TƯ TƯỞNG MỖI NGÀY
Năm Linh Mục

Trung Tuần Tháng 6 Năm 2010
Từ 11 đến 20 Tháng 6 Năm 2010
Nguồn Trích: Daily Thought
Focolare Movement: wwww.focolare.org
Bản Dịch: Nam Nguyên

Ngày 11/06/2010

Thời gian của một mùa xuân mới

Tôi muốn mời gọi tất cả anh em linh mục trong năm thánh dành cho mình này hãy chào đón thời gian mới trong mùa Xuân mà Chúa Thánh Linh mang đến cho Giáo Hội hồng ân phong phú qua các phong trào cũng như các cộng đoàn mới trong Giáo Hội .. Về phương diện này, lời minh xác của Sắc Lệnh Presbyterorum Ordinis đã đáp ứng đúng lúc: Trong khi nghiệm xem các tinh thần có phải từ Thiên Chúa đến hay không, các ngài phải lấy tinh thần đức tin mà khám phá, vui mừng mà nhận biết, và chuyên cần phát triển những đặc sủng muôn hình của giáo dân, từ đặc sủng nhỏ bé nhất đến đặc sủng cao cả nhất (Sắc Lệnh về Chúc Linh Mục số 9). Những hồng ân đã đánh thức được tâm hồn nhiều người tỉnh dậy với lòng khát mong sống đời sống tâm linh sâu sắc hơn như thế không những mang lại ơn phúc cho các tầng lớp giáo dân mà còn cho cả hàng giáo sĩ nữa. Tình hiệp thông giữa hàng chức thánh và các thừa tác viên thấm nhuần ân sủng có thể cung ứng “ sự thúc đẩy hữu ích tiến tới sự dấn thân của Giáo Hội trong việc loan báo và làm chứng cho Tin Mừng đầy hy vọng và bác ái tại khắp mọi nơi trên thế giới”

Benedict XVI


Ngày 12/06/2010

Cuộc khổ nạn vì Giáo Hội

Cuộc “khổ nạn vì Giáo Hội” mà Đức Giáo Tông Phaolô VI đã một lần nói tới, giờ đây đang hiện diện trong tâm hồn các người Kitô hữu chân chính. Cuộc khổ nạn này cần diễn tiến từ cảm xúc sang hành động cụ thể... Điều mà Kitô Giáo dậy về sự tương quan giữa các cá nhân với nhau – như yêu thương, hiểu biết nhau, hợp nhất với nhau tới mức chia sẻ với nhau các hồng ân Chúa ban – nên tiến sang sinh hoạt xã hội để rồi cùng đi đến chỗ hiểu biết và ngưỡng mộ cũng như yêu mến các Phong Trào và đơàn thể trong Giáo Hội, ngoài ra còn tạo được điều kiện và hỗ trợ việc chia sẻ của cải với nhau. Việc này dẫn mọi người đi đến chỗ cùng làm việc với nhau như niềm ao ước mà tâm hồn và ý muốn chúng ta hằng mong mỏi, và như thế chúng ta dễ dàng dấn thân phục Giáo Hội mà chúng ta yêu mến. Nếu chúng ta không làm được như vậy, cuộc “khổ nạn vì Giáo Hội” của chúng ta chỉ thuần túy là một mỹ từ, và chúng ta cũng đặt mình vào trong tình trạng khép kín và cô lập chính bản thân mình. Hơn nữa lòng yêu mến Đức Giáo Tông của chúng ta cũng bị thu hẹp lại ở lòng nhiệt thành và tình cảm nhất thời, nếu như chúng ta không chia sẻ với ngài điều mà ngài yêu thích: đó chính là sự quan tâm đến đời sống của toàn thể Giáo Hội Chúa.

Chiara Lubich
Essential Writings
New City, London, 2007, p. 112-3


Ngày 13/06/2010

Hiệp nhất và việc bổ túc để hoàn chỉnh

Vẻ đa dạng về ân sủng, thi hành thừa tác vụ và tinh thần phục vụ mở lối cho chúng ta đi đến việc hiệp thông hằng ngày mà qua đó các hồng ân Chúa Thánh Linh luôn được ban cho mọi người để đức ái luân chuyển sang nhau. Những người đã chịu phép rửa đều có hồng ân Chúa Thánh Linh, những hồng ân này phải phát triển trong hiệp nhất song song với những việc bổ túc để hoàn chỉnh sự hiệp nhất cùng với các hồng ân của người khác nhằm xây dựng chung nhiệm thể Chúa Kitô hầu mưu ích cho đời sống mọi người trên thế giới. Trong thực tế việc công nhận sự hợp nhất về cơ cấu, sự đa dạng về điều hành sẽ bảo đảm nguồn sinh lực truyền giáo tăng triển một ngày một hơn, đồng thời cũng biểu lộ dấu hiệu và dụng cụ của hòa giải cũng như an bình cho mọi dân mọi nước. Mỗi cộng đồng được mời gọi đi tìm kiếm và hội nhập với những tài năng âm thầm hay còn tiềm ẩn mà Chúa Thánh Linh đã ban cho các người tín hữu.

Aparecida Conference (2007)
Final document n. 162


Ngày 14/06/2010

Theo Phong cách Ba Ngôi Thiên Chúa

Một quan điểm về sức sống tương giao giữa Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện trong quan hệ nhân loại đã trở thành một nguồn mạch phong phú của môn thần học mới, của một tinh thần đại đồng rộng lớn hơn, của một hoạt động mục vụ đa dạng hơn, và cũng được nhân cách hóa trong các cuộc đối thoại, đồng thời cũng là nguồn mạch của một sứ mệnh mở rộng để mọi người đối thoại với nhau. Cách nhìn và hành động như vậy chính là phương thức Giáo Hội dùng trong hiện tại cũng như trong tương lai, và sẵn sàng linh ứng cho nhiều mẫu mực mới cho đời sống kinh tế và xã hội... Cũng như trong Chúa Ba Ngôi, nguồn mạch mà Giáo Hội khơi chuyển sức mạnh ly tâm đến thế giới thành đạt thế nào còn tùy thuộc sinh hoạt hướng tâm của mình, cũng như khả năng hiển linh của Giáo Hội thành đạt thế nào còn tùy thuộc vào sức mạnh của sự hiệp thông mật thiết của mình. Nếu thực sự đây là một nếp sống cần đưọc phát huy ra ngoài, là một sứ mệnh cần phải thực thi và truyền bá Tin Mừng, chính đời sống Giáo Hội cần phải mang dấu ấn của hợp nhất, và hiệp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa, như Giáo Hội đã từng hiệp nhất trong ngày Hiện Xuống.

Jesús Castellano Cervera


Ngày 15/06/2010

Dấu ấn của bản tính nhân loại mới

Giáo Hội càng cần đến một hình thức cơ cấu và một thể chế phẩm trật thì Giáo Hội càng phải được hiểu cho rõ ràng và sống trong tình thông hiệp Ba Ngôi Thiên Chúa... Giáo Hội như một tiền vị của nhân loại mới... xuất hiện với tình thương yêu đặc biệt và tình tương thân tương ái phát sinh từ căn bản tha thứ và khả năng coi trọng tình yêu cá nhân đối với từng hữu thể của con người bao gồm cả mọi người thù địch nữa...(cf Mt 5:43) Sự kiện này thực sự là điểm khởi nguồn từ sự tương giao giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ đó mọi người mới sống hòa hài được với nhau, bỏ sang một bên việc xét đoán nhau, bỏ đi quan điểm riêng của cá nhân, và nhất là mới hiến bản thân mình cách đồng đều cho mọi người gần cũng như xa. Đây thực sự là quan điểm mới mẻ về phẩm chất trong hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa thì luôn hiện diện, còn Chúa chúng ta lại luôn ngự ở giữa chúng ta nên đời sống của chúng ta được bao gồm ngay trong đời sống Thiên Chúa.

Klaus Hemmerle
Partire dall’unità Città Nuova, Roma 1998,
pp. 140, 142-143, 145


Ngày 16/06/2010

Đa dạng trong hiệp nhất

Mục đích tối hậu là “hiệp nhất” hay là toàn bộ thực thể cần được Ba-Ngôi-Thiên-Chúa hóa. Theo bản chất Ba Ngôi của Thiên Chúa, chúng ta phải trở nên hợp nhất trong hiêp thông, sự hiệp nhất của đa dạng, và đa dạng trong hiệp nhất. Để diễn tả bằng hình ảnh, chúng ta có thể nói rằng điều này có nghĩa là khi trở nên “nhiệm thể Chúa Kitô”, chúng ta sẽ liên kết chặt chẽ với nhau như các chi thể hay cơ quan trong thân thể hiệp nhất với nhau cùng chia sẻ một sức sống, và chúng ta cũng phối hợp với Chúa Kitô là “đầu”, và cùng với Chúa Thánh Linh là “hồn”, một nhiệm thể Chúa Kitô đề làm vinh quang Thiên Chúa Cha

Gisbert Greshake
Essere preti in questo tempo, in: Teologia-Prassi-Spiritualità
Queriniana, Brescia 2008, p. 69


Ngày 17/06/2010

Phác họa nên hình hài Chúa Kitô

Trong Giáo Hội Chúa Kitô, Chúa Thánh Linh hiện hữu và sống động theo phương diện chủ thể và khách thể: Giáo Hội được coi như một cơ cấu, mẫu mực, kỷ luật, cũng như là sự linh ứng và vâng lời Chúa Cha trong tình yêu mến, với tình thần con thảo, Hai bộ mặt chủ thể và khách thể này không thể rời xa nhau, bởi vì chúng ta sống theo luật lệ của Chúa Kitô, một luật lệ phải được hiện hình nơi con người chúng ta. Chắc chắn một điều là “khi Chúa Kitô là sự sống của anh chị em được mặc khải rồi thì anh chị em cũng được mạc khải cùng với Ngài trong Vinh Quang” (Col 3:4), thế nên phương diện cơ cấu của Chúa Thánh Linh sẽ biến đi chẳng khác gì Chúa chúng ta đã Phục Sinh và đã biến đi, đề nhường chỗ cho vai trò làm con thảo. Chúng ta sẽ không còn cần phải học biết về vâng lời, vì chúng ta tự nhiên sở hữu sự vâng lời như chính sự tự do của chúng ta, và Chúa Thánh Linh sẽ ngự trị trên chúng ta chỉ một cách khách quan mà thôi trong kinh ảnh thần linh ban đầu như là một chứng tích và nguồn mạch của lửa mến.

Hans Urs von Balthasar
Lo Spirito e l’istituzione
Morecelliana, Brescia 1979, p. 199


Ngày 18/06/2010

(ngày chót của Năm Thánh Linh Mục) Chân trời vô tận

1Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. 2 Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. 3 Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: "Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. 4 Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất." 5 Đấng ngự trên ngai phán: "Này đây Ta đổi mới mọi sự." Rồi Người phán: "Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật."

Sách Khải Huyền
21:1-5


Ngày 19/06/2010

Cuộc trao đổi kỳ diệu

Ơn gọi linh mục quả thực là một mầu nhiệm. Đó là mầu nhiệm của một “cuộc trao đổi kỳ diệu” – admirabile commercium – giữa Thiên Chúa và con người. Một nam nhân dâng trao nhân loại tính cho Đức Kitô để Ngài dùng người ấy làm phương tiện cứu rỗi, và biến người ấy trở thành một Đức Kitô khác. Nếu không nắm vững mầu nhiệm “trao đổi” này, chúng ta sẽ không hiểu như thế nào về việc một nam thanh niên nghe theo tiếng gọi “hãy theo Thày!” mà bỏ hết mọi sự để theo Chúa Kitô, với niềm xác tín rằng khi theo Ngài, chàng thanh niên ấy sẽ đáp úng trọn vẹn với cả con người của mình.

Đức Giáo Tông Gioan Phaolô II
Gift and Mystery 1996, 72


Ngày 20/06/2010

Người của Thiên Chúa, người của cộng đồng

Linh mục là một người của Thiên Chúa, một thừa tác viên của Chúa. Ngài có thể làm những việc đem lại hiệu quả hơn cả cách tự nhiên nữa, bởi vì ngài hành sự trong nhân cách Chúa Kitô (in persona Christi). Một sứ vụ cao hơn chuyển vào tâm hồn ngài, một sứ vụ mà ngài sẽ trở thành công cụ đích danh để thực hiện vào những thời điểm cần thiết trong niềm hân hoan cũng như lòng khiêm cung. Ngài là chiếc xe chuyên chở Chúa Thánh Linh, Đây là sự quan hệ độc nhất, Chúa một sự thừa ủy nhiệm giữa linh mục và thế giới thần linh vì ngài được Thiên Chúa tín nhiệm. Hồng ân này không phải ban cho cá nhân linh mục mà thôi, mà ban cho người khác qua trung gian ngài. Năng quyền thánh hiến theo sau quyền năng các tông đồ, theo sứ mệnh và thừa tác vụ của linh mục. Chúng ta biết rõ như thế. Linh mục là ngưòi không sống cho mình mà sống cho người khác, Ngài là người của cộng đồng. Đây là một khía cạnh của đời sống linh mục được thời nay hiểu rõ ràng hơn. Tác vụ và linh mục cung ứng cho xa hội, cho Giáo Hội một cách đặc biệt như thế đã minh chính cho sự hiện hữu của linh mục. Thế giới cần đến linh mục. Giáo Hội cần đến linh mục.

Đức Giáo Tông Phaolô VI
Message to priests of the Catholic church,
30 June 1968


Năm Linh Mục