BÍ TÍCH GIAO HÒA

ĐGM PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC

PHẦN V: SUY TƯ THẦN HỌC VÀ MỤC VỤ

A. Ý NGHĨA KITÔ-HỌC VÀ THẦN HỌC CỦA BÍ TÍCH HÒA GIẢI

1. Bí tích Hòa giải và mầu nhiệm Vượt Qua

Không nên coi bí tích Hòa giải như một hành vi biệt lập, riêng lẻ, mà coi đó là một hành vi, một sự kiện, một biến cố xảy ra trong lịch sử cuộc đời một con người hay một tập thể. Nhất là không nên để bí tích trở thành một hành vi máy móc, theo thói quen, nhàm chán, tầm thường, không mang lại lợi ích và không có ý nghĩa gì.

Phải coi đó là một hành vi ý thức và tự do, đánh dấu một giai đoạn trong cuộc đời kitô-hữu, và vì thế, không những góp phần xây dựng con người kitô-hữu, mà còn xây dựng cả Nhiệm Thể Chúa Kitô. Bí tích chỉ có thể có ý nghĩa và tác dụng ấy, nếu là một hành vi cứu độ, dấu chỉ hữu hiệu của hành vi cứu thế của Chúa Kitô. Bí tích thuộc về nhiệm cục cứu độ, nằm trong lịch sử cứu độ mà trọng tâm là Đức Kitô. Vì lý do đó, phải làm nổi bật sáng kiến của Thiên Chúa.

Lịch sử cứu độ phát xuất từ chương trình vĩnh cửu của Thiên Chúa và là hành vi can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử loài người. Hành vi này phát xuất từ tình yêu bao la và nhưng không của Thiên Chúa. Đó là hành vi của lòng thương xót. Thiên Chúa mong muốn và kêu gọi mọi người hiệp thông với Ngài và với anh em, nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Ngài chờ đợi sự đáp trả tự do của con người.

Bí tích Hòa giải, cũng như mọi bí tích, tiên vàn không là một hành vi tâm lý nhằm giải tỏa gánh nặng lương tâm, cũng không là một hành vi luân lý sửa chữa sự đổ vỡ do điều ác gây ra. Trước hết, đó là một hành vi siêu nhiên, một hành vi tôn giáo ; là đáp trả tình yêu của Thiên Chúa nhập thể trong lịch sử loài người. Và chính sự đáp trả ấy bắt nguồn từ sáng kiến của Thiên Chúa, thể hiện trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội, do Thánh Thần của Chúa Kitô thúc đẩy. Giáo Hội loan báo cho các kitô-hữu đã sa ngã phạm tội Lời yêu thương, sứ điệp hòa giải và ơn tha tội. Sứ điệp này đánh động và thay đổi chiều sâu tâm hồn của tội nhân. Chính Thiên Chúa đưa tội nhân từng bước trên con đường hoán cải, ban cho hoặc củng cố đức tin và niềm hy vọng vào lòng thương xót của Ngài. Ngài thúc đẩy tội nhân bày tỏ nỗ lực hoán cải, xin lãnh nhận bí tích. Cuối cùng, qua dấu chỉ bí tích, Thiên Chúa ban cho hối nhân ơn hòa giải trọn vẹn, chấp nhận cho họ trở về sống thân mật với Ngài, nhờ hiệp thông với Đức Kitô và Giáo Hội.

Kitô-hữu chỉ gặp gỡ Thiên Chúa nơi Đức Kitô Tử Nạn - Phục Sinh, biến cố trọng tâm của lịch sử cứu độ. Ơn tha tội của Thiên Chúa được ban cho nhân loại một lần duy nhất nơi thập giá Đức Kitô. Tất cả đều do hành vi hòa giải ấy của Thiên Chúa nơi Đức Kitô.

Biến cố Vượt Qua của Đức Kitô là biến cố duy nhất bao gồm Tử Nạn - Phục Sinh và Lên Trời. Đức Kitô rời bỏ thế gian về cùng Cha. Trong biến cố này, có "Hồng Ân Cao Cả" nhất mà Thiên Chúa ban cho loài người, và "Đáp Trả trọn vẹn" nhất của loài người dâng lên Thiên Chúa nơi Đức Kitô vâng phục và chết trên thập giá. Vì Đức Kitô đã dâng hiến trọn vẹn bản thân cho Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã tôn vinh Người, đặt Người làm Chúa. Cái chết của Đức Giêsu là một cái chết lịch sử nhưng vượt qua lịch sử, đưa con người đến chỗ hoàn tất viên mãn. Chính vì thế, đã trở thành bất diệt, có giá trị hiện đại cho mọi thời và mọi nơi.

Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, sự chiến thắng tội lỗi và hoàn tất cánh chung của Người, vẫn hiện diện cách huyền nhiệm nơi Giáo Hội là Bí Tích của Đức Kitô Phục Sinh. Sự hiện diện này là động lực làm cho Giáo Hội luôn hướng về sự Hoàn Tất Cánh Chung.

Mỗi bí tích đều là hành vi Giáo Hội biểu lộ cách đặc biệt sự hiện diện tác động của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong lịch sử loài người, biểu lộ tình yêu thần linh của Đức Kitô đối với loài người, và tình yêu nhân loại của Đức Kitô đối với Thiên Chúa. Mỗi bí tích đều là một biến cố vượt qua, biểu lộ và thể hiện "cơ cấu bí tích" của Giáo Hội đối với từng người trong những hoàn cảnh cơ bản nhất của họ, nhờ đó họ được liên kết với biến cố vượt qua của Đức Kitô và được cứu độ.

Đặc tính hiện tại của bí tích phải luôn luôn gắn liền với quá khứ và tương lai. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá mang lại ơn cứu độ đời đời, cho mọi thời đại. Đức Giêsu vâng phục và vâng phục cho đến chết. Cả lịch sử cứu độ trước đó đều hướng về thập giá cứu độ. Tương lai cũng đã được mở ra, vì biến cố cứu độ là một Tạo Dựng Mới ; một trật tự mới hình thành và xây dựng dần trong hiện tại. Mỗi bí tích đều "tưởng nhớ" (signum commemorativum), "minh chứng" (signum demonstrativum) và "tiên báo" (signum prognosticum).

Trong đời sống kitô-hữu, không phải mọi bí tích đều quan trọng như nhau. Chóp đỉnh và trọng tâm mà mọi bí tích quy về vẫn là bí tích Thánh Thể. Điều này không làm cho mỗi bí tích mất giá trị riêng. Mỗi bí tích đều làm cho mầu nhiệm vượt qua hiện diện và tác động theo cách riêng của mình, theo dấu chỉ bên ngoài của chính bí tích ấy.

Chiều kích vượt qua của bí tích Hòa giải

Nơi bí tích Hòa giải, tội nhân được gặp gỡ tiếp xúc với Thiên Chúa trong chính mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, được cứu độ, được tha thứ, được ban cho sự sống mới.

Để giải thích chiều kích vượt qua của bí tích Hòa giải, một số thần học gia khởi đầu từ đặc tính "phán xử". Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là bản án của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã kết án tội lỗi, kết án Satan là đầu mục của thế gian này. Nhưng bản án của Đức Giêsu đã trở thành bản án ân xá, đưa tội nhân đi từ cõi chết đến cõi sống.

Bí tích Giải tội là dấu chỉ tưởng nhớ sự phán xử của Thiên Chúa, kết án tội lỗi, thể hiện qua cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Là dấu chỉ minh chứng, vì khía cạnh phán xử của mầu nhiệm Vượt Qua được biểu lộ hữu hình qua sự phán xét của Giáo Hội. Trên bình diện này, lời Xá giải của thừa tác viên phản ánh sự phán xét của Chúa Thánh Thần đối với tội lỗi trần gian (x. Ga 16,8-11). Đó là lý do giải thích tại sao ơn tha tội trong bí tích Hòa giải không hoàn toàn nhưng không như trong bí tích Rửa tội, nhưng phải là "lao nhọc và gánh nặng" ; đòi phải chấp nhận bản án của tội trong cái chết của Đức Kitô. Và cũng vì lý do đó mà bí tích Hòa giải là dấu hiệu tiên báo "phán xét cánh chung". Sự phán xét này, một phần nào được thể hiện trước trong bí tích Hòa giải, dưới hình thái phán quyết ân xá, vượt trên sự kết án, vì tội nhân đã chấp nhận lời kết án trong cái chết của Đức Kitô.

Cách giải thích trên đây là nỗ lực đầu tiên phân tích ý nghĩa thần học của bí tích Hòa giải theo chiều hướng mầu nhiệm Vượt Qua ; nhờ đó chúng ta hiểu được "đặc tính mầu nhiệm" của lời Xá giải, đặc tính loại suy (vì là "cứu độ") của "Tòa" giải tội, so với các tòa án trong xã hội.

Nhưng cách giải thích này không phù hợp với khoa chú giải hôm nay. Theo khoa Kinh Thánh hôm nay, sự công chính của Thiên Chúa biểu lộ và thể hiện qua cái chết của Đức Kitô không phải là "công lý báo thù" (justitia vindicativa), trừng phạt kẻ có tội, nhưng là sự công chính cứu độ, là sự trung thành, là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng muốn công chính hóa những kẻ có tội, đón nhận sự vâng phục cho đến chết của Đức Kitô, sự vâng phục đã chiến thắng tội lỗi của toàn thể nhân loại.

Sự kết án của Chúa Thánh Thần trong Ga 16,8-11 cũng không phải là lời phán quyết của Giáo Hội trong bí tích Hòa giải. Đó là sự đoạn tuyệt của Chúa Thánh Thần với những ai không tin. Sự đoạn tuyệt này tách biệt những người tin vào Đức Kitô và những kẻ không tin.

Phán xử chỉ là một khía cạnh của bí tích Hòa giải, chỉ là một hình ảnh biểu lộ một phương diện của dấu chỉ bí tích, chứ không là toàn bộ cơ cấu của bí tích.

Dưới bất cứ hình thái nào, bí tích Hòa giải là một hành vi hoán cải và hòa giải có chiều kích Giáo Hội, giữa kitô-hữu tội nhân với Thiên Chúa và Giáo Hội. Sự hòa giải thể hiện trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội, do một chức năng đặc biệt Đức Kitô trao phó. Dấu chỉ bên ngoài vừa bao gồm các hành vi của hối nhân biểu lộ trong Giáo Hội và trước mặt Giáo Hội nỗ lực hoán cải và đền tội. Lời xá giải là lời hữu hiệu ban ơn tha tội, biểu lộ và "nhập thể" trong Giáo Hội, lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lòng thương xót của Thiên Chúa gặp gỡ hành vi hoán cải của hối nhân, nâng hành vi ấy lên thành yếu tố hòa giải hữu hiệu với Thiên Chúa, với Giáo Hội, với tha nhân. Bí tích Hòa giải vừa là dấu chỉ sự hoán cải của toàn thể Giáo Hội (Dân Chúa), vừa là dấu chỉ ơn thánh hóa. Toàn thể Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chiến đấu hữu hiệu chống lại tội lỗi của các chi thể trong cơ chế nội bộ, cũng như trong lòng xã hội. Giáo Hội luôn cộng tác tích cực vào sự hoán cải của con người, sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa và với nhau, nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần.

Từ ý nghĩa đầu tiên và cơ bản này của bí tích Hòa giải, chúng ta sẽ thấy được tương quan mật thiết giữa kitô-hữu tội nhân với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, thể hiện trong bí tích Giải tội.

Bí tích Hòa giải là dấu chỉ tưởng nhớ biến cố Vượt Qua của Đức Kitô : con người Đức Giêsu đón nhận thập giá như dấu chỉ cao nhất của tình yêu và sự vâng phục Thiên Chúa để cứu độ nhân loại, dấu chỉ của tình yêu và sự định hướng toàn diện, sự hoán cải cơ bản và quyết liệt nhất của con người hướng về Thiên Chúa và tha nhân. Sự hoán cải chiến thắng và vượt qua tội lỗi, vì tội lỗi tách rời chúng ta khỏi Thiên Chúa và anh em, còn hoán cải đưa chúng ta trở về gần gũi với Thiên Chúa và với anh em. Bí tích Hòa giải còn là dấu chỉ tưởng nhớ biến cố Vượt Qua của Đức Kitô vì là sự hòa giải được tặng không giữa những con người tội lỗi với Thiên Chúa và với nhau, là sự biểu lộ hữu hiệu và cao cả tình yêu trung thành của Thiên Chúa, Đấng, qua cuộc Tử Nạn - Phục Sinh của người Con Yêu Dấu, đã niêm ấn Giao Ước mới và vĩnh cửu, đã hòa giải họ với chính mình và với nhau.

Bí tích Hòa giải con là dấu chỉ minh chứng mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Việc đón nhận thập giá chiến thắng sự từ khước của nhân loại đối với chương trình của Thiên Chúa, biểu lộ hữu hình trong việc chấp nhận đền tội và nỗ lực hoán cải của Giáo Hội cũng như của hối nhân. Hối nhân chấp nhận thánh giá, rời bỏ con người cũ, con người ích kỷ, đóng kín đối với tình yêu của Thiên Chúa và của tha nhân. Lòng thương xót của Thiên Chúa biểu lộ qua lời rao giảng và đời sống bác ái của Giáo Hội. Chính vì đời sống bác ái mà Hội Thánh giúp đỡ, sửa dạy, tha thứ cho các chi thể đã phạm tội. Giáo Hội tiếp tục hoán cải và tự canh tân không ngừng. Mọi sự đều biểu lộ và tập trung cách đặc biệt vào lời hữu hiệu ban ơn tha tội và hòa giải.

Bí tích Hòa giải còn là dấu hiệu tiên báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Đó là bước khởi đầu, dù chưa trọn vẹn và tối hậu, khai trương chiến thắng sau cùng và trọn vẹn trên tội lỗi, mở đầu cho sự hoán cải cánh chung và dứt khóat của các hối nhân, sự hòa giải trọn vẹn giữa con người với Thiên Chúa và với nhau. Khi cử hành bí tích Hòa giải, hối nhân và toàn thể Giáo Hội được giải thoát khỏi tội lỗi, được hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân, do đó phải dấn thân hoàn tất sự hoán cải và hòa giải cánh chung, dần dần và từng bước trong hiện tại. Việc cử hành bí tích Hòa giải đóng góp xây dựng đời sống người kitô-hữu, đời sống của Giáo Hội và thế giới. Đó là giây phút quan trọng trong cuộc chiến chống tội lỗi nơi chính mình, nơi tha nhân, trong các cơ chế Giáo Hội và trong lòng thế giới. Đó cũng là giây phút đặc biệt để xây dựng tình yêu và sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa và với nhau.

Bí tích Hòa giải ban ơn tha tội, biến đổi người kitô-hữu, canh tân sức lực, thúc đẩy họ thi hành sứ vụ của mình trong Giáo Hội và thế giới. Là một sự can thiệp tự do và nhưng không của tình yêu Thiên Chúa vào lịch sử đặc thù của người kitô-hữu và của Giáo Hội, để xây dựng - với sự cộng tác của con người - Vương Quốc cánh chung của Thiên Chúa, bằng cách giải thoát tạo thành khỏi "gông cùm của tội lỗi", nâng cao và phát triển các giá trị tạo thành, bằng cách tháp nhập chúng vào trong năng động thanh tẩy, và biến hình của mầu nhiệm Vượt Qua, cho tới khi mọi sự được thâu hồi trọn vẹn trong Đức Kitô.

2. Bí tích Hòa giải và mầu nhiệm Ba Ngôi

Bí tích Hòa giải làm cho chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận ơn tha tội trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Bước thêm một bước, chúng ta đi sâu vào gốc rễ của mầu nhiệm vượt qua là mầu nhiệm Ba Ngôi, mà chúng ta có thể chiêm ngưỡng từ bất cứ góc cạnh nào.

Chúng ta bắt đầu từ Cứu-chuộc-học, vì mục tiêu của mọi bí tích là mang lại ơn cứu chuộc cho chúng ta. Ơn cứu chuộc ấy cũng chính là ơn tha tội mà chúng ta lãnh nhận trong bí tích Hòa giải.

Đôi khi, vì thiếu chiều sâu, thiếu lòng đạo, chúng ta hiểu chưa đúng mức giá trị ơn cứu chuộc, chúng ta coi thường, không trân trọng, không thiết tha với ơn cứu chuộc.

