LINH ÐẠO HÀNH HƯƠNG


Lm. Antôn Nguyễn Ðức Khiết

Một trong những dấu chỉ truyền thống của năm thánh là hành hương. Nói tới năm thánh là nói tới hành hương.

Hành hương không phải là nét riêng của Kitô giáo và không do sáng kiến của Kitô giáo, nhưng là một hiện tượng chung của nhiều tôn giáo như Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo. và là một hiện tượng tôn giáo từ thời rất xa, thuộc nhiều nền văn hoá khác nhau.

Hành hương là một hành trình đi đến một nơi thánh với mục đích tôn giáo. Nơi thánh trở nên 'trung gian' giữa con người và "Thần minh". Tự bản chất, hành hương không phải là một cuộc tham quan du lịch hay là đi nghỉ hè.

Trong miền Cận Ðông cổ thời, các đền thờ được xây dựng lên như dấu chỉ thần linh hiện diện và có đền thờ đã trở thành nơi hành hương thu hút khách thập phương. Câu chuyện về thị kiến của Giacob ở Béthel trong sách Sáng Thế 28, 10-22 có lẽ đã được sử dụng để giải thích sự hiện hữu của đền thờ cho Giavê ở đây.

Sách ngôn sứ Amos cho ta chứng từ về Béthel vẫn còn là trung tâm hành hương vào thế kỷ VIII trước Công nguyên.

Kinh thánh ghi nhận về một vài trung tâm hành hương khác với Béthel. Sách Thủ lãnh và sách I Samuel cho thấy Silô là trung tâm hành hương hằng năm (Tl 21, 19-21 ; 1Sm 1, 3-7). Việc người Philitinh phá hủy thành phố này đã đóng cửa trung tâm hành hương Silô. Một số nơi hành hương khác như Gibéon, nơi vua Salomon cầu xin ơn khôn ngoan (1V 3, 4), như Beersheba, nơi con cái Israel tưởng nhớ Abraham đào giếng nước, ký kết giao ước thiện hảo với vua Avimeléc và trồng một cây liễu bách tại đây để kêu cầu Danh Giavê. (St 21, 22-34), như Gilgal, cửa ngỏ đưa Dân Israel tiến vào Ðất hứa (Gs 4, 19-5, 12 ; Hs 4, 15 ; Am 4, 4-5).

Tuy nhiên, Cựu ước cho ta thấy rõ ràng có một ý hướng muốn làm cho Giêrusalem thành trung tâm hành hương duy nhất của Israel. Ðavít và Salomon đã có ý muốn này. Ðavít làm cho Giêrusalem trở thành trung tâm của đời sống tôn giáo trong triều đại của ông khi tổ chức một cuộc rước trọng thể Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà ông Ôvét Êđôm lên Thành của Ðavít và đặt vào lều đã dựng sẵn (2Sm 6, 12-19). Salomon đã xây dựng đền thờ ở đây (1V 6) và biến thành trung tâm hành hương. Khi triều đại Ðavít bị phân đôi nam bắc sau cái chết của Salomon, Giêroboam I, vì lý do chính trị, không muốn cho dân của mình lên Giêrusalem để tế lễ Giavê, sợ họ đi theo vua nước Giuda là Rơ-kháp-am, nên ông đã thiết lập các đền thờ ở Béthel và Ðan như để đối kháng lại Ðền thờ Giêrusalem (1V 12, 26-30).

Sau cuộc lưu đầy tại Babylon, vì lý do kinh tế khó khăn của cuối thế kỷ VI trước Công nguyên , việc xây dựng lại các đền thờ ở Giuda là bất khả thi. Ngay cả với sự trợ giúp tài chính của Ðế quốc Ba Tư thì việc xây dựng lại Ðền thờ Giêrusalem chỉ thực hiện được sau năm -515, nghĩa là khoảng 24 năm sau cuộc hồi hương. Việc tái thiết này củng cố cho truyền thống Thứ luật muốn coi Ðền thờ Giêrusalem là trung tâm của Do Thái giáo (x. Dnl 16, 16) và người Do Thái phải về đây trong dịp mừng ba Ðại Lễ : Vượt qua, Ngũ tuần và Lễ lều.

Tân ước kể lại những lần hành hương hàng năm của Ðức Maria và thánh Giuse lên Giêrusalem (Lc 2, 41). Luật Do Thái buộc phải hành hương mỗi năm ba lần : Lễ Vượt qua, Lễ Ngũ tuần và Lễ Lều (x.Xh 23, 14-17 ; 34, 22-23 ; Dnl 16, 16) hay là Lễ Bánh Không Men, lễ Mùa Gặt, Lễ Thu hoạch cuối năm. Lễ bánh không men nhắc lại biến cố Xuất hành. Lễ Mùa gặt để dâng của đầu mùa cho Giavê. Lễ Thu hoạch để tạ ơn Giavê. Từ những lễ mang đặc tính của nền canh nông, chúng biến thành những lễ mang chiều kích tôn giáo hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chúa của Dân giáo ước. Thiên Chúa là nguồn mọi ơn lành. Thiên Chúa là người Cha luôn ban ơn cho dân.

Tân ước cho ta thấy Giêrusalem đã thu hút khách hành hương vào các dịp đại lễ (Lc 2, 41-45 ; Ga 12, 20 ; Cv 2, 1-10). Gioan cũng tường thuật những lần hành hương của Ðức Giêsu lên Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua (Ga 2, 13), lễ Ngũ tuần (5, 1), lễ Lều (7, 2-10). Phúc âm nhất lãm chỉ tường thuật một chuyến hành hương duy nhất của Ðức Giêsu lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt qua và trong dịp này Ngài đã bị kết án và chết trên thập giá.

Những cuộc hành hương lên Giêrusalem từ các miền đất thuộc Palestine hay từ hải ngoại rất vất vả. Khách hành hương thường đi với nhau thành từng nhóm để giúp nhau và vì lý do an ninh (Tv 42, 4 ; 55, 14 ; Lc 2, 44).

Sách Thánh vịnh để lại cho ta biết một số bài hát về hành hương được hát lên trong cuộc hành trình. Những bài hát này thường diễn tả niềm vui (Tv 24 ; 84 ; 118 ; 120-134). Dù Giêrusalem và Ðền thờ bị người Rôma phá huỷ vào năm 70 sau công nguyên làm cho khát vọng hành hương của người Do Thái không thể thực hiện được, nhưng các thế kỷ đã làm chứng rằng từng đoàn người Do Thái liên tục đã đổ về Giêrusalem và cầu nguyện tại bức tường "Than Khóc" phía tây thành phố này.

Hành hương và Ðền thánh liên hệ mật thiết với nhau vì chính Thiên Chúa là đối tượng lòng khao khát của Dân giao ước. Lên Ðền đồng nghĩa với hành trình tìm gặp Thiên Chúa. Hiểu được như thế, ta sẽ thấy lý do tại sao hành hương là niềm mong mỏi và vui sướng của Dân Chúa.

Tân ước đã đón nhận ý tưởng hành hương và kitô hoá ý tưởng này. Cuộc đời kitô hữu giống như một cuộc hành trình đi về quê hương trên trời (Dt 11, 13-16 ; 1Pr 1, 17 ; 2, 11) và chính Thiên Chúa là Quê hương.

Khác với luật Do Thái, Tân ước không coi hành hương như một luật buộc. Dầu vậy, các kitô hữu đã đến Ðất Thánh như khách hành hương ngay từ đầu thế kỷ thế hai sau công nguyên. Theo sử gia Eusèbe, Giám mục Mélite thành Sardes (160) và giám mục Alexandre miền Cappadocia (216) đã hành hương đến Ðất thánh (Lịch sử Giáo hội 4, 26, 14 ; 6, 12). Nhưng cuộc hành hương của Hoàng đế Constantin và mẹ của ông là Hoàng thái Hậu Hélène đến Ðất thánh để lại một âm vang lớn nhất trong Kitô giáo thời thượng cổ. Cuối thế kỷ IV, một vài giáo phụ đã gán cho Hoàng thái Hậu Hélène việc tìm ra Thánh giá thật của Ðức Kitô vào năm 324. Vào thế kỷ thứ IV, Hoàng Ðế Constantin xây dựng những đền thờ lớn gắn liền với cuộc đời của Ðức Giêsu tại Ðất thánh. Ðây là những lý do chính yếu khai sinh việc hành hương đến Giêrusalem. Trong nhiều thế kỷ, hành hương về Giêrusalem luôn là cuộc hành hương quan trọng nhất.

Hai khách hành hương danh tiếng thời Thượng cổ Kitô giáo là Egérie, một phụ nữ người Tây Ban Nha và thánh Hiêrônimô. Egérie kể lại các chuyến hành hương của bà và để lại cho chúng ta nhiều chứng từ quý giá về sinh hoạt phụng vụ ở Giêrusalem vào cuối thế kỷ IV (384). Thánh Hiêrônimô đã chọn ở lại Bêlem như một đan sĩ.

Một nẻo đường khác của hành hương từ thời các giáo phụ là đi viếng mộ thánh Phêrô và thánh Phaolô tại Rôma, thánh Giacôbê tại Compostela. Khách hành hương đến những nơi này với niềm hy vọng được các Tông đồ che chở trong thời người man di xâm lăng đế quốc Rôma.

Vào thế kỷ thứ VII, Hồi giáo chiếm Ðất thánh. Cho tới lúc này, người kitô hữu vẫn còn tự do hành hương đến đây. Ðến khoảng năm 1000, hành hương đến các nơi thánh bị cấm. Thập tự quân được thành lập để giải phóng Giêrusalem. Nhiều nguyên nhân đưa đến việc thành lập thập tư quân, trong đó có cả lý do kinh tế và chính trị. Người thập tự quân vừa là "chiến sĩ giải phóng" vừa tự cho mình là khách hành hương hướng về Mộ Chúa và xem việc giải phóng Mộ Chúa như là phương thế để chuộc lại lỗi lầm trong đời.

Trong thời đại chúng ta, nhiều trung tâm Thánh Mẫu trở thành trung tâm hành hương như Lộ Ðức, Fatima.

Con đường trở về với lịch sử có thể phác họa cho chúng ta những nét chính yếu của Linh đạo Hành hương.

1- Hành hương và thân phận lữ khách của con người.

Thân phận hiện sinh của con người được ví như một kẻ lên đường. Con người là một hữu thể thời gian. Thời gian thuộc thành phần con người, tạo nên con người. Con người hiện sinh không ở ngoài thời gian. Thời gian gắn chặt với con người. Con người sinh ra, lớn lên và chết đi. Thời gian làm cho con người mang thân phận dòn mỏng, dễ vỡ, mong manh. Thời gian luôn đưa con người về phía trước, về phía của vĩnh cửu. Năm tháng ngày giờ làm cho cuộc đời ngắn lại. Mỗi ngày qua đi làm cho tôi già đi.

Biết về năm tháng thời giờ nằm trong chính thân phận con người là chìa khóa của khôn ngoan. Ðây là tâm tình của một vịnh gia :

"Lạy Chúa, xin dậy cho con biết :
đời sống con chung cuộc thế nào,
ngày tháng con đếm được mấy mươi
để hiểu rằng kiếp phù du là thế.
Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc,
kiếp sống này, Chúa kể bằng không.
Ðứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở
thấp thoáng trên đường tựa bóng câu.
Công vất vả ngược xuôi : làn gió thoảng
ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng " (Tv 38, 5-7)

Thân phận con người đã bèo bọt mong manh lại còn mang gáng nặng hiện hữu :

"Cộng niên tuế trong ngoài bảy chục,
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi
mà phần lớn chỉ toàn lao khổ
Thắm thoát cuộc đời chúng tôi đã bay đi "

Giáo phụ Irênê, vào cuối thế kỷ II, khi suy tư về con người trong tương quan với Thiên Chúa đã đưa ra một định nghĩa rất "hiện đại" về con người. Là tạo vật khác với Thiên Chúa, từ ban đầu, con người là một hữu thể chưa hoàn tất : "Thiên Chúa là... con người trở thành". "Trở thành" là thân phận con người. "Trở thành" làm cho đời người thành một chuyến xe và đi về vĩnh cửu. Trở thành là đi theo luật tăng trưởng, tiến triển. Quá trình trưởng thành nằm trong thân phận con người. Thân phận này hướng đến sự phát triển trên bình diện hiện hữu cá nhân cũng như trên bình diện lịch sử tâm linh của nhân loại và cuối cùng hướng đến một sự siêu việt. Hành trình của con người đi từ cái hữu hạn hướng về Vô hạn.

Khi đặt sự hoàn hảo của con người không phải ở khởi điểm nhưng ở tận điểm lịch sử của nó, cái nhìn này thực sự mới mẻ so với não trạng cổ thời, một não trạng thường coi trọng những gì thuộc về khởi thủy. Giáo phụ Irênê đã có một cái nhìn thật sâu sắc về lịch sử và những thực tại của lịch sử : con người liên hệ với thế giới, thể xác, vũ trụ đều liên kết với vận mệnh con người. Thời gian và lịch sử được cảm nghiệm không phải như là điều khiến ta mỏi mòn, mất kiên nhẫn, nhưng như là không gian của sự chín mùi, trong đó ý định của Thiên Chúa được hoàn thành.

Các khoa tâm lý ngày nay luôn nhấn mạnh đến tính năng động của sự tăng trưởng con ngưới. Xét dưới góc cạnh này thì con người luôn là một kẻ "lên đường" (The human being is always "on the road").

Giáo phụ Grêgôriô thành Nysse đã lấy câu chuyện Xuất hành như hình ảnh của con đường đi đến sự toàn thiện của người Kitô hữu (x. Cuộc đời Môsê, s. 112, 120, 228). Sự toàn thiện là một hành trình vượt qua, vượt qua từ những vong thân đến tự do, vượt qua từ bóng tối tới ánh sáng, từ tội lỗi đến ân sủng.

Hành trình vượt qua nằm trong thân phận hiện sinh của con người. Vi thế, hành hương nhắc nhớ ta rằng đức tin, lòng mến, niềm hy vọng của người kitô hữu không ngừng được lớn lên. Tin mừng, các Mối phúc thật, lời mời gọi yêu Chúa hết lòng không nói đến sự tối thiểu, nhưng nói đến con đuờng mà chúng ta hướng đến.

2- Hành hương và việc tìm gặp Thiên Chúa

Từ thân phận lữ khách, con người của niềm tin đã nhìn Thiên Chúa như cùng đích của hành trình và ở cuối hành trình này, Thiên Chúa sẽ là Quê hương của họ. Nhiều thánh vịnh đã diễn tả thái độ đức tin này :

"Lạy Chúa, con mến yêu ngôi nhà Chúa ngự,
mến yêu nơi rạng ngời vinh quang Chúa" (Tv 26, 8)
"Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ : hãy tìm kiếm thánh nhan,
Lạy Chúa, con tìm kiếm thánh nhan Ngài" (Tv 27, 8)

- Nỗi khao khát Thiên Chúa :

"Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông, con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đơi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước
Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài " (Tv 63, 2-3)

- Khách hành hương ước mong về Ðến thánh :

"Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái.
mảnh hồn này khát khao mòn mỏi
mong tới đuợc khuôn viên đền vàng.
Cả tấm thân con cùng là tấc dạ
những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng
[.] Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,
ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương" (Tv 84, 2-3.6)

Trong hành trình tìm và gặp Thiên Chúa, thánh Augustinô bộc lộ tâm tư của ngài như sau :

"Lạy Chúa, Thiên Chúa của con, niềm hy vọng độc nhất của con, xin cho con đừng mỏi mệt mà thôi không tìm kiếm Ngài, nhưng ngược lại, xin cho con hăng say tìm kiếm nhan Ngài (Tv 104,4). Xin ban cho con sức mạnh tìm kiếm Ngài, bởi Ngài là Ðấng đã cho con người tìm gặp và đã ban niềm hy vọng sẽ không ngừng gặp Ngài thêm nữa [.] Ước chi con nhớ đến Ngài, hiểu biết Ngài và yêu mến Ngài" (Về Ba Ngôi, XV, 28.51).

Thánh Augustinô đồng hoá hướng về Thiên Chúa là yêu mến Thiên Chúa, và ngược lại, từ bỏ rời xa Ngài như là sự chết.

"Ôi Thiên Chúa, từ bỏ Ngài và chết chỉ là một. Hướng về Ngài và yêu Ngài, chỉ là một. Lạy Thiên Chúa, niềm tin thúc đẩy chúng con đến với Ngài, niềm hy vọng nâng chúng con lên cùng Ngài, và niềm yêu mến liên kết chúng con với Ngài" (Tự thoại I, 1, 3)

Trong Lời trần tình (confessions), đúng hơn là lời tuyên xưng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Augustinô đã nói lên rằng mình chỉ thực là mình và đời người chỉ có ý nghĩa khi ở bên Thiên Chúa, khi con người kết thúc cuộc hành hương, hoàn thành hành trình của một lữ khách : "Ngài đã tạo dựng chúng con hướng về Ngài, tâm hồn chúng con xao xuyến bao lâu chưa được nghỉ yên trong Ngài" (Tự thuật I, 1, 1)

3- Hành hương là bước theo Ðức Kitô

Ðức Giêsu đã nói với Tôma : "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy" (Ga 14, 6).

Ơn gọi của người môn đệ là bước theo Ðức Kitô và bước theo Ðức Kitô là đi trên đường về với Cha. Bước theo Ðức Kitô còn là thực hành khổ chế :"Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập gía mình hằng ngày mà theo" (Lc 9, 23). Bước theo Ðức Kitô là đi vào con đường hoán cải : "Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng" (Mc 1, 15)

Hành hương đích thực là bước theo Ðức Kitô trên đường về nhà Cha, là đón nhận và sống tinh thần, thái độ, cách cư xử của Ðức Kitô. Hành hương địa lý phải dẫn ta tới hành hương nội tâm. Hành hương phải đưa chúng ta tới gặp gỡ Ðức Kitô và sống Tin mừng của Ngài. Tin mừng của Ngài mời gọi ta sống bác ái, sự chia sẻ và tình liên đới với những người nghèo và đau khổ (x. Mt 25, 31-46). Vào năm 382-383, trong bức thư gửi cho ba người khách hành hương đạo đức, giáo phụ Grêgoriô thành Nysse đã nhấn mạnh đến chiều kích nội tâm của hành hương như sau :

"Dù bạn có ở đâu đi nữa thì Thiên Chúa cũng sẽ đến với bạn, miễn là các căn phòng của tâm hồn bạn phải thế nào để Ngài có thể cư ngụ nơi bạn. Nếu con người nội tâm của bạn chất đầy những tư tưởng xấu xa, thì dù bạn có đứng trên đồi Golgotha, trên núi Cây dầu, trên tảng đá kỷ niệm biến cố Phục sinh đi nữa, bạn vẫn còn rất xa với việc đón tiếp Ðức Kitô vào trong tâm hồn bạn, xa chẳng kém gì người chưa hề tuyên xưng Ngài. Vậy, bạn yêu qúy, hãy khuyên các anh em đi hành hương từ thân xác mình về Thiên Chúa, chứ đừng đi từ Cappadocia về Palestine" (Thư 2, PG 46, 1010-1016)

Như thế, hành hương đòi một cuộc đời mới. Nói theo ngôn ngữ của Phaolô thì đó là "bước theo Thần khí" và biểu lộ những hoa quả của Thần Khí như "tình yêu, niềm vui, bình an, sự nhẫn nhục, lòng tốt, lòng nhân từ, đức tin, sự dịu hiền, lòng trong sạch" (Gl 5, 22-23)

Khi nói về hành hương, thánh Gioan Kim Khẩu coi đó như phương thế làm tăng triển lòng đạo đức (PG 62, 702-703), nhưng chính ngài và một số giáo phụ đã cảnh giác về những lạm dụng trong các cuộc hành hương.

Trong thời đại chúng ta, với những phương tiện di chuyển hiện đại thì việc hành hương dễ hơn nhiều so với thời xa xưa. Thời xưa, để hành hương, người ta phải rời xa nhà trong nhiều tháng, phải đi bộ qua nhiều vùng đất hiểm nguy. Ðây là lý do quan trọng cho việc chúng ta giữ lại một cách thực hành khổ chế nào đó như thành phần cốt yêu của linh đạo hành hương trong các thế kỷ qua.

Rời xa nhà sẽ không có ý nghĩa gì nếu nó không bao hàm ý hướng xa lánh tội lỗi và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Vì thế, bí tích hoà giải được cử hành tại các trung tâm hành hương ngày nay là thành phần quan trọng trong bất cứ cuộc hành hương nào.

Vào thời Trung Cổ, hành hương, một cách nào đó, đồng nghĩa với tĩnh tâm dài ngày. Gián đoạn các hoạt động thường ngày và các tương giao xã hội là một cách thế để cho khách hành hương chìm vào trong bầu khí thiêng liêng và cầu nguyện. Ngày nay, cùng với tinh thân đó, hành hương phải bao hàm một thời gian thinh lặng cần thiết và việc cầu nguyện chung với nhau.

Cuối cùng, trong quá khứ, hành hương là cơ hội để thực hành tình liên đới với người nghèo. Nhiều người nghèo ngồi ở cửa Ðền thờ và chờ đợi của bố thí từ tấm lòng của khách hành hương. Từ đó, việc để dành một phần quà cho người thiếu thốn làm cho hành hương ngày nay có được ý nghĩa.

