7 Bài Học Phụng Vụ Rút Ra Từ Phong Tỏa Cho Người Công Giáo Sau Dịch Coronavirus

NHẬN XÉT: Khi các quốc gia trên toàn quốc đang dần mở cửa và các nhà thờ bắt đầu cử hành Thánh lễ với các tín hữu, Cha Raymond de Souza đưa ra bài học cho tất cả chúng ta.

Cha Raymond J. de Souza (*)

 

Các hạn chế về đại dịch coronavirus có nghĩa là người Công giáo không còn coi sinh hoạt phụng vụ và bí tích của Giáo hội là điều đương nhiên nữa.

Nhưng khi sinh hoạt phụng vụ đó trở lại, có thể có gì khác không? Những bài học nào có thể đã học được - bởi cả linh mục và tín hữu - trong khi bị hạn chế do đại dịch? Tôi đề nghị bảy bài học, mặc dù chắc chắn còn nhiều hơn.

1. Thánh lễ cho nhiều nhu cầu và các dịp khác nhau

Tòa Thánh đã ban hành một Thánh lễ đặc biệt cho đại dịch - những lời cầu nguyện và bài đọc thích hợp cho thời điểm này. Nhiều linh mục đã sử dụng “công thức” Thánh lễ này trong những ngày gần đây và thấy nó an ủi tất cả những ai có thể theo dõi Thánh lễ, trực tiếp hoặc từ xa.

Thánh lễ “trong đại dịch” là một lời nhắc nhở tốt lành rằng Giáo hội có hơn 50 “công  thức” trong Sách lễ Rôma cho “các nhu cầu và các dịp khác nhau”. Nói một cách chặt chẽ, đó không phải là những Thánh Lễ “ngoại lịch”, được cử hành để tôn vinh Chúa hoặc các thánh.

Danh sách này là toàn diện: Thánh lễ “cầu cho Giáo hội”; Thánh lễ “cầu cho linh mục vào ngày kỷ niệm của mình”; Thánh lễ “xin ơn trong sạch "; Thánh lễ “cầu cho công việc bác ái"; Thánh lễ “xin ơn chết lành”; Thánh lễ “trong thời gian xảy ra trận động đất”; Thánh lễ “xin chấm dứt bão”; Thánh lễ “cầu cho người đứng đầu nhà nước hoặc nhà cai trị”.

Khi có tin tức về sự tàn bạo chống lại Kitô hữu, đôi khi tôi dâng Thánh Lễ “cầu cho cho những kẻ áp bức chúng ta”. Các Thánh lễ này, hiếm khi được dâng tại hầu hết các giáo xứ, nhưng lại có thể được cử hành vào bất kỳ ngày nào không có lễ buộc. Và trong trường hợp có vẻ như không có ý chỉ chính xác, thì có Thánh Lễ “tạ ơn Chúa” và thậm chí còn có Thánh Lễ được áp dụng rộng rãi hơn “cầu cho bất cứ nhu cầu nào”.

Kho tàng các ý chỉ cầu nguyện này, có lẽ đã được mở ra cho nhiều người qua Thánh lễ đại dịch đặc biệt, vẫn nên được tiếp tục mở ra.

 

2. Lễ Vọng Phục Sinh trọn vẹn.

Một thói quen xấu là cắt mọi thứ ra khỏi phụng vụ để tiết kiệm thời gian. Đó không phải là một lạm dụng phụng vụ, bởi vì điều này được cho phép. Tôi có tội, cũng như nhiều người khác. Năm nay, lần đầu tiên, tôi cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh mà không có cộng đoàn thông thường, và tất cả bảy bài đọc trong Cựu Ước đều được công bố, cộng với Thư của Thánh Phaolô và bài Tin Mừng. Tôi chưa từng làm điều đó trước đây, thường chỉ chọn ba bài đọc từ Cựu Ước.

Tại sao? Tôi cho là để tiết kiệm thời gian, mặc dù khó có ai có mặt trong thánh lễ mà lại có các cuộc hẹn vào tối thứ Bảy Tuần Thánh lúc 9 giờ tối. Vào đêm linh thiêng nhất của tất cả các đêm, tại sao lại cắt ngắn việc đọc lại lịch sử cứu độ, dù có hơi dài, được thuật lại trong các bài đọc cho Thánh lễ Phục sinh?

