LỊCH SỬ TÍN ĐIỀU CHÚA KITÔ

 

ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc

 

 

I. CÁC LẠC GIÁO KITÔ-HỌC NHỮNG THẾ KỶ ĐẦU.

 

A. PHÁI EBIONITES.

 

Phái Ebionites (những người nghèo) là một nhóm kitô-hữu gốc Dothái, sống theo Lề Luật Dothái-giáo. Họ biết Tin Mừng Matthêu, không biết các Tin Mừng khác và cũng không nhìn nhận các thư Phaolô. Họ coi Đức Giêsu chỉ là một con người có những quyền năng đặc biệt của ngôn sứ. Họ không chấp nhận Đức Kitô tiền hữu là Con Thiên Chúa theo nghĩa đen. Họ chia làm hai nhóm : một nhóm coi Đức Giêsu là con ông Giuse đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Kitô. Đức Giêsu đã sống một cuộc đời công chính, thánh thiện trong thời gian 30 năm cho tới khi được Gioan Tẩy Giả ban phép rửa. Bấy giờ Đức Giêsu lãnh nhận tràn đầy Thánh Thần và trở thành Đức Kitô. Ngài rao giảng sự công chính đích thực của Lề Luật. Nhóm thứ hai coi Đức Giêsu là con của Trinh Nữ Maria, công nhận Ngài sinh ra bởi quyền năng Thánh Thần, nhưng không chấp nhận sự tiền hữu của Ngài như là Ngôi Lời và Khôn Ngoan của  Chúa Cha. Đức Giêsu chỉ là một con người trở nên Đấng Kitô khi chịu phép rửa, giống như những nhân vật được xức dầu trong Cựu Ước.

 

B. DƯỠNG TỬ THUYẾT.

 

Dưỡng-tử-thuyết (Adoptianisme) cũng chối thần tính của Đức Giêsu. Nhiều người theo thuyết này cho rằng Thiên Chúa Duy Nhất không có con. Thiên Chúa có thể chọn làm con bất cứ thụ tạo nào. Hình thái cổ xưa nhất của thuyết này cho rằng Thiên Chúa đã chọn một thiên thần làm dưỡng tử. Theo họ, Đức Giêsu là một thiên thần làm người chứ không phải là Con thực của Thiên Chúa. Nhóm khác cho rằng Thiên Chúa đã chọn một con người và đã biến đổi con người ấy trở nên thần linh trong phép rửa ở sông Giođan.

 

C. NHÓM NGỘ ĐẠO.

 

Trào lưu “Ngộ-đạo-thuyết” (Gnosticisme) chia làm nhiều nhóm khác nhau, rất phức tạp và khác biệt nhau. Nhóm chủ trương Kitô-học-Thánh-Linh (Geistchristologie) lại chia làm nhiều nhóm khác nhau, tùy quan niệm khác nhau về Thánh Thần. Nhóm Ofites, dù công nhận Đức Mẹ thụ thai Đức Giêsu bởi quyền năng Thánh Thần, vẫn coi Đức Giêsu chỉ như một con người. Dù có nhiều điều khác biệt, các nhóm này chủ trương ba điều chủ yếu giống nhau : Đức Giêsu chỉ là một con người ; Sự kết hợp giữa ông Giêsu và Đức Kitô trong phép rửa ở sông Giođan chỉ là tạm thời ; Đức Kitô rời bỏ ông Giêsu trước cuộc khổ nạn.

 

Phái “Ảo-thân-thuyết” (Docétisme) thì không chấp nhận nhân tính đích thực của Đức Giêsu. Họ cho rằng thân xác của Ngài không là thân xác đích thực, mà là một loại thân xác thiêng liêng, có vẻ bên ngoài là thân xác, giống như thiên thần. Họ chối bỏ những hành vi nhân sinh được coi là bất xứng với thần tính, ví dụ : sự đau khổ.

 

D. NHẤT CHỦ THUYẾT - HÌNH THÁI THUYẾT.

 

Nhất-chủ-thuyết (Monarchianisme) không tin Ba Ngôi Thiên Chúa và triệt để bênh vực độc thần giáo, không chấp nhận một Ngôi Vị Thiên Chúa riêng biệt nơi Đức Giêsu. Mọi hành vi của Đức Giêsu-Kitô, kể cả khổ nạn và sự chết, đều được gán cho Chúa Cha.

 

Đối với nhóm người này, Chúa Cha và Chúa Con chỉ là những danh xưng tương ứng với nhau. Trong cõi vĩnh hằng, Thiên Chúa là Cha ; trong công cuộc tạo dựng, Ngài là Con. Trước mầu nhiệm Nhập Thể, Ngài là Cha ; sau Nhập Thể, Ngài là Con. Tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa, đó là tuyên xưng Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Những người theo thuyết Nhất-chủ công nhận thần tính của Đức Giêsu, nhưng họ coi đó là bản tính cũng là Ngôi Vị duy nhất của Thiên Chúa. Sai lạc chủ yếu của nhóm này về phương diện Kitô-học còn được gọi là Khổ-phụ-thuyết (Patripassionisme) nghĩa là Chúa Cha chịu khổ hình. Các nhân vật như Noëto và Praxea đều cho rằng  Chúa Cha chịu khổ nạn, chịu chết và tự mình sống lại.

 

Hình-thái-thuyết (Modalisme) là một biến thiên tinh vi hơn của Nhất-chủ-thuyết. Thuyết này cho rằng Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần chỉ là ba hình thái, ba cách biểu lộ khác nhau của một Thiên Chúa Duy Nhất, tùy theo từng giai đoạn. Đây là một sai lạc về Ba-Ngôi-học, có liên hệ mật thiết tới Kitô-học. Niềm tin Kitô-giáo của một số người ngày hôm nay, dù là những người thông thái, thường có màu sắc hình-thái-thuyết, vì không phân biệt các Ngôi Vị Thiên Chúa.

 

II. CÔNG ĐỒNG NIXÊ I (325) KHẲNG ĐỊNH THẦN TÍNH ĐÍCH THỰC CỦA ĐỨC KITÔ.

 

A. CUỘC TRANH LUẬN ARIÔ.

 

Vào năm 320, tại Alexandria, linh mục Ariô, người gốc xứ Lybia, bắt đầu phổ biến lý thuyết của ông. Đối thủ của ông là Alexandrô, giám mục Alexandria.

 

Chứng từ rõ nhất về nội dung cuộc tranh luận là lá thư Ariô gửi cho Eusebiô Nicomedia : “Chúng tôi đã bị bắt bớ vì đã nói rằng Ngôi Lời được rút ra từ hư vô. Chúng tôi đã nói như vậy về Chúa Con vì Ngài không phải là một thành phần của Thiên Chúa và Ngài không phát sinh từ thực tại đã có” (S. Epiphane, Panarion Maer. LXIX,6).

 

Đối với Ariô, chỉ một mình Chúa Cha là Đấng không được sinh ra. Còn Chúa Con là Đấng được tạo thành, có khởi đầu, bởi hư vô. Ariô đã đưa khuynh hướng hạ-phục-thuyết (subordinatianisme) thời bấy giờ đến hệ luận cuối cùng. Ông không chấp nhận ý niệm “Nhiệm Sinh Vĩnh Hằng” của Origène, không phân biệt nhiệm sinh vĩnh hằng với sự sinh ra trong thời gian. Chính vì thế, ông đã đặt Chúa Con trong hàng tạo vật.

 

Theo Ariô, Chúa Cha là Đấng tuyệt đối siêu việt so với Chúa Con. Chúa Con thấp hơn Chúa Cha về bản tính, uy quyền và vinh quang. Chúa Con được gọi là Thiên Chúa, thực ra là một vị “thần linh thấp hơn”. Thiên Chúa thật là Đấng Duy Nhất Tuyệt Đối, đó là Chúa Cha. Ngoài Ngài ra, bất cứ thực tại nào cũng chỉ là tạo vật được dựng nên từ hư vô. Ngôi Lời cũng thế, là tạo vật của Chúa Cha và tùy thuộc vào Ngài. Ngôi Lời là tạo vật hoàn hảo của Thiên Chúa, không đồng vĩnh cửu với Thiên Chúa.

 

Chúng tôi đưa ra bản đối chiếu các mệnh đề của Ariô và của Alexandrô” :

ARIÔ  ALEXANDRÔ

Ngôi Lời không đồng hiện hữu với Chúa Cha từ đời đời.Ngôi Lời được dựng nên từ hư vô.Ngôi Lời không thực sự là Con tự bản tính của Thiên Chúa.Bản thể của Con không do bản thể của Cha.Ngôi Lời đã khởi sự hiện hữu do ý muốn của Chúa Cha.Tự bản tính, Ngôi Lời thay đổi về thể lý cũng như luân lý.       Ngôi Lời đồng hiện hữu với Chúa Cha từ đời đời.Ngôi Lời không được tạo thành ; chính Ngài tạo dựng muôn loài.Ngôi Lời là Con tự bản tính, không do được tuyển chọn.Con có bản tính ngang hàng bản tính của Cha.Ngôi Lời hiện hữu do sự thông ban yếu tính của Cha.Ngôi Lời tự bản tính thần linh, không thay đổi cũng không đau khổ.

 

B. ĐỨC TIN CỦA CÔNG ĐỒNG NIXÊ.

 

Để giải quyết sự xáo trộn do cuộc tranh luận của Ariô gây ra và đem lại bình an cho Giáo Hội, hoàng đế Constantinô I đã cho triệu tập Công Đồng chung đầu tiên tại Nixê gần Nicômêđia là Đông đô của đế quốc. Chúng tôi ghi lại nội dung tín điều Nixê :

 

“Chúng tôi tin một Thiên Chúa là Cha toàn năng tạo dựng muôn vật hữu hình và vô hình. Một Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng duy nhất sinh bởi Chúa Cha, nghĩa là từ bản thể Chúa Cha, là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởûi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Người được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha. Nhờ Người muôn vật được tạo thành trên trời dưới đất. Vì chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế, đã nhập thể làm người, đã chịu khổ hình, đã sống lại ngày thứ ba, đã lên trời và sẽ trở lại phán xét kẻ sống và kẻ chết. Chúng tôi tin Thánh Thần”.

 

“Giáo Hội công giáo và tông truyền kết án những ai nói rằng : ‘đã có lúc Ngôi Lời không hiện hữu’ hay là ‘Người không hiện hữu trước khi được sinh ra’ - ‘Người được dựng nên từ hư vô’ - ‘Người bởi một bản thể khác mà ra’ - ‘Người hay thay đổi, biến dịch’”.

 

Tín điều Nixê rõ ràng chia làm hai phần : phần I là lời tuyên tín đúng nghĩa ; phần II lên án những sai lạc của Ariô.

 

Trên bình diện Kitô-học, có một số điều cốt yếu cần ghi nhận trong nội dung lời tuyên tín của Nixê :

 

Đức Giêsu được tuyên xưng là Con Thiên Chúa,

là Con Một sinh bởi Chúa Cha ;

sinh từ bản thể Chúa Cha chứ không từ bản tính khác    hay từ hư vô ;

là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật ;

được sinh ra chứ không được tạo thành ;

“đồng bản thể” với Chúa Cha ;

vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta,

Người đã từ trời xuống thế, đã nhập thể làm người.

 

Từ những điểm cốt yếu này, chúng ta có thể kết luận rằng lời tuyên tín Nixê xoay quanh một cái trục duy nhất là tín điều về thần tính của Đức Kitô : Đức Kitô là Con Thiên Chúa duy nhất theo nghĩa chặt chẽ nhất, đồng bản thể với Thiên Chúa.

 

Chính niềm tin của Giáo Hội vào thần tính của Đức Kitô là điều cơ bản nhất của Kitô-giáo. Niềm tin Kitô-giáo không còn là niềm tin độc thần theo nghĩa Do-thái-giáo, mà là niềm tin Ba Ngôi. Chúng ta tin chỉ có một Thiên Chúa, đồng thời chúng ta tin Đức Kitô là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa. Chúng ta tin Đức Kitô vẫn là một với Thiên Chúa lại vừa khác với Thiên Chúa. Ngài là Con Thiên Chúa theo nghĩa chặt chẽ nhất.

 

III. CÔNG ĐỒNG CONSTANTINOPLE I (381) : KHẲNG ĐỊNH NHÂN TÍNH ĐÍCH THỰC CỦA ĐỨC KITÔ.

 

A.TRANH LUẬN CỦA APOLLINAIRE.

 

Kitô-học “Logos-sarx” :

 

Có lẽ dựa vào câu “Lời đã thành xác phàm” (Logos-sarx egeneto) trong Ga 1,14 mà nhiều người trong trường phái Alexandria đã xây dựng Kitô-học ‘Logos-sarx’ giống như một lược đồ làm nền tảng cho suy tư thần học của trường phái Alexandria về mầu nhiệm Chúa Kitô.

 

Trong tiến trình suy tư này, có nhiều người đi xa dần cách Tin Mừng Gioan hiểu chữ sarx, vì bị chi phối nhiều bởi triết học Hy-lạp, đặc biệt là triết học Platon và Tân-Platon. Những lệch lạc nảy sinh từ việc rời xa ý nghĩa nguyên thủy.

 

Dùng chữ sarx, Gioan chỉ một thực tại mỏng dòn, như bông hoa sớm nở tối tàn. Sarx chỉ sự mỏng manh của tạo vật so với Đấng Tạo Hóa là Sự Sống, là Sức Mạnh, là Sự Vĩnh Hằng, là “Khí Thần” không bao giờ tàn lụi.

 

Dù là một từ ngữ Hylạp, chữ sarx của Gioan có cả một “hậu trường” nhân học Dothái. Chữ sarx của Gioan không hề có nghĩa xấu, không là một quan niệm triết học coi thường vật chất, nhưng chỉ là một ý niệm thực tế về thân phận làm người, thân phận tạo vật so với sự siêu việt và vĩnh hằng của Thiên Chúa. Sarx là tác phẩm của Thiên Chúa, nên khi Ngôi Lời trở thành xác phàm, thì Ngài đến “nhà Ngài”.

 

Nếu chuyển sang quan niệm Hylạp coi thường vật chất, lược đồ “Logos-sarx” có nguy cơ bị  giải thích sai lạc.

 

Đối với một số người, lược đồ này có vẻ như bảo vệ được sự duy nhất của Đức Kitô là “Ngôi Lời Nhập Thể”. Nơi Đức Kitô chỉ có một bản thể, một Đấng, một Vị, chứ không có hai thực tại.

 

Vào giữa thế kỷ IV, Apollinaire, giám mục Laodicea, đã đưa khuynh hướng Kitô-học “Logos-sarx” đến những hệ luận cực đoan nhất khiến nhiều người thuộc trường phái Antiokia phản ứng. Nhiều Thượng Hội Đồng địa phương, nhiều giáo phụ như Epiphane, Grégoire de Nysse, Grégoire de Nazianze chống lại ông. Ông bị kết án cách chính thức năm 381-382 ; và các tác phẩm của ông bị đốt, còn sót lại vài tác phẩm vì đã mạo danh Đức Thánh Cha Giulio I và Athanasio. Việc mạo danh này bị khám phá vào thế kỷ VI và đã bị Công Đồng Constantinople II năm 583 kết án.

 

Apollinaire muốn triệt để bênh vực sự “duy nhất” của Đức Kitô và bảo vệ sự thánh thiện tuyệt đối của Ngài về phương diện hữu thể cũng như về phương diện luân lý. Ông cho rằng Ngôi Lời đảm nhận một bản tính nhân loại không có linh hồn. Đức Kitô là Ngôi Lời thần linh nhập thể, nghĩa là ở trong thân xác con người (Logos ensarkos : Verbe Incarné). Là một con người thiên thai, Đức Kitô sử dụng thân xác như một dụng cụ. Như thế, chỉ có một chủ vị tri thức, ước muốn và hành động qua thân xác. Ý muốn thần linh luôn hướng về sự thiện, trái lại, ý muốn con người có thể dẫn đến đam mê, tội lỗi và sự chết. Nếu chấp nhận nơi Đức Kitô có linh hồn nhân loại, thì có nguy cơ linh hồn ấy đối lập với Ngôi Lời.

 

Ngôi Lời đóng vai trò linh hồn trong thân xác được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria.

 

Về sau, Apollinaire có thay đổi một chút : Đức Kitô gồm ba yếu tố là trí hồn, sinh hồn và thân xác. Ngôi Lời đóng vai trò trí hồn (noũs). Sự thay đổi này không quan trọng, vì vẫn chối yếu tố cao cả nhất nơi con người, làm cho con người khác với con vật, đó là yếu tố tinh thần. Ngôi Lời thay chỗ cho yếu tố ấy.

 

Ngôi Lời và thân xác con người không là hai yếu tố ngang nhau nơi Đức Kitô. Ngôi Lời là yếu tố chủ động, là chủ thể mọi hành vi và ước muốn. Ngôi Lời giống như Thần Khí ban sự sống cho thân xác, là chủ thể linh hoạt, khiến Đức Kitô là Đấng thánh thiện tuyệt đối, không thể phạm tội : “Thiên Chúa dù nhập thể trong một thân xác nhân loại, bảo toàn trọn vẹn năng lực thần linh. Ngài là Tuệ Trí không thể nhường bước cho các đam mê của linh hồn và xác thịt. Ngài hướng dẫn thân xác và các hoạt động của thân xác một cách thần linh và trong sạch. Ngài không những không chịu khuất phục trước tử thần, mà còn đập tan tử thần”.

 

B. CÔNG ĐỒNG CONSTANTINOPLE   I.

 

Công Đồng Constantinople I họp năm 381-382, lên án lạc giáo của Apollinaire : “Chúng tôi không đồng ý với chủ trương Ngôi Lời đảm nhận một thân xác không có linh hồn, không có trí tuệ, vì biết chắc rằng Ngôi Lời Thiên Chúa trọn hảo từ muôn thuở, đã trở thành con người cách trọn vẹn vào thời sau cùng để cứu độ chúng ta” (Lá thư các Giám mục họp tại Constantinople gởi Đức Thánh Cha Đamasô năm 382).

 

So với nội dung tín biểu Công Đồng Nixê, Công Đồng Constantinople có những thay đổi chi tiết về mầu nhiệm Chúa Kitô.

 

Tín biểu Constantinople bỏ đi một số điểm :

 

Từ bản thể Chúa Cha ;

Thiên Chúa bởi Thiên Chúa ;

Dưới đất cũng như trên trời.

Và thêm vào một số điểm :

Từ trước muôn đời ;

từ trời (xuống thế) ;

bởi Chúa Thánh Thần và bởi Trinh Nữ Maria ;

chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta dưới thời Pontio Pilato ;

được mai táng ;

(sống lại ngày thứ ba) theo lời thánh kinh ;

ngự bên hữu Chúa Cha ;

(sẽ trở lại) trong vinh quang ;

Nước Người sẽ không bao giờ cùng.

 

III. CÔNG ĐỒNG ÊPHÊSÔ (431) KHẲNG ĐỊNH SỰ DUY NHẤT NƠI ĐỨC KITÔ.

 

A. CUỘC TRANH LUẬN VỚI NESTORIÔ.

 

1. Kitô-học “Logos-Anthropos”.

 

Lược đồ “Logos-anthropos” (Ngôi Lời làm người) là lược đồ nền tảng trong Kitô-học của trường phái Antiokia. Các nhân vật tiêu biểu cho trường phái này là Diodore de Tarse, Theodore de Mopsueste, Jean Chrysostome, Teodoret de Cyr, Nestorius.

 

Xét về từ ngữ, lược đồ này không dùng chữ “sarx” của bài Tựa Tin Mừng Gioan, nhưng không có ý xa rời Kinh Thánh ; trái lại, vừa gần với con người cụ thể của Đức Giêsu trong các Tin Mừng nhất lãm, vừa theo chủ đề “anthropos” của Tin Mừng Gioan. Tin Mừng Gioan dùng chữ này rất nhiều lần (19 lần) so với các Tin Mừng nhất lãm. Chữ “anthropos” trong Tin Mừng Gioan có khi nhấn mạnh khía cạnh cụ thể, thực tế của đời sống con người Giêsu, khi khác lại nhấn mạnh nguồn gốc siêu việt của Đức Giêsu ; có khi vừa nhấn mạnh mầu nhiệm Nhập Thể, vừa làm nổi bật vai trò mạc khải của Đức Giêsu. Để làm nổi lên ý nghĩa mầu nhiệm Nhập Thể, đôi khi Gioan nhấn mạnh nhiều đến sự tương phản giữa con người Giêsu (anthropos) và Thiên Chúa (Theos), ví dụ trong Ga 8,40 ; 10,33.

 

Chuyển sang bình diện hữu thể học, tư duy theo lược đồ “Logos-anthropos” làm nảy sinh một vấn đề lớn là con người Giêsu có chủ vị riêng hay không ?

 

Nguy cơ của Kitô-học theo lược đồ này là “phân ly”, không giữ được sự duy nhất của Đức Kitô, đối lập với nguy cơ của lược đồ Logos-sarx là “đồng hóa”.

 

Kitô-học còn được gọi là giáo thuyết “Logos-assumens” (Ngôi Lời đảm nhận) hay “homo assumptus” (con người được đảm nhận). Nói chung Kitô-học nhằm khẳng định những điều chính yếu sau đây :

 

Sự nguyên vẹn của hai bản tính nơi Đức Kitô, nhất là sự nguyên vẹn và độc lập của bản tính nhân loại ;

Sự phân biệt bản tính thần linh với bản tính nhân loại ;

Sự duy nhất giữa hai bản tính được diễn tả bằng phạm trù “nối kết” (conjunctio).

 

Nhiều người theo trường phái Alexandria coi Kitô-học Antiokia như là một Kitô-học phân ly, không có khả năng giải thích sự hiệp nhất giữa hai bản tính nơi Đức Kitô.

 

2. Nestorio từ chối tước hiệu : “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”

 

Nestorio thuộc trường phái Antiokia, làm Giám mục Constantinople năm 428. Khó biết chính xác nội dung tư tưởng của ông. Dường như ông không chấp nhận cách giảng dạy và tuyên xưng của phần đông trong Giáo Hội về Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria thường được tuyên dương là “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos), ngay cả tại Constantinople là giáo phận của ông.

 

Theo ông và nhiều người cùng nhóm với ông, “tước hiệu ấy” (Mẹ Thiên Chúa) chỉ nên dùng cho đạo đức bình dân, không được đưa vào Phụng vụ và ngôn ngữ thần học. Tước hiệu ấy có màu sắc sai lạc theo kiểu Apollinaire. Trong Kinh Thánh, cũng như trong giáo phụ, không có chỗ nào dùng tước hiệu ấy, mà chỉ sử dụng cho Đức Maria tước hiệu “Mẹ Đức Kitô” (Cristotokos).

 

Dường như không có lúc nào Nestorio chối một cách tuyệt đối tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”. Sự phủ nhận thường là trong văn mạch chống Apollinaire và “nhất-tính-thuyết” :

 

“Đức Maria là Theotokos, nghĩa là sinh ra Thiên Chúa hay là Anthropotokos, nghĩa là sinh ra con    người ? Thiên Chúa có một người mẹ sao ? Các người Hy-lạp vẫn gán cho thần linh những người mẹ, vậy họ không có gì đáng trách sao ? … Đức Maria không sinh ra “thần tính” đâu ! Tạo vật không sinh ra Đấng không được tạo thành đâu ! Chúa Cha không sinh ra Ngôi Lời Thiên Chúa bởi Đức Maria (khiến Ngôi Lời chỉ hiện hữu từ lúc bấy giờ). Tạo vật không sinh ra Tạo Hóa, nhưng sinh ra con người là dụng cụ của thần tính”.

 

Khoa Giáo-phụ-học hôm nay có khuynh hướng xét lại những gì thánh Cyrillo thành Alexandria khẳng định về Nestorio. Theo thánh Cyrillo thì Kitô-học của Nestorio chứa đựng những điểm chủ yếu sau đây :

 

Khẳng định Đức Kitô không phải là một mà là hai: Ngôi Lời thần linh và con người Giêsu ;

Lấy lại dưỡng-tử-thuyết của Paul de Samosate coi Đức Giêsu chỉ là một con người, là đền thờ của Thiên Chúa ;

 

Trình bày sự hiệp nhất giữa Ngôi Lời với con người Giêsu như thuần túy ngoại tại, là một sự kết hiệp nhờ ân sủng, một sự kết hiệp thiêng liêng, đạo đức, chứ không phải là kết hợp trên bình diện hữu thể.

 

Nestorio luôn phủ nhận những lời cáo buộc này. Ông chỉ bận tâm bênh vực sự nguyên vẹn nhân tính của Đức Giêsu, chống lại trường phái Alexandria coi nhân tính ấy chỉ như một dụng cụ thuần túy thụ động của Ngôi Lời.

 

Nestorio làm nổi bật sự khác biệt giữa các đặc điểm của nhân tính và thần tính, đồng thời sự duy nhất giữa hai bản tính. Ông chống lại lời cáo buộc rằng ông rao giảng hai Đức Kitô. Ông dùng từ “nối kết” (synapheia, conjunctio) để trình bày sự duy nhất, thay vì dùng từ henosis (unio) để tránh sự lẫn lộn hai bản tính.

 

Nestorio không chấp nhận thành ngữ của thánh Cyrillo là “mia physis”, dịch từng chữ có nghĩa là một bản tính ; ông cho rằng thành ngữ này nghiêng về lạc giáo Apollinaire. Nhưng ông vẫn công nhận sự duy nhất hữu thể của chủ vi Đức Kitô, bên ngoài được biểu lộ bằng một “chủ vị” (prosopon) duy nhất, nơi hai bản tính gặp nhau.

 

3. Kitô-học của thánh Cyrillo.

 

Đối thủ và người buộc tội Nestorio là thánh Cyrillo, Giám mục Alexandria (370-444). Là một nhân vật cốt yếu của trường phái Alexandria ; lối suy tư thần học của ông khác hẳn lối suy tư của Nestorio. Ông không thể chấp nhận “Kitô-học phân ly” của trường phái Antiokia.

 

Tư tưởng thần học của thánh Cyrillo có thể tóm lược trong ba nét nổi bật sau đây :

 

a. Tuyệt đối trung thành với lược đồ “Logos-sarx” của trường phái Alexandria. Sau khi Apollinaire bị kết án, dù phải công nhận sự nguyên vẹn nhân tính nơi Đức Kitô, Cyrillo vẫn nhấn mạnh sự ưu việt tuyệt đối của Ngôi Lời thần linh, là chủ vị hoạt động trong Đức Kitô. Dù nguyên vẹn, bản tính nhân loại nơi Đức Kitô là một dụng cụ thụ động. Cyrillo tránh dùng thành ngữ “homo assumptus” của trường phái Antiokia.

 

b. Hệ luận của quan điểm nhấn mạnh sự duy nhất trọn vẹn nơi Đức Kitô là ý tưởng “chuyển thông đặc tính” (communication des idiomes). Có thể gán các đặc điểm của nhân tính cho thần tính, và ngược lại. Vì hai bản tính phân biệt, và vì sự hiệp nhất mật thiết giữa hai bản tính ấy, có thể nói về thần tính như về nhân tính, và ngược lại. Để chống lại Nestorio, thánh Cyrillo cho rằng có thể gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, dựa trên nguyên tắc “chuyển thông đặc tính”. Các thánh giáo phụ đã có can đảm định tín Đức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, không phải vì Ngôi Lời nghĩa là thần tính bắt đầu hiện hữu nhờ Đức Trinh Nữ, nhưng vì “thân xác thánh thiện được hồn thiêng linh hoạt, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ, và Ngôi Lời kết hợp thân xác ấy với chính mình, nên ta nói là Ngôi Lời sinh ra theo xác phàm”.

 

c. Kitô-học của thánh Cyrillo cô đọng trong thành ngữ “bản tính duy nhất của Ngôi Lời thần linh nhập thể” (mia physis) và nghĩ là của thánh Athanasio. Cyrillo dùng thành ngữ này, nhưng không phải theo ý của Apollinaire. Theo ông, thành ngữ này có nghĩa : các đặc điểm của nhân tính và thần tính đều hiện hữu cách trọn vẹn và không lẫn lộn nơi chủ vị duy nhất của Ngôi Lời nhập thể.

 

B. CÔNG ĐỒNG ÊPHÊSÔ (431).

 

Công Đồng được hoàng đế Teodosio II phương Đông và hoàng đế Valentiniano III phương Tây triệu tập tại Êphêsô vào dịp lễ Ngũ Tuần năm 431, để đưa lại sự bình an cho Giáo Hội đã trải qua sóng gió vì cuộc tranh luận giữa Cyrillo và Nestorio.

 

Vì những lý do cụ thể, Thượng phụ Jean d’Antioche, các giám mục vùng Syria và các đại diện Tòa Thánh không đến kịp, nhưng thánh Cyrillo vẫn cho khai mạc Công Đồng ngày 22.6.431. Chính trong ngày ấy, Nestorio và giáo thuyết của ông đã bị kết án bởi các nghị phụ Công Đồng, phần lớn thuộc phe Cyrillo. Sự kết án này được các đại diện Tòa Thánh công nhận khi họ đến nơi và được tường trình.

 

Công Đồng Êphêsô không có một văn bản tín lý nào riêng. Nội dung tín lý chủ yếu của Công Đồng là lá thư thứ hai của thánh Cyrillo gửi Nestorio đã được công khai đọc lên và tuyên bố là phù hợp với đức tin Công Đồng Nixê. Lá thư của Nestorio gửi cho thánh Cyrillo cũng được đọc lên và tuyên bố là nghịch với đức tin Công Đồng Nixê.

 

Chúng tôi trích một phần nội dung lá thư tín lý của thánh Cyrillo :

 

“Công Đồng thánh và vĩ đại đã định tín rằng : Đấng đã được Chúa Cha sinh ra là Con Duy Nhất do bản tính, Đấng là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, là ánh sáng bởi ánh sáng, Đấng nhờ đó mà Chúa Cha tạo dựng muôn loài, chính Ngài đã xuống thế, đã nhập thể, đã làm người, đã chịu khổ hình, đã sống lại ngày thứ ba và đã lên trời.

 

“Chúng ta bị ràng buộc với định tín ấy trong lời nói cũng như quan niệm, khi chúng ta tìm hiểu ý nghĩa việc Ngôi Lời sinh bởi Thiên Chúa, đã nhập thể và đã làm người. Ngôi Lời đã kết hợp với chính mình theo Ngôi Vị (secundum hypostasim), cách khôn tả và không quan niệm được, một xác thể được linh hoạt bởi ‘trí hồn’, đã trở thành người và đã được gọi là con người… Chúng tôi khẳng định nhiều bản tính khác nhau kết hợp với nhau thực sự thành một, bởi hai bản tính có một Đức Kitô và một Con. Không vì sự duy nhất mà sự khác biệt bản tính bị loại trừ, nhưng chính vì thần tính và nhân tính kết hợp với nhau, kỳ diệu và khôn tả, tạo nên cho chúng ta chỉ một Chúa, một Đức Kitô và một Con Duy Nhất.

 

“Ngôi Lời trở thành xác phàm chỉ có nghĩa : Ngài đã thông phần xác thịt và máu huyết như chúng ta, đã đảm nhận thân xác của chúng ta, đã sinh ra làm người bởi người phụ nữ, mà không đánh mất thần tính, không mất đi tư cách làm Con được Chúa Cha sinh ra. Khi đảm nhận xác phàm, vẫn tiếp tục là Đấng mình đã là… Các thánh giáo phụ đã can đảm định tín ‘Đức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa’”.

 

Công Đồng Êphêsô đã xác nhận giá trị chính thống của lá thư này :

 

công nhận Kitô-học hiệp nhất của Cyrillo ;

xác nhận nơi Đức Kitô chỉ có một chủ thể duy nhất, đó là Ngôi Vị thần Linh ;

công nhận sự nguyên vẹn và trọn hảo của hai bản tính ;

chấp nhận ý tưởng “chuyển thông đặc tính” (communicatio idiomatum) ;

công bố tước hiệu “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”.

 

Vì trong Công Đồng Êphêsô năm 431 không có sự hiện diện của các nghị phụ trường phái Antiokia, nên năm 433, Công Đồng được bổ sung bằng một văn kiện hiệp nhất, cố gắng dung hòa Kitô-học Alexandria với Kitô-học Antiokia : “Chúng tôi tuyên xưng Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta, là Con Thiên Chúa, là Con Duy Nhất, là Thiên Chúa trọn vẹn và là người trọn vẹn có ‘trí hồn’ và thân xác. Người được sinh ra bởi Chúa Cha từ trước muôn đời theo thần tính. Vào những ngày sau cùng, vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã sinh ra bởi Trinh Nữ Maria theo nhân tính, đồng bản thể với Chúa Cha theo thần tính, đồng bản thể với chúng ta theo nhân tính.

 

“Thực sự đã có hiệp nhất giữa hai bản tính. Chính vì thế chúng ta tuyên xưng một Đức Kitô Duy Nhất, một Con Duy Nhất, một Chúa Duy Nhất.

 

“Dựa vào ý tưởng “hiệp nhất” mà không lẫn lộn ấy, chúng ta tuyên xưng Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, vì Ngôi Lời thần linh đã nhập thể và đã làm người. Do sự thụ thai này, Ngôi Lời đã kết hợp với mình Ngôi Đền thờ mà Ngài đã tiếp nhận từ Mẹ.

 

“Về những thành ngữ mà các Thánh Sử và các Tông Đồ gán cho Chúa, chúng ta biết rằng họ dùng một số thành ngữ để chỉ chung, nhằm Ngôi Vị Duy Nhất ; một số khác để chỉ riêng từng bản tính ; họ đã truyền lại cho chúng ta những thành ngữ xứng hợp với Thiên Chúa theo thần tính và những thành ngữ khiêm tốn theo nhân tính”.

 

Văn kiện hiệp nhất này lưu tâm đến các yếu tố nòng cốt của cả hai trường phái. Các yếu tố của Alexandria là : sự duy nhất chủ thể ; sử dụng từ ‘hiệp nhất’ thay vì từ ‘nối kết’ để chỉ sự duy nhất giữa hai bản tính ; gán việc nhập thể cho Ngôi Lời ; khẳng định tước hiệu “Maria là Mẹ Thiên Chúa”. Các yếu tố của Antiokia là : khẳng định hai bản tính ; sự kết hợp hai bản tính trong một ‘prosopon’.

 

Văn kiện còn dùng chữ “homoousios” không những để chỉ sự đồng bản thể với Chúa Cha, mà cả với chúng ta.

 

Tầm quan trọng của văn kiện này là sự gặp gỡ giữa hai lối tư duy, là diễn tả đức tin duy nhất của Hội Thánh bằng một ngôn ngữ không thuần túy trường ốc.

 

Chúng ta có thể gút lại nội dung Công Đồng Êphêsô như sau : vấn đề của Êphêsô không là tuyên xưng thần tính của Đức Kitô như Nixê, cũng không là khẳng định sự toàn vẹn nhân tính như Constantinople, nhưng là sự duy nhất của Đức Giêsu-Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Phải chọn cách giải thích và diễn tả của trường phái nào : Alexandria hay Antiokia ?

 

Trong quan điểm thần học Alexandria, người ta tự hỏi : Ngôi Lời đảm nhận một nhân tính đích thực như thế nào ? và câu trả lời là “Ngôi Hiệp” (sec-hypostasim). Trong quan điểm thần học Antiokia, người ta tự hỏi : con người đã được Ngôi Lời đảm nhận như thế nào ? và trả lời : Ngôi Lời cư ngụ trong con người và đảm nhận con người ; hai bản tính nguyên vẹn được nối kết trong một Prosopon.

 

Ngoài sự khác biệt quan điểm, còn có sự lộn xộn do ý nghĩa từ ngữ chưa rõ ràng. Chữ hypostasis và chữ physis nhiều lúc có ý nghĩa tương đương. Để chỉ “một hypostasis”, đôi khi Cyrillo dùng chữ “một physis” (una natura), điều mà Nestorio không thể chấp nhận được. Ý nghĩa từ ngữ sẽ được xác định rõ ràng trong Công Đồng Chalcédoine năm 451.

 

Cuộc tranh luận có vẻ như thuần túy hữu-thể-học ; nhưng nếu phân tích cho kỹ, chúng ta cũng thấy được bình diện cứu-chuộc-học. Khi đào sâu ý nghĩa sự “chuyển thông đặc tính”, phải gán cho Ngôi Lời những hành vi như : “Ngài đã làm người”, “đã chịu khổ hình, đã chịu chết, đã sống lại”.

 

Nestorio cố gắng minh chứng không khi nào được gán cho Ngôi Lời những hành vi thuộc về cuộc sống trần gian, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Ông như ”phủ quyết” sự nhập thể thực sự của Thiên Chúa : Ngôi Lời không thể đau khổ. Thánh Cyrillo cũng đứng trước vấn đề nan giải là quan niệm triết học về “Thiên Chúa không thể đau khổ” và dữ kiện mạc khải là “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm”, “đã chịu đau khổ, đã chết và đã sống lại”. Ông đã lựa chọn quan điểm của Kinh Thánh. Vì lý do đó, ông gán cho Ngôi Lời không những các đặc điểm của thần tính, mà cả những đặc điểm của nhân tính. Lập trường của ông nhằm bảo vệ ơn cứu độ đích thực được ban cho loài người nơi Đức Giêsu-Kitô.

 

IV. CÔNG ĐỒNG CHALCÉDOINE (451)

 

KHẲNG ĐỊNH SỰ DUY NHẤT TRONG SỰ PHÂN BIỆT HAI BẢN TÍNH NƠI ĐỨC KITÔ.

 

A. CUỘC KHỦNG HOẢNG “NHẤT-TÍNH-THUYẾT”.

 

Dù có văn kiện hiệp nhất năm 433 dung hòa hai quan điểm thần học của Alexandria và Antiokia, tín lý của Công Đồng Êphêsô đòi phải được làm sáng tỏ thêm. Những người theo trường phái Antiokia vẫn chưa chấp nhận được sự hàm hồ của những thành ngữ mà thánh Cyrillo dùng : “mia physis”, “henosis kath’ hypostasin”. Cả hai thành ngữ này đều mang màu sắc “Nhất-tính-thuyết”. Vì ý nghĩa quá rộng của các từ “physis” và “hypostasis”, thành ngữ thứ nhất có thể được giải thích theo nghĩa một yếu tính hay một bản tính nơi Đức Kitô, và thành ngữ thứ hai như là sự kết hợp trong bản tính, trong bản thể, chứ không là sự kết hợp trong hiện hữu và trong ngôi vị.

 

Cũng không thiếu những người hiểu các thành ngữ của thánh Cyrillo theo nghĩa mặt chữ một cách cực đoan, và vì thế, có thể bị buộc tội chủ trương “nhất-tính-thuyết”.

 

Khoảng cách 20 năm giữa Êphêsô và Chalcédoine (431-451) là thời gian giúp cho việc xác định từ ngữ và làm sáng tỏ nội dung ý tưởng “hiệp nhất hai bản tính” nơi Đức Kitô. Ngoài hai trường phái Đông phương, còn có sự góp phần của truyền thống Tây phương, chủ yếu do công trình của Đức Thánh Cha Lêô Cả.

 

Chúng ta có thể tóm kết thành ba điểm :

 

1. Proclo, Thượng phụ Constantinople từ 434 đến 446, trong văn kiện gửi những người Arméniens năm 435 (Tomus ad Armenios) đã bênh vực Công Đồng Êphêsô và phủ quyết Kitô-học phân ly của Teodore de Mopsueste được coi là thầy của Nestorio. Nhưng khi khẳng định lại sự duy nhất nơi Đức Kitô, ông không dùng chữ physis mà dùng chữ hypostasis theo nghĩa chủ vị cụ thể : “Tôi tuyên xưng một chủ thể duy nhất là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể”. Trong công thức này của Proclo, chúng ta có thể nhận ra một nỗ lực xác định ý nghĩa theo chiều hướng ngôi vị.

 

2.Teodoreto, Giám mục Cyro gần Antiokia, người khởi xướng văn kiện hiệp nhất năm 433, đã viết tác phẩm “Người hành khất”, trong đó ông chống lại tư tưởng nhất-tính-thuyết bằng những lập luận vững chắc bảo vệ sự nguyên vẹn của cả hai bản tính, sự phân biệt hai bản tính và sự chuyển thông các đặc tính. Có lẽ trong tác phẩm này, Teodoreto nhắm đến Eutyke là người bảo vệ cách cực đoan thành ngữ “mia physis” của Cyrillo, đến mức chối bỏ sự đồng bản tính của Đức Kitô với chúng ta : “Tôi tuyên xưng Chúa chúng ta có hai bản tính trước khi hiệp nhất ; sau khi hiệp nhất, chỉ còn một bản tính”. Lạc thuyết của Eutyke bị kết án năm 448.  

 

Năm 449, tại Êphêsô có một công đồng, sau này được gọi là “mẻ cướp Êphêsô” (cho lính của hoàng đế Teodosio II khủng bố các giám mục ; đại diện của Rôma trốn được), bênh vực Eutyke, lên án những người chủ trương hai bản tính, ngăn cản, không cho đọc văn kiện Tomus ad Flavianum của Đức giáo hoàng Lêô I. Những bạo động và lộn xộn trong công đồng này đã đưa đến cái chết của Flaviano, Thượng phụ Constantinople, địch thủ của Eutyke. Vì sự sai lạc về giáo lý cũng như vì cách hành động không tốt của phe “nhất-tính-thuyết”, đã đến lúc phải có một phản ứng quyết liệt trong Giáo Hội chống lại lạc giáo và sự lộng hành của nó.

 

3. Lá thư tín lý của Đức Thánh Cha Lêô I gửi Flaviano là một văn kiện Kitô-học rất quan trọng của Giáo Hội Latinh, có lẽ là văn kiện duy nhất ảnh hưởng thực sự trên thần học Đông phương. Lá thư đề ngày 13.6.449, bênh vực Flaviano chống lại Eutyke. Lá thư là một tổng hợp truyền thống Kitô-học của phương Tây, đã từ lâu (từ Tertullianô đến Augustinô) phân biệt rõ ràng hai bản tính nơi Ngôi Vị Duy Nhất của Đức Kitô. Lá thư cho thấy thành ngữ hàm hồ “mia physis”, dù đã được thánh Cyrillo sử dụng, không phù hợp nữa. Đức Thánh Cha Lêô khẳng định Đức Kitô đồng bản thể với Thiên Chúa và đồng bản thể với loài người. Dựa trên lời tuyên tín phép Rửa, người nói đến việc Đức Kitô được sinh ra bởi Chúa Cha, và được sinh ra bởi Thánh Thần và Đức Maria. Vì lý do ấy mà Ngôi Lời có hai bản tính.

 

Lá thư nhấn mạnh sự nguyên vẹn của mỗi bản tính và sự gặp gỡ của hai bản tính trong sự duy nhất ngôi vị. Đối với Đức Lêô I, sự duy nhất ngôi vị là nền tảng cho những khẳng định về hai bản tính. Ngôi Vị không là kết quả của sự phối hợp hai bản tính, nhưng là Lời Tiền Hữu của Chúa Cha từ muôn thuở đã là Ngôi Vị. Khi đảm nhận bản tính nhân loại, không phải là một chủ vị mới xuất hiện, mà chính là chủ vị Ngôi Lời.

 

Lá thư cũng lập lại giáo huấn về sự “chuyển thông đặc tính” là nền tảng để gán cho thần tính những điều thuộc về nhân tính và ngược lại. Chống lại nhất-tính-thuyết, Đức Lêô I khẳng định là sau “Ngôi Hiệp” vẫn còn hai bản tính.

 

B. CÔNG ĐỒNG CHALCÉDOINE (451).

 

Công Đồng được triệu tập tại Nixê, sau dời về Chalcédoine, để cho hoàng đế Marciano (450-457) có thể hiện diện. Rất nhiều nghị phụ Đông phương tham dự. Về phía Giáo Hội Tây phương, chỉ có ba đại diện Đức Thánh Cha : Pascasino, Lucenzio và Bonifacio.

 

Công Đồng, trong cơ bản, hoàn tất công việc Eutyke còn bỏ dở : làm sáng tỏ sự duy nhất và sự phân biệt trong mầu nhiệm Đức Kitô.

 

Công Đồng đã soạn một văn kiện chính thức, được coi như lời tuyên xưng đức tin chính thống. Có thể phân chia văn kiện làm ba phần :

 

Phần I (từ câu 1 đến câu 15) tổng hợp giáo lý các Công Đồng trước ;

 

Phần II (từ câu 16 đến câu 24) là phần đóng góp chính của Công Đồng ;

 

Phần III (từ câu 25 đến câu 27) là phần kết thúc, cho thấy giáo huấn Công Đồng dựa vào Kinh Thánh và Truyền Thống.

 

Chúng tôi xin ghi lại đủ ba phần nội dung văn kiện Chalcédoine :

 

Phần I : “Theo các thánh phụ, chúng tôi đồng thanh dạy phải tuyên xưng cùng một Con Duy Nhất, Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta. Chính Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa ; chính Ngài hoàn toàn là người. Là Thiên Chúa thật và là người thật, có trí hồn và thân xác. Đồng bản thể với Chúa Cha theo thần tính, đồng bản thể với chúng ta theo nhân tính. ‘Giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi’ (Dt 4,15). Sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời theo thần tính, và trong những ngày sau cùng, vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Ngài đã sinh ra bởi Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, theo nhân tính”.

 

Phần II : “Chính Ngài được nhận biết là Đức Kitô, là Con, là Chúa, là Con Một độc nhất và đồng nhất trong hai bản tính, không lẫn lộn, không biến đổi, không phân chia, không tách rời. Sự hiệp nhất không xóa bỏ sự khác biệt giữa hai bản tính. Nhưng điều gì riêng của từng bản tính đều được bảo toàn và kết hợp trong một ngôi vị, một chủ thể duy nhất. Ngài không bị tách ra hay phân chia làm hai chủ vị, mà là Con độc nhất và đồng nhất, là Con Một, là Ngôi Lời Thiên Chúa và là Chúa Giêsu-Kitô”. 

 

Phần III : “Chúng tôi dạy tuyên xưng điều đó. Trước hết theo những diều các tiên tri đã nói về Người, theo điều chính Đức Kitô đã dạy, và theo như lời tuyên tín cha ông truyền lại”.

 

V. CÔNG ĐỒNG CONSTANTINOPLE II (553) GIẢI THÍCH LẠI CHALCÉDOINE.

 

A. “NHẤT-TÍNH-THUYẾT” CHỐNG CHALCÉDOINE.

 

Giáo lý Chalcédoine không được chấp nhận cách yên hàn ở mọi nơi trong Giáo Hội. Có những nơi còn phản ứng chống lại.

 

Dù Công Đồng Chalcédoine có nhấn mạnh đến sự duy nhất nơi Đức Kitô, những người theo Cyrillo vẫn coi văn kiện là quá “nhị nguyên” và “Nestorio”.

 

Những người chống lại Công Đồng chia làm hai nhóm :

 

Nhóm lạc giáo tỏ tường là những đồ đệ của Eutyke vẫn tiếp tục chủ trương Đức Kitô chỉ có một bản tính sau Ngôi Hiệp ;

 

Nhóm theo Cyrillo, tuy không chủ trương sai lạc như Eutyke, vẫn muốn dùng thành ngữ “mia physis” của Cyrillo. Có điều trớ trêu là nhóm này lại hoạt động mạnh trong vùng thuộc trường phái Antiokia (Severo Antiokia +538 ; Filosseno Mabbug ở Syria +523).

 

Severo Antiokia chống lại thành ngữ “trong hai bản tính” (in 2 naturis), chủ trương dùng thành ngữ “bởi hai bản tính” (ex 2 naturis). Đối với ông, khẳng định Đức Kitô có hai bản tính và một chủ vị là điều mâu thuẫn. Nếu đã nói một chủ vị thì phải nói một bản tính. Nhận công thức “trong hai bản tính” nghĩa là nhận có hai chủ thể nơi Đức Kitô như lạc giáo Nestorio. Để thoát khỏi sai lạc này, chỉ còn cách duy nhất là trở lại công thức của Cyrillo : mia physis.

 

Sở dĩ có tình trạng như vậy, vì Severo hiểu chữ “natura” (physis, bản tính) theo nghĩa “chủ vị cụ thể”, Đấng bảo toàn nguyên vẹn thần tính và nhân tính.

 

B. PHẢN ỨNG CHỐNG NHẤT-TÍNH-THUYẾT.

 

1. Henotikon của hoàng đế Zénon (482).

 

Để giải quyết sự xung đột giữa các phe nhóm, hoàng đế Zénon (474-491) ra một văn kiện dung hòa, chỉ đề cập những điểm giống nhau giữa các phe nhóm : “Chúng tôi tuyên xưng Con Một Thiên Chúa là Thiên Chúa và thực sự đã làm người, đó là Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta. Ngài đồng bản thể với Chúa Cha theo thần tính và đồng bản thể với chúng ta theo nhân tính. Ngài đã xuống thế, đã nhập thể bởi Chúa Thánh Thần và Đức Maria là Trinh Nữ và là Mẹ Thiên Chúa. Ngài chỉ là một, không là hai…”

Văn kiện của Zénon tránh thành ngữ của Chalcédoine là “một Ngôi Vị trong hai bản tính”. Nhưng cả hai phe nhất-tính-thuyết và nhị-tính-thuyết đều không hài lòng.

 

2. Giustiniano (527-565).

Là một hoàng đế tài giỏi và cũng là một nhà thần học, đã tìm cách giải thích lại giáo lý của Công Đồng Chalcédoine, cố gắng làm cho phù hợp với giáo lý của thánh Cyrillo.

 

Theo ông, có hai điều quan trọng cần làm :

 

Phổ biến thành ngữ “một trong Ba Ngôi đã chịu khổ hình” (unus de Trinitate passus est), là một thành ngữ hoàn toàn chính thống, xây dựng trên ý tưởng “chuyển thông đặc tính” (communication des idiomes) ;

 

Dung hòa hai công thức của Chalcédoine và của Cyrillo (in 2 naturis, mia physis), ông đã cố gắng vượt qua từ ngữ, nhằm nội dung chủ yếu. Theo ông, Chalcédoine là “nhị tính” trên bình diện từ ngữ thôi, và Cyrillo cũng chỉ “nhất tính” trên bình diện từ ngữ.

 

3. Léonce de Byzance (+543).

 

Léonce de Byzance triệt để bênh vực Công Đồng Chalcédoine và chủ trương không nhượng bộ bất cứ nhóm nào.

 

Ông khẳng định thành ngữ chủ chốt của Chalcédoine là “một Ngôi Vị trong hai bản tính”. Và chính thành ngữ này giúp chúng ta chống lại sai lầm của nhất-tính-thuyết và của cả Nestorio. Nhưng muốn làm như vậy, phải phân biệt hẳn hoi giữa Ngôi Vị (hypostasis) với bản tính (natura) : “Các người nói gì ? Các người khẳng định cách đơn thuần là chỉ có một bản tính sao ? Các người trả lời : Không phải, nhưng là một bản tính duy nhất nhập thể… Các người thích gọi là ‘xác phàm’ điều mà chúng tôi gọi là ‘bản tính khác’ ngoài bản tính của Ngôi Lời. Nhưng các người nói gì về xác phàm ấy ? … Là xác phàm không có bản tính…”

 

4. Léonce de Jérusalem.

 

Ông được coi là lý thuyết gia quan trọng của phong trào Tân-Chalcédoine vào thế kỷ VI.

 

Ông đào sâu ý niệm “enhypostasis” mà Léonce de Byzance đề ra nhưng chưa giải thích rõ. Trong tác phẩm “Contra Nestorianos”, ông xác quyết nơi Đức Kitô chỉ có một Ngôi Vị, đó là Ngôi Lời Tiền Hữu : “Chúng tôi không nói rằng nhân tính cá vị của Chúa đã có trước như Ngôi Lời, trái lại nhân tính cá vị ấy xuất hiện. Nhưng nhân tính cá vị ấy không hiện hữu trong một chủ vị riêng, mà hiện hữu trong Ngôi Lời Tiền Hữu. Ngôi Lời Nhập Thể và Ngôi Lời Tiền Hữu là một Ngôi Lời duy nhất, khi nhập thể, chủ vị hoá bản tính nhân loại. Chính vì thế, bản tính nhân loại của Đức Kitô dù là nguyên vẹn và là cá nhân, không là một chủ vị riêng. Sự chủ vị hóa bản tính nhân loại không là một điều bất toàn, mà là “nâng cao từ bên trong”. Nơi Đức Kitô, nhờ được “Ngôi Vị hóa”, bản tính nhân loại đạt tới chóp đỉnh bình diện hữu thể và năng lực cứu rỗi. Vì là “xác thể” của Ngôi Lời, nhân tính ấy trở thành nguồn ban sự sống thần linh”.

 

C.  3 CHAPITRES (Ba án).

 

Để dung hợp với phe “nhất-tính-thuyết”, hoàng đế Giustiniano đã kết án ba nhân vật quá cố rất thời danh của trường phái Antiokia : Theodoret de Mopsueste (+428), Teodoret de Cyr (+466) và Ibas d’Edessa (+428). Những nhân vật này được coi như nguồn gốc của Nestorio. Các ngài đã chết một thế kỷ trước và thường được coi là những  thần học gia chính thống của trường phái Antiokia. Teodoret de Cyr và Ibas d’Edessa đã bị “mẻ cướp Êphêsô” kết án năm 449, nhưng đã được Công Đồng Chalcédoine giải tỏa năm 451.

 

Dù vậy, hoàng đế Giustiniano vẫn công bố văn thư kết án họ năm 544, nhằm loại bỏ mọi cớ chống đối của nhóm “nhất-tính-thuyết” và đem lại bình an cho Giáo Hội. Việc làm này của hoàng đế đã bị phương Tây cực lực phản đối, kể cả Đức Thánh Cha Vigilio (537-555).

 

Công Đồng Constantinople II được hoàng đế triệu tập, nhằm mục đích trên. Trong Công Đồng, người ta đã rút từ các tác phẩm của ba vị những mệnh đề riêng lẻ có màu sắc Nestorio, đã cho đọc và kết án. Lúc bấy giờ, Đức Thánh Cha ở Constantinople, nhưng nhất quyết không tham dự Công Đồng ; mãi về sau, vì áp lực của hoàng đế, ngày 08.12.553, Đức Thánh Cha mới chấp nhận lời kết án.

 

Trong nội dung Công Đồng, có ba điều đáng lưu ý về phương diện Kitô-học :

 

1. Khẳng định sự duy nhất của Ngôi Lời : Ngôi Lời vẫn là một, cả sau khi nhập thể, dù thần tính và nhân tính vẫn nguyên vẹn.

 

2. Khẳng định “Ngôi Hiệp” (henosis kath’ hypostasin) : Khai trừ mọi hình thức chia rẽ. Sự kết hiệp với nhân tính không là từ bên ngoài. Nhưng là từ bên trong (trong ngôi vị). Mầu nhiệm Ngôi Hiệp bảo đảm sự duy nhất nơi Đức Kitô. Đó cũng là sự duy nhất Ngôi Vị mà Chalcédoine đã nói tới (một chủ thể chứ không phải hai chủ thể).

3. Giải thích lại thành ngữ “trong hai bản tính” : Thành ngữ “trong hai bản tính” chỉ sự khác biệt giữa hai bản tính, không lẫn lộn, đồng thời vẫn có được sự duy nhất kỳ diệu và khôn tả : Ngôi Lời không biến đổi thành bản tính xác phàm, xác phàm không biến đổi thành bản tính Ngôi Lời.

 

VI. CÔNG ĐỒNG CONSTANTINOPLE III (680-681) KHẲNG ĐỊNH Ý CHÍ NHÂN LOẠI NƠI ĐỨC GIÊSU-KITÔ.

 

A. NHẤT-Ý-THUYẾT BYZANCE.

 

1. Sergio Constantinople.

 

Kitô-học Tân-Chalcédoine của Công Đồng Constantinople II nhằm dung hòa văn kiện Chalcédoine với thánh Cyrillo. Khi nhấn mạnh thần tính của Ngôi Lời nhập thể, việc giải thích và minh chứng Đức Kitô đồng bản tính với Thiên Chúa, đồng bản tính với chúng ta, càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, vấn đề “nhất-tính-thuyết” cũng chưa được giải quyết.

 

Thượng phụ Sergio Constantinople (610-638) tái lập cuộc đối thoại với nhóm “nhất-tính-thuyết”. Ông không bàn luận về hai bản tính nữa, nhưng nhấn mạnh “năng lực duy nhất” (energeia), không do hai bản tính mà do Ngôi Vị duy nhất. Nơi Đức Kitô, chỉ có một sinh hoạt duy nhất, đó là sinh hoạt thần nhân. Công thức tổng hợp tư tưởng của ông là “nơi Đức Kitô, chỉ có một thực tại duy nhất, đó là thực tại thần nhân”.

 

Trong tác phẩm “Psephos”, Sergio khéo léo đưa vào quan điểm “nhất-ý-thuyết” của mình, với hệ luận chối bỏ ý chí nhân loại nơi Đức Kitô.

 

Trong thư này, ông yêu cầu Thượng phụ Alexandria đừng để cho ai bàn tới một hay hai năng lực (sinh hoạt, operationes) nơi Đức Kitô, mà phải tuyên xưng Con Một Duy Nhất, Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta, là Thiên Chúa thật, chính Ngài thực hiện những việc thần linh cũng như nhân loại.

 

Lập luận của Sergio chủ yếu gồm ba điểm :

 

Thành ngữ hai năng lực (2 operationes) làm cho nhiều người vấp phạm, vì không có vị thánh nào cũng chẳng có vị thầy nào dạy như thế. Nếu chủ trương như vậy, phải công nhận hai ý muốn đối chọi nhau :

 

Ngôi Lời Thiên Chúa muốn thực hiện cuộc khổ nạn cứu chuộc, còn con người của Ngài thì ngăn cản, chống lại ý muốn của Ngài.

 

Như vậy là chấp nhận hai chủ thể muốn những điều ngược nhau, và đó là điều vô đạo. Chính vì vậy mà không thể chấp nhận trong cùng một chủ thể duy nhất có cùng một lúc hai ý muốn trái nghịch nhau, ý muốn này cùng ý muốn kia.

 

Giáo lý lành mạnh của các thánh phụ dạy cách minh nhiên rằng không có lúc nào xác phàm của Chúa đã tỏ lộ sự nghiêng chiều tự nhiên của mình cách riêng lẻ, và bởi năng lực riêng của mình chống lại quyết định của Ngôi Lời Thiên Chúa…

 

2. Đức Thánh Cha Onorio I (625-638).

 

Cuối năm 633, Sergio gửi cho Đức Thánh Cha Onorio I nguyên bản văn kiện “psephos” và cũng yêu cầu Đức Thánh Cha cấm nói đến một hay hai năng lực nơi Đức Kitô.

 

Dù hoàn toàn theo quan điểm Chalcédoine, Đức Thánh Cha đã trả lời bằng một lá thư năm 634, trong đó có một câu sau này bị Công Đồng chung lên án : “Chúng tôi tuyên xưng Chúa Giêsu chỉ có một ý muốn”. Nếu đặt trong văn mạch lá thư, việc tuyên xưng một ý muốn (théléma) nơi Đức Kitô không nhằm phủ nhận ý muốn nhân loại, nhưng là xác nhận nơi Đức Kitô không có sự đối lập ý muốn giữa thần tính và nhân tính.

 

Vì nhân tính nơi Đức Kitô là nhân tính lành mạnh, nên trong thực tế chỉ có một ý muốn nơi Đức Kitô, do sự phù hợp giữa hai ý chí. Theo Maxime le Confesseur, Đức Thánh Cha chỉ muốn loại trừ ý muốn xấu nơi Đức Kitô, chứ không phải ý muốn nhân loại tự nhiên.

 

Đức Thánh Cha Onorio, có lẽ vì đã tin lời Sergio, coi cuộc tranh luận chỉ là một vấn đề từ ngữ không quan trọng, nhưng cần phải giải quyết để có sự bình an trong Giáo Hội, nên đã vô ý nói một cách bình dân điều được tranh luận trên bình diện thần học. Người không lường được hậu quả câu nói của mình.

 

3. Văn kiện Ekthesis (638) của hoàng đế Eraclio.

 

Bản Ekthesis (trình bày đức tin) là một bản văn, vừa viết lại nội dung văn kiện của Sergio, vừa thêm vào ý kiến tán đồng của Đức Thánh Cha Onorio, được hoàng đế Eraclio (610-641) ban hành năm 638 cho toàn đế quốc.

 

Trong đó, mọi người được yêu cầu đừng đề cập đến vấn đề một hay hai năng lực nơi Đức Kitô, với cùng những lý do đưa ra bởi Sergio.

 

Nhưng cũng trong văn kiện này, người ta nói minh nhiên hơn về một ý muốn duy nhất nơi Đức Kitô : “Chúng tôi khẳng định một ý muốn duy nhất (hen théléma) của Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta, là Thiên Chúa thật theo nghĩa : không có lúc nào xác phàm của Chúa đã tỏ lộ sự nghiêng chiều tự nhiên của mình cách riêng lẻ và bởi năng lực riêng của mình chống lại quyết định của Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với xác phàm ấy theo Ngôi Vị” (sec hypostasim).

 

Cũng như các văn kiện “dung hợp” khác, văn kiện Ekthesis, vừa không thỏa mãn phái nhất-tính-thuyết, vừa bị khước từ bởi phái nhị-tính-thuyết, đặc biệt là Maxime le Confesseur và Đức Thánh Cha Martino I.

 

B. MAXIME LE CONFESSEUR (579-662).

 

Sau một thời gian chấp nhận giáo lý của Sergio, từ năm 634 đến năm 640, Maxime suy tư chín mùi dần, cuối cùng đã đi đến chỗ công nhận ý muốn nhân loại nơi Đức Kitô. Nền tảng hữu thể học của lập trường của ông là sự phân biệt giữa bản tính và ngôi vị, cả trên bình diện Ba-Ngôi-học lẫn bình diện Kitô-học.

 

Công thức Kitô-học chủ yếu của Maxime là “Ngôi Vị Duy Nhất của Đức Kitô và hai bản tính của Ngài” (ex 2 naturis, in 2 naturis, 2 naturae) : “Đức Kitô, tự bản tính là Thiên Chúa và là con người. Ngài sở hữu tự bản tính điều gì riêng cho từng bản tính : ý muốn và năng lực thần linh, cũng như ý muốn và năng lực nhân loại.

 

Khoảng năm 641, trong một tiểu phẩm hoàn toàn bàn về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ở Vườn Cây Dầu, Maxime đã giải đáp cách xuất sắc vấn đề do nhất-tính-thuyết đặt ra, dựa vào cơn hấp hối của Chúa.

 

Maxime, lần đầu tiên trong lịch sử thần học, đã nhấn mạnh “ý muốn nhân loại” của Đức Kitô trong việc chấp nhận khổ nạn. Trước ông, người ta thường gán sự từ khước cho ý muốn nhân loại, và thái độ vâng phục cho ý muốn thần linh.

 

Còn Maxime thì gán việc chấp nhận cuộc khổ nạn cho ý muốn nhân loại của Đức Kitô. Trong lời cầu nguyện ở Vườn Cây Dầu, phái “nhất-ý-thuyết” coi đó là chứng cớ để phủ nhận ý muốn nhân loại của Đức Kitô, còn Maxime thì coi đó là hành vi cao cả nhất của ý muốn nhân loại nơi Đức Kitô, hoàn toàn thuận theo thánh ý Chúa Cha, cũng là ý muốn của Ngài (là Chúa Con) : “Nếu ngươi cho rằng câu : “Đừng cho ý của Con, mà là ý của Cha được thành sự”(Lc 22,42) không phải do một con người như chúng ta, nhưng do con người mà chúng ta coi là Đấng Cứu Thế, thì ngươi đã công nhận sự thuận tình của ý muốn nhân loại với ý muốn thần linh, vừa là ý muốn của Ngài, vừa là ý muốn của Chúa Cha. Như vậy, ngươi đã công nhận là nơi Đấng có hai bản tính, có hai ý muốn và hai năng lực phù hợp với từng bản tính. Hai  bản tính và hai năng lực ấy thuộc về Đấng không gặp sự chống đối từ một bản tính nào cả, mặc dù Đấng ấy vẫn bảo toàn nguyên vẹn sự khác biệt giữa hai bản tính, từ chúng, trong chúng và chúng là chính mình Ngài tự bản tính”.

 

Chúa Cha muốn Chúa Con uống chén khổ nạn để cứu độ chúng ta. Và Chúa Con cũng muốn như thế bởi cùng một ý muốn với Chúa Cha. Hơn thế nữa, Ngài muốn bởi ý muốn nhân loại riêng của Ngài.

 

Có thể tóm lại trong một công thức sẽ được Thượng Hội Đồng Latran năm 649 xác nhận : “Vì điều này là, theo hai  bản tính, từ chúng, trong chúng, Ngài là Ngôi Vị của chúng, mà tự bản tính Ngài mang lại ơn cứu độ cho chúng ta”.

 

Theo Maxime, công trình cứu chuộc không chỉ phát xuất từ ý muốn thần linh mà thôi, mà còn bởi ý muốn nhân loại của Đức Kitô nữa. Có thể cho rằng giai đoạn I của mầu nhiệm Nhập Thể là do ý muốn chung của cả Ba Ngôi Thiên Chúa . Giai đoạn II là sự vâng phục và sự chết bắt nguồn từ ý muốn nhân loại của Đức Kitô. Như vậy, sự vâng phục Chúa Cha cũng là sự hòa hợp giữa hai ý muốn nơi Đức Kitô, với nhau và với Chúa Cha. Đức Kitô vâng phục Chúa Cha ngay cả trên bình diện con người. Sự vâng phục con người Đức Kitô đối với Chúa Cha, chính là “bộ mặt nhân loại” của sự hữu thần linh của Ngài, luôn hướng về Cha, vâng theo Cha mọi đàng.

 

C. CÔNG ĐỒNG LATRAN NĂM 649.

 

Để chống lại sắc lệnh của hoàng đế Constant II cấm nói tới hai ý muốn và hai năng lực nơi Đức Kitô, Đức Thánh Cha Martino I (649-655) triệu tập Công Đồng Latran năm 649. Công Đồng phủ nhận sự cấm đoán của hoàng đế và làm sáng tỏ ý nghĩa của hai ý muốn nơi Đức Kitô, trên bình diện hữu thể cũng như trên bình diện cứu chuộc.

 

Công Đồng Latran khẳng định ba điều cốt yếu :

 

Hai ý chí nơi Đức Kitô ;

Đức Kitô muốn cứu độ chúng ta, cả với tư cách là con người ;

Sự phù hợp giữa bình diện hữu thể và bình diện cứu chuộc.

 

Chúng tôi trích hai trong số các Canons của Công Đồng :

 

“Ai không tuyên xưng, theo các thánh phụ, theo nghĩa đen và đích thực, hai ý chí kết hiệp với nhau mật thiết của cùng một Đức Kitô Thiên Chúa, đó là ý chí thần linh và ý chí nhân loại, bởi hai ý chí thuộc hai bản tính, Ngài đã muốn cứu độ chúng ta. Người ấy phải vạ tuyệt thông.

 

“Ai không tuyên xưng, theo các thánh phụ, theo nghĩa đen và đích thực, hai năng lực kết hiệp mật thiết của cùng một Đức Kitô Thiên Chúa, đó là năng lực thần linh và năng lực nhân loại : Người ấy phải vạ tuyệt thông”.

 

D. ĐỊNH TÍN CỦA CÔNG ĐỒNG CONSTANTINOPLE III (680-681).

 

Công Đồng Constantinople III được hoàng đế Constantino IV triệu tập với sự đồng tình của Đức Thánh Cha Agatone (678-681), kéo dài từ 07.11.680 đến 16.9.681, nhằm lên án “nhất-ý-thuyết” và soạn thảo một công thức đức tin.

 

Bản văn định tín của Công Đồng có thể chia làm 5 phần :

 

Phần I lấy lại gần như hoàn toàn bản văn định tín của Chalcédoine.

 

Phần II khẳng định hai ý chí nơi Đức Kitô, nhấn mạnh sự phân biệt đồng thời với sự hòa hợp : “Theo giáo huấn của các thánh phụ, chúng tôi tuyên bố nơi Đức Kitô có hai ý chí do bản tính và có hai năng lực do bản tính, không tách rời, không biến đổi, không chia cắt, không lẫn lộn. Và hai ý chí do bản tính ấy không đối ngược nhau - như những người lạc giáo vô đạo đã nói - Ý chí nhân loại tuân theo, chứ không đối lập hoặc ngăn trở, hơn thế nữa, còn “phục tùng” ý chí thần linh và quyền năng”.

 

Phần III khẳng định hai năng lực (sinh hoạt) nơi Đức Kitô : “Chúng tôi cũng tôn vinh hai năng lực do bản tính, không tách rời, không biến đổi, không chia cắt, không lẫn lộn, nơi cùng một Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật của chúng ta,nghĩa là năng lực thần linh và năng lực nhân loại, theo như lời lẽ rất minh bạch của Léon : mỗi bản tính thể hiện phần riêng của mình, hiệp thông với bản tính kia”.

Phần IV là tổng hợp vắn tắt giáo lý của Hội Thánh trước đó, nhưng được đặt trong tương quan với những khía cạnh cứu chuộc học bao hàm trong ấy, để rồi kết luận : “Chúng tôi tôn vinh hai ý chí và hai năng lực (sinh hoạt) do bản tính, cả hai cộng tác với nhau để cứu độ nhân loại”.

Phần V là lời căn dặn, răn đe không được phép dạy một giáo lý nào khác.


Trở về Mục Lục Thần Học | Về Trang Nhà