THÁNH NHẠC LÀ GÌ?

Rev. Richard J. Shuler (* )
Sacred Music, Fall 1991


Câu hỏi "Thánh Nhạc là gì?" nếu được đặt ra cho một người giáo dân bình thường thì câu trả lời chắc hẳn sẽ là "Thánh Nhạc là những bài thánh ca". Qua kinh nghiệm sống thực của hầu hết các tín hữu ngày nay thì đó là phạm vi kiến thức của họ về Thánh Nhạc. Ngày Chúa Nhật, họ hát bốn bản thánh ca trong Thánh Lễ. Trong hầu hết các giáo xứ, có gì khác nữa không?

Ðối với những người tham dự các buổi hòa nhạc giao hưởng, và những người thích nhạc thu thanh thường có khả năng phát triển kiến thức và khả năng thưởng thức về kho tàng rộng lớn của thánh nhạc được kế thừa qua nhiều thế kỷ và là kho tàng đích thực về mỹ thuật, vì rất nhiều trong số các tác phẩm này, nguyên thủy được viết cho Giáo Hội, đã trở thành những diễn mục khuôn mẫu trong hầu hết các buổi hòa nhạc, kịch nghệ và các thư mục thu thanh. Một vài ca đoàn đã hát một bài hoặc một đoản khúc thời danh nào đó của loại nhạc tôn giáo này trong các ban nhạc giao hưởng (nhỏ) của các trường đại học hoặc ngay cả một vài nhóm trong các trường trung học cũng đã biểu diễn một vài đoản khúc chọn lọc.

Công Ðồng Vaticanô II đã truyền dạy cách rõ ràng việc bảo tồn và phát huy kho tàng âm nhạc vĩ đại của Giáo Hội, khởi đi từ bình ca Gregorian tới những sáng tác hiện đại. Việc này phải được thực hiện thích nghi với các nghi thức phụng tự chứ không chỉ theo hình thức của các buổi hòa nhạc. Qua nhiều thế kỷ, hầu hết những tác phẩm trong kho tàng bao la này đã được các nhạc công, các ca đoàn chuyên nghiệp trình tấu. Ðó là nghệ thuật đòi hỏi những khả năng chuyên môn, các nhạc sĩ chuyên nghiệp biểu diễn. Ðó là một cao điểm với các nỗ lực có tính cách nghệ thuật của nhân loại xứng đáng với Thiên Chúa và việc thờ phượng Ngài.

Thực vậy, Công Ðồng Vatican II đã dạy rằng cộng đoàn cùng hát trong mọi phần của phụng vụ. Ðể được vậy thì cần phải có nỗ lực của mọi người. Lời dạy này không có gì trái ngược với những sắc lệnh của các nghị phụ đã đòi hỏi phải phát triển nhạc thánh ca hợp xướłng. Vì đã là cùng một thân thể thì tự nó không có gì trái nghịch với nhau. Cả hai việc ca hát của ca đoàn và ca hát của cộng đoàn phải được sắp xếp thích hợp trong các lễ nghi trang trọng. Ðây là một tinh thần mới lạ (có lẽ là 'tinh thần Vaticanô II' chăng?) đã dẫn tới việc giải tán các ca đoàn, loại bỏ các loại nhạc đối âm, đặc biệt bằng tiếng Latinh. Ðể bênh vực cho lập luận này, một vài vị (chẳng hạn Linh mục Frederick McManus) đã tuyên bố rằng kho tàng nhạc đạo phải được bồi dưỡng trong các buổi 'hòa nhạc'. Một vài vị khác (chẳng hạn Linh mục Joseph Gelineau) lại cho rằng nhạc hợp xướng đối âm không có chủ ý sử dụng trong phụng vụ, ngay cả việc coi là nhạc đạo nhưng chỉ có ý phô diễn mức toàn hảo có thể đạt được và thích hợp cho các buổi trình diễn hòa nhạc. Như vậy bài thánh ca thay thế việc phổ nhạc cho các văn bản trong thánh lễ, cộng đoàn thay ca đoàn, tiếng địa phương dùng thay tiếng Latinh, đàn guitar và piano phải nhường chỗ cho đàn organ và dàn nhạc. Những gì trong kho tàng thánh nhạc sẽ còn lại để sử dụng cho những nghi thức phụng vụ của giáo xứ? Chẳng lẽ chỉ có bốn bài thánh ca?

Ðáng buồn thay! Ðó chính là tình trạng hiện tại của nhạc đạo, nghiên cứu và trình diễn, không chỉ nơi các giáo xứ, nhưng còn nơi các trường học, nhất là những trường đào tạo các linh mục tương lai. Nói cách khác, sự vi phạm trực tiếp vào các nghị định về thánh nhạc là do chính các vị thẩm quyền nơi chủng viện, hoặc vô tình hay hữu ý, đã tước đoạt quyền thừa kế chính đáng của các Kitô Hữu và các linh mục tương lai.

Có người sẽ hỏi "tại sao?". Câu trả lời đầu tiên và độ lượng nhất sẽ luôn là câu trả lời rằng những người đang thi hành các sắc lệnh của các Nghị Phụ ở đất nước này (Hoa Kỳ) là những người thiếu kiến thức về kho tàng Thánh Nhạc. Ðây là một sự kết án nặng nề nhất cho các nhà mô phạm chuyên nghiệp. Trước khi Công Ðồng có chương trình đầy đủ về âm nhạc để nghiên cứu và trình diễn, chúng ta không đặt thành vấn đề khi nhiều chủng viện đang hoạt động đã phải đương đầu với các giáo sư thiếu khả năng, nhưng ít nhất có những tiêu chuẩn được thừa nhận mặc dầu nỗ lực để thực hiện chúng không đầy đủ.

Nhưng một lý do khác trong việc công kích thánh nhạc như chúng ta đã biết từ 1500 năm nay là những nhóm có lập trường chống đối Roma đòi phải loại bỏ những nghi thức phụng vụ cổ điển của Roma và tất cả những gì Giáo Hội truyền dạy và đặc biệt là những gì được chuyển đạt qua trung gian thánh nhạc. Phụng vụ là thầy dạy vĩ đại nhất của đức tin. Những ai mong ước thay đổi niềm tìn hiểu theo nghĩa thay đổi phụng vụ (và thánh nhạc) sẽ dễ dàng rơi vào hậu quả "thệ phản hóa" đối với Giáo Hội. Nếu ta thừa nhận rằng kết quả của việc cải cách phụng vụ trong 25 năm qua ở đất nước này có thể đưa tới sự thiếu hiểu biết của những người đã đặt ra những nguyên tắc sau công đồng thì không thể phủ nhận rằng trong tiến trình đó sự chống đối thánh nhạc đã có mức độ.

Sự công kích trên chữ "thánh" đã trực tiếp nhằm vào thánh nhạc. Có nhiều người đã phủ nhận bất cứ điều gì có thể được gọi là thánh, mặc dù những danh từ mở đầu trong chỉ thị năm 1967, "Thánh Nhạc" (Musicam Sacram). Chúng ta đã trở thành thân quen với những cung điệu trần tục, những nhạc cụ trần tục (piano, guitar, trống), những cách thế trình diễn kiểu trần tục đã được dùng như một loại âm nhạc "tả pí lù" (combos) với cách thức trình diễn solo và nhảy nhót; tất cả những lối trình diễn này đã được lôi cả vào phụng vụ, chẳng những nó không nâng cao sự thiêng thánh của phụng vụ mà còn hủy diệt đi phẩm chất thiêng thánh mà chỉ có nghệ thuật thánh mới có thể góp phần vào hành vi phụng tự.

Câu hỏi chính yếu "điều gì đã làm âm nhạc nên thánh?" đã được trả lời nhiều lần trong các tập san này (Vol. 107, No.3 (Fall 1980); Vol. 112, No. 2 (Summer 1985)). Mùa Hè năm trước (1990) trong buổi hội nghị chuyên đề tại đại học đường Christendom chúng tôi đã thẳng thắn trực diện với rất nhiều vần đề căn bản về nhạc đạo, nhưng chính những vấn đề căn bản ấy đã đem lại câu hỏi chủ yếu khác "điều gì đã làm cho âm nhạc thành một nghệ thuật?" câu hỏi này lại liên hệ tới một lãnh vực rộng lớn về giáo dục và huấn luyện âm nhạc mà chỉ những nhạc sĩ đã được huấn luyện chuyên nghiệp mới có thể trả lời cho thỏa đáng. Nhưng cũng đã có nhiều nhà cải cách vì thiếu kiến thức hoặc kinh nghiệm đã sai lầm trong lãnh vực này. Việc này dẫn tới cả một thế hệ những người soạn nhạc thiếu huấn luyện (hoặc chẳng bao giờ được huấn luyện) xuất hiện. Họ đã viết lời và đặt nhạc mà các nhà xuất bản đã "lăng xê" như là Thánh nhạc, mặc dù nhạc của họ thậm chí thiếu cả hai tiêu chuẩn: Thánh và nghệ thuật! Nhưng họ đã hái ra tiền! Một số "tác phẩm" của họ đã được "trân trọng đón nhận" như thánh ca trong lễ Chúa Nhật tại một vài giáo xứ và thường xuyên hơn trong nhiều chủng viện.

Ðể trả lời cho câu hỏi "điều gì đã làm âm nhạc nên thánh?", chúng ta phải trả lời rằng đó là một kho tàng vĩ đại về âm nhạc, qua nhiều thời đại được các nhà soạn nhạc thời danh viết cho việc sử dụng trong phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo Roma, khởi đầu là các thể điệu bình ca Grégorian và tiếp tục qua thể điệu đối âm thời Trung Cổ và Phục Hưng sau đó là thể nhạc phổ giao hưởng của ba thế kỷ trước và rồi bước vào thời đại chúng ta. Nó có vẻ đơn giản trong việc hát cộng đoàn và công phu hơn trong việc hát ca đoàn. Ðức Thánh Cha Piô XII trong Tông Huấn "Những Kỷ Luật Về Thánh Nhạc" (Musicae Sacrae Disciplina) đã kết luận tuyệt hay về vai trò của Thánh Nhạc như sau:

" Như thế, trong sự cấp bách và với trách nhiệm của Giáo Hội, thánh nhạc, qua tiến trình nhiều thế kỷ, đã vượt qua chặng đường dài, dù đôi lúc chậm chạp và cố gắng, cuối cùng cũng đã đạt tới cao điểm: Từ những thể điệu đơn giản và tự nhiên nhưng rất hoàn hảo Grégorian, tới vĩ đại và ngay cả những tác phẩm nghệ thuật hoành tráng trong đó không chỉ là giọng hát mà còn với tiếng đàn phong cầm và những nhạc cụ khác phụ họa, tô điểm và khuếch đại đến vô tận. Nếu việc tiến triển nơi nghệ thuật âm nhạc đã cho thấy một cách rõ ràng tấm lòng của Giáo Hội tha thiết với vấn đề làm sao để việc tôn thờ thần linh nên ngời sáng và thu hút người Kitô hữu hơn, thì đó cũng thật sự là lý do tại sao Giáo Hội phải đặt ra việc kiểm soát, để những mục đích xứng hợp của nó khỏi đi quá trớn, và yếu tố trần tục xa lạ với việc tôn thờ thần linh không lọt được vào thánh nhạc làm nó bị hư hoại theo đà tiến triển của nó."

Nếu là như vậy thì chúng ta cần phải thực hành những gì Ðức Thánh Cha Piô XII kêu gọi và những gì các nghị phụ của Công Ðồng Vaticanô II đã nghị quyết bằng cách đặt căn bản trên các tài liệu của các ngài trong Tông Huấn Mùa Giáng Sinh 1955.

Thanh Thanh chuyển ngữ

(*) Linh Mục Richard Schuler là cây viết thường xuyên của tập san Sacred Music. Ngài là cha xứ xủa Giáo xứ St. Agnes ở St. Paul, Minnesota, và là thành viên trong Board of Directors của Church Music Association of America.


Trở về Trang Phụng Vụ
Trở Về Trang Nhà