III. THUYẾT TIẾN HOÁ VÀ SỰ HIỆN HỮU CỦA THƯỢNG ĐẾ

Bạn thân mến,

Có một quan niệm khá phổ biến cho rằng: Không có Thượng Đế vì khoa học đã chứng minh được các loài sinh vật là do sự tiến hoá từ giống này sang giống khác một cách tự nhiên chứ không do Thượng Đế trực tiếp tạo nên. Và quan niệm này đã tạo nên một cuộc tranh luận vô cùng gay gắt, nhất là với vấn đề về sự xuất hiện của con người. Càng gay gắt hơn nữa khi đôi bên lại nại đến những trang đầu của sách Sáng Thế Ký thuật lại việc Thượng Đế tạo dựng trời đất và muôn loài với một quy trình mô phỏng theo thuyết Dịnh Chủng: mỗi giống, mỗi loài và nhất là loài người, đều được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng từ nguồn gốc chứ không phải là do sự tiến hoá tự động, tự nhiên. Và thường thường cuộc tranh luận có thể được tóm tắt như sau:

1/ Phe Vô Thần lập luận:

a. Thánh Kinh dạy rằng Thiên Chúa tạo dựng nên muôn loài và theo kiểu định chủng.

b. Nay khoa học đã chứng minh được các loài, các giống là do luật biến hoá tự động tự nhiên từ giống này qua giống nọ, chứ không có bàn tay của Đấng Siêu Việt nào trực tiếp can thiệp cả.

c. Vậy Thánh Kinh đã sai lầm, và như thế thì trời đất với muôn loài là tự nhiên mà có chứ không do Thượng Đế tạo ra và đồng thời cũng chẳng có Thượng Đế.

2/ Còn phe Hữu Thần CỔ ĐIỂN lại lập luận như sau:

a. Thánh Kinh đã dạy là Thượng Đế đã tạo dựng muôn loài cách trực tiếp theo kiểu Định Chủng.

b. Thánh Kinh là Lời Chúa, nên là chân lý.

c. Vậy quan niệm tiến hoá trái với Lời Chúa, tức là trái với chân lý. Lời Chúa không thể sai lầm được, vậy ắt quan niệm tiến hoá phải sai.

Câu chuyện hôm nay tôi muốn nói với bạn không phải để giải quyết vấn đề vô thần hay hữu thần đúng, quan niệm Định Chủng hay quan niệm biến hoá đúng mà chủ yếu là làm cho chúng ta rõ: dù vô thần hay hữu thần đúng, dù tiến hoá hay định chủng đúng thì hai vấn đề – một bên là sự hiện hữu của Thượng Đế và một bên là sự xuất hiện của các loài sinh vật – không liên hệ gì trực tiếp với nhau cả. Ngoài ra, nhân dịp có đả động tới Thánh Kinh thì cũng tìm hiểu xem nơi những chương đầu sách Sáng Thế Ký, Lời Chúa muốn dạy cho nhân loại chân lý gì?

Tóm lại, chủ đích của bài này là khai quang một cuộc tranh luận bằng cách phân biệt vấn đề này với vấn đề kia để xếp vào hồ sơ lưu trữ một vấn đề hư tạo do một sự lẫn lộn vấn đề, lẫn lộn bình diện mà cả hai phe đã lầm mắc phải gây nên.

Ở đây, ta thấy có 3 vấn đề bị móc ngoặc vào nhau tạo nên một mớ chỉ rối:

a. Vấn đề nội dung của chân lý mặc khải trong những chương đầu của sách Sáng Thế Ký. Đó là một vấn đề thuộc khoa Thánh Kinh học.

b. Vấn đề nguồn gốc của vũ trụ: trời đất muôn loài trong toàn thể căn bản của sự HIỆN HỮU là một vấn đề hữu thể học về sự HỮU (tại sao CÓ thay vì KHÔNG) trong toàn bộ của mọi hữu thể.

c. Vấn đề thứ ba là một vấn đề của khoa học tự nhiên. Trong cái vũ trụ mà ta ĐÃ CÓ ĐÂY (nó tự đâu đến: tự hữu hay thụ tạo từ hư vô, không cần biết và cũng không cần đặt câu hỏi) thì trên bình diện của các sự kiện – các loài sinh vật đã xuất hiện như thế nào.

Và cuộc tranh luận sở dĩ đã xảy ra một cách vô duyên vì phe nào cũng phạm lỗi sơ đẳng về luận lý là đã thiết lập những Tam đoạn luận giữa những mệnh đề thực sự chẳng có gì liên hệ với nhau cả, nhưng đã bị họ lầm tưởng (hoặc cố tình ngụy biện!) là có liên hệ. Sự ngộ nhận hay ngụy biện ấy được gói ghém trong Đại tiền đề mà cả hai đã dựa vào để lập luận, đó là mệnh đề hoàn toàn sai sau đây: Nếu thuyết Tiến Hoá đúng thì Thánh Kinh sai, thì không có Thượng Đế!

1/ Phe Vô thần lập luận như sau:

a) Nếu thuyết Tiến Hoá đúng thì Thánh Kinh sai, thì không có Thượng Đế;

b) Mà khoa học đã chứng minh rằng thuyết Tiến Hoá đúng;

c) Vậy Thánh Kinh sai và không có Thượng Đế.

2/ Còn phe Hữu thần cổ điển lại lập luận:

a) Nếu thuyết Tiến Hoá đúng thì Thánh Kinh sai, thì không có Thượng Đế;

b) Mà Thánh Kinh là Lời Chúa nên không thể sai;

c) Vậy thuyết Tiến Hoá tất là phải sai.

Cả hai phe đều đã giỏi về Luận lý hình thức, hai Tam đoạn luận trên đều đúng về hình thức, nhưng cả hai đều không ý thức rằng nội dung các mệnh đề và nhất là Đại tiền đề sai nên kết luận tuy đúng về phép diễn dịch hình thức lại có thể sai về nội dung. Ta sẽ lần lượt xem nội dung của các Tiền đề chung cho cả hai phe, sai ở chỗ nào.

1/ Trước hết, ta thử xét Tiểu tiền đề của phe Hữu thần: « Thánh Kinh là Lời Chúa nên Thánh Kinh không thể sai » có giá trị gì?

Đây là một vấn đề Thánh Kinh học [1][1]: Quả thật Thánh Kinh là Lời Chúa, Thánh Kinh không thể sai. Nhưng điều kiện cần phải hiểu rõ là nội dung Thánh Kinh, là Lời Chúa chủ yếu mặc khải chân lý gì? Chân lý ấy thuộc bình diện nào?

Muốn thấy rõ vấn đề chắc chúng ta cần phải nhắc lại một vài nguyên tắc căn bản của khoa Thánh Kinh học: tuy Thánh Kinh là Lời Chúa, nhưng Lời Chúa (thật ra là ý tưởng của Chúa và đó là nội dung chân lý mà Thiên Chúa mặc khải) phải mặc lấy hình thức của con người viết Thánh Kinh: những quan niệm triết học, những kiến thức khoa học, những khái niệm, những biểu tượng, những văn thể, những ngôn từ mà những hình thức này thì thuộc về một thời đại, một địa phương, một xã hội, một văn hoá, một cá tính, một trình độ của cá nhân người viết. Vậy phải phân biệt cái NỘI DUNG (chính là Lời Chúa trong chính chủ ý Ngài muốn mặc khải) với các hình thức mà người viết Thánh Kinh muốn khoác lên cái nội dung ấy. Tất nhiên chỉ có nội dung mới là chân lý của Thiên Chúa, còn những hình thức được khoác lên thì chỉ có giá trị bình thường như bất cứ cái gì của con người: nghĩa là có thể sai hoặc tương đối.

Như vậy ta phải hỏi khi khẳng định rằng Lời Chúa không thể sai – thì phải biết trong các chương đầu của sách Sáng Thế Ký, Lời Chúa mặc khải chân lý gì? Thưa: một chân lý tôn giáo về vấn đề cứu độ, chứ không phải chân lý về hữu thể học, lại càng không phải kiến thức khoa học về vũ trụ học.

Vậy ta có thể khẳng đĩnh ngay: chủ ý nội dung chân lý được mặc khải ở những chương đầu của sách Sáng Thế Ký không phải là vấn đề các giống, các loài sinh vật xuất hiện theo quan niệm Định chủng hay theo quan niệm Biến hoá. Vấn đề này được trình bày theo quan niệm đương thời của người viết ; nó chỉ là cái vỏ, cái bình để đựng chân lý mà Chúa muốn mặc khải, là chân lý cứu độ, là vấn đề tương quan giữa con người và Thiên Chúa, là vấn đề sự dữ, sự ác, sự tội, sự cứu độ. Thánh Kinh đúng, Thánh Kinh là Lời Chúa. Nhưng chỉ là Lời Chúa, chỉ đúng về chân lý cứu độ, chứ còn quan niệm siêu hình hay kiến thức khoa học của người viết thì đâu có phải là Lời Chúa mà là lời của người viết, là cái vỏ của người viết khoác lên Lời Chúa mà thôi.

Vậy cái Tiền đề « Thánh Kinh đúng » không có nghĩa là thuyết Định chủng của người viết đúng, vì thuyết Định chủng là của người viết chứ không phải là Chân lý Chúa mặc khải, do đó Thánh Kinh đúng nghĩa là: tín điều về sự tội, sự ác, về phương thế thoát khỏi sự tội, sự ác được trình bày ở các chương đầu của Sáng Thế Ký là đúng, chứ không phải quan niệm Định chủng của người viết là đúng. Vì vậy Thánh Kinh đúng (về Chân lý Mặc khải) không cho phép ta rút tỉa ra một kết luận nào về một vấn đề hoàn toàn không liên hệ gì đến chân lý mặc khải cả, tức là vấn đề khoa học về các sinh vật. Và nếu Thánh Kinh có sai đi nữa thì cũng sai về mặt nào, chứ không sai về mặt khoa học, vì nội dung Thánh Kinh có bàn về vấn đề khoa học đâu! Khoa Thánh Kinh không dạy thuyết Định chủng mà cũng chẳng dạy thuyết Tiến Hoá. Thánh Kinh dạy Chân lý Cứu độ nhưng vì người viết ở vào hàng chục thế kỷ trước khi Darwin ra đời nên trong lúc mô tả tấn bi kịch tội lỗi sa ngã, đã vẽ một bối cảnh theo cách hình dung sự vật của thời đại ấy, là hình dung theo quan niệm Định chủng. Nếu quan niệm ấy có sai cũng không liên hệ gì đến giá trị nội dung chân lý mặc khải và ngược lại giá trị nội dung chân lý mặc khải cũng không liên hệ gì đến giá trị của quan niệm kiến thức đương thời của người viết về vũ trụ, về các loài sinh vật.

Để dễ hiểu hơn, xin xét một thí dụ sau đây: Chúa hiện ra với nữ chân phước Angèle de Foligno và bảo rằng: « Ta là Thực Hữu, còn con chỉ là hư vô ». Như vậy có phải Chúa dạy cho Angèle de Foligno một bài về Hữu thể học và dạy rằng: về Hữu thể học quả thật con người là hư vô không? Tất nhiên là không, vì nếu nói rằng về Hữu thể học con người là hư vô thì hoàn toàn sai! Chắc hẳn khi nói như thế với Angèle, Chúa không có quan niệm cho rằng con người là hư vô về Hữu thể học, mà đó chỉ là một CÁCH NÓI để diễn tả cái tương quan về Thần nhiệm, về thái độ Angèle phải có trước cái siêu việt của Thượng Đế. Angèle là thực hữu (về Hữu thể học) chứ đâu phải là hư vô! Tưởng rằng Thánh Kinh dạy thuyềt Định chủng về vấn đề sinh vật cũng phi lý như tường Chúa dạy cho Angèle một bài Hữu thể học và quan niệm của Chúa là thuyết Hư vô vậy!

Vì thế, nội dung của mệnh đề « Thánh Kinh là Lời Chúa. Lời Chúa là đúng » không có nghĩa là Chúa dạy thuyết Định chủng và thuyết Định chủng là đúng và do đó từ mệnh đề ấy phía Hữu thần không có quyền suy diễn rằng: thuyết Định chủng là đúng, nên thuyết Tiến Hoá là sai. Ngược lại phía Vô thần cũng không có quyền suy diễn từ tiền đề « Thuyết Tiến Hoá đúng » mà kết luận « Thánh Kinh sai và không có Thượng Đế » – vì Thánh Kinh có dạy thuyết Định chủng đâu. Thánh Kinh dạy một chân lý khác, qua cái hình dung cái vỏ do quan niệm Định chủng đương thời của người viết khoác lên mà thôi!

Nói tóm lại, nếu thuyết Định chủng có đúng thì cũng không phải vì vậy mà phe Hữu thần đúng, ngược lại nếu thuyết Tiến Hoá có đúng thì cũng không phải vì vậy mà phe Vô thần đúng. Cả hai phe Hữu thần và Vô thần muốn lập luận để chứng minh quan niệm của mình (chưa biết ai đúng) phải dùng luận cứ khác, chứ dựa vào vấn đề Định chủng hay Tiến hoá thì hoàn toàn vô giá trị: Tam đoạn luận của cả hai phe đều là ngụy biện cả! Phe Vô thần nếu có đúng, cũng không có quyền dùng thuyết Tiến Hoá để chứng minh quan niệm Vô thần của mình. Ngược lại phe Hữu thần dầu có đúng, cũng không có quyền dựa vào Thánh Kinh, vào chân lý mặc khải của Thiên Chúa để tiên quyết phủ nhận thuyết Tiến Hoá. Có Thượng Đế hay không thì các sinh vật cũng có thể xuất hiện theo thuyết Định chủng hay thuyết Tiến Hoá không hề hấn gì, không liên can gì đến nhau cả!

2/ Bây giờ ta hãy xét giá trị của Đại tiền đề mà cả hai phe đều dựa vào để lập luận « Nếu thuyết Tiến Hoá đúng, thì Thánh Kinh sai, thì không có Thượng Đế ».

Thánh Kinh không chủ yếu mặc khải gì về Định chủng hay Tiến hoá, nên Thánh Kinh không phi bác mà cũng chẳng khẳng định gì về vấn đề này cả, nên không có gì là mâu thuẫn với thuyết Tiến Hoá nếu thuyết này đúng.

Nhưng còn một câu hỏi khác: « Nếu Thánh Kinh có ý mặc khải chân lý Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ muôn loài » thì tín điều này có liên quan gì (nghĩa là có phù hợp hay trái ngược) với thuyết Tiến Hoá không?

Sở dĩ nói « Nếu Thánh Kinh… » là vì thực ra những chương đầu của Sáng Thế Ký cũng không có chủ đích trực tiếp mặc khải chân lý về Hữu thể học là trời đất muôn loài do Thiên Chúa dựng nên từ hư vô! Nội dung chủ yếu trực tiếp được mặc khải là vấn đề tương quan giữa Thiên Chúa và con người, là vấn đề sự dữ, sự ác, sự tội, là con đường cứu độ. Còn vấn đề vũ trụ quan chỉ là thứ yếu, chỉ là gián tiếp. Trong đầu óc người viết Thánh Kinh, chủ yếu là nói về vấn đề con người trong tương quan với Thiên Chúa, và tấn bi kịch tội lỗi sa ngã của con người trong việc cắt đứt tương quan ấy. Còn vũ trụ được đề cập đến chỉ có giá trị của tấm phông của bối cảnh cho tấn bi kịch mà thôi.

Nếu có chân lý nào được gián tiếp truyền dạy một cách hàm ẩn trong đối tượng chính thì vấn đề không phải là chân lý về sự tạo dựng trên bình diện một vấn đề Hữu thể học, mà là vấn đề vị trí của con người ở giữa trời đất bao la với muôn loài muôn vật. Thánh Kinh không chủ ý dạy trực tiếp một bài học về tính bất tất và tính cách thụ tạo của vũ trụ mà chỉ nói đến tính cách thụ tạo của vũ trụ muôn loài để dạy cho con người có phải tôn thờ gì là tôn thờ Thượng Đế, chứ còn vũ trụ bao la, dù hùng vĩ với tất cả muôn loài, cũng chỉ là thụ tạo, mà lại còn là những thụ tạo ở cấp dưới con người. Thánh Kinh không chủ ý dạy chân lý Hữu thể học về tính cách thụ tạo (tức là hiện hữu bất tất) của vũ trụ muôn loài, mà chỉ nhắc đến vấn đề ấy để chủ ý dạy con người đừng tôn thờ sùng bái bất cứ gì khác ngoài Thiên Chúa!

Chân lý siêu hình về Hữu thể chỉ được nhắc đến để dạy chân lý tôn giáo, và chân lý tôn giáo mới là đối tượng chính của mặc khải. Như thế chân lý về Thiên Chúa tạo dựng cũng chỉ có một vai trò thứ yếu trong sứ điệp được mặc khải qua mấy chương đầu của Sáng Thế Ký thôi. Cho nên dựa vào Thánh Kinh để lập luận về các vấn đề chuyên môn Hữu thể học như hiện hữu bất tất của vũ trụ, hằng hữu của vật chất, sáng tạo từ hư vô, cũng là đã đi hơi xa, đi ngoài nội dung chủ yếu của mặc khải rồi!

Nhưng nếu Thánh Kinh có mặc khải về chân lý Thiên Chúa tạo dựng thì có ngược với thuyết Tiến Hoá không? Xin trả lời ngay là không! Vì sao? Vì Tín điều « Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn vật hữu hình và vô hình » là một chân lý liên can đến vấn đề Hữu thể học thuộc triết học, còn thuyết Tiến Hoá là một thuyết về vấn đề Vũ trụ học, thuộc khoa học tự nhiên.

Tín điều « Thiên Chúa sáng tạo » là trả lời câu hỏi về « CÓ » và « KHÔNG » của toàn thể hiện hữu, là một vấn đề về hiện hữu và hữu thể. Theo tín điều này thì vạn vật vốn là « không » mà sở dĩ « có » được là do Thiên Chúa sáng tạo. Còn thuyết Tiến Hoá thì không đề cập tới vấn đề « có » và « không », mà đi từ cái ĐÃ có, đã có ĐÓ (không hề hỏi từ đâu mà có) và chỉ hỏi « Có như thế nào? ».

Tín điều « Thiên Chúa sáng tạo » dạy rằng vạn vật KHÔNG TỰ HỮU (cho nên không hằng hữu, không tất hữu), còn thuyết Tiến Hoá bảo rằng các sinh vật xuất hiện loài này từ loài nọ, chứ không nói khởi đầu của SỰ HỮU là do đâu. Hai vấn đề hoàn toàn biệt lập nhau, từ một quan niệm về vấn đề A (vấn đề hiện hữu) dù đúng hay sai cũng không rút tỉa ra được kết luận gì (dầu về phe nào) về vấn đề B (vấn đề khi đã có đó rồi thì diễn tiến ra sao).

