SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

 

ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY Ở NADARET :

NGHÈO KHÓ

 

Đây không phải là lúc thuyết trình về sự nghèo khó. Chúng ta chỉ muốn, từ chỗ chiêm niệm một gia đình nghèo là Thánh gia ở Nadarét, xem mình phải sống thế nào, xem đời sống của Thánh gia có gợi hứng cho chúng ta sống một cuộc đời nghèo khó hay không.

 

Cần phân biệt nghèo khó với lầm than cơ cực. Nghèo khó là điều tốt. Lầm than là điều xấu. Lầm than rất thường là do bất công gây ra. Phải xắn tay áo lôi người ta ra khỏi cảnh lầm than khốn khổ. Lầm than khiến cho người ta không còn thực sự là con người, sống dưới mức một con người. Tình trạng lầm than này, chỗ nào cũng có, ở cả thành thị lẫn thôn quê.

 

Nghèo khó thì khác. Khác chỗ nào ? Chúng ta không định nghĩa cách trừu tượng, mà chỉ đưa ra một thí dụ cụ thể. Hai người hầu như sống trong cùng một hoàn cảnh tương đối khá giả. Cả hai đều đông con, đều phải chi phí như nhau cho việc nuôi dạy con cái. Có một công trình của Giáo Hội đang được xây dựng, và ngưới ta xin hai gia đình đóng góp. Một người nói: “Tôi có thể góp được mấy triệu”. Còn người kia thì nhăn nhó: “Thời buổi này khó khăn quá, cái gì cũng đắt đỏ, e rằng không giúp được”. Thế đấy! Cả hai có hoàn cảnh giống nhau, nhưng một người thì biết lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần, một người thì không.

 

Đời sống nghèo là một đời sống sung túc một cách đúng đắn, lương thiện. Bạn sẽ làm gì với cuộc sống ấy ? Ngoài những chuyện đương nhiên phải lo thì cũng cần có giải trí. Giải trí là một phần của cuộc sống, một nhu cầu của đời sống. Sách báo, băng đĩa, du lịch… tất cả đều tốn phí.

 

Nhưng hãy nhìn tới Thánh gia. Chúng ta không nghĩ là Giuse hà tiện. Nhưng cùng với Đức Maria và Chúa Giêsu, cả ba làm chứng cho sự nghèo khó vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chúng ta không thể hình dung nổi là Đức Giêsu sinh ra trong một lâu đài. Người ta có thể bảo: “Chính vì tội lỗi thế gian mà Chúa sinh ra trong cảnh nghèo hèn. Chứ bình thường, là Con Thiên Chúa, Ngài phải sinh ra trong một lâu đài mới đúng”. Đâu phải vậy. Đấy không phải là điều bình thường. Đức Giêsu không thể sinh ra trong một nơi đầy những trang trí đẹp mắt. Việc Thiên Chúa hạ mình xuống thế đã nói lên sự nghèo khó của Ngài. Ngài lại sinh ra là một con người, giống như mọi người. Mà hữu thể con người là một hữu thể nghèo hèn. Vậy Ngài sinh ra nghèo hèn chính là đáp ứng với hữu thể thực của mình. Chưa kể, xét theo hoàn cảnh của Giuse và Maria lúc bấy giờ, không giầu tiền lắm của, lại đang chân ướt chân ráo về lại quê hương của dòng tộc, làm gì có lầu son gác tía làm nơi Chúa giáng sinh.

 

Khi suy niệm về những điều đó, chúng ta hãy tỏ ra sáng suốt. Nghèo khó là nguyên lý của mọi niềm hoan lạc. Nói khác đi, sự nghèo khó giải thoát con người khỏi các giá trị giả tạo. Nguy cơ to lớn của sự giầu có là nó bắt người ta làm tôi cho các giá trị giả tạo.

 

Nghèo khó không phải là một điều tiên thiên.

 

Chúng ta thử nêu một trường hợp cụ thể. Sau một buổi học hỏi và chia sẻ Tin mừng, trong đó có vấn đề liên hệ đến sự nghèo khó, một học viên thắc mắc: “Con hiểu rồi. Điều cốt lõi là phải nghèo khó. Nhưng con phải làm gì?” Vị linh mục hướng dẫn bảo anh: “Cứ tìm đi rồi anh sẽ thấy”. Một câu trả lời đúng là của Tin mừng. Người kia về nhà làm như vị linh mục nói. Chiếc đàn dương cầm đang có, anh bán đi lấy tiền giúp người nghèo. Chiếc bàn làm việc bằng gỗ quý, anh thay nó bằng chiếc bàn gỗ tạp. Anh cũng thay chiếc xe 4 bánh vẫn sử dụng bằng một chiếc xe 2 bánh.

 

Một lần kia, vị linh mục đến thăm. Biết việc anh đã làm, ngài nhăn mặt nói: “Tôi muốn đến nhà anh chơi một bản đàn, thì đàn không còn nữa. Tôi muốn mượn anh chiếc xe hơi để rủ vài người đi chơi, thì anh lại bán mất tiêu…” - “Vậy chứ cha không bảo con cứ tìm rồi sẽ thấy hay sao? Đấy là những gì con đã tìm thấy” – “Những gì anh tìm thấy đều sai hết!” – “Thế cha bảo con phải làm gì?” -“Anh cứ chịu khó tìm, bảo đảm anh sẽ tìm thấy”. Cuối cùng, anh tìm và thấy rằng : Đã nhiều năm ở ngôi nhà này, anh chưa  một lần mời người giữ cửa uống với anh một tách cà phê. Anh sống xa cách mọi người, chưa bao giờ đến thăm khu ổ chuột chỉ cách nhà anh vài trăm mét, không biết giao tiếp bạn bè với những người chung quanh…

 

Không phải cứ bỏ cái này, bán cái kia, thay cái khác là bảo rằng mình sống nghèo. Không phải hễ nghèo là không có tiền hay không cần những vật dụng này khác. Ở đây, lý tưởng không phải là đừng nên có đàn dương cầm. Chiếc đàn đó đâu có làm phiền hà người giữ cửa? Lý tưởng là những ai có năng khiếu về đàn hát thì có được phương tiện để thực tập. Lý tưởng là ai nấy đều có thể cảm thấy dễ chịu khi đến nhà chúng ta…

 

Nói vậy nhưng cũng cần phải khôn ngoan biện biệt. Điều quan trọng là tiên vàn phải có tình yêu, bác ái huynh đệ. Yếu tố này sẽ đưa chúng ta đến chỗ nghèo khó. Nếu thật sự có tình huynh đệ, chúng ta sẽ chia sẻ. Và khi chia sẻ, chúng ta sẽ làm cho mình nghèo đi, nhưng là nghèo một cách đúng đắn. Không có một sự phác thảo tiên thiên nào cho sự nghèo khó cả. Nhờ suy niệm cuộc đời của Thánh gia, chúng ta sẽ hiểu sự nghèo khó như thế nào, điều gì làm nên sự nghèo khó đó cũng như làm cho nó có ý nghĩa.

 

Lm Micae Trần Đình Quảng


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà