SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

 

ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY Ở NADARET :

VÂNG PHỤC

 

Trong cuộc sống của Chúa ở Nadaret, chúng ta còn thấy gì? Thấy một điều phi thường, đó là trật tự quyền bính ngược lại với trật tự các giá trị. Chúng ta muốn nói rằng người lớn nhất trong ba lại vâng phục hai người kia, và người nhỏ nhất trong ba lại điều khiển hai người kia.

 

Trong gia đình Nadaret, Giuse là chủ. Nhưng trong ba người, duy nhất chỉ mình Giuse là tội nhân. Đức Maria là Đấng vô nhiễm. Đức Giêsu là Thiên Chúa. Còn Giuse, dù lớn mấy, cũng phải xét mình vì là người có tội. Thế mà chính Giuse lại ra quyết định. Đức Maria và Chúa Giêsu đều phải vâng phục Người. Chỗ ngược đời là ở đó. Đức Maria cao trọng hơn Giuse, lại vâng phục Giuse. Đức Maria không cao trọng bằng Chúa Giêsu, lại ra lệnh cho Chúa Giêsu.

 

Phải khởi đi từ điểm này, nếu muốn hiểu thế nào là vâng phục tôn giáo, vâng phục kitô giáo. Sự vâng phục này không có gì giống với sự vâng phục chính quyền hay với việc phải chấp hành luật giao thông.

Chúng ta thử suy nghĩ một chút về sự vâng phục này.

 

1. Vâng phục là điều rất khó

Theo Maurice Blondel, “Vâng phục là thứ thuế phải trả trên con đường đi tới hạnh phục.” Tác giả muốn nói rằng vâng phục là cái chết sâu sắc nhất, và là cửa thật đưa vào hạnh phúc. Vâng phục cũng là tâm điểm của Mầu nhiệm Vượt qua. Trong một số trường hợp, chết là chuyện không đáng kể so với những gì vâng phục đòi hỏi.

 

Vâng phục là điều rất khó. Cứ nói thẳng ra như vậy. Hãy nghĩ đến trường hợp vâng phục Đức Giáo Hoàng, vâng phục giáo quyền, khi người ta thực sự nghĩ rằng mình đúng, và tin chắc rằng giáo quyền sai. Chúng ta thử đặt mình vào địa vị của các linh mục thợ, khi Đức Piô XII đột ngột ra lệnh cấm các ngài thử nghiệm cuộc sống của một thợ thuyền. Hai mươi năm sau, người ta có thể nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng đã có lý, vì cuộc thử nghiệm đã khởi đầu không tốt. Nhưng rồi nó được tái tục, và vấn đề linh mục thợ không còn gây nhiều khó khăn như trước đó. Bởi vì trước đó, lúc xẩy ra sự việc, vấn đề lại khác. Hối ấy, có những người đã lên tiếng dèm pha. Và chỉ chút xíu nữa là các linh mục thợ chống lại lệnh của Giáo Hội.

 

Để hiểu vâng phục khó khăn như thế nào, phải đi đến tận cùng của vấn đề.

 

Trước hết, chúng ta vâng phục không giống như con cái vâng phục cha mẹ trong gia đình. Sự vâng phục của con cái có mục đích là giáo dục chúng. Nói khác đi, con cái phải vâng phục, để một ngày nào đó chúng trở nên trưởng thành. Khi đó, chúng không cần phải vâng phục cha mẹ nữa. Cha mẹ bắt con cái vâng phục mình, nhưng cũng nhắm đến lúc chúng không cần vâng phục mình, một khi chúng đã được giáo dục hẳn hoi.

 

Thứ đến, sự vâng phục của ta không phải là sự vâng phục thuần lý, lấy lẽ phải vâng phục thì mới có trật tự. Trong một cộng đồng tu sĩ chẳng hạn, không có quyền bính thì mọi sự sẽ rối tung. Phải vâng phục để không xẩy ra hỗn loạn, một điều không ai muốn vì không đem lại điều gì tốt cả.

 

Cuối cùng, vâng phục trong tôn giáo không có nghĩa là từ bỏ nhân cách của mình, như thể chỉ mình bề trên được quyền có sáng kiến, giống như trong chế độ toàn trị. Vai trò của quyền bính là gợi lên các sáng kiến, chứ không đưa người ta đến chỗ thụ động.

 

2. Vâng phục là một sự lựa chọn dấn thân

Người tu sĩ phải vâng phục là chuyện đương nhiên, vì đã chấp nhận vâng phục khi vào dòng. Chính đương sự muốn thế, không ai ép cả. Người tu sĩ có tự do khi lựa chọn vâng phục. Tương tự như vậy là linh mục và giáo dân đối với quyền bính trong Giáo Hội.

 

Vâng phục là một sự lựa chọn, và sự lựa chọn này đòi phải dấn thân. Nhưng chính sự dấn thân lại bao hàm một điều gì đó không thể tiên liệu. Cuộc đời sẽ ra sao ? Tương lai sẽ thế nào ? Không biết ! Nếu biết, chắc hẳn không cần phải dấn thân. Sự dấn thân chỉ có ý nghĩa khi ta tuyệt đối không biết trước điều gì sẽ xẩy ra. Nếu không, hẳn không cần phải dấn thân, dù đó là cho đời sống hôn nhân, đời sống tu trì, đời sống độc thân, hoặc cho sự vâng phục.

 

Chọn sống vâng phục là sẵn sàng cho một vận mệnh không thấy trước. Nói khác đi, tôi không biết ai sẽ là bề trên của tôi, và biết đâu, bề trên ấy lại là người không khá lắm hoặc là người tôi không ưa.

 

Trong tông chiếu phong thánh một vị Giáo Hoàng, Đức Cêlestinô V thì phải, có ghi nhận là ngài không có khả năng lãnh đạo Giáo Hội. Nhưng điều này không ngăn cản ngài là một vị thánh. Tương tự như vậy là trường hợp Thánh Giáo Hoàng Piô X. Phong thánh cho ngài là chuyện rất đúng. Tuy nhiên, có người vẫn nghĩ rằng ngài phải chịu phần lớn trách nhiệm về cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội. Trong những năm 1908-1910, ngài đã dùng quyền giải quyết dứt khoát phong trào duy tân, không cho những người thấy vấn đề được lên tiếng. Dầu vậy, ngài vẫn là một vị thánh trong Giáo Hội.

 

3. Vâng phục để duy trì sự hiệp nhất

Trong cuộc sống thường ngày, phải vâng phục để giữ sự hiệp nhất. Đừng đưa ra những ý kiến nào phá vỡ sự hiệp nhất. Đức Giáo Hoàng là người bảo vệ sự hiệp nhất. Mối quan tâm về sự hiệp nhất đòi những người đối kháng, bất kể là ai, tránh gây chia rẽ tai hại, biết phê bình chính quan điểm riêng của mình. Nói cách khác, người phản kháng phải có thể phản kháng chính mình và đón nhận sự phản kháng của người khác.

Thực ra, phản kháng có lúc cần thiết, vì nếu không có những tiếng nói gây sức ép, sẽ không có thay đổi và tiến bộ. Quyền bính luôn có khuynh hướng bảo thủ. Điều này khó tránh. Người ta không muốn thể chế bị xáo trộn. Nhưng trong Giáo Hội, không thể bỏ qua vai trò của ngôn sứ, nghĩa là có một sự phản kháng nào đó trước tình hình hiện tại. Chuyện thật khó : vừa phản kháng vừa vâng phục quyền bính. Chúng ta đôi khi cảm thấy bị xâu xé trước hai đòi hỏi này.

 

Một vài tác giả ở thế kỷ XIX, chẳng hạn Ernest Hello, đã viết lời này ngay nơi trang đầu các sách của mình: “Nếu sách của tôi bị Giáo Hội kết án, tôi tuyên bố trước là tôi vâng phục quyết định của Giáo Hội”. Một tinh thần như thế mà có nơi những người phản kháng, thì hẳn là không có vấn đề. Nhưng điều tai hại, trái với tinh thần vâng phục và có nguy cơ phá vỡ sự hiệp nhất, là người ta đưa ra những sáng kiến dồn quyền bính vào chân tường. Thấy có nhiều linh mục lập gia đình chẳng hạn, người ta đòi Giáo Hội phải bãi bỏ luật độc thân. Đó là kiểu gây sức ép trong các xã hội chính trị. Nhưng Giáo Hội không phải là một xã hội chính trị để những sức ép kiểu đó được coi là hợp pháp.

 

Cần có một hình thức phản kháng nào đó, một tinh thần ngôn sứ nào đó. Nhưng cũng cần lặp lại rằng người phản kháng phải chấp nhận để người khác phản kháng và biết phản kháng chính mình, sao cho cuối cùng có thể đi đến chỗ đối thoại. Đối thoại giữa ngôn sứ và thể chế, giữa linh mục và Giám mục. Chỉ có đối thoại thật nếu có những ý kiến khác nhau cùng được đưa ra mổ xẻ. Còn khi mọi người đều đồng tình, thì chẳng cần đối thoại nữa.

 

(còn tiếp)

Lm Micae Trần Đình Quảng


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà