KÍNH GỬI QUÝ BẠN ĐỌC
SỬ DỤNG

BẢN DỊCH SÁCH THÁNH
DO NHÓM PHIÊN DỊCH CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
THỰC HIỆN


Chúng tôi lấy làm vui mừng và hân hạnh được phục vụ dân Chúa trong việc phiên dịch Sách Thánh. Các bạn sử dụng bản dịch của chúng tôi : đây là một sự kiện khuyến khích chúng tôi nhiều, và củng cố chúng tôi trong các cố gắng và lựa chọn của mình.
Mặc dù vậy, đối với một số thành phần trong dân Chúa, có một vài lựa chọn của chúng tôi hãy còn là điều khó chấp nhận, và có thể các bạn cũng đã nghe đề cập tới rồi. Điều gây tranh cãi nhiều nhất lại là cách phiên âm các tên riêng, tuy lẽ ra, đây không phải là một điểm mang giá trị tuyệt đối khiến một bản dịch được phép hay không được phép sử dụng. Để các bạn hiểu rõ vấn đề hơn, chúng tôi xin trình bày dưới đây những nguyên tắc chỉ đạo cách phiên âm trong các sách chúng tôi thực hiện. Đây là kết quả của nhiều lần trao đổi với một số nhà ngôn ngữ học, dịch thuật, và của công trình ba mươi năm làm việc của nhóm chúng tôi.
Cách phiên âm của Nhóm CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
1. Chọn lựa của chúng tôi xuất phát từ những tiền đề sau đây :

Thứ nhất, vấn đề phiên âm các tên riêng (bất luận là trong Sách Thánh hay trong các sách không phải là Sách Thánh) là một vấn đề khoa học liên quan tới ngôn ngữ học, nên phải theo những nguyên tắc khoa học.
Thứ hai, việc dịch Sách Thánh nhằm phục vụ mọi độc giả Việt Nam, dù là tín hữu hay không, và thuộc mọi trình độ văn hóa, chứ không chỉ phục vụ những người quen thuộc Sách Thánh, có trình độ học vấn cao, biết các ngoại ngữ.
Thứ ba, phải tính đến những ngoại lệ.
2. Dựa vào bản văn nào để nhận dạng các tên riêng trong Sách Thánh
Trước hết xin tóm lược vấn đề bản văn.
Sách Cựu Ước : phần lớn được viết bằng tiếng Híp-ri, một phần bằng tiếng Hy-lạp và một phần rất nhỏ bằng tiếng A-ram.
Sau khi người Hy-lạp dành quyền bá chủ khu vực Địa Trung Hải, thì tiếng Hy-lạp trở thành tiếng phổ thông, phần Sách Thánh bằng tiếng Híp-ri được dịch ra tiếng Hy-lạp và một số sách mới được soạn bằng tiếng Hy-lạp. Đây là nguồn gốc của bản được gọi là Bản Bảy Mươi. Nên lưu ý rằng tiếng Híp-ri và tiếng Hy-lạp thuộc hai họ ngôn ngữ khác xa nhau, một số âm bên này có mà bên kia không có.
Khi các Tông Đồ đi rao giảng thì cả hai bản văn Cựu Ước, Híp-ri và Hy-lạp, cùng được sử dụng.
Các sách Tân Ước hiện có đều viết bằng tiếng Hy-lạp.
Khi người Rô-ma bá chủ vùng Địa Trung Hải thế chỗ người Hy-lạp, toàn bộ Sách Thánh được dịch ra tiếng La-tinh (bản Cổ La-tinh, Vetus Latina). Đức Giáo Hoàng Đa-ma-xô giao cho thánh Giê-rô-ni-mô hiệu đính bản Cổ La-tinh, và kết quả là bản La-tinh phổ thông (Vulgata) được sử dụng trong các cộng đoàn theo nghi lễ La-tinh. Bản này đã được hiệu đính một lần thời Công Đồng Tren-tô, do Đức Cơ-lê-men-tê VIII cho xuất bản. Lần hiệu đính quan trọng mới đây (xuất bản năm 1979) đã thay đổi khá nhiều bản văn này, dựa trên những thành quả mới nhất của khoa phê bình bản văn, nhằm tìm lại dạng văn gần nhất với bản văn đã được biên soạn (việc sao chép trong quá khứ đã cho ra nhiều dị bản). Và bản hiệu đính mới này (Nova Vulgata) được dùng làm cơ sở để soạn lại các sách phụng vụ. Do đó sẽ có những sự khác biệt giữa các bài đọc Sách Thánh trong sách phụng vụ mới so với sách dùng từ năm 1971 : một số câu, chữ, có trong sách cũ sẽ không có trong sách mới, và ngược lại.
