BỘ GIÁO SĨ

 

 

Nhìn lẠi nhân kỶ niỆm 40 năm

THÔNG ĐIỆP SACERDOTALIS CAELIBATUS

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI *

 

TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐỘC THÂN LINH MỤC

 

 

Nhìn lẠi nhân kỶ niỆm 40 năm

THÔNG ĐIỆP SACERDOCTALIS CAELIBATUS

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI

TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐỘC THÂN LINH MỤC

Sắp kỷ niệm 40 năm ban hành Thông điệp "Sacerdotalis caelibatus" của Đức Thánh Cha Phaolô VI, Bộ Giáo sĩ coi đây là dịp thuận tiện để nhắc lại giáo huấn của Huấn quyền trong văn kiện quan trọng này.

Độc thân linh mục thực sự là một hồng ân quý giá của Chúa Giêsu dành cho Hội thánh Ngài, một ân ban cần phải luôn suy niệm và tăng cường mãi, đặc biệt trong thế giới ngày nay, đang bị tục hóa sâu xa.

Quả thật, nhũng nhà nghiên cứu đều xác định rằng, nguồn gốc độc thân linh mục sẽ dẫn chúng ta trở lại thời các tông đồ. Ignace de la Potterie đã viết : "Các nhà nghiên cứu đều đồng ý nói lên, nghĩa vụ sống độc thân hay ít là tiết dục đã trở thành luật của Giáo hội từ thế kỷ thứ IV [...]. nhưng điều quan trọng cần ghi nhận là, các nhà làm luật thế kỷ thứ IV và thứ V đều quả quyết, quy định này của Giáo hội đã dựa vào truyền thống các tông đồ. Chẳng hạn, Công đồng Carthage (năm 390) đã nói : "Những người phục vụ mầu nhiệm thánh phải hoàn toàn tiết dục (continentes esse in omnibus) để điều các tông đồ truyền dạy và thời xưa đã tuân giữ, chúng ta cũng phải tuân hành"[1]. Cũng trong chiều hướng đó, A. M. Stickler đã nại đến chứng cứ Kinh thánh nhằm chủ trương tình trạng độc thân là ơn linh hứng từ thời các tông đồ"[2].

Diễn tiến lịch sử

Huấn quyền Hội thánh đã không ngừng lặp lại những quy định về tình trạng độc thân trong Giáo hội. Công đồng Elvira (300-303?) đã quy định ở khoản 27 : "Một Giám mục, cũng như mọi giáo sĩ khác, chỉ được nhận một người chị em hay một trinh nữ đã thánh hiến phụ giúp bên cạnh mình. Quy định là : tuyệt đối không được giữ bên cạnh mình một người nữ lạ mặt nào" ; và ở khoản 33 : "Quy định chung về luật cấm sau đây cho các giám mục, linh mục, phó tế, cũng như cho tất cả các giáo sĩ đang thi hành thừa tác vụ : họ không được ăn ở với vợ mình và không được sinh con, ai lỗi phạm sẽ phải rời bỏ nếp sống giáo sĩ"[3].

Đức Giáo hoàng Sirice (384-399), trong thư gửi Giám mục Imerius de Tarragone, đề ngày 10.02.385, cũng quả quyết : "Chúa Giêsu [...] muốn rằng, dung mạo của Hội thánh mà Ngài là Hôn phu, phải toát ra vẻ ngời sáng của đức trong sạch [...] tất cả linh mục chúng ta phải liên kết với luật bền vững của những quy định này [...] để ngay từ ngày chịu chức, chúng ta luôn giữ tâm hồn và thân xác chúng ta trong tiết độ và liêm khiết, hầu làm đẹp lòng Chúa, Thiên Chúa chúng ta, qua những hi sinh mà hằng ngày chúng ta tiến dâng"[4].

Trong Công đồng chung Latran thứ nhất năm 1123, ở khoản 3, chúng ta đọc được : "Chúng tôi tuyệt đối cấm các linh mục, phó tế, phụ phó tế chung sống với người nữ ngoài hôn nhân hay với vợ mình và chung sống với phụ nữ khác không phải là những người nữ mà Công đồng Nicée (325) đã cho phép"[5]. Cũng vậy, trong khóa 24 của Công đồng Trente, ở khoản 9, cũng nhắc lại : đối với các giáo sĩ có chức thánh hay các tu sĩ đã tuyên khấn trọng thể giữ đức trong sạch, tuyệt đối không được kết hôn. Và với quy định đó, việc vô hiệu hôn nhân lại liên kết với bổn phận phải cầu xin Chúa ban ơn trong sạch trong một ý ngay lành.[6]

Vào thời điểm mới hơn, Công đồng chung Vatican II đã lặp lại trong sắc lệnh "Presbyterorum ordinis"[7] mối liên kết chặt chẽ giữa độc thân và Nước Thiên Chúa, một khởi đầu sự sống mới, mà thừa tác viên Hội thánh được thánh hiến để phục vụ. 

Với Thông điệp ngày 24.6.1967, Đức Phaolô VI đã giữ lời hứa với các Nghị phụ công đồng hai năm trước. Ngài xem xét các ý kiến bác bẻ được nêu lên liên quan đến kỷ luật độc thân và nhấn mạnh trên nền tảng Kitô học, cũng như tham chiếu lịch sử và những gì mà tài liệu những thế kỷ đầu tiên đã dạy chúng ta về nguồn gốc sự độc thân - tiết dục, nhằm củng cố trọn vẹn giá trị của độc thân.

Thượng Hội đồng Giám mục năm 1971, trong tài liệu chuẩn bị Ministerium presbyterorum (15.02) cũng như trong tài liệu kết thúc Ultimis temporibus (30.11), cũng quả quyết sự cần thiết phải bảo toàn sự độc thân trong Giáo hội La tinh, và giải thích nền tảng, sự đồng nhất lý do và điều kiện để cổ võ sự độc thân.[8]

Bộ Giáo luật mới của Giáo hội La tinh năm 1983 đã lặp lại truyền thống cố hữu : "Các giáo sĩ buộc phải giữ tiết dục trọn vẹn và vĩnh viễn vì Nước Trời và do đó buộc phải sống độc thân, là ân ban đặc biệt của Thiên Chúa, do đó thừa tác viên thánh chức có thể kết hợp dễ dàng hơn với Chúa Kitô với một con tim không chia sẻ và tự do hơn để miệt mài phục vụ Thiên Chúa và mọi người"[9].

Thượng Hội đồng Giám mục năm 1990 cũng diễn ra trong đường hướng đó, và tiếp theo tông huấn Pastores dabo vobis của Vị tôi trung Thiên Chúa, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, đã được ban hành, trong đó Đức Thánh Cha đã trình bày độc thân như một đòi hỏi triệt để của Tin Mừng, nhằm cổ võ cách đặc biệt một kiểu sống hôn nhân và nêu lên sự đồng hình đồng dạng của người linh mục với Chúa Kitô, nhờ bí tích Truyền chức.[10]

Cuốn Giáo lý Hội thánh Công giáo, ấn hành năm 1992 và thu nhập những hoa trái đầu tiên của biến cố lớn Công đồng chung Vatican II, cũng lặp lại cùng một giáo thuyết : "Trong Giáo hội La-tinh, trừ các phó tế vĩnh viễn, mọi thừa tác viên có thánh chức thường được tuyển chọn từ những người nam sống độc thân và có ý giữ độc thân vì Nước Trời"[11].

Trong Thượng hội đồng Giám mục về Thánh Thể gần đây nhất, theo ấn bản tạm thời, chưa chính thức những đề nghị chung cuộc, đã được Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI chuẩn nhận, thì trong đề nghị số 11, về vấn đề thiếu giáo sĩ trong một số miền trên thế giới và vấn đề Dân Chúa "đói Thánh Thể", ta cũng nhận thấy "tầm quan trọng của hồng ân độc thân vô giá của Hội thánh trong thực hành thuộc Giáo hội La-tinh". Tham chiếu Huấn quyền, đặc biệt Công đồng chung Vatican II và các Vị Giáo hoàng gần đây, các nghị phụ đã yêu cầu làm sáng tỏ cách thích đáng những lý do trong mối tương quan giữa độc thân và việc truyền chức linh mục, và hoàn toàn tôn trọng truyền thống Giáo hội Đông phương. Một số nghị phụ cũng đề cập đến vấn đề "những người nam chịu thử thách", nhưng giả thuyết đó được coi như con đường không thể vượt qua.

Mới đây, ngày 16 tháng 11 vừa qua, Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI đã chủ tọa tại điện Vatican một buổi họp thường xuyên các vị đứng đầu các bộ thuộc giáo triều Rôma. Trong dịp này, hội nghị đã tái khẳng định giá trị việc chọn lựa nếp sống độc thân linh mục, phù hợp với truyền thống công giáo liên tục, và lặp lại đòi hỏi phải huấn luyện vững chắc về nhân bản và nếp sống Kitô đối với các chủng sinh cũng như đối với các linh mục đã chịu chức.

Những lý do của độc thân thánh chức

Trong Thông điệp Sacerdotalis caelibatus, trước hết Đức Phaolô VI đã trình bày hoàn cảnh, trong đó vấn đề độc thân linh mục được đặt ra cho thời đại hôm nay, xét về phương diện thừa nhận, cũng như những phản bác về vấn đề này. Những lời nói của ngài mang tính quyết đoán và nay vẫn còn hiện thực : "Độc thân thánh chức mà Giáo hội giữ từ nhiều thế kỷ như một thứ châu báu ngời sáng, vẫn bảo toàn trọn vẹn giá trị của mình đối với thời đại chúng ta, đang ghi đậm những biến đổi sâu xa về não trạng và cơ cấu"[12]. Đức Phaolô VI đã bày tỏ, chính ngài đã suy nghĩ lâu giờ, khi tự hỏi mình về đề tài này, để có thể trả lời những phản bác, và ngài kết luận : "Vì vậy, chúng tôi cho rằng luật độc thân hiện hành, vẫn còn giá trị đối với thời đại chúng ta và luôn bền vững, cần phải liên kết với thừa tác vụ Giáo hội. Luật đó phải nâng đỡ thừa tác viên Hội thánh trong việc chọn lựa độc hữu, dứt khoát và trọn vẹn trước tình yêu duy nhất và tối cao đối với Chúa Kitô, trước sự tận tâm phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Giáo hội. Luật đó cũng phải xác định tình trạng sống độc thân trong cộng đoàn các tín hữu cũng như trong xã hội phàm thế"[13].

Đức Giáo hoàng viết thêm : "Đúng vậy, như Công đồng chung Vatican II đã tuyên bố, bản chất chức linh mục, cũng như việc thực hành trong Giáo hội sơ khởi và truyền thống các Giáo hội Đông phương minh chứng (Presb. Ord. 16), sự trinh khiết không phải là sự bó buộc, nhưng chính Công đồng đã không ngần ngại long trọng quả quyết luật cổ kính, thánh thiện và do Chúa quan phòng về việc độc thân linh mục, như đang có hiện nay, luôn trình bày những lý do biện minh cho độc thân trước những ai biết nhận ra những ân sủng của Chúa trong tinh thần đức tin và với lòng quảng đại nồng nhiệt bên trong"[14].

Đúng vậy, độc thân là một ân huệ Chúa Kitô trao ban cho những ai được gọi tiến tới chức linh mục. Ân huệ này cần được đón nhận với tình yêu, niềm vui và thái độ biết ơn. Như thế, ân huệ này sẽ là nguồn mang lại hạnh phúc và sự thánh thiện.

Đức Phaolô VI trình bày ba lý do của độc thân thánh chức, đó là : ý nghĩa Kitô-học, ý nghĩa giáo-hội-học, ý nghĩa cánh-chung-học.

Chúng ta bắt đầu với ý nghĩa Kitô-học. Chúa Kitô là điều mới lạ. Ngài thực hiện một cuộc tạo dựng mới. Chức linh mục của Ngài là mới mẻ. Ngài canh tân mọi sự. Chúa Giêsu, Con Một Chúa Cha, được sai đến trần gian, "đã làm người, để nhân loại, không tránh khỏi tội lỗi và sự chết, được ơn tái sinh và nhờ sự sinh lại, sẽ bước vào Nước Trời. Hiến mình trọn vẹn cho ý Cha Ngài, Chúa Giêsu đã nhờ công cuộc vượt qua của mình để hoàn thành công cuộc tạo dựng mới này, khi đưa vào thời gian và thế giới một hình thức sống mới mẻ, tinh tế, và thiêng thánh, nhằm biến đổi thân phận trần gian của con người"[15].

Hôn nhân tự nhiên, được Thiên Chúa chúc phúc ngay từ lúc tạo dựng, nhưng đã bị tội lỗi làm thương tổn, đã được canh tân nhờ Chúa Kitô, Đấng "đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích cao cả và trở thành dấu chỉ huyền nhiệm cho sự kết hợp của Ngài với Hội thánh" [...]. Nhưng Chúa Kitô, Đấng trung gian cho một Giao ước cao cả hơn (x. Dt 8,6), đã mở ra một con đường khác, nhờ đó con người thụ tạo, khi liên kết hoàn toàn và trực tiếp với Chúa, chỉ còn lo lắng cho Chúa và những gì liên hệ đến Ngài, sẽ biểu lộ cách rõ ràng và trọn vẹn hơn thực tại được đổi mới sâu xa của Giao ước mới"[16].

Sự mới mẻ này, con đường mới này là đời sống trong tình trạng trinh khiết mà chính Chúa Giêsu đã sống, cách hòa hợp với bản tính trung gian của Ngài giữa trời và đất, giữa Chúa Cha và nhân loại. "Để sống hòa hợp trọn vẹn với sứ vụ này, Chúa Kitô đã luôn sống trong tình trạng trinh khiết suốt cuộc đời mình, nghĩa là Ngài tận hiến trọn vẹn để phục vụ Thiên Chúa và con người"[17]. Phục vụ Thiên Chúa và con người, có nghĩa là yêu thượng trọn vẹn và quảng đại, ghi dấu sự sống của Chúa Giêsu trong chúng ta. Đó là sự trinh khiết vì tình yêu Nước Thiên Chúa !

