LINH MỤC VỚI VẤN ĐỀ HỒI TỤC

 

Trong thời gian gần đây, vì những sách nhiễu tình dục của một số các linh mục, chúng ta nghe nhiều qua các phương tiện truyền thông về những linh mục bị kỷ luật phải hồi tục. Chúng ta hiểu gì về tiến trình kỷ luật này? Và ý nghĩa của nó đối với chức linh mục thế nào?

Minh Định Danh Từ

Danh từ hồi tục được dùng để áp dụng cho những người đã lãnh nhận chức thánh (linh mục hay phó tế), nhưng vì lý do chính đáng, không còn được thi hành chức vụ thánh nữa. Trong danh từ đối thoại hằng ngày, một số gọi là: “ông cha/ thầy đó về lại đời (hoàn tục)” hay “ông cha/ thầy đó hết tu.”[1]

Trong giáo luật, giáo hội dùng danh từ “bị khai trừ ra khỏi hàng ngũ giáo sĩ” (số 290-293) để chỉ cùng một ý tưởng nói đến những người này không còn được lãnh nhận những quyền lợi của giáo sĩ, trong đó có quyền được ban các bí tích.[2]

Vì bài viết nhắm đến các linh mục, nên trong bài này, tiến trình hồi tục chỉ nói đến các linh mục mà thôi.

Một khi hồi tục, người đó không còn được thi hành các chức vụ linh mục trong giáo hội như làm lễ, ban các bí tích khác, không được mặc tu phục, và không được công nhận mình là linh mục nơi công cộng.

Thần Học Chức Linh Mục Đời Đời

Trong khi một linh mục hồi tục, dù không còn được làm các bí tích, câu hỏi là người đó có còn là một Linh Mục của Chúa Kitô không? Câu trả lời là: Còn, vì chức linh mục là chức thánh muôn đời. Nghĩa là, một người khi đã lãnh nhận chức linh mục thì không bao giờ mất được chức thánh đó.

Giáo luật 290 nói: “chức thánh, một khi đã được lãnh nhận cách hữu hiệu, thì không bao giờ mất được. Tuy nhiên, giáo sĩ có thể mất hàng giáo sĩ…[3]

Giáo lý Công Giáo số 1583 dạy: “Người lãnh nhận chức thánh thành sự, vì lý do hệ trọng, có thể được chước miễn những bổn phận và chức vụ gắn liền với chức thánh hay bị cấm thi hành chức vụ, nhưng không thể trở về bậc giáo dân đúng nghĩa vì ấn tín bí tích Truyền Chức không thể xoá bỏ được. Ơn gọi và sứ mạng đã lãnh nhận trong ngày chịu chức thánh vẫn tồn tại mãi mãi.

Chúng ta thường hay đọc: “Con là linh mục đời đời, theo hàm Melkisedeck” (Tv 110:4). Vì thế, trong đối thoại bình dân, khi ta nói là “cha đó hồi tục” hay “ông đó trước đây là linh mục” là những lời nói tự nói đối nghịch với nhau. Vì cho dù được chấp thuận của toà thánh để hồi tục, vị linh mục đó vẫn còn là linh mục.

Cần có sự phân biệt tinh tế khi nhận xét về tình trạng hồi tục của một linh mục: một bên là thần học siêu tính (người đó được thụ phong linh mục, và là linh mục đời đời), một bên là luật giáo hội (linh mục được hay không được phép thi hành chức năng linh mục trong giáo hội, tạm thời hay vĩnh viễn). Chúng ta cần biết và phải phân biệt là giáo luật không nghịch với thần học.

