TƯ TƯỞNG MỖI NGÀY
Năm Linh Mục

Hạ Tuần Tháng 10 Năm 2010
Từ 21 đến 31 Tháng 10 Năm 2010
Nguồn Trích: Daily Thought
Focolare Movement: wwww.focolare.org
Bản Dịch: Nam Nguyên

Ngày 21/10/2010

Cho dù con phải hy sinh như thế nào

Lậy Ba Ngôi Cực Thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng một Thiên Chúa, ba ngôi vị nhưng cùng một bản thể duy nhất, là nguyên thủy và là cứu cánh của con, còn con là kẻ tội lỗi khốn cùng nhưng được thôi thúc bằng những tâm tình sốt sáng thờ lậy, biết ơn, và yêu mến trước lòng nhân hậu vô bờ bến của Chúa, là những điều mà con được phúc biết đến do ơn sủng cao cả đoái thương. Con còn cảm thấy rung cảm tự đáy lòng..., và cùng với ơn trợ giúp của Chúa, con đã quyết định dấn thân hoạt động để mưu cầu ơn cứu rổi cho mọi anh chị em của con là những người chưa từng nhận biết ánh sáng của Ngôi Lời chiếu soi - những người cần đến giá máu cứu chuộc – cho dù con phải hy sinh đến mức nào, phải nhọc nhằn hay phiền lụy đến đâu, ngay cả việc hy sinh cả mạng sống của con nữa. Thật là hạnh phúc cho ngày nào đó con có thể được diễm phúc đau đớn thống thiết cho công cuộc đầy lòng thương xót và thánh thiện đó, và cũng thật là hạnh phúc cho ngày nào là ngày mà con thấy mình xứng đáng đổ máu mình ra cho anh chị em con, và được chết trong nhục hình.

Blessed Giovanni Mazzucconi, martyr
Pregare per essere apostoli Pime, Roma 1994, pp. 150-151


Ngày 22/10/2010

Nhà thờ chính tòa đẹp nhất của tôi

Trong cuộc hành trình đi ra miền Bắc Việt Nam của tôi, ba lần tôi được trói chung giây xích với môt bạn tù không phải là công giáo. Ông là dân biểu quốc hội và là người rất sùng đạo Phật. Tuy nhiên, việc lâm vào cùng cảnh ngộ thê thảm với nhau như thế đã cảm hoá tâm hồn người bạn tù... Chúng tôi trở thành bạn với nhau. Trên chuyến tàu ấy, cũng như sau này tại trại cải tạo, tôi có dịp trao đổi tâm tình với nhiều lớp người khác nhau: bộ trưởng, thành viên trong quốc hội, công chức và quân nhân cao cấp... Trong trại tôi được chọn làm anh nuôi với nhiệm vụ phục vụ các anh em, như việc phân chia thức ăn, cung cấp nước nóng, mang than nóng để sưởi ấm lưng trong đêm lạnh. Qua những việc phục vụ như vậy, anh em tù đều coi tôi như là một người đáng tin tưởng. Khi rời khỏi thành phố Sàigòn, Chúa Giêsu là Đấng chịu đóng đanh ở ngoài thành Jêrusalem đã cho tôi hiểu rằng tôi phải dấn thân vào một hình thức mới để truyền bá Tin Mừng. Tôi không còn hành sự như là giám mục trong giáo phận của mình nữa, nhưng mà bền ngoài “những bức tường thành.’ Là một người truyền giáo ở ngoại thành... tức là đi ra ngoài... Trong bóng tối của đức tin, trong tinh thần phục vụ và với thái độ khiêm nhường, ánh sáng của niềm hy vọng đã thay đổi cái nhìn của tôi. Tôi hiểu rằng nhà thờ chính toà của tôi chính là thời điểm này, trên chuyến tàu này, và trong nhà tù này.

Card. François-Xavier Van Thuan
Testimony of Hope Daughters of St. Paul, Boston, 2000, pp. 78-79


Ngày 23/10/2010

Mở rộng tâm hồn cho toàn thể nhân loại

Theo bản tính tự nhiên, người giáo sĩ thường dễ có chiều hướng hình dung Giáo Hội theo hình ảnh một xứ đạo hay một quận hành chánh, lý do là dân chúng sống tại đây theo cách nào đó được nhìn bằng một cái nhìn bao quát, vì mỗi người trong họ cũng đang thi hành phận vụ riêng của mình. Mối tương quan giữa vị chủ chăn và những người đón nhận sự săn sóc trên phương diện mục vụ xem chừng như đã đến mức độ bão hòa và hình như trở thành lý tưởng và có lẽ giống như viễn ảnh của “một Chủ chăn và một đoàn chiên” mặc dầu tư tưởng này vượt trên ý nghĩa cụ thể, nên là “một Chủ chăn” chính là Chúa Kitô, chứ không phải là Giáo Hoàng, và “đoàn chiên” ở đây có ý nói đến cả nhân loại như một đại gia đinh, chứ không phải đàn chiên hạn hẹp vào một số con chiên nào đó trong đoàn chiên của Giáo Hội. Tư tưởng không nên hạn hẹp vì sẽ dẫn đến chững hệ quả không mấy lành mạnh trong nhiều phương diện khác nhau, mà hệ quả đầu tiên là dẫn đến chỗ hạn chế cánh tay mở rộng của Giáo Hội để đón nhận thế giới, cũng như hạn chế về sắc thái truyền giáo khi Giáo Hội đến với mọi quốc gia dân tộc...

Hans Urs von Balthasar
Explorations in Theology II: Spouse of the Word San Francisco, Ignatius, 1991, p. 413


Ngày 24/10/2010

Thương yêu mọi người

Lời Chúa Kitô kêu gọi hãy mở rộng tâm hồn “với người khác”... có một đường kính luôn lan rộng cụ thể và mang tính cách toàn cầu. Lời kêu gọi gởi đến mọi người bởi vì đề cập đến mọi người. Sự lan rộng của thái độ mở rộng này không quá độ - và không hoàn toàn – mà lại rất gần gũi với nhu cầu người khác: Thày đói, Thày Khát, Thày trần truồng, bị tù đầy, bị đau yếu... Chúng ta đáp lại lời kêu gọi này bằng cách đi tìm người đang đau khổ, đi đến với họ dù phải vượt qua cả biên giới các quốc gia trên năm châu bốn bề. Như thế phạm vi liên đới nhân loại trên bình diện hoàn vũ sẽ được hình thành – qua trái tim của con người chúng ta. Sứ mệnh của Giáo Hội là quan tâm đến phạm vi này: không tự hạn hẹp mình ở một biên giới nào cả, ở một quan điểm chính trị nào cả, ở một hệ thống quyền bính nào cả. Giáo Hội quan tâm đến mối liên đới nhân loại đặc biệt với những người đang đau khổ. Giáo Hội bảo quản tình liên đới này vì danh nghĩa Chúa Kitô là Đấng tạo nên sự liên đới này với loài người một lần cho tất cả. “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết.15 Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình: (2 Cor 5:14 f).

Pope John Paul II
General Audience 4 April 1979


Ngày 25/10/2010

Người nghèo là những bạn đồng hành

Giáo Hội được mời gọi trở thành “người biện hộ của công lý và người nghèo” trước các bất công đáng ngại về mặt kinh tế và xã hội ” đang là những tiếng kêu gào vẳng lên “tới trời cao”... [Chuyện dành ưu tiên lo cho người nghèo] muốn nói lên lời yêu cầu biện hộ ấy phải vượt trên cả các thứ ưu tiên và hoạt động mục vụ khác, Giáo Hội được kêu gọi trở thành bí tích của tình yêu thương, tình liên đới và công lý.... Ý thức này luôn luôn là điều cần thiết, cần thiết là vì việc này được biểu hiện trong nhiều chọn lựa và hoạt động cụ thể mà lại tránh được mọi thái độ kẻ cả. Chúng ta được yêu cầu công hiến thời gian cho người nghèo, mang đến cho họ sự quan tâm, chăm chú lắng nghe họ, đồng thời chấp nhận họ như là những người đồng hành... cùng nhau tìm ra phương cách biến đổi cảnh ngộ của họ... Chỉ có tiếp cận với họ mới có thể làm cho chúng ta trở thành bạn hữu để rồi mới tiến tới chỗ coi trọng các giá trị nơi họ một cách sâu đậm, mới thấy được những tiếng kêu gào hợp lý hợp tình của họ, cũng như cách sống đức tin của họ... Người nghèo trở thành những đối tượng của công cuộc truyền bá Tin Mừng và việc phát triển được giá trị nhân bản một cách trọn vẹn.

CELAM, Aparecida, Brazil (2007)
Final Document, nn. 395-398


Ngày 26/10/2010

Ôm trọn lấy thảm kịch thế giới

Với tư cách là giám phục của Hán Thành, tôi đôi lúc tự hỏi bản thân mình rằng: “Đức tin và đời sống của tôi thực sự đã thích ứng với Tin Mừng hay chưa?” Câu trả lời trung thực luôn nghiêng gần đến chữ “không” đặc biệt về tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng, là điều tôi phải đạt tới như một cứu cánh của linh mục... Có nhiều lần trong lúc ngồi tại văn phòng làm việc của mình tôi đã nghĩ: Tại sao tôi không rời tòa giám mục để sống chung với người nghèo?” Chúa Giêsu Kitô là tất cả mọi sự cho tôi. Ngài đến như một người nghèo và mang tình thương yêu Thiên Chúa đến cho người nghèo, người đau khổ, người sống bên lề xã hội, rồi Ngài chết trên thập giá. Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã bị dập, cũng không dập tắt ngọn nên đang tàn lụi. Nếu như Ngài giáng sinh vào thời buổi này, ít ra Ngài cũng sẽ chọn sinh ra nơi căn phòng đơn giản trong khu nhà tồi tàn nào đó. Chị Simoine Weil nói là chị ghen với Chúa Giêsu bị đóng đanh... Chị được sinh ra trong một gia đình Do Thái giầu sang tại thành phố Paris, và chị mơ ước về một thế giới đầy nhân bản, một thế giới mà mọi người sống trong tình thần hòa hài với nhau. Chị từ bỏ một tương lai đầy hứa hẹn để chia sẻ nếp sống khổ cực của lớp người thợ thuyền. ... Tôi thực sự cũng ghen tỵ với Simoine, là người đã sống với “cả bầu nhiệt huyết” trong vòng tay ôm ấp trọn vẹn nỗi đau khổ và thảm kịch của thế giới.

Card. Stefano Kim
Fede e amore del Card. Kim Sou Hwan Seoul1997, pp. 432-433


Ngày 27/10/2010

Được Chia sẻ giữa các anh em

Chắc hẳn các bạn thấy sự khỏi đầu của bác ái trong điều Ngài nói: người có nhiều của cải thế gian khi thấy anh em mình đói khổ mà không động lòng thương xót – thì làm sao tình thương yêu Thiên Chúa lại ở trong tâm hồn người ấy được? (3:17) . Nếu các bạn chưa sẵn sàng chết cho anh em mình, thì hãy sẵn sằng chia sẻ hồng ân của mình cho người anh em mình! Hãy để cho trái tim mình biết rung động để rồi không còn hành động cho sự vẻ vang của bản thân mình, nhưng hành động do lòng thương cảm nội tâm mà coi người nghèo đang lâm cảnh khốn cùng và muốn sự giúp đỡ. Nếu như các các bạn không chịu đem cái thặng dư của mình cho người anh em của mình thì làm sao các bạn có thể hy sinh mạng sống mình cho họ được? Bạn có tiền trong túi là của cải mà kẻ cắp có thế lấy mất, mà nếu kẻ cắp chưa lấy mất, thì bạn cũng sẽ mất hết khi mà các bạn nhắm mắt xuôi tay, và ngay cả khi còn sống mà bạn không mất, bạn sẽ làm gì với tiền bạc ấy? Người anh em của bạn thì đói khổ, họ đang túng thiếu cần sự giúp đỡ. Có lẽ họ cũng đang bị lo lắng trước áp lực của các chủ nợ. Họ chẳng có gì trong tay mà bạn thì lại có một số của cải trong tay. Họ là người anh em của bạn. Bạn và người anh em ấy cả hai người đều nhận được ơn cứu chuộc như nhau. Cái giá cứu chuộc của cả hai người đều như nhau, vì cả hai đều được chuộc tội bởi chính cùng giòng máu của Chúa Kitô đổ ra. Bạn thử hỏi bản thân nếu mình có của cải trần thế, liệu mình có lòng thương người không.

Saint Augustine
Homily on the First Epistle of John, V,12 (Trans Boniface Ramsay) New City Press, New York 2008 p.85


Ngày 28/10/2010

Những kho tàng của giáo xứ

Mỗi xứ đạo có những kho tàng riêng của mình. Những kho tàng đích thực đó là những người nghèo, là những người lâm cảnh khốn khó, những người đau khổ, bệnh tật và tất cả những người được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thánh sủng để họ sống đời sống cầu nguyện và đau khổ của mình. Mọi người mục tử tốt phải biết quí trọng và dành sự chăm sóc mục vụ đến những kho tàng này cho đúng với sứ mệnh của mình và sự cứu rỗi của những người đã được phó thác cho mình. Tôi muốn đặc biệt chú trọng đến những người đau yếu bệnh tật. Xứ đạo nào mà chẳng có người bệnh tật yếu đau. Có những người mắc bệnh kinh niên mà sức khỏe của họ ngày một yếu dần như cây nến đang dần dần tàn lụi, đang chờ đợi trong kinh hoàng cái đau khổ như bị đóng đanh trên thập giá, chờ đợi giây phút cuối đời của mình trên giường bệnh. Cũng có người đôi lúc mới đau yếu và chỉ một thời gian ngắn nào đó. Người linh mục nên noi gương Chúa Giêsu Kitô Thày Chí Thánh của chúng ta mà dành ưu tiên quan tâm đến những người con yêu quí của Ngài này: “Thày đau yếu và chúng con đã đến thăm Thày.”

Giacomo Alberione
Don Alberione ai sacerdoti Vita pastorale (Supplemento) dic. 1996, p. 101


Ngày 29/10/2010

Như chính mình vậy

Mỗi Lời Chúa nói đều chứa đựng cả điều tối thiểu và điều tối đa từ phía chúng ta để khi đọc “chúng con hãy thương yêu tha nhân như chính bản thân chúng con vậy” thì các bạn đã thương yêu nhau ở mức độ cao nhất. Tha nhân chinh lả một bản thân khác của ta, nên hãy nhớ mà thương yêu người anh chị em mình. Khi tha nhân khóc, hãy khóc với họ. Khi họ cười hãy cười với họ. Nếu họ là người thiếu học thức, hãy trở thành ngưới thiếu học thức như họ. Nếu họ mất cha mất mẹ, hãy đau khổ như mình mất mẹ hay cha mình vậy. Họ và bạn đều là chi thể của Chúa Kitô, nên nếu chi thể nào mà đau khổ thi bạn cũng chung phần đau khổ như thế. Giá trị đối với bạn là: Thiên Chúa là Cha của họ cũng như là Cha của bạn. Đừng tự bào chữa vì lý do nào đó để lấy cớ mà bỏ đi lòng thương yêu. Tha nhân chính là những người đang sống gần bạn, dù họ giầu nghèo, thông minh hay không, thánh thiện hay tội lỗi, là người đồng hương hay người ngoại quốc, linh mục hay giáo dân, là bất cứ lớp người nào. Hãy đem lòng thương yêu bất cứ người nào xuất hiện vào bất cứ lúc nào trong cuộc sống mình. Bạn sẽ khám phá ra được ngay nơi bản thân mình nghị lực và sức mạnh mà bạn tưởng mình không có. Điều này sẽ bổ túc cho chính đời sống của bạn, rồi bạn sẽ tìm thấy lời giải đáp cho hàng ngàn câu hỏi tại sao.

Chiara Lubich
Essential Writings New City, London and New York, 2007, pp. 79-80


Ngày 30/10/2010

Phục vụ chứ không phải cai trị

Lớp người thích hợp với chúc linh mục không phải là lớp người cai trị... Nếu như chức vụ linh mục, giám mục, và giáo hoàng được hiểu theo ý nghĩa là để cai trị, thì đó là điều ngộ nhận và rất sai lầm. Chúng ta khi đọc Tin Mừng đều biết rằng các môn đệ đã từng tranh luận với nhau về ngôi thứ, và ai nấy đều hướng chiều về việc làm sao chuyển đổi từ vị thế là môn đệ lên vị thế làm chủ, chuyện này diễn ra ngay từ thuở ban đầu và vẫn còn tái diễn mãi. Chính vì vậy, ai cũng phải công nhận rằng sự cám dỗ ngôi thứ kia luôn diễn ra trong bất cứ thế hệ nào, kể cả thế hệ hôm nay. Tuy nhiên cùng lúc đó nghĩa cử của Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ và chuẩn bị cho các ông được chinh tề mà ngồi vào cùng bàn ăn với Ngài là Thiên Chúa. Khi Ngài thực hiện nghĩa cử cao đẹp như thế, Ngài muốn nói rằng: “Đây là ý nghĩa Thày muốn nói đến chức linh mục. Nếu các con không thích như vậy, các con không phải là linh mục đâu.”

Cardinal. Joseph Ratzinger
Salt of the Earth Ignatius Press, San Francisco, 1997, p. 191.


Ngày 31/10/2010

Chúng ta hãy duy trì thế lực của các dấu chỉ

Lậy Chúa, xin đổ tràn xuống tâm hồn con tinh thần cởi mở mà chính Chúa đã dùng để đối xử với người khác. Xin Chúa dậy con biết “cởi bỏ những bộ áo hào nhoáng bên ngoài”! Xin Chúa dậy con biết “cởi bỏ những bộ áo hào nhoáng bên ngoài” gồm lợi lộc, thú vui và lợi ích cá nhân, để trở thành người thong dong đi đến hiệp thông Xin Chúa dậy con biết “cởi bỏ những bộ áo hào nhoáng bên ngoài” bao gồm sỏ thích vui hưởng tiện nghi, để mặc lấy bộ áo khiêm tốn, đơn sơ dễ hòa đồng với người khác! Và cũng xin Chúa dậy con biết “cởi bỏ những bộ áo hào nhoáng bên ngoài” gồm tính kiêu căng, thống trị, thích xuyên tạc, ưa che dấu, để biết phủ lên mình tinh thần hèn mọn và nghèo khó, với ý thức rằng khó nghèo thì luôn đối nghịch với “quyền bính”, chứ ít đối nghịch với “giàu sang”. Chúng ta phải từ bỏ những dấu chỉ tỏ ra quyền bính mà duy trì thế lực của các dấu chỉ.

Tonino Bello
Stola e grembiule Insieme, Terlizzi 1993, p. 25


Năm Linh Mục