Như vậy chúng ta đã biết đến hai bản phổ thông : bản phổ thông Hy-lạp và bản phổ thông La-tinh, vì đó là hai ngôn ngữ bá chủ trong Hội Thánh suốt nhiều thế kỷ. Chúng ta đã phải chờ đến Công Đồng Va-ti-ca-nô II mới được dùng tiếng mẹ của mình trong phụng vụ và trong thần học. Các cộng đoàn Hội Thánh khác ở Đông Phương đã đọc Sách Thánh và cử hành phụng vụ bằng tiếng của họ ngay từ những thế kỷ đầu, khi đón nhận Tin Mừng.
Tiếng Hy-lạp vẫn là một sinh ngữ suốt hai ngàn năm qua, tuy cách phát âm của hơn 10 triệu người Hy-lạp ngày nay không hoàn toàn giống cách phát âm tiếng Hy-lạp cổ điển dùng trong các trường ở ngoài nước Hy-lạp.
Tiếng La-tinh đã thànhtử ngữ từ nhiều thế kỷ, nhưng vẫn còn thống trị ở trong Hội Thánh theo nghi lễ La-tinh, bởi vì phần đông giới lãnh đạo thuộc các ngôn ngữ họ La-tinh. Người Anh, người Đức đã phản kháng chuyện này từ mấy thế kỷ trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II, dù tiếng La-tinh không xa tiếng của họ lắm như đối với tiếng Việt của chúng ta.
3. Nhìn vấn đề từ quan điểm nào
3.A. Quan điểm khoa học
Nhờ các phương tiện truyền thông, thế giới ngày nay trở nên rộng lớn hơn mà đồng thời nhỏ bé hơn. Bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu miền đất trước kia ít ai biết đến, nay được cả thế giới biết đến. Xưa kia, một phần do ảnh hưởng của chế độ thực dân, một phần do thiếu phương tiện truyền thông, nhiều vùng trên thế giới chịu ảnh hưởng của duy một ngôn ngữ, một nền văn hoá - của mẫu quốc : Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và thêm Trung Hoa đối với người Việt Nam . Điều này khiến cho các thông tin về văn hoá, lịch sử, địa dư, nhân văn, trên thế giới, v.v., luôn được truyền đạt qua cách nhìn, cách nói, cách viết của mẫu quốc.
Ngày nay, nhờ tinh thần khoa học và sự phát triển của khoa ngôn ngữ học, người ta cố gắng phiên âm các tên riêng của từng dân tộc theo cách đọc của dân tộc liên quan. Bất cứ phương tiện truyền thông nào ngày nay cũng có khuynh hướng tôn trọng nguyên tắc đó. Báo chí, phát thanh, truyền hình nước ta ngày nay cũng làm như thế, tuy đôi khi chưa nhất quán.
Vậy tại sao khi phiên âm các tên riêng trong Sách Thánh hay phụng vụ, chúng ta lại không tôn trọng ngôn ngữ gốc của các tên riêng ? Tưởng cũng nên nhắc lại rằng khi sách Cựu Ước bằng tiếng Híp-ri được dịch ra tiếng Hy-lạp, thì tiếng Hy-lạp đang là tiếng phổ thông và thuộc nền văn hoá thống trị ở vùng Địa Trung Hải. Khi bản dịch La-tinh được thực hiện thì tiếng La-tinh cũng đang ở vị thế đó, bởi vậy người ta cứ phiên âm theo các âm có trong tiếng Hy-lạp, tiếng La-tinh (hai thứ tiếng này lại rất gần nhau nên họ cứ việc mượn từ tiếng Hy-lạp qua tiếng La-tinh).
Tiếng Đức, tiếng Anh có những âm gần các âm trong tiếng Híp-ri và Hy-lạp, nên người Đức, người Anh không ngần ngại áp dụng cách phiên âm trực tiếp từ ngôn ngữ gốc, cả với các tên riêng vừa có trong Cựu Ước vừa có trong Tân Ước. Tiếng Việt chúng ta cũng có ưu thế đó. Vậy tại sao chúng ta lại phải nhận các tên riêng qua trung gian tiếng La-tinh hoặc tiếng Pháp, như trước đây đã nhận qua tiếng Trung Hoa ?
50 năm về trước, người Việt Nam quen phiên âm từ tiếng Hán-Việt : Ý-đại-lợi (Italia), Gia-nã-đại (Canada), Ba-lê (Paris), Hoa-thịnh-đốn (Washington), La-mã (Rôma) . trong khi tiếng Việt cho phép mọi tầng lớp người Việt Nam phát âm dễ dàng ra thành I-ta-li-a, Ca-na-đa, Pa-ri, Oa-sinh-tơn, Rô-ma. Cách phiên âm thứ nhất là dấu vết của sự lệ thuộc về ngôn ngữ và văn hoá. Cách thứ hai vừa cho phép phát âm tương cận nhất với ngữ âm gốc, vừa thể hiện một bước hội nhập văn hóa đáng kể.
Cũng trong thời gian đó, tiếng Pháp và tiếng La-tinh đã ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa và phụng tự công giáo của người Việt Nam. Hai thứ tiếng đó lại không có các thanh và một số âm của tiếng Híp-ri và tiếng Việt như /H/, /KH/. Do đó, chẳng hạn ta thấy những sách tiếng Việt cứ viết Alleluia (theo La-tinh/Pháp) trong khi tiếng Híp-ri là Halleluia ; cứ viết Aggaeus / Aggée (theo La-tinh/Pháp) trong khi tiếng Híp-ri là Khaggai ; cũng vậy, giữ Osee/Osée, Michaeas/Michée, và Malachias/Malachie, cho các tên Híp-ri Hoshea, Mikhah, và Maleakhi.
Lại nữa, cả hai tiếng Pháp và La-tinh đều dùng chữ S không phân biệt, để chuyển các chữ Híp-ri cùng âm với chữ S hoặc chữ X của tiếng Việt ; do đó viết : Sinai, Sion, Satan, Salomon, Isaia(s) ..., trong khi tiếng Việt có thể phân biệt Xi-nai, Xi-on, Xa-tan với Sa-lô-môn, I-sai-a ... Đó là về phần viết - phiên âm và chuyển tự. Về phần đọc, lại có vấn đề khác : tiếng La-tinh và Pháp không có âm /TH/ , nên mặc dù có ghi TH, nhưng lại đọc như không có, do vậy, người Việt quen nghe bằng tai chỉ chuyển thành T ; ví dụ phải viết có TH đầy đủ và đọc theo âm Việt các danh xưng như Tham-na-tha, Thê-xa-lô-ni-ca, Thê-ô-phi-lô chẳng hạn, thì mới hợp cách với các âm Híp-ri và Hy-lạp gốc.
Có người bảo cách phiên âm trong Tân Ước là do truyền thống các Tông Đồ. Cần xét lại xem có thể áp dụng tiêu chuẩn truyền thống các Tông Đồ như thế không ? Các Tông Đồ sử dụng cả hai bản văn Híp-ri và Hy-lạp, do đó sử dụng cách phiên âm có saün trong bản văn Hy-lạp. Vậy thì bất quá các Tông Đồ chấp nhận cái có saün trong ngôn ngữ cũng như chấp nhận bao nhiều cái có saün trong cơ chế xã hội thời đó, như chế độ nô lệ chẳng hạn. Chuyện này đâu có thuộc nội dung mặc khải (xin coi lại hiến chế Dei Verbum về "Sự Thật trong Sách Thánh"). Nếu áp dụng tiêu chuẩn truyền thống các Tông Đồ kiểu này thì e chúng ta sẽ phải đưa cả cơ cấu tổ chức cũng như phụng vụ của Hội Thánh trở về thời kỳ ban đầu đúng như trong sách Tân Ước, và phải đọc Sách Thánh bằng tiếng Híp-ri và Hy-lạp.
Cuối cùng, sự thay đổi nào cũng vấp phải sức đề kháng của thói quen. Nhưng nếu một sự thay đổi đánh dấu một bước tiến thì tưởng cũng nên chiến đấu với thói quen để các thế hệ tiếp theo được nhờ. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã giải thoát cả Hội Thánh khỏi bao nhiều thói quen đã ngự trị nhiều thế kỷ. Thế hệ chúng ta đã thoát khỏi bao nhiều cái đã quen trong Hội Thánh ở Việt Nam. Chúng ta không còn phải dùng những từ Phiritô Santô, Contrixong, Atrixong, Benxong, Câu Rút, Chúa Dêu . là nhờ thế hệ trước đã chấp nhận thay đổi thói quen. Còn nhiều cái đã quen mà thế hệ chúng ta phải giải thoát cho Hội Thánh để thế hệ sau được nhờ. Thói quen lấy khối thiểu số linh mục tu sĩ làm điểm quy chiếu, làm tiêu chuẩn để định đoạt những điều liên quan tới cả cộng đồng tín hữu hiện tại và những người sẽ gia nhập Hội Thánh ngày mai : âu đây cũng là một điều cần phải giải thoát cho Hội Thánh.
Chúng tôi đã xác định nguyện tắc về bản văn quy chiếu ngay từ khi bắt đầu làm việc năm 1971. Năm 1977 hội nghị chuyên đề của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã khiến chúng tôi an tâm hơn về cơ sở khoa học. Gần đây, cuốn Từ Điển Bách Khoa xuất bản năm 1995 cũng vận dụng những kết luận của Hội Nghị nói trên, tuy có nhiều du di do tính chất riêng của bộ sách này. Sau đây là những điểm chính yếu được nêu lên ở phần giới thiệu.
4. Phiên chuyển tên riêng nước ngoài bằng các âm, vần, âm tiết và chữ Việt dựa vào cách đọc của nguyên ngữ có thể biết được .
4.1- Những ngôn ngữ không dùng chữ cái La-tinh, nếu chưa phiên được bằng cách đọc trực tiếp thì phiên qua ngôn ngữ trung gian hoặc qua dạng La-tinh.
4.6- Ngoại lệ : vấn đề phiên chuyển tên riêng nước ngoài hiện nay rất phức tạp và đa dạng. Bởi vậy các trường hợp đã phiên âm trước đây và đã quen dùng trong một số ngành vẫn giữ nguyên, hoặc sẽ được cân nhắc, so sánh với các quy tắc trên để xử lý thích hợp (Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, cuốn 1, trang 8-9).

Cũng cần lưu ý rằng những năm sau này, các sách giáo khoa cũng chọn hướng phiên âm giống như chúng tôi.
3.B. Quan điểm đại kết
Đại kết là một mối quan tâm lớn của Hội Thánh toàn cầu hôm nay. Nhiều nước đã có bản dịch đại kết do các nhà chuyên môn của các cộng đoàn Ki-tô hữu khác nhau cùng thực hiện theo những nguyên tắc đã được thoả thuận trước. Tại Việt Nam, với sự có mặt của một số cộng đoàn Ki-tô hữu ngoài Công Giáo, chúng ta không thể không quan tâm vấn đề đại kết. Năm 1974 đã có một khoá làm việc chung giữa các chuyên viên Công Giáo và Tin Lành tại Đà-lạt, nhằm đặt cơ sở cho việc thực hiện một bản dịch đại kết bằng tiếng Việt. Một trong những vấn đề gai góc là thống nhất cách phiên âm các tên riêng. Phía Công Giáo đã quen phiên âm theo tiếng La-tinh, còn phía Tin Lành đã quen phiên âm theo tiếng Pháp, từ bản dịch đầu tiên được thực hiện trong thập niên 30. Để có thể ra khỏi thói quen của mỗi bên, các chuyên viên đã chọn nguyên tắc lấy bản văn gốc làm chuẩn, bởi vì dựa vào tiếng Pháp hay tiếng La-tinh thì các tên riêng đều đã biến dạng sẽ bị biến dạng thêm một lần nữa.
3.C. Quan điểm truyền giáo
Đây là vấn đề đối tượng phục vụ. Phiên dịch Sách Thánh là để phục vụ tất cả mọi người Việt Nam chứ không phải chỉ phục vụ những người đã biết tiếng nước ngoài, đã quen với tiếng La-tinh, tiếng Pháp (con số này có là bao trên tổng số hơn 6 triệu Ki-tô hữu và gần 70 triệu người Việt Nam). Một bộ sách như Từ Điển Bách Khoacó thể co dãn nhiều về mặt này vì trình độ của người sử dụng. Bản dịch Sách Thánh nhằm đến với bất cứ độc giả nào biết đọc tiếng Việt, dù phải đánh vần từng chữ, nên phải tôn trọng nguyên tắc này triệt để hơn.
Khi nhấn mạnh tất cả mọi người Việt Nam -nghĩa là thuộc mọi trình độ văn hóa và học thức-, chúng tôi thiết tưởng đây là một chọn lựa có liên quan đến việc loan báo Tin Mừng, và theo tinh thần của Đức Giê-su : "Loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn" (Lc 4,18). "Kẻ nghèo hèn" tại Việt Nam, ngày nay và trong 10-20 năm tới, có đọc được những tên riêng viết theo các ngoại ngữ không ? Và những giáo lý viên, người đọc lời Chúa trong thánh lễ, tại các vùng sâu thì sao ? Dường như ít có ai lưu tâm đến quan điểm truyền giáo này, vì phàm ai in sách cũng đều nhắm tới quan điểm sách mình, hoặc độc giả mình, là "có trình độ văn hóa". Nhưng Kinh Thánh là để cho mọi người đọc được và đi loan báo "cho muôn dân".
4. Phiên âm như thế nào ?
Do đã nhắm đối tượng phục vụ như nói ở trên, chúng tôi chọn :
· phiên âm theo âm gần nhất có trong tiếng Việt. Ví dụ : Khác-gai, Pin-khát.
Nguyên tắc này cũng được hội nghị ngôn ngữ 1977 công nhận và Từ Điển Bách Khoa 1995 áp dụng.
Nguyên tắc này sẽ thay đổi tuỳ khả năng phát âm của người Việt. Thí dụ âm /P/ hiện nay không còn xa lạ và đã được đưa vào sách giáo khoa.
· dùng gạch nối giữa các âm, vì tiếng Việt vốn là một tiếng độc âm, và để tránh những kiểu nối âm nhập nhằng. Ví dụ Nơthanên không có gạch nối sẽ không cho biết phải đọc làm sao : ‘Nơ-tha-nên’ hay là ‘Nơ-than-ên’ ? Trong một bài đọc thường niên, có đọan : ".họ liền hỏi nhau : ’manhu ?‘, nghĩa là ‘cái gì đây ?’. " (Xh 16,15). Người đọc không biết phải đọc thế nào, "ma-nhu" hay là "man-hu" ? Sách bài đọc cũ không cho gạch nối, nên người đang đọc khi đó lúng túng, hoặc đọc sai, trong khi gạch nối sẽ chỉ ra cách đọc đúng : man-hu. Chúng ta cũng nghe thấy trên đài, trước đây, có xướng ngôn viên phát âm "Dai-a" thay vì "Da-ia" cho tên nước viết là Zaire, có lẽ cũng vì viết thiếu gạch nối (Daia ?).
· Những ngoại lệ :
- cố gắng giữ cách phiên âm quen dùng trong Hội Thánh đối với những tên quá thông dụng. Ví dụ : thánh Giu-se, Phê-rô.
Nguyên tắc tôn trọng những ngoại lệ chẳng phải của riêng chúng tôi. Tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha cũng giữ ba tên cực trọng Jesus, Maria, Joseph . Từ Điển Bách Khoa Việt Nam cũng nêu nguyên tắc này (xem trích dẫn ở trên). Chính Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đưa ra nguyên tắc này cho bản dịch các sách phụng vụ (Đại Hội Thường Niên 1997).
Vấn đề ở chỗ thế nào là thông dụng ? Tất nhiên không thể đặt linh mục tu sĩ làm chuẩn mà phải lấy quảng đại quần chúng giáo dân làm chuẩn. Chúng tôi hiểu đó là tên các nhân vật và nơi chốn đã đi vào ngôn ngữ kinh nguyện hàng ngày của các tín hữu. Cụ thể như : ba tên cực trọng Giê-su, Ma-ri-a, Giu-se, tên các Tông Đồ, Phong-xi-ô Phi-la-tô, La-da-rô, phần lớn các ngôn sứ . Giê-ru-sa-lem, Bê-lem .
- cố gắng tránh những âm nghe không được thanh, ví dụ "Yehudit" phiên ra là Giu-đi-tha.
Để tổng hợp, đồng thời để nêu rõ thêm các "đồng minh" có uy tín trong nước, chúng tôi xin trích dẫn bài báo trong Thế giới mới, của PTS.Võ Xuân Trang, viết về ngày Hội thảo khoa học quốc gia về "Các vấn đề chuẩn ngôn ngữ sách và báo chí tiếng Việt", đã được Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Phân viện Báo chí và tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 12-9-97, tại Hà Nội :
"Quan điểm của báo Nhân Dân từ trước đến nay vẫn kiên trì nguyên tắc phiên âm có dùng dấu nối đối với các tên riêng nước ngoài. Thông tấn xã Việt Nam đã đề ra cho mình 8 nguyên tắc chuyển dịch tên riêng nước ngoài ra tiếng Việt, trong đó có một nguyên tắc : "Phiên âm gần đúng nguyên ngữ và có gạch nối". Đại diện của Đài tiếng nói Việt Nam khẳng định : Đối với tên riêng nước ngoài, "không thể không phiên âm và phiên âm không thể bỏ gạch nối. Không phiên âm là thách đốá dân trí, chứ không phải nâng cao dân trí". Quan điểm của báo Nhân Dân, của Thông tấn xã Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam đã được nhiều người đồng tình."
Sau phần ghi lại một vài ý kiến khác, tác giả tóm tắt :
"Tổng kết Hội thảo, PGS. PTS. Nguyển Trọng Báu nhấn mạnh về vấn đề tên riêng nước ngoài trên sách báo tiếng Việt, hầu hết các tiểu ban đều thống nhất ý kiến là nên phiên âm và có dùng dấu nối giữa các âm tiết. Còn quan điểm viết nguyên dạng hoặc chuyển tự đối với tên riêng nước ngoài ở Hội thảo này được một số ít người đồng tình và ủng hộ." ("Lại bàn về cách phiên âm tên nước ngoài", số 258, t.76-77).
Tính tương đối của các hệ phiên âm (cho tên riêng)
Để nói cho cặn kẽ hơn về đề tài này, xin đề cập đến hai điểm còn gây khó khăn, theo một vài tài liệu được in ra đó đây.
1/ Có người kêu gọi hãy thống nhất cách phiên âm các tên riêng nước ngoài nói chung, và các tên riêng trong Kinh Thánh nói riêng, gọi là để chấm dứt tình trạng lôn xộn từ sách báo này qua sách báo khác. Trong khuôn khổ bức thư này, xin giới hạn trong phạm vi các bản dịch Kinh Thánh.
Lời kêu gọi trên như thể muốn xác lập một nhóm người hay một tiêu chuẩn nào đó có uy quyền, như hàn lâm viện chẳng hạn, để đặt ra một hệ phiên âm thống nhất cho cả nước. Thật ra, đọc các bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hoa ., có thể thấy mỗi nhóm biên soạn bản dịch đều có cách phiên âm riêng của mình. Hàn lâm viện các nước đó không hề can thiệp vào để buộc các nhóm trong nước mình cùng phiên âm như nhau cả. Chỉ cần đọc một đoạn có nhiều tên riêng như 2 Sm 23, 31 và tiếp theo, trong ba bản dịch tiếng Pháp được biết đến nhiều nhất là bản TOB, Bible de Jérusalem và Osty, cũng đủ thấy như vậy. Và thật hay, không bản nào trong ba bản trứ danh đó được chọn làm bản Phụng Vụ chính thức tại nước Pháp cả, mà có một ủy ban chuyên môn được thành lập để soạn một bản dịch đặc biệt với một cách phiên âm khác nữa, vì đối tượng được nhắm tới không phải chỉ là nước Pháp, nhưng là tất cả các nước sử dụng tiếng Pháp. Đó là bản dịch Bible de la Liturgiedo CIFTL biên soạn (CIFTL là "Commission Internationale Francophone pour les Traductions et la Liturgie"), với tiểu tựa "Traduction officielle pour les célébrations". Ở xứ người, việc phiên dịch và phiên âm nghiêm túc như thế đó, đúng chức năng như thế đó, và nhắm những đối tượng phục vụ thật rõ ràng. Đây là một cách làm việc có tầm văn hóa và "truyền giáo" đáng cho chúng ta suy nghĩ ! Và không hề thấy có độc giả hay học giả nào bên Pháp buồn sầu kêu than rằng các Sách Thánh bằng tiếng Pháp thiếu thống nhất, phiên dịch và phiên âm lộn xộn !
Chúng tôi nhận xét rằng, trong giới khoa học các nước tân tiến, công việc càng có tính cách khoa học thì các nhóm làm việc khác nhau càng tôn trọng nhau, ở giai đoạn nghiên cứu hoặc phát minh của riêng mỗi nhóm. Sự đồng bộ không phải là một tiêu chuẩn tất yếu hay bắt buộc. Các nhóm phiên dịch khác nhau vẫn có chỗ đứng chính đáng của mình, và uy tín của mỗi nhóm là chính thành quả công việc mình làm ra để phục vụ con người.
2/ Riêng GS. Cao Xuân Hạo có bài viết về vấn đề của chúng ta, và đã được Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục mời đến góp ý trong một cuộc toạ đàm tổ chức tại Toà Tổng Giám Mục TP Hồ Chí Minh ngày 23/8/96. Có thể một số người nghĩ nên theo các chủ trương của ông, mặc dù trong các hội nghị chuyên đề về vấn đề này, quan điểm của ông đã không đạt được sự đồng tình của đa số các nhà chuyên môn (x. Tạp chí Thế giới mới, tài liệu đd). Ngay trong buổi toạ đàm, giáo sư đã trình bày quan điểm một cách rất khiêm tốn và nhìn nhận rằng việc phiên âm tên riêng trong Sách Thánh là một trường hợp đặc biệt.
Xin nêu ra yếu tố cần đề cập, trích từ bài "Về cách viết tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt" trong tài liệu Nhịp cầu tri thức số 1689/QLD ngày 8/5/99.
- Thứ nhất, giáo sư chủ trương "sao y nguyên bản", "tốt nhất là hy sinh cách đọc để ít ra cũng giữ được cách viết" và "không nên đặt ra vấn đề người bản ngữ đọc ra có dễ không, vì không ai đòi hỏi họ đọc đúng". Điểm này, thiết nghĩ chúng tôi không bàn cãi, chỉ khẳng định ngược lại thôi, vì Kinh Thánh không phải là tư liệu để in trên báo chí hay để nghiên cứu trong văn phòng -chỉ cần viết ra cho đúng với chính tả của nguyên ngữ là tốt rồi-, nhưng là lời Chúa để đọc lên trong Phụng Vụ và xưng hô khi loan báo Tin Mừng.
- Thứ hai, theo hướng "sao y nguyên bản", ông thêm : "viết tên của người ta mà sai chính tả, hay bỏ mất một phần, thì chắc chắn là vô lễ". Thoạt đọc câu này thì nghe có vẻ có giá trị văn hóa rất cao. Nhưng chỗ khác, ông cũng chấp nhận rằng tên Nga của thủ đô nước Nga cũng có thể được người Pháp viết thành ‘Moscou’, người Anh thành ‘Moscow’ và tiếng Hán-Việt thành ‘Mạc Tư Khoa’. Ông cũng cho rằng ví dụ cái tên mà người Trung Hoa chính thức phiên âm là Beijing vẫn phải được người Việt Nam phiên ra thành ‘Bắc Kinh’, Kongzi thành ‘Khổng Tử’.Vậy không hiểu, theo ông, ở điểm này, cái lễ đô văn học quốc tế nằm ở chỗ nào ? Những tháng gần đây, tên phiên âm La-tinh của tổng thống nước Nga, Putin, được báo chí Pháp viết lại thành ‘Poutine’ : những ai biết tiếng Pháp hẳn thấy rằng sửa lại như thế mới là có lễ đô với tổng thống !
Chúng tôi nêu lên các điểm trên cốt để cho thấy, cuối cùng, việc phiên âm chỉ là một phương tiện có giá trị tương đối, được sử dụng vì những đối tượng và mục tiêu nhất định nào đó, mà các sách hay bản văn nhắm tới, ở một giai đoạn nhất định nào đó. Không có gì là tuyệt đối hay có tính cách quyết định vĩnh viễn. Trong giai đoạn lịch sử hiện nay của đất nước chúng ta, chúng tôi thiết nghĩ cách phiên âm của chúng tôi thích hợp cho quảng đại quần chúng.

Từ khi Nhà Nước Việt Nam chủ trương chính sách mở cửa, sách báo nước ngoài ồ ạt tràn vào Việt Nam và được phiên dịch để làm giàu văn hoá nước nhà. Trong đó, biết bao thuật ngữ và tên riêng, "thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân", xuất hiện dưới mắt độc giả người Việt, khi dưới dạng chuyển tự, lúc được phiên âm, kiểu này hoặc kiểu khác. Cũng có những bản dịch giữ nguyên chính tả của những thuật ngữ hay tên riêng ấy. Trong trường hợp này, những độc giả chịu khó hoặc có học thì có thể viết lại được, nhưng nếu phải kể ra hay đọc lên thì không khỏi lúng túng, nhất là nhiều khi không biết nguyên tác thuộc ngữ nào. Còn các độc giả hoàn toàn không biết ngoại ngữ thì chắc chắn khó lòng kể lại hoặc đọc lên một cách tự tin được.
Những năm gần đây, Sách Thánh cũng có mặt trong số những sách tiếng nước ngoài được dịch và in ra với số lượng lớn. Người dân trong nước tìm đọc cũng không phải là ít. Chúng tôi đã cố gắng nghiên cứu và áp dụng một hệ thống tương đối dung dị nhằm vào hai giá trị : vừa bảo tồn ngữ âm gốc Híp-ri và Hy-lạp trong mức độ hiểu biết hiện nay về hai ngữ ấy, vừa dùng lối viết của chữ quốc ngữ mà phiên âm. Mong đây cũng là một cách giữ gìn bản sắc dân tộc trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay.
Sau hết nhưng trọng yếu hơn hết, chúng tôi không mong ước gì hơn là cống hiến một bản dịch góp phần tích cực vào việc phát huy chức năng hết sức đặc thù của Sách Thánh : đó là được mọi người có đức tin đem công bố và loan đi khắp mọi nơi, đến tận hang cùng ngõ hẻm các thành phố, ngay tại những vùng quê nghèo và xa xôi nhất của đất nước còn rất nghèo của chúng ta.

Ngày lễ thánh Giê-rô-ni-mô, 30-09-2000


Trở về Trang Phụng Vụ
Trở Về Trang Nhà