LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

DẪN NHẬP

Khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống chứng nhân, nhiều tu sĩ đã tìm về nguồn mạch Lời Chúa như chiếc “la bàn” định hướng để tìm lại cho mình một đà tiến mới, biến nó thành sức mạnh cho hành trình đức tin dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hầu kiến tạo một lối sống sinh động, quân bình và hữu ích. Bởi chưng, giá trị và chỗ đứng của đời thánh hiến trong lòng Giáo hội không hệ tại ở những thành quả đạt được, cho bằng không ngừng chìm sâu trong Đức Kitô và Lời của Ngài. Có vậy, Lời Chúa mới thực sự trở nên ngọn đèn soi bước và ánh sáng chỉ đường cho việc canh tân bản thân, xây dựng sự hiệp nhất và dấn thân phục vụ Giáo hội. Theo cái nhìn của thánh bộ tu sĩ: Đời sống thánh hiến là một phúc lành và lý do để hy vọng trong lòng Giáo hội, cho đời sống con người và chop chính đời sống Giáo hội[1].

Vậy để hiểu hơn tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống thánh hiến, cũng như chỗ đứng của người tu sĩ trong lòng Giáo hội, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những khía cạnh sau.

I  Chiều Kích Bản Thân

1,  Canh Tân Đời Sống

Canh tân không có nghĩa là bỏ quyên chặng đường đã qua, quyên đi những thiếu sót và lầm lỗi của mình hay làm ngơ trước những lỗi phạm của người khác. Đúng hơn, canh tân là can đảm đứng dậy chính nơi mình hoặc cộng đoàn đã vấp phải, tiếp tục làm tốt những gì đang làm và sống tốt hơn trong giây phút hiện tại.

Tất nhiên, khi nói đến canh tân, chúng ta chân nhận mình lắm lúc thua cuộc, gục ngã. Theo cách nói của Lm. Thái Nguyên: “Ta cố gắng rồi lại thất bại; cố công rồi lại thất vọng; cố sức rồi lại thất thoát, nhưng ta không nên nản chí[2]. Chính niềm hy vọng vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa là bậc thang giá trị giúp chúng ta vượt qua những gian khó và rót vào cung lòng mình một sự hăng say, một ý chí vươn lên hầu chiến thắng sự khô héo và tàn lụy của bản thân.

Có lẽ, thánh Phaolô đã để lại cho chúng ta mẫu gương về việc canh tân không ngừng. Từ biến cố Đamas, con đường thánh nhân đi đã chuyển hướng: ngài không còn tìm vinh quang bản thân, mà tìm điều Thiên Chúa và Giáo hội muốn. Chính Đức Kitô đã giải thoát ngài khỏi u mê lầm lạc và mời gọi ngài làm lại một khởi đầu mới. Từ đó, thánh nhân say mến Đức Kitô (x. Gl 2, 20) và được Ngài chiếm đoạt (x. Pl 3, 12). Tình yêu Đức Kitô đã dẫn thánh Phaolô vào một sứ mạng mới: “Tông đồ dân ngoại” (Rm 11, 13). Đối với thánh nhân, những gian khó như: bao phen bị bỏ tù, đánh đòn, ném đá, gặp nguy hiểm do trộm cướp, do đồng bào hay dân ngoại, phải vất vả mệt nhọc, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng (x. 2Cr 11, 24- 28), không làm cho ngài chùn bước; trái lại, làm tăng thêm sức mạnh cho hành trình truyền giáo. Thái độ của thánh Phaolô trước thử thách là: “Vì Thiên Chúa đoái thương giao cho tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nãn chí” (2Cr 4, 1). Có thể nói, những gian khó đã mài dũa và làm sáng lên cuộc đời Phaolô, một con người say mến Đức Kitô và Hội thánh của Người.

Với kinh nghiệm chỗi dậy từ lầm lỗi, thánh nhân đã hun đúc cho mình một cái nhìn mới về Thiên Chúa và sứ vụ tông đồ, đồng thời chuyển tải cho chúng ta một sứ điệp hy vọng khi phải đối diện những nguy nan trước những lôi kéo thế gian và cám dỗ bản thân. Qua các tín hữu, ngài khuyên mỗi người chúng ta là tu sĩ đang sống trong thời đại hôm nay: “Cởi bỏ con người với nếp sống xưa… để Thần Khí đổi mới tâm trí, mặc lấy con người mới, con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4, 22- 24). Ý hướng này, chúng ta cũng gặp thấy nơi thư Rôma: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2).

Chúng ta không thể làm lại một con người mới nếu vắng bóng Thiên Chúa và không được tình yêu Đức Kitô thúc đẩy (x. 2Cr 5, 14). Mỗi người là hình ảnh Thiên Chúa, bởi đó, được đổi mới không gì hơn là trao lại cho Ngài hình ảnh nguyên sơ mà Ngài đã tạo tác nơi chúng ta: “Anh em hãy cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó, và anh em hãy mặc lấy con người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa” (Cl 3, 9- 10). Như vậy, sự canh tân đời sống không thể lượng giá theo tiêu chuẩn con người, nhưng được đặt để dưới sức mạnh biến đổi của Tin Mừng. Nói cách khác, muốn canh tân đời sống thánh hiến, chúng ta phải đặt mình trong khuôn thức của Đức Kitô, để Người tặng ban cho ta một nhãn quan mới, một niềm hy vọng và sức mạnh khả dĩ vượt qua mọi ngang trái. Nhờ đó, đời sống thánh hiến mới có thể bào mòn sự cô quạnh, tẻ nhạt và chấp nhận thập giá cuộc đời với niềm vui và bình an vì biết rằng Thiên Chúa luôn đồng hành.

2  Định Hướng Ơn Gọi

Đời sống thánh hiến được sinh ra do bởi Thiên Chúa và cho mục đích của Người. Niềm xác tín này phải được đặt lên trên những thành quả mà chúng ta đạt được, thậm chí hơn cả bình an nội tâm và hạnh phúc cá nhân, bởi vì “tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người” (Cl 1, 16). Thiên Chúa là khởi điểm nhưng cũng là cùng đích, cho nên, để nhận ra giá trị và cứu cánh đời mình, chúng ta phải dựa trên Lời Chúa và xây dựng cuộc đời trên chân lý vĩnh cửu là Đức Kitô.

Một trong những nguyên nhân làm chúng ta gặp phải những sóng gió thử thách hay đêm đen thất vọng là chọn sai định hướng và chưa thực sự xây dựng đời mình trên nền tảng Đức Kitô (x. Cl 3, 7). Chúng ta thường quy chiếu về bản thân mà không nhận ra ánh sáng của Thiên Chúa đang soi chiếu: ánh sáng ấy có khả năng đưa tới sự thật và giải thoát chúng ta (x. Ga 8, 32). Do đó, cánh cửa tâm hồn bị khép kín và che khuất tương lai, đang khi “chính Thiên Chúa nắm trong tay hồn của mọi sinh vật cũng như hơi thở của tất cả mọi người phàm” (G 12, 10). Rick Warren đã xác quyết: “Chỉ trong Thiên Chúa, chúng ta mới khám phá ra nguồn gốc, căn tính, ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng và định mệnh của chính mình. Mọi nẻo đường khác chỉ dẫn đến ngõ cụt[3]. Một khi chúng ta lèo lái Thiên Chúa theo mưu cầu cá nhân hay công đoàn là đảo lộn quy luật tự nhiên và làm sai lệch hướng đích. Thay vì Thiên Chúa chân thật, chúng ta dựng nên một “thiên chúa” theo chủ ý của mình. Điều này dễ đưa tới thất bại vì con đường ấy là lối ngõ dẫn đến sự chết (x. Rm 8, 6).

