Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót

với việc Tân Phúc-Âm-hoá Đời sống xã hội

Đề tài 4. Giữa lòng xã hội Gia đình phản chiếu dung mạo Lòng Thương Xót

“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40)

Phẩm giá của con người trước mặt Thiên Chúa là nền tảng cho phẩm giá của con người trước mặt người khác.[1] Thật vậy, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tin Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta vô hạn qua đó Người ban cho chúng ta một phẩm giá vô hạn. Tin Con Thiên Chúa mặc lấy xác thịt nhân phàm có nghĩa là mỗi con người đã được đưa vào chính trái tim của Thiên Chúa. Tin Đức Giêsu Kitô đã đổ máu mình ra vì chúng ta có nghĩa là loại bỏ mọi nghi ngờ về Tình yêu vô biên làm cho mỗi người nên cao quý”[2]. Ơn cứu chuộc chúng ta, còn có một chiều kích xã hội, bởi vì “trong Đức Kitô, Thiên Chúa không những cứu chuộc các cá nhân, mà còn cứu chuộc các mối quan hệ xã hội đang có giữa con người với nhau”[3].

1. Tình thương mạnh hơn sự chết, mạnh hơn tội lỗi

Thập giá Đức Kitô trên Núi Sọ là bằng chứng của sự dữ đối với chính Con Thiên Chúa. Đức Kitô, Đấng không hề biết tội là gì, “thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội vì chúng ta” (2Cr 5,21). “Thập giá Đức Kitô, trên đó Chúa Con, đồng bản thể với Chúa Cha, đền đáp đầy đủ công bằng cho Thiên Chúa, cũng là mạc khải triệt để về Lòng Thương Xót, nghĩa là về Tình Thương, tình thương này luôn chống lại cái làm thành chính cội rễ của sự dữ trong lịch sử là tội và sự chết… Thập giá là sự chạm đến của Tình Thương vĩnh cửu trên những vết thương đau đớn nhất của cuộc sống con người trong trần gian, và là sự hoàn tất đến cùng chương trình cứu thế… Thập giá Đức Kitô cho chúng ta hiểu rằng cội rễ sâu xa nhất của sự dữ nằm tận trong tội lỗi và sự chết… Sự kiện Đức Kitô ‘ngày thứ ba đã trỗi dậy’ là dấu chỉ đánh dấu sự hoàn tất sứ mệnh cứu thế, dấu chỉ tuyệt đỉnh cho mạc khải trọn vẹn về tình thương-lòng thương xót trong một thế gian đã bị sự dữ chế ngự”[4]. Sứ vụ cứu thế của Đức Kitô, sứ vụ của lòng thương xót trở nên sứ vụ của dân Người, của Hội Thánh. Thập giá vẫn đứng giữa sứ vụ ấy, vì Thập giá là nơi mạc khải về tình thương-lòng thương xót đạt tới đỉnh cao của mình. Tình thương của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết. Hội Thánh hằng tuyên xưng:

“Tình thương Chúa đời đời con ca tụng” (Misericordias Domini in aeternum cantabo).[5]

2. Gia đình tuyên xưng và công bố lòng Thương Xót của Thiên Chúa

Sứ vụ của lòng thương xót đó trở thành là sứ vụ thường trực của Hội Thánh tại gia, là gia đình, vốn thường xuyên cảm nghiệm lòng thương xót ấy như Đức Maria tuyên xưng ở ngưỡng cửa: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”[6]. Qua kinh nghiệm và nhờ hy lễ tâm hồn mình góp phần vào mạc khải lòng Thiên Chúa xót thương, gia đình theo gương Thánh Gia, nối kết chặt chẽ với Thập giá của con Mẹ cũng là “thập giá của Mẹ” nơi tiếng “xin vâng” hằng ngày.

Có thể lấy chính lời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II áp dụng cho gia đình, Hội thánh tại gia: “Hội Thánh thực sự sống khi tuyên xưng và công bố lòng thương xót, ưu phẩm đáng kính phục nhất của Đấng Tạo Hóa và của Đấng Cứu Chuộc, và khi dẫn đưa con người đến các nguồn mạch lòng thương xót của Đấng Cứu Chuộc, các nguồn mạch được giao cho Hội Thánh giữ gìn và phân phối. Trong khuôn khổ ấy, việc suy niệm liên tục Lời Chúa, và nhất là việc tham dự có ý thức và suy nghĩ vào Thánh Thể và bí tích Thống hối hay Hoà giải, mang một ý nghĩa rất lớn.”

3. Hội Thánh tại gia giữa lòng thế giới hôm nay

Gia đình tham dự vào ơn gọi và sứ mạng của Hội Thánh cũng mang lấy chiều kích xã hội của việc loan báo Tin mừng đó. Từ giữa tâm điểm của Tin mừng chúng ta thấy có mối liên kết sâu xa giữa loan báo Tin mừng và sự thăng tiến con người. Sự thăng tiến này phải được biểu hiện và phát triển trong mọi hoạt động loan báo Tin mừng. Như vậy, ước muốn của gia đình còn là tìm kiếm và bảo vệ lợi ích của người khác nữa.

Anh chị em của chúng ta, nhất là những người nghèo quanh ta, là sự nối dài mầu nhiệm nhập thể cho mỗi người chúng ta: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Thế nên, gia đình sẽ là mình hơn nữa theo nghĩa thuộc về Thân Mình Đức Kitô hơn nữa, khi đi ra khỏi chính mình để đến với anh chị em, là một trong hai giới răn nền tảng cho mọi quy tắc luân lý và dấu hiệu nhận ra sự tăng trưởng thiêng liêng. Vì thế, “việc phục vụ bác ái cũng là một yếu tố cấu thành của sứ mạng Hội Thánh và là biểu hiện thiết yếu của chính sự hiện hữu của Hội Thánh”[7].

Gia đình vì thế phải là chủ thể tích cực tham gia vào đời sống xã hội.[8] Nhìn nhận chủ thể tính và thế ưu tiên của gia đình trong xã hội, đòi hỏi “xã hội không bao giờ được bê trễ nhiệm vụ căn bản là tôn trọng và hỗ trợ các gia đình. Các quốc gia, xã hội, muốn tôn trọng thế ưu tiên và thế “thượng phong” của gia đình, cần phải bảo đảm và phát huy bản sắc đích thực của đời sống gia đình, đồng thời phải tránh và chống lại tất cả những gì có thể làm biến chất hay phương hại tới gia đình.”[9]

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

1. Gia đình của anh chị em có yên ổn và tăng triển hơn không, khi tham gia vào các hoạt động của giáo hội, xã hội bên ngoài gia đình? Tại sao?

2. Gia đình tham gia vào đời sống chính trị-xã hội-kinh tế như thế nào để Phúc-Âm-hóa xã hội?

3. Gia đình sống và tuyên xưng Lòng Thương Xót của Chúa cụ thể như thế nào?

–––––––––––––––––––––––––––––––––

[1] x. Gaudium et spes, 29.

[2] Evangelii Gaudium 178.

[3] HĐTT CLHB, Tóm lược Học Thuyết Xã hội của GHCG, 52.

[4] ĐGH Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 8.

[5] Tv 88 (89), 2.

[6] Lc 1,50.

[7] ĐGH Bênêđictô XVI, tự sắc Intima Ecclesiae Natura (11.11.2012). x. Evangelii Gaudium, 179.

[8] x. Tóm lược Học Thuyết Xã hội của GHCG, op.cit., 246-251.

[9] ĐGH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio 45. x. Tóm lược Học Thuyết Xã hội của GHCG, op.cit., 252. Hiện nay rất nhiều (trên 20 nước) phần lớn là các nước “phát triển” đã chấp nhận “gia đình” dựa trên hôn nhân đồng tính.

Văn phòng HĐGMVN / UBMVGĐ

 


Năm Thánh Lòng Thương Xót