Hiện nay, Chúa Kitô vẫn kêu gọi các linh mục Ngài trở thành thừa tác viên ơn cứu độ, nghĩa là thừa tác viên của công cuộc tạo dựng mới. Ngài mời gọi họ hiện hữu và sống trong sự sống mới, kết hợp và trở nên giống Ngài trong một hình thức hoàn hảo nhất có thể. Hồng ân độc thân thánh chức phát sinh từ đó, như sự đồng hình đồng dạng trọn vẹn hơn với Chúa Giêsu và như lời loan báo trước về cuộc tạo dựng mới. Ngài gọi các tông đồ là "bạn hữu". Ngài mời gọi họ theo sát Ngài, trong mọi sự, cho đến chấp nhận Thập giá. Và Thập giá sẽ dẫn họ đến phục sinh, đến công cuộc tạo dựng mới hoàn tất. Vì thế, chúng ta biết rằng, theo Ngài với sự trung thành trong tình trạng trinh khiết, luôn bao hàm một hy sinh, sẽ dẫn chúng ta tới hạnh phúc. Thiên Chúa không mời gọi ai đến bất hạnh, nhưng tới hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc luôn đi song đôi với việc trung thành. Đó là điều mà Đức Gioan-Phaolô II đáng kính nhớ của chúng ta, đã nói với các đôi bạn tụ họp chung quanh Ngài trong cuộc họp mặt thế giới các gia đình lần thứ hai, tại Rio de Janeiro.

Như thế, lại cần gợi lên đề tài về ý nghĩa cánh-chung-học của độc thân, xét như dấu chỉ và lời báo trước về cuộc tạo dựng mới, nghĩa là về Nước Thiên Chúa chung cuộc trong biến cố Quang Lâm, khi mà tất cả chúng ta sẽ sống lại từ cõi chết.

Như Công đồng Vatican II đã dạy chúng ta : "Giáo hội là mầm mống và khai nguyên Nước Thiên Chúa trên trần gian"[18]. Trong ngày sau hết, sự trinh khiết đã được sống vì tình yêu Nước Thiên Chúa, sẽ là một dấu chỉ đặc biệt, bởi lẽ Chúa đã loan báo : "khi sống lại [...] người ta không còn lấy vợ, lấy chồng, nhưng sẽ sống như các thiên thần Chúa trên trời"[19].

Trong một thế giới như thế giới chúng ta hôm nay, thế giới của phô diễn và thú vui dễ dãi, bị quyến rũ bởi nhiều sự việc trần thế, đặc biệt bởi tiến bộ khoa học và kỹ thuật - chúng ta hãy gợi lại các khoa sinh vật học và các công nghệ sinh vật học - thì việc loan báo một cõi khác, nghĩa là một thế giới sẽ đến, một cuộc Quang lâm, như sự hoàn tất trọn vẹn một tạo dựng mới, luôn mang tính quyết định và đồng thời sẽ giải thoát mọi hàm hồ nan giải, những náo động, khổ đau và mâu thuẫn, giúp đạt được những thiện hảo đích thực, những kiến thức mới mẻ và sâu sắc mà tiến bộ của con người hiện đại đang mang đến.

Sau hết, ý nghĩa giáo-hội-học của độc thân sẽ dẫn chúng ta cách trực tiếp hợn đến hoạt động mục vụ của linh mục.

Thông điệp quả quyết : "Quả thực, sự trinh khiết thánh hiến của các thừa tác viên có thánh chức biểu lộ tình yêu trinh khiết của chính Chúa Kitô với Hội thánh và sự sinh sản trinh khiết và siêu nhiên của việc kết hợp này"[20]. Sống giống Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, linh mục sẽ kết hôn cách mầu nhiệm với Hội thánh, yêu mến Hội thánh với một tình yêu độc hữu. Như thế, hiến mình trọn vẹn cho những công cuộc của Chúa Kitô và của Thân Thể mầu nhiệm Ngài, linh mục sẽ hưởng được một thứ tự do thiêng liêng rộng lớn để yêu mến phục vụ cách trọn vẹn mọi người, không phân biệt ai.

"Như thế, đối với người linh mục : hằng ngày khi chết cho mình, khi vì tình yêu Chúa và triều đại Ngài mà từ chối tình yêu hợp pháp của một gia đình dành riêng cho mình, họ sẽ nhận được vinh quang của một sự sống tròn đầy và phong phú trong Chúa Kitô, bởi lẽ, như Ngài và trong Ngài, linh mục sẽ yêu mến mọi con cái Thiên Chúa và hiến thân cho họ"[21]

Thông điệp còn đề cập thêm, "độc thân sẽ tăng cường khả năng của linh mục để lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện, cũng như giúp linh mục biết đặt trên bàn thờ toàn diện đời sống mình, mang đậm những dấu chỉ của hy sinh"[22].

Giá trị của đời sống trong sạch và độc thân

Trước khi trở thành một quy định Giáo luật, độc thân là một hồng ân của Thiên Chúa dành cho Giáo hội Ngài, đó là vấn đề liên hệ đến việc hiến mình trọn vẹn cho Chúa. Ngay trong sự phân biệt giữa kỷ luật độc thân của người đời với đời sống tu trì của thánh hiến và tuyên khấn, chắc chắn sẽ không có một giải thích và biện minh nào khác về nếp sống độc thân trong Giáo hội, ngoài việc tận hiến hoàn toàn cho Chúa, trong một quan hệ mà xét theo quan điểm yêu thương có thể nói được là độc chiếm ; điều đó giả định trước một tương quan sâu xa của cá nhân cũng như cộng đoàn với Chúa Kitô, Đấng biến đổi tâm hồn các môn đệ Ngài.

Việc chọn lựa độc thân của Giáo hội công giáo theo nghi lễ La-tinh đã phát triển từ thời các tông đồ, chính xác là trong đường hướng tương quan giữa linh mục với Chúa của mình, và dùng câu "Con có yêu Thầy hơn những người này không?"[23] mà Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với Phêrô như biểu tượng quan trọng.

Các lý do Kitô học, giáo hội học và cánh chung học của độc thân, đều ăn sâu trong mối hiệp thông đặc biệt với Chúa Kitô mà người linh mục được mời gọi thể hiện, do đó có thể được diễn tả bằng nhiều cách theo như khẳng định đầy thẩm quyền của Thông điệp Sacerdotalis caelibatus.

Trước hết, độc thân là "dấu chỉ và yếu tố khích lệ đức ái mục vụ"[24]. Đức ái này tiêu biểu cho chuẩn mực tối cao để xem xét đời sống kitô hữu dưới mọi khía cạnh : độc thân là con đường của tình yêu, cho dù chính Chúa Giêsu, như Tin mừng theo thánh Matthêu tường thuật, đã quả quyết rằng mọi người không thể hiểu thực tại đó : "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu"[25].

Một đức ái như thế sẽ diễn biến trong hai khía cạnh cố hữu của tình yêu đối với Thiên Chúa và với mọi anh em. "Khi giữ khiết tịnh hay độc thân vì Nước Trời, các linh mục tận hiến mình cho Chúa Kitô một cách mới mẻ và đặc biệt. Họ sẽ gắn kết với Ngài cách dễ dàng hơn, với một con tim không chia sẻ"[26]. Thánh Phaolô, trong đoạn văn mà ta nêu lên ở đây, đã trình bày độc thân và trinh khiết như "những phương thế làm đẹp lòng Chúa" không chia sẻ [27] : nói cách khác, đó là "con đường tình yêu", chắc chắn giả định trước một ơn gọi đặc biệt, và theo ý hướng ấy, đó cũng là một đặc sủng, tự nó rất tuyệt hảo với người kitô hữu cũng như với linh mục.

Tình yêu triệt để đối với Thiên Chúa, nhờ đức ái mục vụ, sẽ trở nên tình yêu đối với anh em. Trong Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, chúng ta đọc được, các linh mục "trong Chúa Kitô và nhờ Ngài, sẽ tự do hơn để hiến mình phục vụ Thiên Chúa và mọi người, sẽ sẵn sàng hơn trong việc phục vụ Nước Chúa và công cuộc tái sinh siêu nhiên, sẽ có khả năng hơn để lãnh nhận rộng rãi tư cách làm cha trong Chúa Kitô"[28]. Kinh nghiệm chung đều quả quyết, mở rộng tâm hồn tới anh em mình cách trọn vẹn và quảng đại sẽ đơn giản hơn đối với những người không bị những mối dây quyến luyến khác ràng buộc, cho dù những liên hệ đó là hợp pháp và thánh thiện, ngoài mối dây liên kết với Chúa Kitô.

Độc thân là mẫu gương chính Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta. Ngài đã muốn sống độc thân. Thông điệp còn giải thích thêm : "Suốt đời mình, Chúa Kitô luôn sống trong tình trạng trinh khiết, nghĩa là Ngài hiến mình trọn vẹn để phục vụ Thiên Chúa và mọi người. Mối dây liên kết sâu xa này, trong Chúa Kitô, đã liên kết trinh khiết với chức linh mục, sẽ phản ánh nơi những người được diễm phúc tham dự vào sứ vụ cao quý của Đấng Trung gian và Linh mục đời đời ; và sự tham dự này sẽ càng hoàn hảo, khi thừa tác viên có chức thánh thoát khỏi mọi liên hệ huyết nhục”[29].

Đời sống lịch sử của Chúa Giêsu Kitô là dấu chỉ rõ ràng nhất : Đức trong sạch được tự nguyện đón nhận vì Chúa, là một ơn gọi được xây dựng vững chắc trên bình diện Kitô học cũng như bình diện lý lẽ của con người.

Nếu đời sống Kitô hữu nói chung không thể khẳng định mình là gì cách thích đáng, nếu loại trừ chiều kích thập giá, thì đời sống linh mục có thể càng không hiểu được nếu thiếu ánh sáng soi chiếu của Đấng chịu đóng đanh. Đau khổ, đôi khi những khó khăn, và ngay cả thất bại, đều có vị trí của chúng trong đời sống linh mục, cho dù xét cho cùng, nó không bị quyết định bởi những yếu tố đó. Khi chọn lựa theo Chúa kitô, ngay từ giây phút đầu tiên, ta đã dấn thân cùng đi với Ngài lên đồi Can-vê, vì ý thức rằng chấp nhận thập giá của riêng mình là yếu tố xác định tính triệt để của việc theo Chúa.

Sau hết, khi ta đề cập độc thân là một dấu chỉ cánh chung. Trong Hội thánh, Nước tương lai đã hiện diện ngay từ bây giờ : Giáo hội không chỉ loan báo Nước đó, nhưng còn thể hiện nó cách bí tích, khi góp phần vào "cuộc tạo dựng mới", cho đến ngày vinh quang của mình được biểu lộ cách trọn vẹn.

Trong khi bí tích hôn phối làm cho Giáo hội ăn rễ sâu vào hiện tại, thì trinh khiết lại trực tiếp hướng đến tương lai, đến sự hoàn hảo trọn vẹn của việc tạo dựng, là công cuộc chỉ được thực hiện hoàn toàn trong ngày tận thế.

Những phương thế giúp trung thành sống độc thân

Sự khôn ngoan của Hội thánh, chuyên gia về con người, với 2000 năm dày dạn kinh nghiệm, đã xác định theo dòng thời gian một số yếu tố căn bản và cần thiết, để cổ võ con cái mình trung thành với đặc sủng siêu nhiên độc thân.

Giữa những yếu tố đó và trong Huấn quyền mới đây, dậy lên tầm quan trọng của việc huấn luyện thiêng liêng linh mục, là người được mời gọi trở thành "chứng nhân cho Đấng tuyệt đối". Tông huấn Pastores dabo vobis quả quyết : "Được đào tạo để làm linh mục, có nghĩa là luyện tập để có thể tự mình trả lời câu hỏi cơ bản của Chúa Kitô : "Con có yêu mến Thầy không?". Đối với người linh mục tương lai, câu trả lời chỉ có thể là tận hiến trọn vẹn đời sống mình".[30] Trong chiều hướng đó, những năm huấn luyện là tuyệt đối căn bản, những năm còn xa, sống trong gia đình, cũng như những năm sẽ tới, những năm sống tại chủng viện, là trường dạy tình yêu đích thực ; trong đó, như cộng đoàn tông đồ, các chủng sinh trẻ tập họp quanh Chúa Giêsu, chờ đợi ân ban của Thần Khí Ngài cho sứ vụ của mình. "Quan hệ của linh mục với Chúa Giêsu Kitô, và trong Ngài, với Hội thánh, được ghi khắc trong chính con người linh mục, nhờ việc thánh hiến hay xức dầu bí tích, và trong hành động của linh mục, nghĩa là trong sứ vụ hay trong thừa tác vụ".[31] Chức linh mục không là gì khác hơn là một "đời sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô",[32] trong một tương quan hiệp thông thân mật, đươc diễn tả "với một sắc thái tình bạn".[33] Thực sự, đời sống linh mục là một dạng sống không thể tưởng tượng nổi nếu không có Chúa Kitô. Chính sức mạnh chứng tá của linh mục cũng căn dựa vào mối tương quan đó : trinh khiết vì Nước Thiên Chúa là một dữ kiện có thực, nó hiện hữu bởi lẽ Chúa Kitô hiện hữu và làm cho trinh khiết trở thành hiện thực. 

Tình yêu đối với Chúa chỉ đích thực khi nó hướng đến tình trạng trọn vẹn : yêu Chúa Kitô có nghĩa là hiểu sâu sắc về Ngài, là theo sát con người Ngài, là chia sẻ và đong hóa với tư tưởng Ngài, và sau hết, là quảng đại đón nhận những đòi hỏi triệt để của Tin mừng. Ta chỉ có thể làm chứng cho Thiên Chúa, nếu ta có cảm nghiệm sâu xa với Chúa Kitô : toàn diện đời sống linh mục tùy thuộc vào mối tương quan với Chúa, đó là tính chất đời sống martyria, đời sống làm chứng của ngài. 

Nhân chứng của Đấng Tuyệt Đối, chỉ có thể là người đã thực sự có Chúa Giêsu như Bạn và Chúa, là người vui hưởng mối hiệp thông với Ngài. Chúa Kitô không chỉ là đối tượng của suy tư, của những đề tài thần học hay ký ức lịch sử. Ngài là Chúa đang hiện diện. Ngài hằng sống bởi lẽ đã sống lại và chúng ta chỉ có thể sống động với điều kiện là mỗi ngày chúng ta càng tham dự sâu xa hơn vào sự sống của Ngài. Toàn thể đời sống linh mục đều dựa vào đức tin hiển nhiên đó. Vì thế, Thông điệp quả quyết : "Trước hết, linh mục phải nỗ lực phát triển sự thân tình của mình với Chúa Kitô bằng tất cả tình yêu mà ân sủng đã thông ban và cố gắng khám phá ra trong đó mầu nhiệm vô biên và giàu ân phúc. Ngài phải đạt đến một hiểu biết mỗi ngày càng thêm thâm sâu về mầu nhiệm Hội thánh, ngoài mầu nhiệm đó bậc sống của ngài có nguy cơ xem ra phi lý và bấp bênh".[34]

Ngoài việc huấn luyện và tình yêu Chúa Kitô, yếu tố cốt thiết để bảo toàn độc thân là lòng say mê vì Nước Thiên Chúa, nghĩa là khả năng làm việc nhiệt thành, không quản ngại nỗ lực để cho Chúa Kitô được mọi người hiểu biết, yêu mến và bước theo. Như người nông dân, khi gặp được viên ngọc quý, đã bán tất cả để mua cho được thửa ruộng, cũng vậy, người đã gặp được Chúa Kitô và hiến trọn đời mình cùng với Ngài và cho Ngài, sẽ không thể sống mà không hoạt động để người khác có thể gặp được Ngài. Không có viễn cảnh sáng sủa đó, mọi "bộc phát truyền giáo" đều thất bại, các phương pháp học biến thành kỹ thuật bảo toàn một hệ thống và chính kinh nguyện cũng có thể trở nên những kỹ thuật suy niệm và tiếp cận với thiêng thánh, trong đó cả cái "tôi" nhân loại và danh xưng "Ngài" Thiên Chúa đều tan loãng.

Một việc làm căn bản và cần thiết của linh mục, được coi như yêu cầu và bổn phận, đó là cầu nguyện. Quả thực, cầu nguyện không thể thay thế trong đời sống Kitô hữu, và do đó, trong đời sống linh mục. Cần phải dành cho cầu nguyện một quan tâm đặc biệt : cử hành Thánh Thể, kinh Thần vụ, xưng tội thường xuyên, sống tương quan yêu thương với Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, những buổi linh thao, đọc kinh Mân côi hằng ngày, đó là một số những dấu chỉ thiêng liêng của một tình yêu, mà nếu thiếu vắng, đương nhiên có nguy cơ sẽ bị thay thế bằng những thế vật, thường là xấu ác như hình ảnh lố lăng, tham vọng, tiền bạc, dục tính. Linh mục là người của Thiên Chúa, vì ngài được Thiên Chúa mời gọi trở thành một người như thế và sống căn tính con người đó trong sự lệ thuộc trọn vẹn vào Chúa mình, Đấng cũng tự tỏ bày trong việc chọn lựa độc thân. Đó là một người của Thiên Chúa, vì linh mục sống nhờ Ngài, nói về Ngài, cùng với Ngài phân biệt và quyết định trong thái độ vâng phục đầy tình con thảo, những gian đoạn đời sống kitô hữu của mình. Như Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhấn mạnh trong lời chúc mừng Giáng Sinh trước Giáo triều Rôma ngày 22/12 vừa qua, linh mục càng triệt để là người của Thiên Chúa, thì chứng tá của ngài càng hữu hiệu và phong phú và thừa tác vụ của ngài ngày càng giàu hoa trái hoán cải. Không có mâu thuẫn giữa thái độ trung thành với Thiên Chúa và lòng trung thành đối với con người, nhưng ngược lại, thái độ trung thành với Chúa là điều kiện giúp ta trung thành với con người.

Kết luận : Một ơn gọi thánh thiện

Tông huấn Pastores dabo vobis, khi nói về ơn gọi linh mục sống thánh thiện, sau khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối tương quan cá nhân với Chúa Kitô, đã diễn tả một đòi hỏi khác : linh mục, được mời gọi thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng, thấy mình được phó thác cho Tin mừng để biến Tin mừng thành ân huệ cho mọi người. Tuy nhiên, trước hết linh mục cũng được mời gọi đón nhận Tin mừng như ân huệ được hiến tặng cho đời sống mình, cho con người mình, và như biến cố cứu độ giúp mình bước vào đời sống thánh thiện.

Trong hướng nhìn đó, Đức Gioan-Phaolô II đã nói về tính triệt để Tin mừng là phải trở thành nét đặc trưng của sự thánh thiện linh mục. Do đó, trong những lời Khuyên Phúc âm, theo truyền thống đã được Giáo hội đề nghị và được sống trong những bậc sống đời thánh hiến khác nhau, có thể vạch ra những bước đường thực thi triệt để Tin mừng cách sống động, mà người linh mục cũng được mời gọi trung thành tuân giữ theo cách của mình.

Tông huấn quả quyết : "Những lời khuyên Phúc âm khác nhau mà Chúa Giêsu đã đề nghị trong Bài giảng trên núi là cách diễn tả đặc biệt tính triệt để Tin mừng. Trong những lời khuyên được phối kết mật thiết với nhau, có đức vâng phục, trong sạchnghèo khó. Linh mục được mời gọi sống các lời khuyên ấy theo thể thức, và hơn nữa, theo mục đích và ý nghĩa nguyên thủy, như chúng phát xuất từ căn tính linh mục và biểu lộ căn tính ấy".[35]

Còn nữa, khi nhắc lại chiều kích bản thể mà tính triệt để của Tin mừng căn dựa vào đó, Tông huấn đã viết : "Khi thánh hiến linh mục và làm cho linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô, là Đầu và Mục tử, Chúa Thánh Thần tạo lập mối dây liên kết ngay trong con người linh mục. Mối dây liên kết ấy phải được đảm nhận và sống một cách cá biệt, nghĩa là với ý thức và tự do, nhờ một đời sống hiệp thông và yêu thương ngày càng phong phú hơn, và nhờ sự chia sẻ những tâm tình và thái độ của Chúa Giêsu Kitô ngày càng lớn mạnh và triệt để hơn. Nền tảng và sức mạnh cần thiết cho "đời sống trong Thần Khí" và cho "tính triệt để của Tin mừng" mà linh mục được mời gọi hướng tới và thường huấn về phương diện thiêng liêng thường cổ võ, tất cả đều hiện diện trong mối dây liên kết với Chúa Giêsu và linh mục, một liên kết mang tính bản thể và tâm lý, bí tích và đạo đức".[36]

Đặc tính hôn lễ của độc thân trong Giáo hội, rõ ràng do mối tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo hội mà linh mục được mời gọi giải thích và sống, có thể mở rộng tinh thần của đặc tính đó, bằng cách chiếu tỏa đời sống mình và đốt nóng tâm hồn mình. Độc thân phải là một sung sướng hiến dâng, một nhu cầu sống với Chúa Kitô, để Ngài lại tuôn đổ trên linh mục lòng nhân hậu và tình yêu Ngài cách tràn đầy và hoàn hảo, khó có thể diễn tả thành lời. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã có những lời khai sáng : "Nền tảng đích thực của độc thân chỉ có thể hàm chứa trong câu : "Dominus pars" (mea) – Chúa là phần sản nghiệp con. Độc thân chỉ có thể tập trung vào Thiên Chúa. Nó không có nghĩa là thiếu tình yêu, nhưng có nghĩa là để cho niềm đam mê vì Thiên Chúa ngự trị, và sau hết, nhờ một hiện diện thân mật hơn bên cạnh Ngài, học phục vụ mọi người. Độc thân phải là một chứng tá đức tin : đức tin vào Thiên Chúa trở nên cụ thể trong dạng thức sống này, luôn có một ý nghĩa là chỉ thuộc về Thiên Chúa. Đặt đời sống mình vào Ngài, trong khi khước từ hôn nhân và gia đình có nghĩa là tôi đón nhận và tôi cảm nghiệm Thiên Chúa như một thực tại và vì thế tôi có thể mang Ngài đến cho mọi người".[37]

 

 

 

 



* Độc thân linh mục thực sự là một hồng ân quý giá của Chúa Giêsu dành cho Hội thánh Ngài, một ân ban cần phải luôn suy niệm và tăng cường mãi, đặc biệt trong thế giới ngày nay, đang bị tục hóa sâu xa. (Lm. Giuse Phạm Quang Tòng chuyển dịch văn kiện ngày 24/02/2007)

[1] x. I. de la Potterie, Nền tảng Kinh thánh của độc thân linh mục, trong Solo per amore. Suy tư về độc thân linh mục, Cinisello Balsamo, 1993, các trang 14-15.

[2] x. A. M. Stickler, trong Ch. Cochini, Nguồn gốc tông đồ của độc thân linh mục, Nhập đề số 6.

[3] x. H. Denzinger, Enchiridion symbolorum definitiorum et declarationum de rebus fidei et morum, ed. P. Hnermann, Bologne, 1995 ; nn.118 - 119, p, 61.

[4] Như trên, số 185, trang 103.

[5] Như trên, số 711, trang 405.

[6] Như trên, số 1809, trang 739.

[7] CĐ Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, số 16.

[8] Cẩm nang các Thượng hội đồng Giám mục, do văn phòng THĐGM xuất bản, Bologne, 2005 các số 755-855, 1068-1114, đặc biệt 1100-1105.

[9] Bộ Giáo luật, khoản 277, §1

[10] Gioan-Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, 25.3.1992, số 24.

[11] Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1579.

[12] Phaolô VI, Thông điệp Sacerdotalis caelibatus, số 1.

[13] Như trên, số 14.

[14] Như trên, số 17.

[15] Như trên, số 19.

[16] Như trên, số 20.

[17] Như trên, số 21.

[18] x. CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 5.

[19] Như trên,

[20] Phaolô VI, Tđ. Sacerdotalis caelibatus, số 26.

[21] Như trên, số 30.

[22] x. Như trên, số 27-29.

[23] Ga 21,15. 24) 26) 27) 28) 29)

[24] Phaolô VI, Tđ. Sacerdotalis caelibatus, số 24.

[25] Mt 19,11

[26] Vat. II. Sl. Presbyterorum ordinis, số 16.

[27] x. 1Cr 7,32-33.

[28] Vat. II. Sl. PO, số 16.

[29] Phaolô VI, Tđ. Sacerdotalis caelibatus, số 21.

[30] Gioan-Phaolô II, th. Pastores dabo vobis, số 27.

[31] Như trên, số 16.

[32] Như trên, số 46.

[33] Như trên, số 46.

[34] Phaolô VI, Tđ. Sacerdotalis caelibatus, số 75.

[35] Gioan-Phaolô II, th. Pastores dabo vobis, số 27.

[36] Như trên, số 72.

[37] Bênêđitô XVI, Diễn từ trước Giáo triều Rôma dịp Noel, 22.12.2206.