Khi các tu sĩ tẬn hiẾn Ở Rôma gẶp giám mỤc cỦa hỌ

Phần 4 zenit.org, 21-5-2015

Sáng thứ bảy 16 tháng 5, tại Hội trường Phaolô VI, sau phần chứng tá, trình diễn ca nhạc, múa hát của nhiều nước khác nhau trên các châu lục khác nhau, đặc biệt có một ca đoàn của các tu sĩ Trung quốc, Đức giáo hoàng đã có buổi nói chuyện với các tu sĩ tận hiến của giáo phận mình.

Đức giáo hoàng đã trả lời đầy đủ các câu hỏi của các cộng đoàn tu sĩ đại diện cho các dòng khác nhau: một dòng chiêm niệm, một dòng ngoài đời, một dòng Phanxicô phục vụ cho các người trẻ bị suy thoái tinh thần, một tu sĩ tận hiến làm việc ở giáo xứ.

"Đức vâng lời trong đời sống tận hiến là một huyền nhiệm", Đức Phanxicô giải thích. Đời sống tận hiến là một "ơn ban". Nó không đồng nghĩa với đặc sủng. Cần phải phân biệt giữa xưng tội và hướng dẫn thiêng liêng. Ngài nhắc đến tầm quan trọng của khả năng "tài tình của phụ nữ" trong Giáo hội.

Linh mục Gaetano Greco đặt câu hỏi thứ tư, cha thuộc dòng Ba Phanxicô Đức Bà Thương Đau (Addolorata), là cha tuyên úy của nhà tù cho trẻ vị thành niên Casal del Marmo ở Rôma mà Đức Phanxicô đã đến dâng thánh lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 2013 ở đây.

Linh mục Gaetano giải thích chính vì vâng lời mà cha thay thế cha bạn làm việc vài tuần, chứ thực lòng cha không thích. Vậy mà từ đó, cha đã vui vẻ phục vụ ở đây 45 năm. Cha đặt câu hỏi về địa vị và vai trò của phụ nữ tận hiến trong Giáo hội.

Linh mục Gaetano Greco – đời sống tận hiến là ơn của Chúa ban cho Giáo hội, là ơn của Chúa cho dân Ngài. Nhưng ơn này không phải lúc nào cũng được yêu mến và được nâng cao giá trị trong bản sắc và trong chức năng của mình. Thường thường ở Giáo hội địa phương chúng con, các cộng đoàn, nhất là các cộng đoàn nữ, chúng con rất khó để tìm được các người đi kèm, các nhà đào tạo, các nhà hướng dẫn thiêng liêng, các cha giải tội nghiêm túc. Làm sao để tìm lại nguồn gia tài phong phú này? Đời sống tận hiến trong 80% trường hợp đều mang khuôn mặt phụ nữ. Làm sao có thể nâng giá trị sự có mặt của phụ nữ nhất là các phụ nữ tận hiến trong Giáo hội?

Đức Phanxicô – Trong suy nghĩ của mình, cha Gaetano kể chuyện mình đi "thay thế hai, ba tuần" ở một nhà tù dành cho trẻ vị thành niên. Và cha đã ở đó 45 năm nay. Cha làm vì vâng lời. "Chỗ của con là ở đây", bề trên của cha đã nói với cha như thế. Và cha vâng lời nhưng không thích mấy. Và cha thấy đó là ý Chúa qua hành vi vâng lời này. Trước khi trả lời vào câu hỏi, cha xin phép nói vài lời về đức vâng lời. Khi thánh Phaolô muốn nói với chúng ta về mầu nhiệm Chúa Kitô, ngài dùng lời này; khi ngài muốn nói đến sự phong phú của Chúa Kitô, ngài nói: "Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá" (cf. Pl 2, 8). Chúa đã hạ mình xuống. Ngài đã vâng lời. Mầu nhiệm của Chúa Kitô là mầu nhiệm của vâng lời, và vâng lời là sinh hoa kết quả phong phú. Và đúng vậy, giống như tất cả mọi đức tính, giống như trong tất cả lãnh vực thần học đều có nói đến khuynh hướng tạo nên một thói quen do kỹ luật. Nhưng đức vâng lời trong đời sống tận hiến là một huyền nhiệm.

Cũng như cha đã nói người phụ nữ tận hiến là hình ảnh của Mẹ Maria và của Giáo hội, chúng ta có thể nói đức vâng lời là nên giống Chúa Giêsu trên con đường Ngài muốn đi. Và chúng ta đã thấy hoa trái của nó. Cha cám ơn linh mục Gaetano về chứng tá của mình trên điểm này, bởi vì chúng ta nói rất nhiều về đức vâng lời – trước tiên là đối thoại, đúng, tất cả mọi chuyện đều tốt, nó không xấu – nhưng thế nào là vâng lời? Chúng ta hãy xem thư thánh Phaolô gởi tín hữu Philiphê đoạn 2: đó là mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Chính đó mới làm cho chúng ta hiểu được đức tính vâng lời. Nó không ở trong các tu nghị miền hay vùng: ở đây chúng ta có thể đào sâu nhưng để hiểu được thì phải nhìn vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu.

Bây giờ chúng ta đi vào vấn đề: đời sống tận hiến là ơn ban, ơn ban của Chúa cho Giáo hội. Đúng vậy. Ơn ban của Chúa. Các con nói đến tính ngôn sứ: đó là ơn ban của tính ngôn sứ. Đó chính là Chúa hiện diện, Chúa muốn hiện diện qua món quà: Ngài chọn cả nam lẫn nữ, nhưng đó là món quà, món quà được tặng nhưng không. Thiên chức cũng là một ơn, đó không phải là một địa vị, để qua đó mình dùng con đường này để tiến thân. Không, đó là ơn ban được gởi đến cho tâm hồn từng người; ơn ban cho một nhà dòng và nhà dòng này cũng là một ơn ban. Nhưng ơn ban này không phải lúc nào cũng được yêu mến và có giá trị trong bản sắc cũng như trong chức năng của mình. Đúng vậy. Có một khuynh hướng đồng hóa các tu sĩ tận hiến, như thử tất cả đều giống nhau. Ở Công đồng Vatican II, đã có một đề nghị kiểu này, đồng hóa các tu sĩ tận hiến. Không, đó là một ơn với bản sắc riêng mà Chúa cho mỗi một người để thành lập một gia đình tu sĩ.

Và rồi có một vấn đề: vấn đề phải biết cách thế nào để đi kèm với các tu sĩ. Thường thường trong Giáo hội địa phương, các cộng đoàn, nhất là cộng đoàn nữ, họ thường gặp khó khăn khi tìm người đi kèm, tìm các nhà huấn luyện, các cha linh hướng và các cha giải tội nghiêm túc.  Hoặc họ không hiểu đời sống tận hiến là như thế nào, hoặc họ không đặt mình vào trong đặc sủng này và không muốn diễn giải làm mất lòng nữ tu.

Chúng ta nói đến các nữ tu gặp khó khăn nhưng các nam tu cũng có những khó khăn của họ. Cũng không phải dễ để tìm một cha giải tội, một cha linh hướng. Cũng không phải dễ để tìm một người có một thiện hướng ngay thẳng; và đường hướng thiêng liêng này, tuyên xưng này không phải chỉ là một buổi nói chuyện vui vẻ giữa bạn bè chẳng có chiều sâu; hoặc tìm những người cứng ngắc không biết rõ đâu là vấn đề, bởi vì họ không hiểu đời sống tu hành… Trong một địa phận nọ của cha, khi các nữ tu đến gặp cha để hỏi ý kiến, cha luôn khuyên họ: "Con nói cho cha biết, trong cộng đoàn của con hay trong nhà dòng của con, không có một xơ nào có đủ minh triết, một xơ sống đúng với đặc sủng của mình, một xơ nhiều kinh nghiệm sao?… Con xin xơ đó làm linh hướng cho con! – Nhưng là một phụ nữ! – Nhưng là một đặc sủng của các giáo dân!". Linh hướng không phải là một đặc sủng độc quyền của các linh mục; Đó là đặc sủng của các giáo dân! Trong các tu viện nguyên khai, các giáo dân là những nhà linh hướng lớn.

Bây giờ cha nói đến giáo điều về đức vâng lời của Thánh Silouane, một đan tu của Núi Athos. Ngài là thợ mộc, rồi ngài làm thủ quỹ nhưng ngài không phải là phó tế, thế mà ngài là một nhà linh hướng cao cả! Đó là đặc sủng của các giáo dân! Và các bề trên khi thấy trong dòng hay trong tỉnh dòng có nam nữ giáo dân nào có đặc sủng như một nhà linh hướng thì phải tìm cách giúp họ để họ được đào tạo, để họ làm công việc này. Điều này không phải dễ. Một đàng là linh hướng thiêng liêng, một đàng là cha giải tội. Ở tòa giải tội, khi tôi xưng tội, tôi cảm thấy mình như bị đánh; và rồi cha tha hết tội cho tôi và tôi đi về. Nhưng với cha linh hướng, tôi phải nói tất cả những gì xảy ra trong tâm hồn tôi.

Tự vấn lương tâm không phải cùng là một việc của xưng tội và của linh hướng thiêng liêng. Khi xưng tội, mình phải tìm những điểm thiếu sót, nếu mình đã mất kiên nhẫn; nếu mình đã cảm thấy thèm muốn: những chuyện này là những chuyện rất cụ thể. Nhưng đối với linh hướng thiêng liêng, mình phải xét đến những gì đang xảy ra trong tâm hồn mình, các chuyển động của tâm hồn, nếu tôi cảm thấy sầu khổ, cảm thấy mệt, tại sao tôi buồn: đó là những chuyện phải nói với nam linh hướng hay nữ linh hướng. Đúng là phải như vậy. Các bề trên có trách nhiệm tìm ai trong cộng đoàn, trong dòng, trong tỉnh dòng là người có đặc sủng này, giao cho họ sứ vụ này, đào tạo họ và giúp họ trong việc này.

Đi kèm trên con đường này là cùng đi từng bước một với người anh chị em tận hiến. Tôi nghĩ về điểm này chúng ta chưa được trưởng thành. Chúng ta chưa chín chắn trên điểm này vì hướng dẫn thiêng liêng có được là do biết nhận định. Nhưng khi con đứng trước các nam, nữ tu sĩ tận hiến, những người không biết nhận định những gì đang xảy ra trong tâm hồn mình thì người đó thiếu được hướng dẫn thiêng liêng. Và vì thế chỉ những người có được minh triết mới có thể làm được. Nhưng cũng phải được đào tạo! Ngày nay, nếu chỉ có thiện ý thôi cũng không đủ vì thế giới ngày nay rất phức tạp và khoa nhân văn cũng giúp chúng ta rất nhiều, nhưng không nên rơi vào chủ nghĩa tâm lý vì khoa nhân văn giúp chúng ta thấy được con đường. Đào tạo họ với các bài vở của các nhà hướng dẫn thiêng liêng lớn nhất, đó là các đan sĩ. Cha không biết con có đọc các tác phẩm của các đan sĩ nguyên khai: bao nhiêu là minh triết để hướng dẫn thiêng liêng chúng ta có thể tìm thấy ở đó! Quan trọng là đào tạo họ với các tác phẩm này. Làm sao tái khám phá nguồn tài liệu phong phú này?

Đời sống tận hiến trong 80% trường hợp đều mang khuôn mặt phụ nữ: đúng vậy, có nhiều phụ nữ tận hiến hơn đàn ông. Làm thế nào để có thể nâng giá trị của phụ nữ, đặc biệt là các nữ tu tận hiến trong Giáo hội? Cha lặp lại một chút điều cha muốn nói: giao cho các phụ nữ tận hiến trách vụ mà nhiều người nghĩ chỉ dành riêng cho các linh mục; và cũng thánh hóa hình ảnh người phụ nữ tận hiến là khuôn mặt của Giáo hội, Mẹ chúng ta và Maria, Mẹ chúng ta. Có nghĩa là phải đi trên con đường của tình mẫu tử; và tình mẫu tử không phải là tình chỉ dành cho con cái mình sinh ra! Tình mẫu tử là đi theo sự lớn lên; tình mẫu tử là ngồi hàng giờ bên cạnh người bệnh, bên cạnh đứa con bị đau, bên cạnh người anh chị em bị đau; đó là để đời mình sống trong tình yêu, trong tình yêu dịu dàng này của tình mẫu tử. Trên con đường này, chúng ta sẽ thấy nhiều hơn nữa vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.

Linh mục Gaetano cũng đã đề cập đến các chủ đề khác nhau, vì thế cha thấy cũng khó trả lời tất cả… Nhưng khi có người nói với cha: "Không! Trong Giáo hội, phụ nữ phải đứng đầu các ban bộ của giáo triều chẳng hạn!". Đúng, có thể được, trong một vài ban bộ có thể được; nhưng điều con đòi hỏi, đó chỉ là đơn thuần chức vụ của một công chức. Không phải vậy là tái khám phá vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Sâu xa hơn và chúng ta sẽ đi trên con đường này. Đúng, phụ nữ làm được những chuyện này, họ được cổ động – hiện nay chúng ta đã có một nữ viện trưởng ở Rôma, thật là tốt! -; nhưng đây không phải là một chiến thắng. Không, không. Đây là một cái gì còn lớn hơn nữa, một cái gì trong chức năng; nhưng cốt tủy là vai trò của phụ nữ – cha nói điều này không mang tính thần học – nhưng là làm sao để nói lên được tài năng của phụ nữ. Khi chúng ta xử lý một vấn đề giữa đàn ông với nhau, chúng ta đi đến một kết luận, nhưng cũng cùng một vấn đề, nếu chúng ta làm việc với phụ nữ, chúng ta sẽ có một kết luận khác. Kết luận này sẽ cùng đi một hướng nhưng nó phong phú hơn, mạnh hơn, trực giác hơn. Chính vì thế phụ nữ trong Giáo hội phải có vai trò này; phải nói rõ, phải giúp để làm rõ rất nhiều phương cách của tài năng phụ nữ này.

Cha tin qua các điều này cha đã có thể trả lời cho câu hỏi của con và cho các câu hỏi khác. Còn về tài năng của phụ nữ, cha đã nói đến nụ cười, đến lòng kiên nhẫn trong đời sống cộng đoàn và cha muốn nói vài lời về một nữ tu 97 tuổi mà cha kính phục: xơ đã 97 tuổi… Xơ ở đó và cha đang thấy rõ. Xin xơ giơ tay lên để mọi người có thể thấy xơ… Cha chỉ trao đổi hai, ba chữ với xơ, xơ nhìn cha với đôi mắt trong sáng, với nụ cười của một nữ tu, của một bà mẹ, của một bà nội-ngoại. Nơi xơ, cha muốn vinh danh sự bền đổ trong đời sống tận hiến. Có người nghĩ rằng đời sống tận hiến là thiên đàng trần thế. Không! Có thể đó là lò luyện ngục… Nhưng không phải thiên đàng! Không phải dễ dàng để đi tiếp tục. Khi cha thấy một người đi trọn cuộc đời tận hiến của mình, cha tạ ơn Chúa. Qua xơ, ma xơ của cha, cha xin cám ơn tất cả nam nữ tu sĩ tận hiến. Xin cám ơn hết lòng.

 

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

 


Năm Đời Sống Thánh Hiến