tảng các tông đồ, qua một cuộc trao đổi kỳ diệu, thu nhận tất cả những sự phong phú của các dân tộc đã được trao cho Chúa Kitô làm gia nghiệp. Các Giáo Hội đó rút ra từ những tập quán và truyền thống, từ lẽ khôn ngoan và nền đạo lý, từ những nghệ thuật và khoa học của dân tộc mình, tất cả những gì có thể góp phần vào việc tuyên xưng vinh quang của Tạo Hóa, làm rạng ngời ân sủng của Đấng Cứu Thế và vào việc tổ chức tốt đẹp đời sống kitô hữu. (x. GH 13)”.[2]

Tiếp đến, trong hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, Giáo Hội đã nhìn nhận rằng giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa nhân loại có nhiều mối liên hệ. Thật vậy sứ điệp ấy được gửi đến cho con người qua con đường mạc khải. Nhưng để con người có thể hiểu được mạc khải, Thiên Chúa phải dùng đến ngôn ngữ nhân loại. Đỉnh cao và sự hoàn tất mạc khải được thực hiện trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, qua đó Lời Chúa trở thành một con người cụ thể nơi Đức Giêsu, trong một bối cảnh văn hóa đặc thù, để rồi từ đó Thiên Chúa tiếp tục sử dụng ngôn ngữ của các dân tộc để nói với họ qua các nhà truyền giáo và các thừa tác viên trong Giáo Hội.

Quả thế, trải qua các thời đại và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, Giáo Hội đã sử dụng những chất liệu, những lối diễn tả đặc thù của các nền văn hóa để phổ biến và giải thích cho muôn dân sứ điệp của Chúa Kitô trong khi rao giảng, giúp họ hiểu và ngày càng tiến xa hơn trong sự hiểu biết, cũng như để diễn tả sứ điệp ấy cách tốt đẹp hơn trong các lễ nghi phụng vụ và trong cuộc sống muôn mặt của cộng đoàn tín hữu.

Mặc dù Giáo Hội có một truyền thống riêng cần phải được bảo tồn và tiếp tục xây dựng qua mọi thời đại, nhưng vì ý thức sứ mạng phổ quát của mình, Giáo Hội muốn hòa mình vào các nền văn hóa khác nhau với sự tôn trong các truyền thống và các giá trị của chúng, nhờ đó Giáo Hội cũng như các nền văn hóa ấy trở nên phong phú hơn.[3] Vì vậy, để trở thành những người loan báo Tin Mừng cho người đồng hương với mình, các tín hữu phải sống liên kết hết sức chặt chẽ với những người đương thời và để tâm tìm hiểu tường tận lối suy tư và cảm nghĩ đã được diễn tả qua những tinh hoa văn hóa riêng của họ.

Trích lời của Đức Thánh Cha Gioan XXIII trong diễn văn khai mạc công đồng Vaticanô II, ngày 11-10-1962, hiến chế mục vụ Gaudium et Spes cũng đề cập đến cách trình bày đức tin nơi các sách thần học. Cũng như các khoa học khác, thần học có những phương pháp riêng cần phải tuân theo và những đòi hỏi cần phải đáp ứng, tuy nhiên các nhà thần học được mời gọi luôn tìm kiếm những cách thức thích hợp để truyền đạt giáo thuyết cho người đương thời, để nội dung đức tin được diễn tả một cách trung thành nhưng dễ hiểu đối với người nghe.[4]

2. Vai trò của nghệ thuật đối với đức tin

Nghệ thuật nói chung và nghệ thuật thánh nói riêng có thể được Giáo Hội sử dụng như một phương tiện để giúp các tín hữu thể hiện niềm tin trong việc thờ phượng Thiên Chúa, sống và tuyên xưng niềm tin, cũng như nuôi dưỡng và truyền bá đức tin. Nhưng trước khi phân tích các chức năng ấy, chúng ta hãy thử xem xét vai trò của nghệ thuật đối với đức tin nói chung.

2.1. Một cái nhìn chung về vai trò của nghệ thuật đối với đức tin

Nghệ thuật là một lãnh vực của văn hóa đòi hỏi nhiều sáng tạo. Nhưng bất cứ sự sáng tạo nào cũng là kết quả của trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng là khả năng nhìn xuyên qua cái hiện diện tức thời để thấy cái có thể sẽ xuất hiện. Có thể nói trí tưởng tượng giúp con người sắp xếp mọi thứ và làm cho những kinh nghiệm có ý nghĩa. Nó đưa con người đến tiếp xúc với một câu chuyện lớn lao, đó là câu chuyện về Thiên Chúa và giúp họ nhìn thấy mọi sự theo những cách thức khác biệt.

Nói cách chính xác hơn, trí tưởng tượng không đưa con người xa rời hiện thực, nhưng đặt họ vào những cách thế mới mẻ để nhìn sự vật. Đó là lý do tại sao các dụ ngôn của Chúa có sức mạnh đến thế. Các dụ ngôn ấy mời gọi chúng ta tưởng tượng ra những điều mà chúng ta không nghĩ đến trước đó. Trí tưởng tượng có khả năng đưa chúng ta đến gần sự thật về thế giới khi chúng ta nhìn qua lăng kính của Thánh Kinh. Là một hoạt động đầy tưởng tượng, nghệ thuật có thể mở đôi mắt chúng ta để chúng ta nhìn thấy những điều cũ trong ánh sáng mới.

Chính Thánh Kinh đến với chúng ta dưới hình thức nghệ thuật. Thiên Chúa được Thánh Kinh giới thiệu lần đầu tiên dưới hình ảnh một nghệ sĩ sáng tạo. Người là tác giả đã tưởng tượng ra mọi công trình sáng tạo. Người cũng ủy thác cho con người nhiệm vụ tiếp tay với Người trong công trình sáng tạo ấy. Công trình ấy cũng bao gồm mọi loại hình nghệ thuật, như lời khẳng định của công đồng Vaticanô II trong hiến chế về Phụng vụ thánh: “Riêng đối với tất cả những nghệ sĩ có tài năng, muốn phụng sự Thiên Chúa để làm vinh danh Người trong Giáo Hội, phải luôn luôn nhớ rằng một phần nào họ bắt chước Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, họ sáng tác những tác phẩm dùng vào việc thờ phượng công giáo, vào việc cảm hóa các tín hữu cho họ thêm lòng đạo đức và huấn luyện giáo lý cho họ nữa”.[5]

Thiên Chúa cho thấy ý định nguyên thủy của Người là tạo thành một thế giới vừa có công năng hoạt động vừa mang tính thẩm mỹ, khi Người đặt trong vườn địa đàng những cây cối với những trái cây vừa ngon để ăn, vừa đẹp để ngắm nhìn (x. St 2,9). Điều này sẽ không có kết quả nếu như Chúa không tạo dựng con người giống hình ảnh Người (x. St 1,26) với khả năng chiêm ngưỡng vẻ đẹp. Thiên Chúa xác nhận công việc tay Người làm là “tốt đẹp” và Người giao cho con người nhiệm vụ duy trì và làm phát triển cái đẹp ấy. Đó là lời mời gọi đi vào thế giới này chứ không phải ra khỏi nó, dấn thân vào chứ không phải trốn tránh.

Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo đã dạy: “Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26), con người cũng diễn tả chân lý về tương quan của mình với Thiên Chúa Sáng Tạo bằng vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật của mình. Thật vậy, nghệ thuật là một hình thức diễn tả chỉ riêng con người mới có; vượt lên trên việc cố gắng thỏa mãn mọi nhu cầu sinh tồn, là điều chung của mọi sinh vật, nghệ thuật là sự đầy tràn chan chứa, được ban tặng cách nhưng không, sự giàu sang nội tâm của con người. Xuất phát từ tài năng do Đấng Tạo Hóa ban, và từ nỗ lực của chính con người, nghệ thuật là một hình thức của sự khôn ngoan thực tiễn, kết hợp kiến thức với tài khéo léo (x. Kn 7,17), để tạo hình thể cho chân lý của một thực tại, bằng thứ ngôn ngữ có thể cảm nhận được bằng mắt thấy và bằng tai nghe. Như vậy nghệ thuật bao hàm một sự tương tự nào đó với hoạt động của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng, theo mức độ nghệ thuật được gợi hứng bởi chân lý về vạn vật và lòng yêu mến vạn vật. Cũng như bất cứ hoạt động nào khác của con người, nghệ thuật không có mục đích tuyệt đối nơi chính nó, nhưng được qui hướng về con người và trở nên cao quí nhờ mục đích tối hậu là con người”.[6]

Mối bận tâm của các nghệ sĩ là tìm kiếm, chiêm ngắm và trình bày vẻ đẹp ấy, qua đó dù muốn hay không muốn họ cũng giúp cho người khác nhận ra vẻ đẹp của Thiên Chúa, bởi lẽ vẻ đẹp của vũ trụ thiên nhiên chỉ là phản ánh vẻ đẹp hoàn hảo của Thiên Chúa. Trong quá trình lịch sử đã có những biến dạng trong nghệ thuật, như khi người ta dùng trí tưởng tượng của mình để tạo ra những tượng thần, cùng với những ca khúc, vũ điệu, lễ nghi, để tôn thờ các ngẫu tượng ấy. Những biến dạng ấy cho thấy nhu cầu cần phải giáo dục và đào tạo trí tưởng tượng, chứ không phải là lý do để từ bỏ món quà tốt đẹp Chúa ban và đồng thời cũng là phương tiện Chúa trao để con người có thể khám phá sự hiện diện của Người. Đôi khi các nghệ sĩ dường như ít quan tâm đến việc tìm kiếm sự hoàn hảo và cái đẹp cho bằng phản ứng lại những rạn nứt, những cái xấu. Nhưng đó cũng là một cách để phục hồi cái đẹp đã bị con người đánh mất. Vì thế, Calvin Seerveld đã nhận xét: “Thiên Chúa muốn nghệ thuật thi hành hai chức năng: ca ngợi danh Chúa và đặt mọi thứ vào chỗ hoàn thiện”.

2.2. Vai trò của nghệ thuật đối với đức tin trong những lãnh vực khác nhau

Các nghệ sĩ và tác phẩm của họ có thể đóng một vai trò quan trọng trong nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống đức tin nơi cộng đoàn tín hữu. Những lãnh vực này có thể bao gồm việc giúp các tín hữu cầu nguyện và thờ phượng như hành vi cao nhất của đức tin, sống và tuyên xưng đức tin, nuôi dưỡng và truyền bá đức tin.

2.2.1. Thờ phượng

Vai trò cao nhất của nghệ thuật là giúp con người cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa. Vai trò này thuộc về nghệ thuật thánh được công đồng Vaticanô II xem như “tột đỉnh” của nghệ thuật tôn giáo và là “một trong những hoạt động cao quí nhất của tài trí con người”. Hiến chế về Phụng vụ thánh đã viết: “Tự bản tính, nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại. Nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích nào khác ngoài sự tích cực góp phần hướng tâm trí con người về cùng Chúa cách đạo đức”.[7] Thánh Gioan Đamascênô đã nói: “Vẻ đẹp và màu sắc của các ảnh tượng kích thích việc cầu nguyện của tôi. Đó là một bữa tiệc làm no thỏa mắt tôi, cũng như quang cảnh đồng quê kích thích trái tim tôi ca tụng Thiên Chúa”.[8]

Nhờ vẻ đẹp và hình thức thích hợp, nghệ thuật thánh đáp ứng với ơn gọi riêng của nó. Trong đức tin và trong sự tôn thờ, nghệ thuật thánh gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa, vẻ đẹp siêu phàm vô hình của chân lý và của tình yêu, đã xuất hiện nơi Đức Kitô, “là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3). Vẻ đẹp ấy cũng tỏa chiếu nơi Đức Trinh Nữ Maria, các thiên thần và các thánh. Nghệ thuật thánh đích thực đưa con người đến việc tôn thờ, cầu nguyện và yêu mến Thiên Chúa là vẻ đẹp tuyệt tối.[9]

Thiên Chúa được ca tụng, tôn vinh và thờ phượng cách đặc biệt trong phụng vụ, vì phụng vụ có đặc tính thẩm mỹ đáng kể. Nếu vậy thì rõ ràng vai trò của nghệ thuật thánh rất quan trọng đối với bối cảnh phụng vụ. Nghệ thuật thánh có thể mở ra cho chúng ta những cánh cửa đến với cái siêu việt. Khi đặt trong bối cảnh phụng vụ đâm rễ từ Thánh Kinh, nghệ thuật thánh có sức mạnh mở to đôi mắt của chúng ta để nhìn thấy rõ hơn những điều linh thánh. Giáo Hội cần phải sử dụng thật nhiều nghệ thuật thánh trong phụng vụ để chúng có thể làm công việc của mình là cho chúng ta thoáng thấy chân lý, vẻ đẹp và vinh quang của Thiên Chúa.

Giáo huấn Thánh Kinh về đặc sủng trong Nhiệm Thể Đức Kitô là Giáo Hội (x. 2Cr 12-14) cũng có thể được áp dụng cho các tài năng nghệ thuật. Ở nhiều nơi trên trái đất, một làn sóng mới thuận lợi cho nghệ thuật sáng tạo đã tiến những bước dài trong việc đáp lại sự thách thức của việc hội nhập các đặc sủng truyền thống với đặc sủng nghệ thuật.

