X

BÍ TÍCH THỐNG HỐI CỬ HÀNH

LÒNG NHÂN HẬU CỦA THIÊN CHÚA CHA

 

Chúng ta đang ở trong Năm chuẩn bị thứ III, 1999, để mừng Năm Đại hồng ân, Năm Thánh 2000. Trong năm 1999 này Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II muốn chúng ta suy tư, tìm hiểu cách sâu xa hơn giáo lý về bí tích thống hối và hòa giải và cử hành bí tích này một cách sốt sống ý thức hơn (xc. Tông thư Tiến tới Thiên niên kỷ ba, 10-11-1994, số 50). Chúng ta có thể tìm hiểu bí tích này dưới nhiều khía cạnh. Trong bài này tôi sẽ đề cập tới các Nghi thức cử hành Bí tích Thống hối và hòa giải như được trình bày trong Sách Nghi thức Bí tích Thống hối và hòa giải (Ordo Paenitentiae) được ban hành ngày 2-12-1973, do Đức Giáo Hoàng Phalô VI. Sách phụng vụ này được tu chính theo các chỉ thị của Công Đồng chung Vaticanô II, như được ghi trong Hiến chế về Phụng vụ, số 72 : Nghi lễ và công thức Bí tích Giải tội phải được duyệt lại để diễn tả rõ ràng hơn bản tính và hiệu quả của bí tích này”.

I.       Những điểm giáo lý nền tảng của

          Sách nghi thức cử hành Bí tich thống hối và hòa giải

Ta học hỏi về Sách Nghi thức cử hành Bí tích thống hối và hòa giải, chúng ta nhận ra một số điểm giáo lý nền tảng như sau :

1) Trước tiên phải nhìn hành động cử hành bí tích này trong toàn thể kế đồ cứu rỗi của Thiên Chúa, trong đó Thiên Chúa đã thể hiện việc giao hòa thế gian với Ngài qua tất cả lịch sử cứu rỗi. Công việc hòa giải này bắt đầu từ Chúa Cha và được thực hiện nhờ Chúa Kitô. Ở đây chúng ta nên lưu ý một điểm, đó là khi đi xưng tội chúng ta cử hành việc tôn vinh lòng nhân hậu từ bi của Thiên Chúa, thay vì chỉ lưu tâm tới việc xưng thú các lỗi lầm. Đây là quan niệm mới của việc đi xưng tội và có tính cách tích cực hơn.

Để thực hiện công việc hòa giải này, Chúa Kitô đã rao giảng sự thống hối ăn năn, trở về nội tâm để mỗi người đón nhận tin mừng Nước Trời. Trong cuộc sống trần gian, Ngài đã kêu gọi người tội lỗi, đã đón tiếp họ đến với mình. Ngài đã tha thứ cho kẻ có tội, đã chứng minh cho mọi người về quyền tha tội của mình. Sau cùng, Ngài đã thiết lập bí tích hòa giải và trao ban cho Giáo Hội để tiếp tục công việc tha tội và hòa giải.

Về phía Giáo Hội, Giáo Hội luôn thi hành sứ mệnh hòa giải và tha tội như Chúa Kitô đã trao phó cho bằng cách ban ơn tha tội cho những ai thực lòng thống hối chạy đến xin ơn tha thứ, đồng thời Giáo Hội hằng kêu gọi kẻ có tội ăn năn thống hối và quay trở về với Thiên Chúa. Mặt khác Giáo Hội cũng ý thức rằng mình cũng cần được thanh tẩy vì Giáo Hội luôn ôm ấp kẻ có tội vào lòng, vì thế Giáo Hội vừa thánh thiện, nhưng lại vừa phải thanh tẩy chính mình.

2) Việc lãnh nhận bí tích thống hối và hòa giải là một hành động có tính cách cộng đồng,vì mọi bí tích là việc cử hành của Giáo Hội : vì trong khi thống hối, người tín hữu được giao hòa lại với Thiên Chúa và Giáo Hội, để được sống trong cộng đoàn Giáo Hội. Vì thế không nên coi việc đi xưng tội là việc của cá nhân, hoặc chỉ liên hệ giữa hối nhân và vị linh mục. Chính vì vậy, khi có thể, nên cử hành cách thức thứ hai, với việc thống hối chung và việc tha thội cho từng hối nhân, để biểu lộ tính cách cộng đoàn của nghi thức này.

3) Một điểm nữa cũng đáng lưu ý, đó là vai trò của Lời Chúa trong khi cử hành nghi thức thống hối và hòa giải. Như chúng ta đã nói trước đây, Lời Chúa đã được lấy lại trong việc canh tân phụng vụ, và cụ thể, cả trong khi cử hành nghi thức thống hối và hòa giải. Lời Chúa được công bố sẽ làm cho mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô được nhắc lại, các kỳ công của Thiên Chúa lại được loan truyền giữa cộng đoàn Giáo Hội. Lời Chúa cũng làm cho các cử chỉ và hành động phụng vụ, có ý nghĩa và trở nên phương thế ban ơn cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại. Lời Chúa đánh động con người quay trở về với Thiên Chúa, làm hòa với anh chị em, thống hối các lỗi lầm của mình và thực tâm bỏ đường tà để sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng của Chúa Kitô. Vì vậy theo tinh thân canh tân nghi thức này không nên bỏ đọc Lời Chúa. Nếu không đọc chung thì ít ta đọc một mình trước khi đi xưng tội : nếu không đọc nhiều, thì ít ra đọc một số câu Kinh thánh đã thuộc lòng.

 

4) Vài trò của Chúa Thánh Thần trong tiến trình hòa giải và thống hối. Đây là một điểm được nhấn mạnh khá rõ ràng. Số thứ 6 của Phần nhập đề Sách Nghi thức cử hành bí tích thống hối và hòa giải đã nói về vai trò này như sau : Sau khi phạm tội người môn đệ của Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, chạy đến với bí tích giải tội, thì họ phải nhớ rằng trước tiên, họ phải thật lòng quay trở về với Thiên Chúa…”. Như vậy Chúa Thánh Thần là tác viên chính trong tiến trình trở về và thúc đẩy hối nhân thực hiện tiến trình này qua bí tích hòa giải và thống hối. Chính trong công thức linh mục đọc để tha tội, chúng ta cũng nhận ra vai trò của Chúa Thánh Thần như sau : Thiên Chúa là Cha hay thương xót đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa và ban Thánh Thần để tha tội xin Chúa dùng tác vụ của Hội thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy Cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”. Cùng với hai xác quyết trên đây, chúng ta còn có một xác quyết khác cũng khá mạnh mẽ về vai trò của Chúa Thánh Thần trong tiến trình thống hối và hòa giải, trong lời nguyện hiệp lễ ngày thứ bảy tuần thứ bảy phục sinh như sau : Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần đến là Đấng đem lại ơn tha tội ngự xuống lòng chúng con,để người chuẩn bị chúng con cử hành lễ tế này” ( bản văn tiếng latinh nhấn mạnh hơn : Mentes nostras, quaesumus, Domine, Spiritus Sanctus adveniens divinis praeparet sacramentis, quia ipse remissio omnium peccatorum : chính Người là ơn tha thứ mọi tội khiên).

 


II. Ba mẫu cử hành Bí tích Thống Hối và Hòa Giải

Trong Sách Nghi thức Thống hối và Hòa giải, người ta nhận thấy có ba mẫu cử hành bí tích thống hối và hòa giải.

Mẫu thứ I được gọi là Nghi thức thống hối và hòa giải các hối nhân riêng rẽ. Đây là cách thức xưng tội riêng vẫn được cử hành từ trước đến nay. Và có lẽ chúng ta chỉ biết tới cách thức cử hành này. Khi học giáo lý để xưng tội rước lễ lần đầu, hầu như chúng ta chỉ được dạy cách xưng tội theo kiểu này cả sau khi ban hành Sách Nghi thức thống hối và hòa giải (Sách Nghi thức thống hối và hòa giải, số 15-21 và chương I, số 41-47).

Mẫu thứ thứ II được gọi là Nghi thức thống hối và hòa giải nhiều hối nhân với việc xưng tội riêng và việc tha tội riêng cho từng hối nhân. Đây là hình thức bao gồm việc xưng tội riêng và tha tội riêng, nhưng được lồng trong một buổi cử hành chung với nhau, để cho thấy tính cách cộng đồng của bí tích này, mà từ trước đến giờ, hầu như không được nhấn mạnh cho đủ. Và trong cái nhìn thần học bí tích từ sau Công đồng Vaticanô II, thì hình thức này được coi là hình thức mẫu cho các hình thức cử hành bí tích thống hối và hòa giải (nt., số 22-30 và chương II, số 48-59).

Mẫu thứ III gồm có việc cử hành Bí tích Thống hối và hòa giải chung, nghĩa là hối nhân chỉ xưng thú chung các tội của mình và rồi lãnh nhận ơn xá giải chung nhau (nt., số 31-35 và chương III, số 60-66).

Chúng ta có thể đưa ra một số điểm chính yếu liên hệ tới ba mẫu cử hành Bí tích thống hối và hòa giải. Trước tiên, tất cả những việc như xét mình, ăn năn tội, xưng hết các tội, chấp nhận và làm việc đền tội, việc tha tội của linh mục, là những điểm không thể thiếu vắng trong một buổi cử hành nghi thức thống hối và hòa giải.

Ngoài ra, việc canh tân nghi thức có thêm vào những yếu tố khác theo đúng các chỉ thị của Công Đồng Vaticanô II. Việc đọc Kinh thánh trong các buổi cử hành phụng vụ phải được coi như một yếu tố quan trọng, cũng như các buổi cử hành phụng vụ khác khi cử hành Bí tích thống hối và hòa giải, cả trong khi cử hành cách thứ I. Giáo Hội muốn cho linh mục và hối nhân đọc ít ra một vài câu kinh thánh, hoặc ít ra hối nhân đọc trước khi đi cử hành bích này.

Phần mở đầu của mỗi nghi thức có lời chào hối nhân rút ra từ Kinh thánh, và những lời chào biểu lộ một cuôc gặp gỡ đầy tình người, thay vì chỉ làm dấu thánh giá mà thôi.

Sau cùng, khi đã xưng tội xong, linh mục và hối nhân cùng ca ngợi Thiên Chúa với lời ca ngợi được rút ra từ Kinh thánh.

 


III. Việc cử hành Bí tích Thống Hối và Hòa Giải chung

Theo mẫu thứ ba chúng ta có nghi thức cử hành Bí tích Thống hối và hòa giải chung, nghĩa là hối nhân chỉ xưng thú chung các tội của mình và rồi lãnh nhận ơn xá giải chung nhau (nt., số 31-35 và chương III, số 60-66).

Trong lịch sử thì việc cử hành mẫu thứ ba này chỉ là ngoại lệ, không ghi vào trong Sách Nghi thức Thống hối và hòa giải, ban hành năm 1614. Việc cử hành này chỉ được thực hiện trong những trường hợp khá ngoại lệ.

Ngày 16-1-1972, Bộ Đức Tin đã công bố những luât lệ về việc cử hành bí tích thống hối và hòa giải chung với những điều kiện rõ ràng (xc. Công báo của Tòa thánh A.A.S. 64 (1972) tr. 513-514).

Sau đó vào năm 1973, khi ban hành Sách nghi thức giải tội mới (Ordo Paenitentiae), thì mẫu giải tội chung này được đưa vào trong Sách nghi thức và được coi như là một nghi thức dùng trong những trường hợp ngoại lệ đặc biệt, như khi chiến tranh, khi dịch tễ hoành hành tại một nơi nào đó. Cũng có thể dùng bí tích này, khi hội đủ các điêu kiện được đưa ra và việc này do vị giám mục trong giáo phận xét xem có đầy đủ như luật chung đã định.

Năm 1983, Bộ Giáo luật được tu chính và ban hành cho toàn thể Giáo Hội Latinh, thay thế cho Bộ Giáo luật năm 1917, đã qui định cách rõ ràng các luật lệ về việc cử hành nghi thức thống hối và hòa giải chung, ở các khoản luật 960 và 961. Từ đây, Sách Nghi thức thống hối và hòa giải cũng thay đổi một vài kiểu nói cho phù hợp với Bô Giáo luật.

Như vậy trong các giai đoạn thành hình, nghi thức thống hối và hòa giải chung đã được nhìn khác nhau, xét theo thần học bí tích và xét theo các nhu cầu siêu nhiên của tín hữu.

Về tên gọi chúng ta có hai kiểu gọi : “nghi thức thống hối và hòa giải chung” hoặc “nghi thức thống hối và hòa giải tập thể”. Hai tĩnh từ “chung” hay “tập thể” có ý nghĩa khác nhau. Khi nói “nghi thức thống hối và hòa giải chung”, lưu ý tới việc xưng tội cách chung, ngược lại lại với việc xưng riêng tội cho linh mục giải tội và linh mục cũng ban ơn xá giải chung cho nhiều người cùng một lúc, thay vì riêng cho từng người. Còn kiểu nói “nghi thức thống hối và hòa giải tập thể”, có ý nói việc cử hành cho một số đông cùng nhau lãnh nhận bí tích này mà không có việc xưng tội riêng và ban ơn xá giải riêng. Hai tên gọi có ý nghĩa giống nhau, với một khác biệt nhỏ.

IV.     Nghi thức

          cử hành bí tích thống hối và hòa giải chung

Để hiểu rõ ràng việc cử hành Bí tích Thống hối và hòa giải chung, chúng ta nhìn qua ba hình thức cử hành Bí tích Thống hối và hòa giải theo như trong Sách Nghi thức thống hối và hòa giải ban hành năm 1973.

Mẫu cử hành thứ III được gọi là Nghi thức thống hối và hòa giải, với việc xưng tội chung và việc tha tội chung.

Chúng ta sẽ nói đặc biệt về việc cử hành nghi thức thống hối và hòa giải chung được trình bày trong Sách Nghi thức năm 1973, từ số 60 đến số 66.

Mọi chi tiết được cử hành như trong cách thức thứ II, trừ những điều thay đổi như sau.

Phần mở đầu cách thức này gồm có bài hát mở đầu, lời chào của linh mục, lời nhắn nhủ vể buổi cử hành hôm đó. Sau đó linh mục đọc lời nguyện, đọc Lời Chúa, với thánh vịnh đáp ca, vị linh mục giảng, rồi việc xét mình việc cầu nguyện và đọc kinh cầu, đọc Kinh Lạy Cha.

Lời nhắn nhủ mở đầu : linh mục nhắc nhở những ai muốn lãnh nhận việc ban ơn xá giải chung, hãy chuẩn bị xứng đáng, mỗi người hãy ăn năn thống hối các tội của mình, cương quyết sẽ không phạm tội nữa, loai trừ các gương xấu, đền bù các thiệt hại cho người khác nếu có, và quyết định sẽ xưng thú các tội trọng riêng biệt và đầy đủ, khi có thể, điều mà trong lúc này không thể làm được. Rồi hối nhân sẵn sàng làm các việc đền tội mà linh mục ra chung cho mọi người, và mỗi người có thể thêm vào các việc đền tội khác nếu muốn.

Việc xưng tội chung : sau đó phó tế hay một thừa tác viên khác, hoặc chính linh mục mời gọi các hối nhân muốn lãnh nhận ơn xá giải chung, hãy làm dấu hiệu nào đó cho biết ý muốn này. Thí dụ : Những ai muốn lãnh nhận ơn xác giải chung, hãy quỳ xuống và xưng thú chung các tội của minh. Hoặc đọc một công thức khác, hoặc theo một cách nói do Hội đồng Giám mục đã chỉ định.

Rồi các hối nhân đọc Kinh Cầu Các Thánh, và luôn phải đọc Kinh Lạy Cha.

Sau đó các hối nhân đọc một công thức xưng tội chung, như đọc Kinh Cáo mình.

Tới đây vị linh mục đọc công thức tha tội chung. Bản dịch Công thức này đã được Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt-Nam chuẩn y cho phép dùng tạm và sau đó được Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích phê chuẩn ngày 17 tháng 8 năm 1983 (Prot. CD 306/83). Công thức giải tội chung đọc như sau :

Linh mục giơ hai tay trên các hối nhân mà ban phép giải tội như sau :

“Thiên Chúa Cha, Đấng không muốn cho kẻ có tội phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống, Chúa yêu thương chúng ta trước và đã sai Con Chúa đến thế gian để nhờ Người mà thế gian được cứu độ. Xin Chúa tỏ lòng từ bi và ban bình an cho anh chị em.

Đáp : Amen.

“Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã bị nộp vì chúng ta, và đã sống lại để thánh hóa chúng ta. Người đã ban Thánh Thần xuống trên các Tông đồ, để các Ngài lãnh nhận quyền tha tội. Xin Người dùng tác vụ của chúng tôi mà cứu anh chị em khỏi sự dữ và ban cho anh chị em được đầy Chúa Thánh Thần.

Đáp : Amen.

“Chúa Thánh Thần phù trợ, Đấng đã được trao ban cho chúng ta để thứ tha tội lỗi, và trong Người, chúng ta được đi tới cùng Chúa Cha. Xin Người thanh tẩy và dùng ánh sáng chiếu soi tâm hồn anh chị em, để anh chị em tuyên xưng quyền năng của Đấng đã kêu gọi anh chị em ra khỏi chốn tối tăm và đưa vào nơi sáng láng tuyệt vời.

Đáp : Amen.

“VẬY CHA THA TỘI CHO ANH CHỊ EM, NHÂN DANH CHA, VÀ CON, + VÀ THÁNH THẦN”.    

Đáp : Amen.

Hoặc đọc công thức :

“Thiên Chúa là Cha hay thương xót,

đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa

giao hòa thế gian với Chúa

ban Thánh Thần để tha tội,

Xin Chúa dùng tác vụ của Hội thánh

Mà ban cho cho anh chị em ơn tha thứ và bình an.

Vậy CHA THA TỘI CHO ANH CHỊ EM

NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN.

Đáp : Amen.

Cuối nghi thức, linh mục mời tất cả mọi người tạ ơn Thiên Chúa và ca tụng lòng nhân từ của Thiên Chúa, và sau khi hát một bài thánh ca xứng hợp, linh mục bỏ lời nguyện kết thúc, ban phép lành và giải tán dân chúng.

Ngoài ra Sách Nghi thức thống hối và hòa giải còn ghi lại hai trường hợp thật khẩn cấp, có thể cử hành cách thức thống hối và hòa giải một cách thật vắn gọn. Trường hợp thứ nhất (số 64) : linh mục cho đọc một vài đoạn Sách Thánh, rồi ngài nhắn nhủ chung, bảo họ xưng thú các tội một cách chung, ra việc đền tội và ban ơn xá giải ngay lập tức.

Còn trong trường hợp khi hối nhân gần chết (số 65), thì vị linh mục đọc ngay công thức tha tội.

Đọc lại nghi thức này, từ lễ nghi, bản văn, công thức và chữ đỏ, chúng ta có thể đưa ra nhận xét sau đây :

* khi nói tới việc xưng tội chung và giải tội chung, chúng ta phải coi đây là hành động cộng đoàn Giáo Hội, thay vì coi đó là của riêng linh mục và các hối nhân. Do đó tính cách cộng đoàn được biểu lộ ra cách thật rõ ràng.

* nghi thức có việc đọc kinh thánh, đọc kinh cầu các thánh, và các lời nguyện khác. Đọc lời Chúa để được soi sáng và hướng dẫn trong việc cử hành này ; cho biết ý nghĩa của tội và tình thương xót của Chúa Cha qua Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần.

* công thức tha tội cho thấy việc tha tội nằm trong toàn thể kế đồ cứu rỗi của Thiên Chúa Cha được thực hiện trong lịch sử cứu độ qua việc Chúa Kitô chịu chết và sống lại, cũng như việc Chúa Thánh Thần được ban xuống nơi các tín hữu để tha tội cho họ. Nên việc cử hành bí tích này là một lời tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa và xin Ba Ngôi tha thứ các tội.

* trong khi cử hành nghi thức này, chúng ta có những lúc đọc lời ca tụng Thiên Chúa, do đó khi đi xưng tội, không phải chỉ là việc lãnh nhận ơn tha tội, nhưng còn là việc ca tụng lòng thương xót của Thiên Chúa vì Ngài đã cứu chuộc chúng ta, vì Ngài sẵn sàng tha tội cho chúng ta, vì Ngài đem chúng ta trở lại trong sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, và với cộng đoàn Giáo Hội.

Đó là những ý nghĩa của nghi lễ cử hành việc thống hối chung và và giải tội chung.

2)      Việc cử hành nghi thức thống hối và hòa giải chung

          trong cái nhìn thần học và giáo luật

Như trên chúng ta thấy, việc xưng thú các tội một cách chung và việc vào thời xưa chỉ được cử hành trong những trường hợp thật khẩn cấp, như khi đám đông gặp cơn nguy hiểm gần chết, như khi động đất, chiến tranh, hỏa hoạn.

Từ năm 1972, luật lệ về việc cử hành bí tích này đã được nới rộng ra. Sau đó sách Nghi thức giải tội đã lấy lại những luật lệ của Bộ Đức tin ban. Trong bộ Giáo luật được sửa đổi và công bố năm 1983, có một vài khác biệt nhỏ trong việc cử hành nghi thức thống hối và hòa giải chung. Để hiểu được ý nghĩa của luật lệ này, chúng ta cần đ ý tới các điểm sau đây.

1) Về phương diện thần học, Công Đồng chung Triđentinô (họp từ 13-12-1545 đến 4-12-1563) đã xác quyết rõ ràng : việc xưng thú các tội nặng riêng từng tội một và kèm theo đó là việc tha thứ riêng cho từng cá nhân là một luật buộc theo luật Thiên Chúa (DS 1907).

Vì thế mỗi tội trọng phải được xưng riêng và phải xưng thú hết các tội trọng, và phải ban ơn xá giải riêng cho từng hối nhân một.

2) Xét về khía cạnh thần học bí tích, việc xưng tội và lãnh nhận ơn tha thứ là dấu chỉ hữu hình của việc cử hành bí tích giải tội. Vì thế dấu hiệu này cần được thể hiện cách bình thường, qua việc xưng thú các tội riêng từng tội một và hết các tội trọng chưa được tha thứ.

Vì thế trong các trường hợp khẩn cấp, tín hữu cần lãnh nhận ơn tha thứ cho các tội trong đã phạm, thì Giáo Hội lo liệu để tín hữu được lãnh nhận ơn tha thứ, nhưng phải biểu lộ ra ít là dấu hiệu hữu hình một cách hết sức có thể, tức là việc xưng tội cách chung chung, không phải xưng riêng từng tội một. Tuy nhiên đây là điều tối thiểu cho thấy dấu hiệu bí tích. Và dấu hiệu bí tích này được tỏ lộ ra một cách rõ ràng và chắc chắn, khi tín hữu xưng lại các tội trọng đã được tha. Có người nói, tội trọng đã được tha thứ rồi trong khi xưng tội chung, thì còn cần gì phải xưng tội riêng lại từng tội nữa. Quả thực các tội đó đã được tha khi xưng tội chung và lãnh nhận ơn xá giải chung, nhưng trong một trường hợp thật ngoại lệ. Vì thế cần làm cho rõ ràng ý nghĩa của việc xưng tội riêng và làm cho rõ dấu hiệu của bí tích qua việc xưng tội lại các tội trọng đã được tha.

Tóm lại hối nhân phải xưng lại các tội trọng đã được tha trong khi cử hành chung việc thống hối, vì hai lý do : vì ơn tha tội chỉ được ban cho khi có việc xưng tội riêng từng tội một và khi xưng tất cả. Lý do thứ hai là vì dấu hiệu bí tích cần được thể hiện cách rõ ràng.

3) Về phương diện giáo luật

Bộ Giáo luật ban hành năm 1983 đã đưa ra lề luật về việc xưng tôi chung và lãnh nhận ơn xá giải chung trong khoản luật 961 như sau :

“1. Không thể ban ơn xá giải chung một trật cho nhiều người khi chưa có việc xưng tội cá nhân trước trừ ra :

1) khi gần cơn nguy tử và một mình linh mục hay nhiều linh mục không đủ thời giờ nghe từng hối nhân xưng tội ;

2) khi có sự khẩn thiết trầm trọng, nghĩa là, khi nào xét vì số đông hối nhân và không có đủ cha giải tội để nghe từng người xưng tội hợp lệ trong một thời gian thích đáng, đến nỗi vì vậy mà các hối nhân không phải lỗi tại họ đành thiệt mất ơn bí tích xá giải hay ơn rước lễ trong một thời gian lâu dài. Tuy nhiên, không được coi là có sự khẩn thiết thực sự, khi không có đủ các cha giải tội chỉ nguyên vì lý do hối nhân đông đảo, như có thể xẩy ra trong một vài đại lễ hay hành hương.

2. Giám mục giáo phận có thẩm quyền nhận định về những điều kiện đòi hỏi ở triệt 1. Số 2). Sau khi xét đến tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các thành viên khác của Hội Đồng Giám mục, ngài có thể xác định những trường hợp nào được coi là khẩn thiết” (Bản dịch của Đức Ông Nguyễn-Văn-Phương, các Lm. Phan-Tấn-Thành, Vũ-Văn-Thiện và Mai-Đức-Vinh, do Nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ xuất bản năm 1987).

Để hiểu khoản luật này, chúng ta phải đọc nó chung với khoản luật 960 và 986&1 ; cũng như khoản luật 18.

Khoản giáo luật 960 nói về việc xưng tội riêng và trọn vẹn các tội trọng và lãnh nhận cá nhân, là phương tiện duy nhất và thông thường để được hòa giải với Thiên Chúa và với Giáo Hội. Chú ý Giáo luật nói theo một văn loại luật pháp ; còn định tín của Công đồng Triđentino lại nói theo một văn loại lối trình bày thần học.

Khoản giáo luật 960, nói tiếp về trường hợp trừ vì lý do bất khả thể về thể lý hay luân lý.

Trong trường hợp bất khả thể nói trên, khoản giáo luật 960 cũng nói về sư việc tội nặng có thể được tha thứ bằng những cách thế khác. Điều trên đây, cũng như điều này cho chúng ta biết về lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa cũng như tình thương của Ngài trong việc tha thứ tội trọng.

Khoản giáo luật 986 nói về nhiệm vụ giải tội của các linh mục có trách nhiệm trong trường hợp thông thường, và nhiệm vụ của tất cả các linh mục trong trường hợp khẩn cấp, trong trường hợp này, thì bất cứ linh mục nào cũng có quyền giải tội cho những ai xin mình giải tội.

Hai khoản luật 960 và 986 giúp chúng ta hiểu rõ ràng và chính xác ý nghĩa của khoản luật 961 về việc xưng tội cách chung và lãnh nhận cách chung.

Như vậy khoản luật 961 phải được hiểu như sau :

- việc xưng tội cách chung và việc ban ơn xá giải chung là một cách thế để tha tội nặng ;

- Tuy nhiên việc xưng tội và lãnh nhận ơn xá giải theo cách chung này phải được hểu như là một một trường hợp ngoại lệ (exceptio). theo khoản luật 18 thì khi giải thích một trường hợp ngoại lệ, người ta phải luôn luôn giải thích theo chiều hướng hẹp, chặt chẽ. Vì thế khi giải thích khoản luật 961, phải theo chiều hướng theo nghĩa hẹp. Khoản luật 18 nói như sau : “Các luật quy định hình phạt, hoặc hạnh chế sự tự do thi hành quyền lợi, hoặc bao hàm một khoản trừ của luật, thì phải được giải thích một cách chặt chẽ”. Điều này có nghĩa là việc ban bí tích thống hối và hòa giải theo cách thức chung hay tập thể chỉ được phép khi có đầy đủ các điều kiện theo giáo luật định, và không được cắt nghĩa rộng các điều kiện này.

Chính khoản giáo luật 961 đã nói tới hai thí dụ cụ thể đó là trường hợp các dịp đại lễ và tại các đền thánh khi có đông tín hữu và khách hành hương đến cùng một lúc, thì cũng không được phép cử hành bí tích thống hối và hòa giải theo cách thế chung.

Rồi Bộ Giáo luật cũng bàn tới vấn đề giáo dân không kịp giờ xưng tội. Ở đây, Giáo luật nói tới bổn phận ngồi tòa trong trường hợp thông thường để tránh đi những trường hợp đông đảo dồn vào một lúc, và từ đó thì cắt nghĩa khoản luật 961 theo nghĩa rộng.

Nếu chúng ta đọc các bài chú giải khoản luật 961 này sau khi đã ban hành bộ luật 1983 (như đăng trong báo Communicationes), chúng ta thấy tiến trình thành hình khoản luật này, đã đi từ lối hành văn rộng tới lối hành văn chặt chẽ như chúng ta thấy trong bản văn hiện thời.

Đàng khác việc hiểu các khoản giáo luật cần được soi sáng bởi chính thẩm quyền tối cao ban hành luật pháp trong Giáo Hội (Supremus Legislator), tức là Đức Giáo Hoàng. Ở đây chúng ta nhận thấy giáo huấn của các vị Giáo Hoàng gần đây về khả thể ban Bí tich Giải tội chung, luôn có tính cách chặt chẽ. Các vị Giáo Hoàng cũng luôn nhấn mạnh về tính cách ngoại lệ của hình thức cử hành Bí tích Giải tội tập thể, như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói với các Giám mục Hoa kỳ năm 1978 (xc. A.A.S. 70 (1978) 333) ; rồi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục thế giới mang tựa đề Hòa giải và thống hối (Reconciliatio et Paenitentia, A.A.S. 87 (1985) 267 ; Tự sắc Misericordia Dei, ngày 7-4-2002). Cả sau khi ban bố Bộ giáo luật năm 1983, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng còn nhấn mạnh tới tính cách ngoại thường của hình thức thống hối và giải tội tập thể này (xc. Tông huấn Hòa giải và thống hối, Reconciliatio et Paenitentia, ibidem, p. 267). Đức Thánh Cha cũng khuyên nhủ các linh mục phải chịu khó ngồi tòa giải tội và làm cho việc giáo dân đến xưng tội được dễ dàng (Tông huấn Hòa giải và Thống hối, ibidem, p. 270 ; xc. Giáo luật, khoản 213 và 843).

Sau cùng khoản luật 961 cũng đề cập tới nhiệm vụ của giám mục giáo phận : nhiệm vụ này là xét xem có hội đủ điều kiện như giáo luật đã ấn định, cho phép cử hành Bí tích hòa giải chung, chứ không được đưa ra những điều kiện khác, để rồi từ đó cho phép cử hành bí tích hòa giải chung. Hơn nữa khoản giáo luật 961 đã nói các giám mục giáo phận cũng phải theo các tiêu chuẩn của Hội đồng giám mục đề ra.

Một hình thức cử hành Bí tích Thống hối và hòa giải được thể hiện với lý do là để rút bớt thời giờ, đó là linh mục giải tội từng 10, hoặc 20 trẻ em hoặc hối nhân, sau đó bảo ra ngoài đợi, rồi linh mục ra ban phép giải tội một lần. Theo cách thế này, thì có việc xưng tội riêng ; chỉ có việc tha tội chung cho nhóm hối nhân 10, 20 người. Cách thế này không phù hợp với giáo huấn của Công Đồng Triđentinô như trên đây chúng ta đã ghi lại, cho thấy việc xưng tội riêng đi liền với việc ban ơn xá giải riêng cho từng người. Rồi việc giải thích luật về việc xưng tội và giải tội tập thể phải có tính cách chặt chẽ ; đàng khác nghi lễ cử hành không được cử hành lẫn lộn, lấy một nghi lễ ở ớ cách thức này đem gắn liền với cách thế khác.

4. Về phương diện mục vụ

Những điều trình bày trên đây đã có thể đưa ra những áp dụng mục vụ cụ thể. Sau đây tôi muốn đề cập tới phương điện này theo hai khía cạnh : (1) phía linh mục giải tội và (2) phía hối nhân đi xưng tội.

(1) Về phía linh mục

Ngoài những điều nhắn nhủ trong Giáo luật và trong lời dạy bảo của các Đức Giáo hoàng, còn có những điểm khác cần được các linh mục ngồi tòa lưu ý tới.

- Trong các bài dạy giáo lý về bí tích thống hối và hòa giải, linh mục cần giải thích rõ ràng về cách cử hành việc xưng tội chung và giải tội tập thể.

- Cần làm cho việc cử hành nghi thức thống hối trở nên bình thường, để chuẩn bị cho việc xưng tội riêng và lãnh nhận ơn hòa giải riêng, nhất là trong Mùa chay, Mùa Vọng. Vì qua các buổi cử hành thống hối chung, giáo dân sẽ dần đi vào mầu nhiệm thương xót của Thiên chúa và sẽ mở rộng lòng mình ra chấp nhận những điều phải làm để được ơn tha thứ, kể cả việc xưng tội riêng và lãnh nhận ơn xá giải riêng. Họ sẽ khiêm nhường trước tôn nhan Thiên Chúa và sống thái độ khiêm nhường này một cách tận căn.

- Các linh mục không nên cử hành nghi thức thống hối và hòa giải chung trong mộ nghi lễ đơn giản, như có nơi, sau khi đọc phúc âm hoặc trong nghi thức đầu lễ, và việc cử hành nghi thức thống hối và hòa giại chung. Việc pha trộn các lễ nghi này không được ấn định do phụng vụ, và làm cho nghi thức thống hối bị lu mờ ý nghĩa, cũng như bị coi như một việc làm cho qua, ít quan trọng.

- Chắc chắn vị linh mục phải có kiến thức sâu xa về khoa tâm lý, về khoa mục vụ, và phải có kinh nghiệm về việc hướng dẫn thiêng liêng, và nhất là kinh nghiệm trong tòa giải tội. Rồi chính các ngài phải cảm nghiệm về tình thương của Thiên Chúa khi đi xưng tội ; về sức tác động của ơn thánh nơi các tâm hồn để có thể nhận ra lòng thương xót đó tỏ lộ ra nơi các hối nhân.

- Tránh những lối giải thích luật của Giáo Hội một cách rộng rãi thiếu trách nhiệm và thiếu hiểu biết.

2) Về phía hối nhân đi xưng tội

 

- Cần tạo cho mình một xác tín cho rằng việc đi xưng tội là một cử hành mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô đồng thời cũng để cùng toàn thể Giáo Hội ca tụng lòng nhân từ của Thiên Chúa. Có lẽ từ trước đến giờ, người ta chỉ nghĩ tới bí tích này như là việc xưng thú tội để được tha tội.

- Hối nhân phải được làm cho hiểu rõ ràng điều kiện phải có để có thể cử hành bí tích thống hối và hòa giải theo như giáo lý của Giáo Hội dạy.

- Đánh tan quan niệm cho rằng việc xưng tội chung và lãnh nhận ơn xá giải chung là một điều dễ dàng và chỉ đợi chờ những dịp cử hành cách thế này thôi. Họ phải được khuyến khích năng đi xưng tội riêng.

 

Tóm lại, việc cử hành Bí tích Thống hối và hòa giải cần được hiểu theo một cái nhìn mới theo hướng thần học của Công Đồng Vaticanô II. Theo cái nhìn này cách thức cử hành việc xưng tội chung cũng được hiểu một cách khác, thay vì cho đó là cách thế dễ dàng, đỡ mệt cho linh mục. Vì là Bí tích của Giáo Hội, nên cần được cử hành theo ý muốn của Giáo Hội.

 

Rôma, ngày 14.02.1999 

 

Lưu ý : bài này được vIết trước khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành tự sắc “Lòng Nhân từ thương xót của Thiên Chúa” (Misericodia Dei, ngày 07-04-2002).


Mục Lục Giới Thiệu Năm Phụng Vụ: Mùa Chay Thánh