VỀ KHOÁ HỌP ĐẠI KẾT RÔ-MA 2004

 

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm công bố sắc lệnh về Đại kết của Công đồng Vaticanô II Unitatis Redintegatio, Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô (CPPUC) đã tổ chức cuộc gặp mặt trong ba ngày 11, 12 và 13 tháng 11 năm 2004 tại Mondo Miglore, ngoại thành Rô-ma. Cuộc họp này do chính Đức Hồng Y Walker Kasper, Chủ tịch Hội đồng chủ sự.

 

I-NHỮNG THÔNG TIN CHUNG VỀ KHÓA HỌP

 

1- Các thành viên tham dự và nội dung các bài thuyết trình

 

a) Các đại biểu công giáo là thành viên tham dự chính thức. Các tôn giáo khác là khách mời của Hội nghị. Những thành viên tham dự của Giáo hội Công giáo đến từ các Châu lục khác nhau: Phi Châu (27 đại biểu); Mỹ Châu (10 đại biểu); Á Châu (29 đại biểu); Âu châu (25 đại biểu); Úc Châu (2 đại biểu). 

Các vị khách mời là đại diện cho Giáo hội Chính thống ( 12 đại biểu);  Các Cộng đoàn Giáo hội Đông phương ( 8 đại biểu); Giáo hội Tin lành ( 7 đại biểu); các tổ chức Kitô giáo thế giới ( 5 đại biểu)

Trong số khách mời còn có một số Hồng Y, Giám mục đại diện cho một số Thánh Bộ tại Rô-ma.

b) Các bài thuyết trình:

* Hồng Y Walter Kasper, Chủ tịch  Hội Đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: Unitatis redintegratio: 40 năm nhìn lại

* Giám mục Johannis Zizioulas, Thượng phụ  Constantinople: Unitatis redintegratio trong nhãn giới Chính thống

* Tiến sĩ giáo sư Geoffrey Wainwright, Hội đồng thế giới Méthodiste: Unitatis redintegratio trong nhãn giới tin lành.

* Giám mục Kurt Koch. Giám mục Bâle,Thuỵ sĩ: sự tiến triển của phong trào đại kết và những thách đố mới.

* Giám mục Eleuterio F. Fortino, thơ ký thứ hai Hội đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: những hoạt động của Hội Đồng từ khi công bố Unitatis redintegratio đến nay.

* Giám mục Brian Farrell, thơ ký Hội đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: Tình trạng hiện nay của phong trào Đại kết trên thế giới: tổng hợp các dữ kiện Hội Đồng đã nhận được trong năm 2004.

* Hồng y Ivan Días, Tổng Giám mục Bombay, Ấn độ: hoạt động Đại kết và sứ mạng truyền giáo.

* Hồng y Cormac Murphy-O’Connor, Tổng Giám mục Wesminster, Anh Quốc :Những sáng kiến cụ thể cho một Đại kết bằng cuộc sống.

* Bà Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolari và Tu sĩ Enzo Bianchi, Bề trên đan viện Bose, Italia: những đề nghị cho một linh đạo Đại kết.

Khóa họp được kết thúc bằng giờ Kinh chiều do Chính Đức Thánh Cha chủ sự tại Đền Thờ Thánh Phê-rô lúc 17h ngày thứ bảy 14-11.

 

II- ĐẠI KẾT : MỐI QUAN TÂM CỦA GIÁO HỘI

 

1- Sự chuẩn bị lâu dài:

 

Bốn mươi năm đã qua, kể từ ngày Sắc lệnh Hiệp nhất Unitatis Redintegatio của Công đồng Vatican II được công bố, Giáo hội đã có nhiều cố gắng để tiến tới sự hiệp nhất giữa những người Anh Em cùng chung một đức tin vào Đức Kitô. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Giáo hội, khởi điểm cho một loạt những sự kiện quan trọng, mở ra một chân trời mới của tình huynh đệ. Sắc lệnh Hiệp nhất của Công đồng là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài, trải qua nhiều triều đại Giáo hoàng trước Đức Gioan XXIII: Đức Léon XIII và Benoit XV đã thực hiện những bước khởi đầu cho cuộc đối thoại đại kết. Đức Pio XI  đã chuẩn y những bàn thảo tại Malines (1921-1926) với Cộng đoàn Anh Giáo.

 

Tuy vậy, với Đức Gioan XXIII, một bước tiến mới được thực hiện trong những cố gắng Đại kết , không phải để xây dựng một Giáo hội mới, nhưng là một Giáo hội được canh tân đổi mới. Ngài xứng đáng được gọi là Cha tinh thần của Sắc lệnh Hiệp nhất. Vì mục đích của Ngài khi triệu tập Công đồng là : canh tân đời sống nội bộ Giáo hội Công giáo và tiến tới sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Với Đức Phaolô VI, một biến cố đã đi vào lịch sử: cuộc gặp gỡ giữa Đấng Kế vị Thánh Phêrô với Thượng phụ Athénagoras đệ nhất năm 1964 đã mở ra một chân trời mới cho những cố gắng Đại kết. Đến thời Đức Gioan Phaolô II, với tâm nguyện thực hiện những dự tính của hai vị Tiền nhiệm khởi xướng và kết thúc Công Đồng, đã đào sâu và triển khai sắc lệnh Hiệp nhất qua Thông điệp Ut Unum Sint, ký ngày 25-5-1995, như một lời mời gọi và nhấn mạnh đến tính cấp bách không thể đảo ngược được của Phong trào Đại kết (UUS 3). Theo Đức Gioan Phaolô II, Đại kết là một trong những ưu tiên trong triều đại Giáo hoàng của Ngài (UUS 99).

 

2- Đại kết trong các văn kiện Công đồng Vatican II

 

Những cố gắng tiến tới Đại kết được thể hiện rõ nét trong các văn kiện của Công Đồng Vatican II. Sắc lệnh Hiệp nhất phải được đọc đồng thời với Hiến Chế Tín lý về Giáo hội (LG) và các văn kiện khác của Công Đồng. Bởi lẽ, nếu LG định nghĩa Giáo hội là Dân Thiên Chúa lữ hành (LG 2), phong trào Đại kết là chính  con đường của Giáo hội (UUS 7). Nói cách khác, Công đồng đã đề cập đến khía cạnh cánh chung của Giáo hội và đã tỏ cho thấy Giáo hội như một thực thể sống động đang vận hành như Dân Thiên Chúa lữ hành giữa một thực tại “đã có sẵn” và “còn đang đến” . Trong chiều kính cánh chung này , phong trào Đạikết gắn liền với  sứ mạng truyền giáo. Đại kết và truyền giáo được liên kết chặt chẽ với nhau như  Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “những chia rẽ của quá khứ và hiện tại giữa những tín hữu Kitô là những vật cản đối với tinh thần truyền giáo của Giáo hội” (Redemptoris Missio,36)

 

Cũng trong chiều hướng đại kết, khi nói về vị trí và vai trò của Giáo hội, Công Đồng đã định nghĩa Giáo hội của Chúa Kitô  tồn tại trong (subsistit in)  Giáo Hội Công giáo (LG 8), thay vì cách nói trước đó “Giáo hội của Chúa Kitô là (est) Giáo hội Công giáo”  thường được dùng trong một số văn kiện của Giáo hội. Với cách diễn tả “subsistit in”, Giáo hội đã tiến một bước quan trọng để gặp gỡ và đối thoại với Anh Em ly giáo. Giáo hội muốn công nhận rằng ngoài Giáo hội Công giáo, vẫn hiện hữu không chỉ những tín hữu Kitô đơn lẻ nhưng cũng còn những “yếu tố  Giáo hội” và cả những Giáo hội và  Cộng đoàn giáo hội, tuy chưa hiệp thông trọn vẹn, cũng thuộc về  Giáo hội của Chúa Kitô và là những phương tiện cứu rỗi cho những thành viên của mình (LG 8;15. UR,3. UUS, 10-14). Công đồng xác nhận rằng ngoài Giáo hội Công giáo vẫn có những dạng thức của sự thánh thiện làm cho họ đi đến chỗ chấp nhận tử đạo ( LG,15. UR,4. UUS,12;83).

 

Ý tưởng chủ đạo về Giáo hội của Công đồng là một Giáo hội hiệp thông. Điều này được nêu cách đặc biệt trong sắc lệnh Hiệp nhất. Với khái niệm “hiệp thông” của Thánh kinh và của Giáo hội thời sơ khai, Công đồng định nghĩa Giáo hội trong chiều kích của màu nhiệm thâm sâu nhất, màu nhiệm Chúa Ba Ngôi, vì Giáo hội - hiểu theo một khía cạnh - là chính hình ảnh (icône) của Chúa Ba Ngôi (LG,4 ; UR, 2). Khái niệm này là sự đóng góp quan trọng  của Công đồng trong vấn đề Đại kết.

 

Bí tích Thanh Tẩy chính là nền tảng cho sự hiệp thông này.Đó là Bí tích của đức tin nhờ đó mọi người lãnh nhận được tháp nhập vào thân thể duy nhất của Đức Kitô, là Giáo hội.

Đông và Tây : một phong trào duy nhất tiến tới Đại kết. Sắc lệnh Hiệp nhất phân biệt hai thể loại chia rẽ trong Giáo hội: cuộc ly giáo giữa Đông và Tây (1054) và những chia rẽ trong chính nội bộ Giáo hội Tây phương ở thế kỷ 16. Giữa hai cuộc ly giáo này, sự khác biệt không mang tính địa dư  hay thời gian, nhưng đó là hai thể loại ly giáo khác nhau.

 

3- Nội dung của Unitatis Redintegratio

 

Với Sắc lệnh này, Công đồng kêu gọi các thành phần  Dân Chúa  hãy cộng tác vào việc tìm kiếm sự hiệp nhất trọn vẹn  giữa những tín hữu Kitô. Lời mời gọi đó được trải dài dọc suốt nội dung của Sắc lệnh:

 

a) Trước hết, Công đồng nhắm tới chính nội bộ Giáo hội Công giáo chú trọng đến những hoạt động đại kết để mỗi tín hữu công giáo  phải tỏ ra ân cần  đối với các anh em ly khai...khởi xướng bước đầu đi đến với họ (UR số 4).

b) Tiếp theo, Sắc lệnh mời gọi sự canh tân trong Giáo hội trong hành trình trần thế, một sự canh tân mà Giáo hội, vì là một định chế nhân trần, bao giờ  cũng cần đến. Sự canh tân này rất quan trọng cho công cuộc  hiệp nhất.

c) Sau đó, với cái nhìn tích cực, Công đồng ước mong những tín hữu công giáo hãy công nhận  với niềm vui mừng những giá trị kitô giáo thực thụ đều bắt nguồn từ di sản chung và đang được những anh em ly khai trân trọng giữ gìn.

d) Ngoài ra, thật là chính đáng khi công nhận  sự phong phú của những hoạt động đạo đức nơi các tín hữu kitô khác, những người đã làm chứng cho Đức Kitô đôi khi đến mức đổ máu (UR số 4)

e) Bằng một phương pháp tích cực hơn, Sắc lệnh khẳng định : “ không được quên rằng tất cả những gì được thực hiện do ân huệ của Chúa Thánh Thần nơi các anh em ly khai đều có thể góp phần xây dựng Giáo hội

f) Phong trào Đại kết bao trùm mọi đề tài đối thoại được nhắc tới trong phần này của Sắc lệnh, nhưng sẽ được triển khai rộng hơn trong chương 3 của UR

g) Trong phần nói về việc áp dụng Sắc lệnh trong Giáo hội Công Giáo, ngoài lời mời gọi canh tân, những đề tài quan trọng cho những hoạt động Đại kết và cho đời sống kitô đã được đề nghị, như sự hối cải nội tâm (conversion intérieure), sự liên kết trong lời cầu nguyện, lời cầu nguyện chung, việc đào tạo đại kết.

h) Cuối cùng, Sắc lệnh đã đề cập tới một khía cạnh quan trọng: “ phương pháp và cách diễn tả đức tin công giáo không được gây trở ngại cho việc đối thoại với những người anh em” (UR số 11). Tuy vậy, hướng tới Đại kết đồng thời phải luôn trung thành với Giáo huấn của Giáo hội: “đức tin công giáo phải được giải thích sâu xa và chính xác hơn bằng cách thức và ngôn từ mà các anh em ly khai có thể hiểu đúng nghĩa” ( vẫn số 11).

 

4- Đại kết trong Hai Bộ Giáo Luật

 

Bộ Giáo luật của Giáo hội Công Giáo (CDC) và Bộ Giáo luật của các Giáo hội đông phương (CCEO) được soạn thảo trong chiều hướng đại kết. Chúng ta có thể thấy  rõ điều này trong Khoản 755 CDC:

§1 “Toàn thể Giám mục đoàn và cách riêng là Tòa Thánh phải cổ võ và điều khiển phong trào đại kết giữa những người công giáo,nhằm tái lập sự hiệp nhất giữa hết mọi người Kitô hữu, như ý Chúa Kitô buộc Giáo hội phải đạt tới”.

§2 “Cũng vậy, các Giám mục và, chiếu theo các quy tắc luật định, các Hội đồng Giám mục, có bổn phận cổ võ sự hiệp nhất này; đồng thời dựa trên những quy luật do quyền bính tối cao của Giáo hội ban hành, họ hãy ra những quy tắc thực tiễn hợp với nhu cầu và điều kiện của mỗi hoàn cảnh khác nhau”.

Chúng ta có thể tìm thấy những đề nghị cho những hoạt động đại kết trong Giáo luật của các Giáo hội đông phương  tại các Khoản từ  902-904.

Hai Bộ Giáo luật không những chỉ đưa ra những chỉ dẫn  khái quát cho những hoạt động mục vụ, mà còn đề cập đến những khía cạnh khác nhau của Đại kết như sự thành sự của Bí tích Thanh tẩy, sự hiệp thông trong những sự thánh, hôn nhân hỗn hợp, việc sử dụng những nơi thánh...

 

5- Đại kết trong Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo

 

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo đã đón nhận những chỉ dẫn đại kết của Công đồng Vatican II, đồng thời đề nghị những yếu tố mới như  kinh nghiệm từ những hoạt động đại kết. Trong lời giới thiệu Sách Giáo Lý, Đức Gioan Phaolô II  đã khẳng định: “cuốn sách này muốn đem lại sự nâng đỡ cho những nghị lực đại kết, được hướng dẫn bởi những ước muốn thánh thiện đạt tới sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, đồng thời thể hiện cách chính xác nội dung và sự hài hòa của đức tin Kitô giáo”. Thực hiện tinh thần của Công đồng, trong việc trình bày đức tin  Công giáo, Sách Giáo lý nhằm tới một phương pháp giải thích dể hiểu cho các tín hữu Kitô khác đang đối thoại với Giáo hội Công giáo. Khi trình bày kinh tin kính Nié-Constantinople, Sách Giáo lý GHCG khẳng định: “kinh này ngày nay vẫn còn là lời tuyên xưng đức tin chung cho tất cả các  Giáo hội Đông và Tây phương”. Những tín hữu công giáo là anh em của tất cả mọi Kitô hữu khác trong đức tin, bởi vì, mặc  dù có những cách giải thích khác nhau, họ vẫn có chung một kinh Tin kính. Bí tích Thanh tẩy là  một  mối giây liên kết sư hiệp thông của mọi tín hữu Kitô, kể cả đối với những người chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo (Sách Giáo lý GHCG, số  1271). Như vậy, Sách Giáo lý GHCG đã đón nhận và thực thi tinh thần của UR: “Bí tích Thanh tẩy tạo nên mối giây hiệp nhất tất cả những kẻ đã được tái sinh” (UR số 22). Trong sách Giáo lý GHCG, Đại kết không phải là một chương riêng được thêm vào, nhưng chiều hướng Đại kết được chú trọng thường xuyên trong toàn bộ cách trình bày của cuốn sách này.

 

6- Những hoạt động để thực hiện tinh thần của UR từ 40 năm qua

 

a)Cuốn chỉ nam hướng dẫn thực hiện những quyết định của Công đồng Vatican II về Đại kết

Cuốn chỉ nam do Văn phòng Hiệp nhất các tín hữu Kitô (nay là CPPUC) soạn thảo, được thực hiện qua hai giai đoạn và chia làm hai phần:

- Phần thứ nhất: công bố năm 1967, gồm 4 chương với nội dung :+chương một: Đề nghị thiết lập Ủy ban đại kết cấp giáo phận và quốc gia

+ chương hai: vấn đề thành sự của Bí tích Thanh tẩy được cử hành bởi các thừa tác viên thuộc các Giáo hội khác.

+ chương ba: Đối thoại đại kết thiêng liêng trong Giáo hội công giáo

+ chương bốn:Sự hiệp thông trong những hoạt động thiêng liêng với những anh em ly khai.

- Phần thứ hai, được công bố năm 1970, gồm 4 chương:

+ chương một: những nguyên tắc chung cần thực hiện trong việc huấn luyện đại kết

+ chương hai: Vấn đề Đại kết trong chương trình huấn luyện tu đức và thần học.

+ chương ba: Những quy tắc đặc thù trong việc huấn luyện đại kết

+ chương bốn:Sự cộng tác giữa Giáo hội công giáo và các tín hữu Kitô khác  trong lãnh vực tập thể và cá nhân.

Cuốn Chỉ nam này là sự đóng góp quan trọng trong việc hướng dẫn và cổ võ những hoạt động đại kết. Văn phòng Toà thánh cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, với sự đóng góp của các Hội đồng Giám mục và Giáo triều Roma,  đã công bố ấn bản mới của cuốn Chỉ nam này năm 1993. Cuốn sách luôn mang tính thời sự bởi lẽ những hoạt động đại kết luôn cần thiết trong việc nghiên cứu thần học, trong việc thực hiện những hoạt động đại kết, nhất là tại những  nơi có người công giáo và các tín hữu Kitô khác sống chung, với những vấn đề mục vụ nảy sinh trong đời sống hằng ngày.

 

b) Một số văn kiện đã được công bố

 

Văn phòng Hiệp nhất các tín hữu Kitô, với sự tham gia của nhiều chuyên viên đến từ nhiều Giáo hội kitô khác nhau đã công bố những văn kiện nhằm cổ võ Đại kết và đưa ra những hướng dẫn thực hành:

* Tuyên bố của Giáo hội Công giáo liên quan đến Bí tích Thánh Thể giữa những tín hữu Kitô thuộc nhiều  cách thức tuyên xưng đức tin khác nhau (7-01-1970).

* Huấn thị về những trường hợp đặc biệt được chấp thuận cho rước lễ trong Giáo hội công giáo đối với một số tín hữu kitô ngoài công giáo.  (1-06-1972)

*Chú thích  ngày 17-10-1973 về  một số giải thích “Huấn thị 1-6-1972 về những trường hợp đặc biệt được chấp thuận cho rước lễ trong Giáo hội công giáo đối với một số tín hữu Kitô ngoài công giáo”.

* Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975)

* Tông huấn Catechesi Tradendae (1979)

* Tông huấn Sapientia Christiana về các trường đại học và phân khoa giáo hội học (1979)

* Ratio Fundamentalis Institutionis sacerdotalis của Thánh Bộ về giáo dục Công giáo (1970)

* Tông huấn Ex Corde ecclesiae (1990)

 

III-  NHỮNG CỐ GẮNG TRONG QUAN HỆ VÀ ĐỐI THOẠI THẦN HỌC

 

Mục tiêu của những hoạt động đại kết là tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn giữa những tín hữu cùng tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Hội đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô (CPPUC) đã có nhiều cố gắng để thiết lập những cuộc đối thoại với những cộng đoàn giáo hội kitô khác. Sau Công đồng, mối ưu tư hàng đầu để tiến tới Đại kết là những cuộc đối thoại thần học.

 

a) Mối tương quan với các Giáo hội Chính thống

 

Mối tương quan với các Giáo hội Chính thống rất đa dạng và phức tạp nhưng đã đạt được nhiều kết quả trong lãnh vực Đại kết. Toàn bộ Giáo hội Chính thống gồm có 15 Cộng đoàn Giáo hội có quy chế riêng, được liên kết với nhau bằng cùng một đức tin và một số kỷ luật nền tảng. Mỗi giáo hội trong 15 Cộng đoàn này đều tham gia vào những cuộc đối thoại thần học chung.

Để tạo mối giây liên lạc chung, Văn phòng hiệp nhất các tín hữu Kitô đã tạo nhiều cơ hội tiếp xúc và đã tổ chức những cuộc đối thoại thần học qua một Uỷ ban hỗn hợp (1979). Đã có những cuộc viếng thăm của Chủ tịch Văn phòng hiệp nhất các tín hữu Kitô, những cuộc gặp gỡ nhân các dịp lễ hay những dịp khác. Một số phái đoàn thuộc các giáo hội Chính thống cũng được nhiệt tình tiếp đón tại Roma. Những liên hệ giữa Giáo hội công giáo và chính thống được thực hiện trong hai lãnh vực : đối thoại thần học và đối thoại bác ái.

Năm 1975, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày tuyên bố huỷ bỏ vạ tuyệt thông giữa hai Giáo hội ( vạ này được tuyên bố năm1054), Văn phòng hiệp nhất các tín hữu Kitô và Tòa Thượng phụ Đại kết đã cùng nhau nghiên cứu và đưa ra những đề nghị cho việc tổ chức những cuộc đối thoại thần học. Cuộc đối thoại thần học đã khai mào năm 1980 và 4 tài liệu đã được công bố :

- Mầu nhiệm Giáo hội và Bí tích Thánh Thể, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi (Munich 1082)

- Đức tin, bí tích và sự hiệp nhất trong Giáo hội (Bari, 1987)

- Bí tích truyền chức trong cấu trúc bí tích của Giáo hội, đặc biệt là tầm quan trọng của việc kế vị tông đồ đối với ơn Thánh hóa và sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa (Finlande 1988).

- Phong trào hiệp nhất, phương pháp hiệp nhất của quá khứ và những nghiên cứu hiện tại để tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn (Balamand, Liban, 1993).

 

Từ vài năm nay, những vấn đề của qúa khứ và những khó khăn mới nảy sinh đã làm cho cuộc đối thoại thần học bị ngừng trệ. Việc tái lập những cộng đoàn Giáo hội đông phương bị xoá bỏ trong thời cộng sản đã sinh ra nhiều căng thẳng trong một vài Giáo hội, nhất là ở Ukraine.  CPPUC đã có nhiều cố gắng để thiết lập và củng cố mối quan hệ với nhiều Giáo hội khác nhau và đã đạt nhiều kết quả khả quan, như đối với Giáo hội Hy lạp và Tòa Thượng phụ Serbie, với Tòa Thượng phụ Bulgarie và Roumanie. Tại Roumanie, một cử chỉ tượng trưng quan trọng đã được thực hiện : ở Cluj, bốn phân khoa thần học (Chính thống, Hy lạp Công giáo,  La-tinh và Tin lành) đã đồng quyết định trao tặng danh hiệu tiến sĩ danh dự cho Chủ tịch CPPUC. Tại Roumanie, Uỷ ban hỗn hợp giữa Tòa Thượng phụ Roumanie và Giáo hội Công giáo Hy lạp  cùng hợp tác với nhau để xúc tiến công việc chung. Một số hoạt động khác mang tính tượng trưng và như những tín hiệu mừng cho mối quan hệ giữa Giáo hội công giáo và chính thống :

+ Tuyên bố chung giữa Đức Gioan Phaolô II và Đức Thượng phụ Bartholomêo đệ nhất, nhân  chuyến viếng thăm Roma của Đức Thượng phụ dịp lễ Thánh Phêrô và Phaolô vừa qua. Tuyên bố nêu rõ :  Trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục xúc tiến công việc với mức độ sớm nhất có thể. Khi vận dụng những sáng kiến của cả đôi bên, chúng ta cầu xin  Thiên Chúa nâng đỡ ước nguyện của chúng ta và thuyết phục mọi người có liên quan để thấy rằng xúc tiến đối thoại chân lý là  điều thực sự cần thiết.

+ Tháng 8-2004, Đức Hồng Y W. Kasper, Chủ tịch CPPUC đã đại diện Đức Thánh Cha trao tặng bức tranh Đức Mẹ Thiên Chúa Kazan cho Giáo hội Moscou và dân tộc Nga. Bức tranh thánh có giá trị lịch sử này đã được trưng bày từ hơn 10 năm nay tại Phủ Giáo Hoàng.

+ Ngày 27 tháng 11-2004, tại Rôma, chính Đức Gioan Phaolô  II trao tặng cho  Đức Thượng phụ Constantinople Bartholomêo đệ nhất Thánh tích của hai Thánh  Jean Chrysostome và Thánh Grégoire de Naziance. Trong nghi thức này, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với Đức Thượng phụ : « Thưa Đức Thượng phụ, người Anh Em thân mến,  tôi sẽ mãi mãi là người tôi trung của sự hiệp thông » Thiết tưởng nên nhắc lại năm 1966, Đức Phaolô VI đã trao lại cho Giáo hội Chính thống thánh tích của Thánh Andrée tại Patras.

 

Một số cuộc đối thoại thần học khác cũng đã được tổ chức giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống, xoay quanh những đề tài  như quyền tối cao của Đấng kế vị Thánh Phê-rô, vai trò của Giám mục Rô-ma trong những Công đồng chung. Những tranh luận thần học từ thời Công đồng Ephèse (431) cũng được nhìn dưới chiều kích Đại kết : năm 1994, Đức Gioan Phaolô II và Đức Thượng phụ Mar Dimkha đã  tuyên bố đức tin chung :  « Đức Giê-su Chúa chúng ta là Thiên Chúa thật và là người thật…. thiên tính  và nhân tính của Ngài  kết hiệp với nhau trong một ngôi vị duy nhất ». Và, tiếp theo : « vì lý do đó, Giáo hội Assyrie đông phương cùng dâng lời cầu nguyện lên Đức Trinh nữ Maria, « Mẹ Đức Kitô, Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ của chúng ta ». « Mẹ Đức Kitô » là cách nói truyền thống của Giáo hội Công giáo. Chúng ta có thể dẫn chứng thêm tuyên bố chung giữa Đức Gioan Phaolô II và Đức Giáo Chủ Công giáo  Arménie  Karékine I năm 1996 về những vấn đề Kitô học đã được tuyên tín từ Công đồng Nicée.

 

b) Với anh em Tin lành

 

Các cộng đoàn giáo hội xuất phát từ Giáo hội Cải cách rất đa dạng, cùng với những dị biệt ngay trong chính mỗi cộng đoàn, như  Sắc lệnh đã nêu rõ: “Các Giáo hội và cộng đoàn giáo hội ấy vì sự dị biệt nguồn gốc, giáo lý và đời sống tu đức chẳng những khác với chúng ta mà còn khác biệt với nhau nữa...” (UR số 19). Tuy vậy, cũng trong số 19 của Sắc lệnh, Công đồng dạy chúng ta: “Phải nhìn nhận rằng, có nhiều dị biệt quan trọng giữa các Giáo hội và Cộng đoàn giáo hội ấy với Giáo hội công giáo, chẳng những về phương diện  lịch sử, xã hội,tâm lý, văn hóa, nhưng nhất là về cách giải thích chân lý mặc khải”. Chúng ta biết, những dị biệt này là những định tín về Giáo hội, về mối tương quan giữa Tin mừng và Giáo hội, về cách chú giải Thánh kinh, về Huấn quyền về các bí tích và các thừa tác viên có thánh chức.

CPPUC trong thời gian qua đã tổ chức những cuộc đối thoại với anh em Tin lành trong những đề tài được nêu trên. Hai trường hợp cần được nhắc tới cách đặc biệt, đó là với anh em Anh Giáo và Tin lành Luther:

- Với Cộng đoàn Anh giáo: năm 1981, một cuộc hội thảo về đề tài Bí tích Thánh thể được thực hiện. Sau đó vài năm, một “Ủy ban quốc tế Anh Giáo - Công Giáo Rôma vì sự hiệp nhất và sứ mạng truyền giáo” được thiết lập. Từ năm 2003, một vấn đề nảy sinh làm cho mối quan hệ giữa Công giáo và Anh giáo gặp trở ngại: đó là việc truyền chức linh mục cho phụ nữ. Tại một cộng đoàn Anh giáo tại Hoa Kỳ, một người chủ trương đồng tính luyến ái được “truyền chức” Giám mục đã gây nên những bất đồng và chia rẽ ngay trong chính nội bộ Giáo hội Anh giáo.

- Với Giáo hội Luther: Một Uỷ ban hỗn hợp  nhằm đối thoại đã nhóm họp năm 1967 và năm 1972 đã công bố một tài liệu mang đề tài: “Tin mừng và Giáo hội”; Năm 1999, tuyên bố chung liên quan đến Giáo thuyết về sự công chính hóa”. Đây là một bước tiến đáng kể trong quan hệ của hai giáo hội.

 

Để kết luận phần này, chúng ta có thể khẳng định rằng, trong những vấn đề liên quan đến Đại kết, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio đã được áp dụng và thực thi cách nghiêm túc và có hiệu quả, nhìn chung trong Giáo hội  công giáo cũng như với các tín hữu Kitô anh em khác.

 

IV- MỘT LINH ĐẠO ĐẠI KẾT

 

Công đồng Vatican II đã trình bày Giáo hội như một Giáo hội Hiệp thông. Thượng hội đồng Giám mục năm 1985, tức là 25 năm sau Công đồng, đã tái  khẳng định  đường hướng của Vatican II: “Giáo hội học  về hiệp thông là ý tưởng chủ đạo và nền tảng của các văn kiện Công đồng”.

 

Do hoàn cảnh và những biến cố lịch sử, sự hiệp thông giữa các tín hữu Kitô vẫn còn là sự hiệp thông chưa trọn vẹn (communion imparfaite). Tuy vậy đó là sự hiệp thông thực sự (communion réelle) giữa các Giáo hội và Cộng đoàn giáo hội khác nhau. Nhiều cố gắng đối thoại và hợp tác đã và đang được thực hiện  để hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn.

 

Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, Đức Gioan Phaolô II đã kêu gọi Giáo hội công giáo cổ võ và thực hiện một nền linh đạo hiệp thông ( Novo Millennio số 43). “Linh đạo hiệp thông”, đó là tên gọi mới của đời sống tu đức”.

 

Bà Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolari, đã đề nghị chúng ta lược lại đường hướng tu đức của Giáo hội trong hai thiên niên kỷ đã qua trong những cố gắng thực hiện hai giới răn  nền tảng, theo Đức Giêsu, đã được quy tóm trong Lề luật và các Ngôn sứ: “Điều răn đứng đầu là.... ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn,hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.”  (Mc 12,29-31).

 

 Ở thiên niên kỷ thứ nhất, sự tìm kiếm Thiên Chúa được cụ thể hóa cách ưu tiên trong đời sống đan viện, nơi  các tu sĩ chuyên lo đời sống cầu nguyện, hãm mình phạt xác, trong sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa qua đời sống sa mạc. Tuy nhiên, giới răn thứ hai, tức là tình yêu tha nhân, không vì thế mà bị quên lãng. Chúng ta có thể lấy ví dụ như thành phố bác ái được Thánh Basile xây dựng.

 

Sang thiên niên kỷ thứ hai, tình yêu tha nhân được thể hiện dưới một chiều hướng mới. Các tín hữu Kitô xác tín rằng, họ càng kết hiệp với Thiên Chúa thì chính Thiên Chúa lại thúc đẩy họ yêu mến tha nhân, là những người đều được Chúa yêu thương. Sự chú trọng đến những phong trào bác ái ở đầu thiên niên kỷ thứ hai đi liền với việc đào sâu suy tư về nhân tính của Đức Giêsu.

 

Như thế, nếu hai thiên niên kỷ trước được đánh dấu bằng tình mến dành cho Thiên Chúa (thiên niên kỷ I) và tình yêu  dành cho tha nhân (thiên niên kỷ II), thì thiên niên kỷ thứ ba, tức thời đại chúng ta, phải được đánh dấu bằng một giới răn khác mà Đức Giêsu truyền dạy các môn đệ, giới răn mà Ngài gọi là “của Ngài” và là “giới răn mới”: “Thày ban cho anh em một giới răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 12,34).

 

Tất nhiên, chiều kích tương quan hiệp thông không hoàn toàn vắng bóng trong hai thiên niên kỷ đã qua trong linh đạo Kitô giáo, nhưng đó  chỉ là kinh nghiệm cụ thể trong  linh đạo  của một số cộng đoàn đan tu (ví dụ linh đạo của các nữ tu dòng Thánh Clara...) mà chưa phải là một linh đạo đặt nền trên sự hiệp thông.

 

Ngày nay, trong Giáo hội, chúng ta càng ngày càng  cảm nghiệm rõ ràng điều kiện thiết yếu để đến gặp gỡ Thiên Chúa và kết hiệp với Ngài trong đời sống thánh thiện là qua cuộc gặp gỡ với tha nhân. Và hơn nữa, sự bác ái tương quan lẫn nhau là nơi để nhận ra sự hiện diện củaThiên Chúa và nhờ đó chúng ta được kết hiệp với Ngài. Như thế, tha nhân chính là người bạn đồng hành để cùng nhau đến gần Thiên Chúa.

 

Ngày nay, Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho con người những đặc sủng khác nhau để thực  hiện chương trình củaThiên Chúa đã ban cho Giáo hội những đặc sủng mới để  sống trong tình hiệp thông. Chính trong chiều hướng đó mà một linh đạo mới được đề nghị: một linh đạo của sự hiệp nhất, trong lãnh vực cá nhân cũng như tập thể. Đức Gioan Phaolô II đã nhắc tới sự tương đồng giữa “linh đạo hiệp thông” với “linh đạo hiệp nhất”. Ngài đã viết cho Phong trào Focolari: “Linh đạo hiệp nhất” hay “linh đạo hiệp thông” là đặc tính nổi bật của Phong trào của các Bạn” (Gioan Phaolô II, sứ điệp gửi các thành viên nhân cuộc gặp gỡ quốc tế của các Giám mục thân hữu của Phong trào Focolari,14-2-2001). “Linh đạo hiệp nhất” là một đường hướng sống để thực hiện di chúc của Đức Giêsu: “Xin cho họ nên  một” (Ga 17). Sau đây là những đề nghị cụ thể cho một linh đạo hiệp thông:

 

- Xác tín nơi Thiên Chúa là Tình yêu và tôn nhận Ngài là lý tưởng sống của mình

- Đáp trả tình yêu của Ngài bằng chính tình yêu của chúng ta, trong việc dấn thân thực hiện Thánh Ý Ngài, chứ không phải thực hiện ý muốn của chúng ta.

- Tìm Thánh Ý của Thiên Chúa trong Tin mừng và  nơi tình yêu đối với tha nhân. Thể hiện Lời Tin mừng qua chính cuộc sống thường ngày để chiêm ngưỡng hình ảnh Đức Kitô và gặp gỡ Ngài trong mọi người, vì Ngài luôn hiện diện giữa chúng ta bằng nhiều cách.

 

Khi áp dụng một “linh đạo hiệp thông”, chúng ta có thể thực hiện điều Đức Gioan Phaolô II mong ước: “làm cho Giáo hội trở thánh một ngôi nhà và một mái trường của sự hiệp thông: đó là thách đố lớn mà chúng ta phải  đối diện khi bước vào thiên niên kỷ thứ ba, nếu chúng ta muốn trung tín với chương trình của Thiên Chúa và đáp lại niềm mong đợi sâu xa nhất của cả nhân loại” (Novo Millennio Ineunte n. 43). Chính linh đạo hiệp nhất là nền tảng và khởi điểm của việc dẫn đến một “linh đạo Đại kết”, trong sự hiểu biết và thiện chí hợp tác với nhau để tiến tới sự hiệp nhất trọn vẹn.

 

V- ĐẠI KẾT, MỘT CÔNG VIỆC ĐÒI HỎI KIÊN NHẪN VÀ CAN ĐẢM

 

Khóa họp Đại kết tại Roma tháng 11 năm 2004 là dịp nhìn lại những gì đã được thực hiện trong 40 năm qua, kể từ khi công bố Sắc lệnh Hiệp nhất. Chúng ta vui mừng vì những thành quả đã đạt được. Chúng ta hy vọng khi thấy những tín hiệu tốt lành khởi sắc cho phong trào Đại kết. Tuy vậy, như  Đức Gioan đã viết trong  Ut Unum Sint: “Con đường tiến tới sự hiệp nhất hữu hình của một Giáo hội duy nhất như  ý muốn của Đức Kitô là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và can đảm” (số 78). Những chia sẻ đóng góp của các tham dự viên cho thấy còn nhiều bức xúc tại các giáo hội địa phương trong tiến trình Đại kết: về một ngày thống nhất cho lễ Phục sinh, về quyền tối cao của Đấng Kế vị Thánh Phê-rô, về sự hiệp nhất trong phụng vụ, về cách dùng một số danh từ giáo lý và thần học...

 

1- Một Đại kết thiêng liêng:

 

Nhân dịp này, CPPUC đề nghị một bản hướng dẫn thực hành Đại kết (Vadememcum oeucumenicum) nhằm tới một Đại kết thiêng liêng. (oeucuménisme spirituel).

Đại kết thiêng liêng trước hết là sự sám hối nội tâm để góp phần chữa lành những vết thương của quá khứ do các cuộc ly giáo gây ra.

 

Thứ đến, Đại kết thiêng liêng thể hiện qua lời cầu nguyện, cá nhân cũng như tập thể, cho sự hiệp nhất các kitô hữu, vì lời cầu nguyện là linh hồn của mọi hoạt động Đại kết (UR số 8). Khi chúng ta hợp lại với nhau để cầu nguyện như những người anh chị em trong Chúa, chúng ta cảm thấy rõ ràng và mãnh liệt hơn ý muốn của Thiên Chúa cho chúng ta hiệp nhất. Hơn nữa, chỉ có lời cầu nguyện chung mới có thể giúp chúng ta sám hối nội tâm.

Sau cùng, Đại kết thiêng liêng là sự chia sẻ những di sản thiêng liêng của  truyền thống Kitô giáo được lưu giữ trong nhiều cộng đoàn giáo hội khác nhau. Thánh Thần  của Thiên Chúa đã làm cho Giáo hội Đức Kitô phong phú bởi nhiều phương pháp khác nhau trong việc đọc và suy niệm Thánh kinh, bởi sự đa dạng trong các lễ nghi phụng tự công cộng cũng như cá nhân. Phương Đông và Phương Tây đã làm cho Giáo hội thêm phong phú vì các đặc sủng của mình.

 

"Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công" (Tv 127). Đại kết được so sánh như một ngôi nhà đang được xây cất. Trong công trình này, nhiều chuyên viên được mời tham gia. Những ai xây nhà phải đầu tư rất nhiều bằng sự kiên nhẫn và khiêm tốn để rút ra những bài học về những sai lầm cũng như thành công của mình.

 

2- Những đề nghị cụ thể :

 

 Sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô « hiển nhiên vừa trái ngược với ý muốn của Chúa Kitô vừa là gương xấu cho thế giới và phương hại cho công cuộc rất thánh thiện là rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật » (UR số 1), vì nó đối nghịch với ý muôn của Chúa Kitô muốn cho mọi người nên một. CPPUC đưa ra những đề nghị cụ thể như sau :

a) Lắng nghe và loan báo Lời Chúa : các tín hữu Kitô không phân biệt đều được mời gọi cộng tác để loan báo Lời Chúa, vì "không biết Kinh thánh là không biết Đức Kitô" (Dei Verbum, số 25). Một số đề nghị về việc tổ chức những buổi hội thảo, các khóa học hỏi Kinh thánh, cùng nhau phát hành những tài liệu về Kinh thánh, tổ chức những "tuần đại kết", tổ chức huấn luyện Đại kết cho tu sĩ, chủng sinh, giáo dân.

b) Cùng cử hành đức tin : những buổi cầu nguyện chung, đọc Thánh vịnh, hát thánh ca, những thánh lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Nhất là tuần cầu cho sự hiệp nhất từ 18 đến 25 -01 hằng năm.

c) Đại kết bằng chính cuộc sống : bằng những cố gắng đối thoại,bằng việc chia sẻ, thực thi bác ái và cộng tác trong những mục đích phục vụ công ích.

 

Đại kết tại Việt nam

 

Theo Giáo sự Đặng Nghiêm Vạn, trong cuốn  "Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việtnam" do Nhà xuất bản  Chính trị quốc gia, 2001 thì hiện nay tại Việt nam có khoảng gần 400 000 tín hữu Tin lành với 159 mục sư và 456 người truyền đạo, khoảng gần 500 cơ sở thờ tự (tr. 287). Như vậy, với tổng dân số Việt nam là 82 000 000 người thì anh em Tin lành chiếm khoảng 0,4%. Số tín hữu công giáo do Văn phòng HDGM VN thống kê tháng 10 năm 2004 là 5 667 428 người.

 

Nhìn chung, ở Việt nam, các tín Công giáo và Tin lành sống hài hòa và tôn trọng lẫn nhau, không có những tranh chấp đối nghịch. Tuy vậy, những cố gắng đối thoại Đại kết giữa những tín hữu cùng tin Chúa Kitô ở Việt nam còn ở mức rất khiêm tốn. Hầu hết các Giáo phận đều tổ chức cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong tuần 18-25 tháng 01 hằng năm. Chúng ta vui mừng thấy mối quan hệ giữa Giáo hội công giáo và Anh em Tin lành những năm gần đây đã được cải thiện : một số Đại diện Tin lành thường được mời dự các lễ nghi quan trọng của Công giáo như  lễ tấn phong Giám mục, truyền chức linh mục, những dịp kỷ niệm, những buổi lễ khánh thành thánh đường. Tại một số Giáo phận, Anh Em Tin lành đã cộng tác với Cộng đoàn Công giáo địa phương  tổ chức những buổi trình diễn Thánh ca, những phòng triển lãm nghệ thuật thánh (như ở Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh), những cộng tác chung trong việc từ thiện bác ái, giúp đỡ người nghèo (Giáo phận Kontum…).

 

Kết luận : Khóa họp  Đại Kết tại Roma tháng 11-2004 là dịp nhìn lại những gì đã làm trong 40 năm qua để thực hiện Sắc lệnh Unitatis Redintegratio. Các thuyết trình viên và tham dự viên của khóa họp này đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của Đại kết, đó là lý do sống còn đối với tương lai của Giáo hội và là điều kiện tiên quyết để công cuộc truyền giáo có hiệu quả. Một sự sám hối nội tâm, một linh đạo hiệp nhất là sứ điệp gửi đến các tín hữu Kitô thuộc nhiều Giáo hội khác nhau để lời cầu nguyện cũng là di chúc của Thày Chí Thánh được thực hiện : "để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta" (Ga17,21).

 

 

+ Giuse Vũ văn Thiên

Giám mục Hải phòng

 

 


Phung Vu