SỰ PHỔ HIỆN CỦA ĐỨC KITÔ

TRONG THỜI GIAN

Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay,

và như vậy mãi đến muôn đời

(Hr 13,8)

 

1. Đức Giêsu Kitô và thời gian

Trong bài này, chúng ta suy niệm về chỗ đứng của Đức Kitô trong lịch sử nhân loại, về sự hiện diện của Ngài trong thời gian.

Tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô trong Lễ Đêm Giáng Sinh, phụng vụ sau Công đồng đã hát lại bài thánh ca xưa “Kalenda”, trích trong Tử đạo lục Rôma. Trong bài này, ngày đản sinh của Chúa ở vào cuối một loạt các sự kiện xác định ngày đó qua dòng thời gian. Sau đây là một số câu:

Từ bao nhiêu thế kỷ sau công cuộc tạo dựng thế giới;

Thế kỷ 13 lúc dân Chúa được Môsê đưa ra khỏi Ai cập;

Khoảng 1000 năm sau khi Đavít được phong vương;

Năm thứ 752 thiết lập thành phố Rôma;

Năm thứ 42 đế quốc của Hoàng đế Cêsarê Augustô;

Khi tất cả vũ trụ đang bình an, Thiên Chúa vĩnh cửu và Con Cha vĩnh cửu, vì muốn thánh hóa thế gian bằng việc thân hành thương xót mà đến, đã vào thai bởi phép Chúa Thánh Thần, và sau chín tháng, đã sinh ra làm người tại Belem xứ Giuđa, từ lòng Đức Trinh Nữ Maria.

Cách tính tương đối như vậy về thời gian, bắt đầu từ lúc khởi nguyên và dựa theo các biến cố khác nhau, đã thay đổi hẳn khi Đức Kitô xuất hiện, ngay cả khi cách tính ấy không được thực hiện ngay, cũng không phải tất cả thực hiện đồng bộ. Oscar Cullmann, trong cuốn sách "Đưc Kitô và thời gian" nổi tiếng của mình, đã giải thích rõ sự thay đổi này trong cách con người tính thời gian là dựa vào đâu. Chúng ta không bắt đầu từ một khởi điểm (sự tạo dựng thế giới, cuộc Xuất hành, sự thiết lập thành Rôma, vv.), rồi đếm tới một tương lai vô hạn định. Nhưng kể từ đây, chúng ta bắt đầu từ một điểm trung tâm, tức ngày đản sinh của Đức Kitô, và tính thời gian trước đó giảm dần tới ngày Chúa giáng sinh : năm thế kỷ, bốn thế kỷ, một thế kỷ trước Đức Kitô ..., và tăng dần tiếp sau ngày đó : một thế kỷ, hai thế kỷ, 2000 năm sau Đức Kitô.

Như đã nói, cách tính này đã không được áp đặt ngay, cũng không theo cùng một cách. Theo Đionysiô Trẻ, vào năm 525, chúng ta bắt đầu tính năm từ ngày Đức Kitô sinh ra, thay vì từ ngày thành lập Rôma ; chỉ từ thế kỷ XVII (dường như với nhà thần học Pêtaviô) người ta bắt đầu tính thời gian cả trước Đức Kitô, cho những năm trước khi Đức Kitô xuất hiện. Như vậy, người ta đi đến chỗ sử dụng chung các công thức: ante Christum natum (viết tắt là BC, Before Christ) và post Christum natum (viết tắt là AD, Anno Domini); trước Đức Giêsu Kitô, sau Đức Giêsu Kitô.

Cách đây ít lâu, có một thói quen ngày một lan rộng, đặc biệt trong thế giới Anglo-Saxon và trong các mối quan hệ quốc tế, đó là tránh cách nói có thể xúc phạm đến sự nhạy cảm của những người thuộc các tôn giáo khác hoặc không theo một tôn giáo nào. Thay vì nói "kỷ nguyên Kitô giáo" hoặc "năm của Chúa", người ta thích nói "công nguyên". "Trước Đức Giêsu Kitô" (BC) được thay thế bằng "trước công nguyên" (Before Common Era) và "sau Đức Giêsu Kitô" bằng "công nguyên" (Common Era). Sự thay đổi này chỉ là về từ, nhưng không phải về bản chất ; cách tính năm và thời gian vẫn giống như trước.

