SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY Ở NADARET :

 

ĐỨC GIÊ SU LỚN LÊN VÀ LÀM VIỆC

 

Ngoài mầu nhiệm vâng phục, cuộc sống ở Nadaret còn cho ta thấy mầu nhiệm Đức Giêsu lớn lên và làm việc.

 

1. Sự biểu hiện ý thức của Đức Giêsu từ lúc thơ ấu đến lúc trưởng thành

Về sự  lớn lên của Đức Giêsu, tác giả Jacques Guillet trong bài “Sự khôn lớn của Đức Giêsu”, đăng trong tạp chí Christus số 55, đã viết những trang rất hay. Đức Giêsu không giả vờ khôn lớn, nhưng thực sự “ngày càng khôn lớn” (Lc 2,52).

 

Có người đã đưa ra một câu hỏi rất khó : Sự tin tưởng của Chúa vào Chúa Cha có tăng thêm không ? Một số tác giả thậm chí cho rằng Ngài đã không biết mình là Thiên Chúa. Chúng ta không chấp nhận ý kiến này, một ý kiến đã làm cho Maurice Blondel, một trong những người đã nói những điều rất thích đáng về vấn đề này, phải nổi giận.

 

J. Guillet viết như sau:

“Để hiểu kinh nghiệm và sự lớn lên của Đức Giêsu có thể là kinh nghiệm và sự lớn lên của Con Thiên Chúa thế nào, mà không làm mất đi nhân tính đích thực của chúng, ta nên trở lại với biến cố năm Chúa lên 12 tuổi, và với câu Chúa trả lời cho cha mẹ Ngài: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao ?” (Lc 2,49) …Dường như biến cố do Luca ghi lại và câu trả lời của Đức Giêsu có thể giúp ta, chắc chắn không phải là vẽ lại sự tiến triển trong ý thức của con trẻ Giêsu, nhưng là để hiểu làm thế nào ý thức này của một con trẻ đã có thể là ý thức của Con Thiên Chúa, ngay từ biểu hiện đầu tiên của nó, từ ánh sáng lờ mờ đầu tiên của nó, và có thể biết điều đó, chắc chắn về điều đó, theo cách thức riêng của mình, theo cách thức thuộc lứa tuổi của mình. Không cần phải nghĩ tới một điều lạ lùng nào, một vùng được ưu đãi trong một ý thức còn non dại, một khu vực được soi sáng cách kỳ lạ.

 

“Đức Giêsu nói được với cha mẹ Ngài câu trên đây, lúc vừa qua tuổi thơ… hiển nhiên là do Chúa Cha mà thôi. Có tạo vật nào, dù là Đức Maria, có thể dạy Ngài biết Ngài là gì, Con Thiên Chúa là gì … Kinh nghiệm mà Chúa có do Thiên Chúa trực tiếp ban cho, không thể là một khám phá bất chợt. Người ta có thể dạy cho một đứa trẻ không biết mình sinh ra là hoàng tử, vì tư cách hoàng tử không gắn liền với hữu thể của đứa trẻ này. Nó đã có thể sống nhiều năm mà không biết điều đó, vì trước khi là hoàng tử, nó đã là chính nó. Còn Đức Giêsu là chính mình trong hữu thể của Ngài là Con Thiên Chúa. Nếu một ngày nào đó Ngài mới biết được điều đó, thì Ngài đã không phải là Con Thiên Chúa, và nếu đã không là Con Thiên Chúa thì không thể trở nên Con Thiên Chúa. Thế nên, trong ý thức của Ngài, ngay từ biểu hiện đầu tiên, từ lúc đầu tiên, đã luôn phải có dữ kiện nền tảng này (tức Ngài là Con Thiên Chúa).”

 

Cần làm rõ điều này, vì hiện nay có những người nói rằng Đức Giêsu đã không bao giờ biết mình là Thiên Chúa, hoặc nếu biết thì chỉ biết từ lúc nhận lễ rửa ở sông Giođan. Lý thuyết này, dù có người bênh vực, vẫn sai tận căn. Đức Giêsu lúc nào cũng biết mình là Thiên Chúa.

 

“Tuy vậy, dữ kiện nền tảng này không nhất thiết… phải có hình thức một sự chắc chắn trí thức, một ý tưởng minh bạch ngay từ đầu. Một con trẻ sinh ra, trước khi biết nói, ngay cả trước khi mở mắt, đã là một ý thức thuộc con người, một ý muốn được phác hoạ, một biến cố hướng tới người khác. Khi Đức Giêsu chào đời, ý thức của Ngài không nhất thiết phải khá hơn ý thức của những đứa trẻ khác được sinh ra. Chỉ cần bệ phóng nâng đỡ Ngài và ý muốn đào luyện Ngài, ngay từ lúc này, quy hướng một cách không thể sai lầm về Thiên Chúa, chỉ cần chúng được Thiên Chúa bảo đảm lưu ý và yêu thương. Khi ấy, Đức Giêsu lớn lên càng học cách nhận ra khuôn mặt của các người thân cận, họ hàng, của mẹ Ngài và Giuse nơi những khuôn mặt chung quanh Ngài, thì cùng lúc Ngài càng học cách nhận ra tiếng nói bên trong vang lên nơi Ngài, nói với Ngài bằng một giọng điệu bảo đảm và yêu thương, mà Ngài không tìm lại được ở bất cứ nơi nào, ngay cả nơi mẹ mình: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Và để đáp lại tiếng nói này, trả lại cho tiếng nói này sự dịu dàng và niềm vui mà nó đem lại cho mình, con trẻ Giêsu học cách lặp lại tiếng “Abba, Cha”, tiếng mà các trẻ em cùng lứa tuổi đã học khi chúng gặp lại cha của chúng.

 

“Ngài biết điều đó, nhưng theo cách của trẻ em. Rồi khi hết tuổi thơ, Ngài sẽ biết điều đó theo cách của người lớn. Và biến cố ở Đền thờ, được Luca ghi lại, nói lên thời điểm Ngài đã hết tuổi thơ, thời điểm mà Ngài đã có thể nói bằng một sự già dặn trí thức và một ý tưởng minh bạch: Con là Con của Cha Con ở trên trời, trước khi là con của cha mẹ”

 

“Rồi đến ngày chấm dứt thời kỳ tập sự : Đức Giêsu đã qua  tuổi thơ, bây giờ Ngài có thể nói mình là ai và phải làm gì.”

 

Tất cả khó khăn là ở chỗ phải biện biệt giữa ý thức mà người ta có và khả năng diễn tả ý thức đó. Khi còn là con nít khóc oa oa, Đức Giêsu đã không thể nói: “Tôi là Con hằng hữu của Chúa Cha”. Đương nhiên là vậy. Người ta chỉ có thể nói điều đó khi có những khái niệm và ý tưởng minh bạch. Trình độ của một đứa trẻ không phải là trình độ của những khái niệm. Nhưng bệ phóng đầu tiên, từ lúc ý thức biểu hiện, là một bệ phóng giúp Đức Giêsu sống tư cách là Con của Chúa Cha. Đó là sự khôn lớn của Ngài.

Tiếng nói, Đức Giêsu học được từ cha mẹ. Mẹ Ngài đã dạy Ngài bập bẹ, tập cho Ngài nói. Bà đã đặt con trên đầu gối như mọi trẻ em khác trên thế giới. Ngài không phải là một đứa bé kỳ tài kiểu thần đồng Mozart. Kinh nghiệm Ngài có được là từ môi trường sống, một môi trường thôn dã và thủ công nghiệp. Những yếu tố đó giúp cho Ngài có được kinh nghiệm và tiếng nói. Ngày còn nhỏ, Ngài đã ý thức mình là Con của Chúa Cha. Lớn lên, những yếu tố trên đã giúp cho ý thức ấy đạt tới chỗ trưởng thành.

 

“Đó là một sự khôn lớn nhân loại, tuyệt đối chính thực, là phương tiện cần thiết và không thể thay thế, nhờ đó Ngài đã ý thức tư cách thần linh của mình, phẩm tính của mình là Con Thiên Chúa.”

 

Đồng ý đây là một mầu nhiệm. Không có mầu nhiệm nào lớn hơn mầu nhiệm Nhập thể. Cũng đừng nói những điều dại dột, đừng nghĩ một đứa trẻ chưa phải đích thực là một con người, đừng quả quyết những điều không thể có, chẳng hạn nghĩ rằng, nhờ một mạc khải bất chợt nào đó trong cuộc đời, Đức Giêsu bỗng dưng biết mình là Con Thiên Chúa.

 

Phải suy niệm về những điều nói trên, vì cuộc sống của Chúa ở Nadaret chính là những điều đó. Chúng là nền tảng của những sự việc xẩy ra ở đây. Đức Giêsu đã luôn biết rằng mình là Thiên Chúa. Đầu tiên là biết theo kiểu trẻ con. Rồi khi có kinh nghiệm thì biết theo kiểu có kinh nghiệm. Kinh nghiệm ấy tăng dần lên, cho đến lúc Ngài biết theo kiểu người lớn. Nơi Ngài, ý thức mình là Con Thiên Chúa thì chỉ có một, nhưng kiểu cách ý thức và diễn đạt ý thức ấy lại có tiến triển qua thời gian.

 

2. Đức Giêsu làm việc

Đức Giêsu đã làm những công việc gì ở Nadaret ? Nói chung là làm nghề thợ mộc như Giuse.

 

“Đối với người Do thái thời thánh kinh … lao động tay chân là việc thiêng thánh” (Robert Aron). Đây là vài câu trích trong sách Talmud, tập sách bình giải của các rabbi do thái: “Ai dùng lao động làm kế sinh nhai thì cao trọng hơn người ru rú trong việc đạo đức … Thợ thủ công đang làm việc không cần đứng dậy khi thày tiến sĩ đến … Người nào nhờ lao động mà trở thành hữu ích thì lớn hơn người biết Thiên Chúa … Công việc đẹp đẽ nhất là công việc đồng áng; cho dù đem lại ít lợi tức, nó vẫn phải được quý chuộng hơn mọi công việc khác … Ai không dạy con trai mình một nghề tay chân, thì như thể đã làm cho nó thành một tên cướp”

 

Trong những điều kiện như vậy, chúng ta hiểu rằng một người Do thái tốt là Giuse chắc chắn đã tập cho Đức Giêsu. Ông không muốn biến con mình thành một tên cướp. Cũng theo ghi nhận của R.Aron, có những rabbi trước hoặc đồng thời với Chúa đã làm một nghề tay chân: “Hillel là tiều phu, Yehouda làm bánh mì, Yohanan là thợ đóng giầy. Còn Saolê thành Tarsô, vị tông đồ của kitô giáo, làm nghề dệt lều (Cv 18,3)”

 

Chúng ta ai nấy đều làm một phần nghề tay chân. Phải học cách quý trọng nó, và liên đới với những người làm nghề này. Có thể chúng ta làm công việc chủ yếu là trí thức. Chúng ta không bắt chước Chúa tối mặt. Vấn đề không ở chỗ đó. Nhưng chắc chắn ở Nadaret Chúa làm tốt công việc của Ngài. Lao động không phải là một công việc ứng biến. Nhưng ngày nay, người ta lại dễ dãi ứng biến trong công việc.

 

Khi dạy giáo lý chẳng hạn, phải cố tìm ra một hình ảnh đích thực, không giả tạo. Chúng ta biết Thiên Chúa tạo dựng mọi sự cho vinh quang của Ngài, nhưng làm thế nào giúp trẻ em hiểu điều này cho đúng ? Nếu ta không tìm ra một hình ảnh chân thực để diễn đạt, chúng sẽ hình dung ra sao một Thiên Chúa tạo dựng mọi sự cho vinh quang của Ngài? Chắc chắn chúng sẽ nghĩ Ngài như một Đấng ngự trên toà cao, thưởng thức hương thơm ngào ngạt bay lên. Mấy chục năm sau, hình ảnh đã từng in sâu vào đầu óc lúc nó lên 8, không thể phá bỏ được. Đó là một quy luật tâm lý học.

 

Câu ta nói cho trẻ “Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự cho vinh quang của Ngài” là một câu trừu tượng, một ý tưởng, chúng lại tiếp thu dưới hình thức một hình ảnh, và rất thường là một hình ảnh sai lạc. Vinh quang của nguồn nước là gì? Không phải là nhận nước. Nguồn là để cho đi chứ không để nhận. Vậy vinh quang của nguồn nước là chan tưới cho đất đai phì nhiêu, là làm cho người ta đã khát. Đó mới là hình ảnh đích thực. Nếu chỉ ứng biến, ta sẽ không tìm ra ngay hình ảnh đích thực.

 

Người ta ứng biến các bài giáo lý, các bài giảng lễ, các bài diễn thuyết. Cái gì cũng ứng biến. Kết quả ra sao? Đức tin sút giảm là điều không tránh khỏi. Người ta đi đến chỗ không dám nói về Thiên Chúa nữa. Thay vào đó

là những chuyện đâu đâu.

 

Bài học rút ra là cần làm tốt công việc của mình.

 

Lm Micae Trần Đình Quảng


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà