Linh Mục Sau Thời Kỳ Các Tông Đồ

 

Để tìm hiểu lịch sử chức năng và vai trò linh mục như ta hiểu ngày nay, ta cần nhìn lại lịch sử để thấy những khó khăn của nó.

Về Mặt Tổ Chức

Trong vài thập niên đầu tiên của giáo hội (từ năm 40-80), công tác rao giảng tin mừng và lo lắng mục vụ cho Kitô hữu thường được nhiều người đáp ứng theo mặt tự phát qua những đặc sủng Thánh Thần ban cho họ.[1] Nghĩa là, những đặc sủng họ được lãnh nhận như dạy, nói tiếng lạ, chữa lành, tiên tri v.v… đều tự phát để đáp ứng những nhu cầu mục vụ bấy giờ.

Khi giáo hội lớn mạnh thì đòi hỏi cần thiết phải có một cơ cấu tổ chức với người lãnh đạo rõ ràng, nghĩa là lúc này không phải Kitô hữu tự phát theo đặc sủng mà phải có sự kiểm soát và chấp thuận của các vị hữu trách để phân biệt lạc giáo và chánh giáo, và để bảo vệ sự thật cho đức tin.

Một tổ chức, bất cứ là tôn giáo hay xã hội, không thể tồn tại nếu con người không tôn trọng một trật tự đặt ra để kiểm soát nhau.

Vì thế, vai trò lãnh đạo (là các giám mục) trở nên cần thiết. Hình bong các linh mục cũng được hình thành bên cạnh các giám mục để chia sẻ công việc mục vụ và nâng đỡ các giám mục.

Ta nên biết là lịch sử giáo hội không hề có sự trống vắng hay thiếu lãnh đạo trong sinh hoạt mục vụ, nghĩa là, dù lịch sử có thể không ghi lại với chứng cớ xác thực rõ ràng vai trò lãnh đạo của các giám mục, lịch sử không thể chối cãi những hoạt động liên tục và đồng nhất của giáo hội nếu không có những vai trò lãnh đạo này.

Tuy nhiên, lịch sử 350 năm đầu tiên của giáo hội là giai đoạn tìm kiếm một hình thức tổ chức phù hợp với một tôn giáo mới – Kitô giáo – mà Chúa Giêsu và các Tông Đồ không để lại một cẩm nang chi tiết để điều hành.

Lí do chính là vì Chúa Giêsu không có ý đến thế gian để thiết lập một tôn giáo mới cho bằng đến để rao giảng ý định Thiên Chúa cho con người, và để cải hoá hệ thống tôn giáo đang có đương thời (Do Thái giáo) được hoàn thiện hơn. Thánh Phaolô khẳng định: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại.” (Cvtd 13:46).

Khi Kitô giáo được rao giảng cho dân ngoại (không là người Do thái), và sự phát triển nhanh chóng của giáo hội đòi hỏi một hình thức tổ chức khác với Do Thái giáo để đáp ứng những đòi hỏi mới về mặt mục vụ, việc hình thành phẩm trật giáo hội, trong đó vai trò của những vị lãnh đạo cộng đoàn giáo hội, là điều cần thiết.

Trước hết, Nhóm Mười Hai và các Tông Đồ là những vị lãnh đạo giáo hội (và việc làm của các Ngài được kể lại trong Tân Ước). Sau thời kì các tông đồ, đặc biệt là 200 năm đầu tiên của giáo hội, vai trò và chức năng các giám mục (những người kế vị các tông đồ) được ghi lại trong lịch sử qua các tài liệu như những thư cá nhân, các bài giảng, các bài giáo lý, các bài viết tranh luận v.v…

Trong thời kì này, chắc chắn đã có sự hiện diện của các linh mục bên cạnh các giám mục. Tuy nhiên, rất khó để nói đến thời gian chính xác sự hình thành chức năng và vai trò linh mục thế nào, vì lịch sử 200 năm đầu tiên của giáo hội nhắm đến chức năng và vai trò lãnh đạo của cộng đoàn dân Chúa hơn là phân biệt về phẩm trật chức vị (giám mục – linh mục – phó tế) như ta hiểu về tổ chức sau này. Nghĩa là, thời kì đầu giáo hội tìm kiếm một mẫu người lãnh đạo cộng đoàn hơn là tìm kiếm người đó là giám mục hay linh mục. Sự trùng hợp ngẫu nhiên là tất cả những giám mục là những nhà lãnh đạo, nhưng không phải tất cả những nhà lãnh đạo là giám mục, mà một số là linh mục.

Vì thế, những tài liệu để lại cho ta thấy rằng Kitô hữu gọi những vị lãnh đạo cộng đoàn của họ lúc đó bằng danh từ episkopospresbyteros.[2] Ai là những người được gọi là “lãnh đạo”? Là những người chủ lễ những nghi thức cầu nguyện hay coi sóc một cộng đoàn nhỏ, mà danh từ chung đặt cho họ là proistamenoi (tiếng Hi lạp có nghĩa là người lãnh đạo – người chủ lễ). Vì không phân biệt rõ ràng proistamenoi là giám mục hay linh mục hay phó tế hay ngay cả giáo dân (kỳ mục), ta không thể vội vàng kết luận rằng những người đứng đầu các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên chỉ là các giám mục hay linh mục.[3]

Điều ta biết chắc chắn là vai trò lãnh đạo giáo hội luôn luôn nằm trong tay các giám mục, những người kế vị các tông đồ với quyền giảng dạy, coi sóc, và ban phát các bí tích để thánh hóa Kitô hữu. Các linh mục, phó tế hay kỳ mục là những phụ tá của giám mục để điều hành giáo hội hướng dẫn những cộng đoàn nhỏ bé này.

Điều ta biết chắn chắn nữa là từ cuối thế kỉ thứ hai về sau, Kitô hữu chú trọng đến việc nhìn nhận vị lãnh đạo cộng đoàn là những người có thể dâng thánh lễ, nghĩa là chỉ có các giám mục và linh mục mà thôi.

Sự phát triển chức năng và vai trò linh mục hình thành cùng lúc với sự phát triển những nhu cầu mục vụ của giáo hội. Nghĩa là, khi những giáo hội địa phương cần mục vụ, nhất là thánh lễ, mà giám mục không đáp ứng được thì các linh mục được các giám mục cắt đặt thay mặt mình để lo cho giáo dân.

Điều cần biết là những hình thành này không đồng hiện diện cùng một lúc trong toàn thể giáo hội. Ví dụ, ở vùng Tiểu Á có những tài liệu ghi lại sự hiện diện và hoạt động của linh mục trong những năm cuối thế kỉ 1và đầu thế kỉ 2, trong khi vùng Roma vẫn không có những tài liệu rõ ràng về những hoạt động linh mục cho đến đầu thế kỉ thứ 4.

Về Mặt Tài Liệu Lịch Sử

Tìm hiểu sự hình thành của chức năng linh mục ta gặp một số những khó khăn về tài liệu. Trước hết, chúng ta không có nhiều những dữ kiện chính xác về linh mục trong thời kì đầu giáo hội (so với những dữ kiện về vai trò giám mục). Vì thế, khi viết về lịch sử vai trò và chức năng linh mục, các sử gia và thần học gia phải thận trọng khi trích dẫn và diễn dịch những tài liệu đang có.

Nói như thế không có nghĩa là ta không biết gì về sự hình thành chửc năng linh mục. Ngược lại ta biết chắc chắn là chức năng và vai trò linh mục hình thành bên cạnh chức năng lãnh đạo của giám mục, và theo thời gian hình ảnh linh mục xuất hiện như một “giai cấp” hay “nhóm” độc lập càng rõ ràng hơn, nhất là từ sau thế kỉ thứ 4.

Ngày nay, nhiều cắt nghĩa của những nhà chuyên môn nói đến lịch sử chức năng linh mục được xem như là đọc ngược lại lịch sử; nghĩa là những diễn giải dựa vào Tân Ước và các bài viết của các giáo phụ để đi đến kết luận (như việc truyền chức thánh, chức năng chủ tế thánh lễ và ban phát các bí tích v.v…).

Hơn nữa những diễn dịch này phần lớn là phỏng đoán hơn là những bằng chứng xác thực, cụ thể (dĩ nhiên là những phỏng đoán với nhiều chứng cớ giúp những kết luận phỏng đoán có giá trị đáng tin chứ không phải mơ hồ. Dù vậy nó vẫn là phỏng đoán).

Tài liệu ta có ngày nay phần lớn dựa vào cuốn Truyền Thống Tông Đồ (Traditio Apostolica), được coi là tác phẩm của Hippolytus thành Roma, viết khoảng năm 200.[4] Tài liệu này nói đến những nghi thức truyền chức cho giám mục, linh mục và phó tế. Sau này, nhiều tài liệu lịch sử viết dựa vào tác phẩm này.[5]

Theo tài liệu Truyền Thống Tông Đồ, nhiều cộng đoàn Kitô hữu tự chọn lựa cho mình các giám mục, linh mục, phó tế. Tiến trình giáo dân tham gia chọn lựa giám mục, linh mục này phố biến từ năm 200-350, và kéo dài ở nhiều nơi trong giáo hội cho đến thế kỉ 10. Với nhiều cộng đoàn, chỉ khi nào giám mục, linh mục được cộng đoàn chọn, người đó mới thực sự được coi là nhà lãnh đạo cộng đoàn.[6]

Linh Mục- Người Lãnh Đạo Cộng Đoàn

Trong Truyền Thống Tông Đồ và những tài liệu của các giáo phụ của hai thế kỉ đầu tiên, linh mục được chọn (bởi dân) và được phong chức bởi giám mục để làm cố vấn cho giám mục. Một trong những chức năng của giám mục bấy giờ là xét xử những vấn nạn giáo lí, và xử những lạc giáo trong giáo hội. Thường là sau khi nghe những phúc trình, giám mục hội ý với cố vấn (là các linh mục) trước khi quyết định.

Trong thời gian đầu, việc phong chức linh mục không nhằm để các linh mục dâng thánh lễ (vì thánh lễ được dâng bởi giám mục, và linh mục chỉ được phép đồng tế), mà nhằm làm cố vấn cho giám mục. Không chỉ không được dâng thánh lễ một mình, linh mục còn không được giảng lễ.[7] Khi có giám mục chủ tế, các linh mục được phép đồng tế nhưng không được phép cử hành thánh lễ riêng lẽ.

Khi giáo hội lớn mạnh, các nhu cầu mục vụ tăng nhanh. Những cộng đoàn ở xa đô thị cần có người lãnh đạo. Luật giáo hội thời đó coi các giám mục (vị lãnh đạo cộng đoàn) là người “Kết Hôn” với địa phận mình, nên giám mục không được phép đi nơi khác. Trong khi đó, yêu cầu mục vụ ở vùng quê (hay vùng sâu vùng xa) cấp bách nên giám mục tìm những người tự nguyện đi phục vụ những nơi này.

Các linh mục đến đây được phép làm lễ riêng (mà không cần phải có giám mục) và được phép giảng lễ. Thánh Ignatius của Antiokia cũng viết: “Hãy tham dự những thánh lễ thành sự và có hiệu lực được dâng bởi giám mục hay những người được giám mục chỉ định.”[8]

Ngoài việc dạy giáo lí, các linh mục vùng xa xôi này còn được ban phép Thanh tẩy (vì thời kì đầu, các linh mục và phó tế lo dạy giáo lí, nhưng bí tích thanh tẩy thường được giám mục cử hành chung cho toàn thể cộng đoàn giáo phận). Dần dà, các linh mục còn được phép ban bí tích hoà giải (tha tội) cho giáo dân.

Ở đông phương, vào thế kỉ 5, các linh mục còn được ban phép thêm sức, nhưng giám mục dành quyền làm phép dầu thêm sức này. Ở Tây phương thì dành quyền này cho giám mục.

Những thay đổi này làm cho chức năng và vai trò linh mục thay đổi. Về mặt thần học, linh mục chia sẻ tác vụ giảng dạy, thánh hoá, và coi sóc của giám mục qua việc thông phần với chức vụ và con người giám mục. Nghĩa là, linh mục không tự mình mà có những chức năng này, nhưng lãnh nhận từ Chúa Kitô qua các giám mục, vì các giám mục mới là người thừa kế các Tông Đồ.

Linh Mục: Người Lãnh Đạo và Chủ Tế Dâng Thánh Lễ

Cuối thế kỉ thứ nhất và đầu thế kỉ thứ hai, sau khi các tông đồ qua đời, cộng đoàn dân Chúa không muốn dùng danh từ Linh mục (hiereus) để chỉ những nhà lãnh đạo giáo hội, mà gọi những lãnh đạo là episkopos hay presbyteros.[9] Thánh Phaolo trong thư gởi Ephêso 4:11 nói đến một người lãnh đạo với hai chức năng “coi sóc và dạy dỗ.” Thánh Ignatius thành Antiôkia, trong thư viết cuối thế 1 và đầu thế kỉ 2, nhắc nhở giám mục với ba nhiệm vụ: giảng dạy, thánh hoá, và coi sóc giáo dân.

Quá trình hình thành các vị lãnh đạo giáo hội bắt đầu với việc so sánh phẩm trật trong giáo hội Chúa Kitô với những chức vị trong Do Thái giáo: Thượng Tế, Tư Tế và Lêvi với Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế.[10]

Dần dần giáo hội đặt nặng trọng tâm trong thần học thánh thể, đặc biệt là tính hi sinh trong cái chết của Chúa Giêsu Kitô được lặp lại trong thánh lễ. Các vị lãnh đạo trở thành những chủ tế thánh lễ.

Trong Didache (tài liệu được viết khoảng 90-150) gọi chủ tế thánh lễ là Thượng Tế (13; trong Truyền Thống Tông Đồ gọi giám mục chủ tế lễ là Thượng Tế (số 3 & 4). Tertulian (chết 225) và Cyprian (chết 258) gọi giám mục là sacerdos (người dâng của lễ – là linh mục), và gắn liền chức năng linh mục với giám mục trong bí tích thánh thể.

Khi thần học thánh lễ đặt nặng vai trò chủ tế, chức năng lãnh đạo của giám mục cũng chuyển qua chức năng chủ tế thánh lễ (và coi nhẹ việc giảng dạy, bênh vực lạc giáo, và điều hành cộng đoàn).

Vì cả linh mục và giám mục đều có khả năng truyền phép để “bánh hoá thành thịt, và rượu hoá thành máu Con Thiên Chúa” (và đây cũng là điều tuyệt hảo nhất) nên có tư tưởng cho rằng về phương diện thần học, giám mục cũng không hơn gì linh mục, ngoại trừ giám mục có thể truyền chức thánh cho người khác, và giám mục điều hành giáo phận về luật lệ.

Tư tưởng này thịnh hành sau thế kỉ 4. Thánh Jerome (năm 342-420) nói: “linh mục là được những gì giám mục làm chỉ trừ phong chức.[11] Thánh Gioan Kim Khẩu (khoảng 347-407) nói trong bài giảng 1 Timôtê: “giám mục hơn linh mục chỉ là quyền năng phong chức, và chỉ trong phương diện này giám mục hơn linh mục…[12]

Sau thời trung cổ, Peter Lombard (khoảng 1100-1160),[13] thánh Albert Cả (1206-80)[14], thánh Thomas Aquinas (1225-74), thánh Bonaventure (1221-74) và nhiều thần học gia theo triết học kinh viện cũng chấp nhận tư tưởng này. Công đồng Trent (1545-63) cũng đồng ý rằng chức linh mục là chức thánh cao nhất.

Ngày nay, công đồng Vatican II (1962-65) làm sáng tỏ thêm rằng chức giám mục tự nó là một chức riêng biệt và hoàn hảo trong chức thánh. Và vì thế giám mục không chỉ hơn linh mục về mức độ hay quyền luật, và còn tự nó là một chức cao cả nhất.[15]

Tóm: chức năng và vai trò linh mục hình thành rất sớm trong lịch sử giáo hội, tiếp theo với giám mục, và đóng vai trò phụ giúp các giám mục trong việc mục vụ. Các linh mục chia sẻ 3 chức năng giảng dạy, thánh hoá, và coi sóc giáo dân của giám mục qua việc đặt tay truyền chức bởi giám mục, và qua việc hiệp thông với giám mục. Ngày nay, dù giám mục là chức cao cả và đầy đủ nhất trong bí tích Chức Thánh, các linh mục qua chức thánh lãnh nhận vẫn được mời gọi để hoạt động Nhân Danh Giáo Hội (in persona ecclesiae) Nhân Danh Đức Kitô là Đầu Giáo Hội (in persona Christi capitis), trong việc rao giảng Tin Mừng, xây dựng Triều Đại Thiên Chúa trong giáo hội và xã hội hiện tại.


[1] Dù những cộng đoàn Phaolô thành lập chưa có một cơ cấu tổ chức như ta thấy trong những thế kỉ sau này, nhưng cũng đừng vội kết luận là những cộng đoàn đó không có phẩm trật tổ chức trong giáo hội, hay kết luận rằng nguyên tắc tổ chức lúc đó chỉ là những đa dạng của ơn đặc sủng cá nhân. Trong thư Phaolô, ngoài vai trò lãnh đạo của các Tông Đồ được công nhận rõ ràng, những Ngôn Sứ và Thầy Dạy cũng được xem là những nhà lãnh đạo trong cộng đoàn. Bên cạnh những chức năng được kể trong thư 1 Corintô 12:28, thánh Phaolô cũng nói đến vai trò của một vài chức năng khác được cộng đoàn chấp nhận và nâng đỡ trong những ngày đầu, và được kể trong thư Galata 6:6.

[2] Ý nghĩa của hai danh từ này đã được phân tích trong hai bài viết trước. Trong khi người xưa đôi khi dùng hai danh từ này đồng nghĩa với nhau, ngày nay ta dịch từ episkopos là giám mục, và presbyteros là linh mục.

[3] Danh từ proistamenoi không hẳn chỉ những người dâng thánh lễ, mà những người chủ toạ buổi lễ khi giáo dân gặp nhau để cầu nguyện, hay người lãnh đạo một cộng đoàn. Thánh Phaolô nói đến proistamenoi trong 1 Thessalonica 5:12 và Roma 12:8.

[4] Tài liệu Traditio Apostolica vẫn thường được xem là tác phẩm của Hippolytus thành Roma. Gần đây, nhiều nhà chuyên môn bắt đầu nghi ngờ về quyền tác giả của tác phẩm này. Xem bài “Ordination” của Paul Bradshaw trong The New Westminster Dictionary of Liturgy and Worship (Louisville: Westminster, John Knox Press, 2002) trg 342-43.

[5] Một tài liệu quan trọng khác nhắc đến những nghi thức truyền chức giám mục, linh mục và phó tế là Sách Nghi Thức của Sarapion (viết khoảng giữa thế kỉ 4).

[6] Ngày nay, giám mục được chọn và chỉ định bởi Toà Thánh Roma. Tuy nhiên, trong nghi thức truyền chức linh mục và phó tế, nghi thức khảo sát ý kiến giáo dân để xem ứng viên có xứng đáng để được gọi làm linh mục hay phó tế không cũng là một phần tiếp tục truyền thống giáo dân chọn lựa này.

[7] Chuyện kể khi Augustine còn là linh mục ở Hippo, vị giám mục ở đó già và đau yếu nên không giảng được. Augustine được mời để giảng thay giám mục nhưng bị giáo dân phản đối, vì chỉ có giám mục mới giảng mà thôi. Xem James F. Puglisi, The Process of Admission to Ordained Ministry (Liturgical Press, 2001) trg 33-46. Trong thư số 5 của Cyprian (chết 258) lần đầu tiên nói đến linh mục làm lễ mà không có giám mục.

[8] Thư gởi cho tín hữu Smyrna, 8. Thư cũng nói đến phó tế không có khả năng dâng thánh lễ mà chỉ phụ giúp giám mục trong thánh lễ mà thôi. Dưới thời bắt đạo của Diocletian và những người kế tiếp (cuối thế kỉ 3), một số phó tế đã tự mình làm lễ khi không có giám mục hay linh mục, nhưng họ bị công đồng Elvira (306) và công đồng Arles (năm 314) lên án.

[9] Tác giả Didascalia Apostolorum và triết gia-thần học gia Origen đã dùng từ Linh Mục (hiereus) để gọi những vị lãnh đạo giáo hội. Từ linh mục này được giáo dân gọi để chỉ những lãnh đạo cộng đoàn từ sau thế kỉ 4 cho đến ngày nay.

[10] Tác giả thư 1 Clementê (viết khoảng năm 96) nói đến những so sánh này. Xem thư 1 Clementê số 40 và 42.

[11] Xem Epistolae, 146,1.

[12] Bài giảng II. 1 trong 1 Tim 3:8.

[13] Xem Sentenciarum IV 24:14).

[14] Xem Sentenciarum IV a. 39.

[15] Xem Lumen Gentium, 21.

 

 

Lm Nguyễn Khắc Hy

 


Năm Linh Mục