VII

CÁC KINH NGUYỆN

TRONG MÙA CHAY THÁNH

 

Trong Mùa Chay thánh Giáo Hội dạy chúng ta phải siêng năng và chuyên cần cầu nguyện. Giáo Hội cũng giới thiệu cho chúng ta một phương tiện rất hữu hiệu để cầu nguyện đó là các kinh nguyện trong phụng vụ, để chúng ta cùng cầu nguyện với Giáo Hội, đồng thời biết xử dụng các kinh nguyện phụng vụ và gợi hứng từ đó thực hiện việc cầu nguyện riêng của chúng ta. Vì thế chúng ta tìm hiểu thêm về các kinh nguyện này và xem những kinh nguyện này là những lời kinh nào. Trong bài này tôi chỉ nói tới các kinh nguyện trong Thánh Lễ của Mùa Chay, mà không đề cập tới các kinh nguyện trong khi cử hành các bí tích và các Giờ Kinh phụng vụ.

I. Các loại Kinh nguyện trong Thánh lễ

Chúng ta có thể kể ra các loại Kinh nguyện phụng vụ (euchologia) trong Mùa Chay như sau :

1)      Các kinh nguyện thông thường (euchologia minor) : đó là các lời nguyện nhập lễ, các lời nguyện trên lễ vật, các lời nguyện hiệp lễ, các lời nguyện trên dân chúng ; các lời nguyện trong khi làm phép tro ngày Thứ Tư Lễ Tro ; các lời nguyện khi làm phép lá, Chúa Nhật Lễ Lá.

2)      Các lời nguyện long trọng hơn (euchologia maior) : đó là 4 Kinh Tiền tụng Mùa Chay ; 2 Kinh Tiền tụng Thương khó ; Kinh Tiền tụng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay về biến cố Chúa Giêsu chịu cám dỗ ; Kinh Tiền tụng Chúa Nhật thứ hai về biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor ; Kinh Tiền tụng Chúa Nhật thứ ba Mùa Chay, về người phụ nữ Samaritana ; Kinh Tiền tụng Chúa Nhật thứ bốn Mùa Chay về biến cố người mù từ khi mới sinh ra ; Kinh Tiền tụng Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay, về việc ông Lazarô sống lại ; Kinh Tiền tụng Chúa Nhật Lễ Lá.

3)      Ngoài ra chúng ta còn có hai Kinh nguyện Thánh Thể hòa giải được khuyến khích dùng trong Mùa Chay (Prex eucharistica de reconciliatione). Các Kinh nguyện Thánh Thể cũng là những kinh nguyện long trọng hơn.

4)      Sau cùng, chúng ta có một công thức chúc lành trọng thể về cuộc thương khó của Chúa Kitô. Đây cũng là kinh nguyện long trọng hơn.

II.     Nhận định

          về các kinh nguyện trong Mùa Chay thánh.

Như vậy chúng ta có một bộ kinh nguyện rất phong phú trong Mùa Chay. Về các lời nguyện này, chúng ta có thể đưa ra một số nhận xét sau đây :

1)      Mỗi Thánh lễ Chúa Nhật và ngày trong tuần Mùa Chay đều có một bộ lời nguyện riêng được sắp xếp cho ngày này ; không lấy ở phần khác hay lặp lại.

2)      Chúng ta có 47 Lời nguyện nhập lễ ; 44 lời nguyện trên lễ vật ; 44 Lời nguyện hiệp lễ, 43 lời nguyện trên dân chúng. Con số này giống như trong Sách lễ Rôma trước Công Đồng Vaticanô II. Tuy nhiên Sách lễ mới chỉ lấy 23 lời nguyện nhập lễ, 26 lời nguyện trên lễ vật và 26 lời nguyện hiệp lễ ở Sách lễ Rôma trước đây.

3)      Số lời nguyện còn lại lấy ở các Sách phụng vụ thời xưa, dùng để cử hành Thánh Thể, như từ Sách Cử hành Thánh Thể và Bí tích Gelasiano cổ (Sacramentarium Gelesianum vetus) ; Sách cử hành Thánh Thể và Bí tích mang tựa đề Venorense (Sacramentarium Veronense) ; Sách cử hành Thánh Thể và Bí tích với tựa đề Bergomese (Sacramentarium Bergomense)... . Các sách phụng vụ cổ này đã có từ khoảng thế kỷ thứ 7 trở đi và là những tập sách phụng vụ thu tập các bản văn lời nguyện có nội dung thần học sâu xa cũng như lời văn hay, được xếp đặt theo các ngày trong năm.

II. Việc chọn lựa và sáng tác các lời nguyện      

Để hiểu rõ việc chọn lựa các lời nguyện trong Thánh lễ Mùa Chay, chúng cần biết về tinh thần Mùa Chay mà Công Đồng chung Vaticanô II đã đề ra : đó là tinh thần sám hối và sống Bí tích Rửa Tội. Công Đồng nói : “Hai đặc tính của Mùa Chay là, trước tiên tưởng nhớ và chuẩn bị việc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và nhờ việc sám hối mà tín hữu chuẩn bị cho việc Mừng lễ Vượt qua, kèm theo việc năng lắng nghe Lời Thiên Chúa và ân cần cầng nguyện, điều này được nêu ra cách rõ ràng hơn trong phụng vụ và trong việc dạy giáo lý phụng vụ” (Hiến chế phụng vụ, số 109). Vì thế việc chọn lựa các Kinh nguyện Mùa Chay dựa vào hai tiêu chuẩn trên. Những lời nguyện nào chỉ diễn tả việc sám hối bên ngoài mà thôi, thường không được chọn lựa, hay được chọn lựa với một vài thay đổi ; các lời nguyện này cũng không vì việc hãm mình hy sinh mà đặt nhẹ giá trị các thực tại trần gian (xc. Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới này nay).

Ngoài ta phải kể tới một số lời nguyện mới được sáng tác. Việc sáng tác này cũng dựa vào các tiêu chuẩn trên đây, và rút ra từ Kinh Thánh và các giáo phụ, như những lời nguyện dựa theo bài giảng của thánh Lêô cả.

III. Phân tích một số lời nguyện     

Đi vào cụ thể ở đây tôi trích dẫn một vài lời nguyện làm thí dụ. Vì chúng ta không chỉ nói ra các lý thuyết mà thôi, nhưng cần phân tích chính các lời nguyện để nhận ra các điều vừa nói trên đây, và cho thấy ý nhgĩa phong phú của các lời nguyện này, để không chỉ nghe đọc qua, nhưng chúng ta hiểu và hiệp ý cầu nguyện với Giáo Hội trong Mùa Chay này.

Các lời nguyện nhập lễ các ngày Chúa Nhật thường dựa theo các bài Phúc Âm, nhất là trong hai Chúa Nhật đầu tiên, về biến cố Chúa Giêsu bị cám dỗ, và việc Chúa Giêsu biến hình trên núi ; và ba Chúa Nhật tiếp theo trong năm A, về nước hằng sống, về người mù từ mới sinh và về việc ông Lazarô sống lại .

Chúng ta lấy thí dụ các lời nguyện của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay và Kinh Tiền tụng của Chúa Nhật này, khi đọc bài Phúc Âm về việc Chúa Giêsu Kitô bị cám dỗ.

Lời nguyện nhập lễ :

Lạy Thiên Chúa toàn năng,

hằng năm Chúa ban cho chúng con

bốn mươi ngày chay thánh,

để tôi luyện hồn xác chúng con.

Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy,

để học biết Đức Kitô, và dõi theo gương Người,

hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ ...”

Lời nguyện này lấy từ Sách phụng vụ Gelasianô cổ thời xưa ; lời nguyện này nói tới việc thực hành Mùa Chay thánh : bốn mươi ngày chay thánh ; việc hiểu biết sâu xa về Chúa Kitô : việc học biết Chúa Kitô ; và được lãnh nhận ơn của Chúa nhờ việc canh tân sửa đổi đời sống : hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ . Lời nguyện cũng gợi ý tới biến cố Chúa Giêsu Kitô chịu cám dỗ : bốn mươi ngày chay thánh. Tất cả các điều này là ơn mà Giáo Hội xin cho tín hữu và nói lên tinh thần đặc tính của Mùa Chay.

Còn lời nguyện trên lễ vật Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay nói tới giai đoạn khởi đầu của Mùa Chay, và xin ơn biến đổi nhờ các lễ vật dâng tiến lên trên bàn thờ. Ở đây đặc tính của Mùa Chay chỉ được nói qua.

“Lạy Chúa

hôm nay là Chúa nhật đầu Mùa Chay thánh,

chúng con dâng lên Chúa những lễ vật này.

Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận

và thương biến đổi chính cuộc đời chúng con

thành củalễ đẹp lòng Chúa.

Chúng con cầu xin”.

Lời nguyện trên lễ vật nói qua về tinh thần Mùa phụng vụ và lưu ý nhiều hơn tới việc dâng lễ vật. Lời nguyện trên lễ vật trích dẫn trên đây nói tới giai đoạn khởi đầu của Mùa Chay thánh (chú ý : bản dịch Việt ngữ nói rõ vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay ; trong khi bản văn latinh không nói tới. Trong lời nguyện này Giáo Hội xin ơn biến đổi cuộc đời tín hữu nhờ các lễ vật dâng tiến trên bàn thờ : cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và thương biến đổi chính cuộc đời chúng con thành của lễ đẹp lòng Chúa. Ở đây đặc tính Mùa Chay được nói tới qua việc canh tân đời sống.

Tiếp theo là lời nguyện hiệp l, Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, được đọc lên như sau :

Lạy Chúa,

Chúa đã thương lấy bánh bởi trời

nuôi dưỡng chúng con,

làm cho đức tin thêm mạnh mẽ,

đức cậy được vững vàng, đức mến hằng tha thiết.

Xin dạy chúng con biết khao khát tìm kiếm Đức Kitô

là bánh trường sinh đích thực,

và biết lấy lời Chúa làm lương thực hằng ngày”.

 

Lời nguyện hiệp lễ thường gợi tới việc rước lễ, và xin ơn từ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, và thường có gợi ý tới cái nhìn cánh chung. Lời nguyện hiệp lễ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay gợi hứng từ Phúc Âm thánh Mathêô “Người ta sống không chỉ nhờ bánh, nhưng còn nhờ vào mọi lời phát ra từ miệng Thiên Chúa” (4,4) và Gioan : “Chính ta là bánh hằng sống” (6,5). Lời nguyện này cũng trích từ một lời nguyện trong Sách lễ cổ thời xưa của vùng Pháp. Chủ đề bánh liên hệ tới việc rước lễ, tới câu trả lời của Chúa Giêsu cho quỷ cám dỗ Ngài, và tuyên xưng Lời Chúa là của nuôi đích thực. Như vậy nội dung của lời nguyện thật dồi dào. Bản dịch tiếng Việt đã làm giảm đi nội dung sâu xa này, khi tìm dịch tránh đi một vài kiểu nói.

Lời Kinh Tiền tụng và lời nguyện trên dân chúng Chúa Nhật thứ nhất có nội dung riêng của nó.

Kinh tiền tụng thì nhắc lại biến cố Chúa Kitô chịu cám dỗ, như sau :

... Khi (Chúa Kitô) nhịn ăn bốn mươi đêm ngày,

Người đã nêu gương chay tịnh,

và khi phá vỡ mưu chước của con rắn xưa,

Người dạy chúng con thắng mọi cơn cám dỗ ;

để khi cử hành mầu nhiệm Vượt qua

với tâm hồn trong sạch,

chúng con có thể tới dự lễ Vượt qua muôn đời...”.

Lời kinh tiền tụng này gợi ý rõ ràng tới việc ăn chay, cuộc chiến đấu với quỷ dữ, nói tới Mầu nhiệm Vượt qua mà Mùa Chay nhắm tới. Bản văn được gợi ý từ bài Phúc Âm nhất lãm. Điều này chúng ta nhận ra rõ ràng không cần trưng dẫn. Mấy chủ đề liên hệ tới Mùa Chay trở nên lý do để Giáo Hội dâng lời cảm tạ và ca tụng Thiên Chúa : việc Chúa Kitô giữ chay tịnh, cuộc chiến thắng ma quỷ. Tất cả đều nhằm chuẩn bị tín hữu tiến tới việc mừng Đại Lễ Phục Sinh và tiến tới Mầu nhiệm Vượt qua vĩnh viễn trên trời.

Về lời nguyện trên dân chúng (oratio super populum), trong ấn bản mẫu Sách lễ Rôma, lần thứ I (1970) và lần thứ II (1975), các Lời nguyện trên dân chúng đặt ở dưới phần Phụ lục của Nghi thức cử hành thánh lễ. Nhưng trong ấn bản mẫu thứ III năm 2000, vào Mùa Chay, lời nguyện này đặt ở ngay cuối mỗi bản văn lễ, để tùy nghi linh mục xử dụng. Xin dịch Lời nguyện trên dân chúng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, từ bản văn tiếng latinh như sau :

“Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa

ban phúc lành dư đầy của Chúa trên Dân Chúa đây,

để đức cậy của họ vẫn được tăng trưởng

cả trong cơn gian nan ;

sức mạnh của họ được kiên vững trong khi bị cám dỗ

và được cứu chuộc muôn đời”.

Lời nguyện này được chọn, có lẽ vì “lời chúc lành” mà Giáo Hội cầu xin cho Dân Chúa ; ngoài ra còn có kiễu nói “cuộc cám dỗ” cũng liên hệ tới bài Phúc Âm Chúa Nhật thư nhất Mùa Chay, liên hệ tới việc Chúa Kitô bị cám dỗ. Về lối hành văn, lời nguyện được sáng tác theo văn loại các lời nguyện chúc lành cho tín hữu.

IV. Áp dụng cụ thể

Tuy chỉ trình bày một cách sơ lược về kinh nguyện Mùa Chay và chỉ giải thích các lời nguyện của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, chúng ta cũng có thể đưa ra một số kết luận như sau :

1)      Phụng vụ chứa đựng những lời nguyện mang nội dung thần học thật phong phú và có khả năng xây dựng đức tin, chứ không chỉ là lời cầu khẩn mà thôi.

2)      Các lời nguyện này có một truyền thống lâu đời, biểu lộ kinh nghiệm cầu khẩn của Giáo Hội ; những lời nguyện mới được sáng tác dựa theo các gợi ý từ Kinh thánh, Giáo phụ và giáo huấn của các Công đồng chung.

3)      Các lời nguyện này là mẫu mực để chúng ta cầu nguyện, hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, và Giáo Hội.

4)      Vì thế các linh mục và các giáo lý viên cần khai thác kho tàng phụng vụ này để dùng trong bài giảng, bài dạy giáo lý.

5)      Mỗi người cũng có thể dùng để cầu nguyện riêng tư.

 

Rôma, ngày 5.3.2003


Mục Lục Giới Thiệu Năm Phụng Vụ: Mùa Chay Thánh