NHỮNG HƯỚNG DẪN CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTO XVI

CHO MÙA CHAY THÁNH NĂM 2007

 

         Như mọi năm, Mùa Chay năm nay, 2007, cũng được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đưa ra những chỉ dẫn cho tín hữu để sống Mùa phụng vụ này cách sốt sắng. Những chỉ dẫn này được nói tới trong ba văn kiện : Sứ điệp Mùa Chay (ngày 21.11.2006) mang tựa đề Chúng đã nhìn lên Đấng chúng đã đâm thâu qua, Bài huấn từ cho các Cha Giải tội tại bốn Vương cung thánh đường lớn ở Rôma : Đền Thờ Thánh Phêrô, Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại thành, Đền Thờ Thánh Gioan Lateranô và Đền Thờ Đức Bà Cả (ngày 19.02.2007) và Bài huấn từ trong Buổi triều yết, thứ tư hằng tuần (ngày 21.02.2007), Thứ Tư Lễ Tro. Chúng ta dựa vào ba văn kiện này để đưa ra một số điểm cụ thể sống Mùa Chay năm nay.

1.      Sự kiện Kinh thánh

Sứ điệp Mùa Chay năm nay dựa vào sự kiện kinh thánh trong Phúc âm theo thánh Gioan, sau khi các người lính đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá, họ đã lấy đòng đâm cạnh sườn Chúa. Từ vết thương này máu và nước chảy vọt ra (x. Ga 19,37). Và Thánh sử Gioan ghi nhận thái độ của những người lính Rôma như sau : Chúng đã nhìn lên Đấng chúng đã đâm thâu qua. Từ đây Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI suy tư về ý nghĩa Mùa Chay và đưa ra những hướng dẫn cho tín hữu sống Mùa Chay thánh.

Sự kiện này không phải chỉ là một hành động được thực hiện theo thói lệ, nghĩa là để chứng nghiệm xem tử tội đã chết thật chưa. Khi đến lượt Chúa Giêsu, thay vì đập gẫy ống chân của của Chúa, đã bị đóng đinh, như với hai người trộm cùng bị đóng đinh với Chúa, thì họ đã lấy đòng đâm vào cạnh sườn của Chúa.

         Trong lúc đó có hai người thân của Chúa chứng kiến sự kiện này : là Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và Gioan, người môn đệ Chúa yêu thương. Các Ngài cũng đã nhìn lên và chiêm ngắm trong đau đớn vết thương từ cạnh sườn của Chúa bị đâm thâu qua. Các Ngài đại diện cho chúng ta ở bên cạnh thập giá Chúa. Bây giờ chính chúng ta ngắm nhìn vết thương nơi cạnh sườn Chúa và cùng suy tư về sự kiện này.

3.      Ý nghĩa sự kiện Kinh thánh

a)      Trước tiên khi ngắm nhìn thập giá chúng ta nhận thấy đây là một mặc khải trọn vẹn quyền năng vô biên của tình yêu Thiên Chúa và lòng từ bi nhân hậu của Chúa Cha. Cũng từ đây, chúng ta nhận được mặc khải về tình yêu cao vời của Thiên Chúa dành cho con người. Để chiếm hữu tình yêu của thụ tạo, Thiên Chúa phải trả một giá quá cao : đó là bằng giá máu Con chí thánh của mình.

         Như vậy khi ngắm nhìn Đấng đã bị lưỡi đòng đâm thâu qua, chúng ta đang ngắm nhìn chính tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa, chúng ta khám phá ra tình yêu cao cả của Thiên Chúa. Tình yêu này được hiểu như là một tình yêu trao ban, dâng hiến từ Thiên Chúa cho nhân loại (amour oblatif). Đó là tình yêu được gọi là tình yêu agape. Vì tình yêu này, Thiên Chúa yêu thương chúng ta trọn vẹn và ban tặng chúng ta tất cả nơi Người Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô.

    

b)      Nhưng đồng thời khi ngắm nhìn thập giá và vết thương cạnh sườn của Chúa Giêsu, chúng ta cũng khám phá ra một tình yêu khác của Thiên Chúa : đó là tình yêu muốn kết hợp với người mình yêu thương. Thiên Chúa như còn cảm thấy thiếu việc hòa nhập với con người mà Ngài yêu thương trọn vẹn. Vì thế Ngài mong mỏi được kết hiệp với con người. Đây là tình yêu mà chúng ta gọi là tình yêu “eros”. Để chiếm đoạt con người và để kết hiệp với con người, Thiên Chúa đã làm tất cả những gì phải làm để yêu thương con người. Và từ đây chúng ta nhận ra quyền năng của Thiên Chúa như được dùng hoàn toàn cho mục đích này mà thôi. Kinh thánh đã cho chúng ta nhiều hình ảnh, dụ ngôn diễn tả cách thức yêu thương như thế này nơi Thiên Chúa. Sách ngôn sứ Osea là một câu truyện tình yêu của Thiên Chúa với con người. Chúng ta chỉ có thể hiểu được câu truyện ngôn sứ Osea khi ông không chối bỏ người vợ bất trung của mình, cho dù nàng đã nhiều phen bỏ ngôn sứ đi theo những người tình khác một cách quá lăng loàn, nếu chúng ta nhìn nó trong bối cảnh Thiên Chúa yêu thương con người và làm hết cách để chiếm đoạt con người. Ngay từ đầu, con người đã phản bội tình yêu của Thiên Chúa, muốn tự lập tự chủ (x. Sáng thế 3,1-7). Nhưng Thiên Chúa không coi đó là thất bại. “Cái chối từ” của con người trước tình yêu của Thiên Chúa, không làm Thiên Chúa buông xuôi, trái lại, tiếng khước từ này lại là một thúc đẩy quyết định đem Ngài tới việc biểu lộ tình yêu của mình ra cho con người qua tất cả quyền lực cứu rỗi của Ngài.

Chính mầu nhiệm thập giá với Chúa Kitô bị đóng đinh và cạnh sườn Ngài bị lưỡi đòng đâm thâu qua, cho chúng ta nhận ra sự tự do và quyền năng vô cùng của Thiên Chúa, làm cho sự chết do tội Adong gây nên cho con người, trở nên một hành động yêu thương tuyệt đỉnh và một hành động tự do vô cùng của Thiên Chúa. Thánh Massimo (Massimo il Confessore) đã nói một cách sâu xa như sau : “Nhờ hành động yêu thương và tự do này, Chúa Kitô đã chết một cách theo cách thế của Thiên Chúa, nghĩa là chết trong tự do hoàn toàn” (Ambigua, 91). Qua thập giá, tình yêu eros của Thiên Chúa được biểu lộ ra một cách hiển nhiên, vì như lời ông Pseudo Dionisio nói, tình yêu này không thể bị giam hãm lại trong chính mình, nhưng bị đẩy ra để kết hợp với người mình yêu (x. De divinis nominbus, IV, 13 : PG 3, 712). Và còn tình yêu eros nào điên dồ hơn là tình yêu đem Con Thiên Chúa kết hiệp với con người mà Ngài yêu thương đến nỗi chấp nhận mọi đau khổ của con người như là hậu quả của tội lỗi họ gây ra (x. N. Cabasilas, Vita in Cristo, 648).

         Như vậy thập giá hòa nhập cả tình yêu agape và tình yêu eros của Thiên Chúa đối với con người, cho thấy sự tự do tuyệt đối của Thiên Chúa khi yêu thương con người, cho thấy cung cách hành xử hoàn toàn tự do như là Thiên Chúa.

c)      Nhưng Thiên Chúa muốn gì nơi chúng ta qua thập giá của Con Một của Ngài bị đâm thủng nơi cạnh sườn ?

         * Từ cạnh sườn bị đâm thủng này, Thiên Chúa muốn chúng ta nhận ra tính cách đích thực (la réalité) của tình yêu của Ngài trao gửi tới chúng ta. Đây không phải là thứ tình yêu giả tạo. Bây giờ người ta không thể nói là làm sao Thiên Chúa có thể yêu thương tôi ? Đâu là bằng chứng của tình yêu của Thiên Chúa cho con người ? Tình yêu này không phải là lời nói xuông, nhưng bằng chính cái chết của Người Con của Ngài. Ngài yêu ta bằng tình yêu agape, nghĩa là hiến tặng cho chúng ta tất cả và bằng tình yêu eros, nghĩa là muốn thu hút chúng ta vào trong sự hiệp nhất trọn vẹn với Ngài.