Oscar Cullmann cho biết niên đại mới, được Kitô giáo du nhập, hệ tại ở chỗ nào. Thời gian không tiến theo những chu kỳ được lặp lại, theo sự suy nghĩ của các triết gia Hy Lạp hay của Nietzsche trong số các triết gia hiện đại, nhưng tiến theo một đường thẳng. Nó bắt đầu từ một điểm không xác định (và trên thực tế không thể xác định) là sự sáng tạo thế giới, đến một điểm cũng không xác định và không thể đoán trước là parousie (ngày quang lâm). Đức Giêsu Kitô là trung tâm mà mọi sự trước Ngài đều hướng về Ngài và mọi sự sau Ngài tùy thuộc vào Ngài. Bằng cách tự coi mình là "Alpha và Omega" của lịch sử (Kh 21,6), Đấng Phục Sinh không chỉ bảo đảm rằng Ngài liên kết nơi mình sự khởi đầu với sự kết thúc, nhưng chính Ngài còn là sự khởi đầu không xác định này và sự kết thúc không thể đoán trước này, Ngài là tác giả của sáng tạo và hoàn tất.

Quan điểm của Oscar Cullmann gặp phải phản ứng thù nghịch mạnh mẽ từ các đại diện của thần học biện chứng, đang có ảnh hưởng thời bấy giờ, như Barth, Bultmann, và những người theo họ. Quan điểm này có xu hướng phi sử hóa (déhistoriciser) việc khởi giảng, coi nó chỉ như một “lời mời gọi hiện sinh đi đến quyết định". Do đó, nó không quan tâm tới "Đức Giêsu của lịch sử" để ủng hộ cho cái được gọi là "Đức Kitô của lòng tin". Nhưng sự quan tâm về "lịch sử cứu độ" trong thần học sau Công đồng, và sự bùng phát về Đức Giêsu của lịch sử trong khoa chú giải (cái gọi là "nghiên cứu mới có tính chất lịch sử về Đức Giêsu"), đã xác nhận trực giác của Cullmann là đúng.

Một cuộc chinh phục của thần học biện chứng vẫn còn nguyên vẹn : Thiên Chúa hoàn toàn khác so với thế giới, lịch sử và thời gian : giữa hai thực tại có một "sự khác biệt vô hạn và không thể giản lược về phẩm chất". Tuy nhiên, khi nói về Đức Kitô, thì ngoài quả quyết về sự khác biệt vô hạn, chúng ta còn phải quả quyết một sự giống nhau cũng “vô hạn”. Đây là cốt lõi định nghĩa của Calcêđonia, trong đó có hai trạng từ "inconfuse, indivise", không lẫn lộn, không phân chia. Về Đức Kitô, chúng ta phải nói là Ngài "ở trong thế gian" nhưng không “thuộc về thế gian"; Ngài ở trong lịch sử và thời gian, nhưng vượt quá lịch sử và thời gian.

2. Đức Kitô : hình bóng, biến cố và bí tích

Giờ chúng ta hãy tìm một nội dung chính xác hơn cho việc khẳng định sự phổ hiện (omniprésence) của Đức Kitô trong lịch sử và trong thời gian. Đây không phải là một sự hiện diện trừu tượng và đồng nhất. Nó được thực hiện cách khác nhau theo các giai đoạn khác nhau của lịch sử cứu độ. "Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời" (Hr 13,8), nhưng Ngài không như vậy theo cùng một cách. Ngài hiện diện trong Cựu ước như hình bóng, hiện diện trong Tân ước như biến cố, và hiện diện trong thời kỳ Giáo Hội như bí tích. Hình bóng loan báo, đi trước và chuẩn bị cho biến cố, trong khi bí tích cử hành nó, làm cho nó hiện diện, hiên tại hóa nó, và theo một nghĩa nào đó, kéo dài nó. Về điểm này, phụng vụ làm cho chúng ta ca lên ngày Chúa Giáng sinh: "Hôm nay Đức Kitô đã sinh ra, hôm nay Đấng Cứu Thế đã xuất hiện".

Thánh Phaolô không ngừng nói rằng trong Cựu Ước mọi biến cố và nhân vật đều tham chiếu Đức Kitô ; mọi sự đều là một "kiểu mẫu", một lời tiên tri, hoặc một "ngụ ngôn" về Ngài. Nhưng sự xác tín ngược lên tới Đức Giêsu của Phúc âm, Đấng đã áp dụng cho mình rất nhiều lời nói và sự kiện của Cựu ước. Theo Lu-ca, Đấng Phục Sinh đi đường với hai môn đệ đến Emmau, "đã giải thích cho họ, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các tiên tri, những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh" (Lc 24,27). Truyền thống Kitô giáo đã tìm ra các công thức ngắn để diễn tả chân lý đức tin này, chẳng hạn nói rằng Lề luật "chứa đầy" Đức Kitô ; phụng vụ của Giáo Hội thực tế sống niềm xác tín này và đọc mọi trang sách của Cựu ước trong tương quan với Đức Kitô.

Nói rằng, Đức Kitô hiện diện trong Tân Ước như là "biến cố" có nghĩa là khẳng định tính chất độc nhất của các biến cố lịch sử liên quan đến con người của Đức Giêsu và đặc biệt là mầu nhiệm vượt qua về sự chết và sự phục sinh của Ngài. Biến cố này được thực hiện semel, "chỉ một lần" (Hr 9,26-28) và như vậy không xảy ra nữa, vì bị hạn định trong không gian và thời gian.

Cuối cùng, nói rằng Đức Kitô hiện diện trong Giáo Hội như "bí tích" có nghĩa là quả quyết rằng sự cứu rỗi Ngài thực hiện hoạt động trong lịch sử qua các dấu chỉ Ngài đã thiết lập. Ở đây từ "bí tích" phải được hiểu theo nghĩa khá rộng, bao gồm bảy bí tích, nhưng cũng được hiểu là Lời của Thiên Chúa, và thậm chí toàn thể Giáo Hội như là "bí tích phổ quát của ơn cứu độ". Nhờ các bí tích, từ semel trở thành quotiescumque (mỗi lần), "chỉ một lần", trở thành "mỗi lần", như lời của Phaolô nhân nói về Bữa Tối của Chúa: "Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết"(1Cr 11,26).

Khi nói về sự hiện diện của Đức Kitô trong lịch sử cứu độ như hình bóng, như sự kiện hay như bí tích, chúng ta phải tránh phạm sai lầm của Gioakim Florê (hoặc do người ta gán cho ông ta) là chia toàn bộ lịch sử nhân loại thành ba thời kỳ: thời của Chúa Cha tức Cựu ước, thời của Chúa Con tức Tân ước và thời của Chúa Thánh Thần, tức là thời của Giáo hội. Điều này ngược lại không chỉ học thuyết về Ba Ngôi (Ba Ngôi luôn hành động chung với nhau trong các công việc ad extra), mà cả học thuyết về Kitô học. Biến cố Đức Giêsu Kitô không phải là một trong ba thời điểm hay ba giai đoạn của lịch sử, nhưng là trung tâm của lịch sử, mà thời gian trước Ngài hướng về đó và chính nó mang lại ý nghĩa cho thời gian sau Ngài. Đó là yếu tố bản lề nối kết và phân biệt hai thời gian đó. Đó là chân lý được tuyên bố theo niên đại mới phân chia thời gian thành một kỷ nguyên "trước Đức Giêsu Kitô" và một kỷ nguyên "sau Đức Giêsu Kitô"

3. Cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc sống

Bây giờ, như thông lệ, chúng ta hãy đi từ đại vũ trụ sang tiểu vũ trụ, từ lịch sử phổ quát sang lịch sử cá nhân, nghĩa là từ thần học sang đời sống. Trong cách phổ biến xác định thời điểm xẩy ra các biến cố, Đức Giêsu Kitô được coi như trục, yếu tố bản lề của thời gian, trung tâm của lịch sử, thì điều đó không phải là lý do để người Kitô hữu có tâm trạng tự hào và đắc thắng, nhưng là dịp để  nghiêm túc xét mình. Câu hỏi đầu tiên đơn giản là: Có phải Đức Kitô cũng là trung tâm của đời sống tôi, của lịch sử cá nhân nhỏ bé của tôi và thời gian của tôi? Liệu Ngài có một chỗ đứng trung tâm trên lý thuyết hay cả trên thực tế? Đó có phải là một chân lý được sống hay chỉ là suy nghĩ?

Trong cuộc đời của phần đông, có một biến cố chia cuộc sống thành hai, tạo ra một phần trước và một phần sau. Đối với những người đã lập gia đình, nói chung, đó là hôn nhân. Vợ chồng thường chia cuộc sống của họ theo cách: "trước khi kết hôn" và "sau khi kết hôn"; đối với các linh mục, đó là lúc truyền chức : trước khi chịu chức, sau khi chịu chức; đối với các tu sĩ,  đó là lúc khấn dòng.

Thánh Phaolô cũng chia cuộc đời mình thành hai phần, nhưng bước ngoặt không phải là hôn nhân hay truyền chức. Ngài viết cho tín hữu Philipphê: "Tôi đã ..., tôi đã ...", tiếp theo là một danh sách đầy đủ các tước hiệu và bảo đảm sự thánh thiện (cắt bì, người Do thái, giữ luật, vô phương trách cứ) ; nhưng đột nhiên tất cả điều này, thay vì là một mối lợi, lại là một thiệt thòi cho ngài, một cái gì đó đáng ném vào thùng rác. Tại sao? Vì mối lợi tuyệt vời của ngài là “được biết Đức Kitô, Chúa của tôi" (Ph 3,5 tt). Cuộc gặp gỡ Đức Giêsu Kitô đã tạo ra trong cuộc đời vị tông đồ một phần "trước Đức Giêsu Kitô" và phần sau "Đức Giêsu Kitô" của cá nhân ngài.

Đối với chúng ta, bước ngoặt này khó xác định hơn ; mọi thứ đều trôi đi trong thời gian và nhịp nhàng theo những mốc : rửa tội, thêm sức, hôn nhân, truyền chức, khấn dòng. Làm thế nào chúng ta có thể cũng trải nghiệm được điều gì đó giống như thánh Phaolô và vô số người khác đã trải nghiệm?

May mắn cho chúng ta, một biến cố thuộc loại này không phải là kết quả độc quyền của các bí tích. Cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô là một biến cố có thể xẩy ra ở bất kỳ thời điểm nào của cuộc sống. Về vấn đề này, tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin mừng) viết:

"Tôi mời gọi mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng rađể cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình. Tôi xin anh chị em làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì "không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến" (số 3).

Trong một bài giảng Phục sinh vô danh ở thế kỷ IV, chính xác là năm 387, Đức Giám mục đã đưa ra một quả quyết hiện đại đến ngạc nhiên, có tính cách hiện sinh ante litteram (trước khi có chữ này). Ngài nói:

"Đối với mỗi người, lúc khởi đầu cuộc đời là lúc mà kể từ đó Chúa Kitô đã chịu sát tế cho anh ta. Nhưng Chúa Kitô đã chịu sát tế cho anh ta lúc mà anh ta nhận ra ân sủng và ý thức về sự sống mà cuộc sát tế này đã ban cho anh ta ".

Gần ngày lễ Giáng sinh, chúng ta có thể áp dụng cho sự đản sinh của Đức Kitô điều mà tác giả nói về cái chết của Ngài. "Đối với mỗi người, lúc khởi đầu cuộc đời là lúc mà kể từ đó Đức Kitô đã sinh ra cho anh ta. Nhưng Đức Kitô đã sinh ra cho anh ta lúc mà anh ta nhận ra ân sủng và ý thức về sự sống mà việc đản sinh này đã ban cho anh ta."

Ý tưởng này đã ảnh hưởng, có thể nói, đến tất cả lịch sử linh đạo Kitô giáo, đầu tiên là Origen, sau đó là thánh Augustinô, thánh Bênađô, Luthêrô và những người khác: "Đức Kitô được Đức Maria sinh ra ở Belem có ích gì cho tôi, nếu Ngài không được sinh ra bởi đức tin trong linh hồn tôi" (Origen). Theo nghĩa này, mọi lễ Giáng sinh đều có thể là lễ Giáng sinh thực sự đầu tiên trong cuộc đời chúng ta.

Một triết gia vô thần đã mô tả trong một trang sách nổi tiếng vào lúc mà một ai đó khám phá ra hiện hữu của sự vật ; tức là thấy rằng sự vật tồn tại trong thực tế chứ không chỉ trong tư tưởng. Ông viết:

"Tôi vừa ở trong công viên. Rễ của cây dẻ ăn sâu xuống đất, ngay dưới ghế tôi ngồi. Tôi không nhớ đó là một cái rễ nữa. Những chữ đã biến mất, và cùng với chúng là ý nghĩa các vật, những cách sử dụng chúng, những ký hiệu mờ nhạt mà người ta đã vạch trên bề mặt của chúng [...]. Và rồi tôi được soi sáng. Điều đó làm tôi hồi hộp. Trước những ngày cuối cùng này, tôi đã không bao giờ cảm nhận được điều chữ “tồn tại” muốn nói. Tôi giống như những người khác, giống như những người đi dạo trên bờ biển bằng trang phục mùa xuân của họ. Cũng như họ, tôi nói "biển thì xanh;  điểm trắng trên kia là một con mòng biển", nhưng tôi không cảm thấy nó tồn tại, rằng con mòng biển là một "con mòng biển hiện có"; bình thường, sự tồn tại bị che giấu. Nó ở đó, xung quanh ta, trong chúng ta, nó là chúng ta, người ta không thể nói hai chữ mà không nói về nó và, cuối cùng, người ta không chạm vào nó [...] Và kìa : bất chợt, chính nó đó, rõ như ban ngày: sự tồn tại đột nhiên lộ ra".

Điều tương tự xảy ra khi một người đã đọc tên Giêsu không biết bao nhiêu lần, biết hầu như mọi sự về Ngài, đã cử hành vô số Thánh lễ, một ngày kia thấy rằng Đức Giêsu không chỉ là một tưởng niệm quá khứ, trong phụng vụ và bí tích, Ngài không phải là một toàn bộ giáo lý, tín điều, một đối tượng nghiên cứu ; tóm lại không phải là một nhân vật, nhưng là một con người đang sống và hiện hữu, ngay cả khi mắt ta không trông thấy. Chính Đức Kitô sinh ra trong người ấy; một bước nhảy vọt về chất lượng diễn ra trong mối quan hệ của người đó với Ngài.

Đây là điều mà những người trở lại vĩ đại đã trải nghiệm, lúc mà, qua một cuộc gặp gỡ, một lời nói, một sự soi sáng từ trên, một ánh sáng tuyệt vời đã được thắp lên trong họ, họ quá ngạc nhiên mà kêu lên: "Có Thiên Chúa đây này! Tất cả đều đúng! " Đó là điều đã xảy ra chẳng hạn với Paul Claudel : lễ Giáng sinh năm 1886, ông tò mò bước vào nhà thờ Đức Bà Paris và khi nghe bài Magnificat, ông có “cảm giác não lòng về thời thơ ấu vĩnh cửu của Thiên Chúa" và ông kêu lên: "Vâng, đúng vậy, có Thiên Chúa, Ngài ở đó. Chính là một ai đó, một cá nhân như tôi! Ngài yêu tôi, mời gọi tôi". Sau này ông viết: "Ngay lập tức trái tim tôi rung động và tôi đã trở thành một tín hữu."

