Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích: Sắc Lệnh In Missa In Cena Domini (Thánh Lễ Tiệc Ly) – Ngày 06-01-2016

(catechesis.net)

 

SẮC LỆNH

IN MISSA IN CENA DOMINI

VỀ VIỆC CỬ HÀNH THÁNH LỄ TIỆC LY

Ngày 06 Tháng 01 Năm 2016

 

Việc canh tân Phụng Vụ Tuần Thánh, với Sắc Lệnh Các Mầu nhiệm quan trọng nhất của ơn cứu chuộc chúng ta, ngày 30-11-1955, cho phép rửa chân cho 12 người đàn ông trong Thánh Lễ Tiệc Ly, sau bài Tin Mừng Gioan, cử chỉ này bày tỏ sự khiêm hạ và tình yêu của Chúa Kitô dành cho các môn đệ của Ngài.

Trong phụng vụ Roma, nghi thức này được lưu lại với danh xưng Mandatum (điều răn, giới luật) của Chúa Giêsu về đức ái huynh đệ theo chính lời Ngài (x. Ga 13,34), được diễn tả trong điệp ca lúc rửa chân. Khi cử hành nghi thức này, các Giám mục và các linh mục được mời gọi trở nên giống Chúa Giêsu, “Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20,28), và được tình yêu “đến cùng” (Ga 13,1) thúc đẩy, hiến thân cho phần rỗi của toàn thể nhân loại. Để diễn tả ý nghĩa tròn đầy của nghi thức này đối với những ai tham dự vào, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định luật phụng vụ được ghi trong Sách Lễ Roma: “Các người giúp lễ sẽ hướng dẫn những người đàn ông đã được tuyển chọn…” [1] phải được được thay đổi như sau: “Các người giúp lễ sẽ hướng dẫn những người được tuyển chọn trong Dân Chúa…” (và cũng liên hệ đến Nghi Thức Giám Mục, số 301 và số 299 b: “các ghế dành cho các người được chọn”). Như vậy, các mục tử có thể chọn một nhóm nhỏ các tín hữu đại diện các thành phần dân Chúa. Nhóm nhỏ ấy có thể gồm cả phụ nam lẫn phụ nữ, người trẻ, người già, người lành mạnh và bệnh nhân, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.

Do năng quyền Đức Thánh Cha ban, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích áp dụng sự thay đổi này vào các sách phụng vụ, và nhắc nhớ các vị mục tử về nghĩa vụ giáo huấn thích hợp cho các tín hữu được chọn (rửa chân) cũng như cho những người khác, để họ tham dự vào nghi thức này một cách ý thức, tích cực và hiệu quả.

Bất chấp những quy định trái ngược.

Làm tại Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

Ngày 06 tháng 01 năm 2016, Lễ trọng Chúa Hiển Linh

Hồng Y Robert Sarah

Tổng Trưởng

+ Tổng Giám Mục Arthur Roche

Thư Ký

***

GIẢI THÍCH SẮC LỆNH IN MISSA IN CENA DOMINI

“Thầy đã nêu gương cho anh em” (Ga 13,15)

Sắc Lệnh In Missa in cena Domini (Thánh Lễ Tiệc Ly) của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, liên quan tới việc Đức Thánh Cha Phanxicô sửa lại luật phụng vụ trong Sách Lễ Roma về nghi thức rửa chân.[2] Từ nhiều thế kỷ, nghi thức này gắn liền với thứ Năm Tuần Thánh, và từ cuộc canh tân phụng vụ tuần thánh năm 1955, nghi thức này được đưa vào Thánh Lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh, thời điểm khởi đầu Tam Nhật Thánh.

Được Tin Mừng Gioan soi sáng, nghi thức có tính cách truyền thống này mang ý nghĩa kép: bắt chước việc rửa chân mà Chúa Giêsu đã làm cho các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly, và diễn tả việc tự trao ban chính mình Ngài qua việc phục vụ. Tên gọi của nghi thức này là Mandatum (điều răn, giới luật) được lấy từ điệp ca được đọc hay hát trong lúc rửa chân: “Mandatum novum do vobis, ut diligatis invicem, sicut dilexi vos, dicit Dominus” – “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em phải yêu thương nhau, như Thày đã yêu thương anh em” (Ga 13,13). Thật vậy, giới răn yêu thương thôi thúc tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu, không phân biệt, loại trừ ai. Sách phụng vụ thế kỷ VII viết: “Đức Giáo Hoàng rửa chân cho các cận vệ của ngài và cho hàng giáo sĩ trong dinh thự của ngài”. Sách Phụng Vụ Roma (Pontificale Romano) thế kỷ XII ghi lại nhiều hình thức rửa chân khác được thực hiện trong các Giáo phận và các Đan viện vào thời điểm sau kinh Chiều thứ Năm Tuần Thánh. Sang thế kỷ XIII, việc rửa chân được thực hiện trong Giáo triều Roma (Rửa chân cho 12 phó tế). Việc rửa chân cũng được ghi lại trong Sách Lễ Roma của Đức Giáo Hoàng Piô V (1570): “Sau khi lột khăn bàn thờ, vào thời điểm thích hợp, theo quyết định của những người hữu trách, các giáo sĩ thực hiện việc rửa chân. Người có địa vị cao rửa chân cho người có địa vị thấp, lau chân và hôn chân”. Khi rửa chân hát điệp ca, điệp ca cuối là “Đâu có tình yêu thương” (Ubi caritas), nghi thức kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện liên kết với mệnh lệnh phục vụ và việc thanh tẩy tội lỗi: “Lạy Chúa, xin lắng nghe lời khẩn và sự phục vụ của chúng con…”. Như vậy, việc rửa chân dành riêng cho hàng giáo sĩ. Ý nghĩa cử chỉ này được soi sáng bởi đoạn Tin Mừng được đọc trong Thánh Lễ ban sáng. Không ấn định con số 12, dường như điều đó cho thấy rằng, vấn đề không chỉ là bắt chước những gì Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly, nhưng hơn thế nữa, là sống theo mẫu gương mà Ngài đã để lại luôn thích hợp và cần thiết cho tất cả các môn đệ của Ngài.

Việc rửa chân “De Mandato seu lotione pedum” (Mandato – giới răn, hoặc việc rửa chân)cũng được ghi lại rất rõ ràng trong “Nghi Thức Giám Mục” (Caeremoniale Episcoporum) năm 1600. Sách này cho biết, việc rửa chân được thực hiện sau kinh Chiều, hoặc sau bữa ăn trưa, trong nhà thờ hoặc trong phòng hội hoặc nơi nào đó phù hợp, Giám mục rửa chân, lau và hôn chân 13 người nghèo, sau khi cho họ áo mặc, thức ăn và giúp đỡ họ. Hoặc Giám mục, thay vì rửa chân cho 13 người nghèo, ngài rửa chân cho 13 kinh sĩ, theo thói quen địa phương, hoặc theo ý muốn của ngài, có thể ngài thích rửa chân cho người nghèo hơn là rửa chân cho các kinh sĩ, ngay cả ở những nơi có thói quen rửa chân cho các kinh sĩ, vì: “Khi rửa chân cho người nghèo, Giám mục bày tỏ sự khiêm hạ và đức ái hơn khi rửa chân cho các kinh sĩ”. Như vậy, việc rửa chân dành cho hàng giáo sĩ, không loại trừ thói quen địa phương coi trọng người nghèo và trẻ em nam (Ví dụ Sách Lễ Paris), việc rửa chân là cử chỉ mang ý nghĩa, nhưng không có sự hiện diện của dân Chúa. “Nghi Thức Giám Mục” quy định rõ ràng việc rửa chân tại các Nhà Thờ Chính Tòa và tại các trường học.

Phụng vụ canh tân được thực hiện dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XII (1955) đã chuyển Thánh Lễ Tiệc Ly “Missa in cena Domini” vào buổi chiều thứ Năm Tuần Thánh, việc rửa chân được đưa vào Thánh Lễ này, diễn ra sau bài giảng, dành cho “12 người đàn ông được chọn”. Vị chủ sự rửa và lau chân cho các người được chọn. Không nói tới việc hôn chân. Như vậy, quy định mới về việc rửa chân, không chỉ còn liên hệ với hàng giáo sĩ và không còn tính cách riêng tư nữa, nhưng có sự hiện diện của cộng đoàn. Ấn định con số “12 người đàn ông” rõ ràng là một cử chỉ bắt chước, như là một đại diện thánh, những yếu tố đó gợi lên trong tâm trí cử chỉ Chúa Giêsu đã thực hiện vào chiều thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên.

 Sách Lễ Roma năm 1970 lấy lại nghi thức này, nhưng sửa đổi đôi chút, làm đơn giản hóa một vài chi tiết: Không ấn định con số 12; chỉ cử hành nghi thức rửa chân nếu lý do mục vụ khuyên làm; bỏ đi một điệp ca và thay các điệp ca khác vào đó. Điệp ca “Đâu có tình bác ái” - “Ubi caritas” được rời vào lúc dâng của lễ; bỏ phần kết thúc gồm Kinh Lạy Cha và lời nguyện, vốn dĩ gắn liền với nghi thức rửa chân được cử hành ngoài Thánh Lễ. Tuy nhiên, Sách Lễ Roma 1970 duy trì những người được rửa chân là“các người đàn ông”. Thay đổi mới nhất hiện nay dự trù, những người được rửa chân là những người được tuyển chọn trong các thành phần của dân Chúa. Ý nghĩa việc rửa chân không chỉ còn là bắt chước cử chỉ bên ngoài mà Chúa Giêsu đã thực hiện, cho bằng ý nghĩa cử chỉ mà Ngài đã thực hiện, với ý nghĩa rộng lớn hơn; nghĩa là Ngài đã trao ban chính mình đến cùng vì phần rỗi của nhân loại. Tình yêu của Ngài ôm ấp hết thảy mọi người. Tất cả mọi người được mời gọi sống theo mẫu gương của Ngài. Tất cả hãy làm như Ngài đã làm cho chúng ta (x. Ga 13,14-15). Và vượt lên trên việc rửa chân hữu hình cho người khác, để hiểu trọn vẹn ý nghĩa mà cử chỉ này diễn tả trong việc phục vụ và yêu mến anh chị em mình. Trong Thánh Lễ, tất cả các điệp ca, được đề nghị lúc rửa chân nhắc nhớ và diễn tả ý nghĩa của cử chỉ này, cho những ai cử hành và những ai lãnh nhận, cho những ai chiêm ngắm và suy niệm trong tâm trí cử chỉ này bằng các bài hát.

Trong Thánh Lễ Tiệc Ly không bó buộc phải rửa chân. Các mục tử cân nhắc sự thích hợp tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu mục vụ, để không thực hiện việc rửa chân một cách máy móc, làm giảm và mất đi ý nghĩa của cử chỉ này. Hơn nữa, không làm cho cử chỉ này thành quan trọng đối với toàn thể Thánh Lễ Tiệc Ly, được cử hành trong “ngày cực thánh, ngày Chúa Giêsu tự phó nộp vì chúng ta”. Trong chỉ dẫn về bài giảng lưu ý tới đặc tính căn bản của Thánh Lễ này, thiết lập Bí tích Thánh Thể, chức tư tế và điều răn mới về tình bác ái huynh đệ, đây là điều răn quan trọng nhất đối với tất cả mọi người và dành cho tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội.

Các mục tử nên chọn một nhóm nhỏ tín hữu đại diện cho các thành phần dân Chúa: giáo dân, những người có chức thánh, những người đã kết hôn, những người độc thân, các tu sĩ, những người khỏe mạnh và những người đau yếu, trẻ em, thanh niên và những người già. Không nên chỉ chọn một nhóm, một thành phần nào đó (Ví dụ: Chỉ chọn một nhóm thiếu niên, hoặc chỉ chọn một nhóm người già – giải thích của người dịch). Cần thiết, người được chọn là người sẵn sàng đón nhận sự chọn lựa trong sự chân thành. Những ai thu xếp việc cử hành phụng vụ, cần chuẩn bị và sắp xếp mọi sự để giúp tất cả và từng người tham dự cách sốt sáng vào cử hành này: vì đời sống của mỗi người môn đệ của Chúa Giêsu là tưởng niệm“điều răn mới” được lắng nghe trong Tin Mừng.

+ Tổng Giám Mục Arthur Roche

Thư Ký Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích


[1] Xc. Ủy Ban Phụng Tự Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Lễ Rôma, năm 1992, số 6, tr. 255 (chú thích của người dịch).

[2] Xc. Ủy Ban Phụng Tự Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Lễ Rôma, năm 1992, số 5-6, tr. 255 (chú thích của người dịch).

Nguồn: http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccdds/documents/rc_con_ccdds_doc_20160106_decreto-lavanda-piedi_it.html

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccdds/documents/rc_con_ccdds_doc_20160106_commento-decreto-lavanda-piedi_it.html

 


Trang Phụng Vụ