Những Hình Thức Tu Trì Trong Giáo Hội

(daminhvn.net) 31/01/2015

Ngày 2 tháng 2 sắp tới, lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, sẽ là ngày khánh nhật của đời thánh hiến. Để hiểu rõ hơn đời sống tận hiến trong Giáo hội, linh mục Phan tấn Thành xin trả lời vài câu hỏi liên quan đến đời sống tu trì Kitô giáo. Câu hỏi thứ nhất: Tu trì và tận hiến có gì khác nhau?

Nếu tôi không lầm thì trong tiếng Việt, chữ tu có ít là 3 nghĩa khác nhau: thứ nhất, khi cầm một chai nước (hay chai rượu) mà dốc một hơi vào miệng (không dùng ly) thì gọi là tu. Thứ hai, tu cũng có nghĩa là cười nói to tiếng, từ đó có từ “tu hú”. Thứ ba, theo một nghĩa nghiêm chỉnh hơn, tu có nghĩa là sửa sang cho ngay ngắn, như khi nói: tu chính, tu sửa, tu bổ. Chính theo nghĩa này mà người ta nói tới “giới tu hành, tu sĩ”, móc nối với các tư tưởng “tu nhân tích đức”. Hiện tượng tu trì xuất hiện ở nhiều tôn giáo khác nhau. Nói chung, từ “tu” có tính cách hơi tiêu cực, theo nghĩa là sửa sang cái gì xấu xa, lệch lạc.

Thế còn đời tu của Kitô giáo thì tích cực hơn hay sao?

Trước khi đi vào vấn đề tiêu cực hay tích cực, thiết tưởng cần ghi nhận một sự khác biệt quan trọng về từ ngữ trong các văn kiện của Giáo hội và trong ngôn ngữ phổ thông tại Việt Nam. Ở Việt Nam, những ai đi chủng viện để làm linh mục hay đi nhà dòng để làm tu sĩ đều gọi là đi tu. Như thế, các linh mục và tu sĩ đều được gom vào một hạng tu hành. Tuy nhiên, ngôn ngữ của giáo luật thì khác: các linh mục thuộc hàng ngũ giáo sĩ; còn các tu sĩ thì mới thuộc hàng ngũ tu sĩ theo nghĩa chặt.

Sự khác nhau giữa hai hàng ngũ đó nằm ở chỗ nào?

Nói chung, ơn gọi của các giáo sĩ là để phục vụ cộng đồng Dân Chúa; ơn gọi của các tu sĩ là tìm sự hoàn thiện, qua việc tuyên khấn ba lời khuyên Phúc âm, khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời. Đó là nói trên nguyên tắc, chứ trên thực tế thì sự phân biệt đó khó nhận thấy. Bộ giáo luật La-tinh buộc các linh mục phải giữ độc thân, vì thế họ cũng giống các tu sĩ; nhưng bộ giáo luật Đông phương chấp nhận cho các linh mục có gia đình. Dù sao, nếu một linh mục có thủ đắc tài sản cho mình thì cũng chẳng có gì ngang trái, bởi vì mình không có lời khấn; trái lại, tu sĩ thì không được làm điều đó.

Như đã nói trên, chúng ta cần phải tìm hiểu sự khác biệt giữa các giáo sĩ và các tu sĩ là tại vì trong tiếng Việt, cả hai đều được gọi là tu sĩ (nhà tu). Còn trong ngôn ngữ của Giáo hội, thì có hai từ ngữ khác biệt. Các giáo sĩ được gọi là clerus (gốc Hy-lạp, có nghĩa là gia nghiệp) còn các tu sĩ được gọi là religiosus. Phải nói rằng dịch religiosus là “tu sĩ” thì không đúng. Theo thánh Tôma Aquinô cắt nghĩa, religiosus là người dành suốt đời cho việc thờ phượng Chúa, mà tiếng La-tinh gọi là religio (nhân đức thờ phượng).

Như vậy, tu sĩ Kitô giáo nhấn mạnh đến việc đọc kinh cầu nguyện hơn là tu thân tích đức hay sao?

Thực ra, ở các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, chúng ta gặp thấy những người được đặt tên là asceti, có nghĩa là người khổ hạnh, bởi vì nếp sống khắc khổ của họ. Họ không lập gia đình đã vậy, nhưng còn hạn chế việc ăn ngủ qua việc canh thức, kiêng khem. Đến khi phong trào tu hành phát triển vào thế kỷ IV, chúng ta thấy danh xưng chung đặt cho họ là monaci, mà tiếng Việt dịch là đan sĩ. Đã có nhiều lối giải thích ý nghĩa của danh từ đó. Có người cho rằng monacus là người sống đơn độc một mình trong cô tịch, xa cách chốn phồn hoa nhộn nhịp. Có người giải thích monacus là người chỉ đi tìm một mình Chúa, sống cho một điều duy nhất là mến Chúa. Dù cắt nghĩa thế nào đi nữa, chúng ta có thể nhận thấy rằng các đan sĩ thường chọn nơi cô tịch để tu hành (sa mạc, đồi núi), và họ dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện. Nói thế không có nghĩa là họ đọc kinh cầu nguyện 24 giờ một ngày. Nói cho đúng, vào các thế kỷ đầu, đã có những người chủ trương như vậy. Nhưng dần dần, dưới sự hướng dẫn của các bậc thầy lão luyện qua các bản luật, người ta cố gắng tìm sự quân bình giữa cầu nguyện lao động cũng như ngủ nghỉ.

Nhưng mà khi các tu sĩ được định nghĩa như là những người thờ phượng Chúa, thì cũng muốn nhấn mạnh đến sự cầu nguyện trong cuộc đời của họ đấy chứ?

Đúng như vậy. Tuy nhiên, tầm quan trọng của việc thờ phượng Chúa không được biểu lộ qua số giờ dành cho việc cầu nguyện, mà là qua ý chí muốn thuộc trọn về Chúa qua sự dâng hiến. Thánh Tôma nhìn thấy sự dâng hiến trọn vẹn cho Chúa khi con người dâng ý chí tự do, thân xác và tài sản qua ba lời khấn vâng lời, khiết tịnh, khó nghèo.

Nói đến “dâng hiến trọn vẹn” tức là nói đến “tận hiến” phải không?

Phải. Nhưng đó là nói trong tiếng Việt. Trong các văn kiện của Giáo hội, danh từ chính thức được sử dụng từ thời Trung cổ cho đến công đồng Vaticanô II là “religiosus” có nghĩa là kẻ dâng mình phụng sự Chúa. Tuy nhiên, ngoài chuyện định nghĩa thần học, giáo luật còn ấn định một nếp sống cho họ nữa. Đừng kể ba lời khấn dòng, các tu sĩ phải sống chung với nhau trong tu viện, mặc áo dòng. Vào giữa thế kỷ XX, Giáo hội chấp nhận một nếp sống mới, quen gọi là “tu hội đời”. Những nhóm này không sống thành cộng đoàn, không mang tu phục hay phù hiệu, bởi vì họ muốn trà trộn vào đời, để làm chứng nhân cho Chúa Kitô ở giữa lòng đời, giữa các môi trường của trần thế. Họ có thể là chính trị gia, thương gia, luật sư cũng như có thể làm việc trong quán ăn hay đi quét đường. Tuy rằng họ cũng tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm, nhưng họ không muốn đồng hóa với các tu sĩ cổ truyền (religiosus) bởi vì họ muốn nêu bật nếp sống khác biệt của họ. Vì thế bộ giáo luật năm 1983 đã đặt ra một từ ngữ mới, “đời tận hiến” (vita consecrata) bao gồm cả các tu sĩ và các tu hội đời. Đến đây, tôi thấy cần lưu ý rằng danh từ “consecratio” trong tiếng La-tinh thì rộng hơn từ “tận hiến” trong Việt ngữ. Trong tiếng Việt, tận hiến có nghĩa là hiến dâng trọn vẹn. Nó chỉ bao hàm hành vi của con người. Còn danh từ “consecratio” trong tiếng La-tinh còn bao hàm một hành động về phía Thiên Chúa nữa. Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn ai, thì Ngài tách biệt người đó, dành riêng để thi hành một sứ mạng. Chính vì thế mà đôi khi có người dịch là “thánh hiến” (hay hiến thánh), nhằm nêu bật sáng khởi của Thiên Chúa: Chúa kêu gọi và dành riêng một người nào đó. Dù muốn nhìn về phía con người (tận hiến) hay muốn nhìn về phía Thiên Chúa (thánh hiến), từ consecratio muốn đề cao khía cạnh tình yêu; đang khi mà từ religiosus, như đã nói trên đây, đặt tư tưởng thờ phượng lên hàng đầu.

Nói cách khác, yếu tố quan trọng của đời tu là yêu mến chứ không phải là đọc kinh thờ phượng phải không?

Chắc chị đã biết là không những đời tu, mà toàn thể đời sống Kitô hữu đều dựa trên yêu mến. Việc đọc kinh thờ phượng chỉ là một hành vi biểu lộ hay nuôi dưỡng tình yêu mà thôi. Và có nhiều dạng thức biểu lộ tình yêu. Chúng ta có thể nhận thấy một sự tiến triển trong các hình thức tu trì trong Kitô giáo dựa theo những chiều kích khác biệt của tình yêu. Hồi thế kỷ IV, các đan sĩ rời bỏ thành thị xóm làng, đi vào nơi cô tịch để hàn huyên với Chúa. Họ biểu lộ tình yêu mến qua việc thinh lặng chiêm niệm. Sang đến đầu thiên niên kỷ thứ hai, ta thấy xuất hiện nhiều Dòng tu dấn thân đi phục vụ tha nhân, qua nhiều dạng thức khác nhau: giảng thuyết, giúp đỡ các người nghèo, người bệnh, người nô lệ. Trong những thế kỷ gần đây, số các hội dòng chuyên về hoạt động giáo dục, bác ái xã hội tăng gia rất nhiều. Họ không rút lui lên nơi cô tịch để tìm Chúa, nhưng họ sống giữa xã hội để cứu giúp đồng loại. Họ biểu lộ lòng yêu mến qua việc phục vụ những người nghèo, theo như lời Chúa dạy: điều gì làm cho người bé nhỏ nhất thì cũng được Chúa coi như làm cho chính Ngài. Từ đó, người ta thường chia các dòng tu thành ra hai ngành chính: những hội dòng thiên về chiêm niệm, và những hội dòng thiên về hoạt động. Sự khác biệt giữa hai ngành phần nào tương ứng với hai mối thương yêu: mến Chúa yêu người. Đành rằng hết mọi Kitô hữu đều muốn sống trọn cả hai mối tình đó, nhưng các dòng chiêm niệm muốn nêu bật việc sống gần bên Chúa, còn các Dòng hoạt động thì muốn hướng về phục vụ các anh em của Chúa. Lý tưởng là phải dung hoà cả hai chiều kích đó (chiêm niệm và hoạt động). Nếu ai chỉ nghĩ đến việc chiêm niệm, sống một mình với Chúa mà không nghĩ gì đến các nhu cầu của nhân loại thì sự chiêm niệm đó không phải là Kitô giáo. Đức Kitô không muốn tách rời ra khỏi các chi thể của Người, như thánh Augustinô đã nói. Ngược lại, nếu một người lăn xả vào công tác phục vụ tha nhân mà bỏ bê việc cầu nguyện thì sẽ có lúc họ sẽ cảm thấy đặt lên câu hỏi: tôi là một tu sĩ hay là một cán bộ xã hội? Đó là chưa nói đến việc họ cần được tình yêu Chúa nâng đỡ để sự phục vụ của họ luôn mang tính cách vị tha theo tinh thần Phúc âm.

Đây chính là điểm khác biệt giữa đời tu trì Kitô giáo và đời tu trì của các tôn giáo khác phải không?

Tôi nghĩ như vậy, tuy không dám quả quyết 100 phần trăm, bởi vì tôi chưa có dịp đối chiếu với tất cả các tôn giáo. Một điều đáng ghi nhận khi đối chiếu giữa đời tu Kitô giáo với đời tu bên Ấn giáo hay Phật giáo, đó là các tôn giáo này thiên về chiêm niệm hơn là hoạt động xã hội. Nói cho đúng thì các Giáo hội bên Đông phương cũng chỉ biết hình thức đan tu; các dòng hoạt động bắt nguồn bên các Giáo hội Tây phương. Ngoài sự khác biệt về nếp sống chúng ta có thể ghi nhận sự khác biệt về cơ cấu tổ chức. Nếp sống đan tu không phát triển thành hội dòng: mỗi đan viện tự lập, hay cùng lắm chỉ duy trì những mối liên lạc tinh thần với những đan viện cùng chí hướng. Còn nếp sống hoạt động thì đòi hỏi những cơ sở rộng lớn, vì thế được tổ chức quy mô thành hội dòng, với những cơ quan quản trị có thể điều động nhân sự từ địa điểm này qua địa điểm khác (khác với các đan sĩ trụ trì tại một chỗ đến chết). Tuy nhiên, với các tu hội đời, thì người ta lại muốn trở về cơ cấu đơn giản. Tu hội không có cơ sở chung; mỗi thành viên hoạt động theo khả năng riêng của mình; họ tu trì ngay tại gia và làm việc ngay tại môi trường nghề nghiệp của mình. Họ muốn chú trọng đến cốt yếu của đời tu là đi theo đức Kitô và làm chứng nhân cho Người ở giữa đời.