Hướng tới việc xây dựng đời sống thánh hiến không vướng mắc sai lầm, không theo ngẫu hứng hay ý muốn chủ quan, các tu sĩ cần xuất phát lại từ Đức Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, hiện diện trong Lời của Ngài. Chính Lời Chúa là khuôn vàng thước ngọc, có khả năng chất vấn, hướng dẫn, giáo dục, uốn nắn tâm trí và con tim chúng ta, đến mức đạt được tư tưởng của Ngài (x. 1Cr 2, 16).  Đó cũng là điều mà thư Do Thái muốn nói: “Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ, Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4, 12). Người tu sĩ cần quan tâm tới việc lắng nghe Lời Chúa như một sự gặp gỡ trao ban sự sống, rút ra từ bản văn Kinh Thánh Lời Hằng Sống, là Lời mang lại hy vọng và hình thành cuộc sống chúng ta[4]. Huấn thị Phát Xuất Lại Từ Đức Kitô đã minh định: “Chính Chúa Thánh Thần soi sáng Lời Chúa với ánh sáng mới cho các vị sáng lập. Mọi đoàn sủng và mọi luật lệ phát xuất từ đó và tìm cách trở nên một sự diễn tả Lời Chúa[5].

Ngang qua con đường đức tin, chúng ta chân nhận rằng: “Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13, 8), bởi Ngài “là Anpha và Omêga, là đầu và cuối, là khởi nguyên và cùng tận” (Kh 22, 13). Ngài là con đường dẫn tới Chúa Cha là sự sống và hạnh phúc đích thực (x. Ga 14, 6). Sự chân nhận này thắp lên trong ta động lực của những khởi đầu mới đầy tin yêu hy vọng và cho phép chúng ta tràn ngập sự hăng say trong công cuộc làm chứng cho Tin Mừng. Bởi vì, một khi được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, cuộc sống chúng ta trở nên mới mẻ, tự do và phù hợp với Tin Mừng.

II  Trong Tương Quan Với Cộng Đoàn

1  Xây Dựng Sư Hiệp Nhất

Cộng đoàn được xây dựng không đơn thuần dựa trên vật chất, mà quan trọng hơn là sự thông hiệp giữa các phần tử, chia sẽ đời sống thiêng liêng và mỗi người cảm thấy được đón nhận, yêu thương. Dưới cái nhìn của Felicisimo Diez Martinez: “Tình yêu huynh đệ là một hồng ân. Nó còn hơn là một điều răn nói trống: Nó là tình yêu của cộng đoàn. Cộng đoàn chủ yếu hệ tại việc thực hành tình yêu và hiệp thông, chỉ có tình yêu mới đem lại ý nghĩa và biện minh cho các tổ chức và định chế cộng đoàn[6].

Do đó, các tu sĩ không thể co cụm trên chính mình, nhưng mở ra với người khác để cùng nhau xây dựng đời sống chung. Muốn có sự hiệp nhất đích thực phải gạt bỏ cái tôi qua một bên, chú tâm đến nhu cầu anh chị em, thúc đẩy họ sống chiều kích đức ái và biết tôn trọng lẫn nhau. Huấn thị về Quyền Bính và Vâng Phục đã nói: “Cộng đoàn là những gì các phần tử làm nên. Vì thế, kích thích và thúc đẩy sự cống hiến từ mọi người để mỗi người đều cảm thấy bổn phận phải cống hiến sự sáng tạo, năng lực và đức ái của mình sẽ là nền tảng. Thật thế, tất cả những năng lực được cũng cố và đem lại với nhau trong dự phóng cộng đoàn, thúc đẩy và tôn trọng chúng[7].

Vai trò của chúng ta là khơi lên nơi cộng đoàn niềm tin tưởng lẫn nhau, và chiếu vào những “gốc khuất” ánh sáng hy vọng. Nhờ đó, chúng ta làm cho người khác nhận biết rằng tôi không thể lớn lên trong đời sống thiêng liêng và tình cảm, nếu chưa làm cho người khác lớn lên và chưa dành cho họ một chỗ xứng đáng trong tâm hồn mình. Nói cách khác, chúng ta sẽ không bao giờ lớn lên trong tình yêu, nếu chưa cố gắng làm cho tình yêu lớn lên trong tâm hồn anh chị em[8].

Ở đây, chúng ta cùng nhìn lại khát vọng của thánh Phaolô nơi các thư của ngài. Hơn ai hết, thánh nhân muốn giúp mỗi tín hữu sống hiệp nhất, an bình và được dưỡng nuôi bằng Lời Chúa. Ngài khuyên các tín hữu Rôma: “Chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau” (Rm 14, 19). Dĩ nhiên, tìm kiếm và trao tặng cho nhau sự bình an đòi hỏi mỗi người bước ra khỏi võ bọc ích kỷ để chú tâm đến lợi ích người khác và vì phần rỗi của họ. Điểm qui chiếu cho sự hiệp nhất và sống vì nhau là chính Đức Kitô: chỉ có nơi Ngài mới khả dĩ đem lại sự nối kết thật sự, biết tha thứ những lỗi lầm và đón nhận nhau như chính Chúa đã đón nhận mỗi người. Nhờ tình yêu Đức Kitô hun đúc, mỗi người biết kiên nhẫn chịu đựng những giới hạn của nhau và sẵn sàng tha thứ tất cả hầu nhắm tới lý tưởng cao đẹp hơn: Cùng nhau xựng dựng cộng đoàn và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Sống trong cộng đoàn, họ mang gánh nặng cho nhau (x. Gl 6, 2) và luôn tìm kiếm sự tốt lành nơi người khác. Về điểm này, Đức Thánh cha Phanxicô đã nói trong thông điệp Evangelii Gaudium: “Những ai muốn sống cách xứng đáng và trọn vẹn phải nhận ra những người khác và tìm kiếm sự tốt lành cho họ[9].

Thật không dễ dàng khi bước vào đời sống cộng đoàn và đối diện với muôn vàn sự khác biệt giữa các thành viên. Đời sống chung này luôn đặt trước sự “dang dỡ”, nên mỗi người cần cố gắng không ngừng để xây dựng cho nhau những gì tốt đẹp nhất. Dĩ nhiên, vai trò của vị hữu trách chiếm vị trị chiến lược. Nơi ngài, mỗi người nhận ra mình là thành phần ưu tuyển, có trách nhiệm nơi sự thăng trầm của cộng đoàn. Ngài chân nhận rằng một mình không làm nên cộng đoàn, nhưng cộng đoàn cũng không thể đứng vững và lớn lên nếu thiếu vị lãnh đạo. Cả hai cần bổ túc cho nhau để kiến tạo cộng đoàn ngày một an vui, hạnh phúc và huynh đệ.

2.  Dấn Thân Phục Vụ

Sự nghịch lý trong Kitô giáo, đi tu không phải để được “vinh thân phì da”, mà để phục vụ và hướng đến lợi ích người khác. Người thánh hiến là người có khả năng đi bước trước trong tiến trình vun đắp đời sống chung và khích lệ người khác cùng chung vai. Lm. Quirico thật có lý khi nói: “Phục vụ người khác có nghĩa là đặt sang một bên điều mà chính mình cần làm vì lợi ích bản thân để ưu tiên cho những gì mang lại lợi ích cho người khác. Yêu thương lẫn nhau sẽ dẫn tới phục vụ lẫn nhau[10]. Phục vụ người khác đòi hỏi phải có một tình yêu chân thành, một con tim nhạy cảm để nhận ra những nhu cầu thiết yếu mà người khác đang cần. Nói cách khác, khi phục vụ, người tu sĩ nhắm đến nhu cầu cộng đoàn, ngay cả khi phải chấp nhận thua thiệt bản thân vì phần rỗi anh chị em.

Hơn ai hết, thánh Phaolô là một gương mẫu tuyệt vời về việc phục vụ. Cuộc đời ngài là chuỗi ngày hy sinh, chấp nhận thiệt thòi vì lợi ích Giáo hội. Qua Giáo hội, thánh nhân đã phục vụ Thiên Chúa và ngài “hãnh diện về công việc phục vụ này” (Rm 15, 17). Ngài nói: “Tôi tạ ơn Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm tôi mà gọi tôi đến phục vụ Người” (1Tx 1, 12). Niềm khát mong của thánh nhân là kiến tạo một cộng đoàn an bình, trong đó mỗi người tìm lợi ích cho người khác, chứ không phải khép kín trên chính mình (x. Pl 2, 4). Bởi đó, ngài mời gọi mỗi người: “Anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng những chi thể của anh em như khí cụ làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (Rm 6, 13). Ngài xác tín rằng khi phục vụ là mỗi người đang làm những gì có thể để tôn vinh Thiên Chúa: “Việc phục vụ là một bằng cớ cho họ tôn vinh Thiên Chúa, vì thấy anh em vâng phục và tuyên xưng Tin Mừng của Đức Kitô, và vì thấy anh em có lòng quảng đại, sẵn sàng chia sẽ với họ và với mọi người” (2Cr 9, 13).

Thật khó để thúc đẩy người khác dấn thân, trong khi cuộc sống của mình èo uột và thiếu hấp lực. Hơn nữa, chúng ta không thể thắp lên nơi người thuộc quyền ngọn lửa hăng say, nếu chỉ nhắm đến lợi ích riêng tư hay thiếu nhịp đập của con tim nhiệt thành và đóng kín trước nhu cầu tha nhân. Người khác sẽ phục vụ hăng say khi nhìn thấy nơi chúng ta ước vọng của Thiên Chúa muốn xoa dịu những nỗi đau của người khác, và nếm hưởng niềm vui ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa khi trao ban[11]. Họ không chờ chúng ta làm được hết mọi sự, nhưng cùng với người khác làm những gì có thể. Tất nhiên, chúng ta phải xác tín đây là công việc của Chúa, và mình là người thợ mà Ngài muốn dùng đến. Cho nên, hướng đích của việc phục vụ không phải là làm được cái gì, cho bằng ý Thiên Chúa muốn gì khi làm những việc đó. Điều này giúp chúng ta tránh được sự hăng say thái quá hay nhụt chí, chán chường khi thất bại hoặc bị chống đối.

Sống trong một thế giới mà tâm hồn con người bị đóng kính vì tư lợi, thì việc dấn thân phục vụ là lời chứng hùng hồn và có sức thuyết phục người khác. Nó là bậc thang giá trị giúp mỗi người tiến sâu hơn trong tình nghĩa anh chị em cũng như mở ra một hướng đi mới cho sứ vụ.

III  Đời Sống Thánh Hiến Trong Lòng Giáo Hội

1  Xây Dựng Giáo Hội Viên Mãn

Niềm tin đưa chúng ta xác tín rằng Đức Kitô là sự viên mãn của Thiên Chúa (x. Cl 2, 3), và Giáo hội là thân thể và là sự viên mãn của Đức Kitô, Đấng làm cho tất cả được viên mãn (x. Ep 1, 23). Đức Kitô vừa là trung gian sáng tạo, vừa là cứu cánh của mọi tạo vật, nên tất cả chỉ có thể tồn tại và đạt được hướng đích của mình trong Ngài.

Bởi đó, thánh Phaolô mời gọi mỗi người xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta hiệp nhất trong Ngài và trong sự nhận biết con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (x. Ep 4, 12- 13). Nơi thư Côlôsê, thánh nhân cũng nói lên điểm này: “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho tất cả được hòa giải với mình” (Cl 1, 19- 20). Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đã cắm lều giữa con người, cùng chia sẽ kiếp sống và cứu độ họ. Nói cách khác, Đức Kitô là Đấng Trung Gian, nên tất phải nhờ Ngài để thiết lập mối dây với Thiên Chúa.

Như vậy, sự viên mãn của Giáo hội không thể tồn tại bởi sức con người; nó phải có một điểm chung để quy hướng, một “dung dịch” để thanh tẩy hầu Giáo hội trở nên tinh tuyền và thánh thiện. Do đó, Giáo hội chỉ đạt được viên mãn thật sự khi đồng nhất với Đức Kitô và chung chia sứ mệnh của Ngài. Bởi vì, “chính Đức Kitô đã yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh; như vậy, Người thánh hóa, thanh tẩy Hội thánh bằng nước và bằng Lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5, 25- 27). Ở đây, thánh nhân cho biết chính Đức Kitô thanh tẩy Giáo hội chứ không phải Giáo hội tự thanh tẩy mình. Khi thiết lập Giáo hội, Đức Kitô muốn có một Giáo hội tinh tuyền, thánh thiện hầu mang lại cho người khác một dấu chứng tình yêu Thiên Chúa, tình yêu ấy vượt ra ngoài sự khôn ngoan cũng như nỗi yếu hèn của con người. Filipe Gomez đã nói thật hay về Giáo hội: “Trong Giáo hội, tiềm ẩn mọi kho tàng khôn ngoan và hiểu biết về Thiên Chúa; mà kho tàng ấy là chính việc nhận biết Đức Kitô, nhận biết Đức Kitô và tình yêu của Ngài, tình yêu vượt quá sức hiểu biết của loài người[12].

Mỗi người tu sĩ được kêu gọi hãy là những “viên gạch” đức mến để xây dựng Giáo hội viên mãn. Nơi đức mến hội tụ những phương thế cần thiết giúp con người cởi bỏ cái tôi bất chính để kiến mối tương quan hài hòa và mật thiết. Thánh Phaolô viết: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4- 8). Chúng ta hãy cố đạt cho được đức mến, hãy khao khát những ơn của Thần khí; vì khao khát những ơn của Thần khí, mỗi người sẽ tìm kiếm điều thiện hảo cho nhau và hăng say xây dựng Giáo hội. (x. 1Cr 14, 1- 12).

Chắc hẵn, Giáo hội được Thiên Chúa thiết lập không thể là một hải quan hay quan tòa có quyền tra vấn, lên án. Trên hết, Giáo hội là nơi thể hiện lòng thương xót Chúa, nơi đầy ắp yêu thương, cảm thông, tha thứ và cùng nhau sống chiều kích Tin Mừng. Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha Phanxicô cho ta biết rõ hơn về điểm này: “Hội thánh phải là nơi của lòng thương xót được ban cách nhưng không, ở đó mọi người cảm thấy được đón tiếp, yêu thương, tha thứ và khuyến khích để sống một đời sống Tin Mừng[13].

Có thể nói, bao lâu Giáo hội chưa trở nên dấu chỉ của đức mến, bấy lâu Giáo hội chưa thực sự sống chiều kích Tin Mừng, vì một khi đã được ướp mặn bởi Tin Mừng Đức Kitô thì không thể đi ra ngoài quĩ đạo tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4, 16); điều này cũng nói lên chính bản tính của Giáo hội. Tất cả những gì Giáo hội đang xây dựng cũng chỉ gói trọn trong hai chữ: tình yêu. Thánh Phaolô tha thiết nói lên tâm nguyện của mình: “Xin Thiên Chúa cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy, anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3, 17- 19).

Chính Thiên Chúa đã làm cho Giáo hội viên mãn và ban đầy tràn ân sũng của Ngài. Tuy nhiên, vẫn còn đó một khoãng trống cho sự đáp trả và cộng tác của con người. Là thành phần trong thân thể mầu nhiệm Giáo hội, người tu sĩ không thể giả điếc làm ngơ hay chờ sung rụng. Nhiệm vụ của mỗi chúng ta phải biết thúc đẩy người khác hăng say tham gia vào sứ vụ chung, để cùng nhau xây dựng cuộc sống này như một “thiên đàng tại thế”.

2  Tham Gia Sứ Vụ

Là những người theo sát Đức Kitô, chúng ta tiếp tục những gì Ngài đã khởi sự: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19- 20). Đây là lời mời gọi, nhưng cũng là một lệnh truyền dành cho chúng ta và không ai có quyền chọn lựa thi hành hay không. Bởi vì, nó thuộc về bản chất của Giáo hội và trở nên căn tính của mỗi người kitô hữu; có chăng, có những cách thức thi hành khác nhau. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã khẳng định: “Sứ vụ loan báo Lời Chúa là bổn phận của mọi môn đệ Đức Kitô, căn cứ trên Bí tích Thánh tẩy của họ. Không một tín hữu nào trong Chúa Kitô lại có thể thấy mình xa lạ với trách nhiệm này[14]. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta không chỉ đến với Ngài, mà còn ra đi cho sứ mạng của Ngài là mang ơn cứu độ cho muôn dân tộc, giải thoát họ khỏi ách nô lệ tội lỗi hầu đạt được sự tự do đích thực dành cho con cái Thiên Chúa[15].

Sứ mệnh này liên quan đến ơn cứu độ người khác, nên quan trọng hơn bất cứ công việc, mục tiêu hay thành quả mà chúng ta đang chọn lựa. Chúng ta chưa thực sự trở nên muối cho đời, ánh sáng cho trần gian (x. Mt 5, 13- 16), nếu chưa giúp người khác thiết lập giao ước với Thiên Chúa, chưa trở thành chứng nhân về sự hiện diện sáng ngời của Ngài giữa một thế giới ngày càng mất phương hướng và lộn xộn[16]. Thiên Chúa muốn chúng ta chia sẽ Tin Mừng dù ở đâu và bậc sống nào, không trì hoãn hay chờ cơ hội. Rick Warren thật có lý khi nói: “Chúng ta sẽ có cả đời đời để vui mừng với những người mà chúng ta đem về cho Chúa, nhưng chúng ta chỉ có một đời để tìm kiếm họ[17].

Tất nhiên, để có khả năng chuyển đạt Tin Mừng cho người khác, chúng ta phải là thuở đất thấm đẫm Lời Chúa và sinh công hiệu như Ngài muốn (x. Is 55, 10- 11). Nghĩa là lấy Lời Chúa như kim chỉ nam định hướng cuộc sống, chất vấn và thanh luyện chúng ta nên như khí cụ sắc bén trong tay Ngài. Nói theo cách của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Việc lắng nghe Lời Chúa trở thành cuộc sống với Thiên Chúa và hướng dẫn từ niềm tin tới tình yêu, đến việc khám phá tha nhân”[18]. Một khi được biến đổi nhờ Lời Chúa, cuộc sống sẽ trở thành chứng tá có tính ngôn sứ và có sức thu phục người khác, bởi vì được biến đổi nên giống hình ảnh Đức Kitô và được tình yêu Ngài thúc đẩy (x. 2Cr 9, 14). Đòi hỏi căn bản cho đời sống chứng nhân là một sự đầy tràn tình yêu Thiên Chúa, yêu Giáo hội, yêu tha nhân và yêu hết mọi sự với một tình yêu không mức độ[19]. Điều đó, mời gọi chúng ta chấp nhận bỏ đi lịch trình riêng để thuận theo chương trình của Chúa: trao cho Ngài mọi quyền hạn, ước mơ, kế hoạch, tham vọng của mình và hiến toàn thân cho Thiên Chúa, để Ngài dùng ta như khi cụ mang lại sự bình an và ơn cứu độ (x. Rm 6, 23).

Kết Luận

Với mong ước tránh những thái cực làm tê cứng tâm hồn chứng nhân, Giáo hội mời gọi mỗi người tu sĩ tìm lại tình yêu ban đầu, tình yêu lôi cuốn chúng ta theo Ngài. Nói cách khác, cần tái khám phá mối tương quan với Thiên Chúa và không ngừng tẩy rữa những lớp màng của tính ích kỷ, đố kị, khép kín hay thích an phận, để nhờ sức năng động của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta trở nên mạnh mẽ và có thể dám làm mọi sự vì cảm nhận được yêu mến bởi tình yêu Thiên Chúa như: tính sáng tạo, khả năng canh tân cộng đoàn và mở ra con đường mục vụ mới.

Thiên Chúa không chờ đợi chúng ta làm những việc phi thường. Điều Ngài muốn là trở nên một với Ngài, cùng mang một tâm tình, lối sống, được Ngài chiếm hữu, chạm đến và được ân sũng Ngài nâng đỡ[20]. Nhờ đó, chúng ta có thể cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó, và mặc lấy con người mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá (x. Cl 3, 9- 10), để thực sự sống công chính và thánh thiện hầu trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh, xây dựng cộng đoàn thăng tiến và phục vụ Giáo hội bằng chính ơn gọi và bậc sống của mình.

                       Montfort Nguyễn Xuân Pháp CT



[1] Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Tông Đồ, Huấn Thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô, ngày 15/5/2002, số 6.

[2] www.simonhoadalat.com/giaoduccg/tuduc.147batdaulai.htm.

[3] Rick Warren, Sống Có Định Hướng, Lm. Minh Anh dịch, tr 24.

[4] X. Gioan Phaolo II, Novo Millennio Ineunte, số 39.

[5] Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Tông Đồ, Huấn Thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô, ngày 15/5/2002, số 24.

[6] Felicisimo Diez Martinez, Đời Tu- Gạn Đục Khơi Trong, Nguyễn Ngọc Bảo dịch, năm 2000, tr 322.

[7] Thánh Bộ Các Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Huấn Thị Về Quyền Bính Và Vâng Phục, ban hành ngay 11/52008, Nt Maria Trần Thị Sâm dịch, Nxb: TG Hà Nội 2009, số 20c.

[8] X. Lm. Fw. Faber, Tất Cả Vì Chúa Chúa Giêsu, Tr

[9] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông Điệp Evangelii Gaudium, ban hành ngày 24/11/2013, Phaolô Phạm Xuân Khôi dịch, số 9.

[10] Lm. Quirico T. Pedregosa Op, Tình Yêu Chính Là Sứ Vụ, Nt Anna Nguyễn Thị Ngọc Diệp Op dịch, Nxb: Tôn Giáo Hà Nội, năm 2012, tr 73.

[11] X. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông Điệp Evangelii Gaudium, ban hành ngày 24/11/2013, Phaolô Phạm Xuân Khôi dịch, số 2.

[12] Filipe Gomez, Giáo Hội Học, Tr 32.

[13] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông Điệp Evangelii Gaudium, ban hành ngày 24/11/2013, Phaolô Phạm Xuân Khôi dịch, số 114.

[14] ĐGH Benedicto XVI, Tông Huấn Verbum Domini, Nxb: Tôn Giáo 2011, số 91.

[15] X. Sđd,  số 91.

[16] X. Lời khẳng định của Đức Giáo hoàng Benedicto XVI với các Bề Trên dòng ngày 22/5/2006.

[17] Rick Warren, Sống Có Định Hướng, Lm. Minh Anh dịch, tr 359.

[18] Đức Gh Benedicto XVI, Đức Giêsu Nazareth phần I, Lm Nguyễn Văn Trinh dịch, Nxb: Hà Nội, 2011, tr 64.

[19]X.  Huấn từ của ĐGH Phaolô VI về Đời Tu với các Bề Trên cấp cao nữ giới Nước Ý ngày 2/1/1967.

[20] X. Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Tông Đồ,Huấn Thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô, , ngày 15/5/2002, số 22.


Năm Đời Sống Thánh Hiến