SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

(viết theo Francois Varillon, sj, Le message de Jésus,

éd. Centurion, 1998)

 

ĐỨC MARIA VIẾNG THĂM BÀ ÊLISABET

 

Chuyến viếng thăm của Đức Maria đến nhà bà Êlisabet không phải là một chuyến đi vui chơi. Đó là một mầu nhiệm, hình ảnh của Mầu nhiệm Vượt qua, tức mầu nhiệm sự chết và sống lại. Hoặc nếu thích, chúng ta có thể so sánh cuộc hành trình này của Đức Maria với những gì xẩy ra trong cuộc Xuất hành của người Do thái : khởi đầu là ra đi, rồi băng qua sa mạc, cuối cùng là tới Đất hứa.

 

1. Ra đi và dứt bỏ

 

Để bắt đầu cuộc hành trình, người ta phải dứt bỏ những gì đang có, như sự yên hàn, những tiện nghi và thói quen nhỏ nhặt. Lời đầu tiên mà Abraham đã nghe từ miệng Thiên Chúa phán là: “Hãy rời bỏ xứ sở ngươi” (St 12,1). Cũng có thể coi đây là lời đầu tiên của Kinh Thánh, vì Kinh Thánh đích danh chỉ bắt đầu từ chương 12 của sách Sáng thế, do 11 chương đầu được coi là một hình thức dẫn nhập vào toàn thể lịch sử tôn giáo của nhân loại.

 

“Hãy rời bỏ” là hãy ra khỏi chỗ này, quay lưng lại với quá khứ. Lệnh truyền trên đây sẽ còn vang vọng trong suốt dòng lịch sử dân Chúa. Dân Chúa sẽ phải không ngừng ra đi. Đề tài xuất hành, từ bỏ những thói quen của mình, xứ sở của mình là đề tài tuyệt đối cơ bản. Đây cũng là đề tài cơ bản của Phúc âm.

 

Chúng ta sẽ trở lại với đề tài này, vì chúng ta sống trong một thời kỳ lịch sử Giáo Hội trong đó phải chấp nhận rời bỏ. Tất cả những gì đang xẩy ra đều làm cho ta cảm thấy như đi vào chỗ lạ lẫm. Những người bảo thủ ôn hoà hay cực đoan chính là những người không chấp nhận điều đó. Chẳng hạn có những người không muốn thay tiếng la tinh bằng tiếng bản xứ trong phụng vụ. Theo họ, thứ cổ ngữ này, người thời nay không hiểu cũng chẳng sao. Nó vẫn tốt, vì là ngôn ngữ truyền thống của Giáo Hội. Đó là tâm trạng muốn yên vị. Có nhiều vấn đề khác, chẳng hạn mối liên hệ giữa đức tin và chính trị, sự cấp bách phải dấn thân…, tất cả đều đòi hỏi thái độ phải rời bỏ. Chúng ta cần thấy rằng sự thiếu sót trong não trạng yên vị không chỉ thuộc lãnh vực luân lý, nhưng còn thuộc lãnh vực tu đức.

 

Ngày xưa, Abraham đã lên đường. Các tông đồ cũng vậy. Gioan Tẩy Giả đã vào sa mạc. Phaolô đã đi đến hoang địa xứ Ả rập. Chính Đức Giêsu cũng rời Nadaret để bắt đầu cuộc đời công khai.

 

Dứt bỏ những gì quen thuộc với mình là điều rất khó. Thế nhưng, không thể tiến tới nếu không dứt bỏ. Dứt bỏ là vần đề luôn phải được đặt lại cho mình, vì người ta không thể dứt bỏ một lần vĩnh viễn. Phải luôn đưa đức tin ra khỏi những gì cản trở bước tiến. Không có xuất thần nào mà không có xuất hành. Không thể ca hát và vui tươi nếu không dứt bỏ mình.

 

2. Sa mạc và niềm vui

 

Ra đi là để vào sa mạc. Đề tài về sa mạc là đề tài hay được nói đến trong Kinh Thánh. Sa mạc của người Do thái giữa Ai cập và Palestin. Sa mạc của Đức Maria ở đây. Sa mạc của Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu sau này. Lúc nào cũng có sa mạc. Nói khác đi, giữa cuộc sống theo bản năng ích kỷ và cuộc sống theo bác ái luôn có một ngưỡng cửa phải vượt qua. Ngưỡng cửa đó là sự hy sinh. Người ta chỉ có thể vui thực khi sẵn sàng hy sinh, từ bỏ mình.

 

Đức Maria băng qua những vùng đồi núi, qua sa mạc, giữa bầu trời nắng gắt. Nhưng Người nghĩ đến niềm vui mà Người sẽ đem đến cho bà chị họ, một niềm vui làm cho chính niềm vui của Người được nhân đôi lên.

Chúng ta chỉ vui hoàn toàn nếu biết chia sẻ niềm vui của mình cho người khác. Hãy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, niềm vui sâu xa nhất của con là được thấy niềm vui này hiển hiện trong đôi mắt của những người anh chị em con. Niềm vui thật của con là niềm vui con đọc được nơi ánh mắt của người khác. Con muốn dành cuộc đời của con để chia sẻ niềm vui của con cho Chúa”.

 

Đức Maria là sứ giả của niềm vui. Đi giữa sa mạc, Người muốn mình là người mang lại niềm vui. Thực là ảo tưởng khi có ai đó nghĩ mình có thể làm một sứ giả của niềm vui mà không phải vượt qua sa mạc, không biết hy sinh, từ bỏ mình. Nói một cách đơn sơ : chúng ta không thể thuộc về người khác, nếu muốn thuộc về mình. Không thể vừa muốn cho đi lại vừa muốn giữ lại cho mình.

 

3. Đất hứa hoặc niềm vui lan toả

 

Hết sa mạc là Đất hứa. Đức Maria đến nhà ông Dacaria, chào bà Êlisabet, và thai nhi trong lòng bà Êlisabet nhảy mừng. Bà Êlisabet được đầy tràn Thánh Thần, đầy tràn đến nỗi một số nhà chú giải ngờ rằng lời kinh Ngợi Khen (Magnificat) là do chính bà thốt ra.

 

Nhưng Đất hứa là gì ? Là niềm vui cho đi. Chính khi cho đi mà người ta biết đến niềm vui. Đức Maria vui vì đã cho đi niềm vui.

 

Chúng ta cần suy nghĩ thêm về điều này trong một vấn đề đáng quan tâm là vấn đề xã hội.  Vấn đề này được gợi ra ở đây, cũng như vấn đề về vai trò của Giáo Hội trong đời sống xã hội. Chỉ biết cho mà thôi thì chưa đủ đâu. Còn phải giúp người ta biết cho nữa. Là vì con người chỉ thực sự là một con người khi nó có thể tự mình cho đi, và cảm thấy vui khi cho người khác cái gì đó. Vấn đề không chỉ là mọi người có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, nhưng còn là mọi người có cái gì đó để chia sẻ cho người khác. Điều người ta cho không nhất thiết thuộc vật chất, như cơm ăn áo mặc. Nhưng điều đó có thể thuộc tinh thần, chẳng hạn niềm vui. Nếu niềm vui của ta là làm cho người khác được vui, thì người được hưởng niềm vui từ ta cũng phải có được niềm vui là chia sẻ niềm vui này cho người khác.

 

Cho tới lúc này, người ta thường giải quyết vấn đề xã hội theo hướng rất vật chất, sao cho người khác có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc men chữa bệnh … Nhưng đúng ra còn phải đi xa hơn. Và Giáo Hội phải có vai trò trong lãnh vực xa hơn này.

 

Trong cuốn “Những của cải đích thực”, tác giả Jean Giono đã viết như sau: “Tôi đã tìm thấy niềm vui chăng ? Không phải. Tôi đã tìm thấy niềm vui của tôi. Điều này khác hẳn. Một niềm vui là đặc biệt riêng cho cá nhân tôi”. Và ông còn viết câu báng bổ này: “Lỗi tại ai ? … Niềm vui của Đức Giêsu có thể là của riêng Ngài, nó có thể thuộc về một người thôi, và người này được cứu, được sống trong bình an. Người này lúc nào cũng vui, nhưng chỉ vui có một mình. Trong hạnh phúc của mình, người đó đi qua cuộc chiến đấu ở thế gian, tay cầm đoá hoa hồng”.

 

Tác giả đã nhìn người kitô hữu theo cách ấy. Ông tưởng rằng người kitô hữu có thể đi qua cuộc chiến đấu ở thế gian với đoá hoa hồng trên tay, vì họ có niềm vui chỉ riêng cho mình và biết mình được cứu. Thế nhưng, niềm vui của Thiên Chúa, có thể nói, chỉ hoàn toàn khi cả loài người được tập họp trong cộng đồng huynh đệ. Cái đó gọi là sự hy vọng của Thiên Chúa.

 

Niềm vui cho đi và lan toả là đề tài của sự thăm viếng. Nhiều người trong chúng ta vẫn thường thăm viếng người này người nọ : bạn bè, người nghèo, người bệnh… Thăm viếng là để trở thành mọi sự cho người khác. Chúng ta hiện diện cho người khác, không nói về mình, nhưng để người khác nói và lắng nghe. Đến với người khác không phải vì mình, nhưng là vì họ. Tương giao đích thực là ở đó.

 

Lm Trần Đình Quảng


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà