Sự thật về điều gọi là "Lời thề Dòng Tên"

Lời nguyện bốn dòng Tên - Vâng, lời nguyện (votum, voeu, vow) [1], chứ chẳng có JESUIT OATH hay Lời thề Dòng Tên nào cả. Lời nguyện ấy giống như Ba lời nguyện của mọi dòng tu khác. Khác chăng chỉ là có thêm đoan hứa thứ tư : Vâng lời Đức Giáo Hoàng về sứ vụ!

 Thánh Inhã và anh em được ĐGH Phaolô III sai đi

Sở dĩ tôi viết bài này chỉ vì có mấy bạn chìa cho coi một bài báo ở Hồn Việt th.2/2009, trong đó tác giả đề cập đến Jesuit Oath, và đây là lời thề nghe lệnh ĐGH đi tàn sát người lạc giáo, ly giáo,v.v. Mấy ông bạn này, tuy coi đây là chuyện vớ vẩn, nhưng vẫn xin tôi viết báo giải thích để tránh thắc mắc cho một số người ngoài.

Thực ra, tôi chẳng muốn dính vào những chuyện không đâu như thế, nhưng vì e có kẻ nghe mãi cũng sinh nghi, nên đành nói rõ về Lời nguyện bốn Dòng Tên mà hẳn phe chống Công giáo đã nhại thành Jesuit Oath độc địa ấy.

Jesuit Oath

Theo giới thiệu của tác già, tôi đánh máy tìm JESUIT OATH trên mạng, và lập tức hiện lên cả trên chục bài bằng tiếng Anh. Cũng trên mạng, có nhiều bài nữa của B.K. do tác giả tự đưa lên, kể cả bài viết trong số báo Hồn Việt tháng 2 mới đây. Vâng, tác giả đưa bài lên Internet, rồi cũng từ Internet lấy xuống cái “của nợ” Jesuit Oath đó, và những thứ khác nữa. 

Ai chẳng biết, Internet là địa chỉ tham khảo rất tốt, nhưng không thể là địa chỉ cho nghiên cứu được. Vì cả “trăm thứ bà giằn” trên ấy, nên “vàng thau lẫn lộn”. Cố nhiên là còn có thư viện ảo, có mấy tạp chí nghiên cứu trên mạng nữa. Nhưng dù thư viện ảo hay tạp chí trên mạng, thì gián tiếp cũng là thư viện giấy và tạp chí giấy đó thôi. Chứ Internet suông thì không thể dùng để chứng minh cho cái gì cả.

Vả nữa, dù sách giấy và thư viện giấy, thì cũng phải chọn mà đọc những tác giả lớn và đứng đắn, những nhà xuất bản nghiêm cẩn và có tên tuổi [2]. Chứ không bạ ai cũng trưng dẫn được. [3] 

Thêm vào đấy, người nghiên cứu chân chính sẽ gạt bỏ thành kiến và vượt trên tình cảm để làm việc nghiêm túc với tinh thần khách quan cao, nhờ đó dễ tiếp cận sự thực để cố trình bày sự thực với độc giả.

*

Hãy trở về với Jesuit Oath.

Có rất nhiều sưu bản về Lời thề này. Một trong hai sưu bản phổ biến nhất là bản được tìm thấy trong Thư viện Quốc hội Mỹ [4]. Theo nhận xét của bài Jesuit Oath debunked, một trong những bài trong loạt bài ở địa chỉ JESUIT OATH, “hẳn vì nó có trong Thư viện Quốc hội Mỹ, nên nó hay được trưng dẫn…Người chống Công giáo xem ra tin vào nó bởi nó được gặp trong Thư viện Quốc hội Hoa kỳ, cho rằng đó là một tài liệu khả tín…Mặt khác, rất có thể một số kẻ chống Công giáo muốn trục lợi trên sự dốt nát của người khác (prey on ignorance)…”. Bài Jesuit Oath debunked còn mở đầu như sau : “Đôi khi chúng ta tự thấy như lạc khỏi giang sơn của những điều khả thể mà rơi vào vùng trởi của những cái “trời ơi đất hỡi” gì gì đó. Chuyện Lời thề DT là một trong những thí dụ như vậy. Nó thật tức cười, và nghĩ rằng có người đang tin vào nó sẽ khiến ta ngỡ ngàng…”

Vì bản văn Jesuit Oath rất dài, tới cả trang rưỡi A4, ấy là chưa kể lời huấn dụ cũng dài của linh mục đại diện cha tổng quyền, cùng với những câu vấn đáp kết thúc giữa ngài và người phát thệ, nên chúng tôi xin lược ý vắn tắt như sau:

- Con xin thề với cha và cha Tổng quyền : con xin làm hết sức để diệt đám Tin lành và Tam điểm, sẽ xâm nhập vào lũ lạc giáo để vừa dò xét (spy) vừa xúi dục chúng chém giết lẫn nhau hầu làm lợi cho ĐGH. Nếu có dịp, con sẽ khởi động chiến tranh, tiêu diệt chúng khỏi mặt đất, không tha cho bất cứ ai, dù già hay trẻ, nữ hay nam. Vâng, “con sẽ treo cổ, hủy thiêu, tàn sát, nấu chín, lột da, xiết cổ, chôn sống quân lạc giáo điếm nhục ấy, sẽ mổ bụng vợ chúng và đập đầu con thơ chúng vào tường cho vỡ nát ra, hầu tận diệt dòng giống tồi bại của chúng. Bằng như việc tàn sát ấy không thể làm công khai, thì con sẽ bí mật giết chúng bằng ly rượu độc, bằng dây xiết cổ, bằng lưỡi dao găm hay viên đạn chì…”

Nghe thật khủng khiếp mà cũng tức cười, phải không? Bất ngờ như chuyện “cá tháng tư” và dễ sợ như chuyện quỷ nhập tràng vậy! Thế nhưng ai ghét Công giáo vẫn có thể tin. Chỉ vì họ thích tin như thế. Vâng, ghét mà đối tượng dữ dằn thật thì chẳng ai dám làm gì, kẻo như Salman Rushdie phải trốn chui trốn nhủi. Bằng như đối tượng hơn mình nhưng lại không đáng sợ, thì người ta sẽ tìm một cái gì nổi nang của hắn, để nhại thành một cái gì xấu xa hầu cười cho sướng miệng. Như xưa kia khi Kytô hữu tin Chúa Giêsu là con của parthenos (trinh nữ), người Do thái đã nhại là con của panther (con báo), rồi từ đó chuyển sang con của Pander (tên một đàn ông nước ngoài không phải Giuse) để chửi Chúa Giêsu là con hoang. [5]

Cũng như Công giáo không phải là một đế quốc dù một tỉ người trên bốn biển vâng lời Tòa thánh Rôma, thì Dòng Tên cũng chẳng phải là một đội quân dù lý tưởng là “chiến đấu dưới lá cờ chữ thập”. Chỉ một lần dăm ba tu sỹ Dòng Tên đã cầm gươm và súng, nhưng không phải để giết ai, mà để bảo vệ người da đỏ khỏi bị đám da trắng bắt đi làm nông nô trong các đồn điền của họ. Vâng, DT đã lập những ấp tự vệ (reductions) ở Paraguay để bênh vực người da đỏ khốn khổ, nhưng chính họ lại bị các pháp sư người da đỏ (thuộc bộ tộc khác) giết chết năm 1628, nhờ thế ba tu sỹ đã được phong thánh năm 1988. [6] 

Với quốc gia Anh giáo của Henri VIII [7], Dòng Tên cũng chỉ chiến đấu bằng hoạt động truyền giáo và với ngòi bút thôi. Ngòi bút là của thánh Robert Bellarmin đã đưa nhiều người Anh giáo tiếng tăm trở về với Hội thánh La mã. Còn hoạt động truyền giáo –nói cho đúng ra : tái truyền giáo- là của chính người Anh. Số là, đi vào phong trào đối cải cách (contre-réforme) để vực dậy hàng giáo sỹ và giáo dân thoái hóa về niềm tin và đức hạnh, Dòng Tên đã mở đó đây rất nhiều học viện bên lục địa Châu Âu. Rất nhiều gia đình từ Anh đã gửi con sang học ở các trường danh tiếng ấy. Một số thanh niên này rồi sẽ cải đạo, xin nhập dòng, và sau khi huấn luyện xong, xin trờ về truyền giáo ở quê hương. Họ trở về từng người và hoạt động tồng đồ, cố nhiên là lén lút, và đưa được khá đông gia đình Anh giáo trở về với Giáo hội La mã, cũng như củng cố được đức tin Công giáo cho nhiều gia đình khác. Nhưng cuối cùng, hầu hết đã bị bắt, bị treo cổ hay phân thây, trong số ấy 10 vị được phong thánh và 18 vị phong chân phúc.

Cái gai lớn nhất đối với cả Anh giáo lẫn Luthêrô-giáo và Calvinô-giáo là hai thánh DT: Rôbertô Bellarminô và Phêrô Canisius, cả hai đều được phong thánh sư (doctor ecclesiae). Thánh Canisius có mặt khắp nơi trong các quốc gia nói tiếng Đức đang chao đảo trước cơn bão Luther và Calvin. Ngài lập 20 học viện để huấn luyện giới trẻ và tung ra những cuốn giáo lý (sách bổn, catéchismes): giáo lý nhỏ bằng tiếng Đức cho trẻ nhỏ và giới bình dân, giáo lý lớn, rất dài và chi tiết bằng La-ngữ cho thầy dạy và những người có học [8]. Nhờ các sách giáo lý bán chạy như tôm tươi này, cũng như nhờ mấy chục học viện và biết bao hoạt động khác, thánh Canisius đã giữ vững các vùng Công giáo còn lại của Đức, và kéo rất nhiều vùng Tin lành hóa (ở Đức, Áo, Rhénanie, Ba lan…) trở về với đức tin truyền thống [9]. Do đó mà, cùng với thánh Bôniphaxiô, ngài được coi là tông đồ Đức quốc dù chính ngài là người Hà lan.

Nếu sách giáo lý của Canisius nhắm bình dân, thì bộ Tranh luận (Controverses) của Rôbertô Bellarminô lại nhắm giới học giả Tin lành. Bộ sách này, gồm nhiều tập rất đồ sộ, ghi lại giáo trình mấy mươi năm của giáo sư Bellarminô tại Học viện La mã (Collegio Romano, sau này sẽ trở thành Università Gregoriana, đại học viện giáo hoàng duy nhất suốt cho đến gần Vatican II). Sách in nhanh đến đâu cũng không kịp để bán. Chẳng những bán chạy trong vùng Công giáo, mà trong vùng Tin lành cũng vậy. Đến nỗi sách vừa in xong, đã có mặt ngay bên Anh, và vừa tới Anh đã hết sạch rồi. Chính Bách khoa từ điển của Anh (Encyclopaedia Britannica) cũng phải nhìn nhận : “(Bellarmin) được những người bênh vực Tin lành coi là nhà vô địch của phe Giáo hoàng, và báo thù cho Tin lành luôn đồng nghĩa với việc trả đũa ông ta”.

Quả thế, sự thành công vang dội của bộ Controverses khiến Tin lành người thì sửng sốt, không tin nổi đó là công trình của một người; kẻ lại mím môi tức tối muốn văng tục với DT. Trong đám người trước, khá nhiều tên tuổi đã hạ vũ khí, như Antony Carier kinh sỹ Canterbery và tuyên úy chính thức của vua Anh Jacques I : ông đã trốn sang Đức để trở lại Công giáo, bất chấp sự dọa nạt của đức vua.

Còn đám người sau, cả bên Anh giáo lẫn Luther-phái, đáp trả [10] bằng những câu chửi rủa độc địa nhất và những câu truyện dựng đứng dùng để bôi nhọ cả Giáo hoàng lẫn Dòng Tên và Bellarminô. Họ đổ cho Bellarminô những tội ác tầy trời và kể rằng: cha đã chết trong tuyệt vọng khi đang báng bổ và gầm thét như sư tử [11]. Lời thề DT hẳn cũng là một trong số những phát minh kiểu ấy. Họ cũng gọi nó là “Lời thề máu” và “Lời thề bốn”, tức nhái từ Lời đoan nguyện thứ tư của dòng.

Lời đoan nguyện thứ tư của Dòng Tên

Để hiểu tại đâu có lời nguyện bốn, thêm vào cho ba lời nguyện thông thường của các dòng, thì phải đặt nó vào bối cảnh lịch sử thành lập Dòng mang tên Chúa Giêsu (Societas Jesu, Compagnie de Jésus).

Trước hết nên nhớ, vào thời điểm ấy nhóm ông cử Paris này chỉ muốn sống suốt đời và làm tông đồ cho người Thổ (để rồi được chết bởi tay họ) ở Giêrusalem quê hương Chúa Giêsu mà họ hết lòng yêu mến. Chỉ vì đợi mãi ở Venise mà không tầu thuyền nào dám đi vì sợ các chiến thuyền Thổ Nhĩ Kỳ, nên họ mới quyết định trở về Rôma đặt mình dưới sự sai phái của Đức Giáo chủ. Tại sao lại ĐGH? Vì Ngài thay quyền Chúa dưới thế, và vì Ngài có một tầm nhìn rộng để biết chỗ nào cần đến họ, như I-nhã nghĩ.

Họ đã làm như quyết định, và Đức Phaolô III đã không bỏ lỡ dịp tốt ấy : Ngài sai ngay Lainez và Favre đến dạy học ở Sapienza, sai Salmeron và Codure đi Écosse, rồi hai người khác đi Ấn Độ. Đi làm gì? Đi truyền giáo, dạy học, thuyết đạo, thế thôi. Chỉ có khoảng chục thành viên, mà chưa chi đã phải phân tán mỏng và xa nhau như thế, nên họ mới họp nhau, xem có nên duy trì sự liên đới, và do đó lập thành một dòng hay không.

Có lẽ vì Dòng đã khởi đầu với sự sai phái của GH, và vì bầy chiên đang tan tác dưới những cơn lũ ly giáo, lạc giáo ghê gớm, nên thánh I nhã đã chọn con đường “cảm thông với Hội thánh” (sentire cum Ecclesia) và lấy ĐGH làm biểu hiệu cho sự thồng nhất xung quanh đức tin truyền thống, cho nên lời nguyện bốn Vâng lời ĐGH về sứ vụ đã được đưa vô ngay từ đầu, trong Công thức được trình lên để xin phép lập Dòng, và kế đó là trong Hiến pháp.

*

Công thức Dòng (Formula Instituti) nói trên được nhắc lại trong cả hai Tông thư (Lettres apostoliques) cho phép lập và viết hiến pháp : sắc dụ Regimini militantis Ecclesiae ngày 27-9-1544 của Đức Phaolô III, sắc dụ Injunctum Nobis năm 1544 của Đức Giuliô III.

Về Lời đoan nguyện IV này, đại khái hai Tông thư nói như sau:

Thêm vào ba lời khấn nguyện, mỗi thành viên còn được ràng buộc bởi một đoan hứa đặc biệt, với khả năng cho phép : sẽ thi hành lập tức, không né tránh và trì hoãn, tất cả những gì giáo hoàng hiện tại hay đấng kế vị ngài ra lệnh liên quan đến lợi ích các linh hồn và việc truyền bá đức tin, ở bất cứ đâu được sai đến, dù ở vùng Indiani (dân da đỏ), giữa người Thổ nhĩ kỳ hay người ngoại, người Công giáo hay lạc, ly giáo.

Đoan nguyện nói trên rồi sẽ được ghi thành công thức (cho hàng thệ sỹ bốn lời nguyện) trong Hiến pháp số [527] như sau:

“Con (tên) xin phát nguyện và hứa với Thiên Chúa toàn năng, trước mặt Đức Nữ trinh Mẹ TC, trước mặt cả triều thần thiên quốc và hết thảy những người xung quanh con, và hứa với cha đáng kính (tên) đại diện Cha Tổng quyền DT cùng những ai kế vị, cũng như thay mặt Thiên Chúa : con đoan nguyện và hứa thanh bần, khiết tịnh, vâng phục suốt đời; và theo sự vâng phục này, con hứa lo đặc biệt việc dạy dỗ trẻ em, thể theo cách sống chứa đựng trong những Tông thư và Hiến pháp Dòng Tên.

Thêm vào đấy, con hứa đặc biệt vâng lời Đức Giáo hoàng về những gì liên quan đến sứ vụ, theo những gì chứa đựng trong các Tông thư và Hiến pháp.

Tại…, ngày…tháng…năm, trong thánh đường…

Ký tên…”

Nội dung chỉ có thế, đơn giản và vắn tắt. Hồi đầu như vậy, và suốt cho đến nay vẫn vậy. Và tất cả làm công khai, chẳng có gì bí mật cả. Vâng, dù đây là lời nguyện bốn! Quả thế, theo Hiến pháp số [525], ‘sau thánh lễ làm công khai trong nhà thờ, trước mặt cả người nhà (tức DT) và người ngoài (tín hữu…) đang ở đó, vị (chủ tế được ủy quyền nhận lời khấn nguyện) cầm Mình Thánh hướng về kẻ sắp phát nguyện. Người này, sau khi đọc kinh Cáo mình và những lời quen đọc trước khi chịu lễ [12], sẽ xướng to lên văn bản đoan nguyện (đã nói đến trên kia)…”

Chẳng hề có lời huấn dụ đầu, mà cũng chẳng có những câu vấn đáp kết thúc như bản JESUIT OATH diễn tả. 

-------------------------------

[1] Công giáo VN quen dịch là KHẤN. Thực ra Khấn hay Khấn vái chỉ là cầu xin thôi. Công giáo Tầu dịch là nguyện, phát nguyện. Chúng ta có thể cũng dịch là nguyện hay đoan nguyện, ít là khấn nguyện.

[2] Bên Âu Mỹ, ai cũng có quyền in sách. Chỉ khi phát hành, nghĩa là tham gia thị trường, mới cần nộp một bổn để lấy biên lai trước khi sách được bày bán.

[3] Không phải sách ăn khách nhất là sách giá trị đâu. Những cuốn như Da Vinci Code, như Cloner le Christ,v.v. từng đã làm mưa làm gió hồi đâu thế kỷ XXI (đem lại cho tác giả rất nhiều tiền bạc và vinh quang), nay cũng rơi vào quên lãng rồi, bởi vô giá trị. (Xx. Hoành sơn, Từ Da Vinci code đến…, ngs CGvDT th. 10/2006).

[4] Sưu bản kia thì được ghi nhận trong biên bản một kỳ họp Quốc hội Mỹ năm 1913, nhưng “sau đó bị vứt bỏ ra khỏi (torn out)”.

[5] Xx. Hoành sơn, Tín lý tinh yếu, nxb Tp.HCM, 1996, tr.136-139. Các truyện nhại kiểu ấy được ghi trong sách Tol’doth Yeshu, nó thành nơi chốn cho những cuốn như Gia tô bí lục đến khai thác.

[6] Được phong thánh vì đạo đức và bị giết, chứ không phải vì cầm gươm. Vâng, hồi Công giáo đánh nhau với Tin lành bên Tây Âu, biết bao lính Công giáo (của các vua và lãnh chúa Công giáo) đã bị giết, mà chẳng có ai trong số đó được coi là tử đạo cả.

[7] Henri VIII (1509-1547), mà từ điển Petit Larousse illustré đánh giá là “cruel et débauché” (tàn ác và trụy lạc) đã cưới 6 người vợ kế tiếp nhau. Hai trong số đó bị vua đưa lên máy chém. Chính vì Giáo hoàng lến án ông rẫy vợ, nên ông tách nước Anh ra khỏi quyền Giáo hoàng.

[8] Bộ giáo lý lớn này (giống như một bộ thần học tinh giản) đã được dùng làm cơ sở cho việc soạn các sách giáo lý nhỏ suốt cho đến Vatican II.

[9] Xin coi bản đồ Đối cải cách nước Đức ở cuối tập J. Brodrick, Saint Pierre Canisius, Spes, Paris, 1956.

[10] Đáp trả là động từ mới xuất hiện từ vài ba năm nay, do báo chí dùng mãi thành quen. Nhiều cây viết Công giáo cũng khoái tiếng đó, nên sử dụng nhiều, mà sử dụng sai. Như trong tập Đề cương Giáo hội tại Việt Nam của BTC Năm thánh 2010..

Đáp trả không dịch từ Answer, Répondre đâu, mà từ Reply, Répliquer, nên tương đương với Trả đũa. Sau đây là một vài dẫn chứng : 1-Tuổi trẻ 20/4/2009, tr.20, cột 4, dòng 24-27 tính từ dười lên : “Ông (Chavez) đã trục xuất đặc phái viên của Mỹ ở Caracas , và Wasington đáp trả bằng cách trục xuất đại sứ Venezuela ở nước này”. 2-Thanh niên 28/4/09, tr.20, cột 5, dòng 19 : “(Taliban) sẵn sàng đáp trả nếu chính phủ ( Pakistan ) không ngừng chiến dịch trên”. 3-Thanh niên 2/5/09, tr.20, cột 2, dòng 8-9 : “ Moscow dọa sẽ có hành động đáp trả”. 4-Truyền hình HTV7 20g5’ tin quần vợt : tay vợt Nadal “đáp trảquyết liệt”. 5-THVL 22g10’ tin quốc tế : “Nga đáp trả NATO”…

[11] Xx. J. Brodrick, Robert Bellarmin, DDB, 1963, tr.70, 76,v.v.

[12] Xưa quen đọc như thế trước khi chịu lễ.

Hoành Sơn, S.J.