TÌM HIỂU ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN TRONG GIÁO HỘI NGÀY NAY

TIN MỪNG- NGÔN SỨ- HY VỌNG

Năm Đời Sống Thánh Hiến được đức thánh cha Phanxicô khai mạc vào ngày 31/11/2014, nhằm Chúa nhật I- Mùa Vọng. Sự kiện này đã được ngài loan trước đại hội liên hiệp các Bề trên Tổng quyền lần thứ 82 nhóm họp tại Rôma ngày 29/11/2013. Chủ hướng của đức thánh cha là: đánh thức thế giới bằng Đời sống Thánh hiến và công cuộc Tân Phúc Âm hóa. Nội dung của nó được gói trọn trong Logo và các từ ngữ: Tin Mừng- Ngôn Sứ- Hy Vọng. Có thể nói, đây là kim chỉ nam hướng dẫn Đời sống Thánh hiến đi vào quĩ đạo thánh ý Thiên Chúa, bắt nhịp được thời đại và tham gia sứ vụ Giáo hội.

Vậy, chúng ta cùng dừng lại ở những từ ngữ này để khai triển nhằm giúp mỗi người có cái nhìn khách quan và thêm lòng yêu mến Đời sống Thánh hiến.

1.    Chiều Kích Tin Mừng

Công đồng chung Vatiacanô II khẳng định: “Bước theo Chúa Kitô như Phúc Âm dạy là tiêu chuẩn tối hậu của đời tu dòng[1]. Ý hướng này cũng được đức thánh cha Bênêđictô XVI nói lên trong buổi tiếp kiến các Bề trên tổng quyền ngày 26/11/2010: “Việc canh tân sâu xa Đời sống Thánh hiến được khởi đi từ trọng tâm Lời Chúa là qui luật tối thượng… Những gì giáo hội mong chờ nơi anh em: Trở nên một Tin Mừng sống động”.

Chắc hẳn, Đời sống Thánh hiến được khai sinh từ Thiên Chúa và cho mục đích của Ngài. Niềm xác tín phải được đặt lên trên những thành quả đạt được, thậm chí, hơn cả bình an nội tâm và hạnh phúc cá nân. Thiên Chúa là khởi điểm và cùng đích. Cho nên, để xây dựng đời sống chứng nhân có ý nghĩa phải đặt nền trên chân lý vĩnh cửu là Đức Kitô và Lời của Ngài (x. Cl 3, 7). Nói cách khác, người tu sĩ phải có ký ức sống động về đời sống và hoạt động của Chúa Kitô[2]. Bởi chưng, “chỉ có trong Thiên Chúa, chúng ta mới khám phá ra nguồn gốc, căn tính, ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng và định mệnh của chính mình[3].

Một khi để cho Lời Chúa định hướng cuộc đời, người tu sĩ sẽ có được sự khôn ngoan của Chúa, vì Lời Ngài đã nên ngọn đèn soi bước, nên ánh sáng chỉ đường (x. Tv 118, 105); Lời ấy có khả năng chất vấn, hướng dẫn, uốn nắn tâm trí và con tim chúng ta đến mức đạt tới tư tưởng của Ngài (x. 1Cr 2, 16). Thư Do Thái viết: “Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy, Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4, 2).

Như vậy, người tu sĩ cần quan tâm tới việc lắng nghe Lời Chúa như một sự gặp gỡ sống động, rút từ bản văn Kinh Thánh Lời mang lại niềm vui và sự khôn ngoan[4], cũng như niềm hy vọng và hình thành cuộc sống[5]; vì chưng,“mọi đoàn sủng và mọi luật lệ phát xuất từ đó và tìm cách trở nên một sự diễn tả Lời Chúa[6]. Chính Lời Chúa sẽ thắp lên trong Đời sống Thánh hiến một niềm tin vững mạnh để luôn có những khởi đầu mới và tràn gập hăng say rao giảng Tin Mừng.