Trong Cựu Ước, Bơ-xan-ên đã được Thiên Chúa kêu gọi để thực hiện một tác phẩm kiến trúc di động tuyệt vời mang tính phụng vụ là Nhà Tạm và Hòm Bia. Ông là người đầu tiên trong Thánh Kinh được công khai gắn liền với việc Thánh Thần ban cho quyền năng và hướng dẫn (x. Xh 31,1-5). Để vinh quang của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Nhà Tạm (x. Xh 40,34-35), cần có một nghệ sĩ tràn đầy Thần Khí. Người đạo diễn nghệ thuật của ông chính là Thiên Chúa. Ông không làm đơn xin việc, nhưng ông được kêu gọi và chỉ định một cách rất đặc biệt. Điều đó cho thấy Thiên Chúa có thể kêu gọi người nghệ sĩ và do đó việc theo đuổi nghệ thuật có thể là một ơn gọi thiêng liêng. Ông không được ban cho kiến thức, sự khôn ngoan và kỹ năng để cho riêng mình, nhưng Thiên Chúa đã đặt nơi trái tim ông niềm khát vọng và khả năng dạy cho người khác (x. Xh 35,34), và như thế nhân lên gấp bội những gì Thiên Chúa ban cho ông.

2.2.2. Sống và tuyên xưng đức tin

Sách Giáo lý Hội Thánh công giáo đã dạy: “Việc chiêm ngắm các ảnh tượng thánh, cùng với việc suy niệm Lời Chúa và việc ca hát các thánh thi phụng vụ, sẽ tạo nên một sự hòa hợp các dấu chỉ trong cuộc cử hành, làm cho mầu nhiệm được cử hành in sâu vào tâm khảm các tín hữu, rồi được biểu lộ ra trong đời sống mới của họ”.[10]

Đức tin được biểu lộ ở mức độ cao nhất trong các hành vi phụng vụ và được các tín hữu sống và tuyên xưng trong bối cảnh đời thường. Không riêng gì nghệ thuật thánh, có thể nói mọi hình thức nghệ thuật đều có thể đảm trách vai trò này, bởi lẽ nghệ thuật liên quan đến ý nghĩa cuộc sống cũng bao gồm nghệ thuật liên quan đến niềm tin. Nghệ thuật không chỉ diễn đạt một quan điểm, mà còn tìm cách thuyết phục người khác chấp nhận quan điểm ấy.

Trong hiến chế mục vụ, số 57, công đồng Vaticanô II đã nêu lên một cách tổng quát các bộ môn như triết học, sử học, toán học, sinh vật học và nghệ thuật, với  nhận định rằng khi chuyên tâm nghiên cứu các bộ môn ấy, con người có thể đạt tới những giá trị cao cả của chân, thiện, mỹ, và một phán đoán đúng đắn, nhờ đó có thể góp phần lớn lao vào công cuộc thăng tiến gia đình nhân loại.

Tiếp đến, công đồng đề cập riêng đến vai trò của văn chương và nghệ thuật đối với đời sống đức tin của người tín hữu trong Giáo Hội và thế giới: “Văn chương và nghệ thuật cũng theo thể cách riêng mà giữ một vai trò quan trọng trong đời sống Giáo Hội. Thực thế, văn chương và nghệ thuật tìm cách diễn tả đặc tính riêng của con người cũng như các vấn đề và kinh nghiệm của con người trong nỗ lực nhận biết và hoàn thiện chính mình cũng như cả thế giới; văn chương và nghệ thuật cũng cố gắng khám phá vị trí của con người trong lịch sử và vũ trụ, phơi bày những đau khổ và vui mừng, những nhu cầu và nghị lực của con người, lại cố gắng phác họa một vận mệnh khả quan hơn cho con người. Như thế văn chương và nghệ thuật có thể nâng cao đời sống nhân loại, được diễn tả dưới nhiều hình thức, tùy từng thời và từng miền khác nhau”.[11]

Nghệ thuật có thể giúp con người sống và tuyên xưng đức tin bằng một cuộc tìm kiếm và thể hiện cái đẹp qua việc sống theo chân lý và thực hành điều thiện. Chân lý và điều thiện tự nó là đẹp. Khi sống đẹp, con người tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là nguồn mạch mọi điều tốt đẹp.[12]

2.2.3. Nuôi dưỡng và truyền bá đức tin

Qua dòng lịch sử, Giáo Hội đã biết tận dụng nghê thuật, đặc biệt là nghệ thuật thánh, để nuôi dưỡng đức tin của các Kitô hữu và để làm phương tiện truyền bá đức tin cho các dân tộc. Trong lãnh vực này các ảnh tượng thánh đã đóng một vai trò không thể phủ nhận, như lời Sách Giáo lý Hội Thánh công giáo đã dạy: “Các ảnh tượng thánh, hiện diện trong các thánh đường và trong nhà của chúng ta, có mục đích khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin vào mầu nhiệm của Đức Kitô”.[13]

