Ngày 11: Tự Trọng và Tôn Trọng

 

Có một người Do thái tên là A-pô-lô, quê ở A-lê-xan-ria, đã đến Ê-phê-xô; ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh. Ông bắt đầu mạnh dạn rao giảng trong hội đường. Sau khi nghe ông nói, bà Pơ-rít-ki-la và ông A-qui-la mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn. Ông A-pô-lô muốn sang miền A-khai-a thì các anh em khuyến khích ông… Khi đến nơi nhờ ơn Chúa, ông đã giúp ích nhiều cho các tín hữu. (Cv 18: 24, 26-27)

 

Khi các cộng sự viên quan tâm đến nhau và cùng giúp nhau phát triển để đạt tới mục tiêu chung, họ thường hiểu biết nhau nhiều hơn. Do đó, từ những quen biết thông thường đến việc tìm hiểu khả năng, cá tính đến phẩm chất sẽ đem lại sự gắn bó trong công tác là một bước rất gần. Tinh thần đội ngũ có hình thành hay không là do ở thái độ bắc nhịp cầu thông cảm này. Dĩ nhiên, bắc một nhịp cầu thông cảm đến tha nhân là dám chấp nhận một sự bẽ bàng khi tha nhân từ chối. Người lãnh đạo có bổn phận khởi đầu để đánh tan những nghi ngờ và ngại ngùng (ice-breaker).

 

Một đội ngũ tốt đòi hỏi một thái độ sống tốt của người lãnh đạo và các đội viên. Mỗi thành viên của đội ngũ phải tự trọng và tôn trọng lẫn nhau. Họ phải khởi đi từ ước muốn đóng góp vào công tác, tin tưởng lẫn nhau, và nâng đỡ lẫn nhau. Tất cả những thái độ này, trước hết và trên hết, phải được thể hiện từ sự tự trọng và sau đó là tôn trọng.