THẦN HỌC HYLẠP

BA NGÔI MỘT CHÚA

 

ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc

 

NỘI DUNG

 

I.       Phương hướng của thần học Hylạp

II.     Ưu thế của quan điểm Hylạp

III.    Khúc mắc trong quan điểm Hylạp và nỗ lực giải quyết

IV.     Perichoresis : Ba Ngôi tương hướng, tương giao, tương hiệp và tương tại

       Nhận định

 

DẪN NHẬP

 

Với Công Đồng Vatican II, Giáo Hội khám phá lại gia tài rất lớn của mình. Giáo Hội không những chỉ thừa kế kho tàng tư tưởng thần học Tây phương, mà còn được ảnh hưởng các Giáo phụ Hylạp Đông phương.

 

Ở đây, chúng ta không dừng ở các sự kiện lịch sử đã chia cắt Giáo Hội. Nhưng chúng ta sẽ nỗ lực tìm hiểu thần học Hylạp, đặc biệt trong lãnh vực mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, để múc lấy những chấùt dinh dưỡng phong phú và bổ sung cho thần học Latinh.

 

Chúng ta bắt đầu bằng nhận định của một nhà lịch sử thần học :

“Mỗi giai đoạn thần học có một đặc tính riêng. Dù tất cả chân lý mạc khải đều được dạy dỗ trong Giáo Hội, mỗi giai đoạn vẫn có những nét nổi bật rõ hơn.

 

Riêng về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, trong những năm hậu Công đồng Nixê, giáo lý được nhấn mạnh trực tiếp và nhiều nhất là sự Ngang Bằng Bản Thể giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng trong giai đoạn trước đó, người ta nhấn mạnh nhiều hơn đến sự khác biệt cụ thể giữa các ngôi vị thần linh và ưu vị đặc biệt của Thiên Chúa Cha” (Ginoulhiac, Histoire du dogme cath, 1. VIII, c.1).

 

I. PHƯƠNG HƯỚNG CỦA THẦN HỌC HYLẠP

 

Giống như trường hợp người Dothái, ý niệm đầu tiên về Thiên Chúa của người kitô-hữu hướng họ tới một chủ vị cụ thể, thực tiễn, cá nhân. Chủ vị đó là Thiên Chúa, Thiên Chúa duy nhất, vĩnh cửu, vô hạn, tuyệt đối, hoàn hảo, quyền năng.

 

Chủ vị đó là Cha. Vì Người là Cha, Người có một Vị Con. Người ban cho Vị Con này tất cả bản thể của mình. Do đó. Chúa Con có cùng một bản thể với Chúa Cha, không phải chỉ có bản thể giống như Cha, nhưng có cùng một bản thể, vì sự hoàn hảo kỳ diệu của hành vi nhiệm sinh.

 

Chúa Cha còn có một Thần Khí phát xuất từ Người và nhận lãnh trọn vẹn bản thể thần linh nơi Người. Thánh Thần ấy phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Con và có cùng một bản thể với Chúa Cha và Chúa Con.

 

Một ít người khẳng định vội vã và hàm hồ rằng thần học Công giáo, vì chịu ảnh hưởng triết học Hylạp, càng ngày càng trở nên trừu tượng và xa rời Kinh Thánh.

 

Trong trường hợp thần học Hylạp về Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta không thể nói như vậy. Thần học Hylạp thực ra rất cụ thể và gần gũi với Kinh Thánh. Thần học không khởi sự từ một Bản thể Thần Linh Tuyệt Đối, tổng quát và trừu tượng. Thần học đã không bắt đầu từ “Tuyệt-đối-thể” của triết học, từ một thiên tính hay thần tính, để từ đó diễn dịch ra các ưu phẩm như trong Thượng đế học. Nhưng thần học đã khởi sự từ một Đấng cụ thể, một chủ thể cá vị mà Mạc khải luôn luôn nhắc tới, đó là Thiên Chúa, là Thiên Chúa Giavê của người Dothái, và là Thiên Chúa Cha của người kitô-hữu. Từ Thiên Chúa chủ vị này, thần học đã lần lượt nói đến các Ngôi Vị khác. Và khi nói đến các Ngôi vị khác, tín lý khẳng định là các Ngôi vị ấy có cùng một bản thể với Thiên Chúa Cha.

 

Nói cách khác, ý tưởng đầu tiên không phải là bản tính thần linh “chứa đựng” trong các Ngôi vị, nhưng là các Chủ vị có cùng một bản thể thần linh. Hai điều này vừa hoàn toàn như nhau, vừa rất khác biệt. Nôải dung chân lý vẫn là một, nhưng nhìn từ hai quan điểm đối ngược nhau. Và hai quan điểm đối ngược này đã đưa tới hai phương hướng thần học khác nhau, không thể dung hợp một cách cẩu thả, nhưng có thể bổ sung và làm giàu cho nhau.

 

Cách nhìn Hylạp về Ba Ngôi miễn trừ cho thần học rất nhiều công việc. Thần học không phải nỗ lực phân tích tác động của Yếu Tính thần linh để giải nghĩa các nhiệm xuất. Thần học chỉ nhìn ngắm các Ngôi vị và tương quan hữu cơ giữa các Ngài. Thần học dừng lại ở từng Ngôi vị, và suy niệm sự giàu có của từng Ngôi vị. Ngôi vị Chúa Cha có “mọi sự” và Ngài ban “tất cả” chính mình Ngài cho Chúa Con, và Chúa con chuyển giao lại cho Chúa Thánh Thần.

 

Thần học Hylạp không chú trọng trước tiên tới Duy Nhất tính của Bản thể Thần Linh. Đó là một ý niệm đến sau.

 

Cả Ba Ngôi đều có cùng một bản thể. Vì sao ?

 

Bởi vì Chúa Cha là Bản Thể Thần Linh, khi ban chính mình cho Chúa Con, ban trọn vẹn bản thể mình, nên Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha. Các “nhiệm xuất” không phát sinh từ bản thể duy nhất, nhưng bản thể duy nhất là kết quả của các nhiệm xuất.

 

Để chứng minh, chúng tôi trích dẫn Giáo phụ Gioan Đamascênô, người đã thực hiện trọn vẹn nhất tổng hợp thần học theo quan điểm Hylạp :

 

“Chúa Cha hiện hữu do chính mình. Mọi sự Ngài có đều không do ai khác. Ngài là Nguồn Suối, là Khởi Nguyên của bản thể và cách thế hiện hữu của các Ngôi Vị. Tất cả những gì Chúa Con và Chúa Thánh Thần có, kể cả Bản Thể, là do Chúa Cha. Nếu Chúa Cha không hiện hữu, không có Chúa Con, cũng chẳng có Chúa Thánh Thần. Nếu Chúa Cha không có một điều gì thì Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng chẳng có. Chính nhờ Chúa Cha, nghĩa là vì Chúa Cha hiện hữu mà Chúa Con hiện hữu và Chúa Thánh Thần hiện hữu. Chính nhờ Chúa Cha mà Chúa Con và Chúa Thánh Thần có tất cả những gì các Ngài có, nghĩa là bởi vì Chúa Cha có tất cả những điều đó, chúng ta hãy trừ ra sự “bất khả thụ sinh”, việc “Làm Con” và sự “Nhiệm Xuất”. Ba Ngôi Chí Thánh chỉ phân biệt nhau qua những đặc tính Ngôi vị ấy thôi. Các Ngài phân biệt mà không phân chia, không phải do bản thể, nhưng do đặc tính riêng của mỗi Ngôi Vị” (De Fide Orthodoxa, 1. I, c.VIII).

 

Khác với hình ảnh tam giác, thường dùng trong thần học Latinh để giải thích tương quan giữa Thiên Chúa Ba Ngôi, hình ảnh nên dùng để giải thích quan điểm Hylạp là con đường thẳng khởi sự từ Chúa Cha, thông qua Chúa Con, và kết thúc ở Chúa Thánh Thần. Tất cả thần tính phát sinh từ Chúa Cha “hình thành” Chúa Con và lôi cuốn Chúa Con “hình thành” Chúa Thánh Thần. Điểm kết thúc của vận hành theo đường thẳng là Chúa Thánh Thần. Công thứùc được sử dụng thường xuyên là “bởi Cha, qua Con và trong Thánh Thần”.

 

II. ƯU THẾ CỦA QUAN ĐIỂM HYLẠP

 

Phương hướng của thần học Hylạp có rất nhiều ưu điểm.

 

Cái nhìn Hylạp sinh động và chủ vị hơn quan điểm Latinh. Thần học Hylạp đối lập Ngôi vị với Bản thể. Ngôi vị “có” Bản thể. và Bản thể ở trong Ngôi vị. Do đó việc Chúa Cha sinh ra Chúa Con không được coi như sinh hoạt thuộc về bản thể thần linh, nhưng là một hành vi trao ban. Chúa Cha trao ban chính mình cho Chúa Con, và Chúa Con nhận lãnh sự sống từ Chúa Cha. Chúa Thánh Thần cũng lãnh nhận từ Chúa Cha qua Chúa Con. Các hành vi cơ bản này khác với trường hợp các hành vi xảy ra giữa con người với nhau vì là những hành vi vĩnh cửu thiết lập các Ngôi Vị.

 

Thần học Hylạp khẳng định một cách vững chãi “bản thể không sinh ra và cũng chẳng được sinh ra” (D 804). Quan điểm này tránh được ý niệm “Bản tính thần linh” trừu tượng chung cho cả Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng không vì thế mà thiếu sự duy nhất. Vẫn có một Bản thể duy nhất nhưng bản thể luôn luôn được quan niệm trong một Chủ vị sở hữu, hoặc là Ngôi vị ban phát, hay là Ngôi vị đón nhận. Bản thể vẫn là một, dù thuộc về nhiều “sở hữu chủ”, giống như kho tàng trong tay người cho và trong tay người nhận vẫn là một.

 

Thánh Athanasiô, để chống lạc giáo Ariô, không sử dụng những phạm trù tổng quát và trừu tượng, nhưng dùng những chữ rất cụ thể rút từ Kinh Thánh như : có, cho, ban, nhận, lãnh…

 

“Mọi sự Cha Ta có đều là của Ta” (Ga 5,26). Như Cha có sự sống trong chính mình thế nào, Ngài cũng cho Con có sự sống trong chính mình như vậy.

 

… Chúng ta phải nói rằng Chúa Cha có từ đời đời. Vậy phải chăng là phi lý khi dám bảo rằng Chúa Con không hiện hữu từ đời đời, vì chính Chúa Con đã khẳng định “Cha có sao, Con có vậy” ? Ngôi Lời đáng tin cậy. Điều Người nói là đã lãnh nhận, Người sở hữu từ đời đời và lãnh nhận từ Chúa Cha. Chúa Cha sở hữu nhưng không lãnh nhận từ ai khác, Chúa Con sở hữu nhờ lãnh nhận từ Chúa Cha” (Contra Arianos, orat. III, 36).

 

Trong ý niệm “sở hữu” và “ban phát”, Athanasiô gói ghém duy-nhất-tính Bản thể cùng với sự tương tại sinh động giữa các Ngôi Vị Thần Linh :

 

“Khi đã ban tất cả cho Chúa Con, Chúa Cha sở hữu một cách mới mẻ trong Chúa Con. Và khi Chúa Con sở hữu, Chúa Cha lại được sở hữu. Thần tính của Chúa Con là thần tính của Chúa Cha, như thể Chúa Cha cai quản mọi loài trong Chúa Con” (ib.).

 

Khi suy niệm về Tạo Dựng và các công trình khác của Thiên Chúa, tư tưởng các Giáo phụ Hylạp liên hệ tức thời tới các Ngôi Vị hành động. Chúa Cha tạo dựng mọi sự nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Lược đồ đường thẳng lại đưọỉc áp dụng cho việc tạo dựng. Công trình tạo dựng phát xuất từ Chúa Cha, hình thành qua Chúa Con, và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần. Nói theo kiểu thánh Cyrilô thành Giêrusalem : “Chúa Cha ban mọi ơn lành qua Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Cathéchèse XVI,24).

Có thể phân biệt rõ ràng vai trò của các Ngôi Vị trong việc tạo dựng. Vai trò của Chúa Cha là ra lệnh vì Người là Nguồn Suối làm phát sinh cả công trình tạo dựng. Các Ngôi Vị khác “vâng phục”, thi hành sáng kiến của Chúa Cha. Các Đấng giống như những cánh tay và bàn tay của Chúa Cha.

 

Chúa Con là Minh Trí và là Quyền Năng của Chúa Cha, do đó, Ngài là Đấng kiến tạo vũ trụ. Thánh Thần hoàn tất, kết thúc mọi công trình của Chúa Cha. Ngài là nơi các tạo vật đạt tới trật tự, an nghỉ và hoàn hảo. Vì thế, chính ở trong Ngài mà mọi sự được chu toàn, từ vẻ đẹp thiên nhiên đến vẻ đẹp tinh thần, từ sự hoàn hảo thể lý đến lòng đạo đức thánh thiện. Theo lời thánh Athanasiô, “chính Chúa Cha làm mọi sự và ban cho mọi sự nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần” (ad Serapion III,5).

 

Trong công trình tạo dựng, mỗi Ngôi Vị đều hành động, nhưng công trình vẫn duy nhất, vì chỉ có một Cội Nguồn là Chúa Cha, và chỉ có một sự hoàn tất trong Chúa Thánh Thần.

 

Để chống lạc giáo Ariô, các giáo phụ thế kỷ IV nhấn mạnh nhiều hơn đến khía cạnh đồng bản thể giữa Ba Ngôi Vị, nhưng vẫn tiếp tục gán cho mỗi Ngôi Vị một hành động riêng.

 

“Trong công trình tạo dựng, hãy ngắm nhìn Nguyên Nhân Cội Nguồn của mọi tạo vật, đó là Chúa Cha ; Nguyên Nhân Hành Động là Chúa Con ; Nguyên Nhân Hoàn Tất là Chúa Thánh Thần…

Đừng gán cho tôi ý tưởng này là : Ba Ngôi vị là Ba Nguyên Lý, hoặc hành vi của Chúa Con không trọn vẹn. Chỉ có một “Nguyên Lý” hữu thể tác động qua Chúa Con và hoàn tất trong Thánh Thần. Đừng bảo rằng hành động của Chúa Cha, là Đấng làm nên mọi sự trong tất cả, không hoàn hảo ; hoặc Chúa Con để cho Thánh Thần làm trọn công việc của Ngài. Chúa Cha không cần Chúa Con, vì Người có thể hành động một mình, nhưng Người muốn hành động nhờ Chúa Con. Chúa Con cũng thế, Ngài không cần trợ giúp, vì Ngài cũng hành động như Chúa Cha, nhưng Chúa Con muốn hoàn tất nhờ Thánh Thần…

 

Hãy nhìn nơi Ba Ngôi : Vị Chúa ra lệnh, Ngôi Lời tác thành và Thánh Thần củng cố…” (Basilius, Lib. de Spiritu Sancto, c. XVI, 38).

 

Thánh Gioan Damascênô tóm tắt giáo lý của các giáo phụ Hylạp về sự phân biệt giữa Ba Ngôi một cách cô đọng và rõ ràng :

 

“Tất cả những gì phù hợp với Khởi Nguyên, với Nguồn Suối, với Đấng Sinh Ra, chỉ phù hợp cho Chúa Cha. Tất cả những gì phù hợp với Đấng từ Khởi Nguyên mà ra, với Quyền Năng, Ý Muốn, Minh Trí, chỉ phù hợp với Chúa Con. Tất cả những gì phù hợp với Đấng từ Khởi Nguyên, Đấng Nhiệm Xuất, Đấng Biểu Lộ, Đấng Hoàn Tất, chỉ phù hợp cho Chúa Thánh Thần” (De Fide Orthodoxa, lib.I).

 

Tóm lại, thuận lợi lớn nhất của thần học Hylạp là trực tiếp đềâ cập tới các Ngôi Vị Thiên Chúa trong những vấn đề vũ trụ và nhân sinh. Khi nói đến tạo dựng, quan phòng, cứu cánh tối hậu… chúng ta dễ dàng nghĩ tới các Ngôi Vị một cách cụ thể. Thay vì dùng cách nói tổng quát và trừu tượng như “Thiên Chúa quan phòng”, chúng ta có thể nhắc lại lời Đức Giêsu trong Phúc Âm : “Cha các ngươi biết các ngươi cần gì”. Thay vì nói : “Chúa không muốn các ngươi lỗi đức thanh sạch”, chúng ta nhớ tới lời của Phaolô : “Các ngươi không biết thân xác các ngươi là chi thể của Đức Kitô ?… là Đền thờ của Thánh Thần sao ?”

 

Thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi không chỉ là một phần của thần học tín lý, và là phần khô khan, trừu tượng, khó hiểu nhất, nhưng trở thành “nền tảng” cho mọi phần khác của thần học, và hiện diện trong mọi phần khác. Không một chân lý đức tin nào mà không liên hệ tới Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta nhìn mỗi thựỉc tại trong tương quan, hoặc với Chúa Cha, hoặc với Chúa Giêsu, hoặc với Chúa Thánh Thần, hoặc với cả Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

Giống như Đức Kitô, người kitô-hữu nghĩ tới Chúa Cha một cách rất tự nhiên, dễ dàng và có một ý thức cụ thể và sinh động về vai trò của Chúa Thánh Thần.

 

III. KHÚC MẮC TRONG QUAN ĐIỂM HYLẠP VÀ NỖ LỰC GIẢI QUYẾT.

 

Khó khăn lớn nhất của Thần học Hylạp là không “hiệp nhất” được Ba Ngôi : Thiên Chúa khó được quan niệm dưới khía cạnh duy nhất, nhưng dễ bị lôi vào chiều hướng Ba cá vị ; chính vì thế dễ bị các lạc giáo Sabelliô, Ariô chống đối và chỉ trích.

 

Các giáo phụ luôn ghi nhớ là chỉ có một Thiên Chúa. Nhưng gặp rất nhiều trở ngại trong việc giải thích vì sao Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa, mà chỉ có một Thiên Chúa Duy Nhất.

 

Để chống lạc giáo Ariô, các giáo phụ cố gắng minh chứng Chúa Con đồng vĩnh cửu, bất biến, vô hạn, quyền năng như Chúa Cha. Chúa Con có cùng một bản thể với Chúa Cha.

 

Giáo phụ Grêgôriô thành Nysse, vì khuynh hướng triết học Platon của ông, đã có lần giải thích sựỉ duy nhất của Thiên Chúa như một sự duy nhất giống loại, Nhưng thánh Basiliô và Grêgôriô thành Nazian đã nhìn thấy sự sai lầm và để ý sửa chữa. Basiliô chống lại việc áp dụng nguyên tắc phân loại vào trường hợp Ba Ngôi Thiên Chúa. Theo ông, không thể xếp Thiên Chúa vào bảng phân loại hữu thể của Porphyre (l’arbre de Porphyre), vì bảng này dựa trên phương pháp trừu xuất (abstraction). Trong Thiên Chúa, không có gì là trừu tượng. Người là thựỉc tại “cụ thể” nhất.

 

Grêgôriô thành Nazian cũng không đồng ý với tư tưởng của Grêgôriô thành Nysse giản lược Thiên Chúa vào sự duy nhất giống loại :

 

“Chỉ có một Thiên Chúa, vì chỉ có một thần tính… mặc dù vẫn là Ba theo như đức tin. Không có chuyện Ngôi vị này là Thiên Chúa nhiều hơn, Ngôi vị kia là Thiên Chúa ít hơn ; Ngôi vị này là Thiên Chúa trước Ngôi vị kia là Thiên Chúa sau. Các Ngôi vị không phân chia trong ý chí, không tách biệt trong quyền năng. Trong Thiên Chúa, không gì có thể gợi ra sự phân chia. Tắt một lời, Thần tính không phân chia trong các Ngôi vị phân biệt. Giống như “ánh sáng duy nhất” trong cả Ba Mặt Trời thấm nhập vào nhau. Khi chúng ta nhắm đến Thần tính, Nguyên Nhân Đêả Nhất, Quyền Nhất Chủ, chúng ta nhìn thấy một Thiên Chúa. Nhưng khi chúng ta nhìn các Ngôi vị thần linh, các Ngôi vị phát xuất từ Khởi Nguyên đầu tiên, đồng vĩnh cửu và vinh quang, chúng ta thờ lạy Ba ngôi” (Theo. V, orat. XXXI,14).

 

Ông còn nhấn mạnh sự khác biệt giữa con người và Thiên Chúa. Nơi con người, chỉ có sự duy nhất ở cấp bậc trừu xuất. Nhưng nơi Thiên Chúa không có sự duy nhất trừu tượng ; bản tính Thiên Chúa vừa là duy nhất vừa là cá biệt.

 

Gioan Damascênô, tiếp nối công trình của Grêgôriô thành Nazian, khẳng định rằụng không thể phân biệt Ngôi vị và Bản thể. Mỗi ngôi vị Thần linh là Thiên Chúa trọn vẹn, là Thiên Chúa Duy Nhất. Chỉ có thể phân biệt đặc thù và phổ quát nơi tạo vật, vì chỉ nơi tạo vật mới có sự phân biệt giữa chủ thể tham gia và thực tại được tham gia. Nơi Thiên Chúa, chủ thể có thần tính là thần tính.

 

Một cách khác để chứng minh sự duy nhất của Thiên Chúa là đề cao sự duy nhất trong hành động của Người :

 

“Chúng ta phải để cho các hành vi của Thiên Chúa mà chúng ta biết được hướng dẫn chúng ta đến sự hiểu biết bản thể Thiên Chúa… Ấy vậy, nếu chúng ta thấy hành động của Chúa Cha khác với Chúa Con, hành động của Chúa Con khác với Chúa Thánh Thần, chúng ta kết luận Ba Vị không cùng bản thể. Nhưng nếu chúng ta nhận rằng hành động của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hoàn toàn duy nhất và không có sự khác biệt, chúng ta phải kết luận rằng chỉ có một bản thể duy nhất” (Basilius, Ad Eustathium archiatrum, epist. 189,6).

 

Các giáo phụ Hylạp vẫn nghĩ rằng, theo Kinh Thánh, mỗi tác động thần linh đều xuất phát từ Thánh Thần, bởi Chúa Cha và Chúa Con. Hầu hết các ông đều tựa trên Sự Duy Nhất Hành Động của Ba Ngôi để chứng minh tính “Đồng-Bản-Thể”. Các hành vi của Thiên Chúa là những hành động cụ thể, do đó phát xuất từ một Chủ vị cụ thể. Sự Duy Nhất của Thiên Chúa không chỉ là sự duy nhất giống loại, nhưng là sự duy nhất cụ thể, nghĩa là chỉ có một Thiên Chúa mà thôi.

 

Còn sự phân biệt vai trò và các Ngôi vị trong công trình tạo dựng và cứu độ ?

 

Ở đây lại phải dùng hình ảnh con đường thẳng đứng để tìm hiểu tư tưởng thần học Hylạp :

“Chúng tôi dạy rằng Ý Muốn thần linh phát xuất từ Nguyên Nhân Đệ Nhất như là một Nguồn Suối, trở thành hành động qua Ngôi Lời là Hình Ảnh của Người” (Basilius, Contra Eunom, Lib, II, M, XXIX, Col. 617).

 

Thánh ý Chúa Cha không thay đổi gì, khi được thực hiện qua Chúa Con, vì Chúa Con là hình ảnh Chúa Cha. Công việc duy nhất đều liên hệ tới cả hai.

 

Grêgôriô thành Nysse dùng ví dụ “ơn thánh” để giải thích hành động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo Kinh Thánh, ơn sủng đến với chúng ta do Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Không vì thế mà chúng ta có ba đời sống ân sủng. Chúng ta chỉ có một sự sống do Chúa Cha ban cho, do Chúa Con sắp đặt và tùy thuộc vào Chúa Thánh Thần. Như thế hành động của Ba Ngôi Thiên Chúa không bị phân chia theo số Ngôi vị, nhưng là một sinh hoạt duy nhất do ý muốn bao dung của Thiên Chúa, một sự sắp đặt duy nhất phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Con hướng tới Chúa Thánh Thần. Chúng ta không gọi Đấng tạo nên một sự sống duy nhất là Ba Đấng ban sựỉ sống, các Đấng tốt lành là Ba Đấng tốt lành. Chúng ta không thể gọi các Đấng tác động trên chúng ta và tất cả tạo vật bằng một quyền năng duy nhất là ba Thiên Chúa. Quyền năng phát xuất từ Chúa Cha, thực hiện qua Chúa Con và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần (x. Quod Non sint tres dei ? M. XLV, col. 125).

 

Hành động duy nhất, bản tính duy nhất, vì chỉ có một bản thể duy nhất. Chúa Cha là Chúa Cha, Chúa Con là Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Chúa Thánh Thần ; nhưng sự đồng nhất về bản thể làm cho cả Ba thành Một (x. Cirillus Alexandrinus, Contra Julianum ; lib.IV ; M. LXXVI, col. 725).

 

Chúa Con không phải là Chúa Cha, vì chỉ có một Cha, nhưng Chúa Con là thực tại Chúa Cha là. Thánh Thần không phải là Chúa Con, vì chỉ có một Chúa Con, nhưng Thánh Thần là thực tại Chúa Con là. Cả Ba là Một về thần tính. Nhưng Một là Ba về Ngôi vị. (x. Gregorius Nazianzenus, orat. XXXI, 9, M, XXXVI, col. 144).

Grêgôriô thành Nazian có tư tưởng rất gần với các giáo phụ Latinh :

 

“Phải thờ lạy Đấng Duy Nhất trong Ba Ngôi, và Ba ngôi trong Đấng Duy Nhất, vì đây là một mầu nhiệm phân biệt và hiệp nhất” (In laudem Heronis, orat. XXV,17, M. XXXV, col. 1221).

 

“Khi tôi nói đến Thiên Chúa, các người phải cảm thấy mình tắm gội trong Một Ánh Sáng Duy Nhất và trong ba ánh sáng. Tôi nói là Ba, nghĩa là Ba ngôi Vị. Tôi nói là Một, nghĩa là Một Thần tính. Có sự phân chia không phân chia. Có sự nối kết và phân biệt. Đấng Duy Nhất trong Ba Ngôi là thần tính. Nhưng Ba Ngôi lại là Một Đấng Duy Nhất. Đó chính là Ba Ngôi có thần tính, hay đúng hơn Ba Ngôi là thần tính” (orationes XXXIX,11).

 

Qua mấy dòng trên của Grêgôriô thành Nazian, quan điểm thần học Hylạp có vẻ như trùng hợp với quan điểm thần học Latinh. Thực ra, chỉ là một sự gặp gỡ không có tác dụng đồng hóa. Lý thuyết “Thâu Kết” là đặc điểm của thần học Hylạp, làm sáng tỏ quan điểm của thần học này, tuy khẳng định cùng một nội dung với thần học Latinh, vẫn có một cái nhìn khác.

 

Thần học Hylạp rất gần với huấn quyền La mã trong những thế kỷ đầu. Ở đây chúng ta trích dẫn một lá thư tín lý của Thánh Denis thành Rôma gởi cho Denis thành Alexandria :

 

“Ngôi Lời thần linh phải kết hợp với Thiên Chúa mọi loài. Thánh Thần phải trở về cư ngụ và sống trong Thiên Chúa. Ba Ngôi phải được thâu hồi lại trong Một Đấng Duy Nhất, nghĩa là trong Thiên Chúa mọi loài, Đấng Toàn Năng” (De Decretis Nicaenae synodi, 26, M. XXV, col 464).

 

Grêgôriô thành Nazian, mặc dù có rất nhiều ý tưởng giống các giáo phụ Latinh, vẫn trung thành với quan điểm Hylạp. Ông vẫn nhìn sự Duy Nhất của Thiên Chúa trong Chúa Cha. Sau đây là lời phát biểu của ông tại Công Đồng Contanstinôpôli :

 

“Dù tôi có đề cao Chúa Con và Chúa Thánh Thần mấy đi nữa, tôi vẫn không đặt các Vị lên trên Chúa Cha và không tách biệt các Vị ra khỏi Đấng Khởi Nguyên. Tôi đề cập tới sự sinh ra cao vời và sự phát xuất kỳ diệu. Vậy thì, hỡi kẻ theo Ariô, tôi hỏi ngươi : ai trong chúng ta làm giảm Uy Danh Thiên Chúa ? Có phải ngươi cũng công nhận Người là Khởi Nguyên các tạo vật, nhưng lại từ chối không nhận Người là Khởi Nguyên của các Vị cùng bản thể và cùng vinh quang với Người như chúng tôi tuyên xưng ?

Đối với tôi, khi khẳng định rằng Khởi Nguyên Thần tính ở ngoài thời gian, không thể phân chia và không thể định nghĩa, tôi tôn vinh trước tiên Đấng Khởi Nguyên, và cùng một mức độ, tôi cùng tôn vinh các Vị phát xuất từ Đấng Khởi Nguyên. Tôi tôn vinh các Vị khác, vì các Ngài từ Khởi Nguyên mà ra, nhưng không tách biệt với Khởi Nguyên bởi thời gian hay bản thể… Các Vị đều là Một, nhưng phân biệt. Các Vị phân biệt nhưng là Một. Các Vị đều xứng đáng được tôn thờ trong tương quan với nhau hoặc riêng từng Vị”. (De Pace III, Orat. XXIII, 7 - 8 ; M. XXXV, col 1157).

 

Theo Grêgôriô thành Nazian, chúng ta vẫn giữ được niềm tin độc thần, vì chúng ta đưa Chúa Con và Thánh Thần về Đấng Khởi Nguyên Duy Nhất, mà không lẫn lộn cũng không làm ra nhiều. Đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa, vì chỉ có một Thần Tính, và vì trong Ba Ngôi mà chúng ta tuyên xưng, các Vị phát xuất từ Đấng Duy Nhất trở về với Đấng Duy Nhất.

 

Thánh Athanasiô có một lối lập luận hơi xa lạ với chúng ta ngày hôm nay, nhưng rất độc đáo để nhấn mạnh đến sự duy nhất trong Thiên Chúa. Đấng Khôn Ngoan với Sựỉ Khôn Ngoan của Đấng ấy không là hai bản thể khác nhau. Đấng Quyền Năng và Quyền Năng của Đấng ấy cũng chỉ là một. Vậy Chúa Cha và Sự Khôn Ngoan của Ngài, Chúa Cha và Quyền Năng của Ngài, hay Chúa Cha và Chúa Con cũng chỉ là một Bản thể, một Thiên Chúa Duy Nhất :

 

“Lời của Đấng Khởi Nguyên là Chúa Con không hiện hữu biệt lập ngoài Đấng Khởi Nguyên, bởi vì nếu như thế thì có hai hoặc nhiều Khởi Nguyên” (Contra Arianos, orat. IV,1).

 

Tư tưởng này của Athanasiô ảnh hưởng trên cả trường phái Hylạp. Và chính tư tưởng này đã tạo ra những công thức sử dụng một từ ngữ chủ yếu bằng ba cách khác nhau để diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Grêgôriô thành Nazian phân biệt Ba Ngôi là “Đấng Chân Thực”, Chân Lý, Thần Chân Lý. Grêgôriô thành Nysse nêu ra công thức : “Nguồn Suối Quyền Năng là Chúa Cha, Quyền Năng của Chúa Cha là Chúa Con, Thần Lực của Quyền Năng là Chúa Thánh Thần”.

 

Những cách nói này cho thấy khía cạnh Ba Ngôi và khía cạnh Duy Nhất trong Thiên Chúa gắn liền nhau, và sự Duy Nhất không phải là một sự Duy Nhất Bản thể trừu tượng, mà là một Thiên Chúa Duy Nhất và là Chúa Cha từ đó phát sinh các Ngôi Vị và các Ngôi Vị không ngừng quy về đó.

 

IV. PERICHORESIS : BA NGÔI TƯƠNG HƯỚNG,  TƯƠNG GIAO, TƯƠNG HIỆP VÀ TƯƠNG TẠI

 

Thần học Hylạp đi từ Tam Vị đến Nhất thể, ngược với hành trình của thần học Latinh. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là các Vị Thiên Chúa được mạc khải, và Thiên Chúa Duy Nhất cũng là Thiên Chúa được mạc khải. Nếu khởi sự từ Ba Ngôi, làm thế nào để cuối cùng đạt tới sự Duy Nhất, bằng không sẽ đánh mất niềm tin độc thần. Đó là bận tâm số một của các nhà thần học Hylạp. Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc minh chứng Duy-nhất-tính, các ông vẫn tìm ra được những lối thoát rất phong phú dựa trên căn bản Kinh Thánh.

 

Một trong những tư tưởng sâu xa và sinh động đã được các giáo phụ Hylạp đề ra là ý niệm “tương tại”. Các ông xây dựng tư tưởng này dựa trên Tin Mừng Gioan : “Như Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha”…

 

Có nhiều cách chứng minh sự Đồng Bản Thể giữa Ba Ngôi. Nhưng ý niệm tương tại là một trong những con đường vững chãi và gần Kinh Thánh nhất.

 

Thần học Latinh, vì diễn dịch ý niệm tương tại từ ý niệm “ Đồng-Bản-thể”, không nói gì hơn là : Ba Ngôi ở trong nhau, vì Ba Ngôi là một Bản Thể. Tương tại chỉ là hệ luận đương nhiên của “Đồng Bản Thể”.

 

Trái lại, thần học Hylạp khởi đi từ các Ngôi vị, đã nỗ lực tìm trong chính các Ngôi vị những đặc tính khiến cho các Ngôi vị ở trong nhau mật thiết đến nỗi trở thành một.

 

“Ai thấy Ta là thấy Cha”.

 

Đức Kitô là Hình Ảnh của Thiên Chúa Cha. Ai thấy Đức Kitô là thấy Thiên Chúa Cha. Giống như chân dung họa lại một Vị vua ; ai thấy Chân Dung là thấy Vua. Hình thù và diện mạo của Vua xuất hiện trong Chân Dung ; và những nét trong Chân Dung diễn tả hình ảnh và diện mạo của Vua.

Tuy lối so sánh này không hoàn hảo, nhưng cũng giúp ích cho việc tìm hiểu Chúa Giêsu đồng thời với Chúa Cha. Chúa Giêsu là ai ? Chúa Cha là ai ? Dựa vào Kinh Thánh mà trả lời cho hai câu hỏi này, chúng ta sẽ khám phá liên hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha : “Cha và Ta là một”.

 

Trong lá thư trả lời cho Denis thành Roma, Denis thành Alexandria khai triển chân lý này một cách sâu sắc :

 

“Tôi vừa gọi tên Chúa Cha, và trước khi thêm vào Danh Chúa Con, tôi đã loan báo Chúa Con trong Chúa Cha. Và khi tôi nói tới Chúa Con, mặc dù trước đó tôi không gọi tên Chúa Cha, Danh Chúa Cha đã được hiểu ngầm trong Chúa Con… Các kẻ rối đạo, lẽ ra phải biết rằng Chúa Cha, xét là Cha, không tách rời khỏi Con, bởi vì Cha là Nguyên Lý Hiệp Nhất. Chúa Con không bị trục xuất khỏi Chúa Cha, vì chính Danh xưng Cha đã nói lên sự Hiệp Thông Mật Thiết”…

 

Phân tích kỹ đoạn thư này, chúng ta nhận thấy Denis thành Alexandria chú trọng trước tiên đến những đặc thái của các Ngôi vị, để rồi từ đó nhận ra các Ngôi vị ở trong nhau.

 

Thánh Gioan Damascênô đối lập trường hợp các Ngôi vị Thiên Chúa với trường hợp các nhân vị. Các nhân vị, xét là cá nhân, bao giờ cũng tách biệt nhau, nhưng các Ngôi vị Thiên Chúa không giống như thế :

 

“Các Ngôi vị ở trong nhau, không phải để lẫn lộn với nhau, nhưng để chứa đựng lẫn nhau như lời Chúa nói : Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta… Chúng ta không gọi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Ba Thiên Chúa. Ngược lại, chúng ta gọi Ba Ngôi là Thiên Chúa Duy Nhất. Chúa Con và Chúa Thánh Thần gắn liền với Đấng Khởi Nguyên Duy Nhất, mà không làm thành nhiều cũng không lẫn lộn như bè Sabelliô chủ trương… Giữa các Ngôi vị có một sự tương tại không hòa trộn hoặc pha lẫn. Nhờ sự tương tại này các Ngôi vị không tách biệt, cũng không phân chia… Tắt một lời, Thần tính không phân chia trong các Ngôi vị, giống như nơi Ba Mặt Trời ở trong nhau, chỉ có Một Ánh Sáng Duy Nhất, vì thấm nhập trọn vẹn vào nhau” (De Fide Orthodoxa, 1. I,c.VIII ; M . col 829).

 

Ví dụ trên cho thấy rằng Gioan Damascênô chủ trương các Ngôi vị có được sự Duy Nhất, nhờ tương quan mật thiết với nhau, đồng thời cũng vì liên hệ của mỗi Vị với chính mình.

 

Một cách nói của Thánh Cyrillô cũng rất cụ thể, gợi hình và rất phong phú : “Có thể bảo rằng Chúa Cha là Môi Sinh tự nhiên của Chúa Con” (Thessaurus, assert. VII ; M. LXXV, col. 85).

 

Thánh Anselmô, tuy thuộc khuynh hướng thần học Latinh, có kiểu sánh ví rất gần với quan điểm thần học Hylạp :

 

“Chấm một chấm trên một chấm, gạch một đường trên một đường, vẽ một mặt phẳng trên một mặt phẳng bằng với nó, các bạn sẽ có một điểm duy nhất, một đường duy nhất và một mặt phẳng duy nhất. Người ta còn có thể tìm ra nhiều ví dụ khác giống như vậy. Cũng thế, mặc dù có nhiều vĩnh cửu, khi nói vĩnh cửu trong vĩnh cửu, chúng ta chỉ có một vĩnh cửu. Khi nói ánh sáng trong ánh sáng, chúng ta chỉ có một ánh sáng… cũng như vĩnh cửu trong vĩnh cửu là một vĩnh cửu duy nhất, Thiên Chúa ở trong Thiên Chúa chỉ là một Thiên Chúa Duy Nhất” (De processione Spiritus Sancti, cap. XXIX).

 

Lối diễn tả của Anselmô quả thật rất gần với cách nói của Gregoriô thành Nazian :

 

“Nhiều sự sống và một Sự Sống, nhiều ánh sáng và một Ánh Sáng, nhiều sự thiện và một Sự Thiện, nhiều vinh quang và một Vinh Quang… Mỗi Vị trong Ba Ngôi là Thiên Chúa, nếu tư tưởng chiêm ngắm một Vị riêng khỏi các Vị khác. Cả Ba Vị là Thiên Chúa, khi tư tưởng quan niệm các Vị chung trong sự duy nhất hành động và bản thể” (orat. XXIII, 11 ; M. XXXV, col. 1164).

 

Từ ngữ “tương tại” chưa diễn tả được tất cả sự phong phú của thần học Hylạp. Phải bổ sung bằng một số từ khác nói lên sự sinh động trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

Trước hết xin tạm dùng chữ “tương hướng”. Ba Ngôi Thiên Chúa hướng về nhau, quay mặt về nhau và nhìn nhau âu yếm như đã được diễn tả qua những nét vẽ tài tình và thanh nhã trong bức họa Roublev.

 

Từ ngữ thứ hai phải thêm vào là chữ “tương giao” diễn tả một sự giao thoa, qua lại không ngừng, trao đổi kỳ diệu giữa các Ngôi Vị thần linh. Ba Ngôi vị liên hệ với nhau chặt chẽ đến nỗi không thể nói đến Ngôi Vị này mà không nghĩ đến Ngôi Vị kia. Mạc khải luôn luôn nhắc nhở rằng không có Chúa Con một mình, cũng không có Thánh Thần một mình : Chúa Cha là Cha của Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô Giêsu là Con đích thực và duy nhất của Chúa Cha ; Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con.

 

Ngoài ra còn có thể thêm chữ “tương hiệp” để nhấn mạnh đến sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi. Ba Ngôi thành Một.

 

Cứ như lời giải thích của thánh Cyrillô thành Alexandria, thì Chúa Cha không còn là Thiên Chúa nếu không đột nhập vào trong Chúa Con, và Chúa Con cũng không là Thiên Chúa nếu không đột nhập vào Chúa Cha. Sự thông thương giữa các Ngôi Vị thần linh không phải chỉ là cư ngụ bất động, nhưng là thấm nhập vào nhau. Nói kiểu khác, cách thế hiện hữu của mỗi Ngôi vị lôi cuốn Ngôi vị ấy hoàn toàn hướng tới Ngôi vị khác. Không có Ngôi Vị nào ở ngoài các Ngôi vị kia, bởi vì đặc tính cơ bản làm thành Ngôi vị luôn luôn mang Ngôi vị ấy vào trong các Ngôi vị khác.

 

Để diễn tả cho dễ hiểu hơn nữa, chúng ta có thể nói rằng Lẽ Sống của Chúa Cha là Hướng Về Chúa Con, yêu Chúa Con, ở trong Chúa Con và trở thành Một với Chúa Con. Lẽ Sống của Chúa Con là Quay về với Chúa Cha, Yêu Chúa Cha, ở trong Chúa Cha và trở thành một với Chúa Cha. Lẽ Sống của Thánh Thần là Thuộc về Cha và Con.

 

Chúa Cha ở trong Chúa Con vì Người đến trong Chúa Con. Và Người đến với tất cả tình Cha – Con, với tất cả bản thể mình để làm nên bản thể Chúa Con. Chúa Con là Thiên Chúa vì đã đượỉc Chúa Cha sinh ra.

Thánh Athanasiô khẳng định :

 

“Tại sao chúng ta gán cho Chúa Con mọi ưu phẩm của Chúa Cha, nếu không phải vì Chúa Con được sinh ra bởi Chúa Cha ? Tại sao những gì thuộc về Chúa Con đều là của Chúa Cha, nếu không phải vì Chúa Con là Hoa Quả từ bản thể Chúa Cha” (Contra Arianos, Orat. III, 5 ; M.XXVI. col. 329).

 

NHẬN ĐỊNH

 

Phải nhận định thế nào quan điểm của thần học Hylạp về Thiên Chúa Ba Ngôi :

 

Evdokimov, một thần học gia Chính thống hiện đại đã viết trong tác phẩm gần đây nhất của ông :

“Đối với phương Đông, tương quan giữa các Ngôi vị Thiên Chúa không phải là liên hệ đối lập và tách biệt, nhưng là sự khác biệt, sự hỗ tương, là mạc khải lẫn nhau và là Hiệp Thông nơi Thiên Chúa Cha” (Evdokimov, L, Esprit Saint dans la tradition Orthodoxe Cerf, 1969, trang 41).

 

Chỉ cần phân tích câu nói trên, chúng ta đủ nhận ra sự phong phú của thần học Hylạp về Ba Ngôi

 

Trong thần học, nếu tựa vào Kinh Thánh, chúng ta có rất nhiều điều để nói về Chúa Cha. Mạc khải về Chúa Cha trải dài từ đầu đến cuối Kinh Thánh. Không trang nào vắng bóng Người.

 

Tất cả Kinh Thánh cũng hướng về Chúa Giêsu, làm chứng cho Chúa Giêsu như lời Người đã nói trong Tin Mừng Gioan (5,39 : “… Kinh Thánh lại làm chứng cho Ta”).

 

Và Kinh Thánh có là do Chúa Thánh Thần. Lời Kinh Thánh đầy tràn sức mạnh thần linh. Thánh Thần ở khắp nơi và mọi lúc để hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Sinh hoạt của Thánh Thần thực là muôn màu, muôn vẻ, giống như gió thổi đâu thì thổi.

 

Cách nói của thần học Latinh “Ba Ngôi không có gì khác biệt, ngoại trừ sự đối lập tương quan Nguồn Gốc”, thựỉc ra chỉ đóng vai trò hạn giới không cho phép chúng ta rơi vào chủ trương đa thần. Nhưng khi đã ý thức nguy cơ này rồi, không có lý do nào ngăn cản chúng ta sử dụng tất cả những gì mà kho tàng Mạc Khải nói về Chúa Cha, Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần. Chúng ta có một thần học về Chúa Kitô, một thần học về Chúa Thánh Linh và một thần học về Chúa Cha. Như vậy không phải chúng ta chia cắt Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng cố gắng múc lấy càng nhiều càng tốt sự giàu có vô biên của Thiên Chúa.

 

Quan điểm thần học Hylạp giúp chúng ta hiểu sâu xa ý nghĩa của Mạc Khải. “Không ai có thể biết Cha, ngoài ra Con và những kẻ Con mạc khải cho”. Chúng ta chỉ biết được Chúa Cha qua gương mặt cụ thể của Đức Giêsu. Và chỉ biết Đức Giêsu là ai do ý muốn của Chúa Cha và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta biết được Thánh Thần, khi đã biết Cha và Con….

Mặc dù không thể chấp nhận là có Ba Chúa, thần học Hylạp giúp chúng ta tiếp xúc cụ thể với Ba Vị. Chúng ta có thể nói tới tình yêu của Chúa Cha, tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu của Thánh Thần. Tình yêu nơi Thiên Chúa không còn là một thực tại trừu tượng, phổ quát thuộc về yếu tính Thiên Chúa nói chung. Chúa Cha yêu ta, Chúa Con yêu ta và Chúa Thánh Thần yêu ta. Cả Ba Vị đều yêu ta với cùng một tình yêu thắm thiết và cụ thể.

 

Hơn thế nữa, chúng ta còn có thể khai triển rộng rãi tình yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha tựa trên lời nói, cách cư xử và những tâm tình sâu xa nhất mà Ngài bộc lộ ra cho các môn đệ. Chúng ta có thể tìm hiểu tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Giêsu qua tất cả những bí mật mà Ngài mạc khải, qua cảm nghiệm tôn giáo, qua thái độ biết ơn và gắn bó với Chúa Cha của Ngài. Chúng ta hiểu Chúa Thánh Thần qua tác động của Người trên Chúa Giêsu và trong Giáo Hội. Người nối kết chúng ta với Chúa Giêsu và Chúa Cha. Người hoàn tất sự thánh hóa chúng ta và đưa chúng ta vào cõi thâm sâu của mầu nhiệm Ba Ngôi.

 

Việc nhấn mạnh đến Chúa Cha không làm suy giảm vai trò Chúa Con và Chúa Thánh Thần, ngược lại còn làm cho chân tính của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần trở nên cụ thể. Sự duy nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, tuy hơi khó quan niệm, nhưng không trừu tượng, mà còn có mấu cứ cụ thể là Chúa Cha. Cách nói của thánh Athanasiô “Chỉ có một Thiên Chúa, vì chỉ có một Cha” là cách nói gần Kinh Thánh hơn hết, gần với tư tưởng của Đức Giêsu hơn hết. Không vì vậy mà chúng ta khai trừ Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần. Huyền nhiệm và cớ vấp phạm nằm ở chỗ : Chỉ có một Thiên Chúa là Cha được biểu lộ trọn vẹn trong một Đấng không phải là Ngài.

 

Nói tóm lại, tương quang giữa các Ngôi Vị không chỉ giới hạn vào tương quan Nguồn Gốc, nhưng phong phú hơn nhiều, đó là tương quan Mạc Khải, tương quan Thông Hiệp, tương quan Yêu Thương. Sự Sống trong Ba Ngôi thật là sung mãn và kỳ diệu. Các giáo phụ Hylạp không cần phải chứng minh có Ba Ngôi, và con số Ba là con số hoàn hảo, vì các Ngôi Vị là “khởi điểm” trong tư tưởng thần học của các ông.

 

Evdokimov còn nêu một đặc điểm chủ yếu khác của thần học Hylạp :

 

“Điều quan trọng hơn cả để hiểu thần học Đông phương về Ba Ngôi, là “cơ cấu” nhịp ba của các tương quan”.

 

Quả thực, thần học Latinh, dù có đề cập tới Ba Ngôi, không làm nổi bật được “cơ cấu nhịp ba” trong Thiên Chúa. Ngược lại, thần học Hylạp, mặc dù nhấn mạnh vai trò Chúa Cha, không bao giờ bỏ quên cơ cấu nhịp Ba. Đến nỗi chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng Chúa Cha cùng với Thánh Thần đã sai Chúa Con đến thế gian. Chúa Cha cùng với Chúa Con đã ban Thánh Thần cho nhân loại. Chúa Con cùng với Thánh Thần đã mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta. Chúng ta có thể hướng tới Ba Vị một trật, khi nhìm ngắm hay suy niệm về từng Vị. Và Ba Vị là Ba Vị cụ thể, chứ không chỉ là một từ ngữ trừu tượng (Trinitas). Hình ảnh rõ ràng và đích xác nhất của Thiên Chúa chúng ta là hình ảnh “Ba Vị hôn nhau âu yếm”. Ba Vị thực là khác nhau, nhưng cũng hoàn toàn như nhau. Ba Vị là Ba và là Một, là Một Thiên Chúa, là Chúa Cha được Chúa Con và Chúa Thánh Thần mạc khải, là Chúa Con mạc khải Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần, là Chúa Thánh Thần nối kết Chúa Cha và Chúa Con. Các Vị vẫn phân biệt, nhưng vẫn là Một. Không cần áp dụng phương pháp giảm trừ theo kiểu Latinh để phân biệt các Vị : Chúa Cha là Thiên Chúa có khả năng sinh ra, Chúa Con là Thiên Chúa không có khả năng sinh ra, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa không có khả năng sinh ra và khả năng làm cho nhiệm xuất.

 

Chúng ta khó có thể khẳng định rằng thần học Latinh hữu hiệu hơn để chống lạc giáo Ariô. Bằng chứng là ngay trong thời đại chúng ta, lạc giáo Ariô tái xuất hiện dưới nhiều hình thức mới mẻ trong chính nội bộ của Giáo Hội Latinh, đang khi trong các Giáo Hội Đông phương và Chính thống, thần học hiện đại xem chừng khỏi phải đương đầu với nguy cơ này.