Tôi biết có nhiều linh mục, vì cho là thật phi lý khi lập luận rằng “nhu cầu mục vụ” yêu cầu một Thánh lễ vọng ngắn hơn khi không có cộng đoàn, nên các vị ấy thực hiện đầy đủ bảy bài đọc dù đó là lần đầu tiên. Tôi mong đợi, nhiều người trong chúng ta sẽ duy trì một Thánh lễ trọn vẹn vào năm tới có sự hiện diện của cộng đoàn.

Lạm dụng không bao giờ nên được dung thứ. Nhưng những thói quen xấu cũng cần phải trừ tận gốc.

Cần lưu ý rằng có một Lễ vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đặc biệt với một bộ các bài đọc Cựu Ước dành riêng cho lễ đó; Lễ vọng mở rộng này trong Sách lễ có bảy bài đọc. Nếu các hạn chế được dỡ bỏ kịp thời, sẽ không tuyệt vời khi mời mọi người đến tham dự trọn vẹn Lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống sao? Sau nhiều tuần không có Thánh lễ, ai sẽ miễn cưỡng thêm một chút thời gian trong nhà thờ để nghe về công trình của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu độ?

 

3. Dấu hiệu hòa bình

Ngay cả trước khi các Thánh lễ công khai bị đình chỉ, một sửa đổi do đại dịch là việc Chúc Bình An được trao cho nhau bằng một cái cúi đầu cung kính thay vì một cái bắt tay. (Một số người đã trao cho nhau cử chỉ “Chúc Bình An” bằng cách đưa hai ngón tay hình chữ V), nhưng điều đó gây bối rối cho những người lầm tưởng rằng đó là chữ viết tắt của virus.

Có rất nhiều nơi trong Giáo hội - Ấn Độ, Viễn Đông - ở đó cúi đầu luôn là chuẩn mực. Có thể là sau khi đại dịch kết thúc, chúng ta vẫn duy trì cử chỉ Chúc Bình An “không đụng chạm” nhau. Có một điều gì đó đầy tôn trọng và cung kính khi cúi đầu chào nhau mà một cái bắt tay không truyền đạt được, dù chúng ta sử dụng trong nhiều tình huống ngoài đời.

 

4. Thánh lễ và rước lễ

Giáo hội dạy rằng việc rước lễ hoàn tất, hoặc hoàn thiện sự tham gia của chúng ta vào Thánh lễ, nhưng không bắt buộc. Trong đại dịch, nhiều người đã phải theo dõi Thánh lễ trực tuyến, nơi không thể rước lễ. Những người khác đã tham dự thánh lễ trong bãi đậu xe hoặc các địa điểm ngoài trời khác, nơi không được thực hiện việc rước lễ. Việc thực hành rước lễ thiêng liêng đã trở nên phổ biến.

Mối liên kết cứng nhắc giữa việc tham dự thánh lễ và rước lễ là một thói quen xấu dù được phát triển vì những lý do chính đáng. Nhưng điều đó gây áp lực cho nhiều người bị buộc phải rước lễ khi họ không nên rước lễ và có thể dẫn đến ý thức được quyền rước lễ, hoặc coi đó là điều đương nhiên. Đó là lý do tại sao Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, khi xem xét cuộc đời của Thánh Augustinô, đã cân nhắc rằng “giữ mình không rước lễ” lại là một điều gì đó cần khuyến cáo.

Đại dịch có lẽ không phá vỡ sự kết hợp cứng nhắc này, nhưng có lẽ làm suy yếu nó. Một giáo lý đổi mới về Thánh Thể là điều có thể thực hiện bây giờ.

 

5. Lời Chúa

Vì không thể lãnh nhận các bí tích, nhiều người Công giáo đã phải “tự buộc thực hiện nhiệm vụ” bằng cách đọc các bài đọc Thánh lễ tại nhà. Tự nó không phải là một điều xấu. Kinh thánh nên là trọng tâm của Giáo hội tại gia, tại gia đình khi cầu nguyện. Kinh thánh không phải là một bí tích, nhưng có liên quan mật thiết với các bí tích; nghi thức cho tất cả các bí tích đều có Kinh thánh.

Có bốn cách Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh lễ: trong cộng đoàn, bởi vì nơi nào có hai hoặc ba người tập họp thì Người ở giữa họ; trong việc công bố Kinh thánh; trong con người của linh mục; và nhất là trong Bí tích Thánh Thể. Đại dịch đã cảnh báo chúng ta đừng bỏ bê sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Kinh thánh - cả ở nhà thờ và ở nhà.

 

6. Đời sống sùng đạo

Đời sống Công giáo không chỉ là các bí tích, lại càng không phải chỉ là Thánh lễ. Một cuộc sống Công giáo phong phú bao gồm các việc sùng kính - Chầu Thánh Thể, Kinh Mân côi, các kinh cầu, tràng chuỗi, tuần cửu nhật, rất nhiều. Bây giờ bị tước mất các bí tích, nhiều người Công giáo đã tiến triển trong đời sống sùng mộ của họ. Điều đó không nên để cho khô héo đi khi họ quay trở lại thường xuyên lãnh các bí tích.

Một gợi ý: Một truyền thống ngoan đạo nhất định đã coi những ngày giữa Thứ Năm Chúa Lên Trời và Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là “first novena”, tuần chín ngày cầu nguyện sau Lễ Thăng Thiên chờ đợi Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Đức Mẹ, các tông đồ và một số người khác là Giáo hội non trẻ hợp nhất với nhau trong tuần chín ngày cầu nguyện này (Công vụ 1:14).

Tuần chín ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống bắt đầu từ ngày thứ Sáu sau ngày thứ Năm Chúa Lên Trời và kéo dài cho đến ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Người ta có thể coi chín ngày đó trong Phòng Tiệc Ly là nguồn gốc của đời sống sùng mộ của Giáo hội, giống như Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh là nguồn gốc của đời sống bí tích của Giáo hội. Tại sao không đổi mới cuộc sống sùng mộ này trong Lễ Thăng thiên và Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống sắp tới?

 

7. Cầu nguyện khi mặc áo lễ trước khi cử hành thánh lễ

Truyền thống của Giáo hội có những lời cầu nguyện cho mọi thứ. Và kinh cầu có lẽ cũng như vậy. Liên quan nhất đến đại dịch, có một lời cầu nguyện cho việc rửa tay. Cụ thể, lời cầu nguyện mà linh mục đọc khi rửa tay trước khi mặc áo lễ:

Da, Domine, virtutem manibus meis ad abstergendam omnem maculam; ut sine polle mentis et trais valeam tibi servire .

Lạy Chúa, xin ban sức mạnh cho đôi bàn tay của con, để khi được tẩy sạch mọi vết nhơ, con có thể phụng sự Chúa với tâm trí và thân xác tinh tuyền[1].

Lời cầu nguyện đó, mang ý nghĩa bổ sung trong đại dịch, là một trong những lời cầu nguyện khi mặc áo lễ trước khi cử hành thánh lễ, mỗi lễ phục gồm có – khăn trùm vai, áo choàng trắng, dây thắt lưng, dây các phép, áo lễ ngoài – đều có lời cầu nguyện riêng. Các lời cầu nguyện này không bắt buộc, nhưng rất được khuyến khích, và có thể được tìm thấy bố trí trong các phòng áo lễ. Những lời cầu nguyện khi mặc áo lễ và ý nghĩa của chúng có thể được tìm thấy mô tả ngắn gọn[2] trên trang web của văn phòng nghi lễ phụng vụ của Vatican.

Một trong những viên ngọc quý trên vương miện lộng lẫy những lời rao giảng của Đức Biển Đức XVI là bài giảng trong Lễ Truyền Dầu năm 2007 của Ngài[3], chính xác là bài giảng về lễ phục của linh mục và những lời cầu nguyện khi mặc áo lễ.

Đối với các linh mục không còn thói quen đọc những lời cầu nguyện mặc khi mặc áo lễ - có lẽ vì nhiều việc phải làm chen nhau ngay trước Thánh lễ - đại dịch là một dịp tốt để bắt đầu thực hành lại. Chúng ta chắc chắn có thời gian cho việc đó!

 

(*) Cha Raymond J. de Souza là tổng biên tập của tạp chí Convivium .

 

https://www.ncregister.com

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.



[1] Tiếng Anh: “Give virtue (strength) to my hands, O Lord, that being cleansed from all stain I might serve you with purity of mind and body.”

[2] http://www.vatican.va/news_services/liturgy/details/ns_lit_doc_20100216_vestizione_en.html

[3] http://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/homilies/2007/documents/hf_ben-xvi_hom_20070405_messa-crismale.html


Trang Phụng Vụ