Các Thừa Tác Viên Của Lòng Thương Xót: Cách Riêng Qua Bí Tích Giao Hòa

(catechesis.net)

Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

 Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, nội hàm ý nghĩa của khái niệm tình yêu của Thiên Chúa, nói chung, rộng hơn khái niệm lòng thương xót. Sở dĩ thế, bởi vì, trước tiên, trong tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đối với nhau, không có khái niệm lòng thương xót, mà chỉ có khái niệm tình yêu mà thôi; thứ đến, khái niệm lòng thương xót chỉ được dùng để phản ảnh tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa với các thụ tạo của Ngài và giữa các thụ tạo, đặc biệt, giữa loài người với nhau.

Thật vậy, với một thứ tình yêu nhưng không (vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên), duy nhất và trước sau như một, Thiên Chúa yêu thương các thụ tạo của mình, đặc biệt loài người. Tuy nhiên, vì các đối tượng của tình yêu thương của Thiên Chúa vốn không ai giống ai, mỗi người một vẻ, một hoàn cảnh khác nhau, nên tình yêu đó cũng được thể hiện ra với nhiều cung bậc và dáng vẻ khác nhau, và ngôn ngữ Thánh Kinh vì thế đã phải dùng nhiều hạn từ khác nhau để diễn tả.[1]

Khi mặc khải cho biết Ngài là Tình Yêu: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8.16), điều đó có nghĩa Thiên Chúa cũng tự mặc khải cho biết Ngài chính là Lòng thương xót.

Khi Cl 1, 15 (x. 1Cr 11,7; 2Cr 4,4) mặc khải cho thấy Chúa Giêsu Kitô là “Hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”, điều đó đồng thời có nghĩa Chúa Giêsu Kitô là hình ảnh của tình yêu và của lòng thương xót của Thiên Chúa.

Không chỉ là Hình ảnh Tình Yêu của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô còn chính là Hiện thân của Tình Yêu và Lòng thương xót của Thiên Chúa.

Là Hình ảnh, là Hiện thân Tình Yêu và Lòng thương xót của Thiên Chúa, vì vậy, theo nguyên nghĩa, trong tương quan với Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu Kitô là Thừa tác viên nguyên thủy(Minister) của Tình Yêu và Lòng thương xót của Thiên Chúa trong tương quan với các thụ tạo, đặc biệt, loài người, vì nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Benedicto XVI, thừa tác viên là kẻ thừa hành phục vụ và quản lý Lòng thương xót của Thiên Chúa Cha.

Là Thân Mình của Chúa Giêsu Kitô, Hội Thánh Kitô, hiểu theo nghĩa cộng đoàn cũng như từng cá nhân, hay nói cách cụ thể, tất cả mọi kitô hữu, không phân biệt là giáo dân hay giáo sĩ, người có chức thánh hay không có chức thánh đều là những thừa tác viên (ministri) của Tình Yêu và Lòng thương xót của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, bởi vì chẳng một ai được miễn chước về trách nhiệm yêu thương…

Ngoài ra, cách riêng, sự tha tội, vốn là một trong những biểu hiện của lòng thương xót của Thiên Chúa, và vốn thuộc thẩm quyền duy chỉ của Thiên Chúa (Mc 2,7b.10); vì thế, chỉ các linh mục, những con người đã được Chúa Giêsu Kitô nhận là Mình (appropriation) mới có được quyền này (attribution), tức là mới là thừa tác viên chính thức của Lòng thương xót trong Bí tích Giao Hòa…

Đó là những nội dung mà chúng tôi sẽ mạo muội giải bày dưới đây:

1/. Chúa Giêsu Kitô, hiện thân, hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa là Thừa tác viên (Minister)của lòng thương xót của Thiên Chúa;

2/.Hội Thánh Kitô, Thân Mình của Chúa Giêsu Kitô(trong tư cách cộng đoàn cũng như cá nhân) là thừa tác viên (minister) của lòng thương xót;

3/. Linh mục, cách riêng, qua việc tha tội, là thừa tác viên chính của lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Bí tích Giao Hòa.

I. CHÚA GIÊSU KITÔ: THỪA TÁC VIÊN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

Trong Tông thư Misericordiae vultus, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Thông qua lời, các cử chỉ và toàn bộ con người của Ngài, Chúa Giêsu Nadarét mặc khải cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa”.[2]

Điều đó có nghĩa, Chúa Giêsu Kitô không chỉ là hình ảnh và hiện thân trên cơ sở lời nói, hành vi mà còn trên cơ sở bản tính, bản thể, yếu tính: “Nếu Ta không làm các việc của Cha Ta, các ngươi đừng tin Ta! Còn nếu Ta làm, cho đi các ngươi không tin chính mình Ta, thì hãy tin vào các việc ấy, ngõ hầu các ngươi biết và cầm chắc luôn rằng: Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha” (Ga 10, 37); hoặc “Ta và Cha là một” (Ga 10, 30).

1. Trong tương quan với Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô là Thừa tác viên mô mẫu của Lòng thương xót

Là Thừa tác viên (Minister), tức là người thừa hành phục vụ và quản lý, chứ không phải là chủ của lòng thương xót, Chúa Giêsu Kitô là Đấng nhận từ Chúa Cha thừa tác vụ đó.

Là Thừa tác viên của lời, Chúa Giêsu Kitô không nói lời của mình mà chỉ nói lời của Cha: “Ta có nhiều điều phải nói lên và xét xử về các ngươi! Nhưng Đấng sai Ta là Đấng chân thật, và điều gì Ta đã nghe nơi Người, Ta nói ra cho thế gian” (Ga 8,26; x. Ga 8,27; Ga 14,10).

Là Thừa tác viên của hành động, Chúa Giêsu Kitô chỉ làm những gì mà Ngài đã thấy Cha làm: “Phần Ta, Ta có chứng lớn hơn là chứng của Gioan: vì các việc Cha đã ban cho Ta để Ta chu toàn, chính các việc Ta làm đó chứng thực cho Ta là Cha đã sai Ta” (Ga 5,36; x. Ga 10,25).

Là Thừa tác viên của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu Kitô phản ảnh cách toàn hảo dung mạo của Thiên Chúa Ba Ngôi: “Ai thấy Ta là thấy Cha” (Ga 14,9b; 12,45; 8,9; 10,30).[3]

Người ta sẽ khám phá ra những điều đó khi nghiên cứu những lời nói, hành động của Chúa Giêsu Kitô khi tiếp xúc với con người.

2. Trong tương quan với Hội Thánh, Thân Mình của Người, Chúa Giêsu Kitô vẫn là Thừa tác viên của lòng thương xót của Chúa Cha

Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái gọi Chúa Giêsu là “Vị Thượng Tế giàu lòng thương xót” (Dt 2,17). Hạn từ “misericordia” được dịch sang Việt ngữ với nhiều từ ngữ tương đương: thương xót, từ bi, lân tuất, trắc ẩn, khoan nhân, nhân hậu, nhân từ, bao dung và hay tha thứ,…

a. Đối tượng của lòng thương xót

 Nói chung, đối tượng của lòng thương xót là tất cả mọi thụ tạo, mọi người, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa vốn là một thứ tình yêu nhưng không, tức là vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên:

- “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và được nhận biết sự thật” (1Tm 2,4).

- “Và mọi xác phàm sẽ thấy sự cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,6).

Tuy nhiên, cũng như mọi lịch sử, lịch sử giao ước giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người và Thiên Chúa, lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, do tự do của cả Thiên Chúa và của cả con người, cũng mang trong mình những chọn lựa, những khúc quanh, những thời kỳ và những thăng trầm của nó…Thật vậy, trong những tương quan hằng ngày của mình, Chúa Giêsu có một sự quan tâm đặc biệt đối với những hạng người vốn thường bị những người giàu có, quyền thế, tự xưng mình là “công chính”, trong xã hội cũng như trong tôn giáo, xem thường, coi khinh và bị gạt ra bên lề xã hội, bị loại trừ…, đó là:

– Những người nghèo: “Thần Khí Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đi đem tin mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đày, cho người đui mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được giải oan” (Lc 4,18; x. 7,22).

– Những người tội lỗi: “… Con Người đến, cũng ăn cũng uống, thì các ngươi nói: ‘Kìa con người mê ăn, chè chén, bạn bè với quân thu thuế và tội lỗi’” (Lc 7,34; 5,27.30; 15,1tt; 19,7; 7,36-49; Ga 8,1-11).

– Các phụ nữ: “…Nhằm lúc đó, môn đồ của Chúa Giêsu đã về. Họ ngạc nhiên thấy Ngài ngõ lời với phụ nữ” (Ga 4,27; x. 8,10-11; Lc 8,1-3).

– Các trẻ em: “…Nhưng, Chúa Giêsu nói: ‘Hãy để mặc các trẻ, và đừng ngăn cản chúng đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những người như thế’. Rồi Ngài đặt tay cho chúng, đoạn ra đi khỏi đó” (Mt 19,14-15; x. Mc 10,17-22; Lc 18,18-23).

– Những người ngoại quốc: “Khi Chúa Giêsu vào Caphanaum, thì một viên bách quản đến gặp Ngài, van xin: ‘Thưa Ngài, tên hầu của tôi nằm liệt bất toại ở nhà, phải đau đớn dữ dằn’. Ngài nói: ‘Ta phải đến chữa nó’!” (Mt 8,5-7; x. Lc 7,1-10).

– Những người bị bệnh phong cùi mà thời đó người ta cho là rất nguy hiểm vì dễ lây nhiễm nên cần phải xa tránh: “Lần kia, Chúa Giêsu ở trong một thành, thì nầy: một người mình đầy phong hủi, vừa thấy Chúa Giêsu, thì sấp mặt xuống đất mà xin Ngài rằng: ‘Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch!’. Và giơ tay Ngài đụng đến người ấy mà rằng: ‘Ta muốn hãy nên sạch!’. Và ngay đó phung hủi đã biến khỏi người ấy” (Lc 5,12-13; x. Lc 17,12-14)

b. Những lời mặc khải lòng thương xót

Trong suốt những ngày tháng cuộc đời “công khai”, Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho thấy Người không bao giờ ngơi nghỉ công việc rao giảng về Thiên Chúa, về tình yêu và về lòng thương xót của Thiên Chúa qua chứng tá của chính Người (Lc 4, 42-44; Mc 1, 35-39): Người đã sử dụng tất cả mọi cơ hội, mọi tiếp xúc với tha nhân để làm chứng về Thiên Chúa, về Nước Thiên Chúa, về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa và về chính Người, và đặc biệt khả năng “nâng tầm” câu truyện của Người ngay dù khởi đi từ những thực tại rất đỗi bình thường và tầm thường, thí dụ, trong buổi gặp gỡ của Người với ông Nicôđêmô (Ga 3, 1-21), với người phụ nữ samari bên bờ giếng Giacóp (Ga 4, 5-42)… Thật vậy, với tài năng kể chuyện tuyệt vời (thí dụ, các dụ ngôn về Nước Thiên Chúa), qua những cái bình thường, thậm chí tầm thường của cuộc sống, Người giúp con người nhìn thấy cái phi thường, nâng cao lên tới những chiều kích cao siêu (thí dụ, từ nước uống bình thường, lương thực bình thường, giúp con người nâng lên chiều kích nước và bánh hằng sống)…

– Những lời mang lại niềm vui, bình an và ơn cứu độ: “Chúa Giêsu nói: ‘Giakêu, xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại nhà ngươi’… ‘Hôm nay, ơn cứu rỗi đã đến cho nhà nầy, bởi chưng người nầy cũng là con cái của Ápraham. Vì Con Người đã đến để tìm cứu sự đã hư đi’”. (Lc 19, 5b. 9-10); “…Chúa Giêsu nói: ‘Ta cũng không xử tội chị đâu! Đi đi! Và từ nay đừng phạm tội nữa’!” (Ga 8, 11b; x. MV 13).

– Những lời mang lại niềm an ủi, niềm tin và hy vọng: “Chúa Giêsu mở miệng dạy họ rằng: ‘Phúc cho những người có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ…Phúc cho những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ’…” (Mt 5, 2-10); “Thấy bà ấy [bà goá thành Naim], Chúa chạnh lòng thương và nói với bà: ‘Thôi! Đừng khóc nữa!’”. (Lc 7, 13; x. MV 03).

– Những lời giúp đánh tan niềm thất vọng và lấy lại niềm hăng say thuở ban đầu: “Và hai môn đệ nói cùng nhau: ‘Lòng chúng ta đã không cháy bừng bừng, lúc dọc đàng Ngài ngỏ lời với ta, và giải nghĩa Kinh Thánh cho ta đó sao’?” (Lc 24, 32)…

c. Những hành vi mặc khải lòng thương xót

Tất cả các tiếp xúc, các phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu Kitô đều không ngoài mục đích làm chứng cho tình yêu nhưng không và lòng thương xót của Thiên Chúa, qua Người… Toàn bộ cuộc sống và kể cả cái chết của Người cũng đều là những chứng tá cụ thể về tình yêu và lòng thương xót…

– Các tiếp xúc:

 Những đối tượng mà phần đông các kinh sư, luật sĩ, tư tế, biệt phái…, vì những quan niệm sai lầm, loại trừ không hay ít tiếp xúc thì Chúa Giêsu lại hay thường tiếp xúc với họ, vì thế, Người bị đám người nầy chụp cho cái mũ là “hay giao du bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Lc 7, 34), bởi vì nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô, “động cơ tận cùng và tối cao của hành vi Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta đó là lòng thương xót” (MV 02).

Những gặp gỡ của Chúa Giêsu Kitô với con người vì thế luôn mang đặc tính tích cực, xây dựng (Ga 3, 1-21; 4, 5-42), luôn mang lại niềm an ủi, sự tha thứ, sự chữa lành, sự tác thánh, niềm vui, bình an và niềm hy vọng (Lc 19, 1-10; MV 03, 13).

– Các hành vi chữa lành:

Rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền, tinh thần cũng như thể xác, có vẻ như là hai nội dung chủ yếu trong cuộc đời hoạt động của Chúa Giêsu (Mc 1, 38-39; 1, 32-34; xt. 3, 13-15) và cả hai đều mặc khải cho thấy cách cụ thể lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Người.

“Chúa Giêsu nói với họ: ‘…Ví bằng Ta nhờ Thần khí Thiên Chúa mà trừ quỉ, thì quả thật Nước Thiên Chúa đã đến trên các ngươi’”. (Mt 12, 28; Lc 11, 20).

“Trong tù, Gioan nghe biết các việc Chúa Kitô làm, thì nhờ môn đồ ông nhắn nói với Người: ‘Có phải Người là Đấng sẽ đến, hay chúng tôi phải đợi người khác?’ Chúa Giêsu đáp lại và bảo họ: ‘Các ông hãy đi tin lại cho Gioan mọi điều tai nghe mắt thấy: Mù được sáng mắt và què được đi, phung hủi được sạch, và điếc được nghe cùng kẻ chết sống lại, và người nghèo khó được nghe báo Tin Mừng’”. (Mt 10, 2-5; xt. Lc 7, 18-22).

II. HỘI THÁNH: THÂN MÌNH CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ THỪA TÁC VIÊN (MINISTER) CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA QUA CHÚA GIÊSU KITÔ

“Ngước mắt nhìn môn đồ của mình, Chúa Giêsu nói: ‘…Hãy có lòng thương xót như Cha anh em Đấng vẫn hằng giàu lòng thương xót”. (Lc 6, 20.36).

Đó không chỉ là lời mời gọi suông mà còn là một sứ mạng làm nên căn tính Kitô của Hội Thánh:

Hội Thánh, với trái tim mang nhịp đập của Tin Mừng, có sứ mạng loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, làm sao để lòng thương xót nầy thấu đạt đến được trái tim và lòng trí của tất cả mọi người. Là vị Hôn Thê của Chúa Kitô, Hội Thánh chọn lựa cho mình thái độ giống như Con Thiên Chúa, Đấng vẫn hằng đến gặp gỡ tất cả mọi người, không loại trừ ai. Hội Thánh trong thời đại chúng ta đang sống vốn đang dấn thân vào nỗ lực Phúc Âm hoá mới, đề tài lòng thương xót vì thế phải được trình bày với một thứ nhiệt tình mới và thông qua một nỗ lực mục vụ đã được canh tân đổi mới. Để Hội Thánh có thể sống còn và để nỗ lực loan báo của Hội Thánh trở nên khả tín, điều mang tính quyết định đó là chính Hội Thánh phải sống và phải làm chứng lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành vi của Hội Thánh phải chuyển tải được lòng thương xót để có thể thấm nhập vào sâu trong trái tim con người và khơi gợi giúp họ tìm ra được con đường trở về với Cha (MV 12).

Như vậy, cũng như Chúa Giêsu Kitô, sứ mạng chính yếu của Hội Thánh là loan báo và làm chứng cho tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa qua lời nói, hành vi và chính cả con người của mình.

Hội Thánh sống sứ mạng nầy trong tư cách phục vụ và trung gian của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa (MV 12), hay nói cách khác, trong tư cách thừa tác viên (minister) của lòng thương xót, điều mà chính Chúa Giêsu Kitô đã sống trong tương quan với Thiên Chúa Cha, như đã được phân tích trên đây.

Thật vậy, cũng như trong tương quan với Chúa Cha, Chúa Giêsu Kitô là thừa tác viên của lòng thương xót của Ngài, cũng vậy, trong tương quan với Chúa Giêsu Kitô, Hội Thánh cũng là thừa tác viên của lòng thương xót của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Điều đó có nghĩa là mọi lời nói, hành vi và cả đời sống của Hội Thánh (theo nghĩa tập thể cũng như cá nhân) cũng phải làm sao mặc khải cho được lòng thương xót của Người, đến nỗi “nơi nào Hội Thánh hiện diện, ở đấy lòng thương xót của Chúa Cha phải được tỏ bày” (MV 12).

1.  Hội Thánh và Lời thương xót của Thiên Chúa

Để lời của mình mặc khải được lòng thương xót của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, vấn đề trước tiên phải làm đó là Hội Thánh phải biết lắng nghe Lời Thiên Chúa:

Để có thể có được lòng thương xót, điều trước tiên phải làm là chúng ta phải luôn ở trong tư thế lắng nghe Lời Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tái khám phá lại giá trị của sự thinh lặng để suy ngắm Lời vẫn đang ngỏ với chúng ta. Chính khi làm như vậy mà chúng ta mới có thể chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa và mới có thể biến lòng thương xót của Ngài thành phong cách sống của chúng ta (MV 13).

Căn tính thừa tác viên của lời thương xót của Hội Thánh, như vậy, vừa hệ tại việc lắng nghe và nói lời thương xót của Thiên Chúa với nhân loại, vừa hệ tại việc sống chính lời thương xót đó, như Chúa Giêsu Kitô trong tương quan với Chúa Cha và với anh em nhân loại của mình, trong tư cách vừa là tôi tớ vừa là trung gian (MV 12). “Đừng để cho bất cứ một lời hư từ nào vuột ra khỏi môi miệng anh em, nhưng, nếu cần, hãy nói lời gì đó tốt lành, có khả năng xây dựng và mang lại ân sủng cho những người nghe” (Ep 4, 29).

 Đó chính là những lời mang lại niềm vui, sự bình an (MV 13) và ơn cứu độ. Hay nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp Dives in misericordia, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô trích lại trong Tông thư Misericordiae Vultus:

… ‘Hội Thánh thực sự sống sự sống đích thực của mình khi tuyên xưng và loan báo Lòng Thương xót, vốn là thuộc tính diệu kỳ nhất của Đấng Tạo Thành và Cứu Chuộc, và khi Hội Thánh dẫn đưa loài người đến tận nguồn suối của Lòng Thương xót của Đấng Cứu Độ, mà Hội Thánh vốn là nơi lưu giữ và là người phân phối’ (MV 11).

2. Hội Thánh và những hành vi bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa

Khái niệm hành vi vốn có nội hàm rộng hơn khái niệm hành động. Thật vậy, hành vi là sự bày tỏ lòng thương xót đối với tha nhân (các đối tác), có thể hoặc qua lời nói, qua sự lặng thinh, qua cái nhìn, qua nét mặt, qua một số cử chỉ, qua hành động, qua những tiếp xúc, qua những hiện diện và thậm chí có khi qua cả những khiếm diện, qua những tha thứ cũng như qua những kết án, trực tiếp hoặc qua trung gian,v.v…

Đó có lẽ cũng chính là những hành vi của lòng thương xót mà Thiên Chúa đã từng tỏ bày với loài người chúng ta: “Quả thật là đúng đáng khi nói rằng đó là một thứ tình yêu ‘cào xé ruột gan’, vốn xuất phát từ trái tim như một tình cảm sâu đậm, hồn nhiên, vừa dịu êm và cảm thông, vừa khoan dung và hay tha thứ”. (MV 6).

3. Hội Thánh và những hành động của lòng thương xót

Những hành động biểu hiện lòng thương xót của Hội Thánh được thể hiện nơi những tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại, nơi những hành động chữa lành những căn bệnh thể xác cũng như tinh thần, nơi những thực thi bác ái…

Bản vị của Chúa Giêsu chẳng là gì khác hơn ngoài là tình yêu, một thứ tình yêu tự trao ban cách nhưng không. Những tương quan mà Người có với những kẻ đến gần Người vốn là một cái gì đó trước sau như một và có một không hai. Những dấu chỉ mà Người hoàn tất, nhất là đối với những người tội lỗi, những người nghèo, những người bị loại trừ, những người bệnh tất ốm đau và những người đau khổ, đều mang dấu ấn của lòng thương xót. Mọi sự nơi Người đều nói về lòng thương xót. Chẳng có gì nơi Người mà lại thiếu sự cảm thông (MV 8).

a. Nơi những tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại

Cũng như Thầy mình, Chúa Giêsu Kitô, Hội Thánh cũng phải đi đến với tất cả mọi người, không phân biệt: “Là vị Hôn thê của Chúa Kitô, Hội Thánh phải coi thái độ của Con Thiên Chúa như là của mình, đó là phải đi đến gặp gỡ với tất cả mọi người, không loại trừ ai cả”. (MV 12).

b. Nơi những hành động thực thi bác ái và chữa lành

Các Sách Tin Mừng đều cho chúng ta thấy loan báo Tin Mừng, thực thi bác ái và chữa lành các bệnh hoạn tất nguyền là những khâu chính và quan trọng trong những “công việc” của Chúa Giêsu tại thế (Lc 4, 18; xt. 7, 22).

Lại chẳng phải là vẫn còn biết bao hoàn cảnh bấp bênh tạm bợ và đầy khổ đau trong thế giới ngày nay đấy hay sao! Lại chẳng phải là vẫn còn biết bao thương tích vẫn đang hằn in trong thân xác của những con người vốn chẳng còn tiếng nói nữa bởi vì tiếng kêu của họ đã loãng tan ra không và không còn ai nghe được nữa do sự vô tâm hờ hững của những dân tộc giàu có! Trong suốt Năm thánh hồng phúc nầy, Hội Thánh sẽ còn được mời gọi hơn nữa để chăm sóc cho những thứ vết thương đó, để xoa dịu các vết thương đó bằng thứ dầu an ủi, để băng bó chúng bằng lòng thương xót và chăm sóc chúng bằng tình liên đới và sự quan tâm (MV 15).

III. LINH MỤC, CÁCH RIÊNG, QUA VIỆC THA TỘI, LÀ THỪA TÁC VIÊN CHÍNH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT THIÊN CHÚA NƠI BÍ TÍCH GIAO HÒA

Có thể nói rằng có lẽ trong toàn bộ Thánh Kinh (Cựu Ước cũng như Tân Ước), không có đoạn văn nào phản ảnh được cách hoàn chỉnh nhất và tuyệt vời nhất về nội hàm ý nghĩa của Bí tích Giao Hòa cho bằng đoạn văn Lc 15, 11-32 ghi lại dụ ngôn của Chúa Giêsu về “Tình phụ tử”.

Thật vậy, qua dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta thấy tất cả mọi yếu tố liên quan đến Bí tích Giao Hòa:

– Các nhân vật liên hệ đến Bí tích Giao Hòa;

– Hiệu quả của Bí tích Giao Hòa;

– Bản chất của tội lỗi;

– Linh mục, thừa tác viên đặc biệt của lòng thương xót, qua Bí tích Giao Hòa.

1. Các nhân vật liên hệ đến Bí tích Giao Hòa

a. Hối nhân - Người con “hoang đàng”

Người con hoang đàng chỉ cảm thấy nhu cầu cần phải trở về nhà của cha mình sau khi, một đàng, nhận ra sai trái của mình khi cho rằng tiền của và sự tự do phóng túng sẽ dẫn đưa người ta đến hạnh phúc và tự do đích thực, nhưng trên thực tế chỉ dẫn đưa người ta đến đáy sâu của vực thẳm bất hạnh và nô lệ (MV 19); đàng khác, sau khi nhận ra rằng không nơi nào hạnh phúc cho bằng nhà của cha mình và chẳng ai yêu thương và tôn trọng mình cho bằng cha của mình (Lc 15, 17-18).

b. Người cha

Vừa là hình ảnh của tác viên vừa là hình ảnh của thừa tác viên chính và trực tiếp của Bí tích Giao Hòa. Đối với người cha trong dụ ngôn, những mất mát của cải vật chất, những xúc phạm trong quá khứ chẳng còn là gì cả, điều duy nhất ông muốn đó là đứa con hư hỏng quay trở về với ông, về với cha của mình và về với “nhà” của mình (Lc 15, 21.32). Từ ngày đứa con hư hỏng bước chân ra đi, có lẽ hầu như ngày nào ông cũng tựa cửa ngóng trông con quay trở về, vì thế khi đứa con vừa mới xuất hiện ở đàng xa, “chạnh lòng thương”, ông đã chạy ra ôm lấy con đón mừng (Lc 15, 20).

c. Người con cả

Thừa tác viên phụ của Bí tích Giao Hòa. Thần học về Bí tích Giao Hòa trong Giáo hội hình như ít quan tâm đến nhân vật người con cả này. Tuy nhiên, không phải vô cớ mà Chúa Giêsu trong câu truyện kể của mình xem ra coi trọng vai trò của nhân vật này, bởi vì môi trường “nhà Cha” không chỉ là quan hệ phụ tử mà còn bao gồm luôn cả những quan hệ huynh đệ nữa.

 Thái độ của người con cả trong câu truyện trở về của người em không chỉ phản ảnh thái độ của những người Biệt phái không có lòng thương xót thời Chúa Giêsu (Lc 15, 1-3), mà còn phản ảnh thái độ của nhiều người mọi nơi và mọi thời, chẳng những không muốn em trở về, không muốn giúp em sau khi trở về hoà nhập lại với cộng đoàn “nhà Cha”, mà còn tìm cách chống đối, phá đám, phải chăng vì sợ ảnh hưởng đến những quyền lợi cá nhân của mình (Lc 15, 28-30)!

Sự hiện diện của nhân vật người con cả trong dụ ngôn cho thấy tầm quan trọng của vị trí và vai trò của cộng đoàn kitô hữu nói chung, chứ không riêng gì những người có chức thánh, trong cung cách thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa đối với anh chị em hối nhân…

Sự lãng quên nhân vật người con cả, thừa tác viên phụ của Bí tích Giao Hòa, suốt hằng bao nhiêu thế kỷ, đã để lại những hệ lụy đáng tiếc trong thần học cũng như trong những thực hành mục vụ liên quan đến Bí tích này:

- i) Kéo theo sự lãng quên tính liên đới của tội lỗi (coi tội lỗi như chỉ là sự xúc phạm đến hoặc chỉ Thiên Chúa, hoặc chỉ con người!);

- ii) Lãng quên tính cộng đoàn, tính Hội Thánh của Bí tích này (coi Bí tích Giao Hòa như chỉ là công việc liên quan đến cá nhân hối nhân và linh mục giải tội mà thôi và thường chấm dứt ngay ở nơi toà giải tội!);

- iii) Kéo theo ngộ nhận khá phổ biến và hết sức tai hại là cho rằng chỉ những người có chức thánh mới là những thừa tác viên của lòng thương xót của Thiên Chúa, còn tín hữu không có chức thánh thì thôi!

2. Hiệu quả của Bí tích Giao Hòa

Qua dụ ngôn “Tình phụ tử”, Chúa Giêsu cho thấy Bí tích Giao Hòa có hai hiệu quả: a) hiệu quả chính mang màu sắc tích cực: phục hồi tư cách là con và quyền thừa kế (Lc 15, 22); b) hiệu quả phụ mang màu sắc tiêu cực: được tha thứ mọi lỗi lầm đã phạm (Lc 15, 23-24.32).

a. Hiệu quả chính mang màu sắc tích cực

Trong khi thần học Công giáo khi đề cập đến hiệu quả của Bí tích Giao Hòa, nói chung, thường chỉ lưu ý đến hiệu quả phụ mang màu sắc tiêu cực là được tha tội mà thôi, thì trong dụ ngôn “Tình phụ tử” điều mà Chúa Giêsu muốn làm nổi rõ và đề cao lại là hiệu quả chính mang màu sắc tích cực, đó là việc phục hồi tư cách là con và quyền thừa kế của hối nhân: “Nhưng cha nó đã nói cùng tôi tớ: ‘Mau mau! Đem áo thượng hạng mà mặc cho nó, hãy xỏ nhẫn vào tay nó và giày vào chân nó’!” (Lc 15, 22).

Việc trở về của người con hoang trong khi đối với người cha là cái cớ để vui mừng, để yến tiệc (Lc 15, 23.24.27.32; 15, 7) thì đối với người con cả lại trở thành nguy cơ, vì anh cho rằng tình yêu của cha đối với anh ta, số tài sản còn lại của cha mà anh nghĩ sẽ hoàn toàn thuộc về mình sẽ bị sẻ chia cho người em (Lc 15, 28-30)!

Cũng như sự lãng quên nhân vật người con cả như vừa mới được đề cập trên đây, sự lãng quên những hiệu quả chính mang màu sắc tích cực nầy đã để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc trong thần học cũng như trong những thực hành mục vụ liên quan đến Bí tích Giao Hòa: a) sự lẫn lộn và thiếu chính xác trong tên gọi Bí tích nầy (trước đây có khi được gọi là Bí tích Cáo giải, Bí tích Giải tội, Bí tích Tha tội…); b) thiếu những săn sóc mục vụ trước và sau Bí tích nầy (xưng tội xong là đường ai nấy đi!); c) tập chú quá nhiều vào số lượng hối nhân mà ít quan tâm vấn đề chất lượng; d) đặc tính vô danh trong tương quan giữa hối nhân và linh mục ngồi toà (hối nhân thường tìm cách giấu diếm để vị linh mục không biết mình là ai!)…

b. Hiệu quả phụ mang màu sắc tiêu cực

Trong dụ ngôn “Tình phụ tử” của Chúa Giêsu, hiệu quả phụ “được tha thứ” không được đề cập đến cách trực tiếp, mà được thể hiện nơi thái độ vui mừng của người cha khi thấy đứa con tội lỗi quay trở về nhà. Lời thú tội của đứa con hoang đàng, đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng trước với giọng điệu của một diễn từ (Lc 15, 18-19), đã bị người cha ngắt ngang không muốn nghe tiếp:

… Nó còn ở đàng xa, thì cha nó đã thấy nó, và ông chạnh lòng thương: chạy lại, ông bá lấy cổ nó mà hôn lấy hôn để. Người con mới nói với ông: ‘Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với Trời và trước mặt cha, con không đáng gọi là con cha nữa!’ Nhưng cha nó đã nói cùng tôi tớ: ‘Mau mau! Đem áo thượng hạng mà mặc cho nó, hãy xỏ nhẫn vào tay nó và giày vào chân nó; rồi đem bò tơ nẫy mà hạ đi! Ta phải ăn khao mới được, vì con ta đây đã chết mà lại hoàn sinh, đã mất đi mà lại tìm thấy được’. Và người ta mở tiệc ăn khao. (Lc 15, 20-24).

Việc cách phiến diện chỉ tập chú vào hiệu quả phụ mang màu sắc tiêu cực (“được tha tội”) mà xem nhẹ hoặc lãng quên hiệu quả chính mang màu sắc tích cực là “được trở thành con Thiên Chúa” (trong Bí tích Thánh tẩy) và “được phục hồi tư cách con Thiên Chúa” (trong Bí tích Giao Hòa) cho người ta có cảm tưởng hình như khuynh hướng thần học công giáo nói chung bị ám ảnh quá nhiều bởi mặc cảm tội lỗi hơn là quan tâm đến những tương quan tình yêu giữa con người và Thiên Chúa và ngược lại, đó là tình phụ tử!

Những ám ảnh quá đáng về mặc cảm tội lỗi nầy, một đàng, đã dẫn đưa thần học cổ điển đến nguy cơ có thể cho người ta có cảm tưởng giả như con người không phạm tội có lẽ Thiên Chúa đã chẳng đến trần gian làm gì (!); đàng khác, trong Bí tích Giao Hòa, tương quan giữa vị linh mục và hối nhân, chỉ còn là tương quan giữa vị quan toà xét xử và phạm nhân, hơn là tương quan giữa cha và con!

3. Bản chất của tội lỗi

Lc 15, 21 cho thấy tội lỗi là hành vi qua đó con người tự đặt mình vào trong tình trạng mà mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa và với tha nhân bị bẻ gãy hay đổ vỡ: “Người con út nói với cha: ‘Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với Trời và chống lại cha, con không còn đáng được gọi là con cha nữa’!” (Lc 15, 21; xt. St 3, 1-24).

Sở dĩ thế, bởi vì tội lỗi là hành vi chống lại tình yêu, tức là chống lại Thiên Chúa và loài người, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 8.16), và con người là hình ảnh của Thiên Chúa (St 1, 26-27), và là con Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô (Gl 3, 26; Rm 8, 14)…

Đó chính là cơ sở vừa của tính liên đới của tội lỗi (1 Cr 15, 22), vừa của quyền tha tội mà chỉ Thiên Chúa mới có (Mc 2, 7b.10), bởi vì tội trước tiên là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, vốn là Tình Yêu, và nếu đã xúc phạm đến Thiên Chúa thì chỉ có Thiên Chúa mới tha thứ được!

4. Linh mục, cách riêng, qua việc tha rội, là thừa tác viên chính của lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Bí tích Giao Hòa

Qua trung gian của Hội Thánh và qua Bí tích Truyền Chức thánh, khi nhận vị lình mục là Mình (appropriation), Chúa Giêsu Kitô đồng thời cũng ban cho vị linh mục quyền tha tội (attribution) như Người (Mc 2, 10).

Khi tha tội cho hối nhân, vị linh mục hành xử vừa trong tư cách là Chúa Giêsu, vừa trong tư cách một hối nhân đang đi tìm kiếm sự tha thứ cho chính mình. Trong tư cách Chúa Giêsu, ngài sẽ phải làm sao để những lời nói, hành vi và cả con người của ngài phản ảnh được lòng thương xót của Thiên Chúa (Lc 6, 36). Trong tư cách một hối nhân đang đi tìm kiếm sự tha thứ cho chính mình, khi tha thứ cho hối nhân, ngài sẽ không hành xử như một vị quan toà tuyên án tha một phạm nhân, mà như một người cha giàu lòng thương xót vui mừng đón người con hoang trở về:

Tôi sẽ không bao giờ ngừng nhấn mạnh điều nầy là các linh mục thừa tác viên của Bí tích Giao Hòa phải là dấu chỉ đích thực của Lòng thương xót của Cha. Người ta chẳng ai khi không bỗng nhiên trở thành thừa tác viên của Bí tích Giao Hòa được. Để trở nên thừa tác viên của Bí tích Giao Hòa trước tiên người ta phải ở trong tư thế một hối nhân đang tìm kiếm sự tha thứ. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng là thừa tác viên của Bí tích Giao Hòa tức là tham dự vào sứ mạng của Chúa Giêsu là dấu chỉ cụ thể cho thấy tinh yêu tha thứ và cứu độ của Thiên Chúa vẫn còn đang tiếp tục. Mỗi người trong chúng ta ai cũng đều đã nhận được ân huệ Chúa Thánh Thần để ban ơn tha tội, chúng ta phải có trách nhiệm đối với ân huệ nầy. Không ai trong chúng ta là chủ nhân của Bí tích nầy cả, mà chỉ là người đầy tớ trung thành cho ơn tha thứ của Thiên Chúa. Mỗi thừa tác viên của Bí tích Giao Hòa phải đón tiếp các tín hữu như người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng: đó là một người cha hăm hở chạy ra đón đứa con hoang đàng trở về dù vẫn biết rằng anh ta đã phung phá hết tất cả tài sản của mình. Các thừa tác viên của Bí tích Giao Hòa được mời gọi ôm siết chặt vào lòng đứa con hoang đàng quay trở về nhà nầy, và tỏ bày niềm vui vì đã tìm gặp lại được đứa con nầy. Các ngài lại càng cần phải luôn quan tâm đi về phía đứa con khác vẫn đang còn ở ngoài kia và đang không thể có được tâm trạng mừng vui, để giúp anh ta hiểu rằng xét đoán của anh ta nghiêm khắc và bất công, và chẳng có ý nghĩa gì cả so với lòng thương xót vốn không có giới hạn của Cha. Các thừa tác viên của Bí tích Giao Hòa sẽ không đặt những câu hỏi lạc lõng ngớ ngẫn, nhưng như người cha của dụ ngôn, các ngài sẽ ngắt ngay bài diễn văn soạn sẵn của đứa con hoang đàng, bởi vì các ngài đã có thể đọc ngay ra được từ nơi trái tim của hối nhân lời kêu cầu cần được giúp đỡ và lời cầu xin được tha thứ. Tóm lại, các thừa tác viên của Bí tích Giao Hòa, luôn luôn, khắp mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, đều được mời gọi để trở nên dấu chỉ ưu tiên số một của lòng thương xót. (MV 17; xt. Bài giảng ngày 30.10.2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô tại nguyện đường Thánh nữ Marta).

Tóm lại, các thừa tác viên của lòng thương xót của Thiên Chúa, trước tiên, là Chúa Giêsu Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người; thứ đến, là Hội Thánh, Thân Mình của Chúa Giêsu Kitô, hiểu theo nghĩa cộng đoàn cũng như cá nhân, và sau cùng, là các linh mục, cách riêng qua Bí tích Giao Hòa…


[1] “Hesed”  “Rachamim”trong ngôn ngữ Hipri; “Éleos”, “Splanchna” “Oiktirmos”trong tiếng Hy Lạp; và “Misericordia”trong tiếng Latin vốn được dịch ra qua Việt ngữ là: từ bi, từ ái, từ thiện, nhân hậu, nhân từ, tình thương, trắc ẩn, lân tuất,.v.v...

[2] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông thư Misericordiae Vultus (Khuôn mặt xót thương), Ngày 11-04-2015, số 1.

[3] x. Ibid., số 2.

 

 


Năm Thánh Lòng Thương Xót