Năm Linh Mục: góp ý ''Lời ăn tiếng nói''

 

(VCN 18 Dec 2009 11:03)

Sau khi đọc hai bài viết của linh mục Trần Việt Hùng, tôi cảm thấy mạnh dạn để bày tỏ ý nghĩ của riêng mình, về “lời ăn tiếng nói.”

Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Ông bà xưa đã dạy, lâu lắm rồi, gẫm lại mà thấy hay hoài.

Nói là một khả năng và là một công việc người ta thường làm, mà nếu không làm hay không làm được thì người ta nói mình … Nói không phải chỉ phát biểu ra bằng miệng mà cũng có thể là văn vẻ viết ra. Nói, người ta nghe. Viết, người ta đọc. Chung qui là truyền đạt tư tưởng, ý nghĩ của mình cho người khác, và khi người ta nghe, người ta đọc, người ta đánh giá mình.

Ở đời, không lẻ làm thinh, ngậm câm hoài, lắc lúc phải nói. Thông thường, trong sinh hoạt hằng ngày, người ta nói chuyện với một ít người. Có những nghề nghiệp, địa vị, công việc bắt buộc người ta phải ăn nói với nhiều người. Khi nói tới việc này, tôi lại cứ nghĩ đến nghệ sĩ, thầy giáo, và linh mục. Ba vai trò này có nhiều nét giống nhau, bởi

- nghệ sĩ thì làm việc ở nhà hát, thầy giáo ở nhà trường, còn cha, cha làm việc ở nhà thờ: cả ba đều có cái nhà;

- nghệ sĩ có đối tượng là khán giả, thầy giáo có học trò, còn cha, cha có giáo dân: cả ba đều có người nghe;

- nghệ sĩ có tuồng đã được soạn sẵn, thầy giáo có chữ của “thánh hiền” (sách giáo khoa), còn cha, cha giảng dạy lời Kinh Thánh: cả ba đều có điều để nói.

Nghệ sĩ mà ca diễn hay thì … ăn khách. Thầy giáo mà giảng dạy hay thì … cũng ăn khách, dễ kiếm học trò về nhà dạy thêm, thêm tiền. Ông cha mà giảng hay thì cũng … ăn khách, được mời đi giảng đó đây. Tuy cũng là công việc của “miệng mồm”, nhưng nghĩ kỹ ra, không giống nhau hoàn toàn. Người nghệ sĩ có tuồng tích, nếu thuộc tuồng, ca diễn theo tuồng, còn trường hợp không thuộc cho làu thì … “hát cương”. Thầy giáo thì có sách giáo khoa, cứ theo đó mà giảng, mà dạy, sao cho khéo léo để học trò nghe dễ hiểu.

Còn linh mục, các ngài phải giảng theo lời Kinh Thánh. Người ta chú ý đến các ngài lắm. Ngoài các bài giảng trong nhà thờ, người ta còn chú ý tới cái “lời ăn tiếng nói” của các ngài, mà khổ nỗi, đi đâu đứng đâu, ở chỗ nào người ta cũng chú ý tới các ngài.

Hồi xưa, khi giảng dạy, các cha thường “chêm” tiếng Latinh. Thời đó, kinh còn được đọc bằng tiếng latinh, “nhắm mắt” đọc “Et cum spiritu tuo”, không biết có mấy người hiểu được ý nghĩa của câu đọc đó. Vậy mà, mỗi lần lên tòa giảng, mở đầu, cha “bắn” một tràng tiếng La tinh “In illo tempore, dixit Jesus discipulis suis…”, nghe có ai mà hiểu nên có người nói đùa là cha “chưởi mình”… bằng tiếng La tinh. Còn thời nay, nhiều khi các cha chua tiếng Anh, tiếng Pháp và đôi lúc cả tiếng Nho như: nhất thế nhì thân tam ngân tứ lý. Các cha dùng chuyện đời xưa, các cha dùng chuyện thời nay để minh hoạ cho bài giảng, cốt sao cho giáo dân hiểu rõ thêm “lời Chúa.”

Tốt! Tất cả những việc đó được làm là để giúp ích cho giáo dân, là bổn phận của các ngài, miễn là làm sao tránh được những “vi phạm” về “lời ăn tiếng nói.” Có những tiếng hình như không nên dùng như chân thì nói “cái chân” chớ đừng dùng tiếng “cái giò, cái cẳng”. Khi dùng điển tích hay châm ngôn cũng vậy, phải cho chính xác, tỉ dụ như

bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi”
hình như không thể đi đôi với
“trâu bò húc nhau, ruồi muổi chết”

Điều này nói lên cái gì? Phải chuẩn bị, nghiên cứu thật kỹ và nắm được tường tận ý nghĩa trước khi sử dụng, để người nghe khỏi “rối trí”. Lắm lúc, đó đây người ta thấy:

Nghe mà thắc mắc

Trong việc làm dấu Thánh Giá, xưa rày vẫn nghe, vẫn đọc: “Nhơn danh Cha, và Con, và Thánh Thần” nghe như nó “phù hợp” với “In nomine Patri, et Filio, et Spiritui Sancto” (trong tiếng La tinh) hay “In the name of the Father, the Son, and the Holy Spirit” (trong tiếng Anh) hay “Au nom du Père, et du Fils, et du Saint Esprit” (trong tiếng Pháp), có vị lại đọc, thoạt nghe giáo dân thấy ngỡ ngàng, hơi là lạ, riết rồi cũng rán mà quen tai: Nhơn danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần”. Đọc sao cho đúng? Có gì hệ trọng không trong việc “thêm chữ thêm lời.”

Nghe mà bàng hoàng

Trong câu đọc trước khi “rước lễ”, có câu: “Đây là Mình Thánh Chúa Kitô, phúc cho ai được mời tới dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Có vị đọc lại là: “Đây là Mình Thánh Chúa Kitô, phúc cho ai được mời tới dự tiệc cùng Chiên Thiên Chúa!” Thiết nghĩ, hai câu này hoàn toàn không giống nhau, khác nhau có một chữ cùng mà ý nghĩa của hai câu trở thành khác nhau. Hai câu này, phát xuất từ hai cách đọc khác nhau, có hai ý nghĩa “không giống nhau”, mà nếu như vậy, phải có một câu đúng, và một câu không đúng. Nếu khách được mời tới dự tiệc “cùng Chiên Thiên Chúa”, thì khách sẽ chỉ được vinh dự ngồi chung bàn với “Chiên Thiên Chúa”, nhưng mà còn thức ăn thì … có thể là gì đó khác chớ không phải là “Chiên Thiên Chúa”, theo như trong tiếng Anh: “Happy are those who are called to his supper” hay như rõ ràng hơn trong tiếng latinh: “beati qui ad cenam Agni vocati sunt.”

Nghe mà thấy kinh hoàng

Một lần, trong bài thơ được trích ra đăng trong tờ Mục Vụ để giáo dân đọc, có câu:

“Chúa đã dựng nên trời đất muôn vật, cũng như tôi”
Nếu mình “chơi chữ” mà sắp xếp lại thì thấy câu nói trên cũng có nghĩa
“Tôi đã dựng nên trời đất muôn vật, cũng như Chúa”
và rõ ràng hai câu này có cùng một nghĩa, đọc xong thấy kinh hoàng, “lộng ngôn.”

Nghe thấy thiếu cái gì

Các cha nói chuyện với nhau, một cha đã nói: “Đừng nói vậy giáo dân tụi nó…!” Giáo dân tụi nó là ai? Đó là những người đáng bậc cha chú anh em của cha đó, cha ơi!

Cha nói: “Đừng làm vậy để cái thằng kia! …”

Nghe nhẹ nhàng mà duyên dáng

Cha từ Pháp đến Mỹ để gọi là nghỉ hè nhưng là để giúp cho cha chánh xứ ở đây đi nghỉ hè. Mở đầu bài giảng ngày ra mắt, cha đã tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi đến nước Mỹ. Đã nghe nói đến từ lâu, nay tôi mới được nhìn thấy tận mắt, ở đây cái gì cũng to lớn. Như nhà thờ giáo xứ ta đây vừa to lại vừa đẹp, mà bà con ta đến nhà thờ như thế này thì quí hóa quá, không như ở họ đạo tôi, nhà thờ thì nhỏ mà trong nhà thờ ghế nhiều hơn người.” Bà con cười. Tôi không nghĩ là cha có ý nói đùa, nhưng trong cách nói có vẻ nhẹ nhàng, nghe nó đơn sơ vậy mà dí dỏm.

Kính thưa quí vị, đây chỉ là “nghe sao nói vậy!” Ước mong đây là một sự đóng góp có ích.

Micae Nguyễn Ngọc Sáng

 


Năm Linh Mục