LỜI NGUYỆN CHO MỌI TÍN HỮU

(LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN)

 

Ý NGHĨA VÀ CÁCH SOẠN THẢO

 

Lm. Ant Nguyễn Đức Khiết

 

NHẬP ĐỀ

Phong trào trở về nguồn Kitô Giáo là một trong những nét đẹp và phong phú của thần học ngày nay. Việc trở về với Giáo Hội thuở ban đầu hay Giáo Hội của các Giáo Phụ đã đóng góp rất nhiều cho sự đổi mới trên bình diện thần học, phụng vụ trước và sau Công Ðồng Vaticanô II và hiện nay nó đóng một vai trò chính yếu trong cuộc đối thoại đại kết.

Để cho Hy tế Thánh Lễ, ngay cả nghi thức bên ngoài thu đạt được hiệu năng mục vụ trọn vẹn, Công Đồng Vatican II đã đưa ra những chỉ thị canh tân về Thánh Lễ cử hành có dân chúng tham dự, nhất là vào những ngày Chúa Nhật và Lễ trọng [1] ; trong số những chỉ thị đó có chỉ thị “phải tái lập Lời nguyện cho mọi người”, Công Đồng viết :

Phải tái lập “Lời nguyện chung”(prière universelle) hay “Lời nguyện tín hữu”(prière des fidèles) sau Phúc âm và bài diễn giảng Thánh Kinh, nhất là vào các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, để với sự tham gia của toàn dân, người ta cầu khẩn cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những người gặp khó khăn khác nhau, cho mọi người và cho toàn thế giới được ơn cứu độ[2].

Như vậy, khi chúng ta nói đên Lời nguyện cho mọi người (Lời nguyện chung, Prière universelle) hay Lời nguyện tín hữu (Prière des fidèles) thì điều đầu tiên chúng ta nhận xét đó là Công Đồng Vatican II đã không tạo ra một điều gì mới, nhưng chỉ kêu mời hãy tái lập một thói quen thịnh hành trong Giáo Hội cổ xưa mỗi khi cử hành Thánh Lễ mà cho tới thời điểm của Công Đồng đã bị mai một theo dòng thời gian.

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa, các vai trò trong cơ cấu lời nguyện chung, đặc biệt là cách soạn thảo và tầm quan trọng mục vụ của lời nguyện này.

I. LỜi nguyỆn cho mỌi ngưỜi : mỘt truyỀn thỐng nhiỀu ý nghĩa

Trở về với Giáo Hội cổ thời, chúng ta thấy thánh Justinô là giáo phụ để lại chứng từ đầu tiên về Diễn tiến cử hành Thánh Lễ trong tác phẩm “Hộ giáo thứ nhất” (I Apologie) viết vào khoảng năm 150. Trong chứng từ này, thánh Justinô mô tả rằng sau khi đọc “Hồi ký của các tông đồ” (Mémoires des apôtres) tức là Phúc Âm [3] và “Sách các ngôn sứ” (Ecrits des prophètes) tức là Cựu Ước, “tất cả chúng tôi đứng dậy, dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa cho chính chúng tôi và cho mọi người trên khắp thế giới để xứng đáng trở thành những người công chính và trung thành tuân giữ lề luật ngay trong cuộc sống, hầu đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu[4].

Thánh Hippôlitô trong tác phẩm “Truyền thống tông đồ” (Tradition apostolique), một tác phẩm tường thuật lại các nghi lễ phụng vụ tại Giáo Hội Rôma vào đầu thế kỷ III đã xem Lời nguyện này là đặc quyền của các tín hữu, bởi vì các tân tòng sau khi rời khỏi giếng rửa tội sẽ được tham dự lần đầu tiên vào lời nguyện cho mọi người. Điều này có nghĩa là các dự tòng phải ra về trước khi Lời nguyện cho mọi người bắt đầu.[5]

Thói quen “cầu nguyện cho mọi người” đã bén rễ sâu trong Giáo Hội của các tông đồ. Thánh Phaolô đã từng khuyên các tin hữu “ hãy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chua và tất cả những nhà cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý” (2 Tm 2,1-4).

Đối chiếu đoạn văn trên đây của thánh Phaolô với đoạn văn của thánh Justinô, chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa và mục đích của lời cầu nguyện cho mọi người là “để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” hay “để xứng đáng trở thành những người công chính và trung thành tuân giữ lề luật ngay trong cuộc sống hầu đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu”.

Lời cầu xin dưới hình thức Kinh Cầu (Litanie) đã rất thịnh hành tại các Giáo Hội Đông Phương, trong khi đó tại Tây Phương lại phát triển một hình thức cầu nguyện bình dân hơn, đó là Lời cầu nguyện của các tin hữu (Prière des fidèles) và hình thức này được phổ biến nhất trong Phụng vụ Rôma. Hình thức này được thấy rõ nơi hai chứng tích : (1) Các lời cầu nguyện trọng thể ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và (2) phần thứ tư của Kinh cầu các thánh, khi mọi người đáp : Xin Chúa nghe cho chúng con.

Việc canh tân của Công Đồng Vatican II cách riêng về Lời nguyện chung đã được giải thích trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma như sau :

Trong lời nguyện cho mọi người, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, một cách nào đó cộng đồng đáp lại Lời Chúa mà họ vừa đón nhận trong đức tin và thực thi chức vụ tư tế do bí tích Thánh Tẩy, họ dâng lên Thiên Chúa lời cầu xin cho mọi người được cứu độ. Lời nguyện này thường nên thực hiện trong các Thánh Lễ có giáo dân tham dự, để cầu cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những người đang gặp đủ thứ khó khăn, cho hết mọi người và cho toàn thế giới được ơn cứu độ[6].

Cầu nguyện cho mọi người và cho toàn thế giới được ơn cứu độ, đó là cách thể hiện đức tin của dân tộc tư tế và cũng là mục đích của lời cầu nguyện chung. Lời nguyện “chung” vừa biểu lộ sự tham gia của toàn thể cộng đoàn phụng vụ vừa nói lên rằng người kitô hữu luôn sống liên đới với mọi người trong cuộc sống thường nhật cũng như trong ơn cứu độ.

Phụng vụ Lời Chúa mang cấu trúc của một Giao ước, nghĩa là của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Dân Ngài. Lời Chúa nói với cộng đoàn, cộng đoàn đáp lại bằng Thánh vịnh đáp ca, Lời Chúa được diễn giảng, suy niệm, rồi Lời Chúa thúc đẩy cộng đoàn cầu nguyện. Như vậy, phần Phụng vụ Lời Chúa sẽ kết thúc thật tốt đẹp và đầy ý nghĩa với lời cầu nguyện chung.

Từ việc trở lại với truyền thống xa xưa của Giáo Hội vào những thế kỷ đầu, chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa của lời nguyện cho mọi người hay lời nguyện tín hữu.

1. Lời nguyện hướng về các thực tại trần thế.

Từ cấu trúc của phần Phụng vụ Lời Chúa, ta thấy Lời nguyện này như kết quả của Lời Chúa tác động trong lòng các tín hữu : được lời Chúa chỉ bảo, lay động và đổi mới, họ dâng lên và cùng nhau cầu nguyện “cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những người đang gặp đủ thứ khó khăn, cho hết mọi người và cho toàn thế giới được ơn cứu độ[7].

Như vậy, lời nguyện cho mọi người mở lòng người tín hữu biết nhìn vào những thực tại cụ thể của thế giới mà họ đang sống, thực tại của kiếp nhân sinh, để nài xin Thiên Chúa nhìn đến những nhu cầu của những người mà họ cùng chia sẻ “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng”[8]. Khi đưa cuộc sống cụ thể vào trong buổi cử hành, lời nguyện chung nói lên sự dấn thân của người tín hữu trong thế giới và nhiệm vụ cụ thể là xây dựng thế giới và Giáo Hội.

2. Lời nguyện thể hiện chức tư tế do Phép Rửa.

Với sắc thái chuyển cầu, lời nguyện cho mọi người thể hiện chức năng tư tế của người Kitô hữu. Qua lời khẩn cầu, cộng đoàn phụng vụ, dù nhỏ bé đến đâu, cũng biểu lộ Giáo Hội, để chu toàn sứ mạng của mình là “bày tỏ và thực hiện mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa đối với mọi người”[9]. Khi dân Chúa cầu nguyện chính là Đức Kitô dùng môi miệng và lòng trí họ mà cầu nguyện. Trong Cựu ước, những lời chuyển cầu của Môsê, Aaron (Xh 17,11 ; 32,11 ; Ds 12,13), của Giêrêmia (15, 14), của Amos (7,1-6) là hình bóng của lời nguyện này.

Trong lời cầu nguyện cho mọi người, cộng đoàn còn diễn tả niềm tin vào mầu nhiệm các thánh thông công. Những người vắng mặt được nhắc đến trong lời nguyện, sẽ trở nên hiện diện một cách nào đó giữa cộng đoàn. Lời nguyện náy là một trong những hành vi bác ái huynh đệ tuyệt hảo nhất, được thực hiện trong đức tin. Bởi vậy, ngày xưa, khi đọc xong lời nguyện này, các tin hữu trao hôn bình an cho nhau.[10]

3. Lời nguyện biểu lộ tình con thảo

Lời nguyện cho mọi người còn biểu lộ tình con thảo của người tín hữu đối với Thiên Chúa là Cha. Ngợi khen, tạ ơn và cầu xin là những việc làm phải đạo của con cái đối với Thiên Chúa. Từ đó, ta thấy Lời nguyện chung không chỉ mang tính khẩn cầu mà còn phải được thực hiện trong bầu khí tạ ơn, ngợi khen và chúc tụng Chúa. Một cộng đoàn Kitô hữu cầu nguyện trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô không bao giờ được quên tâm tình tạ ơn, chúc tụng và ngợi khen.

II. Các vai trò trong cơ cẤu lỜi nguyỆn chung

Lời nguyện cho mọi người là việc làm của cả cộng đoàn ; tất cả cộng đoàn cùng tham gia. Trong cơ cấu của lời nguyện chung, ta thấy có 3 vai trò khác nhau : vai trò của cộng đoàn, của thừa tác viên xướng ý nguyện, của vị chủ tế.

1. Vai trò của cộng đoàn : cầu nguyện

Cầu nguyện là công việc của cộng đoàn. Thường thì sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn đứng biểu lộ lời nguyện của mình hoặc bằng những lời kêu cầu chung sau mỗi ý nguyện được xướng lên, hoặc bằng cách cầu nguyện trong thinh lặng [11] :

a) Cách phổ thông nhất là một lời kêu xin vắn tắt như “xin Chúa nhận lời chúng con”, “xin Chúa nghe lời chúng con”, “xin Chúa dủ tình thương nghe chúng con”, v.v... Lời kêu xin này có thể được đọc hay hát.

b) Nhưng còn có nhiều cách tham dự khác nữa, chẳng hạn một cộng đoàn ít được chuẩn bị để hát hoặc đọc chung có thể tham dự bằng thinh lặng sau mỗi ý nguyện, giống như trường hợp các lời nguyện trọng thể trong Phụng vụ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh.

c) Người ta cũng có thể phối hợp cách tham dự này với cách tham dự trước, nghĩa là dành vài giây thinh lặng sau mỗi ý nguyện, rồi chính người xướng ý nguyện gợi câu tung hô khẩn nguyện của dân chúng bằng một câu vắn tắt mới, ví dụ : chúng ta cùng cầu nguyện

d) Sau cùng, những chỉ dẫn của Thánh Bộ Phượng Tự còn tiên liệu là cộng đoàn có thể đọc chung những bản văn thay đổi, khả năng này giả thiết mỗi người có bản văn trong tay, chẳng hạn, trong phần lời cầu của Phụng Vụ Các Giờ Kinh, cả cộng đoàn có thể đọc vế thứ hai của ý nguyện, trong khi vế thứ nhất vẫn do linh mục hay một thừa tác viên xướng lên.

2. Vai trò của thừa tác viên ý nguyện : xướng các ý nguyện

Việc xướng lên những ý nguyện của lời nguyện cho mọi người trong Thánh Lễ, theo truyền thống xa xưa là việc của thầy phó tế. Đây vẫn là cách làm truyền thống của các Giáo Hội Đông phương. Theo QCTQ của Sách Lễ Rôma 2000 thì thừa tác viên các ý nguyện có thể là phó tế, hoặc một ca viên, hay độc viên hay một giáo dân [12]. Xét theo cách hành văn, ta có thể nói phó tế có vai trò ưu tiên trong việc xướng các ý nguyện.

Nơi để thừa tác viên xướng các ý nguyện là giảng đài, hay một nơi nào khác xứng hợp [13].

Một gợi ý mục vụ cho việc lựa chọn thừa tác viên xướng ý nguyện là ta nên căn cứ vào khả năng phục vụ của người này hơn là “danh dự cá nhân”. Người này phải biết hướng dẫn lời nguyện thế nào để mọi người có thể cầu nguyện thực sự. Như vậy, cần phải có sự chuẩn bị để đọc thế nào cho chính xác về giọng nói, nhịp điệu các ý nguyện và những lúc thinh lặng, kêu mời, ứng đáp.

3. Vai trò của chủ tế : kêu mời và kết thúc

Riêng về lời nguyện cho mọi người trong Thánh lễ, vai trò của vị chủ tế không phải là xướng các ý nguyện, nhưng là kêu mời các tín hữu cầu nguyện và đọc lời nguyện để kết thúc.

Chính vị chủ tế điều khiển lời nguyện chung từ ghế [14]. Điều khiển từ ghế bởi vì ghế của vị chủ sự biểu trưng cho vai trò chủ tọa cộng đoàn.

a. Kêu mời : Bằng một lời mời gọi vắn tắt, vị chủ sự mời gọi cộng đoàn tạ ơn, chúc tụng và cầu xin.

b. Kết thúc : Lời nguyện kết thúc không được thêm ý nguyện mới, cũng không được thêm lời kêu mời thứ hai. Thông thường vị chủ sự chỉ xin Chúa nhận lời cầu nguyện vừa dâng lên.

III. ViỆc soẠn thẢo lỜi nguyỆn cho mỌi ngưỜi

Trước khi soạn thảo Lời nguyện, chúng ta cần lưu ý hai điều quan trọng, đó là chọn lựa hình thức của Lời nguyện và cách thức cộng đoàn tham gia. Nếu lời mời gọi của chủ tế hướng lời cầu nguyện về Chúa Cha thì ý nguyện, điệp khúc của cộng đoàn cũng như lời kết thúc của chủ tế cũng phải hướng về Chúa Cha. Nếu lời mời gọi của chủ tế hướng lời cầu nguyện về Chúa Kitô thi ý nguyện, điệp khúc của cộng đoàn cũng như lời kết thúc của chủ tế cũng phải hướng về Chúa Kitô.

1. Những hình thức truyền thống của lời nguyện chung

a) Hình thức thông thường : hình thức này được Quy Chế Tông Quát Sách Lễ Rôma nói đến, với cơ cấu trước hết là một lời kêu mời cầu nguyện của chủ tế, rồi đến một chuỗi các ý nguyện, lời đáp của cộng đoàn, và sau hết lời kết thúc của chủ tế và lời thưa Amen của cộng đoàn.

b) Hình thức trọng thể : Sách Lễ Rôma có đưa ra một hình thức khác, đó là “các lời nguyện trọng thể” của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh kết hợp lời kêu mời cầu nguyện với việc quỳ gối, đứng dậy, lời nguyện của chủ tế và lời thưa Amen của cộng đoàn.[15]

c) Hình thức trong Kinh Cầu Các Thánh : hình thức này bao gồm một chuỗi những ý nguyện ngắn và điệp khúc của cộng đoàn đáp trả, ví dụ :

X. Xin Chúa cai trị cùng gìn giữ Hội Thánh

Đ. Xin Chúa nghe cho chúng con

X. Xin Chúa gìn giữ Đức giáo hoàng cùng các phẩm trật Hội Thánh trong tinh thần đạo đức

Đ. Xin Chúa nghe cho chúng con

X. Xin Chúa cho các dân tộc được hòa thuận và bình an với nhau

Đ. Xin Chúa nghe cho chúng con

2. Những hình thức khác của lời nguyện chung

a) Hình thức uyển chuyển : Không có gì bắt buộc cộng đoàn phải luôn lập lại câu điệp khúc “Xin Chúa nghe lời chúng con”, thay vào đó, sau những ý nguyện, cộng đoàn có thể cầu nguyện bằng phút thinh lặng hay lập lại mấy lời cuối của ý nguyện, ví dụ “Xin Chúa ban cho các dân tộc được bình an và hạnh phúc” và cộng đòan có thể đáp : “được bình an và hạnh phúc

b) Hình thức tự phát : Trong một số trường hợp, như đối với những nhóm nhỏ, các người tham dự có thể nói lên những ý nguyện của mình một cách bộc phát. Tuy nhiên, cần phải chừng mực, đừng quá nhiều ý nguyện.

c) Hình thức cảm hứng từ Lời Cầu của Giờ Kinh Phụng vụ ban sáng và ban chiều : chúng ta có thể đọc một số ý nguyện có tính phổ quát rồi sau đó đưa ra một số ý nguyện tùy ý trước khi chủ tế kết thúc.

3. Thứ tự những ý nguyện :

Thứ tự những ý nguyện của Lời nguyện cho mọi người trong Thánh Lễ thường như sau [16] :

a) Các nhu cầu của Hội Thánh, ví dụ : sự hiệp nhất các Kitô hữu, ơn bình an, ơn thiên triệu, việc truyền giáo, hay cho đức thánh cha, các giám mục, linh mục, tu sĩ, các dự tòng, v.v...

b) Các người trong chính quyền và cho toàn thế giới, ví dụ : các nhà lãnh đạo, công dân, nghệ sĩ, những người tranh đấu cho công bằng xã hội, chuyên gia, hoà bình, tự do, mùa màng, phát triển, các vấn đề xã hội, vv.

c) Các người đang gặp bất cứ khó khăn nào, ví dụ : những người đau yếu, thất nghiệp, bị bỏ rơi, tuổi già, hoặc những người thất vọng, đau khổ trong tâm hồn, vv.

d) Cộng đoàn địa phương, ví dụ những người sắp kết hôn, rửa tội, thêm sức, các bệnh nhân, những người qua đời, vv.

Khi nói đến “thường” thì chúng ta đừng nghĩ rằng lời nguyện chung chỉ có 4 ý nguyện. Nếu đọc lời nguyện cho mọi người trong Thánh Lễ hoặc trong một buổi cử hành có tính cách đặc biệt, như : Thêm Sức, Hôn Phối, An Táng, Tĩnh Tâm, Hội Thảo, v.v…, thì thứ tự ý nguyện có thể dành ưu tiên cho trường hợp đặc biệt đó.[17] Tuy nhiên, không bao giờ được bỏ hoàn toàn những ý nguyện phổ quát, bởi vì đây là lời nguyện chung.

4. Những khởi điểm giúp soạn thảo

Để soạn thảo lời nguyện cho mọi người, chúng ta cần lưu ý đến tính chất thực tế và cụ thể của Lời nguyện chung, nghĩa là cầu nguyện cho ai và cầu nguyện điều gì. Ba khởi điểm cụ thể sau đây có thể giúp chúng ta hình thành các ý nguyện :

a) Phụng vụ Lời Chúa của ngày lễ hôm đó : Sau khi tiếp nhận Lời Chúa trong đức tin và đáp lại Lời Chúa, người tin hữu dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho mọi người. Như vậy, Lời Chúa là một gợi ý rất tốt cho việc soạn thảo những ý nguyện.

b) Các nhu cầu của Giáo Hội và thế giới, cũng có thể là những biến cố mang tính thời sự của Giáo Hội hay của thế giới, tuy nhiên không nhất thiết phải là các biến cố gây chấn động.

c) Các nhu cầu của cộng đoàn địa phương : Cộng đoàn địa phương là môi trường sống cụ thể và thiết thân đối với người tín hữu. Vì thế, các nhu cầu của cộng đoàn địa phương thường là những gợi ý cho việc soạn thảo lời cầu nguyện chung.

5. Ngôn thức các ý nguyện

Mỗi ý nguyện đều có một ngữ vựng và một hình thức văn chương. Mỗi ý nguyện có mục đích khơi lên tâm tình nài xin. Nói chung, lời phát biểu phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đọc ; một hoặc hai mệnh đề độc lập thì tốt hơn một mệnh đề chính và nhiều mệnh đề phụ. Đừng cầu nguyện cho những ý tưởng trừu tượng như sự công chính, sự công bằng, vv, nhưng tốt hơn, hãy cầu nguyện cho những con người, ví dụ “cho những con người bị đau khổ vì không được đối xử công bằng” ; “cho những người đang chiến đấu cho công bằng xã hội”, v.v...

Chúng ta cũng không nên tìm cách gói ghém vào trong một ý nguyện tất cả một giáo thuyết, một bài học, ví dụ như “Giáo hội học của Vatican II là giáo hội học hiệp thông, xin Chúa cho mọi thành phần Dân Chúa biết yêu mến tinh thần hiệp thông”. Cũng nên tránh những bài giảng luân lý trong các ý nguyện, ví dụ “xin cho những người giầu có biết chia sẻ với người nghèo”. Trong trường hợp này thì nên viết “xin cho những anh em nghèo khổ gặp được những tấm lòng quảng đại”.

Ngôn thức cần sáng sủa, câu văn phải nhịp nhàng. Nên chọn một ngôn thức nhất định để mở đầu các ý nguyện, ví dụ : “Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho…”, hoặc “chúng ta hãy cầu nguyện…”

Để soạn thảo ý nguyện, chúng ta có thể theo một trong những ngôn thức sau :

a) Nhắc đến những con người : ví dụ : “cầu cho đức thánh cha, các đức giám mục… cho những người đau khổ bệnh tật… chúng ta hãy cầu xin Chúa”.

b) Nhắc đến những con người và nói rõ ý cầu xin, ví dụ : “cầu cho các kitô hữu, xin Chúa ban ơn hiệp nhất”

c) Nhắc tới một biến cố thời sự, ví dụ : “Thượng Hội Đồng giám mục thế giới sắp họp tại Rôma, chúng ta hãy cầu nguyện cho các nghị phụ”. Chúng ta nên tránh lời lẽ “thông tin” trong hình thức này.

d) Nhắc lại một lời của Chúa, ví dụ : “Xin cho chúng nên một, chúng ta hãy cầu nguyện cho các kitô hữu được hiệp nhất

e) Đặt cho ý nguyện có hình thức một lời cầu xin, ví dụ : “Lạy Chúa, xin ban ơn can đảm cho những người thất vọng..” rồi kêu mời cộng đoàn cầu nguyện “chúng ta cùng cầu xin Chúa” hay lời kêu mời tương tự.

f) Gắn liền lời chúc tụng với lời cầu xin, ví dụ “Lạy Chúa, Chúa đã chữa lành những người mù. Chúng con chúc tụng Chúa và xin Chúa cũng mở mắt cho chúng con nhận ra ánh sáng của Chúa”, rồi kêu mời cộng đoàn cầu nguyện “chúng ta cùng cầu xin Chúa” hay lời kêu mời tương tự.

Trong các ngôn thức trên, có những ngôn thức làm cho người nghe có cảm tưởng là thừa tác viên xướng ý nguyện cầu nguyện thay cho mọi người, như (e) và (f), nhưng chúng ta thấy vai trò cầu nguyện là của cả cộng đoàn.

IV. MỤc vỤ vỀ lỜi nguyỆn cho mỌi ngưỜi

Châm ngôn “Quy luật cầu nguyện là quy luật đức tin và là quy luật đời sống” (lex orandi – lex credendi – lex vivendi) diễn tả niềm hy vọng là làm thế nào để có sự hài hòa giữa những cử hành và cuộc sống, giữa cầu nguyện và đức tin, giữa cầu nguyện, đức tin và cách sống.

Hiểu được những mối tương quan này, chúng ta sẽ thấy Lời nguyện chung góp phần rất nhiều vào việc giáo dục đức tin và giáo dục cầu nguyện cho người tín hữu.

1. Vai trò giáo dục của lời nguyện cho mọi người

Lời nguyện cho mọi người khi được soạn thảo cẩn thận và thực hiện tốt đẹp, sẽ góp phần đặc biệt vào việc giáo dục đức tin cho các Kitô hữu hôm nay, như ta đã thấy trong các thế kỷ đầu tiên, cụ thể là :

a) Việc thực hành lời nguyện cho mọi người giúp cho các Kitô hữu sống chức tư tế phổ quát của mình và cho họ cảm nghiệm rằng họ làm nên Thân Thể Đức Kitô và thực sự chính họ là Giáo Hội.

b) Ngoài ra, nó còn giúp các tín hữu dấn thân vào thế giới, cũng như giúp họ đọc được những biến cố dưới ánh sáng đức tin.

c) Việc thực hành lời nguyện cho mọi người còn giúp người Kitô hữu khám phá ý nghĩa đích thực của lời cầu xin, bằng cách dẫn họ từ lời cầu xin vụ lợi sang lời cầu xin thực sự có tính cách tôn giáo. Cầu xin còn là cách tôn thờ, chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa nữa.

2. Với một số điều kiện.

Tuy nhiên, vai trò này chỉ thánh công được với một số điều kiện :

a) Tránh câu nệ hình thức và đi sát với đời sống thực tế : Lời nguyện cho mọi người là lời nguyện của các tín hữu đang sống trong một môi trường nhất định và trong những hoàn cảnh rất cụ thể, ở đây và bây giờ. Do đó, có một yêu cầu mục vụ là hình thức lời nguyện phải thay đổi thích nghi hết sức có thể với mỗi buổi cử hành.

Ngoài việc sử dụng những bản mẫu thuộc truyền thống như trong Sách Lễ Rôma đề nghị, chúng ta không nên sử dụng những bản văn làm sẵn, vì làm như vậy, nó sẽ đưa ta tới thói quen thiếu chuẩn bị, thiếu trung thực. Các bản mẫu trong các sách mà chúng ta đang có phải được coi như là những đề nghị khơi nguồn cảm hứng, chứ không phải những mẫu để dùng y nguyên. Do đó, chúng ta nên chuẩn bị bản văn Lời nguyện chung cho mỗi buổi cử hành. Làm như vậy, một cách nào đó sẽ vất vả hơn, nhưng lại trung thực hơn và mang tính giáo dục đức tin hơn.

b) Lời nguyện cho mọi người là lời nguyện của các tín hữu đang nhóm họp, ở đây và bây giờ, do đó, phải mang những tâm tình bộc phát chân thật.

Thực sự, các quy luật tâm lý và xã hội học bắt người ta phải cẩn thận phân biệt những gì có thể làm được trong buổi cử hành phụng vụ của một nhóm nhỏ đồng nhất với những gì phải có trong buổi cử hành của một cộng đoàn đông, hoặc gồm những người tham dự rất khác nhau. Trong một nhóm nhỏ, các tín hữu hiện diện được tự do phát biểu những ý nguyện, nhưng một trong những nguy cơ là họ có thể nói lên những ý nguyện quá riêng biệt của các người trong nhóm. Vị chủ sự cần lưu ý điểm này

c) Đối với một cộng đoàn đông và đa tạp, chúng ta phải chuẩn bị cẩn thận bản văn ý nguyện. Linh mục không nên chuẩn bị lời nguyện cho mọi người một mình, nhưng để cho giáo dân góp phần chọn lựa và soạn thảo ý nguyện. Làm như vậy, chúng ta sẽ đưa người giáo dân vào trường học cầu nguyện.

d) Sau cùng, phải cử hành lời nguyện cho mọi người làm sao cho cộng đoàn đang tụ họp hiểu được ý nghĩa . Vì thế, nên dùng những câu vắn gọn, rõ ràng, chia thành nhiều ý nguyện hơn là dồn nhiều ý nguyện vào trong một câu.

KẾT LUẬN

Lời nguyện chung đưa người tín hữu vào viễn tượng phổ quát, giúp con người rời bỏ những gì là nhỏ nhen của bản thân để hướng về người khác, Giáo Hội và thế giới. Lời nguyện cho mọi người tập cho người tín hữu biết đi vào thế giới của Thiên Chúa.


 

 



[1] PV 49

[2] PV 53

[3] I Hộ giáo 66, 3

[4] I Hộ giáo 67, 5

[5] Bernard Botte, Truyền thống tông đồ của thánh Hippolitô thành Rôma s. 21, Aschendorff Munster, 1989 p. 55.

[6] QCTQ 69

[7] QCTQ 69

[8] MV 1

[9] MV 45

[10] Bernard Botte, Truyền thống tông đồ của Hippolitô thành Rôma s. 21, Aschendorff Munster, 1989 p. 55

[11] QCTQ 71

[12] QCTQ 71 ; 138

[13] QCTQ 71

[14] QCTQ 71 ; 138

[15] Nghi Thức ngày Thứ sáu Tuần Thánh, SLR tr. 264-269

[16] QCTQ 70

[17] QCTQ 70