Ngày 31: Lắng Nghe

 

 

Bây giờ anh hãy nghe lời tôi khuyên; cầu chúc Thiên Chúa ở với anh! Còn anh, anh hãy đứng ra thay mặt dân trước nhan Thiên Chúa: Chính anh sẽ trình các việc lên Thiên Chúa. (Xh 18: 19)

 

Là người lãnh đạo của một đội ngũ hoặc tổ chức, đối thoại là một trong những chìa khoá của thành công. Việc đối thoại phải rõ ràng, có sức thuyết phục, nhất quán và lịch sự. Đã gọi là đối thoại, việc trao đổi bằng lời nói phải là hai chiều. Nói cách khác, người lãnh đạo trong khi đối thoại phải biết lắng nghe. Những nhà lãnh đạo tiếng tăm thường khuyên rằng chúng ta phải lắng nghe ít nhất là bằng hay nhiều hơn chúng ta nói. Khi người lãnh đạo thiếu lắng nghe:

1.     Họ sẽ đánh mất những lời bàn luận khôn ngoan.

2.     Họ sẽ không nghe biết hoặc không được nói cho biết.

3.     Cộng sự viên sẽ không đối thoại với họ.

4.     Thái độ bàng quan sẽ lan rộng trong đội ngũ hoặc tổ chức.

 

Như vậy, sự thiếu lắng nghe của người lãnh đạo sẽ đưa đến thái độ thù nghịch, thiếu thông cảm và dĩ nhiên tinh thần đồng đội sẽ sa sút và phân hoá. Sớm hay muộn, tổ chức sẽ đi đến chỗ lụi tàn.

 

Để sát hạch khả năng lắng nghe của mình, người lãnh đạo cần có thái độ khiêm tốn đón nhận những lời phê bình xây dựng để canh tân chính bản thân mình. Ở Hoa Kỳ, các tổ chức đạo hoặc đời, hàng năm đều có thời gian “kiểm thảo” về các cấp lãnh đạo qua hình thức nặc danh gọi là “Leardership/ management survey”. Trong đó, mọi phương diện của “người” và mọi lãnh vực của “việc” đều được hỏi tới trong mẫu đơn và nhân viên các cấp chỉ đánh dấu vào các ô in sẵn như đồng ý hoặc không đồng ý với cường độ tin tưởng của mình, chẳng hạn tuyệt đối đồng ý, rất đồng ý, đồng ý, tạm đồng ý, hoặc không đồng ý. Người lãnh đạo liên hệ sẽ nhận bản kiểm thảo này để nghiệm xét và canh tân bản thân hoặc cách điều hành công việc.


Mục Lục Quản Trị Mục Vụ
Trở Về Trang Nhà