Cơ sở thần học của chức linh mục đời đời cũng cùng một tín lý được giáo hội dạy trong bí tích thánh tẩy và thêm sức. Trong giáo lý số 1582: “Như trường hợp bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, việc tham dự vào chức vụ của Ðức Ki-tô nhờ bí tích Truyền Chức dù được lãnh nhận một lần ở mỗi cấp. Bí tích Truyền Chức cũng in một ấn tín thiêng liêng vĩnh viễn nên không thể lãnh nhận nhiều lần hay lãnh nhận tạm thời.[4]

Ấn tín thiêng liêng vĩnh viễn của một người khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy sẽ không bao giờ bị xoá bỏ. Ví dụ, trong những thế kỷ đầu của giáo hội, có nhiều Kitô hữu khi bị bách hại thì sợ sệt và công khai chối bỏ đạo, có người chống đối giáo hội, bôi nhọ và bắt bớ đạo… Nếu lúc nào đó những người này ăn năn trở lại và xin gia nhập giáo hội, họ không cần phải lãnh nhận bí tích thánh tẩy nữa (không rửa tội lại), vì dấu ấn rửa tội chỉ lãnh nhận một lần mà thôi. Bí tích chức thánh linh mục cũng vậy.

Vì thế, nếu một linh mục đã hồi tục, theo luật thì không được thi hành các chức năng linh mục. Nhưng nếu người đó dâng thánh lễ, thì thánh lễ đó vẫn thành (có hiệu lực -valid), mặc dù không hợp pháp (illicit).

Đối với những người tự nguyện xin hồi tục, nếu đến một lúc nào đó người ấy đổi ý và muốn được sống lại chức năng linh mục, người đó phải làm đơn xin và nếu được Toà Thánh chấp nhận thì sẽ được phục hồi trong hàng giáo sĩ (theo giáo luật số 293).

Riêng với những người bị kỷ luật phải hồi tục, quyết định của họ được xét bởi Thánh Bộ Tín Lý và được đức giáo hoàng phán quyết, và quyết định này không thay đổi được (nghĩa là, họ không bao giờ được phục hồi trong hàng giáo sĩ nữa).[5]

Tất cả những quyết định hồi tục đều đến từ quyết định của cá nhân đức giáo hoàng.

Riêng trong tình trạng nguy tử, giáo luật cho phép những linh mục dù đã hồi tục, vẫn được quyền ban bí tích hoà giải cách hiệu lực (luật 986). Vì thế có nhiều linh mục đã hồi tục vẫn giữ trong xe hay trong nhà dây các phép (stola) và sách các bí tích… để khi cần thiết (như có người bị tai nạn trên đường, có người hấp hối ở dưỡng lão…..) thì họ có thể ban phép giải tội cách hợp lệ và hữu hiệu.

Lý Do Hồi Tục

Trong thời gian gần đây, những vụ xì-căng-đan của những linh mục phạm tội liên hệ đến tình dục với tính cách nghiêm trọng, đã bị giáo hội kỷ luật và loại bỏ khỏi hàng giáo sĩ. Nhưng tiến trình hồi tục không luôn luôn là kết qủa của những vi phạm kỷ luật.

Thật ra, phần lớn những quyết định giáo hội chấp nhận cho hồi tục là do yêu cầu của các linh mục tự nguyện nộp đơn xin. Vì lí do riêng, những người nộp đơn nói rằng họ không thể tiếp tục đời sống linh mục được. Ví dụ, những biến cố xảy ra trong đời sống, những yếu tố tâm lý, sức khoẻ, cái chết của người thân, những sự kiện xảy ra trong đời linh mục hay trong gia đình, sự căng thẳng của công việc…nghĩa là có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định hồi tục của một linh mục khi người đó không thể tiếp tục đời sống và chức năng linh mục hữu hiệu nữa.

Với những người bị kỷ luật, giáo hội bắt họ hồi tục nhằm “cổ động và bảo vệ giáo huấn giáo hội trong đức tin và luân lý trong giáo hội Công Giáo.”[6] Tại Hoa Kỳ, nhiều linh mục phạm tội nghiêm trọng đã bị các giám mục địa phương nộp đơn xin kỷ luật hồi tục cho những linh mục đó.

Dù bất cứ lý do gì, hồi tục luôn là bước cuối cùng dành cho những trường hợp nghiêm trọng.

Giáo Luật Hiện Hành và Tiến Trình Hồi Tục

Sau công đồng Vatican II, con số những linh mục bỏ chức vụ linh mục lên cao (ở đây tôi chưa nói đến linh mục xin hồi tục mà là những linh mục bỏ nhiệm sở linh mục – hoặc một thời gian, hoặc vĩnh viễn).