2.  Tính Ngôn Sứ

Tính ngôn sứ trong Đời sống Thánh hiến là tham gia cách đặc biệt vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô. Nó đòi buộc người tu sĩ bước theo Người cách triệt để, trở nên dấu chỉ tình yêu Chúa và những giá trị Tin Mừng. Họ khát khao sự thánh thiện của Thiên Chúa, trở thành những chuyên viên cầu nguyện, nên thuở đất tốt cho Lời Chúa được triển nở. Hành trình ơn gọi của người tu sĩ là con đường tín thác cho thánh ý Thiên Chúa, luôn hiệp thông với Giáo hội và nên chứng tá cho Tin Mừng. Đàng khác, tính ngôn sứ trong đời thánh hiến giúp người tu sĩ dám đối diện với sự thật, chống lại những gì trái ngược với ý Chúa, đồng thời khai mở lối dẫn Tin Mừng vào trong thế gian và dấn thân phục vụ tha nhân[7].

Hai chiều kích nói lên tính ngôn sứ trong Đời sống Thánh hiến:

*  Chiều Kích Siêu Nhiên

Người tu sĩ xác tín rằng mình được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương cách đặc biệt (Cl 3, 12). Nhờ đó, họ thiết lập mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa, trở nên chứng nhân của một Thiên Chúa sống động và xót thương, hầu đem lại nét tươi mới cho Giáo hội và nhân thế. Cùng với thánh Phaolô, họ xác tín rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Điều người tu sĩ kiếm tìm không phải là cái tôi qui ngã, nhưng là ý Thiên Chúa và hằng vâng phục Đấng đã sai mình.

Qua các lời khuyên Phúc Âm, người tu sĩ biểu lộ tình yêu dành cho Chúa Cha, nhờ Chúa Con trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần. Họ thực sự được Thiên Chúa biến đổi nên con người mới với một tình mến sắt son và một con tim không chia sẻ[8]. Họ cống hiến cho cộng đoàn và nhân thế một chứng tá khiêm tốn về mầu nhiệm Thiên Chúa, duy trì tính ngôn sứ trong trái tim Giáo hội và những giá trị Tin Mừng mà thế giới ngày nay đang cần hơn bao giờ hết[9]. 

*  Chiều Kích Con Người

Đời sống Thánh hiến được mời gọi bước theo Đức Kitô, Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Qua đó, người tu sĩ tạo cho mình một lương tâm trong sạch, cái nhìn nhạy bén trước những điều tốt xấu và can đảm nói lên sự thật. Có thể nói, một ngôn sứ lặng thinh trước bất công, dửng dung với tội ác và nỗi đau khổ con người là một ngôn sứ đang “buồn ngủ”. Họ đánh mất nhãn quan Thiên Chúa và nhìn đời với cặp kiếng bi quan.

Ngôn sứ đích thực luôn biết rằng nhiệm vụ của mình là nuôi dưỡng, vun trồng và phát triển một ý thức và cảm nhận khác với thực trạng đang xảy ra. Họ có khả năng xoay ngược dòng thời gian, tìm về nguồn Chân- Thiện- Mỹ để lãnh hội và cảm nhận tình yêu Thiên Chúa; đồng thời, tạo cho mình khả năng biện phân trước những cám dỗ và múc lấy nguồn sức sống cho đời thánh hiến. Người tu sĩ luôn tâm niệm mình được kêu gọi để “thức tỉnh” lương tâm con người thời đại, vun đắp sự hiệp nhất Giáo hội và nên chứng nhân tình yêu Thiên Chúa.

3.  Niềm Hy Vọng

Con người luôn mang nơi mình những hoài bảo về một chân trời tươi sáng như: có nghề nghiệp ổn định, địa vị xã hội, gia đình hạnh phúc. Nhưng khi họ đạt được lại cảm thấy nó chưa là tất cả, chưa thể lấp đầy những nỗi trống vắng trong tâm hồn. Họ cần đến một điều gì đó mãnh liệt và cao siêu hơn, vượt lên trên những gì đang nắm bắt. Như vậy, niềm khát vọng khôn vơi này đang dẫn họ tới niềm hy vọng của Thiên Chúa[10]. Đức thánh cha Bênêđictô XVI khẳng định: “Hy vọng đích thực… chỉ có thể là Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa đã yêu thương và đang yêu thương chúng ta ‘cho đến tận cùng’, ‘cho đến viên mãn[11].

Chắc hẳn, Giáo hội đang mong chờ nơi Đời sống Thánh hiến trở nên một dấu chỉ hy vọng thực sự, có khả năng giúp người khác nhận ra rằng những giá trị trần thế chưa phải là lâu đài hạnh phúc hay cứu cánh đời mình. Nền móng để xây dựng niềm hy vọng vững bền là chính Thiên Chúa, ngang qua con người Đức Kitô; bởi chưng, “Thiên Chúa là nền tảng của hy vọng[12]. Những gì kiến thiết bên ngoài nền tảng này sẽ có nguy cơ sụp đổ theo thời gian. Nói cách khác, Đời sống Thánh hiến cần làm sáng lên vẽ đẹp của niềm hy vọng vào Thiên Chúa, để giúp người khác cùng nhìn nhận: chỉ duy tình yêu Thiên Chúa mới đem lại cho con người khả năng biện phân và đứng vững trong một thế giới tự bản chất bất toàn. Trong Ngài, mỗi người sẽ tìm cho mình hưng phấn cuộc sống, phương cách chữa lành và định hướng tương lai.

Hơn nữa, ngang qua Đời sống Thánh hiến, người tu sĩ giới thiệu cho nhân thế niềm hy vọng vào cuộc sống mai sau: sự sống đích thực và trọn vẹn. Đức tin cho chúng ta biết rằng Đức Kitô đã đến để cho con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10); Người giải thích thêm: “Sự sống đời đời là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17, 3). Thánh Phaolô cũng cho ta một cái nhìn tương tự: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 5, 2).

Dĩ nhiên, niềm hy vọng vào cuộc sống mai hậu, không làm cho con người dửng dưng trước cuộc sống trần thế. Đúng hơn, nó là động lực giúp con người tích cực góp phần xây dựng trần thế xứng hợp với lòng Chúa mong ước, để “Nước Thiên Chúa được củng cố và tiến triển ở đây và bây giờ[13]. Niềm hy vọng này là tiền đề giúp Đời sống thánh hiến trở nên gần gũi, đi vào nỗi âu lo nhân loại với tấm lòng xót thương và vị tha, để đồng cảm và khai mở bước đường hy vọng. Người tu sĩ phải là “hiện thân” của Thiên Chúa, để qua đó, con người nhận ra rằng Thiên Chúa vẫn có đó khi đời mình cảm thấy cô đơn, Ngài luôn đồng hành trong mọi nẻo đường và rộng mở vòng tay đón nhận khi mình tưởng chừng vấp ngã. Nói khác đi, qua Đời sống Thánh hiến, ân sủng và tình yêu Thiên Chúa mở lối hy vọng cho con người và đồng hành cùng họ luôn mãi.

Nhìn chung, với niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa, Giáo hội mở ra năm Đời sống Thánh hiến nhằm giúp những người con ưu tú không ngừng canh tân, quay về nguồn mách Thánh Kinh và ý hướng của đấng sáng lập hầu nhận ra những gì là chân thật, cao quí, tinh tuyền và mang lại sức sống cho tha nhân. Đàng khác, Giáo hội mời gọi Đời sống Thánh hiến đọc ra những dấu chỉ thời đại hầu chọn cho mình một phương thức sống phù hợp với đòi hỏi của Tin Mừng và nhu cầu Giáo hội.

 

Montfort Nguyễn Xuân Pháp CT

 

 

 

 



[1] Công đồng chung Vatiacanô II, Sắc Lệnh Perfectae Caritatis, Học Viện Piô X Đà Lạt dịch 1972, số 2a.

[2]X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Vita Conserata, ban hành ngày 25/3/1996, số 22.

[3] Rick Warren, Sống Có Định Hướng, Lm. Minh Anh dịch, tr 24.

[4] X. ĐTC Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 1.

[5] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Novo Millennio Ineute, số 39.

[6] Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Hiệp Hội Tông Đồ, Huấn Thị Phát Xuất Lại Từ Đức Kitô, ban hành ngày 15/5/2002, số 24.

[7]X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Vita Conserata, ban hành ngày 25/3/1996, số 84.

[8] X. Sđd, số 21.

[9] X. huấn thị Verbi Sponsa, số 7

[10]X.  Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thông Điệp Spe salvi, số 30.

[11]Sđd, số 27.

[12]Sđd, số 31.

[13]Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Vita Conserata, ban hành ngày 25/3/1996, số 27.


Năm Đời Sống Thánh Hiến