Trong công cuộc truyền giáo, chẳng những Giáo Hội rao giảng Lời Chúa mà còn dùng những hình ảnh trong nghệ thuật ảnh tượng Kitô giáo để truyền đạt sứ điệp Tin Mừng. Lời Chúa được minh họa bằng hình ảnh, còn hình ảnh thì được Lời Chúa đem lại ý nghĩa. Hình ảnh và lời nói làm sáng tỏ lẫn nhau. Việc sử dụng ảnh tượng trong công cuộc truyền giáo vốn đã có trong truyền thống Kitô giáo, như lời khẳng định của công đồng Nicêa II (năm 787) mà Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo trích dẫn: “Chúng tôi tuyên bố cách vắn tắt rằng chúng tôi gìn giữ nguyên vẹn mọi truyền thống, hoặc thành văn hoặc bất thành văn, của Hội Thánh đã được ký thác cho chúng tôi. Một trong những truyền thống này là việc sử dụng ảnh tượng, vốn phù hợp với việc rao giảng lịch sử Tin Mừng. Việc sử dụng ảnh tượng góp phần nói lên sự chắc chắn xác thực, chứ không phải chỉ là dáng vẻ, của việc Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, và góp phần mang lại lợi ích cho chúng tôi. Những gì soi sáng cho nhau thì chắc chắn có những ý nghĩa hỗ tương”.[14]

Truyền thống rao giảng Tin Mừng bằng nghệ thuật ảnh tượng càng được củng cố hơn nữa trong thời đại ngày nay, khi hình ảnh ngày càng chiếm chỗ quan trọng trong cuộc sống thường ngày cũng như trong các môi trường giáo dục và truyền thông, khi hình ảnh ngày càng có khuynh hướng thay thế chữ viết.

Để truyền bá đức tin cho các dân tộc có những nền văn hóa khác nhau, Giáo Hội cần phải tập làm quen để biết sử dụng cách đúng đắn và trân trọng các hình thức nghệ thuật hiện có trong mỗi nền văn hóa bản địa. Việc làm quen với những cách diễn tả của nghệ thuật trong các nền văn hóa khác nhau cũng quan trọng như việc đến trường học ngôn ngữ để chuẩn bị cho công việc truyền giáo. Nghệ thuật cung cấp một khung cửa sổ cho thứ ngôn ngữ của con tim. Một ngôn ngữ như thế có thể vòng qua các trở ngại vốn ngăn cản chúng ta quan hệ với nhau. Nghệ thuật có thể đi xuyên qua những rào cản ngôn ngữ và văn hóa và có thể lên tiếng nói thấm sâu vào lòng những người cảm nhận.

Do đó, Giáo Hội cần phải thực hiện những cuộc nghiên cứu về ý nghĩa của nghệ thuật bản địa và khéo léo dệt những sợi chỉ và hoa văn của Kitô giáo bản địa, để Tin Mừng có thể tràn vào những hình thức bản địa. Các thừa sai cần công khai bảo vệ các giá trị nghệ thuật của người bản địa trong phong cách và ngôn ngữ của họ, cho phép họ biểu lộ lời ca tụng Thiên Chúa theo cách của họ. Thật đáng ngạc nhiên khi có một số tổ chức truyền giáo tỏ ra ngại ngùng trong việc đón nhận nghệ thuật bản địa và sử dụng chúng trong công việc truyền giáo cho dân chúng địa phương.

 

[1] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem (18.11.1965), số 7.

[2] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes (07.12.1965), số 22.

[3] Xem CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et Spes, số 58.

[4] Xem CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et Spes, số 62.

[5] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sacrosanctum Concilium, số 127.

[6] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2501; xem ĐGH PIÔ XII, Nuntius radiophonicus (25/12/1955): AAS 48 (1956) 26-41: ID. Nuntius radiophonicus sociis sodalitatis iuvenum operariorum (J.O.C.) (3/9/1950): AAS 42 (1950) 639-642.

[7] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sacrosanctum Concilium, số 122.

[8] T. GIOAN ĐAMASCÊNÔ, De sacris imaginibus oratio, I, 47: PTS 17, 151 (PG 94, 1268)

[9] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2502.

[10] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 1162.

[11] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et Spes, số 62.

[12] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2500.

[13] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 1192.

[14] CÔNG ĐỒNG NICÊA II (năm 787), Terminus: COD 135; Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 1160.

 


Muc Luc Muc Vu