SACROSANCTUM CONCILIUM

 (Hiến chế về Phụng vụ của Công đồng Vatican II)

Nathan D. Mitchell

(tiến sĩ, giám đốc Trung tâm Phụng vụ,

giáo sư thần học tại đại học Notre Dame, South Bend, Indiana)

Năm 2007, nhà xuất bản OCP (Hoa Kỳ) ấn hành một tập sách mỏng nhan đề The Song of the Assembly (Cộng đoàn ca hát) gồm 23 bài viết ngắn diễn giải các văn kiện của Hội Thánh liên quan đến thánh nhạc, đặc biệt chú trọng đến những vấn đề thực tiễn trong việc tham dự tích cực của cộng đoàn vào phụng vụ. Ủy ban Thánh nhạc/HĐGMVN xin giới thiệu bài viết thứ năm của tập tiểu luận này 1

BẢN TÓM LƯỢC NHỮNG ĐIỂM CỐT YẾU

Nhiều người cho rằng văn kiện Sacrosanctum Concilium (tức Hiến chế về Phụng vụ) của Công đồng Vatican II đã làm thay đổi tận gốc rễ cách thức thờ phượng của tín hữu Công Giáo khắp hoàn cầu. Thật ra, văn kiện này không sửa đổi một điều gì về phụng vụ. Sacrosanctum Concilium không nhằm mục đích hợp thức hoá những thay đổi hoặc để tuyên bố các tín điều, nhưng là để phác hoạ các qui phạm mục vụ và các nguyên tắc thần học giúp cho Giáo Hội canh tân mọi phương diện của đời sống phụng vụ: cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể (47-82); ca tụng Thiên Chúa hàng ngày bằng Phụng vụ các giờ kinh (83-101); cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa ở việc chay tịnh, trong các lễ mừng kính và trong các mùa của năm phụng vụ (102-111); thánh nhạc và nghệ thuật thánh (112-130). Để “dân Kitô giáo” hiểu được các nghi lễ phụng vụ “cách dễ dàng và có thể tham dự vào những nghi lễ ấy một cách trọn vẹn, tích cực và cộng đồng” (21), Công đồng đòi hỏi phải “phục hồi” triệt để toàn diện nền phụng vụ Rôma. Đáp ứng yêu cầu này của Công đồng, Đức Thánh Cha Phaolô VI với tự sắc Sacram Liturgiam ban hành ngày 25-01-1964 đã thành lập một consilium (ủy ban) có nhiệm vụ đưa Hiến chế vào hiệu lực ngay để canh tân phụng vụ sớm bao có thể.

Ở trung tâm Hiến chế Sacrosanctum Concilium là hình ảnh một dân thánh lữ hành được dẫn đến “tham dự các cuộc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và tích cực do chính bản chất phụng vụ đòi hỏi” (14). Trong công cuộc canh tân phụng vụ, “mục đích hàng đầu phải quan tâm trước mọi mục đích khác” là “sự tham dự trọn vẹn và tích cực của toàn dân” (14). Hiến chế nhấn mạnh thêm nguyên tắc căn bản này bằng bốn hệ luận then chốt:

1. Phụng vụ của Giáo Hội ca ngợi nhiều cách thức hiện diện của Chúa Kitô giữa dân của Người (trong phụng vụ Thánh Thể, nhất là trong hai hình sắc Thánh Thể; trong các bí tích khác; nơi các thừa tác viên; trong Lời Chúa; và bất cứ khi nào Giáo Hội họp nhau lại để cầu nguyện và ca ngợi) (7);

2. Phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, vì thế mọi thành viên của cộng đoàn phụng vụ đều có vai trò và tiếng nói trong việc chung lời ngợi khen Thiên Chúa (26);

3. Giáo Hội trân trọng vẻ đẹp văn hoá của của các dân nước khác nhau và, mỗi khi có thể, Giáo Hội hội nhập “những phẩm chất và tài năng” này vào phụng vụ (37);

4. Lời Chúa chính là bí tích, do đó phần Phụng vụ Lời Chúa và phần Phụng vụ Thánh Thể “tạo thành một hành vi phượng tự duy nhất” (56).

SACROSANCTUM CONCILIUM  CỔ VÕ VIỆC CỘNG ĐOÀN CA HÁT

Là một trong những đoạn văn nổi bật của Hiến chế, số 83 dùng hình ảnh bài thánh ca để miêu tả mối quan hệ mới giữa Thiên Chúa với trần gian nơi Đức Kitô và sự đáp trả của nhân loại đối với hồng ân này: “Là Thượng Tế của Tân Ước vĩnh cửu, Chúa Giêsu Kitô, mang bản tính nhân loại, đã đưa vào cuộc lưu đày ở trần gian này một bản thánh ca được hát lên qua mọi thời đại trên các tầng trời. Người kết hiệp toàn thể cộng đoàn nhân loại với Người và cho họ cùng với Người hát bài ca ngợi này”. Đoạn văn thú vị này nói với chúng ta rằng: thứ nhất, Lời không những thành xác phàm mà còn thành âm nhạc, Lời đã đưa bài ngợi ca bất tận của chính Thiên Chúa vào trong lịch sử nhân loại chúng ta. Thứ hai, trong mầu nhiệm nhập thể, Đức Kitô kết hiệp “toàn thể cộng đồng nhân loại” với Người chứ không chỉ “các tín hữu đạo đức” mà thôi. Ở đây, Hiến chế cho thấy trước một ý tưởng mà sau đó được minh giải trong Gaudium et Spes, văn kiện cuối cùng của Công đồng (7-12-1965), tức Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Vì chưng, Gaudium et Spes khẳng định mạnh mẽ rằng “vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi tối hậu dành cho mọi người chỉ là một, nghĩa là do Thiên Chúa, nên chúng ta phải tin rằng Chúa Thánh Thần, bằng cách nào đó chỉ Thiên Chúa biết thôi, ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua này” (22).

Liên kết những trích dẫn trên đây, ta có được nền tảng thần học cho việc ca hát ngợi khen của cộng đoàn Kitô hữu. Chúng ta ca hát vì Thiên Chúa đã hát ca cho muôn loài hình thành và đã ban tặng cho trần gian âm nhạc mặc lấy xác phàm là Ngôi Lời - bài ca bất tận kết nối đất với trời, loài người với Thiên Chúa. Tự định nghĩa, phụng vụ là lời ca và giai điệu, bởi lẽ bổn phận của cộng đoàn phụng vụ không chỉ đơn thuần là cảm tạ hồng ân, mà là kêu gọi toàn nhân loại hiệp nhất quanh Bàn Tiệc Chúa, Bữa Ăn Tối của Con Chiên. Lời nguyện cầu của chúng ta với tư cách là “hàng tư tế vương giả, nước thánh thiện, dân riêng của Thiên Chúa” (số 14, trích dẫn 1Pet 2:9) chắc chắn phải có âm nhạc tính. Vì thế, số 112 trong Sacrosanctum Concilium nhấn mạnh rằng việc cộng đoàn ca hát chẳng phải là thứ trang sức dư thừa, nhưng là “thành phần tất yếu và cốt yếu” của phụng vụ.

Tắt một lời, như hội nghị thứ nhất của Hiệp hội Âm nhạc Mục vụ đã phát biểu năm 1978, “âm nhạc trong phụng vụ là bắt buộc”, chứ không phải nhiệm ý. Nói cụ thể hơn, chúng ta không thể cử hành phụng vụ cách tốt đẹp nếu thiếu đi việc kết hiệp lời ca tiếng hát với bài ca mà Chúa Kitô “đã đưa vào cuộc lưu đày ở trần gian này”. Bởi lẽ, trong mầu nhiệm Ngôi Lời thành xác phàm, Thiên Chúa đã chọn việc nhập thể và thuộc về thế giới loài người cùng lịch sử nhân loại bằng một cách thức đặc biệt - ấy là chấp nhận mọi đặc tính của không gian và thời gian, của các tập tục và các nền văn hoá. Sacrosanctum Concilium minh nhiên nhìn nhận điều này, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng các truyền thống âm nhạc địa phương của các dân nước “phải được tôn trọng”, vì âm nhạc địa phương không những “hình thành tâm tình đạo đức cho dân chúng” mà còn đòi hỏi âm nhạc phụng vụ phải thích nghi với “đặc tính bản xứ của họ” (119).

ĐỂ CỘNG ĐOÀN CA HÁT LINH HOẠT HƠN: NHỮNG ĐIỂM TRỌNG YẾU

Nền tảng thần học mạnh mẽ trong Hiến chế Sacrosanctum Concilium về việc cộng đoàn ca hát giúp chúng ta xác định được ba vấn đề chính yếu trước mắt các nhà hoạt động mục vụ thánh nhạc ngày nay khi muốn linh hoạt hoá lời ca tiếng hát của cộng đoàn:

1. Cần phải nhớ rằng âm nhạc không bao giờ là thứ trang trí phụ thuộc như cây trồng trong chậu kiểng. Âm nhạc làm nên bản sắc của một dân tộc: không những bằng lời nói mà còn bằng tiếng hát, ta biểu lộ mình là ai. Nhiệm vụ trước tiên của người phục vụ thánh nhạc là phải lắng nghe để biết mỗi cộng đồng dân chúng hiện thân qua âm nhạc và hiện thân thành âm nhạc như thế nào, nghĩa là âm nhạc nói lên bản sắc thâm sâu của họ, những ý nghĩa và những giá trị cốt tủy của họ ra sao. Phải lắng nghe những dị biệt và những sắc thái (nuances) văn hoá đặc thù vốn làm cho cộng đồng này khác với cộng đồng kia. Những dị biệt này đôi khi rất hiển nhiên, ở mức vĩ mô (chẳng hạn cộng đồng người Mỹ gốc Phi châu khác hẳn cộng đồng người da trắng), và đôi khi ít rõ ràng, ở mức vi mô (như dị biệt giữa hai cộng đồng gốc châu Mỹ La-tinh, cộng đồng này có tổ tiên là người Mêxicô, còn cộng đồng kia có cội nguồn từ Guatêmala). Âm nhạc luôn luôn liệt kê những khác biệt và những mối liên hệ giữa các dân tộc ngoài phương diện ngôn ngữ và chủng tộc.

2. Cần phải nhớ rằng âm nhạc, cũng như nghệ thuật nói chung, không chỉ nhằm xoa dịu và thêm sức mà còn dẫn dắt một cộng đồng dân chúng vượt xa khỏi vùng an nhàn quen thuộc. Bất cứ ai hoạt động phục vụ thánh nhạc hẳn đều biết đến những cộng đoàn vẫn gắn bó với một cuốn tuyển tập thánh ca ra đời ngay sau Công đồng Vatican II (tức thuộc thập niên 1960 hoặc 1970); những chân trời phụng vụ của họ chẳng bao giờ dám bạo dạn vượt ra khỏi nơi ẩn nấp nhỏ bé với những cung điệu êm đềm. Đúng ra, nghệ thuật âm nhạc làm được nhiều việc hơn là chỉ diễn tả những gì ta đã biết hoặc đã cảm nhận. Sâu xa hơn, âm nhạc ra sức xử lý những trải nghiệm, những tư tưởng và những cảm xúc mà rất có thể ta sợ phải thừa nhận mà không có cách xử lý nào khác ngoài âm nhạc. (Chính vì lẽ này, khi nhạc sĩ Robert Schumann được hỏi tác phẩm dương cầm nào đó của ông “có ý nghĩa gì”, ông lẳng lặng ngồi xuống và diễn tấu tác phẩm ấy một lần nữa). Người phục vụ thánh nhạc phải dụng công làm cho cộng đoàn thức tỉnh lắng nghe những tiếng nói cần phải nghe, ngay cả khi đó là những tiếng nói ta không muốn nghe.

3. Cần phải biết lắng nghe sự yên lặng của âm nhạc. Nhà thơ T. S. Eliot từng nói đến thứ “âm nhạc nghe vang vọng thật thâm sâu đến nỗi chẳng còn thanh âm” (“music that is heard too deeply that it is not heard at all”). Tôi ngờ rằng trong lắm thứ “tiếng nói” của âm nhạc thì không chỉ có cao độ, âm sắc, tiết điệu, cung thể và phi cung thể, mà còn có cái vô thanh (the inaudible), tức âm nhạc khuất dưới âm nhạc. Francois Lyotard nhắc nhở chúng ta rằng bài ai ca - tức niềm đau thê thiết của con người - vút lên bằng cách này, đó là “âm nhạc” từ nỗi mất mát vô thanh cố đi tìm hơi thở và tiếng nói để diễn tả mà không sao tìm thấy được. Ngay sau Công đồng Vatican II, vì vội vã nhấn mạnh đến âm điệu phục sinh vui tươi của đức tin và sức sống Kitô giáo nên có lẽ chúng ta đã quên đi nguồn mạch kia, tuy vô thanh nhưng cũng là quan trọng, gồm những mất mát, than van, ưu phiền và sợ hãi. Người phục vụ thánh nhạc phải giúp cộng đoàn tìm thấy được sức sống và sự hiện diện của Thiên Chúa không những trong tiếng kèn khải hoàn và bông huệ nở tươi của lễ Phục Sinh mà còn trong trăm nghìn nỗi đau buồn vì xa cách và chia ly. Bởi lẽ, tất cả những trải nghiệm này làm nên âm thanh của dân Thiên Chúa - cũng là của nhân loại - tụ họp nhau trong đức tin để cầu nguyện và phụng thờ.

----------------

1 Bài này đã đăng trên Hương Trầm số 9 (tháng 2/2009)

 

Người dịch: Phanxicô

 


Phung Vu