IX

THÁNH THỂ,

NGUỒN ƠN THỐNG HỐI VÀ THA THỨ

 

Mùa Chay Thánh là một thời gian quan trọng trong Năm Phụng vụ. Giáo Hội nhắc nhở chúng ta sống Mùa Phụng vụ này cách đặc biệt qua những chỉ dẫn về tinh thần, về ý nghĩa của Mùa Chay. Những kinh nguyện và các biểu hiệu cũng giúp thể hiện một lối sống nội tâm trong Mùa Phụng vụ này.

Để giúp sống Mùa Chay cách cụ thể, hôm nay tôi muốn gợi ra một số suy tư về một điểm trong tinh thần và ý nghĩa Mùa Chay, dựa theo các lời nguyện của thánh lễ trong Mùa Chay : đó là Thánh Thể nguồn ơn thống hối và ơn tha thứ.

1. Tinh thần Mùa Chay Thánh

Trước khi tìm hiểu các lời nguyện thánh lễ của Mùa Chay, tôi xin nhắc lại một số nét đặc trưng của Mùa phụng vụ này.

Hằng năm khi cử hành Mùa Chay thánh, Giáo Hội chỉ dẫn cho ta cách rõ ràng tinh thần và những tâm tình phải sống trong Mùa Phụng vụ này. Mùa Chay được thiết lập để chuẩn bị mừng Đại lễ Phục Sinh. Việc chuẩn bị này nhằm vào hai hạng người : đó là các dự tòng và các tín hữu.

Với các dự tòng, đây là thời gian chuẩn bị để họ lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo : Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể trong Đêm Vọng Phục Sinh. Sau thời gian nghe rao giảng về Chúa Kitô và ơn cứu rỗi của Ngài, các dự tòng biểu lộ đức tin nơi Ngài và sẵn sàng lãnh nhận các bí tích đầu tiên để được sát nhập hoàn toàn vào Chúa Kitô. Vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, tại nhà thờ chính tòa, Đức Giám mục cử hành nghi thức ghi danh vào sổ những dự tòng được các cộng đoàn giáo xứ giới thiệu để lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo. Sau đó họ tiếp tục sống Mùa Chay qua các giai đoạn và cử hành các nghi lễ như được ghi trong Sách Nghi thức Khai tâm Kitô Giáo.

Với các tín hữu đã chịu phép Rửa tội, Mùa Chay có mục đích chuẩn bị họ để cử hành Đại lễ Phục Sinh qua việc sống ơn Bí tích Rửa Tội, dấn thân hơn trong đời sống Kitô giáo và thực hành hành việc thống hối.

Qua các chỉ dẫn này, Mùa Chay mang tính cách vượt qua, nhắc nhở mối liên hệ với Bí tích Rửa Tội, mang tính cách thống hối, kêu mời tín hữu canh tân trở về với Thiên Chúa. Các kinh nguyện phụng vụ, các bài đọc Sách Thánh và các giáo huấn của các giáo phụ, cũng như các việc đạo đức bình dân diễn tả một số tâm tình liên hệ tới các đặc tính này. Ngoài ra tín hữu còn được mời sống hãm mình, ăn chay, bố thí cho những người túng thiếu, làm việc bác ái từ thiện.

2. Thánh Thể nguồn ơn thống hối và ơn tha thứ

Khi suy niệm : Thánh Thể nguồn ơn thống hối và ơn tha thứ qua các lời nguyện Thánh lễ, tôi muốn đi vào chính nguồn phụng vụ để đào sâu tinh thần của Mùa Chay. Ngoài ra bài suy niệm này còn có mục đích giúp các tín hữu tập khám phá ra kho tàng siêu nhiên rút ra từ các lời nguyện trong Thánh lễ cũng như các bản văn phụng vụ khác. Vì tín hữu thường nghe linh mục đọc các lời nguyện này khi đi tham dự Thánh Lễ, ít ra các ngày Chúa Nhật, nhưng có lẽ ít chú ý tới và suy nghĩ.

Sách Lễ Rôma đưa ra những gợi ý giúp đào sâu tâm tình thống hối và quý trọng ơn tha thứ Thiên Chúa ban cho chúng ta. Lời nguyện hiệp lễ thứ sáu tuần thứ nhất Mùa Chay diễn tả như sau :

“Lạy Chúa,

Chúa đã bồi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc thánh ;

Xin đổi mới chúng con tận đáy lòng :        

Là giúp chúng con thanh tẩy mọi vết nhơ con người cũ

để được thông phần ơn cứu độ do Chúa ban”.

Các bản văn cử hành Thánh lễ

Khi dùng các bản văn cử hành Thánh Lễ để tím hiểu, chúng ta dựa vào Sách Lễ Rôma ấn bản mẫu Latinh và các Bài đọc Sách Thánh, cũng như trong các bản dịch sang tiếng Việt qua các lần xuất bản khác nhau của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Trong mỗi công thức cử hành Thánh Lễ, có các lời nguyện khác nhau : Lời nguyện nhập lễ, lời nguyện trên lễ vật, lời nguyện hiệp lễ. Ngoài ra còn có lời nguyện trên dân chúng (hoặc phép lành trọng thể). Khi cử hành Thánh lễ, linh mục còn đọc Kinh nguyện Thánh Thể, trong đó phần đầu là Kinh Tiền tụng.

Các bài đọc Sách Thánh được xếp theo chu kỳ ba năm cho các Chúa Nhật và Lễ trọng của Chúa, và theo chu kỳ hai năm cho các ngày trong tuần.

Ở đây tôi chỉ đề cập tới ba lời nguyện nhập lễ, trên lễ vật, hiệp lễ, với Kinh nguyện Thánh Thể.

Một phần rất lớn các kinh nguyện trong Sách Lễ Rôma sau Công đồng chung Vaticanô II được lấy lại từ các sách phụng vụ thời xưa để cử hành Thánh lễ và bí tích, gọi là Sacramentarium (Sách cử hành các bí tích), như Sacramentarium Veronense, Sacramentarium Gelasianum Vetus, Sacramentarium Gregorianum, Sacramentarium Bergomense, Sacramentarium Gallicum Vetus, Sacramentarium Gothicum, cũng như Missale Romanum (năm 1952) cho nghi lễ Latinh), Sacramentarium Ambrosianum, (1952) (dùng tại Giáo phận Milano...) Đây là các bộ thu tập những bản văn hoặc các sách để cử hành Thánh lễ, các bí tích tại một số vùng. Việc thu tập này được thực hiện từ thế kỷ thứ 7 trở đi.


3.      Tâm tình thống hối và ơn tha thứ

          trong các lời nguyện Thánh lễ

Sách Lễ Rôma hiện nay có tới 1604 lời nguyện. Trong số này có hơn 60% lời nguyện dưới hình thức này hay hình thức khác chứa đựng tâm tình thống hối và hòa giải, cũng như nói tới ơn tha thứ.

Còn trong Mùa Chay, có 167 lời nguyện, hai lời nguyện trong công thức làm phép lá ngày Chúa Nhật Lễ Lá, 4 Kinh Tiền tụng Mùa Chay và 2 Kinh nguyện Thánh Thể dùng trong các Thánh lễ có tính cách thống hối và hòa giải. Ngoài ra còn phải kể tới nghi thức thống hối đầu lễ.

Chúng ta nhận ra các lời nguyện Thánh Lễ Mùa Chay diễn tả và giúp chúng ta hiểu về ơn thống hối và ơn tha thứ với những tư tưởng sau đây.

a) Trước tiên các lời nguyện này cho thấy ơn thống hối và tha thứ đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng nhân từ, hay thương xót ; Ngài là Cha nhân ái, toàn năng hằng hữu, thánh thiện ; Ngài là Đấng Tạo hóa. Ngài yêu thích sự trong trắng vô tội của con người nguyên thủy và khi trạng thái này bị mất đi, Ngài tái tạo và ban lại cho con người. Ngài là nguồn mạch lòng lân tuất và từ tâm. Tất cả các ưu phẩm này được rút ra từ Kinh Thánh và được dùng trong phụng vụ để như điểm tựa Giáo Hội kêu cầu Thiên Chúa. Như vậy trong các lời nguyện, Giáo Hội kêu cầu Thiên Chúa và khẩn nài Thiên Chúa nguôi giận (placatus), xót thương chính Giáo Hội cũng như con cái của mình mà rộng ban ơn thống hối và tha thứ các tội khiên. Như vậy lời cầu khẩn này dựa trên nền tảng vững chắc trong mặc khải từ Thiên Chúa.

b) Về phía người lãnh nhận ơn thống hối và ơn tha thứ : các lời nguyện luôn dùng số nhiều để chỉ người lãnh nhận ơn thống hối và tha thứ : như chúng con”, nhưng dưới những kiểu nói khác nhau : Giáo Hội, Dân Chúa, Gia đình Chúa, các tín hữu đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, các dự tòng, thế giới, nhân loại, con người. Tóm lại hình ảnh Giáo Hội đang tha thiết kêu cầu ơn thống hối và tha thứ rất đa diện. Giáo Hội cầu xin ơn thống hối cho chính mình và cho các con cái của mình, cho dự tòng ; Giáo Hội cũng chuyển cầu ơn đó cho toàn thể nhân loại. Đây là một lời xưng thú chân thành về tình trạng tội lỗi của mình. Lời tuyên xưng này có tính cách cộng đồng, liên hệ tới mọi người. Vì thế khi chúng ta tham dự thánh lễ trong Mùa Chay, qua các lời nguyện, chúng ta được dạy cho biết thân phận tội lỗi của mình và khiêm nhường cầu xin ơn thống hối và ơn tha thứ. Chúng ta cùng làm việc này với anh chị em tín hữu khác. Các buổi cử hành thống hối trong giáo xứ, các cộng đoàn có ý nghĩa đặc biệt trong Mùa Chay này.

c) Tiếp theo, các lời nguyện trong thánh lễ cũng trình bày những khía cạnh khác nhau của ơn thống hối và tha thứ. Đây là ơn của Thiên Chúa, là ơn tha thứ do lòng nhân hậu của Ngài. Ơn này làm cho con người trở về với Thiên Chúa, được thánh tẩy khỏi mọi vết nhơ của tội khiên, được trao ban thần dược chữa lành các vết thương do tội gây ra ; là ơn đem con người trở về với Thiên Chúa, đem lại cho tín hữu có một đời sống mới. Tất cả các ơn này được ban cho tín hữu qua hy tế Thánh Thể mà Giáo Hội đang cử hành cùng với Bí tích Giải tội.

d) Đọc kỹ các lời nguyện Thánh lễ trong Mùa Chay, chúng ta còn nhận ra một điểm nữa, đó là những thái độ tín hữu phải có khi cùng Giáo Hội kêu cầu ơn thống hối và ơn tha thứ. Họ được kêu mời để thi hành một số việc lành phúc đức, hoặc phải có một số tâm tình và thái độ siêu nhiên. Các việc lành này được hiểu như là một biểu lộ đức tin, chứ không có ý nghĩa là con người làm rồi được Thiên Chúa ban ơn. Vì Thiên Chúa hoàn toàn tự do trong việc thi thố ơn thánh của Ngài. Các lời nguyện Thánh lễ trong Mùa Chay gợi ra cho tín hữu những việc lành sau đây : ăn chay, cầu nguyện, bỏ tro trên đầu, hãm dẹp các ước muốn thế gian, chuyên cần trong đời sống suốt Mùa Chay, tham dự Thánh Lễ, chuyên cần tìm những giá trị siêu nhiên cần thiết cho cuộc đời, thực hiện các việc bác ái và từ thiện.

4. Đọc một số lời nguyện Thánh lễ trong Mùa Chay

Để hiểu biết cụ thể hơn về những điều tôi vừa trình bày trên đây, chúng ta cùng nhau đọc một vài lời nguyện Thánh Lễ Mùa Chay.

Chúng ta đọc lại nguyện hiệp lễ thứ sáu tuần thứ nhất Mùa Chay đã được trích dẫn trên đây. Lời nguyện này diễn tả ơn thống hối và ơn tha thứ như sau :

Lạy Chúa,

Chúa đã bổ dưỡng chúng con nơi bàn tiệc thánh ;

xin đổi mới chúng con tận đáy lòng :

là giúp chúng con

thanh tẩy mọi vết nhơ của con người cũ

để được thông phần ơn cứu độ Chúa ban”.

  Bản văn Latinh viết như sau :

Tui nos, Domine, sacramenti refectio sancta restauret,

et, a vetustate purgatos,

in mysterii salutaris faciat transire consortium.

Per Dominum”

Đây là lời nguyện hiệp lễ, nghĩa là lời nguyện đọc sau khi linh mục và cộng đoàn rước lễ. Lời nguyện hiệp lễ thường gợi ý tới Thánh Thể, tới hy tế vừa dâng tiến, và trong đó Giáo Hội cầu xin để được lãnh nhận các hiệu quả của việc dâng hy tế và rước lễ. Một trong những hiệu quả thường thấy có là ơn cánh chung : Giáo Hội cầu xin để được hưởng phúc vinh quang đời sau. Ơn này thường được diễn tả qua những kiểu nói sau đây : được tham dự vào bàn tiệc trên trời, được sự sống vĩnh cửu, được phúc trường sinh. . .

Tìm về nguồn, lời nguyện vừa đọc trên đây lấy lại từ Sách Lễ Rôma, năm 1952, nghĩa là Sách lễ Rôma
được dùng trong suốt 4 thế kỷ trước Công Đồng chung Vaticanô II.

Bản văn của lời nguyện này được gợi ý tới Thánh Thể qua câu : Chúa đã bồi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc thánh” (refectio sancta). Chúng ta cũng nhận ra ngay, câu kinh này đã được gợi ý từ lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm thánh Mathêô (Mt 11, 28) : “Và Cha sẽ bổ sức cho các con” (Et ego reficiam vos) và biến đổi thành lời văn phụng vụ. Chúa Giêsu nói Ngài sẽ bổ sức cho các môn đệ, nhưng chưa rõ cách thế. Ngày nay Ngài bổ sức cho tín hữu qua dấu hiệu bí tích tức là bánh và rượu đã biến thành Mình và Máu thánh Chúa (tui sacramenti) trong Bí tích Thánh Thể. Từ sacramenti ở đây được hiểu trước tiên là việc rước lễ mà tín hữu vừa thực hiện. Từ ngữ này cũng gợi ý tới dấu hiệu bí tích của Thánh Thể. Như vậy nó bao gồm cả chính của ăn Mình và Máu thánh Chúa, cả hành động rước lễ và cả cách thức thể hiện việc rước lễ này. Vì thế việc bổ sức nói tới ở đây (refectio) được coi là hành động thánh thiện (refectio sancta), không phải là việc ăn uống bình thường.

  Là giúp chúng con thanh tẩy mọi vết nhơ con người cũ” (et, a vetustate purgatos) : đây là tư tưởng gợi ý từ thần học của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma (6,6) về Bí tích Rửa Tội, về biến cố vượt qua.

  Để được thông phần ơn cứu độ Chúa ban” (in mysterii salutaris faciat transire consortium) : cũng lấy từ thần học của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữ tại Êphêsô (2,9). Động từ Latinh transire” = chuyển qua, đi qua, gợi cho chúng ta biến cố vượt qua của người Do thái qua Biển đỏ. Họ đi từ tình cảnh tội lỗi, nô lệ, chết chóc để sang bờ của ơn thánh, của tự do và của sự chết. Trong biến cố Thiên Chúa cứu dân của Ngài khỏi ách nô lệ nguời Ai Cập, Thiên Chúa đi ngang qua nhà của nguời Do thái để cứu thoát họ.

Như vậy lời nguyện nói lên thần học về Thánh Thể, có nguồn kinh thánh rất dồi dào rõ rệt, có gợi tới Bí tích Rửa Tội và biến cố vượt qua như tinh thần Mùa Chay thánh.

Nội dung của lời nguyện này là việc tham dự Thánh Thể và việc rước lễ cùng với Bí tích Giải tội, tín hữu được thanh tẩy mọi vết nhơ tội xưa : tội nguyên tổ và tội riêng của mình. Đồng thời họ cũng được nhờ đó mà tham dự vào mầu nhiệm cứu độ muôn đời, vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô.

Chúng ta đọc thêm một lời nguyện khác, đó là lời nguyện nhập lễ Thánh Lễ thứ hai tuần thứ năm Mùa Chay cũng điễn tả nội dung giống lời nguyện trên :

“Lạy Chúa,

nhờ tình thương tuyệt vời của Chúa,

xin giúp chúng con biết từ bỏ tội lỗi

và trở nên người mới,

để được vào quê trời hưởng phúc vinh quang”.

Bản văn Latinh viết như sau :

“Deus, per cuius ineffabilem gratiam

omni benedictione ditamur,

praesta nobis, ita in novitatem a vetustate transire,

ut regni caelestis gloriae praeparemur”.

Bản dịch tiếng Việt Nam của Sách Lễ Rôma năm 1992 đã bỏ đi một số gợi ý kinh thánh ý nghĩa và liên hệ chặt chẽ với tinh thần Mùa Chay. Sách Lễ năm 1970 đã ghi như sau : Lạy Chúa, nhờ ơn huyền diệu khôn tả của Chúa, chúng tôi được phong phú mọi ơn phúc lành, xin Chúa ban cho chúng tôi biết vượt qua từ nếp sống cũ đến nếp sống mới, để chúng tôi được chuẩn bị hưởng vinh quang nước trời”.

Chúng ta có thể ghi nhận nơi đây một số gợi ý kinh thánh như sau :

“Deus, per cuius ineffabilem gratiam

omni benedictione ditamur”

(Lạy Chúa, nhờ tình thương tuyệt vời của Chúa) gợi ý từ thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô 1,
4-5

Praesta nobis, ita in novitatem a vetustate transire”

(xin giúp chúng con biết từ bỏ tội lỗi và trở nên người mới) gợi ý từ Kinh thánh như trong lời nguyện chúng ta vừa phân tích trên đây.

“Ut regni caelestis gloriae praeparemur”

(để được vào quê trời hưởng phúc vinh quang) gợi ý từ nhiều đoạn Kinh thánh như Rm 8,18 ; 2Cr 4,17-18 ; 1Ts 2,19 ; Titô 2,12-14.

Ngoài ra lời nguyện này lấy ra hầu như nguyên văn bài giảng của thánh Lêô Cả : “per cuius ineffabilem gratiam omnium charismatum benedictione ditamur, et ita in novitatem a vetustate transferimur, ut non solum paradisi restituimur habitaculo, sed etiam caelestis gloriam praeparemur” (Bài giảng LXX về cuộc thương khó của Chúa, 10,5, Sources chrétiennes 74,71 ; Patrologia Latina 54,349 = tôi xin tạm dịch như sau : nhờ ân sủng khôn tả của Người mà chúng ta nên giầu có với mọi phúc lành của ân điển, và chúng ta được chuyển từ điều cũ sang điều mới, để như thế không phải chúng tôi chỉ được hoàn trả về nhà thiên quốc, mà còn được chuẩn bị hưởng vinh quang trên trời).

Về nội dung thần học phụng vụ của lời nguyện này, chúng ta có 3 tư tưởng chính, đó là :

1)       Thiên Chúa là nguồn ơn mọi phúc lành và Ngài đã kêu gọi chúng ta tham dự vào nguồn ơn của Ngài. Đó là hiệu quả của ơn rửa tội.

2)       Nhờ Bí tích Rửa Tội, nhờ việc tham dự vào Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô, con người được chuyển đưa từ cảnh tội lỗi xưa để tới cảnh sống mới như một tạo vật mới. Ở đây lời nguyện cũng nhắc tới biến cố vượt qua của người Do thái, hình ảnh cuộc vượt qua của Chúa Kitô.

3)       Sau cùng, Mầu nhiệm Vượt qua là bảo đảm cho vinh quang trên trời.

Như vậy qua các gợi ý Kinh Thánh và tư tưởng của thánh Lêô cả, lời nguyện này diễn tả tinh thần Mùa Chay cách khá đầy đủ, đồng thời cũng cho chúng ta nhận ra ơn tha thứ đến từ Thiên Chúa giầu sang lòng nhân hậu và từ tâm. Nhưng con người phải canh tân bỏ con đường cũ để sống đời sống mới trong ơn thánh của Chúa.

Với những điều vừa trình bày trên đây về các lời nguyện Thánh lễ Mùa Chay, chúng ta hiểu biết thêm về tinh thần Mùa Chay, đặc biệt về ơn thống hối và tha thứ.

Về phương diện kiến thức, chúng ta cũng hiểu thêm về cách sáng tác một lời nguyện phụng vụ của Giáo Hội. Các lời nguyện được gợi hứng từ Kinh Thánh và giáo phụ một cách thật sâu xa. Nhờ đó chúng trở nên lời kinh dâng lên Thiên Chúa và là lương thực nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của tín hữu.

 

Roma, ngày 12.02.2002


Mục Lục Giới Thiệu Năm Phụng Vụ: Mùa Chay Thánh