4- - Abraham, khuôn mẫu cho kẻ hành hương

" Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi" (St 12, 1)

Abraham là khuôn mẫu cho hành trình đức tin của người kitô hữu. Ý nghĩa và cùng đích của người kitô hữu là chính Thiên Chúa. Khi Abraham đang có đầy đủ mọi sự tại quê nhà của ông, Chúa gieo vào đời ông tiếng gọi. Ngài đòi hỏi ông phải rời bỏ quê cha đất tổ bao đời gắn bó, để mạo hiểm phiêu lưu tới một vùng đất lạ mà Ngài sẽ chỉ cho cho. Abraham lên đường. Ông hiểu ra rằng : người ta không được định nghĩa bằng quá khứ, gốc gác, tên tuổi, sự nghiệp, của cải, bầy đàn mà trái lại bằng ơn gọi và bằng tương lai. Thiên Chúa của ông vừa là Ðất Lạ vừa là Quê hương. Từ một người con của thảo nguyên, ông đã trở thành tổ phụ của mọi tín hữu. (x. Dt 11, 8)

Tiếng gọi Chúa gửi đến Abraham cũng là tiếng gọi Chúa gửi đến tất cả mọi người chúng ta hôm nay để chất vấn chúng ta về những gắn bó trong đời. Của cải, danh giá, sức khoẻ và cuộc sống ổn định phải chăng là những lo lắng quan trọng nhất của chúng ta hôm nay ? Phải chăng, chúng ta vẫn tin Thiên Chúa, nhưng với điều kiện là Ngài đừng có quấy rầy, khuấy động cuộc sống chúng ta ? Abraham chỉ có một thái độ tôn giáo duy nhất : ông nghe, tin và thực thi lệnh truyền của Chúa. Ông không dừng chân mà lên đường. Ông là một "khách hành hương". Ông không tìm lẽ sống và ý nghĩa đời người nơi bản thân ông. Ông luôn hướng tới tương lai. Và tương lai của ông là tương lai của Chúa và là chính Ngài. Cuộc đời của ông là chuyến hành hương đúng nghĩa.

5 - Hành hương là sống mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh.

Hành hương là đi viếng một nơi thánh để khám phá ra những dấu chỉ của Thiên Chúa hiện diện giữa lịch sử và nhân loại.

Nơi thánh trong hoàn cảnh của chúng ta thường là các nhà thờ do Giám mục chỉ định. Yếu tố này cho thấy ý nghĩa Giáo hội học của hành hương. Chúng ta biết rằng nhà thờ là nhà cầu nguyện, nhà của Chúa, nhà của dân Chúa. Nhưng trong Năm thánh, một số nhà thờ đuợc Giám mục chỉ định để cho ta lãnh nhận ân xá. Ðành rằng, ngay cả khi không đến nhà thờ, ta vẫn có thể lãnh nhận được ân xá. Việc chỉ định này nói lên chiều kích giáo hội của hành hương. Giáo hội là mầu nhiệm hiệp thông. Hiệp thông với Hội Thánh địa phương khi đến viếng các nhà thờ do Giám Mục chỉ định. Hiệp thông với Hội Thánh toàn cầu khi cầu nguyện theo ý Ðức Thánh Cha.

Như vậy, hành hương mang ý nghĩa giáo hội. Ði hành hương là đi đến với Giáo hội, là sống hiệp thông. Hành hương là lời mời gọi yêu mến Giáo hội.

Kết luận

Hành hương mời gọi chúng ta lên đuờng. Ðường dưa chúng ta đến với Thiên Chúa Cha ngang qua Ðức Kitô. Lên đường đòi chúng ta phải được Thánh Thần đổi mới. Ðổi mới và hoán cải là hoa quả của Chúa Thánh Thần. Ðổi mới để sống liên đới và chia sẻ, đặc biệt là với người nghèo. Ðổi mới để hoà giải, hoà giải với Thiên Chúa và với anh chị em. Hành hương gợi lên cho ta về thân phận con người. Hành hương nhắc nhớ chúng ta Thiên Chúa là Ðất Hứa, Quê Hương và Tương lai của chúng ta. Ngài vừa là Ðại Dương vừa là Bến Bờ.


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà