Năm Linh Mục

CẦU  NGUYỆN  CHO  LINH  MỤC (Bài 1)

 

Năm Linh Mục đã được khai mạc một cách trọng thể tại các giáo phận trên thế giới, đặc biệt tại Rô-ma do chính Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XVI. Trong lời giới thiệu về Năm Linh Mục, Đức Thánh Cha đã kêu gọi cầu nguyện “cho việc thánh hóa các linh mục và cho các ơn gọi linh mục”. Có những bản kinh đã được soạn để gợi ý và hướng dẫn việc cầu nguyện này.

Đối với một người giáo dân, bận rộn với bao công việc của đời sống thường ngày, việc cầu nguyện thích hợp nhất, có thể thực hiện được trong mọi nơi mọi lúc, chắc hẳn không phải là thánh lễ tại nhà thờ, cũng không phải là một bản kinh mới, vừa dài vừa khó thuộc – tuy rằng lời cầu nguyện được dâng lên với hy tế bàn thờ hoặc với sự hiệp thông của cộng đoàn thì có giá trị hơn nhiều lời cầu nguyện cá nhân riêng lẻ. Vậy việc cầu nguyện thích hợp nhất đó là gì ? Xin mạo muội chia sẻ kinh nghiệm cầu nguyện sau đây, để tất cả chúng ta có thể liên lỉ cầu nguyện theo các ý chỉ của Vị Cha Chung.

Đó là cầu nguyện với kinh Mân Côi qua việc suy gẫm các Mầu Nhiệm Vui. Tại sao chỉ Chúng ta hãy lần lượt tìm hiểu nội dung của từng Mầu Nhiệm (MN).

         

1.- MN thứ nhất : Truyền Tin.

Khi suy gẫm về MN này, chúng ta hướng lòng trí về sự khiêm nhượng của Đức Mẹ, Đấng được chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa, nhưng đã xưng mình là tôi tớ trước mặt Thiên Thần truyền tin và chúng ta xin Đức Mẹ chuyển cầu cho các linh mục được ơn khiêm nhượng, một ơn cần thiết biết bao cho sự nên thánh cũng như cho công việc mục vụ của các ngài.

Và chúng ta đọc “Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho các linh mục trong Hội Thánh được ở khiêm nhượng”.

Khiêm nhượng để vâng phục, để đối thoại, để lắng nghe, để đón nhận và để tha thứ…

2.- MN thứ hai : Thăm viếng.

Sau biến cố truyền tin, Sách Thánh thuật lại việc Đức Mẹ vội vã đi thăm bà chị họ Ê-li-da-bét vì đã được thiên thần cho biết bà ấy đang mang thai trong lúc tuổi già. Mục đích của cuộc thăm viếng này là gì ? Chắc hẳn là để chia sẻ niềm vui với vợ chồng của người chị họ đã cao niên mà vẫn chưa có con; nhưng còn một mục đích khác cụ thể hơn, đó là Đức Mẹ muốn giúp đỡ người bà con đơn chiếc trong những tháng cuối cùng của thời kỳ thai nghén, vì Đức Mẹ đã ở lại với bà Ê-li-da-bét trong 3 tháng cho đến khi bà ấy sinh nở xong thì mới chia tay.

Và chúng ta đọc “Đức Bà đi viếng bà thánh I-sa-ve, ta hãy xin cho cho các linh mục trong Hội Thánh được lòng yêu người”.

Yêu người một cách cụ thể được thể hiện trong việc đi thăm viếng các gia đình giáo dân trong giáo xứ để giúp họ “làm cho gia đình thành xinh đẹp như một đền thánh”, để “đốt lên và nuôi dưỡng lòng mến nơi mọi Ki-tô hữu (giúp họ) biết đón nhận và làm triển nở các ơn gọi” (Kinh Năm Linh Mục)…

 

3.- MN thứ ba : Giáng sinh.

Nằm trong chuỗi các MN VUI, nhưng việc Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su trong một hoàn cảnh giá buốt nghèo hèn như được trình thuật trong Tin Mừng Lu-ca thì chẳng gợi lên điều gì vui cả, ngoài niềm vui ơn cứu độ mà Chúa Con mang xuống cho nhân loại.

Và chúng ta đọc “Đức Bà sinh Đức Chúa Giê-su nơi hang đá, Ta hãy xin cho các linh mục trong Hội Thánh được lòng khó khăn”.Lòng khó khăn, hay tinh thần nghèo khó, được thể hiện bằng sự không chạy thay đồng tiền, không phân biệt giàu nghèo, rộng rãi đối với mọi người và mọi hoạt động vì lợi ích chung của giáo xứ…

4.- MN thứ bốn : Dâng Con.

Thánh Lu-ca viết : “ Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, Bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng : ‘Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa’, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2, 22-24) Bà Ma-ri-a và ông Giu-se có gì ô uế mà phải thanh tẩy ? Còn việc tiến dâng cho Thiên Chúa thì chỉ dành cho con trai đầu lòng của loài người chứ đâu dành cho Con Thiên Chúa. Vậy mà hai Đấng đã trung thành với luật Mô-sê, thật là một sự vâng phục thẳm sâu để cho chúng ta noi gương bắt chước.

Chúng ta đọc “Đức Bà dâng Đức Chúa Giê-su trong đền thánh, ta hãy xin cho các linh mục trong Hội Thánh được vâng lời chịu lụy”

Vâng lời chịu lụy – nói vắn tắt là vâng phục - thật sự là một việc rất khó khăn, nhất là khi có “quyền lực” trong tay. Vâng phục đòi hỏi khiêm tốn, vì không chỉ vâng phục đối với lãnh đạo mà còn được thể hiện trong sự biết nghe theo những góp ý xây dựng chính đáng của các cộng sự viên hay của những “con chiên” của mình…

 

5.- MN thứ năm : Tìm được Con.

Cũng như MN thứ ba trên đây, biến cố lạc mất Con và chỉ gặp lại Con sau ba ngày vất vả tìm kiếm trong lo âu, chẳng gợi lên điều gì vui vẻ. Dầu vậy, MN này tiềm ẩn một niềm vui, một sự bình an nội tâm khi tội lỗi làm chúng ta xa Chúa, mà nhờ ăn năn hối cải chúng ta nối lại được mối giây thân mật với Ngài.

Chúng ta đọc “Đức Bà tìm được Đức Chúa Giê-su trong đền thành, ta hãy xin cho các linh mục trong Hội Thánh được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.”

Giữ nghĩa cùng Chúa luôn nghĩa là không vì những hoạt động mang tính xã hội – dầu đó là những hoạt động hữu ích – mà lơ là trong việc suy niệm Lời Chúa và chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, hai nguồn mạch của đời sống cầu nguyện, của sự gắn bó với Đức Giê-su. Xa lìa hai nguồn mạch này có khác gì lạc mất Chúa…

 

Nhưng xét cho cùng, khi nói cầu nguyện cho linh mục, chúng ta, những người tín hữu giáo dân, cũng đừng quên rằng, qua Bí Tích Thanh Tẩy, mọi ki-tô hữu đều được chia sẻ chức linh mục phổ quát của Đức Ki-tô. Linh mục là tư tế, giáo dân cũng là tư tế. Bà Chiara Lubich, người sáng lập phong trào đạo đức Focolare (Mái Ấm), đã nói đâu đó rằng, nếu đối với linh mục, nơi tế lễ là bàn thờ, thì đối với người giáo dân, bàn thờ chính là nơi làm việc, sinh hoạt của mình : người nội trợ có cái bếp, người thầy giáo có cái bàn viết, người nông dân có mảnh đất đang canh tác, người thợ hồ có tấm vách đang xây … thậm chí trong đời sống vợ chồng, cái giường ngủ cũng có thể là nơi mà đôi bạn dâng lên Chúa lễ tế của tình yêu.

Vậy, trong Năm Linh Mục – và trong cả cuộc đời của người tín hữu – khi chúng ta cầu nguyện cho sự thánh hóa của linh mục và cho ơn gọi linh mục, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha, chúng ta sẽ không quên cầu nguyện cho sự thánh hóa của người giáo dân và cho ơn gọi của bậc sống lứa đôi, vì các đôi vợ chồng cũng phải sống ơn gọi của mình như lòng Chúa mong muốn.

 

Du-Trường

7/2009


Năm Linh Mục