Chúng ta nên trở lại tư tưởng của Phaolô về giá cứu chuộc. Chúng ta đã được cứu chuộc, giá cả hẳn hoi (1 Cr 6,20). Ơn cứu độ không phải là một món hàng rẻ tiền, nhưng đã phải trả bằng giá cao nhất, là mạng sống. Giá này, chính Chúa Giêsu đã trả. Sự trả giá là một hành vi tự nguyện, phát xuất từ tình yêu. Nói theo Tin Mừng Gioan, "không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh tính mạng vì người mình yêu" (15,13). Giá ở đây không phải là giá trả cho ma quỷ, vì ma quỷ không có quyền gì trên loài người chúng ta ; cũng không phải là giá trả cho Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không phải là một người Cha độc ác đòi Con mình trả giá máu để cứu chuộc Hội Thánh. Nhưng giá ấy là giá của tình yêu. Giá càng cao, tình yêu càng nhiều. Nói theo kiểu thư I Phêrô, "tình yêu khỏa lấp muôn vàn tội lỗi" (4,8). Tình yêu không chấp nhất gì cả, mà tha thứ tất cả (x. 1 Cr 13,7).

Trong bí tích Giải tội, chúng ta đón nhận tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống cho những người mình yêu. Vì lý do này mà bí tích Giải tội có tương quan mật thiết với bí tích Thánh Thể. Nhưng trong bí tích Giải tội, chúng ta đón nhận tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu dưới một dạng khác. Dạng này giống như điều mà chúng ta lãnh nhận trong bí tích Rửa tội : chúng ta được sạch tội, được giải thoát, được trở lại làm con của Thiên Chúa, làm chi thể sống động của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Có điều khác biệt là chúng ta không lãnh nhận ấn tín mà chúng ta đã một lần lãnh nhận trong phép Rửa, vì ấn tín ấy chỉ ghi khắc có một lần. Sự khác biệt thứ hai là chúng ta phải đền tội, vì tình yêu của Chúa muốn chúng ta chứng tỏ là chúng ta đã thật sự hoán cải. Vả lại, tội phạm sau khi chịu phép Rửa, đã biết Chúa và tin Chúa, thì nặng nề hơn các tội phạm trước khi chịu phép Rửa.

Qua bí tích Giải tội, chúng ta được phục hồi sự sống mà chúng ta đã làm mất hay giảm thiểu. Sự sống của chúng ta được phục hồi nhờ việc tiếp xúc với Đức Kitô Phục Sinh, nhận lãnh Thánh Thần từ Đức Kitô Phục Sinh. Trong bí tích Giải tội, chúng ta như đón nhận nước và máu chảy ra từ cạnh sườn của Chúa.

Ơn tha tội trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong Tân Ước, cũng chính là ơn cứu độ. Tha tội có nghĩa là cho thông phần, cho hưởng hạnh phúc, là đón nhận người con hoang đàng trở về.

Tha tội là hành vi của Chúa Cha giàu lòng thương xót, Đấng luôn luôn yêu dấu chúng ta, dù chúng ta bất trung, Đấng hằng ngày chờ đợi chúng ta trở về. Thậm chí Người còn là Đấng không ngừng đi tìm chúng ta. "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1 Ga 4,8). Đối với tội nhân, tình yêu biểu lộ cụ thể nhất qua ơn tha thứ. Tha thứ là bảo chứng của tình yêu quảng đại, tình yêu không nghĩ đến bản thân, không nghĩ tới sự xúc phạm. Tình yêu luôn tha thứ là một tình yêu không tự ái.

Nói như thánh Phaolô, mặc dù chúng ta phạm tội, xa rời Thiên Chúa, xúc phạm đến Người, mặc dù lỗi tại chúng ta hoàn toàn, chính Thiên Chúa muốn hòa giải chúng ta lại với Người, nhờ bửu huyết Con Yêu Dấu của Người (x. Cl 1,20).

Sự bất hòa giữa chúng ta với Thiên Chúa mang lại đau khổ và sự chết cho chúng ta, vì chúng ta phải xa lìa Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Gốc và Cùng Đích của mọi sự, Thiên Chúa là Hạnh Phúc, là Gia Nghiệp đời ta. Mất Người là mất tất cả. Có Người là có tất cả.

Trong sự tự hiến của Chúa Kitô, chính Chúa Cha đã tự hiến cho chúng ta. Sự tự hiến ấy biểu lộ trọn vẹn qua thập giá Đức Kitô và thể hiện hằng ngày trong bí tích Thánh Thể. Chúa Cha tự hiến cho chúng ta bằng cách ban Con Một Người cho chúng ta. Trong bí tích Hòa giải, chúng ta đón nhận tình yêu tự hiến của Chúa Cha một cách khác. Tình yêu ấy biểu lộ bằng sự tha thứ, sự quên mình hoàn toàn của Thiên Chúa. Điều quan trọng là nhân loại và cả vũ trụ vạn vật được giao hòa trở lại với Đấng là Tác Giả sáng tạo nên chúng. Sự giao hòa ấy thể hiện nơi Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, vì Đức Kitô vừa là Con Một Thiên Chúa vừa là người anh em với chúng ta. Máu Đức Kitô là Máu Tân Ước vĩnh cửu đổ ra cho chúng ta và nhiều người được tha tội.

Công tác giao hòa cũng là công tác của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng nối kết. Ơn thông hiệp là ơn của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần nối kết chúng ta lại với Chúa Giêsu và với Thiên Chúa. Tiên vàn Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta hoán cải, hồi đầu trở lại với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần, chính là tình yêu mà Chúa Cha ban cho chúng ta, là Lòng Mến của chính Thiên Chúa ở trong chúng ta, để nhờ đó, chúng ta yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Chúa Kitô và yêu mến anh em.