* Từ trên thập giá tình yêu của Thiên Chúa muốn kếp hiệp với con người. Đó là ý nghĩa câu Chúa Giêsu nói :Khi nào ta bị treo lên, thì ta sẽ kéo mọi sự lên cùng ta” (Ga 12,32). Và như vậy thập giá mặc khải cho chúng ta biết, Thiên Chúa yêu thương chúng ta và muốn lôi kéo chúng ta đi sâu vào tình yêu điên khùng này.

* Sau cùng, từ thập giá của Chúa Kitô, Thiên Chúa muốn chúng ta bắt chước Ngài để chính chúng ta cũng trao ban cho người khác, tình yêu mà chúng ta chúng ta nhận được từ Thiên Chúa, tình yêu agape, và tình yêu eros. Đồng thời chúng ta cũng phải lôi kéo người khác đến với Chúa Kitô. Hiểu như thế, chúng ta thấy mình bị ép buộc yêu thương người khác, làm tất cả cho người khác và lo lắng đem người anh chị em đến với Chúa Kitô, đến với Thiên Chúa.

4.      Máu và Nước chảy ra

Đức Thánh Cha nói : “Chúng ta hãy lấy lòng tin tưởng nhìn vào cạnh sườn của Chúa Kitô bị đâm thâu qua, từ đây máu và nước chảy vọt ra “ (Ga 19,34). Các giáo phụ coi các yếu tố này như là biểu hiệu bí tích Rửa tội và Thánh Thể.”.

         Trong bí tích Rửa tội, chúng ta được Thánh Thần mở ra để có thể hòa nhập vào tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vậy trong Mùa Chay thánh này, chúng ta hãy ra khỏi con người chúng ta. Hãy mở lòng ra để được đưa vào vòng tay nhân từ Thiên Chúa ôm ấp chúng ta (x. Thánh Gioan Crisostomo, Catechesi, 3, 14tt ; thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, s. 13). Trong Mùa Chay, Giáo hội chuẩn bị các dự tòng lãnh nhận bí tích rửa tội. Vì thế với những người đã chịu phép Rửa tội, đây là dịp để sống ơn bí tích này, vì nhiều khi ơn bí tích này không được thể hiện trong đời sống chúng ta. Vậy tín hữu hãy sống trọn vẹn ơn được làm kitô hữu, như khi lãnh nhận bí tích rửa tội ta được nên con Thiên Chúa, nên Kitô hữu. Hãy làm sống lại ơn cao trọng này và sống cho trọn vẹn. Tín hữu hãy nhớ rằng bí tích rửa tội là việc sống lại thứ nhất của chúng ta (x. Kh 20,5 ; Rm 6,1-11 ; Ga 5,25-28).

Còn máu tượng trưng cho bí tích Thánh Thể. Thánh Thể lôi kéo chúng ta vào hành động hiến tặng của Chúa Giêsu. Vậy chúng ta hãy đi vào trong tính năng động của hành động hiến dâng này (x. thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, s. 13). Chúng ta hãy sống Mùa Chay Thánh này như là thời gian “thánh thể”, nghĩa là hãy lãnh nhận tình yêu từ Chúa Kitô, để từ đó chúng ta học biết làm lan tỏa tình yêu này ra chung quanh chúng ta bằng hành động và lời nói.

Vậy khi chúng ta chiêm ngắm Đấng đã bị bọn lính đâm thâu cạnh sườn, điều này thúc đẩy chúng ta mở rộng con tim của mình tới người khác và nhận biết các vết thương gây xúc phạm tới nhân phẩm của con người, chúng ta sẽ được thúc đẩy để loại trừ mọi điều đưa tời việc coi nhẹ, khinh bỉ sự sống và những gì làm tổn thương con người và đem lại niềm vui cho biết bao người đang bị bỏ rơi, đang phải sống cô quạnh.

Vậy Mùa Chay là thời gian chúng ta cảm nghiệm lại tình yêu Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta trong Chúa Kitô, tình yêu mà mỗi ngày chúng ta chia sẻ cho những người chung quanh ta, nhất là những người đau khổ và túng thiếu. Mùa Chay là thời gian chúng ta sống sâu xa bí tích Rửa tội và Thánh Thể. Chỉ như thế chúng ta mới có thể chia sẻ trọn vẹn niềm vui Vượt qua.

5.      Bí tích giải tội

Song song với hai bí tích Rửa tội và Thánh Thể mà tín hữu cần sống cách sâu xa hơn trong Mùa Chay, Đức Thánh Cha Beneđictô XVI còn nhấn mạnh tới bí tích Giải tội, khi Ngài gặp các cha giải tội (ngày 19.2.2007), tại bốn Vương cung thánh đường ở Rôma. Trong bài huấn từ này Đức Thánh Cha đã nói tới tầm quan trọng và ý nghĩa của bí tích Giải tội và việc xưng tội trong đời sống người Kitô hữu. Ngài cũng nói tới vai trò và bổn phận của các cha giải tội, nhất là trong Mùa Chay thánh này.

Bí tích giải tội rất quan trọng trong đời sống người Kitô hữu. Bí tích này làm hiện thực tính cách hữu hiệu của mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô. Còn việc xưng tội là một hành vi làm sống lại đời sống thiêng liêng của mỗi người ; làm cho hối nhân trở thành một tạo vật mới. Khi hối nhân cảm nghiệm được sự dịu hiền và ơn tha thứ của Chúa, họ sẽ dễ dàng nhận ra tính cách trầm trọng nặng nề của tội và sẽ lo tránh hết sức không phạm tội, cũng như sẽ cố gắng nối lại tình thân hữu với Thiên Chúa. Giáo hội có thể rao giảng và thực hiện việc thống hối qua nhiều cách khác nhau, nhưng bí tích Giải tội là một cách thức hữu hiệu nhất mà Chúa Kitô để lại cho Giáo hội để ban ơn tha thứ và hòa giải. Tất cả các hiệu quả này phải được coi như một phép lạ mà ngày nay nhờ việc linh mục đọc và thi hành một số cử chỉ nhân danh Chúa Kitô và nhờ Giáo Hội, phép lạ này vẫn còn tiếp tục thực hiện.

Các linh mục được Chúa chọn để làm công việc lạ lùng này trong Giáo hội, nhân danh Chúa Kitô. Vì thế việc ngồi toà giải tội là một hành động phục vụ trong Giáo hội và phải được đặt vào hàng ưu tiên trong các công tác mục vụ của linh mục.

Cha giải tội chuyển thông ơn thánh cho tín hữu. Khi giải tội, các ngài đọc lời tha tội nhân danh Chúa Kitô và trong Giáo Hội. Vì thế các ngài cần thi hành công việc này cách ý thức và chuyên cần. Các ngài là người cha thiêng liêng, là người thày, là vị an ủi hối nhân, đem lại bình an cho hối nhân. Các ngài cùng là những quan án thiêng liêng và là người chỉ cho thấy con đường ngay chính phải theo. Các ngài không là những khán giả thụ động, nhưng là diễn viên trong cuộc (persona dramatis), hiểu biết hoàn cảnh, cuộc sống, môi trường của hối nhân đang sống.

Cha giải tội phải có được sự nhạy cảm siêu nhiên để cho thấy ý nghĩa của tội là gì, nặng nề thế nào, sự cần thiết của ơn thánh và sự trợ lực của Thiên Chúa.

Cha giải tội phải được huấn luyện đầy đủ về thần học, về luân lý, về tu đức, về tâm lý và sư phạm, cũng như các khoa học hướng dẫn theo phạm vi nhân bản. Nhưng đừng quên rằng ngoài các tư cách tự nhiên và nhân bản, các cha giải tội phải có đời sống thiêng liêng vững chắc, phải có sự thân thiết với Chúa Kitô qua việc cầu nguyện. Để có thể thi hành công việc giải tội cách hữu hiệu, các cha giải tội phải ăn rễ sâu vào công việc cứu rỗi của Chúa, nghĩa là phải để ơn thánh và sự cứu rỗi này biến đổi chính con người của các ngài hoàn toàn được cứu rỗi. Các ngài không thể đọc lời tha thứ và hoà giải cách xứng đáng, nếu chính các ngài không thực sự cảm nghiệm ơn tha thứ và hoà giải nơi chính mình.

Các cha giải tội ý thức về sứ vụ của mình, nhu cầu của các linh hồn, nên không thể lơ là với việc ngồi toà giải tội. Hãy noi theo gương các thánh như thánh Gioan Vianney, thánh Leopold Mandic, thánh Piô thành Pietrelcina, là các mục tử gương mẫu về việc siêng năng ngồi toà giải tội.

Như thánh Phaolô, các cha giải tội ý thức rằng : Chính Thiên Chúa hòa giải thế gian với mình trong Đức Kitô . . . nhưng Thiên Chúa lại trao cho chúng ta lời đem ơn hòa giải này” (2Cr 5,19).

Như vậy trong Mùa Chay thánh các tín hữu hãy lo lắng đi xưng tội, không phải theo thói quen, nhưng với ý thức đạo đức trên đây. Phần các linh mục hãy suy nghĩ lại nhiệm vụ với cung cách khi ngồi toà giải tội theo các hướng dẫn trên đây của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

5.      Thái độ sống cụ thể trong Mùa Chay

         Trong bài huấn dụ trong buổi triều yết chung ngày Thư tư 21.02.2007, Đức Thánh Cha đã quảng diễn các việc lành Giáo hội nhắc nhở tín hữu làm trong Mùa Chay : sống hồi tâm, dành thời giờ suy tư, tăng cường cầu nguyện, chuyên cần đọc lời Chúa, thực hành việc hãm mình, ăn chay, làm việc bố thí và sống bác ái, chuẩn bị lãnh nhận bí tích khai tâm kitô giáo hay sống ơn bí tích rửa tội. Tất cả những việc này cũng được nhìn và thực hiện trong tinh thần sứ điệp Mùa Chay năm này là nhìn lên Đấng bị đóng đinh và bị đâm thâu qua cạnh sườn, để nhận ra tình yêu Thiên Chúa và để tình yêu đó thấm nhập vào con người ta và lan toả tình yêu này ra cho những người chung quanh. Khi suy tư, sống hồi tâm, khi canh tân, khi từ bỏ các sở thích, các điều không cần thiết, thì những hành động này giúp con người nhận ra ý nghĩa chính yếu của đời mình là Thiên Chúa và tạo ra nơi mình một “ước muốn” đến gần Thiên Chúa, “ước muốn” kết hiệp với Thiên Chúa, “ước muốn” được Thiên Chúa đi vào cuộc sống của mình. Đây là “ước muốn thánh thiện” và là tất cả điều con người tín hữu tìm kiếm suốt cả cuộc đời, như lời thánh Augustinô nói. Hai chữ “Thiên Chúa” này rất đơn sơ, nhưng nói lên tất cả điều con người ước muốn (Augustinô, Tract. In Iohn., 4). Thánh Beneđicto viết luật cho các tu sĩ của mình, đã khẳng định và muốn các tu sĩ của mình xác tín như sau : Không có gì, tuyệt đối không có gì cò thể đặt trên tình yêu Chúa Kitô”. Như vậy việc hãm mình, là để loại bỏ những ham muốn không đúng về thể chất và tinh thần, là từ bỏ sự dữ, là loại bỏ ham muốn sống tự lập, muốn thoát ra khỏi sự tùy thuộc vào Thiên Chúa. Khi thực hành việc từ bỏ này, tín hữu được tự do hoàn toàn để tin nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình và phú thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa.

         Trong Mùa Chay, chúng ta nói tới việc canh tân. Nhưng canh tân là gì ? Đức Thánh Cha nói : “Canh Tân là đi tìm Thiên Chúa, là cùng đi với Thiên Chúa, là ngoan ngoãn tuân theo các giáo huấn của Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô. Canh tân không phải là một cố gắng để tự thực hiện bản thân mình, vì con người không phải là kiến trúc sư làm nên định mệnh đời đời của mình. Không phải chúng ta tự làm ra cái mình của chúng ta. Vì thế khi tự kiến tạo ra mình là làm điều mâu thuẫn và làm điều quá nhỏ bé cho chúng ta. Chúng ta có một định mệnh cao cả hơn nhiều. Chúng ta có thể nói là việc canh tân hệ tại việc chúng ta không coi mình là “tạo hóa của chính chúng ta” và như thế chúng ta khám ra sự thật là chúng ta không làm nên chúng ta. Canh tân hệ tại việc chấp nhận cách tự do và với tình yêu việc tùy thuộc tất cả vào Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa đích thực của chúng ta, là tùy thuộc vào tình yêu của Ngài. Đây không phải là tùy thuộc mà là tự do. Vậy canh tân có nghĩa là không theo đuổi sự thành công cá nhân của mình – vì là điều chóng qua – nhưng là từ bỏ tất cả sự an toàn theo dự tính nhân loại, để đặt mình trong tư thế đơn sơ và tin tưởng để đi theo Chúa bởi vì với mỗi người chúng ta Chúa Kitô trở nên tất cả trong tất cả, như lời Mẹ Têrêsa thành Calcutta nói. Ai để cho Chúa chiếm đoạt, thì không sợ mất mạng sống mình, vì trên thập giá, Chúa đã yêu thương ta và ban chính mình cho ta. Và chính khi mất mạng sống mình vì tình yêu, thì chúng ta tìm lại mạng sống đó”.

Còn việc bố thí cho người khác là đem tình yêu đã đón nhận từ Thiên Chúa để ban phát cho người khác bằng đời sống và việc làm.

 

Kết luận

         Qua Sứ điệp Mùa Chay Chúng đã nhìn xem Đấng chúng đã đâm thâu qua”, qua bài huấn từ của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI cho các cha giải tội và bài huấn từ cho tín hữu hành hương, chúng ta nhận ra những hướng dẫn để sống Mùa Chay thánh năm 2007 này. Chúng ta có thể tóm lại như sau :

·            Biết nhìn lên thập giá để nhận ra tình yêu tuyệt diệu của Thiên Chúa cho con người.

·            Sống ba bí tích Rửa tội, Thánh Thể và Giải tội theo đúng ý nghĩa của chúng và trong tương quan cần thiết của đời sống thiêng liêng của mỗi người. Với bí tích rửa tội : tín hữu được hòa nhập vào tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa ; với bí tích Thánh Thể, tín hữu sống tích cực tình yêu hiến tặng như Chúa Thánh Thể đã thực hiện ; sau cùng qua bí tích Giải tội, tín hữu nhận ra lòng tình yêu, lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa và năng đi xưng tội để được hoà giải với Thiên Chúa và thắt chặt mối liên hệ yêu thương với Thiên Chúa.

·            Các việc lành tín hữu thực hiện trong Mùa Chay như sống hồi tâm, dành thời giờ suy tư, tăng cường cầu nguyện, chuyên cần đọc lời Chúa, thực hành việc hãm mình, ăn chay, làm việc bố thí và sống bác ái, chuẩn bị lãnh nhận bí tích khai tâm kitô giáo hay sống ơn bí tích rửa tội, cũng là những phương thế để nhận ra tình yêu Chúa và đón nhận tình yêu Chúa.

·            Riêng các linh mục giải tội : hãy thi hành công việc này với ý thức siêu nhiên và trong sự hiệp thông với Giáo Hội, đồng thời làm cho mình xứng đáng là một thừa tác viên hoà giải, đem lời hòa giải cho các tâm hồn.

“Xin Mẹ Maria, Mẹ của tình yêu tuyệt mỹ hướng dẫn chúng ta trong hành trình Mùa Chay thánh này, cuộc hành trình chân thành trở về với tình yêu Chúa Kitô”.

 

Rôma, ngày 21.02.2007, Thư tư Lễ tro.

Lm Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

 

 


Mục Lục