Linh Đạo Của Các Ẩn Sĩ Sa Mạc

(catechesis.net) 03-7-2015 Thần Học

Giêrônimô Bùi Thiện Thảo, OP.

Đời tu là mùa xuân của Giáo hội nhưng đời ẩn tu là cánh én báo hiệu mùa xuân. Tuy là hình thức tu trì đầu tiên nhưng đời ẩn tu vẫn đóng góp nhiều cho Giáo hội, mở đường cho các hình thức tu trì sau này. Dù các ẩn sĩ không sống thành cộng đoàn, không chịu áp chế của một sức ép nào nhưng họ vẫn khắc hoạ được chân dung của người tu sĩ: từ bỏ, thực hành nhân đức để trở thành người môn đệ chân chính của Đức Giê-su. Chính các cộng đồng ẩn tu là nền móng cho đời ẩn tu sau này.

I. NGUỒN GỐC ĐỜI ẨN TU

 Đời tu không phải là sáng kiến riêng của các tín hữu Công giáo mà tồn tại trong các tôn giáo khác từ rất lâu đời. Có lẽ Ấn giáo, Phật giáo và Lão giáo là những tôn giáo có các tu sĩ sớm nhất. Trong Do Thái giáo, đời sống tu trì xuất hiện muộn hơn. Ngôn sứ Jeremias (thế kỷ VII trước CN) suốt đời “ở vậy” để phụng sự Chúa. Mãi đến thế kỷ thứ I trước CN, trong Do Thái giáo mới bắt đầu xuất hiện đời sống tu trì. Thời gian này có nhóm ẩn tu của các Do Thái kiều ở Alexandria sống như một dòng tu. Trong cuốn De vita Contemplativa, triết gia Philon miêu tả họ như một nhóm người được “thánh hiến” (dành riêng) cho việc nghiên cứu Thánh kinh[1]. Ngay trên quê hương Đức Giê-su, mặc dù đời độc thân không được đề cao (nếu như không muốn nói là bị lên án), cũng có nhóm Esseni sống ở Qumrân là cộng đoàn nam tu đầu tiên của Do Thái giáo[2].

1. Đời tu thời Giáo hội sơ khai

Thật khó lòng xác định đời sống tu trì của các tín hữu ra đời từ bao giờ. Sinh thời Đức Giê-su tuyển chọn các môn đệ để cộng tác vào việc loan báo Tin mừng nhưng thầy trò của Người không sinh hoạt quy củ như một dòng tu, mặc dù mọi hình thức tu trì sau này đều hoạ lại một nét nào đó trong lối sống của Người. Sau khi Đức Giê-su về trời, cộng đoàn tín hữu ở Jerusalem cũng là khuôn mẫu của nhiều thế hệ tu sĩ Ki-tô giáo nhưng ai là vị tu sĩ đầu tiên thì không thể xác định rõ được. Đời sống của Mẹ Maria và các tín hữu thời Giáo hội mới hình thành là khuôn vàng thước ngọc cho mọi tín hữu chứ không dành riêng cho một nhóm người nào. Đã là Ki-tô hữu thì được mời gọi lắng nghe và thực thi lời Chúa chứ không phải chỉ có các tu sĩ mới sống lý tưởng Tin mừng. Mặc dù mọi tín hữu đều được mời gọi hoàn thiện nhân cách như “Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn thiện” nhưng chúng ta thấy vẫn có những người từ chối lập gia đình để chuyên tâm phụng sự Chúa. Thánh Paulos không lấy vợ, nhờ vậy ngài mới có thể bôn ba khắp nơi để loan báo Tin mừng. Ngoài ra, trong thời đại của ngài, chúng ta còn thấy hình bóng các trinh nữ (x. 1Cr 7). Sau thời các thánh tông đồ, trong Giáo hội có các continentes và asceti (dành cho nam giới) và các virgines (dành cho nữ giới). Dù hy sinh chuyện “dựng vợ gã chồng” nhưng những người độc thân thời Giáo hội sơ khai vẫn sống như mọi người. Thánh Clemens thành Roma và Ignacius thành Antiochia thường nhắc nhở họ hãy khiêm tốn chứ đừng vênh vang. Lối sống của họ cũng được các nhà minh giáo dẫn chứng để đề cao các giá trị luân lý của Ki-tô giáo giữa một thế giới xa hoa, đồi truỵ[3].

Đến thế kỷ thứ III, hiện tượng nam nữ độc thân phổ biến hơn. Đời sống độc thân được coi như kết ước với cuộc hôn nhân huyền nhiệm với Đức Ki-tô để đưa con người vào đời sống các thiên thần. Nhưng đôi khi việc đề cao quá đáng đời sống độc thân dẫn đến xem thường thường hôn nhân và quên mất tính chất thánh thiêng của bí tích này. Trong cuốn Traditio apostolica (Truyền thống Tông đồ) do Hippolytus soạn năm 217 đã nói đến nghi thức đội lúp (velatio), biểu hiện của việc cung hiến trinh nữ. Mặc dù vậy họ vẫn sống giữa gia đình như bao người khác và dành nhiều thời gian để cầu nguyện hay làm việc bác ái. Việc tuyên giữ độc thân có tính cách bắt buộc phải giữ suốt đời. Ai cảm thấy mình không giữ được nữa, phải xin giám mục miễn chuẩn, nếu vi phạm lời cam kết sẽ bị coi như phạm tội ngoại tình[4]. Ngoại tình là một trong ba trọng tội buộc hối nhân phải thống hối công.

Ngoài ra, trong cộng đoàn tín hữu thời kỳ đầu còn có các quả phụ. Họ là những người cô thế cô thân, kinh tế bấp bênh nên được cộng đoàn nâng đỡ. Mặt khác, vì không bận rộn chuyện lo “làm đẹp lòng chồng” nên họ có thời gian để cầu nguyện và làm việc bác ái như các trinh nữ. Những goá phụ được tiếng tốt còn được uỷ thác việc hướng dẫn tân tòng, dạy dỗ các thiếu nữ về cách sống đạo,…

2. Sự ra đời của đời ẩn tu sa mạc

Cuối thế kỷ III, đầu thế kỷ IV, phong đào ẩn tu bắt đầu nở rộ. Theo các nhà sử học, hiện tượng này ra đời từ một biến chuyển của lịch sử tác động mạnh mẽ đến đời sống Giáo hội. Năm 250, hoàng đế Decius ra chỉ dụ cấm đạo trong toàn đế quốc. Đây là cuộc bách hại nặng nề nhất trong lịch sử Ki-tô giáo. Trước tình hình ấy, nhiều tín hữu rút lên rừng vắng hay vào sa mạc để giữ trọn niềm tin của mình. Khi tình hình lắng dịu, nhiều người trở về quê cũ. Tuy nhiên có những người cảm nhận được tiếng gọi của sa mạc nên họ quyết định ở lại để sống với Chúa. Vì theo quan niệm của người thời đó, sa mạc là nơi ở của ma quỷ và cũng là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người. Dân Do Thái ký kết giao ước với Chúa trên núi Sinai nằm trong sa mạc Sin. Moses, Elia và cả Đức Giê-su cũng đều có thời gian sống trong sa mạc,…

Năm 313, hoàng đế Constantinus ra chiếu chỉ Milan cho phép mọi thần dân tự do theo bất kỳ tôn giáo nào. Sau bước ngoặt đó, Ki-tô giáo chuyển từ giai đoạn hầm mộ sang thời kỳ hoạt động công khai. Đến năm 380, qua sắc chỉ Cuntos populus, hoàng đế Theodosius I nhìn nhận Ki-tô giáo là quốc giáo của đế chế La Mã hùng cường. Kể từ đây, các chức sắc Giáo hội được nhiều đặc ân, mọi sinh hoạt Giáo hội được tôn trọng[5]. Giáo hội được ưu đãi khiến cho nhiều người mong muốn gia nhập đạo. Số tín hữu gia tăng Nhanh chóng làm cho đời sống đạo rơi vào khủng hoảng, lượng tăng nhưng phẩm giảm. Nhiều người theo đạo để tìm dễ dãi và nhất là số người bỏ đạo trong thời cấm cách nay cũng trở về với Giáo hội. Trong khi đó, tổ chức Giáo hội lại theo khuôn mẫu của xã hội La Mã trước đây vốn là xã hội truỵ lạc và từng đàn áp các tín hữu làm cho nhiều cảm thấy bất mãn. Họ âm thầm phản ứng lại lối sống mới ít nhiều bị tục hoá bằng cách rút vào sa mạc, xa lánh cuộc đời để trở thành môn đệ Đức Ki-tô một cách triệt để hơn. Lý tưởng tử đạo thời bách hại nay được chuyển hoá thành việc vác thập giá mỗi ngày để theo Chúa Ki-tô. Thời bấy giờ không còn bách hại, truy nã, cưỡng bức nữa nên họ tìm lối sống khắc khổ và hành xác để sống hại hào khí của cha ông xưa.

Lý tưởng của đời ẩn tu là:

- Ước ao theo Chúa Ki-tô.

- Trở về với nếp sống cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi.

- Thay thế hay chuẩn bị tử đạo.

- Chiến đấu với ma quỷ.

- Làm cuộc xuất hành thiêng liêng như Abraham, Moses và Elia xưa.

- Siêu thoát khỏi vật chất.

- Mong đợi Chúa Ki-tô quang lâm[6].

Để sống những lý tưởng này, ngoài việc sống thanh bần, độc thân, người ta còn phải xa lánh cuộc đời vào những nơi hoang vắng ẩn cư để dốc toàn bộ sức lực và tinh thần cho việc tôn thờ Thiên Chúa. Vì vậy, những người theo đuổi nếp sống này được gọi là đan sĩ (monacos) [7].

3. Những hình thức ẩn tu

Theo thánh Hieronymus, thánh Paulus thành Thebae (qua đời khoảng năm 347) là tổ phụ của đời ẩn tu. Nhưng với ngài, đời ẩn tu chỉ mới là bước khởi đầu chứ chưa có hệ thống như sau này. Phải đợi đến thánh Antonius (251-356), đời ẩn tu mới quy cũ và phát triển mạnh mẽ. Ban đầu thánh nhân cũng ẩn tu một mình nhưng sau đó danh thơm tiếng tốt về ngài đồn ra khắp xứ khiến nhiều người đến xin thụ giáo. Các đồ đệ dựng lều sống bên cạnh ngài dọc bờ sông Nil. Mặc dù số lượng các ẩn sĩ rất đông nhưng vẫn hình thành nếp sống cộng. Mỗi người sống tự lập để cầu nguyện, thực hành khổ chế và chiến đấu với ma quỷ. Họ chỉ đến với thầy khi cần được hướng dẫn về đời sống tâm linh[8].

Từ Ai Cập, đời sống ẩn tu dần dần lan rộng ra các vùng phụ cận như ở Syria, Palaestina. Tại Syria, các đan sĩ sống rất khắc khổ. Họ dầm mưa dãi nắng và ngồi trên trên một cây cột. Còn ở Palaestina có thêm hình thức bán ẩn tu gọi là laura[9]. Mỗi ẩn sĩ sống trong một hang động hay dựng một căn lều quanh nhà của vị sư phụ. Chiều thứ Bảy, họ đến nhà nguyện của thầy hay ngôi thánh đường gần nhất để cầu nguyện suốt đêm. Rạng đông Chúa nhật, họ cùng cử hành thánh lễ chung. Sau bữa ăn trưa với “cộng đoàn”, ai về lều nấy tiếp tục sống với Chúa.[10]

II. LINH ĐẠO CỦA CÁC VỊ ẨN SĨ SA MẠC

1. Từ bỏ “thế gian”

 Các nhà nghiên cứu lịch sử phong trào ẩn tu cho biết, tuy tất cả các đan sĩ đều ao ước muốn trở thành người hoàn hảo nhưng không phải tất cả mọi người đi tu có cùng một động cơ như nhau. Nhiều người vào đan viện để thực hiện lý tưởng theo Chúa Ki-tô. Thế nhưng không ít kẻ vào nhà dòng để tránh bị pháp luật truy nã, trốn nợ, trốn thuế hay chán ngán không muốn lập gia đình[11]… Tuy nhiên, dù vào nhà dòng với lý do nào đi nữa, tất cả mọi tập sinh cũng đều phải học cách từ bỏ thế gian: khước từ tài sản, cắt đứt liên hệ với gia đình, diệt trừ các thói hư tật xấu. Việc “từ bỏ thế gian” có nhiều cấp độ và bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trước tiên phải rời xa gia đình, bỏ lại quê hương và thân bằng quyến thuộc để vào sa mạc. Và dĩ nhiên, họ không thể lập gia đình. “Sinh ký tử quy”, văn chương ẩn tu coi cuộc đời chỉ là cõi tạm, là con đường để về quê hương vĩnh cửu. Vì vậy, họ xem các giá trị vật chất đều tương đối, nếu như không muốn nói là xấu xa, nên không đáng để bám víu. Nhiều người hiểu những đòi hỏi này theo nghĩa đen nên sống lãng du rày đây mai đó. Trước tình hình đó, các viện phụ mới ra luật khấn vĩnh cư để ngăn chặn khuynh hướng “lãng tu” này.

2. Rèn luyện nhân đức

Việc “từ bỏ thế gian” chỉ mới là điều kiện cần để bước vào đời ẩn tu. Cái chính là phải thực hành nhân đức, vác thập giá mỗi ngày để trở thành môn đệ chân chính của Đức Ki-tô. Các đan sĩ áp dụng nhiều cách thức để trở thành người hoàn thiện:

a. Cầu nguyện

Các đan sĩ gọi cầu nguyện là khoa học của mọi khoa học bởi vì trong lời nguyện bao hàm cả đức tin, sống đạo và ơn cứu độ. Nhiều người vẫn đồng nhất đời tu với đọc kinh cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện, con người có thể nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, kiềm chế được các đam mê và tìm được an bình trong tâm hồn. Đỉnh cao của cầu nguyện là chiêm niệm[12].

Trong các thế kỷ đầu, các đan sĩ tìm mọi cách để thực thi lời Chúa dạy qua vị Tông đồ dân ngoại: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5,17)! Để ngày đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa, các vị thầy đưa ra nhiều cách thức khác nhau. Họ tìm cách kết hợp với Chúa mọi nơi mọi lúc, dù đang ở đâu hay đang làm gì vẫn hướng lòng về Thiên Chúa. Một hình thức khác là lặp đi lặp lại một lời kinh (hay đôi khi là một lời than thở) để hâm nóng tinh thần cầu nguyện. Từ thế kỷ VI, một lời kinh của thánh Joannes Climaco ở Sinai thường được các đan sĩ tụng niệm: “Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”[13].

b. Lao động

Lao động không chỉ tạo ra của cải nuôi sống bản thân và gia đình mà còn góp phần làm cho thế giới ngày một tươi đẹp hơn. Do đó có thể nói lao động là cộng tác vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Vì vậy, các đan sĩ không ngừng lao động chân tay hay trí óc để tránh “nhàn cư vi bất thiện”. Ngoài ý nghĩa khổ chế, đối với họ, lao động còn là để duy trì cuộc sống khỏi phải phiền luỵ đến người khác và có chút dư thừa bố thí cho người nghèo.

Thế nhưng mặt trái của lao động là dễ làm người ta sinh lòng ham muốn tích trữ của cải, chạy theo công việc mà quên bổn phận chính của mình là “cầu nguyện không ngừng”. Để tránh những nguy hiểm ấy, các đan sĩ thường chọn những công việc đơn giản để vừa làm vừa có thể đọc kinh; những công việc tĩnh lặng như làm vườn, làm đồ thủ công hay những công việc tầm thường, không nhằm tìm kiếm lợi nhuận[14]

c. Khổ chế

Khổ chế là một hình thức chế ngự dục vọng nhằm hỗ trợ cho đức khiết tịnh. Để giữ mình trong sạch, người ta nghĩ ra rất nhiều cách thức khác nhau như ăn chay kiêng thịt, thức khuya dậy sớm, tránh tiếp xúc với người ngoài… Ngoài ra một số người còn tìm cách hành hạ thân xác để đền tội mình và tội người khác. Một hình thức khổ chế khác tuy có vẻ kỳ dị nhưng không kém phần khó khăn: không mặc quần áo. Trong sa mạc, thời tiết thay đổi rất nhanh, mặc “y phục của Adam” quả không dễ chút nào[15]. Với một lối sống như vậy, khó nghèo và khiết tịnh là hệ quả tất yếu của việc khổ chế.

Chay tịnh không chỉ có trong truyền thống Ki-tô giáo mà còn có trong các tôn giáo khác như Phật giáo, Jaina giáo… Các nhà sư ăn chay trường để tâm hồn được thanh thản, siêu thoát. Ngay cả các nhà Nho tuy không phải là tu sĩ nhưng họ vẫn hành đạo, sống thanh bần để luyện tâm hồn an nhiên, tự tại trước mọi hoàn cảnh. Tuỳ từng người, từng giai đoạn lịch sử, xã hội mà người ta có những hình thức khổ chế khác nhau. Có người không bao giờ ăn thịt và uống rượu. Người khác chỉ ăn rau hoặc mỗi ngày chỉ ăn một bữa với dưa muối rất kham khổ. Ngược lại có người chủ trương tất cả mọi thực phẩm Chúa tạo dựng đều tốt nên không cần kiêng cữ, chỉ ăn uống điều độ là đã khổ chế rồi. Dù theo chủ trương nào đi nữa, người ta tuân theo những kỷ luật chặt chẽ trong việc ăn uống và ngủ nghỉ. Một hình thức khổ chế khác khá phổ biến trong giới khổ tu là cắt ngang giấc ngủ giữa đêm khuya để cầu nguyện. Việc này vừa mang tính hãm mình ép xác vừa thể hiện lòng thức tỉnh luôn sẵn sàng chờ đợi giờ Chúa đến[16].

3. Những nguy hiểm trong đời tu

Những hình thức trên là lý tưởng của đời ẩn tu nhưng liệu trong thực tế có bao nhiêu người sống trọn lý tưởng đó? Thật khó lòng trả lời được vì chẳng ai bận tâm đếm xem có bao nhiêu người đã đắc đạo và thành chánh quả nhờ tuân giữ những kỷ luật khắt khe ấy. Lối sống ẩn mình, khổ hạnh là điều điện cần để trở thành người môn đệ chân chính của Đức Ki-tô nhưng đôi khi chính nó lại gây ra những trở ngại cho đời sống tu trì.

Một nguy hiểm có thể phát sinh ngoài ý muốn do thực hành khổ chế không đúng chỗ gây ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý con người. “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”, còn một thân xác héo hon, gầy mòn chắc chắn chỉ có tinh thần uể oải, bạc nhược mà thôi. Một khi sức khoẻ sa sút thì khó lòng theo đuổi ơn gọi đến cùng. Vì vậy các đan sĩ thường đến thỉnh ý các bậc lão sư để tìm cho mình cách thức thích hợp. Ngoài khổ chế thể xác, việc khổ chế tinh thần (nhẫn nại, hiền từ, rộng rãi) cũng luôn được nhắc nhở.

Một nguy cơ khác tế nhị hơn thường núp bóng đạo đức, đó là kiêu ngạo. Một khi tưởng mình đã “thành chánh quả”, người ta dễ có thái độ xem chúng sinh trong cõi ta bà là hạng thấp kém. Tệ hơn nữa, khi tưởng mình đã “nên thánh” người ta dễ dàng cậy dựa vào sức mình mà bỏ qua ơn sủng của Thiên Chúa. Đây là thái độ bị Đức Giê-su khiển trách qua dụ ngôn người Pharisaeus và anh thu thuế.

Cầu nguyện lệch lạc cũng dễ dẫn đến nguy cơ lạc giáo. Chẳng hạn phong trào Messalianus (ra đời cuối thế kỷ IV, từng bị nhiều công đồng địa phương như Công đồng Side và Antiochia lên án)[17] cho rằng trong mỗi con người đều có một ác quỷ ngự trị. Vì vậy chỉ có việc cầu nguyện liên tục mới trục xuất được nó còn các bí tích – ngay cả phép rửa tội – cũng không thể làm gì được. Ngoài ra, họ còn cho rằng cầu nguyện liên tục sẽ thúc đẩy Thánh Linh ngự xuống và có thể cảm nhận bằng giác quan! Thánh Linh sẽ biến đổi người ta thành người “thần khí”, nghĩa là đạt đến mức hoàn hảo. Lúc đó, người ta không cần lao động nữa, chỉ chăm lo cầu nguyện và cũng chẳng cần tham dự bí tích vì đó là phương tiện dành cho hạng tầm thường. Thậm chí có người còn lên án hôn nhân và gia đình nhưng chín mình lại lang chạ bừa bãi[18]!

III. KẾT LUẬN

Lối sống ẩn tu ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt, đánh dấu sự trưởng thành về nhiều mặt của Giáo hội. Tuy nhiều ẩn sĩ vào sa mạc để phản kháng lại những lạm dụng của một số chức sắc trong Giáo hội nhưng lại mở đường cho phong trào ẩn tu sau này. Chính các ẩn sĩ đã làm cho đời sống Giáo hội thêm phong phú, hoạ lại nhiều nét trong cuộc đời tại thế của Đức Giê-su. Hơn thế nữa, sự hiện diện của họ còn làm cho thế giới vui tươi khi dân chúng từ thành thị và làng mạc chung quanh kéo nhau vào sa mạc để gặp gỡ các bậc lão sư đạo đức, thánh thiện hơn nên đã biến hoang mạc phố thị.

Các ẩn tu sống riêng lẻ, cách biệt với thế giới bên ngoài để tập trung vào đời sống tâm, chỉ sống cho một mình Chúa mà thôi. Tuy xa cách thế giới nhưng họ không hoàn toàn xa lìa anh em. Chính thánh Antonius cũng nhiều lần xuống thành Alexandria để hoán cải lạc giáo và đưa nhiều người trở về cùng Thiên Chúa[19]. Họ tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng lối sống giản dị đến khổ hạnh, chuyên tâm cầu nguyện ngày đêm để mong chờ Chúa đến và từ bỏ tất cả những gì có thể làm tâm trí họ xa lìa Thiên Chúa. Tuy vậy, các ẩn sĩ không phải là những Robinson trên hoang đảo mà vẫn giữ liên hệ với Giáo hội, với vị hướng dẫn tâm linh. Nhưng rất tiếc lối sống ấy chỉ phù hợp với một giai đoạn lịch sử khá ngắn ngủi. Đến cuối thế kỷ IV, đầu thế kỷ V, lối sống ẩn tu dần dần được thay thế bằng hình thức ẩn tu gắn liền với tên tuổi của thánh Pacomio và Basilio. Các đan viện bắt đầu mọc lên có tổ chức chặt chẽ, có nội vi, tu luật và bề trên. Dù chỉ xuất hiện một thời gian ngắn và biến mất[20] nhưng đời sống ẩn tu vẫn có những giá trị không thể phủ nhận được. Do ảnh hưởng của phong trào Nhân vị, cá nhân và tự do con người người được đề cao, cộng với lối sống công nghiệp ồn ào, căng thẳng vào nửa cuối thế kỷ XX, nhiều người muốn trở về nguồn, sống hoà mình với thiên nhiên như các ẩn sĩ nên đã rút vào những nơi thanh vắng sống với Chúa. Vì vậy, Bộ Giáo luật 1983 đã tái lập đời ẩn tu (điều 603) một thời “trăm hoa đua nở” còn để lại trong dòng lịch sử Giáo hội nhiều dư âm tốt đẹp.


[1] X. LACOSTE Jean-Yves, Dictionnaire critique de Théologie, PUF, Paris, 1998, tr. 746.

[2] X. BOGAERT Pierre-Maurice và các tác giả, Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brepols, Belgium, 2002, tr. 1094.

[3] Phan Tấn Thành, Dân Thiên Chúa (Giải thích Giáo luật, quyển 2), tập 3, Roma, 1993, tr. 351.

[4] Sđd, tr. 252.

[5] X. Phan Tấn Thành, Về nguồn, tập 4, Chân Lý, Roma, 2000, tr. 354-358.

[6] X. Phan Tấn Thành, Sđd, tr. 353-354.

[7] Tiếng Hy Lạp có nghĩa là sống một mình với Chúa, chỉ sống cho Chúa mà thôi.

[8] X. LIGNEROLLES Philippe và MEYNARD Jean-Pierre, Histoire de la spitualité chrétienne, Atelier, Paris, 1996, tr. 33-34; Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập 2, Roma, 2002, tr. 103; BRICOUT J., Distionnaire pratique des connaissance religieuses, Letouzey et Ané, Paris, 1925, cột 295.

[9] Laura trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là con đường hẹp.

[10] X. LIGNEROLLES Philippe và MEYNARD Jean-Pierre, sđd, tr. 34; Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tr. 103.

[11] X. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tr. 106.

[12] BERARDINO Angelo Di, Distionnaire encyclopédie du Christianisme ancien, Cerf, Paris, 1990, tr. 2101.

[13] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tr. 107.

[14] X. LACOSTE Jean-Yves, Sđd, tr. 1158; Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tr. 108.

[15] X. LACOSTE Jean-Yves, Sđd, tr. 92-93.

[16] X. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tr. 109.

[17] BERARDINO Angelo Di, Sđd, tr. 1632.

[18] X. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tr. 110.

[19] BRICOUT J., Sđd, cột 294.

[20] Ở phương Tây, người ta không chuộng hình thức ẩn tu này lắm. Tuy vậy, chúng ta vẫn bắt gặp các hình thức bán ẩn tu tồn tại cho đến ngày nay như Dòng Chartreux. Suốt thời Trung đại vẫn có một vài vị thánh ẩn tu nhưng đa số họ chỉ ẩn tu một thời gian rồi trở về với cộng đồng.

 


Năm Đời Sống Thánh Hiến