Theo tài liệu của Toà Thánh, đức giáo hoàng Paul VI (1963-1978) đã lo lắng nhiều khi con số của các giáo sĩ xin hồi tục quá cao. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) đã tìm mọi cách ngăn chận sự leo thang này. Đến năm 2000, người ta ước đoán có đến gần 100,000 linh mục đã bỏ chức linh mục.

Vào giữa năm 2007, một tờ báo của Dòng Tên bên Ý mang tên La Civilta Cattolica đã xuất bản một bài viết báo cáo rằng từ năm 1964 đến năm 2004 có 69,063 linh mục đã bỏ chức vụ linh mục, nhưng có 11,213 linh mục đã trở lại nhiệm sở. Tờ báo cũng nói rằng từ năm 2000 đến năm 2006, mỗi năm có chừng 1,000 linh mục bỏ chức vụ linh mục, nhưng chỉ chừng một nửa nộp đơn xin hồi tục. Và từ tháng 8 năm 2005 đến tháng 10 năm 2006, Toà Thánh nhận 904 đơn xin hồi tục, trong đó có một số là của Phó Tế.

Trong cuốn giáo luật hiện hành (từ năm 1983) ghi rõ là các linh mục có thể được hồi tục nếu xin và được chấp nhận. Cuốn giáo luật này được chính đức Gioan Phaolô II ban hành, nhưng ai cũng biết chính đức Gioan Phaolô II là người nhiều năm từ chối không cho phép, hay nói đúng hơn tạo mọi điều kiện khó khăn trong tiến trình xin hồi tục.

Dưới triều đại đức Gioan Phaolô II, rất hiếm thấy đơn xin hồi tục được chấp nhận. Đức Gioan Phaolô II nổi tiếng là người rất khó trong vấn đề này, ngay cả với tình trạng bị kỷ luật. Khi một giám mục viết đơn lên Toà Thánh để xin hồi tục cho một linh mục trong địa phận vì lý do kỷ luật nghiêm trọng, Toà Thánh nhiều khi đòi hỏi những thủ tục hành chánh kéo dài, và quyết định thường đến muộn.

Chính vì thế, trong một số những vụ kiện gần đây tại Hoa Kỳ, người ta cho rằng Toà Thánh Roma đã không mau mắn trong việc thi hành kỷ luật đối với những linh mục vi phạm những luật lệ nghiêm trọng.

Từ năm 2002, sau những xì-căng-đan ở Hoa Kỳ và gần đây ở Âu Châu, Toà Thánh muốn bảo vệ sự trong trắng của giáo hội nên đã nới rộng quyền xét xử cho các cấp điạ phận, và Toà Thánh cũng thường nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của giám mục điạ phương. Nghĩa là, ngày nay khi có những trường hợp vi phạm kỷ luật mà giáo hội điạ phương nộp đơn xin cho một linh mục hồi tục, thủ tục được tiến hành nhanh chóng, và có khi có hiệu lực ngay tức khắc.

Hồi Tục và Việc Lập Gia Đình

Có phải những linh mục hồi tục là đương nhiên được phép lập gia đình không? Thưa Không. Một linh mục hồi tục, nghiã là không được thi hành chức linh mục, không có nghĩa là được phép lập gia đình. Nếu muốn lập gia đình, linh mục ấy phải nộp đơn xin chuẩn nghĩa vụ độc thân, chiếu theo luật 291, và chỉ có đức giáo hoàng mới có quyền ban đặc ân này.

Vì thế, những linh mục hồi tục không nộp đơn xin chuẩn luật độc thân mà cưới vợ (dĩ nhiên là ngoài đời, vì không được chấp nhận của giáo hội) là vi phạm lời hứa tiền kết, theo luật 1394.[7] Theo luật số 1087: “những người đã chịu chức thánh không thể kết hôn hữu hiệu.”

Giáo Dân với Các Linh Mục Hồi Tục

Với những linh mục tự ý xin hồi tục, thường họ không thi hành chức năng linh mục nơi công cộng. Nhưng có nhiều linh mục bị kỷ luật phải hồi tục, họ vẫn tiếp tục phản đối quyết định của giáo hội bằng cách cử hành thánh lễ hay ban các bí tích cho giáo dân.

Là giáo dân, chúng ta không được phép, và dĩ nhiên không nên, tham dự những thánh lễ đó, hay ủng hộ tiền bạc, công sức cho những việc làm đó, vì những việc làm này đối nghịch với tính hợp nhất trong giáo hội. Là con cái giáo hội, chúng ta không thể ủng hộ những người không hiệp nhất mà còn gây chia rẽ trong giáo hội (và có thể là bước đầu của ly giáo). Vì thế, khi tham dự hay ủng hộ cho những việc làm này, chúng ta cũng đặt mình đối nghịch với quyền bính giáo hội, nhất là với giáo hội điạ phương.

Kết Luận

Chức thánh linh mục là một ấn tín vĩnh viễn, và thần học Công Giáo luôn nhấn mạnh đến tính vĩnh viễn của chức năng này. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều linh mục vì nhiều lý do khác nhau, đã không thể tiếp tục đời sống linh mục nên đã tự ý xin hồi tục. Có một số khác bị kỷ luật phải hồi tục. Tất cả đều là giải phảp “cuối cùng cho những quyết định nghiêm trọng.”

Dù bất cứ lý do gì, tình trạng hồi tục không làm mất đi căn tính linh mục vĩnh viễn của họ. Vì thế trong năm linh mục, chúng ta cầu nguyện nhiều hơn nữa cho các linh mục ý thức căn tính chức thánh vĩnh viễn của mình: cho những người đang phục vụ biết luôn trung thành với giáo hội và với Chúa Kitô; cho những người đã tự ý xin hồi tục được bình an; cho những người đã gây gương xấu, biết ăn năn, sám hối để hoà giải với Thiên Chúa và giáo hội.

Lm. Nguyễn Khắc Hy, pss.


[1] Danh từ hồi tục của tiếng Việt được dịch từ laicization (tiếng Anh) laicisation (tiếng Pháp) từ gốc Latin Laicus nghĩa là giáo dân (một thường dân).

[2] Trong bộ giáo luật số 290-293 chỉ nhắc đến việc tuyên bố tính vô hiệu của chức thánh đối với phó tế và linh mục mà không nhắc đến đích danh giám mục. Gần đây, khi giám mục Fernando Lugo của Paraguay được đức thánh cha chấp nhận cho “hồi tục” để tranh cử làm tổng thổng nước này năm 2008, một số nhà giáo luật cũng đặt câu hỏi: liệu giám mục có “hồi tục” theo cùng phương thức như linh mục hay phó tế không. Câu trả lời là tùy thuộc hoàn toàn vào quyết định của đức thánh cha, và phương thức cũng có thể không mấy khác nhau.

[3] Xem thêm giáo luật số 1336, 1338.

[4] Xem công đồng Trentô: DS 1767; Lumen Gentium 21; 28;29; Presbyterorum Ordinis, 2).

[5] Các linh mục đều có quyền có luật sư để biện hộ trước toà án giáo hội, và được những quyền căn bản để bảo vệ danh dự và sự thật. Tuy nhiên, một khi Toà Thánh đã phán quyết về kỷ luật (khi giám mục điạ phương xét thấy những bằng chứng đáng tin, và Toà Thánh đồng ý) thì không còn được kháng án.

[6]Lời giải thích của Đức Hồng Y William Levada, bộ trưởng thánh bộ Tín Lý, giải thích tình trạng kỷ luật những linh mục phải bị hồi tục, ngày 29 tháng 3 năm 2010.

[7] Cũng nên biết rằng có nhiều linh mục hồi tục và lập gia đình trước khi bộ luật hiện hành được áp dụng năm 1983, nghĩa là lúc đó, nhiều người hiểu ngầm rằng cứ hồi tục là đương nhiên được lập gia đình. Đức Gioan Phaolô II đã thay đổi cách hiểu này trong bộ luật hiện hành.

 


Năm Linh Mục