KINH NGỢI KHEN (MAGNFICAT)

 

Đây là một bản văn khó. Chúng ta không mất giờ đi vào những chi tiết chú giải. Chỉ mình Luca ghi lại bài ca này. Thật khó tưởng tượng Đức Maria đã ứng khẩu một áng văn đẹp đẽ đến vậy, lại còn nhắc nhiều đến Cựu ước nữa.

 

Có lẽ Luca đã sử dụng phương pháp của một văn sĩ, thu tập những kỷ niệm của Đức Mẹ. Điều này không lạ. Càng không nên ngạc nhiên vì đây là Tin mừng về thời thơ ấu, trong đó dường như tác giả đã sử dụng một tài liệu có trước, và sách của tác giả chỉ được soạn khoảng năm 70, tức gần 40 năm sau khi Chúa chịu chết.

 

Những dữ kiện này, dù không liên hệ mấy với việc cầu nguyện, nhưng cũng cần được gợi ra. Chúng đáng được ta lưu ý, đặc biệt nếu chúng ta là nhà giáo. Tuy không phải là những nhà chú giải, chúng ta cũng phải sáng suốt, để không quả quyết vượt quá những gì có thể quả quyết.

 

Chúng ta sẽ theo sát bản văn để dễ bề suy niệm. Biến cố Viếng thăm, mà chúng ta đã khai triển, cho ta thấy một bên là lời tung hô của bà Elisabet “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ”, một lời quan trọng được lặp lại trong kinh Kính mừng đọc hàng ngày, và bên kia là lời đáp lại của Đức Maria bằng bài ca Ngợi khen.

 

1. Lời tung hô chúc tụng

 

Tiên vàn chúng ta suy niệm về ý nghĩa của lời tung hô chúc tụng qua môi miệng Elisabet. Người ta thường xuyên bắt gặp nó trong Kinh Thánh. Kinh Chúc tụng (Benedictus) khởi đầu bằng câu: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel”. Trong Kinh Thánh, nhiều Thánh vịnh và bài ca là những lời chúc tụng. Chúc tụng Thiên Chúa hay “Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến” (Mt 21,9) là một phản ứng tôn giáo bộc phát nơi những con người đơn sơ, đạo đức. Có thể thấy điều này trong các trình thuật không được soạn sẵn. Chẳng hạn trong sách Samuel quyển thứ nhất, khi người ta báo cho Saolê biết Đavít đang trốn trên đồi Khakila, nhà vua đã nói với người đưa tin: “Xin Đức Chúa chúc phúc cho các ngươi, vì các ngươi đã động lòng thương xót tôi” (23,21). Sách bà Rút cho biết khi bà đi mót lúa trong ruộng của ông Booz, thì mẹ chồng của bà là Naomi nói với bà: “Hôm nay con đã mót lúa ở đâu ? Xin Thiên Chúa giáng phúc cho người đã quan tâm đến con” (R 2,19).

 

Lời tung hô chúc tụng, thường thấy trong phụng vụ, là phản ứng tự nhiên của người đã được Thiên Chúa nâng lên, của người được tác động bởi những công trình nghệ thuật nào đó, những cử chỉ cao quý hay quảng đại nào đó. Người ta rung cảm, thán phục trước những hình tượng như của Phanxicô Assisi. Người ta ngạc nhiên trước những câu lạ lùng mà Jeanne d’Arc trả lời cho quan toà. “Ngươi có ở trong tình trạng ân sủng không ?” – “Nếu tôi có, Thiên Chúa để tôi ở đó. Nếu tôi không có, Thiên Chúa đặt tôi vào đó”; “Trong thị kiến, ngươi thấy thánh Micae trần truồng phải không ?” – “Ông nghĩ rằng Thiên Chúa không có gì để mặc cho các thiên thần sao ?”. Những câu trả lời đượm chất thần học của một cô thôn nữ ! Quả là lạ lùng.

 

Thái độ ngạc nhiên này được biểu lộ bằng lời tung hô chúc tụng, như thể Thiên Chúa đã dễ dàng ban cho người này người kia một điều gì đó lạ thường.

 

Trước cô em họ, Elisabet tỏ ra thán phục. Thán phục, vì được Thân Mẫu Chúa đến viếng thăm, vì con của bà nhảy mừng trong lòng bà, vì Maria chính là một con người có phúc do đã tin.

 

Cũng nên ghi nhận thêm ở đây về lý do cuối cùng khiến cho Elisabet thán phục : đức tin của Maria. Thực ra, chính Elisabet cũng đầy lòng tin. Thần sứ đã nói với chồng bà là Thiên Chúa sẽ cho bà sinh con. Người con này sẽ “đưa nhiều con cái Israel về với Đức Chúa … sẽ làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,16-17). Nhưng Elisabet lại là người son sẻ. Bà là người cuối cùng trong một loạt những phụ nữ son sẻ của Cựu ước, mà người đầu tiên là Sara, vợ của Abraham. Người son sẻ cuối cùng này đã tin, và đã thụ thai nhờ sự can thiệp của Chúa Thánh Thần, có sự cộng tác của chồng bà. Tất cả những phụ nữ ấy đều là hình bóng tiên báo Đức Maria, tuy Người không son sẻ nhưng là một trinh nữ, và thụ thai không phải nhờ sự can thiệp nào đó của Chúa Thánh Thần, nhưng nhờ tác động của một mình Chúa Thánh Thần, không cần một người đàn ông nào khác cộng tác.

Elisabet đầy lòng tin, đã tin vào điều thần sứ nói với chồng, nhưng bà cũng hiểu rằng lòng tin của mình chẳng là gì so với lòng tin của Maria. Lời bà nói với Maria “Em thật có phúc vì đã tin” như thể, so sánh với lòng tin ấy, thì bà không có lòng tin.

 

2. Lời ngợi khen tột đỉnh

 

Luca đã có chủ ý khi đặt kinh Ngợi khen ngay sau lời chúc của Elisabet. Lời kinh như dư âm của lời chúc, và điểm thêm chi tiết vào lời chúc, như thể Elisabet xướng lên và Maria tiếp nối …

 

Đọc kinh Ngợi khen, thoạt tiên chúng ta có cảm tưởng không thấy có gì lạ thường trong đó. Thiên Chúa tỏ quyền năng, đảo ngược những giá trị và viễn tượng thường thấy, ưu ái người nghèo và khiêm nhường hơn người giầu có và quyền thế, tất cả đều không mới mẻ gì. Cựu ước nhiều lần cho thấy như thế, đặc biệt trong các Thánh vịnh. Bài ca của Anna, mẹ của Samuel, cũng có những lời hầu như tương tự (1Sm 2,1-10).

 

Vậy có gì lạ trong kinh Ngợi khen ? Phải chăng Maria chỉ thuần tuý diễn tả kinh nghiệm tôn giáo chung chung của Israel, hay có điều gì đó nói lên kinh nghiệm của Người chứ không phải của ai khác ? Nếu có thì cái riêng đó là gì ? Đó là điều chúng ta phải cố gắng khám phá.

 

Cái riêng đó, ta chỉ có thể khám phá dựa vào một số nhận xét giúp cho lời kinh có một sắc thái hoàn toàn mới mẻ. Kinh Ngợi khen không phải là kinh Chúc tụng (Benedictus) của Dacaria, cũng không phải là Thánh ca Muôn lạy Chúa (Nunc dimittis) của Simêon. Nét đặc biệt trong lời kinh của Maria là Người thấy mình ở nơi tâm điểm chương trình của Thiên Chúa. “Chúa đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” có nghĩa là : Những việc cao cả Thiên Chúa làm, là làm cho Maria. Tất cả hy vọng của Israel và của mọi tạo vật, cũng như tất cả tương lai của địa cầu, đều được đặt nơi một thiếu nữ làng quê.

 

Maria đã tự cho mình là người có phúc. Có bao giờ chúng ta đã nghĩ đến điều lạ lùng đó chưa ? Đức Giêsu sẽ nói : Phúc cho những người nghèo khó, những người hiền lành (x. Mt 5,3-4). Còn Maria thì nói: “Muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phúc”. Quả là một lời táo bạo, một sự táo bạo kỳ lạ, một sự táo bạo độc nhất. Người ta đã tưởng giá trị của câu này là ở chỗ mọi người sẽ chúc tụng cầu xin Mẹ cho mãi đến tận thế. Thật ra, Maria còn đi xa hơn nhiều. Người biết mình là tâm điểm của mọi lời hứa: “Chúa đã nhớ lại lòng thương xót của Ngài”. Chính nơi Maria mà Thiên Chúa đã thể hiện lòng thương xót đối với con người.

 

Đồng thời, Người cũng coi mình là một người rất hèn mọn: “Thiên Chúa đoái thương nhìn đến phận nữ tỳ hèn mọn”. Không phải “Thiên Chúa đã nhìn đến sự khiêm nhường của nữ tỳ Ngài”, như thấy trong một vài bản dịch trước đây, hay trong một số bài giảng. Maria không nói là mình khiêm nhường. Cho mình khiêm nhường thì còn khiêm nhường nỗi gì!

 

Trong tiếng hy lạp, tapeinôsis có nghĩa là sự thấp hèn, điều kiện của người tôi tớ. Tôi tớ có một nghĩa rất chính xác trong Cựu ước. Đó là người được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa. Nếu tôi tớ là người nữ thì còn hàm ý xoá mình đi, vì nơi người Do thái phụ nữ bị coi là thấp kém. Vậy Maria là người cộng tác với Thiên Chúa, nhưng cộng tác bắng cách xoá mình đi. Điều Người nói ở đây hoàn toàn độc đáo và độc nhất, cho ta thấy tâm hồn đích thực của Người. Nhưng chính sự hèn mọn và xoá mình đã được Thiên Chúa đặt làm trung tâm mọi sự. Sự cao cả và thấp hèn của Maria là ở đó.

 

Maria cao cả vì xoá mình đi hơn ai hết. Người là nữ tỳ hèn mọn. Tương tự như một người làm bếp, rửa bát đĩa, không đòi phải có sở trường nào đặc biệt, không cho thấy một kết quả nào rõ ràng . Người không nói gì, không giảng gì. Chỉ có sự hèn mọn tột cùng. Nhưng muôn thế hệ sẽ tán dương Người, khen Người có phúc. Nếu không suy nghĩ kỹ, người ta có thể lầm tưởng Maria đã thốt ra những lời kiêu ngạo. Nhưng thực sự không phải vậy.

 

Maria biết mình được Thiên Chúa đặt vào tâm điểm kế hoạch của Ngài. Người chỉ nghĩ làm sao ở trước mặt Thiên Chúa như ở trước mặt con người, không muốn được ai biết đến, chăm chú vào công việc hằng ngày. Sự tự huỷ của Người phản ánh sự tự huỷ của Thiên Chúa. Nhưng cũng như Thiên Chúa tự huỷ lại là Đấng cao cả, Maria cũng vậy. Sự cao cả của Người chính là vị trí trung tâm của Người trong chương trình của Thiên Chúa. Nơi Người, các lời hứa trước đây được thực hiện. “Chúa độ trì Israel… như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Ngài nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời”. Maria là trung tâm của cả quá khứ lẫn tương lai.

 

Nhiều anh em Tin lành ngạc nhiên vì nghĩ rằng chúng ta tôn sùng Đức Mẹ quá đáng, thậm chí gây gương mù. Tiền xây Nhà thờ Đức Bà Paris là nhờ mua bán ân xá. Bởi vậy cần nói về Người sao cho đúng, ngay cả về sự cao cả của Người, vì dù cao cả, Người vẫn thuộc hàng thụ tạo. Người được tán tụng, nhưng lại là người nữ xoá mình đi. Người ở tâm điểm lịch sử, nhưng lại là người hèn mọn. Khi Người nói rằng Thiên Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn mọn của Người, thì rõ ràng Người chỉ muốn mãi mãi là một người hèn mọn. Điều này được chứng minh trong suốt cuộc đời của Người.

 

Lm Micae Trần Đình Quảng


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà