V. VIÊN THỤC: HIỆN HỮU, MẾN YÊU VÀ THỜ LẠY

(Phỏng dịch theo bài “MATURITÉ: ÊTRE, AIMER et ADORER” của Rolande Lamarre OSC)

Nhiều lúc chúng ta có cảm tưởng rằng văn minh, khoa học và kỹ thuật ngày nay đưa thế giới chúng ta đi tới chỗ tiêu hao càng ngày càng trầm trọng những nguồn sinh lực căn bản của con người. Con người của thời đại này càng ngày càng cảm thấy tìm lại cho được « CHÍNH LÒNG MÌNH! » nối tiếp lại với những cội rễ sâu xa để tìm thấy lẽ sống, múc lấy những hứng khởi của niềm tin, của lòng kiên trung chung thuỷ là một điều rất khó. Con người săn tìm hạnh phúc ở một chỗ xa xôi nào đâu ấy, đôi khi rất xa, trong những giấc mơ giàu sang, tự do, tình yêu không bao giờ thực hiện được. Trong lúc ấy thì nguồn hạnh phúc lại ở rất gần mình, gần gũi đến nỗi mình không biết nhìn nhận ra nó nữa! Hạnh phúc chính là ở chỗ đón nhận lấy những thực tại đơn sơ, giản dị, tầm thường nhưng « rất thật » của cuộc sống hằng ngày, trong một tâm hồn biết mở rộng ra cho tình yêu Thiên Chúa và anh em.

Người tu sĩ cũng vậy thôi! Nghĩa là ngay trong chính bản thân mình cũng phải « đối đầu » với cái thế giới đang tìm kiếm và cái điều gì là « cốt yếu » ấy! Người tu sĩ cũng là một con người đi tìm ý nghĩa của mình đối với chính mình, đối với kẻ khác, đối với xã hội, và chung quy là đối với Thiên Chúa. Hơn ai hết, người tu sĩ phải là chứng nhân cho thế giới này về một ý nghĩa căn bản sâu xa, một ý nghĩa có tầm mức tiên tri, thiên sứ.

« Điều chính là phải cho đi đến tận cùng chính bản thân mình » (Cha sở họ Ars).

Sự triển nở bản thân là một quyền lợi của nhân vị con người. Còn đối với chúng ta là những Kitô hữu, « vui sống » là một bổn phận. Nhưng!!! Sự triển nở, niềm vui mà chúng ta nói đây là triển nở như thế nào, niềm vui thuộc loại nào? Chúng ta cần phải biết chúng ta hiểu như thế nào về các từ ngữ « thể hiện nhân ngã vị của con người », « hoàn thành bản thân », « trưởng thành », đó là những từ ngữ đã trở thành cái « mốt » mà chúng ta phải hết sức thận trọng khi sử dụng chúng.

« Việc sử dụng một cách bừa bãi những từ ngữ « trưởng thành », « quân bình »… làm cho chúng ta tự mân, nhưng nhiều lúc chỉ giản lược con người theo hình ảnh khuôn mẫu được quy định theo sự đòi hỏi của một sự thích nghi xã hội nào đó thôi! Thực ra, trạng thái trưởng thành và quân bình tâm lý không phải là trạng thái an ủi, không hề có sự xung đột nào, không hề có sự xung đột bên trong nào, không hề có sự căng thẳng bên trong nào, không hề có sự băn khoăn nào! Không phải như vậy! Thành ngữ trưởng thành về cảm tính quá nhiều khi chỉ là cái lý tưởng của cuộc đời phẳng lặng, như một mặt biển lặng như tờ, phóng lên hình ảnh ấy của một giấc mơ, một cuộc sống mình hoàn toàn làm chủ được tất cả, luôn luôn bình an, bình an vô sự! Cái lý tưởng một tâm lý viên thục nhiều khi chứa chấp một thứ « ấu trĩ » rất tinh tế của một người không chịu đựng bất cứ một sự xung đột nào hay một nỗi đau đớn nào về tâm lý ».

Nếu chúng ta săn tìm hạnh phúc như vậy thì chỉ là một điều « không tưởng ». Đó là một sự « thể hiện » không thể có được! Vả chăng cũng quả là một khiếm khuyết chẳng đầy đủ một chút nào cả! Vì chúng ta không thể bằng lòng chỉ làm chứng nhân cho một lý tưởng của một sự quân bình ở tầm mức con người nào đó mà thôi! Một sự quân bình mà với những phương pháp tự nhiên, với sự giúp đỡ của các « kỹ thuật gia » tâm lý, người ta có thể đạt tới được. Đành rằng, trong việc tìm hiểu lại ý nghĩa đời sống tu trì của chúng ta, chúng ta phải thâu nhận những cái gì là có giá trị trong quan niệm về con người trong thời nay. Những năm gần đây, tất cả chúng ta đều tin quyết rằng cần phải có những sự thay đổi để đem lại cho các cộng đồng của chúng ta một bầu không khí lành mạnh thực sự về mặt nhân bản để giúp chúng ta tìm gặp Thiên Chúa một cách thuận lợi hơn, vì kinh nghiệm cho ta thấy rằng: ở đâu có sự hiện diện của tình người, một cách súc tích, thì ở đó có sự hiện diện của Thiên Chúa.

Trong nhiều lãnh vực, đã thực hiện những cải cách theo chiều hướng mềm dẻo, nhất là ở những điểm mà có những trở ngại cho việc thể hiện nhân bản cũng như siêu nhiên của người tu sĩ. Nỗ lực lớn lao ấy dựa vào những phát kiến gần đây của các khoa học nhân văn về các điều kiện thể lý, tâm lý và xã hội của con người chúng ta. Sự soi sáng ấy cần phải có: đó chẳng những là hữu ích mà còn là cần thiết nữa. NHƯNG! Sự soi sáng đó đòi hỏi một sự soi sáng khác, mà nếu không có sự soi sáng thứ hai này thì chúng ta mới chỉ đi được một nửa chặng đường mà thôi! (Vả chăng trong giới tu sĩ có một sự không được thoả mãn khá phổ biến làm cho chúng ta phải xem xét vấn đề một cách nghiêm túc). Chúng ta phải đi tìm kiếm xa hơn những điều kiện hoá chỉ ở bình diện nhân bản mà thôi! Nếu không thì chúng ta sẽ không gặp được câu trả lời đang âm ỉ trong thâm tâm chúng ta, câu trả lời duy nhất có thể cứu độ chúng ta.

Đối với những tu sĩ sống đời chiêm niệm trong khung cảnh một tu viện kín (và đối với những tu sĩ nào cũng tương tự như vậy), chúng ta phải thận trọng kẻo rơi vào cái tệ biến đổi cái nhu cầu được phát triển đích thực trong bàn tay Thiên Chúa trở thành những sự thoả mãn không đích thực. Có lẽ chúng ta đã từng tưởng rằng sự triển nở, sự hạnh phúc của chúng ta sẽ mang hình thức một sự nghỉ yên phúc lạc trong sự yên ủi và sự bình an của nội tâm! Và một sự ngộ nhận như vậy vẫn còn ăn khá sâu trong đầu óc của một số đông sống ở ngoài viện tu. Đối với họ (và có lẽ với chúng ta nữa!) « Phần tốt nhất mà chúng ta đã chọn » sẽ bị giản lược thành một thứ an toàn và bình an đáng thèm và sở dĩ có được là ở chỗ trốn thoát khỏi những xáo trộn tranh chấp của trần gian, một sự bình an mà trong đó chúng ta nghỉ ngơi và nếm hưởng sự an ủi dịu ngọt trong sự thân mật với Thiên Chúa! Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên về sự ngộ nhận ấy, vì sự ảo tưởng ấy vẫn còn ăn sâu, ngay cả đối với chúng ta. Và cứ như thế cho đến lúc chúng ta sẽ đau đớn đụng chạm với thân phận của kiếp người! Và rồi cho đến ngày ân sủng sẽ cho ta được, ngay trong chính chốn sâu thẳm của lòng ta cũng như trong đời sống cộng đồng, san chia nỗi khắc khoải, những xung đột, những phấn đấu và niềm cậy trông của cái trần gian bị đảo lộn là cái trần gian của chúng ta hết thảy chẳng trừ ai! Chúng ta, người tu sĩ, cũng phải lao khổ dựa vào cuộc chiến đấu cam go của tất cả mọi người (và tu sĩ vốn là đội quân cảm tử tiên phong lại càng phải gặp gay go hơn nữa!).

Sự giáp trận với cái thực tại tầm thường ấy nhiều khi là cả một sự thức tỉnh khá phũ phàng đối với nhiều kẻ trong chúng ta. Một vài người sẽ tưởng rằng: Thế là tất cả đều sụp đổ: nghỉ ngơi, bình an, tĩnh mục và ngay cả tình yêu Thiên Chúa nữa! Nhưng thực ra đó chỉ là một vết nứt rạn, nhưng chính xuyên qua đường nứt rạn ấy mà một luồng gió mới sẽ được thổi vào: một cái nhìn mới về chính mình và về kẻ khác sẽ xuất hiện, và cái nhìn mới ấy sẽ lật nhào rất nhiều những điều xác quyết của chúng ta trước kia. Nếu đời chúng ta quả thật sẽ trở nên đúng bản chất của nó thì nào chúng ta phòng trước được gì. Đời chúng ta là một sự gặp gỡ: « Đấng không ngờ trước được », là sự trả lời cho một « Ai nào đó tự do tuyệt đối » mà những ý nghĩ không phải là ý nghĩ của chúng ta và đường đi cũng không phải là đường đi của chúng ta. Nếu là như thế thì ta còn lo dự trù tính toán trước nỗi gì?

« Lề luật đời sống chúng ta có thể tóm tắt như sau: Hãy trở nên chính mình » (T.Merton: Mình như thế nào hãy trở nên như thế ấy). Vật nào cũng mang trong mình quy luật của sự hoàn thành chính mình. Quy luật ấy được ăn sâu vào từng thớ nhỏ của cơ cấu bản thân. Hạnh phúc, đời sống chân thực cốt yếu là ở chỗ vươn lên, hướng tới cứu cánh mà Tạo Hoá đã quy định một cách trung thực hướng tới những nhu cầu sâu xa của bản tính.

Quy luật ấy được xác nghiệm ở tất cả mọi giai tầng của mọi tạo vật. Tiểu sử của một con người trong sự diễn tiến của nó, chính là tiểu sử của sự tự do của người ấy. Chân lý ấy chúng ta có thể xét nghiệm được dễ dàng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, Mỗi một giây phút đều mời gọi sự tự do của ta dấn thân để thể hiện. Mỗi một giây phút chúng ta đều nghe một lời kêu gọi, và chúng ta có nhiệm vụ phải trả lời, một câu trả lời luôn luôn mang đầy ý nghĩa. Thế mà thường thường chúng ta ít khi ngờ đến! Dù trong sáng và an vui hay đau thương và đầy hỗn tạp, dù hay thay đổi bất thường và thiếu can đảm thì sự trả lời ấy cũng là đưa bản thân chúng ta vào một cuôc dấn thân.

Điều ấy không phải là một khám phá mới của khoa tâm lý thực nghiệm. Vì xưa thánh Grégoire de Nysse đã dạy rằng: « Mỗi một chúng ta sinh ra do sự tự lựa chọn lấy mình vì chúng ta ‘tự sinh đẻ’ ra chúng ta đúng như chúng ta muốn thế nào, thì ra thế ấy ». Con người được trao cho sự hiện hữu với cái sứ mệnh là tự thể hiện lấy chính mình do sự lựa chọn của chính bản thân mình. Vì chỉ có một cách để sống thực sự tự do của mình, là nhất quyết tự nguyện, tự do ở lại dưới sự chi phối của Đấng đã quy định mình phải tự mình trở nên chính bản thân mình.

Vậy mà, tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm bản thân về sự bất nhất của chính mình, chúng ta đều thể hiện rõ ràng trong một sự kinh hoàng cái khả năng khước từ đáng sợ của chúng ta. Lời kêu gọi sâu xa hướng tới Thiên Chúa không thể nào dồn ép được lời kêu gọi hướng tới thực tại in sâu trong hiện hữu bản thân ta, chúng ta có khả năng từ chối không đáp ứng lại. Và cái nguy hại chẳng những là không tồn tại hoặc làm sai lệch chính hữu thể của chúng ta mà lại còn là phó mặc chính mình ta cho những quyến lực chỉ làm ta trở thành nô lệ mà thôi. – Và sự tự do của ta, mặc dầu nó có thật, nó phải tự nhận mình là yếu đuối không vững chắc và bị phân tán. Trong sự khiêm tốn sâu xa, nó phải ẳm nhận lấy cái trọng trách khủng khiếp của mình với tất cả cái bấp bênh: đó là đưa toàn bộ bản thân của ta đến cứu cánh của nó, dẫn nó tới sự phát triển vẹn toàn, tới chỗ thể hiện đầy đủ bằng cách sở đắc lấy những gì xảy đến trong sự hiện thực của cuộc đời mình. Và tự đáy sâu thẳm của bản thân sẽ luôn luôn tung vọt vọng lên lời kêu gọi vươn lên một vùng tự do rộng lớn hơn, luôn luôn có tính cách thiêng liêng hơn, lời kêu gọi một dự vượt xa hơn một sự ổn định với chính mình một cách quá ổn, lời kêu gọi phó mình theo tiếng gọi của Thánh Linh.

« Mỗi một người sẽ phải tự mình quyết định lấy » (G.Marcel).

Từ cái kinh nghiệm bản thân về sự tự do của chúng ta, dần dần sẽ toát ra một cái « hình ảnh về chính mình ». Cái hình ảnh ấy sẽ tạo thành như một điểm tựa để chúng ta quy hướng về trong mọi tình huống của cuộc sống chúng ta. Và đó là một yếu tố ổn cố thiết yếu giữa những dao động của chính bản thân ta cũng như tất cả những gì ở chung quanh ta. Nhưng đồng thời cũng là một sức năng động luôn tiến hoá và thích nghi, luôn luôn tổ chức đi tổ chức lại chính đời sống nội tâm của ta để làm cho nó đáp ứng đúng với cái thực tại kinh nghiệm của ta. Để có thể đạt tới một sự nẩy nở toàn diện của một bản lãnh được kết cấu vững chắc biết mình là gì, mình muốn gì, mình đi đâu thì điều quan trọng là cái « hình ảnh về chính mình » phải trung thực.

Sự tự do trung thực với chính mình luôn luôn bị đe doạ. Sự thực về chính mình có thể bị bóp méo, và quả thực là có cái nguy hại là chúng ta sẽ biến chuyển theo những tiêu chuẩn và những thang giá trị vay mượn của kẻ khác. Vì kẻ khác luôn trưng bày những khuôn mẫu tiền chế bắt chúng ta tuân theo như là mô phạm của chính chúng ta, chúng ta cũng có thể quan niệm sự thành công theo kiểu như vậy. Chúng ta có thể đánh giá sự thành bại theo dư luận quần chúng thông thường. Chúng ta cho là thành công cái gì đem lại sự kính nể hay những lợi lộc vật chất hay tinh thần. Nếu chúng ta tỏ ra rằng mình là khác với cái gì người ta trông đợi nơi chúng ta, tất nhiên là chúng ta làm mất lòng họ và sẽ bị lôi cuốn vào một chuỗi dài khó khăn. Và lúc đó thì làm sao mà chẳng thấy chi bằng tiện hơn, chắc chắn hơn là cứ trình bày ra cho họ một cái hình ảnh của chúng ta mà họ có thể chấp nhận được và hợp điệu hơn? Nhưng như vậy thì sự trung thực sẽ bị hy sinh, đồng thời sự triển nở thực sự của ngã vị bản thân cũng sẽ bị hy sinh.

Sự tự do của kẻ dám tự khẳng định chính mình đối với những thói quen máy móc của tập thể, đối với sự ích kỷ bè nhóm và đối với tất cả mọi áp lực xã hội là một sự chiến thắng huy hoàng trên một sự nô lệ khủng khiếp, tinh tế và nhiều lúc vô ý thức. Điều quan trọng là luôn giữ cho mình được tự do. Vì sự tự do của chúng ta không bao giờ bị hoàn toàn lệ thuộc vào những sự điều kiện hoá bên ngoài. Trong một vài trường hợp nào đó kiên trì là một điều không phải tầm thường, nhưng chúng ta còn có thể làm hơn nữa. Chúng ta tất cả đều có khả năng để trung thành trong sự khiêm tốn với những gì mà ngày hôm nay, trong sự nghèo nàn của nó còn cho phép chúng ta muốn và làm. Cái ngày hôm nay ấy có thể là có tác dụng tha hoá, nhưng nó cũng có thể giúp chúng ta ngưng tụ hồi quy chính mình vào cái điều cốt yếu dự phòng của cuộc đời nhân bản của chúng ta: trong niềm tin và cậy, chúng ta mở rộng tâm hồn chúng ta hướng về những gì là sự thực của mọi người, mọi vật. Lúc ấy chúng ta sẽ phát hiện ra điều này: Điều quan trọng không phải ta làm gì, mà ta làm như thế nào, và có lẽ chỉ cần biết ở lại sống « cư ngụ bằng an trong hiện tại với một thái độ gần như ‘vô cầu’ », để tìm ra được tất cả những tiềm năng, nguồn mạch của niềm vui thực sự và của sự tự do luôn phát khởi.

Quyết định đời sống chiêm niệm trong một tu viện nào đó, gia nhập vào trong những điều kiện sống nào đó, với những đòi hỏi của một môi trường nào đó, tất cả những yếu tố đó đều có giá trị của nó cả, tuy nhiên những yếu tố ấy cũng hàm chứa cái nguy hại là có thể làm xoá nhoà mất cái bản ngã của mỗi người và biến thành thụ động tuỳ theo môi trường có tác dụng tạo nên những cấu trúc hay làm hư hỏng méo mó. Vì vậy, thật là một điều rất đáng mừng khi thấy ở giữa chúng ta đã tạo nên được một bầu khí tự do, lành mạnh, trung thực nhận lấy trách nhiệm của mỗi bản thân, cho phép mỗi người được trở nên thực sự là chính mình với tất cả sự đơn sơ và chân thực, được sống những giá trị của bản thân đặc sắc đối diện với cách sống của kẻ khác trong sự tôn trọng kính nể lẫn nhau.

Cũng nên ghi nhận rằng những sự trao đổi với nhau giữa chúng tôi có hướng tạo nên những tương quan liên ngã vị, vì chúng trở nên đơn sơ, tự phát, thực sự là « nhân bản » theo cái ý nghĩa tốt của tù ngữ ấy. Nhờ vậy mà bao nhiêu tài năng phong phú đã được phát hiện ra nơi chính các đương sự và cũng đã được lưu thông giữa cộng đoàn nhằm phục vụ lợi ích chung. Sự khôn ngoan của các người đi trước, cùng với tính năng động của kẻ đi sau hoà hợp với nhau trong một sự quân bình theo một sự yêu cầu đòi hỏi sâu xa. Chúng ta có thể nói đến một « bí tích huynh đệ (tỷ muội) » mà qua bí tích ấy sự gặp gỡ Thiên Chúa đã được xét nghiệm một cách nghiêm túc. Thánh Phanxicô Assise vẫn thường nhắc đi nhắc lại rằng: « Đâu có anh em, ở đó có Thiên Chúa ». Đi vào cái thế giới của các mối tương giao, cái thế giới luôn luôn được mở rộng rãi thêm lên hàm chứa một sự xác quyết của đức ái huynh đệ, đức ái ấy đòi hỏi chúng ta phải đối diện với cái thực tại đúng như nó có thật chứ không phải theo như điều ta mơ ước tưởng tượng. Những kẻ khác có thực ở đó, thực là sống động, và với họ là tất cả cái thực tế nó đòi hỏi mời gọi tôi với tất cả những sự phức tạp và bất ngờ. Cái thực tại xâm nhập vào tôi từ mọi phía và qua cánh cửa mở ra hướng về kẻ khác ấy, cái thực tại đó thúc bách tôi phải trở nên trung thực trong một sự trong sáng và một thái độ sẵn sàng luôn luôn mở rộng ra hơn mãi. Không cần phải nói nhiều, nhất là lời nói chỉ là để mà luôn đổ ý nghĩ của ta vào người khác. Nhưng biết lắng nghe, để dành cho kẻ khác hiện hữu đem lại cho họ một niềm vui, do sự đón nhận niềm nở đem lại, do sự hiện diện ưu ái dù là lặng lẽ; như thế mới là mở cánh cửa hướng về kẻ khác, mới là thực sự đi vào mối giao cảm với họ, như thế mới là đi sâu xa hơn vào thực tại, và đi sâu vào cho đến tận cái thực tại to lớn duy nhất tức là đi vào Thiên Chúa vậy.

« Ai muốn sự sống mình sẽ mất sự sống ấy » (Lc 9,24).

Chúng ta được mời gọi đi vào một cuộc mạo hiểm Tình Yêu với Thiên Chúa, một Thiên Chúa hoàn toàn khác, một Thiên Chúa có ngã vị đem lòng yêu mến con người, và lôi cuốn con người đến với Ngài như đến cứu cánh và sự phúc lạc tuyệt đối của chính con người. Cứ để cho cái chân lý đào luyện và hướng dẫn chúng ta, cái chân lý đến từ khắp nơi nhưng chung quy đến từ trái tim Thiên Chúa, đó chính là sự khôn ngoan đích thực. Chúng ta là những kẻ được tạo dựng nên để nhắm đến một động tác duy nhất thực sự là cốt yếu: đó là nhìn nhận ra và đón nhận lấy mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta, nhưng chúng ta cũng thấy tất cả sự khó khăn của việc ấy. Chúng ta sợ sự tuân phục và hiến dâng vô điều kiện mà việc ấy bao hàm chứa đựng chúng ta sợ sự khiêm nhượng và lòng quảng đại triệt để mà việc ấy đòi hỏi. Nhìn nhận Thiên Chúa, tức là dấn thân vào một cuộc phiêu lưu bất ngờ choáng váng đối với kinh nghiệm kiếp người chúng ta.

Chấp nhận rằng Thiên Chúa sẽ là Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta, thực sự là một sự quyết định làm đảo lộn tất cả, một sự quyết định làm thay đổi hẳn ý nghĩa và phương hướng của cả một cuộc đời. Chấp nhận điều ấy là một việc không phải tức thời mà thực hiện ngay được. Đôi khi phải trải qua một cuộc phấn đấu lâu dài… Nhưng như nhà triết học Paul Ricoeur đã nói: « Ai chưa ‘vật lộn’ với Thiên Chúa, thì chưa thực sự tìm Ngài ». Ngài là Chúa, nói thế là đủ rồi. Tức là có ý nói rằng: Ngài không phải là, không thể nào lại là như chúng ta mong đợi Ngài sẽ là theo như ta muốn. Nghĩa là một Thiên Chúa đặt chúng ta vào nơi an toàn, một Thiên Chúa gìn giữ ta khỏi mọi ảo tưởng, một Thiên Chúa mà ta có thể sử dụng tuỳ thích theo những nhu cầu thiết yếu của ta… Một Thiên Chúa như thế chỉ có ở trong giấc mơ, trong ảo tưởng của chúng ta mà thôi! Một Thiên Chúa như vậy quá giống như chúng ta để có thể là thật có được… Phải đưa tất cả bản thân của chúng ta ra mới có thể chấp nhận, nhìn nhận được rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa, là Chủ, là Thầy, và như vậy phải đi đến một sự lệ thuộc hoàn toàn vào một Thiên Chúa vượt quá chúng ta và làm chúng ta ngỡ ngàng vì Ngài sẽ phá vỡ mọi dự trù của chúng ta.

Vì chúng ta mãi quá lo lắng triển nở một bản ngã chỉ có trong lý tưởng, không hiện thực, và đeo đuổi những mục đích ảo tưởng, chúng ta sống mà giả vờ như không hề biết gì về cái cung cách hành động của Chúa cả. Chúng ta chẳng khác gì những kẻ đui mù trong công việc phải đón nhận cái thực thể của chúng ta, cái thực thể mà Thiên Chúa đã định hướng sẵn cho chúng ta từ muôn thuở, cái thực thể được mời gọi đi vào sự sống, sự ý thức của cái giá phải trả của một sự sinh đẻ đau đớn, một sự từ bỏ đối với những sự hình dung tưởng tượng của chúng ta, tuy đẹp đẽ nhưng hư ảo, và chỉ là những mặt nạ mà chúng ta khoác lấy để trình diện cho nhân thế mà thôi. Mọi việc đều xảy ra khác hẳn, không như điều chúng ta đã trù liệu, và chúng ta chìm ngập trong lo sợ vì chúng ta không biết điều gì sẽ xảy đến trong tương lai. Cái việc phải dẹp bỏ những tính toán của chúng ta để đi vào những dự tính của Thiên Chúa, đối với chúng ta, chúng ta tưởng rằng đó là một sự thất bại không phương pháp cứu vãn. Chúng ta thấy bất cứ gì cũng còn hơn là cái nhảy lao đầu vào khoảng không như vậy. Vì quá ánh sáng rõ ràng thì vẫn hơn bóng tối bao phủ mà chúng ta tưởng đâu phải gặp. Sự bảo đảm của những dự tính khôn ngoan của chúng ta thì vẫn hơn là bước đi một cách phi lý trong cái sa mạc xa lạ!

Dân Do Thái xưa, trong cuộc Xuất hành cũng có lập luận y hệt như vậy: « Xin hãy để chúng tôi yên! Chúng tôi thích làm nô lệ dân Ai Cập! Chúng tôi thấy làm nô lệ thì còn hơn là bị tiêu diệt trong sa mạc… Chớ gì chúng tôi được chết trong tay Thiên Chúa trong lúc chúng tôi ngồi trước những nồi đầy thịt và ăn no nê! Chứ bây giờ Ngài đưa chúng tôi vào cái sa mạc này để làm cho chúng tôi chết đói ». Và Thiên Chúa cũng trả lời như xưa, không bao giờ thay đổi từ cái thuở của đoàn dân cứng đầu không chịu nghe lời Ngài: « Nếu ngươi nhận lấy của ăn mà Thiên Chúa dọn cho ngươi ở trong sa mạc ấy, bánh ăn là sự khắc khoải, nước uống là sự gian nguy thì tức khắc Ngài sẽ không ẩn mình nữa và con mắt ngươi sẽ nhận thấy rõ Đấng dạy dỗ ngươi » (Is 30,20).

Thuận theo Thiên Chúa, như là Chúa, là Chủ, là Thầy của tất cả mọi sự tức là cùng với Ngài bước vào một mầu nhiệm và những tiêu chuẩn quen thuôc của chúng ta không còn có giá trị nữa và không còn có một vai trò nào nữa cả. Thánh Kinh đầy dẫy những con người qua cái kinh nghiệm bị « bắt chụp » bởi Thiên Chúa hằng sống. Bị dồn vào bước ngặt nghèo cùng cực tột độ, Gióp đã chất vấn Thiên Chúa với tất cả sự cậy dựa chắc ăn của sự công chính của ông ta: « Ngài đã trở nên tàn nhẫn đối với tôi! Bàn tay cứng cỏi nặng nề của Ngài đè nặng lên tôi! » (G 30,21). Và Thiên Chúa đã không có câu trả lời nào khác là tỏ rõ cho biết Ngài là ai: « Kẻ nào đó mà lại cả dám lộn xộn xen vào tranh luận bàn bạc với Ta bằng những lời lẽ chẳng có nghĩa lý gì cả? Chứ khi Ta tạo dựng nên quả đất thì khi ấy ngươi ở đâu? » (G38,2.4). Bị thua vì những lập luận dứt điểm của Giavê, Gióp đành phải tuyên xưng: « Tôi biết Ngài là Đấng toàn năng… Tôi đã phát ngôn ngu xuẩn bừa bãi vì những sự kỳ diệu vượt quá tôi rất xa, mà tôi không hiểu nỗi. Trước kia tôi chỉ biết Ngài qua những điều nghe kể lại, nhưng bây giờ thì chính mắt tôi đã trông thấy Ngài.» (G 42,2-5). Câu trả lời của Gióp biểu lộ rằng, mặc dầu ông ta đã được một sự nhận thức tường tận mới, mầu nhiệm của Thiên Chúa vẫn hoàn toàn mầu nhiệm, và con người muốn lãnh nhận mầu nhiệm ấy, đòi hỏi phải có đức tin hoàn toàn vô điều kiện và một tình yêu cũng hoàn toàn vô điều kiện. Chính Ngài là Đấng chỉ đường dẫn lối tất cả mọi sự, và không bao giờ Ngài lại hết không còn làm ta ngạc nhiên, ngỡ ngàng.

Tất cả chúng ta đều có ít nhiều CHƯNG HỬNG, ít nhiều hoảng sợ, trước sự xa lạ đầy đe doạ mà sự chuyển biến của đời tu gợi ra cho chúng ta, mà sự chuyển biến của cuộc đời nói chung hiện nay đem lại cho chúng ta. Chúng ta không cố gắng thử đặt lại những câu hỏi có tầm mức căn bản, chúng ta sợ hãi mà tránh né chúng, vì đó là những câu hỏi làm thay đổi tất cả mọi sự, tỉ như câu hỏi mà thánh Phanxicô Assise đã xoay đi xoay lại trong suốt cả những đêm trường: « Lạy Chúa, Chúa là ai? mà con là ai? » Và rồi bao giờ Chúa cũng sẽ trả lời cho những câu hỏi tương tự như vậy, vì những câu hỏi như thế bao hàm rằng người nào đã đặt nó ra, tức là đã nhìn nhận rằng mình không phải là Chủ, là Thầy nữa, Mà thuận tình chịu để bị dẫn đưa đến nơi nào mình không biết, mình không muốn, trong cái ý hướng về tình yêu đối với Thiên Chúa của mình.

Quả vậy, cuộc tình sử của chúng ta đối với Thiên Chúa, phải kinh qua sự chết, sự chết làm cho ta tưởng rằng ta mất mát tất cả. Nếu không như vậy thì cuộc tình sử ấy chỉ là một sự ảo tưởng miên trường, chỉ là một thứ nhân bản nào đó, đơn thuần nhân bản ở bình diện con người trần thế mà thôi. Một thứ nhân bản như vậy, thì dù có khoác bộ áo tu sĩ vào, cũng không có dính dáng gì với mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô. Bất cứ Kitô hữu nào thực sự dấn bước vào cuộc phiêu lưu của Tình Yêu Thiên Chúa và tình yêu mến anh em đồng loại, thì sẽ phải (hay đúng hơn là sẽ được) sống cái sự nghịch lý không sức nào chịu nổi và sự căng thẳng bên trong tâm hồn vốn gắn liền với thân phận (hay đúng hơn với cái vinh dự) của một tạo vật hữu hạn mà lại bị (hay đúng hơn, được) mời gọi hướng về vô hạn!

« Đây mới thực là sự trở lại… phó thác mình, để buông mình bị lôi cuốn vào con đường của Giêsu Kitô » (D.Bonhoeffer).

Đó là con đường bao dung dẫn tôi tới sự Phục sinh, con đường mà ít người thuận tình để cho mình bị lôi cuốn đi theo, con đường mà trên đó Thiên Chúa, về phần Ngài, nhất định Ngài không chút nhân nhượng đối với sự hèn nhát yếu nhược của chúng ta. Tiếng nói của thập giá vốn là một tiếng khó nghe! Tiếng nói ấy kêu gọi ta một cách nghiêm nghị cứng rắn mà ta không nên pha loãng đi! Qua sự chết của Ngài, Đức Kitô đã cho ta thấy phải rứt mình ra khỏi thế gian và khỏi chính bản thân mình như thế nào mới có thể gặp gỡ được Thiên Chúa và hoán cải « hữu-thể-tự-quy » (pour soi) trở thành « hữu-thể-hướng-thiện ». Sự hoán cải ấy không phải thể hiện được nhờ một sự tinh vi (tinh hoa hoá những khả năng của mình) mà phải nhờ một sự thuận tình để cho hư vô hoá, một sự huỷ hoại cái « hữu-thể-tự-quy » của chúng ta.

Muốn làm chứng nhân về chân lý rằng sự thâm nhập đột nhập của Thiên Chúa vào cuộc sống của chúng ta là nguồn mạch một sự giải phóng chứ không phải là một sự tha hoá thì tất nhiên phải bước qua cái ngưỡng cửa ấy, một ngưỡng cửa khủng khiếp nhưng có năng lực giải thoát, cái ngưỡng cửa của sự tự buông mình ra một cách triệt để, của sự tự bước ra khỏi chính mình, của ly tâm khỏi chính cái tâm điểm là mình, của sự nghèo khó triệt để, ở đó bản thân sẽ trở nên một sự sẵn sàng đón nhận cùng biến đổi với Thiên Chúa và đối với anh em.

Bước lên tới điểm này thì đi xa hẳn khỏi sự lo lắng về sự thành công về mặt con người thuần tuý nhân bản, thì rời bỏ thật đã đành, mà ngay cả sự thành công về mặt thiêng liêng cũng vậy! Vấn đề ở đây là vấn đề nên thánh. Và sự nên thánh có thể tạo thành bởi một số rất nhiều thất bại về tất cả mọi bình diện. Nhìn bề ngoài thì có vẻ chẳng có gì là đẹp đẽ, chẳng có gì là thành tựu, nhưng lại sẽ có sự hiện của một Đấng nào đó (một Ai nào đó) bên trong chúng ta, một sự nhịp nhàng điều hoà thầm kín, nhiệm mầu đang thể hiện nhờ quyền lực của Thánh Linh, là Đấng luôn luôn hoạt đông để đổi mới bộ mặt địa cầu.

« Chúng tôi muốn gặp Giêsu » (Ga 12,21).

Ngày hôm nay mọi sự đều mở ra với nhiều triển vọng cho tu sĩ (nam cũng như nữ) hoặc ngược lại tất cả đều xem như bị bế tắc về mặt văn hoá nhân bản cũng như hoạt động xã hội. Đó là điều đáng mừng. Các việc ấy đem ra để phục vụ ngã vị nhân bản cũng như đời sống siêu nhiên, đó là điều rất đáng mong mỏi. Nhưng chúng tôi xác quyết rằng chúng ta không thể chỉ ngừng lại ở điểm ấy, và sở sĩ như vậy là vì chúng tôi nhân danh những đòi hỏi của bản thể sâu xa nhất của chúng ta, những chờ đợi mong mỏi của thế giới ngày nay, và chung quy là nhân danh những đòi hỏi, những mời gọi của Thiên Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đi đến chỗ mở rộng ra hướng về Ngài để đi tới một nhận thức có tính cách quỵết định dứt khoát về bản ngã nhân vị của chúng ta trong Tình Yêu vẹn toàn và vô hạn.

Đức hồng y Suenens gần đây có viết: « Người đồng thời của chúng ta hiện nay muốn gặp mặt một Đức Kitô sống thực. Họ muốn nhìn Ngài tận mắt, sờ mó Ngài tận tay. Và điều khốn khổ cho những Kitô hũu là chúng ta đây, là ở chỗ họ đòi hỏi nhìn Đức Kitô ở nơi chính mỗi một chúng ta, họ muốn rằng chúng ta phải trong suốt để Ngài chiếu xuyên qua như mặt trời qua một bức kính màu. Tất cả những gì mờ tối đen đặc nơi chúng ta sẽ làm sai lệch méo mó khuôn mặt của méo mó khuôn mặt của Đức Kitô. Điều họ trách chúng ta, không phải là chúng ta là Kitô hữu, mà là ở chỗ chúng ta chưa đủ mức, chưa đúng mức là Kitô hữu ».

Thế giới ngày nay, Giáo Hội ngày nay chờ đợi những sự trong suốt để Thiên Chúa chiếu xuyên qua, chớ không phải những con người thượng thặng, những con người muốn thoát thân cho riêng mình với bất cứ giá nào, những con người cố níu kéo lại những cơ chế đang thoát khỏi tầm tay của mình, bám víu vào những chức vụ đã được đồng hoá với chính bản ngã của mình. Không! Họ không chờ đợi những con người như thế, họ chờ đợi những thiên sai, những người chiêm niệm đã nhìn thấy Thiên Chúa và tuyên xưng điều họ thấy, ý thức được mầu nhiệm họ đang sống và họ mặc khải cho anh em đồng loại.

Bí quyết của hạnh phúc và niềm vui Cha Teilhard de Chardin tóm tắt như sau:

« Ngưng tụ lại nơi bản thể,

Tự ly cách với bản thân huớng về tha thể,

Siêu thăng hướng về một Đấng cao trọng hơn bản thân.

Nói cách khác: trước tiên thì hiện hữu,

Sau đến yêu mến và cuối cùng thờ lạy. »

Nguyễn Khắc Dương

 

 


Mục Lục Năm Đức Tin