Vạn vật có tự hữu đi chăng nữa thì vẫn có thể tự hữu theo kiểu Định chủng và cũng có thể tự hữu theo kiểu Tiến hoá. Và vạn vật có là do Thiên Chúa dựng nên thì cũng có thể dựng nên theo kiểu Định chủng hoặc theo kiểu Tiến hoá. Hai vấn đề không có liên hệ gì với nhau cả. Phe Hữu thần không thể dựa vào sự kiện vạn vật là thụ tạo để phi bác thuyết Tiến Hoá. Phe Vô thần cũng không thể dựa vào thuyết Tiến Hoá để chứng minh vạn vật tự hữu. Thuyết Tiến Hoá chỉ là một cách quan niệm về CÁCH NHƯ THẾ NÀO (một khi đã có) chứ không phải là một thuyết về sự VÌ SAO MÀ CÓ thay vì không có.

Xin nhắc lại với bạn là chúng ta chưa tìm xem vô thần hay hữu thần đúng, cũng không tìm xem Định chủng đúng hay Tiến hoá đúng, mà chỉ đi đến cho thấy rằng hai vấn đề này không liên hệ gì với nhau cả.

Quả vậy, ta có thể quan niệm Thượng Đế tạo dựng vũ trụ từ đầu rồi đặt ngay vào sự vật một tiềm lực nội tại để nó tự động, tự phát, tự nhiên biến hoá theo những quy luật của nó, mà chẳng có gì nghịch với thuyết Tiến Hoá cả. Cái nhìn này nào có khác gì cái nhìn về sự biến hoá của một hạt lúa nẩy mầm, mọc lá đâm bông, kết hạt do tiềm lực, do nguyên nhân đất đai, phân bón, nắng mưa, v.v… mà vẫn có thể quan niệm tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng ra với năng lực tiềm ẩn của chúng , rồi chúng chỉ có việc tự phát theo quy luật đã an bài. Cần gì hễ động một tí là Thiên Chúa phải trực tiếp can thiệp! Vấn đề Thiên Chúa tạo dựng là vấn đề hạt lúa đầu tiên từ đâu mà có, còn vấn đề tiến hoá là vấn đề hạt lúa một khi đã có thì triển nở ra sao.

Lấy một thí dụ khác để hình dung: có hai loại đồng hồ, một loại phải lên dây hằng ngày và một loại tự động. Nếu ta ví vũ trụ này như một chiềc đồng hồ thì vấn đề tiến hoá là để trả lời câu hỏi: chiếc đồng hồ MÀ TA ĐÃ CÓ ĐÂY là loại tự động (Tiến hoá tự nhiên) hay là loại phải lên dây (Định chủng). Thuyết Tiến Hoá không đòi hỏi chiếc đồng hồ vì sao CÓ thay vì KHÔNG CÓ! Còn tín điều tạo dựng thì không trả lời về vấn đề đồng hồ phải lên dây hay là tự động, vấn đề này là cứ mở mắt ra xem (tức khảo nghiệm khoa học) thì biết, mà lại đặt câu hỏi và trả lời về vấn đề chiếc đồng hồ vì sao mà có thay vì không có.

Đến đây chúng ta có thể tạm ngưng, nhưng để vui câu chuyện, chúng ta có thể mượn hình ảnh đồng hồ mà nói thêm là giữa chiếc đồng hồ phải lên dây hằng ngày (Thiên Chúa phải can thiệp từng đợt một để tạo ra giống này loài nọ) và một chiếc đồng hồ tự động (Thiên Chúa không cần can thiệp từng đợt mà đặt ngay từ đầu một tiềm lực để vạn vật tiến hoá) thì tác giả cái đồng hồ tự động tài ba hơn.

Nếu quan niệm Thiên Chúa là Đấng toàn năng thì có thể xét rằng E CÓ LẼ quan niệm vũ trụ tự nhiên tiến hoá (chứ không phải tự hữu: thuyết Tiến Hoá khoa học chỉ nói vũ trụ tự nhiên tiến hoá chứ không hề đề cập đến vũ trụ tự hữu hay thụ tạo. Vấn đề này là vấn đề triết học, không thể suy diễn rút ra như một tiền đề thuộc về khoa học tự nhiên được) hợp với Ngài hơn là quan niệm Định chủng, đòi hỏi Ngài cứ mỗi lần có chuyện gì lại phải nhúng tay can thiệp.

Tuy nhiên, đó là « tán gẫu » cho vui để nhấn mạnh thêm là tuỳ theo cái nhìn, tuỳ theo não trạng của mỗi thời đại, của mỗi cá nhân suy diễn « cho vui » để có thể nghĩ rằng vũ trụ thế này thì có lẽ hợp với Thiên Chúa hơn là vũ trụ như thế nọ! Nhưng suy nghĩ theo hướng nào thì cũng chỉ là cách nhìn theo kiểu loài người, chứ nếu có Thiên Chúa, và Thiên Chúa là Đấng toàn năng, thì vũ trụ được dựng nên theo kiểu nào cũng vậy thôi! Chẳng có kiểu nào tài hơn kiểu nào cả! Vì cái « TÀI » chính là ở chỗ từ « KHÔNG » làm nên « CÓ », còn khi « đã có rồi » thì theo kiểu nào cũng là điều thứ yếu.

Nói cách khác, vấn đề Thượng Đế được đặt ra không phải là vấn đề các sinh vật định chủng hay tự tiến hoá, mà là vấn đề toàn thể vũ trụ với muôn loài trong ấy (Định chủng hay Tiến hoá cũng vậy thôi) là tự hữu hay không?

Cho nên thuyết Định chủng đúng hay sai, thuyết Tiến Hoá đúng hay sai, không cho phép ta rút ra kết luận nào về hữu thần hay vô thần cả, về vũ trụ tự hữu hay thụ tạo cả. Và ngược lại, vô thần đúng hay sai, hữu thần sai hay đúng, vũ trụ tự hữu hay thụ tạo cũng không cho phép ta rút ra kết luận gì về vấn đề Định chủng hay Tiến hoá cả. Định chủng đúng hay sai, Tiến hoá đúng hay sai, Thánh Kinh không liên hệ gì. Ngược lại, tín điều Thiên Chúa tạo dựng đúng hay sai cũng không cho phép ta rút ra kết luận gì về sự đúng hay sai của thuyết Định chủng hay thuyết Tiến Hoá cả,

Người vô thần không thể dựa vào thuyết Tiến Hoá để biện hộ cho quan niệm vô thần của mình, và người hữu thần cũng không thể dựa vào sự hiện hữu của Thượng Đế để phủ nhận một cách tiên quyết thuyết Tiến Hoá. Vô thần hay hữu thần đúng hay sai là do những luận cứ triết học. Định chủng hay Tiến hoá đúng hay sai là do sự tìm kiếm kiểm chứng của khoa học thực nghiệm.

Đến đây chắc bạn đã mường tượng thấy cuộc tranh luận mà ta xét ở đây là một cuộc tranh luận giữa một người mù và một người điếc. Một bên nói về màu sắc, một bên nói về âm thanh mà cứ tưởng là cùng nói về một vấn đề, nên mới sinh chuyện. Chỉ cần phân biệt lãnh vực, phân biệt vấn đề, tức là ổn chuyện! Lại thêm vấn đề chú giải Kinh Thánh nữa, khác nào thêm một người vừa câm vừa điếc nhập cuộc, nói về hương vị, chỉ thêm rắc rối! Phân biệt rõ âm thanh, màu sắc, hương vị ra là giải toả vấn đề, là thấy rõ Đại tiền đề mà cả hai phe đều cùng dựa vào là sai và như thế Tam đoạn luận của cả hai phe đều sụp đổ ngay tận gốc!

Nhưng đó là vấn đề của cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chứ nay cuối thế kỷ XX rồi, khoa Thánh Kinh, môn triết học, ngành sinh vật học đã hiểu nhau, đã phân biệt lãnh vực của nhau trên căn bản, không thành vấn đề nữa! Chỉ có những người hoặc là cố tình ngụy biện, hoặc là còn trì trệ lại trong cuối thế kỷ XIX mới còn đặt vấn đề mà thôi! Chúng ta nên dành thì giờ nói sang chuyện khác lý thú hơn, cập thời hơn, đó là tiền đề: « Thuyết Tiến Hoá là đúng có giá trị ra sao? ».

Thuyết Tiến Hoá là một thuyết khoa học chứ không phải một sự kiện được thực nghiệm cho nên dù nó có đúng thì nó cũng chỉ có giá trị của một thuyết chứ nó không có giá trị của một sự kiện.

Như tất cả chúng ta đều biết, một thuyết là một quan niệm do trí tuệ con người nêu lên, đặt ra để lý giải một số sự kiện. Có một số sự kiện được lý giải nhờ thuyết Tiến Hoá là chưa có sự kiện nào ngược với thuyết ấy, thì thuyết ấy CÓ THỂ được xem là ĐÚNG. Nhưng trên nguyên tắc mà nói, nó chỉ có giá trị một thuyết khoa học mà thôi.

Thái độ chân chính của một nhà khoa học, có tinh thần khoa học, là đối với bất cứ thuyết nào, họ cũng sẵn sàng chờ đợi khi có sự kiện gì được phát hiện ra mà ngược lại thuyết ấy thì họ sẽ sẵn sàng xét lại thuyết ấy ngay hoặc để sửa sai hoặc để bổ khuyết thuyết ấy cho phong phú hơn.

Vì tinh thần khoa học thực thụ là tinh thần luôn luôn nhớ rằng SỰ KIỆN muôn vàn phong phú của thực tại bao giờ cũng có thể vượt qua tầm vóc của bất cứ thuyết nào của con người thiết lập nên để lý giải nó. Đến nỗi có khi trí tuệ của con người phải cố gắng tổng hợp hai thuyết hầu như trái ngược nhau. Chẳng hạn thuyết « Cơ học ba động » (Mécanique ondulatoire) là một nỗ lực tổng hợp hai thuyết nghịch nhau về bản chất của ánh sáng. Cho nên « theo đuổi » một thuyết khoa học nào đó để biện hộ cho một quan niệm triết học hay một chân lý đức tin nào đó là làm một việc đầy bất trắc coi chừng có ngày « gậy ông đập lưng ông »!

***

Bạn mến,

Những dòng trên đây về vấn đề tiến hoá và tín điều Thiên Chúa tạo dựng, chỉ là một nỗ lực để định rõ vị trí của mỗi lãnh vực, khai quang đầu óc, tháo mối chỉ rối chứ không có ý theo đuổi dựa vào một thuyết khoa học nào (dầu đúng cũng chỉ là tương đối) để biện hộ cho một triết thuyết hay một tín điều nào cả. Vì vậy chắc nó chỉ đụng chạm đến những ai ngụy biện, lẫn lộn vấn đề và bình diện, lãnh vực mà thôi.

Có lẽ bạn cũng như những người khác hơi bực mình vì chưa biết phe nào đúng, phe nào sai cả. Nhưng thiết tưởng với lòng yêu mến chân lý, với sự sáng suốt và bình tĩnh, mỗi người có thể tự rút ra một kết luận cho mình, bằng không nếu cần, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi trong một dịp khác.

Thân chào bạn.

[2][1] Để hiểu rõ hơn vấn đề Thánh Kinh chung quanh mấy chương đầu sách Sáng Thế Ký, xin bạn đọc:

“L’HISTOIRE BIBLIQUE DE LA CRÉATION AUJOURD’HUI” của Herbert Haag, trong 9-82, trong cuốn BIBLE ET ÉVOLUTION, Mame – Paris 1964”.

Hoặc bản dịch tiếng Việt dưới nhan đề: SỰ KIỆN LỊCH SỬ SÁNG THẾ TRONG KINH THÁNH, HIỂU THEO NGÀY NAY.

* Vấn đề hư tạo: Faux problème.

Nguyễn Khắc Dương

 

 


Mục Lục Năm Đức Tin