Năm đức tin với thánh Tôma. (Bài 40)

Điều Răn Thứ Mười

Ngươi không được ham muốn vợ người ta” (Xh 20, 17).

Như đã nói lần trước, thánh Tôma đã đảo ngược thứ tự của hai điều răn cuối cùng: bàn về sự tham lam tài sản trước, rồi mới đến ham muốn vợ chồng người. Có lẽ tác giả muốn theo sát thứ tự như trong sách Đệ nhi luật, theo đó người vợ là một thành phần của khối tài sản. Dù sao, trong bài trước, thánh nhân bàn đến lòng ham muốn tài sản, còn bài này đề cập đến dục vọng xác thịt. Bài huấn giáo gồm hai phần:

1/ Trong phần thứ nhất, thánh Tôma bàn đến ba cấp độ của sự khống chế của dục vọng: a) trong trái tim (ưng thuận); b) bằng ngôn ngữ; c) bằng hành động.

 2/ Trong phần thứ hai, tác giả bàn đến bốn phương thế để chế ngự dục vọng: a) tránh cơ hội; b) khổ chế; c) cầu nguyện; d) học hành.

-----------------

Thánh Gioan viết trong thư thứ nhất rằng: Tất cả mọi sự trong thế gian là như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của” (1 Ga 2,16). Do đó tất cả các đối tượng dục vọng đều được gói ghém trong ba dục vọng ấy. Tuy nhiên ta có thể ghi nhận rằng điều răn này chỉ ngăn cấm hai dục vọng mà thôi: “Ngươi không được ham muốn nhà người ta.” Ở đây “nhà cửa” bao hàm cả chức quyền nữa,như vịnh gia đã khẳng định: vinh dự và tài sản ở trong nhà của họ ” (Tv 111,3). Điều này muốn nói rằng ai ham muốn nhà cửa thì cũng ham muốn chức quyền. Do đó, sau khi điều răn cấm ham muốn nhà của người thân cận, Thiên Chúa đã đặt điều răn khác ngăn cấm ước muốn xác thịt: “Ngươi không được ham muốn vợ của người thân cận.

I. Ba cấp độ dục vọng

Nên biết rằng kể từ khi phạm tội, do sự hư hỏng mà tội lỗi lôi kéo theo, không ai thoát khỏi dục vọng, ngoại trừ Đức Kitô và Mẹ Maria vinh hiển. Và ở đâu có dục vọng thì ở đó cũng có tội, hoặc là tội nhẹ hoặc là tội trọng nếu nó thống trị linh hồn. Thánh Tông đồ đã viết cho các tín hữu Rôma (6,12): “Đừng để tội lỗi ngự trị trong thân xác phải chết của anh em nữa”. Người không viết “đừng để cho nó xuất hiện”, bởi vì chính Người đã viết:“Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong thân xác tôi” (Rm 7,18).

Thứ nhất, tội lỗi thống trị trong thân xác khi dục vọng ngự trị trong trái tim qua sự thỏa thuận. Vì thế, thánh Phaolô sau khi nói “Đừng để tội lỗi thống trị thân xác phải chết của anh em nữa” thì nói thêm rằng: vì nghe theo những dục vọng của thân xác” (Rm 6,12).Chúa Giêsucũng đã dạy: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Vì đối với Thiên Chúa, một ý định sẽ đưa đến hành động.

Thứ hai, tội lỗi thống trị trong thân xác khi dục vọng làm chủ cái miệng, khi lòng muốn bộc lộ ra thành lời nói: “Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12,34). Và có lời khác lại nhắc nhở rằng: “Anh em đừng bao giờ để lời xấu xa thốt ra ngoài miệng anh em” (Ep 4,29). Vì vậy, những kẻ sáng tác những bài hát ca hão huyền không thể không mắc tội; ngay cả các triết gia cũng nghĩ như vậy, bởi vì ngày xưa những thi sĩ sáng tác các bài hát dâm ô cũng bị trục xuất ra khỏi các thành thị.

Cuối cùng, tội lỗi thống trị trong thân xác khi nó bộc lộ ra hành động, nghĩa là thân thể được sử dụng để phục vụ dục vọng, như thánh Phaolô đã nói: “Anh em đã dùng chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự vô luân” (Rm 6,19).

Đó là ba cấp độ tiệm tiến của dục vọng.

II. Bốn phương thế để chế ngự dục vọng

Chúng ta phải nhìn nhận rằng việc tránh dục vọng đòi hỏi nhiều nỗ lực, vì nó nằm ngay ở bên trong con người chúng ta.Thật vậy, kẻ nội thù thì khó trị hơn.Tuy vậy, chúng ta có thể vượt thắng bằng bốn cách.

1/ Trước hết, tránh những cơ hội bên ngoài, ví dụ: tránh người bạn xấu và bất cứ điều gì trở thành cơ hội phạm tội, như Kinh thánh đã nói: “Đừng chòng chọc nhìn nàng trinh nữ, kẻo con sa ngã mà bị phạt với nàng… Ngoài đường phố, mắt đừng láo liên, trong ngõ hẻm, chớ có la cà.Hãy tránh đừng nhìn người phụ nữ nhan sắc, cũng đừng ngắm nghía một giai nhân xa lạ.Vì sắc đẹp đàn bà mà bao kẻ đảo điên, cũng vì thế mà ái tình bừng lên như lửa. Chớ ngồi bên người phụ nữ có chồng, đừng uống rượu với nàng trong các bữa tiệc, kẻo vì nàng mà lòng con nghiêng ngửa, và tâm thần chao đảo tiêu vong” (Hc 9,5-9). Và sách Châm Ngôn cũng cảnh báo rằng: “Có ai dấu lửa trong người mà không bị cháy áo?” (Cn 6,27). Và vì thế, ông Lót cũng được lệnh phải tránh xa tất cả những thành xung quang Sođôma (x. St 19,17).

2/ Phương cách thứ hai là đừng để cho những ý tưởng lẻn vào, bởi vì chúng sẽ kích thích dục vọng. Điều này phải được thực hành bằng việc khổ chế xác thịt, như thánh Phaolô đã nói: “Tôi bắt thân thể tôi phải chịu cực và phục tùng” (1 Cr 9,27).

3/ Phương cách thứ ba là kiên trì cầu nguyện bởi vì: “nếu Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126,1). Và tác giả sách Khôn Ngoan cũng kể rằng: “Tôi biếtlà tôi không thể có được đức tiết độ, nếu không đượcThiên Chúa ban cho tôi” (Kn 8,21). Trong khi đó, Tân ước thì khẳng định: “Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay và cầu nguyện” (Mt 17,21). Thật vậy, nếu hai người đang vật lộn và bạn chỉ muốn ủng hộ một bên, thì tất nhiên bạn phải ngưng hỗ trợ bên kia. Cũng vậy, một trận chiến liên lỉ diễn ra giữa tinh thần và thân xác; nếu bạn mong muốn cho tinh thần chiến thắng, thì bạn phải trợ giúp nó bằng lời cầu nguyện, và tương tự như thế, nếu bạn muốn rút sự hỗ trợ cho thân xác thì bạn phải ăn chay; nhờ ăn chay mà thân xác trở nên yếu đi.

4/ Phương cách thứ tư là tránh nhàn cư, bằng cách giữ cho mình luôn bận rộn với những công việc lành mạnh: “nhàn cư vi bất thiện” (Hc 33,28). Và sách Êdêkien nói: “Đây là tội của Sôđôma: kiêu căng, ăn chơi phè phỡn, của cải sung túc và nhàn cư” (Ed 16,49). Vì thế thánh Giêrônimô khuyên: “Hãy luôn bận rộn làm việc lành, nhờ đó ma quỷ thấy bạn bận rộn mà không cám dỗ được.” Công việc tốt nhất là nghiên cứu Kinh thánh, như thánh Giêrônimô nói tiếp: “Hãy yêu mến việc nghiên cứu Kinh thánh và bạn sẽ không còn quyến luyến những thói hư tật xấu của xác thịt nữa” (Ad Paulinum).

(daminhvn.net) Thứ bảy, 13 Tháng 7 2013 23:01

 


Mục Lục Năm Đức Tin