Chúa Thánh Thần còn là Đấng thánh hóa, thanh luyện tâm hồn chúng ta, cho chúng ta được trong sạch. Chúa Thánh Thần là Đấng tẩy xóa tội lỗi, là Sức Mạnh của Thiên Chúa chiến thắng tội lỗi và sự dữ. Do đó, để tha tội cho chúng ta, Thiên Chúa ban Thánh Thần cho chúng ta. Chính Đức Kitô, trước khi ban "quyền chìa khóa" cho các Tông Đồ, đã thổi hơi trên họ và ban Thánh Thần cho họ (Ga 20,22). Thừa tác vụ tha tội mà họ lãnh nhận là thừa tác vụ của Chúa Thánh Thần.

Khi lãnh nhận bí tích Hòa giải, chúng ta lãnh nhận ơn tha tội cũng là ơn cứu độ, và cũng là ơn Thánh Thần, là chính Thánh Thần như một Hồng Ân.

Trong bí tích Giải tội, có lãnh nhận Thánh Thần, chúng ta mới được ơn thánh hóa, chúng ta mới trở nên giống Đức Kitô và trở nên con cái tự do của Thiên Chúa. Nhờ Thánh Thần, chúng ta cùng chết với Đức Kitô để cùng sống lại với Người. Thánh Thần đã tái sinh chúng ta trong phép Rửa, làm cho chúng ta nên con người mới ; giờ đây canh tân đổi mới chúng ta trong bí tích Hòa giải. Mỗi lần lãnh nhận bí tích Giải tội là một lần rũ bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới, cùng với Chúa Kitô trở thành Ađam-mới. Cứu chuộc là một công trình tạo dựng mới, trên một bình diện cao hơn và bình diện ấy là bình diện của Thánh Thần, không còn là bình diện xác thịt hay máu huyết nữa.

B. CHIỀU KÍCH GIÁO HỘI CỦA BÍ TÍCH HÒA GIẢI

Khi đi xưng tội, nhiều tín hữu nghĩ rằng họ đến với Thiên Chúa, với Đức Kitô để xin ơn tha tội. Điều đó đúng, nhưng đôi khi họ quên hẳn vai trò của Giáo Hội. Bí tích luôn luôn là hành vi của Giáo Hội. Mỗi bí tích đều khai triển và ứng dụng cơ cấu bí tích của Giáo Hội, Nhiệm Thể hữu hình và tại thế của Đức Kitô vinh hiển.

Kitô-hữu tội nhân gặp gỡ Thiên Chúa trong bí tích Hòa giải khi tiếp xúc với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, nhờ sự trung gian của Giáo Hội. Giáo Hội luôn thực hiện vai trò trung gian hai chiều của mình trong mỗi bí tích : 1) từ trên xuống : Giáo Hội cống hiến cho chúng ta ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa ; 2) từ dưới lên : Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa việc phụng tự của loài người chúng ta.

1. Hòa giải với Thiên Chúa qua sự hòa giải với Giáo Hội

Công Đồng Trentô đã định tín : bí tích Giải tội làm cho tội nhân hối cải được giao hòa với Thiên Chúa và được ơn tha tội.

Hiến chế Lumen Gentium và Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis đều khẳng định vừa sự hòa giải với Thiên Chúa, vừa sự hòa giải với Giáo Hội (GH 11b ; LM 5a). Tương quan giữa hai sự hòa giải chưa được các Công Đồng khai triển. Nhưng, ngày nay, nhiều nhà thần học dựa trên các dữ kiện Kinh Thánh và giáo phụ đã làm công việc này, và cho rằng sự hòa giải với Giáo Hội là dấu chỉ bên ngoài, nhờ đó mà hối nhân được hòa giải với Thiên Chúa.

Sự hòa giải với Thiên Chúa trong bí tích Giải tội làm cho con người có tội trở về với tình bằng hữu của Thiên Chúa. Đó là hồng ân tặng không của Chúa Thánh Thần, Đấng ban ơn tha tội cho hối nhân, nâng đỡ hối nhân trong nỗ lực hoán cải nhờ "lời Xá giải hữu hiệu". Chúa Thánh Thần nâng hối nhân chỗi dậy và đưa vào trật tự cứu độ, gắn liền với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.

Hòa giải với Giáo Hội là xóa bỏ sự tách lìa với Giáo Hội mà tội trọng của người kitô-hữu đã tạo ra. Phạm tội trọng là từ khước tình yêu, từ chối Thánh Thần, Đấng linh hoạt Giáo Hội. Xa rời Thiên Chúa cũng là xa lìa Giáo Hội, không theo nghĩa hữu hình và toàn diện, vì nhờ ấn tín phép Rửa, kitô-hữu tội nhân vẫn tiếp tục thuộc về Giáo Hội ; nhưng có một sự tách lìa vô hình khỏi tình yêu cứu độ trong Giáo Hội, Hồng Ân mà Thánh Thần ban cho Giáo Hội.

Hòa giải với Giáo Hội có nghĩa là xóa bỏ khoảng cách vô hình và nhận người kitô-hữu trở lại môi trường tình yêu của Giáo Hội. Hòa giải là sự bình an của Giáo Hội (pax Ecclesiae). Trở về sự bình an trong Giáo Hội là nhận lãnh ơn tha tội, nhận lãnh tình yêu của Thiên Chúa và Giáo Hội, nhận lãnh ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, kết hiệp chúng ta lại với Giáo Hội, với Chúa Kitô và Chúa Cha.

Người kitô-hữu có tội đã chống lại và tách rời Thiên Chúa và anh em, được tha tội, tìm lại được tình yêu của Thiên Chúa nơi tình yêu của anh em. Tình yêu huynh đệ này là hiện thân hữu hình và lịch sử của tình yêu Thiên Chúa. Sự trở về và hòa giải của người kitô-hữu với Thiên Chúa thể hiện qua sự trở về và hòa giải với Giáo Hội.

Nếu dùng ngôn ngữ của thần học kinh viện, thì sự hòa giải với Giáo Hội (pax cum Ecclesia) là "res et sacramentum" của bí tích Hòa giải. Đó là hậu quả trực tiếp của dấu chỉ bên ngoài, đồng thời là dấu chỉ hữu hiệu của sự hòa giải với Thiên Chúa. Nhưng dùng ngôn ngữ này thì hơi gượng ép, vì sự hòa giải với Giáo Hội không là một hậu quả trung gian giữa dấu chỉ bí tích và sự hòa giải với Thiên Chúa. Hòa giải với Giáo Hội là giao hòa với tình yêu của Giáo Hội, là trở về mầu nhiệm hiệp thông nối kết mọi tín hữu với Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, và do đó không thể tách biệt với sự hòa giải với Thiên Chúa.

2. Sự thể hiện "chức tư tế" của Giáo Hội

a. Thể hiện "chức tư tế cộng đồng" trong bí tích Hòa giải

Trước hết, chính hối nhân thể hiện chức tư tế cộng đồng của mình. Hối nhân không lãnh nhận bí tích cách thụ động, nhưng luôn có phần chủ động trong dấu chỉ bí tích, các hành vi thống hối của tội nhân diễn tả và thể hiện ấn tín phép Rửa, biểu lộ tương quan hữu hình việc họ thuộc về Giáo Hội. Chúng có giá trị dấu chỉ biểu lộ ân sủng mới của Thiên Chúa trong Giáo Hội. Theo thánh Tôma, kitô-hữu góp phần vào cử chỉ hay nghi thức bí tích, do đó cộng tác như một nguyên nhân dụng cụ mang lại ơn hòa giải. Cũng có thể nói như Karl Rahner : "Vì cử hành bí tích là phụng vụ đúng nghĩa, hối nhân, khi xưng tội, thực hiện chức năng của mình trong phụng vụ của Giáo Hội. Hối nhân không chỉ lãnh nhận hậu quả của hành vi phụng vụ. Nơi chính hối nhân, Giáo Hội hành động và cử hành các mầu nhiệm. Phụng vụ thật là cảm động, vì là phụng vụ của Giáo Hội gồm những tội nhân" (La Paenitenzia della Chiesa, ed. Paoline, Roma 1964, p. 86).

Ngoài vai trò của hối nhân, toàn thể Giáo Hội đều thi hành chức tư tế cộng đồng của mình : "Giáo Hội hằng lấy đức ái, gương lành và kinh nguyện, để hoán cải" (GH 11b).

Ngoài chứng từ gương sáng, lời cầu nguyện của Giáo Hội (đi đôi với đức ái do Thánh Thần) là lời cầu nguyện hữu hiệu, là hiện thân hữu hình và lịch sử của lời cầu nguyện của Đức Kitô. Lời cầu nguyện này không những đưa tới ơn thống hối cho tội nhân, mà còn mang lại sự hòa giải và ơn tha thứ. Lòng bác ái của cộng đoàn đối với người anh em có tội không những làm cho người anh em đó hoán cải, nhờ sửa đổi nhẹ nhàng và với tình yêu, giúp đỡ người anh em trong nỗ lực sám hối, mà còn cộng tác vào sự hòa giải bằng việc tha thứ và đưa tội nhân trở lại môi trường yêu thương của Giáo Hội.

b. Thể hiện "chức tư tế thừa tác"

Sự thể hiện chức tư tế cộng đồng của toàn thể Giáo Hội trong việc cử hành biù tích Hòa giải không miễn trừ, trái lại còn đòi hỏi việc thi hành chức tư tế thừa tác. Theo ý muốn của Đức Kitô, thừa tác viên bí tích Hòa giải, người duy nhất có thể đọc lời Xá giải thành sự, là Giám mục hay là linh mục được thông phần chức tư tế của Giám mục.

Các thừa tác viên hành động không những nhân danh Đức Kitô, mà còn nhân danh Giáo Hội. Chức tư tế phẩm trật của họ nhằm phục vụ chức tư tế cộng đồng, vì thực hiện hữu hiệu cách khách quan mục tiêu phụng thờ Thiên Chúa và cứu độ loài người mà chức tư tế cộng đồng hướng về.

Kitô-hữu hối nhân nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa nhờ gia nhập lại Cộng Đồng Huynh Đệ. Trong giai đoạn hiện tại của lịch sử cứu độ, Cộng Đồng ấy vừa thánh thiện vừa tội lỗi. Tình yêu của Thiên Chúa vừa được biểu lộ, vừa bị che khuất bởi đời sống của Giáo Hội. Chi thể đã phạm tội làm sao có thể chắc chắn rằng trong tình thương huynh đệ có lòng thương xót của Thiên Chúa hiện diện cách hữu hình và hữu hiệu ? Không có người anh em nào, cũng không có cộng đồng nào trong cụ thể dám coi mình là đại diện, là trung gian hoàn hảo đưa tới chiến thắng cuối cùng của lòng thương xót của Thiên Chúa, đã thể hiện trong Đức Kitô và sẽ hoàn tất trong ngày cánh chung.

Để Giáo Hội có thể trở thành hiện thân hữu hình và hữu hiệu cho tình yêu cánh chung của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã lập chức tư tế thừa tác với những chức năng đặc biệt do Người trao cho qua bí tích Truyền Chức.

Sự hòa giải bí tích của kitô-hữu tội nhân là hành vi của toàn thể Giáo Hội, chứ không là hành vi cơ chế, phẩm trật. Nhưng sự can thiệp của thừa tác viên tuyệt đối cần thiết, để làm cho tội nhân tiếp xúc được với lòng thương xót của Thiên Chúa, tình huynh đệ của Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết nhờ biến cố Tử Nạn - Phục Sinh. Nhờ sự can thiệp của thừa tác viên, tình yêu và lời cầu nguyện của Cộng Đồng Giáo Hội cũng hiện diện, dù là rất kín đáo.

Cần lưu ý rằng thừa tác viên không làm điều gì hoàn toàn khác biệt với hành vi của Cộng đoàn Giáo Hội, mà chỉ phục vụ Cộng đoàn, nhờ nâng cao hành vi cộng đồng lên bình diện bí tích, với sự hữu hiệu cứ-sự riêng cho bảy bí tích.

Trong Giáo Hội mà hối nhân xưng thú tội lỗi, một người anh em đã nhận lãnh từ Chúa Kitô sứ mạng làm cho việc xưng tội ấy có giá trị bí tích, dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu mang lại ơn cứu độ.

c. Lời Xá giải là lời tha tội hữu hiệu ngỏ với người kitô-hữu tội nhân thật lòng thống hối

Lời Xá giải là lời tha tội hữu hiệu, chứ không chỉ là lời tuyên bố. Đó là "lời đức tin", do thừa tác viên đọc với quyền bính đã lãnh nhận từ Chúa Kitô. Đó là lời biểu lộ hữu hiệu ơn tha tội của Thiên Chúa. Giáo Hội, qua thừa tác viên của mình, đọc lên lời ấy, kết hiệp mật thiết với Đức Kitô và Thánh Thần của Người. Lời ấy hữu hiệu do quyền thánh chức (potestas ordinis) và quyền tài phán (potestas jurisdictionis) của thừa tác viên. Công Đồng Trentô không xác định tương quan giữa hai quyền ấy. Trong giới thần học hiện nay có ba ý kiến :

1) Phân biệt rõ rệt giữa hai quyền : quyền thánh chức do ấn tín linh mục, quyền tài phán do hành vi trao quyền của cấp bậc có Thẩm quyền (= Giám mục). Cả hai thứ quyền đều cần, vì bí tích Giải tội hòa giải tội nhân với Thiên Chúa, cần quyền thánh chức ; đồng thời hòa giải tội nhân với Giáo Hội nên cần quyền tài phán. Hai sự hòa giải này đi đôi với nhau, gắn liền với nhau, nên đòi hỏi phải có cả hai quyền để lời Xá giải thành sự.

2) Bí tích Truyền Chức đã ban cho đầy đủ quyền cần thiết để hòa giải tội nhân với Thiên Chúa và Giáo Hội. Quyền tài phán được ban thêm, cần ho lời Xá giải thành sự, như một điều kiện : xác định những đối tượng mà linh mục có quyền ban ơn tha tội, quyền mà ngài đã lãnh nhận khi chịu chức.

3) Ý kiến thứ ba công nhận bí tích Truyền Chức ban quyền tha tội. Nhưng quyền ấy do Giáo Hội ràng buộc, và không thực hiện thành sự nếu không có quyết định của Giáo Hội. Việc trao quyền tài phán cần thiết để giải tội thành sự, nhưng không là trao một quyền mới, mà chỉ là giải tỏa ràng buộc của Giáo Hội.

Cả ba ý kiến đều không giải thích được cách trọn vẹn tại sao một người, sau khi đã lãnh nhận chức linh mục, còn phải nhận lãnh quyền giải tội do Đấng Bản Quyền Giám mục thì mới giải tội thành sự.

Cả ba cách giải thích, tuy có nói đến Giáo Hội, nhưng chưa làm nổi bật tối đa chiều kích Giáo Hội. Dĩ nhiên bí tích nào cũng là hành vi của Giáo Hội. Nhưng trong lịch sử bí tích Hòa giải cho thấy vai trò của Giáo Hội, ngay cả trên bình diện hữu hình và xã hội, là một vai trò chủ chốt. Dù cách cử hành bí tích có biến chuyển đến mức nào đi nữa, ví dụ vào thời Trung cổ, kỷ luật xá giải vẫn luôn luôn do Giám mục, do lãnh đạo Giáo Hội. Không thể nói đến bí tích Hòa giải mà không nói đến Giám mục. Giám mục nhận, đó là Đức Kitô nhận, là Thiên Chúa nhận người con hoang đàng trở về.

Việc lãnh nhận quyền giải tội từ Giám mục không chỉ mang tính pháp lý, mà còn có ý nghĩa thần học sâu xa, nhất là ý nghĩa Giáo-hội-học.

3. Công việc mục vụ của Giáo Hội

Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay, khi mục vụ bí tích Hòa giải đang gặp khó khăn, khủng hoảng, nhất là đối với giới trẻ, phải làm thế nào để ý nghĩa Giáo Hội được nổi bật khi cử hành bí tích. Những nơi nào có thể được, nên đề cao vai trò của Giám mục như người Hướng dẫn dân Chúa trên con đường hoán cải.

Với Công Đồng Vaticanô II, vai trò của Dân Chúa được đề cao trong việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể. Dân Chúa đóng vai trò tích cực. Cùng với linh mục là người đứng đầu, Dân Chúa cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Khi cử hành thánh lễ, rõ ràng cả Giáo Hội hiện diện, cả Giáo Hội đón nhận Đức Kitô đến để cùng vượt qua với Chúa. Nhưng vai trò của Dân Chúa trong việc cử hành bí tích Hòa giải chưa được nhấn mạnh đủ, dù có được nói tới. Công Đồng chỉ nói đến việc hối nhân hòa giải không những với Thiên Chúa, mà cả Giáo Hội. Thực ra, hơn mọi bí tích khác, vai trò của Dân Chúa, của Nhiệm Thể Chúa Kitô phải nổi bật nơi bí tích Hòa giải. Khi một chi thể của Nhiệm Thể hư mất, cả Nhiệm Thể phải đau đớn, phải than vãn khóc lóc, ăn chay cầu nguyện, làm mọi cách để chi thể ấy sống lại. Cả Dân Chúa phải nâng đỡ tội nhân trong nỗ lực hoán cải. Cùng với tội nhân, mọi thành phần Dân Chúa đều phải thú nhận thân phận tội lỗi của mình. Cả Dân Chúa cũng phải đền tội cho tội nhân và với tội nhân. Chúa Kitô vô cùng sung sướng khi thấy cả Giáo Hội nỗ lực hoán cải, vì trong nội bộ còn nhiều tội nhân. Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội như yêu một người hôn thê xinh đẹp, nhưng càng yêu thắm thiết khi người hôn thê yêu dấu khiêm nhường, nhận ra sự bất xứng của mình.

Có lẽ chúng ta cần suy nghĩ lại về việc xưng tội quá máy móc của trẻ con, thậm chí của cả người lớn, trong nhiều giáo xứ hiện nay.

Chúng ta không nên lạm dụng việc giải tội tập thể, cũng không nên để các buổi thống hối cộng đồng lấn át việc xưng tội cá nhân. Nhưng cũng đừng quên rằng việc cử hành bí tích Hòa giải cho cá nhân phải làm cho cá nhân tiếp xúc thực sự với lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ sự chân thành hoán cải, qua sự thú nhận thật tình và sự đền bù xứng đáng. Đừng quên rằng bí tích Hòa giải cho cá nhân là dấu chỉ sự thống hối của cả Cộng Đồng.

Trong một giáo xứ với hai ngàn bổn đạo, nếu giáo dân xưng tội hằng tuần, cách máy móc, theo thói quen và không tiến bộ gì sau khi xưng tội, thì chắc chắn cha sở sẽ đuối sức, mà không mang lại kết quả nào cho đàn chiên. Trái lại, nếu giáo dân xưng tội ba tháng một lần, việc giải tội sẽ thưa hơn và cha giải tội sẽ có thời giờ đối thoại với hối nhân, nâng đỡ hối nhân, chữa lành các vết thương cho hối nhân. Cha giải tội sẽ thực hiện được hình thức giải tội cho cá nhân mà Bộ Phụng tự đã đề ra trong Ordo Paenitentiae, công bố ngày 02.12.1973 (caput I : Ordo ad reconciliandos singulos paenitentes ; Ordo Paenitentiae, editio typica, typis polyglottis vaticanis, 1974, pp. 26-28).

Không nên lạm dụng hiệu năng "cứ-sự" (ex opere operato) trong việc cử hành bí tích Hòa giải. Vả lại hiệu năng cứ-sự của bí tích Hòa giải không giống trường hợp bí tích Thánh Thể (bánh rượu - lời truyền phép - thừa tác viên có ý hướng). Phải có ăn năn tội và đền tội, thì bí tích mới hoàn tất.

Trong việc mục vụ bí tích Hòa giải hiện nay, có lẽ yếu tố "đền tội" chưa được đặt nặng đủ. Linh mục không nên chất gánh nặng lên vai giáo dân, nhưng cũng không nên coi thường việc đền tội, nại vào lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Nếu không khéo, chính sự coi thường việc đền tội sẽ làm cho người giáo dân dần dần mất ý thức tội lỗi. Nếu trở về với lịch sử Giáo Hội, thì việc đền tội là một yếu tố quan trọng trong việc cử hành bí tích Hòa giải. Việc đền tội không được nhìn với cái nhìn pháp lý, nhưng phải có quan điểm đức tin. Đền tội biểu lộ ước muốn sâu xa của tội nhân bù đắp lại tình yêu mà họ đã làm đổ vỡ. Ai ý thức sự trầm trọng của tội lỗi mình, thật lòng thống hối, và tâm hồn thực sự có tình yêu đối với Thiên Chúa và Giáo Hội, sẽ không ngại, không tính toán trong việc đền tội.

Giáo Hội hôm nay, hơn bao giờ hết, nên khơi lại ý thức đền tội, dường như đã mai một nơi rất nhiều người giáo dân, đặc biệt nơi người trẻ, bằng việc tổ chức những ngày đền tội chung cho giáo xứ hoặc cho các giới trong giáo xứ dưới nhiều hình thức, như : hành hương, chia sẻ và bố thí, lao động phục vụ những người nghèo hay phục vụ một chương trình công ích trong Giáo Hội hay xã hội.

Việc xưng các tội nhẹ cũng rất có ích, nhưng không nên quên rằng bí tích Thánh Thể là phương dược hoàn hảo chữa lành các vết thương của linh hồn và tăng cường sức lực cho người kitô-hữu. Mục tiêu của người kitô-hữu khi xưng tội là được "hồi sinh". Bí tích Thánh Thể ban cho họ sự sống của Chúa Kitô, để nhờ đó họ nên vững mạnh chờ ngày Chúa đến.