Nhưng chúng ta không dừng lại đó. Đức Giêsu Kitô, như chúng ta đã thấy, không chỉ là trung tâm của lịch sử nhân loại.  Sự xuất hiện của Ngài đã tạo ra một thời gian đi trước và một thời gian đến sau ; Ngài cũng là Đấng luôn lấp đầy mỗi khoảnh khắc của thời gian này ; Ngài là "viên mãn", Pleroma (Col 1:19), theo nghĩa Ngài cũng làm trọn lịch sử cứu độ; đầu tiên như hình bóng, tiếp đến như biến cố và cuối cùng như bí tích.

Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với từng người ? Có nghĩa là Đức Giêsu Kitô cũng phải lấp đầy thời gian của tôi. "Hãy lấp đầy nhiều khoảnh khắc nhất có thể trong cuộc đời tôi bằng Đức Kitô" : chương trình này không phải là không thể. Trong thực tế, không phải lúc nào cũng nghĩ đến Đức Giêsu, mà là "nhận biết" sự hiện diện của Ngài, phó thác cho ý muốn của Ngài, và mau mắn nói với Ngài "Con yêu Chúa”, mỗi khi có cơ hội (hoặc đúng hơn có hứng!) trở về với nội tâm.

Công nghệ hiện đại cung cấp cho chúng ta một hình ảnh có thể giúp chúng ta hiểu điều ấy : kết nối với internet. Để đi du lịch và vắng nhà lâu, bản thân tôi có kinh nghiệm tìm kiếm lâu như thế nào, trước khi có thể kết nối, có dây hoặc không dây.  Đột nhiên, chính lúc tôi sắp bỏ cuộc thì hình ảnh của Google xuất hiện trên màn hình giúp tôi. Nếu trước đây tôi cảm thấy bị cắt đứt khỏi thế giới, không thể nhận thư, tìm kiếm thông tin, liên lạc với những người trong cộng đồng, bây giờ cả thế giới đang mở ra trước mắt tôi. Tôi đã kết nối.

Nhưng sự kết nối này có là gì so với sự kết nối của người “kết nối” mình với lòng tin vào Chúa Giêsu Phục sinh đang sống ? Trong trường hợp trước, bạn chỉ thấy  thế giới đáng thương và bi đát của con người ; còn ở đây thế giới của Thiên Chúa mở ra trước mắt bạn, vì Đức Kitô là cửa, là đường đưa đến Ba Ngôi và vô biên.

Sự suy nghĩ của chúng ta về "Đức Kitô và thời gian" có thể chữa lành bên trong, một sự chữa lành quan trọng cho phần lớn chúng ta : chữa lành sự hối tiếc về "tuổi trẻ hạnh phúc", giải phóng cái não trạng thâm căn cố đế này là chỉ nhìn tuổi già như một thất bại và bệnh tật, chứ không phải cũng là một ân huệ. Trước Thiên Chúa, thời gian tốt nhất của cuộc sống không phải là thời gian dồi dào nhất về khả thể và hoạt động, nhưng là thời gian dồi dào nhất về Đức Kitô, vì đó là thời gian được ghi khắc trong vĩnh cửu.

Năm 1308, vào dịp Giáng sinh, thánh Angela Folignô, nhà thần bí vĩ đại, đã qua đời. Trên giường bệnh, bà đã nói với những người con tinh thần đang vây quanh: "Ngôi Lời đã trở nên người phàm!". Một lúc lâu sau, như từ một thế giới khác trở về, bà nói thêm: "Ôi! Mọi thụ tạo đều thất bại ; trí thông minh của các thiên thần là không đủ!". Họ hỏi bà: "Mọi thụ tạo thất bại ở điều gì? Trí thông minh của các thiên thần không đủ cho điều gì?". Bà trả lời, "Để hiểu!". Bà nói đúng. Mầu nhiệm này lớn lao quá nên không thể hiểu nổi.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta được ơn đón nhận, với niềm vui và sự kinh ngạc, Ngôi Lời đang đến ở giữa chúng ta.

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ hai Mùa Vọng, 2017, tại Phủ Giáo hoàng)

Micae Trần Đình Quảng

 

 

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều