SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

***

ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY Ở NADARET :

RỜI BỎ NHỮNG GÌ QUEN THUỘC

 

 

Đây là đề tài lớn của Kinh Thánh, và là đề tài chủ yếu.

 

Đức Giêsu đã lìa xa gia đình, để cho thấy ta cũng phải dứt bỏ những gì quen thuộc trong nhãn giới, tư tưởng, chính kiến, tập quán… Phải luôn đặt lại vấn đề về những gì quen thuộc đối với ta.

 

Rời bỏ là một đòi hỏi kinh khủng. Ý nghĩa chính của nó là dứt bỏ những gì làm ta cảm thấy được an ninh, bảo đảm. Lấy một ví dụ trong âm nhạc để so sánh. Nếu ta quen nghe nhạc cổ điển, thì khi nghe, ta cảm thấy dễ chịu. Và tai ta sẽ không chịu được thứ nhạc hiện đại với những kỹ thuật và nhịp phách giật gân. Muốn nghe thứ nhạc mới, buộc phải rời bỏ thứ nhạc cũ, ra khỏi thế giới của âm nhạc cổ điển.

 

Các vị thừa sai truyền giáo đã từng cảm thấy khó khăn như thế nào khi đến một xứ sở mà mình không hiểu tiếng nói, không quen phong tục. Nhưng kinh nghiệm này không chỉ dành cho các thừa sai. Một người thuộc giai cấp thượng lưu vào sống với công nhân trong một nhà máy chẳng hạn, sẽ cảm thấy xa lạ giữa một thế giới hoàn toàn khác.

 

Chúng ta thử nghĩ đến một trường hợp cụ thể hơn, liên hệ đến đời sống của giáo sĩ. Trong một thời gian dài trước đây, thậm chí ngay cả ngày hôm nay, một em thuộc gia đình nông dân được huấn luyện trong môi trường chủng viện, nhưng ra khỏi đó như một trưởng giả. Giáo dục ở môi trường chủng viện thường là giáo dục trưởng giả. Mấy năm sau, người ta sẽ cảm thấy lạc lõng khi trở về với môi trường nông thôn.

 

Trong Tin Mừng, Chúa nói: “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,52). Kinh sư hoặc chủ nhà, đó là giáo lý viên. Giáo lý viên thường rất thuộc giáo lý, đọc vanh vách nhiều đoạn, xướng to những gì mình biết và người khác có thể  cũng đã biết. Người ta trông chờ nơi điều người đó nói. Mọi sự đều đáng tin cậy. Không có gì làm người ta lạc lõng. Cũng như ngày xưa khi bắt đầu học giáo lý, ta được dạy cho biết có mấy Thiên Chúa, Thiên Chúa có mấy ngôi. Rồi cứ thế tiếp tục.

 

Nhưng cần lưu ý. Chúa bảo: mọi kinh sư được học hỏi về Nước Trời. Được học hỏi về Nước Trời để trở thành môn đệ thì phải khác. Đừng nói như vẹt, nhưng phải lấy ra từ kho tàng cả cái cũ lẫn cái mới. Trong Nước Trời, một thực tại mới mẻ đã xuất hiện. Mới, không ở chỗ có cái gì đó thêm vào cái đã có, như thêm khoản 101 vào 100 khoản luật đã có. Là vì, có bổ túc như vậy chăng nữa, cái hôm nay là mới, ngày mai sẽ trở nên cũ. Cái mới ở đây là một thực tại luôn luôn mới mẻ. Nó không thuộc lãnh vực lề luật, nhưng thuộc lãnh vực tình yêu. Cái mới đó là “magis” (hơn).

 

Nhưng magis là gì ? Nói một cách cụ thể, cái ngày mai phải hơn cái hôm nay, và cứ mãi như vậy. Ngày mai, ta phải yêu hơn hôm nay, trong mọi công việc ta làm, trong mọi cách ta cư xử, giao tiếp. Ta không biết rõ nó sẽ thể hiện thế nào, vì tình yêu chỉ phát sinh khi nó mở ra cho những đòi hỏi luôn luôn mới mẻ.

 

Trung thành với lề luật không phải là hành vi sáng tạo, vì chỉ là tuân giữ các lệnh truyền hay lệnh cấm. Nhưng Thiên Chúa lại muốn chúng ta trở thành những con người sáng tạo. Sáng tạo không có nghĩa là tuỳ tiện, nhưng phải dựa trên tiêu chuẩn, và tiêu chuẩn này có tính chất sáng tạo. Chúng ta phải trung thành với một tiêu chuẩn, nhưng là tiêu chuẩn có tính chất sáng tạo.

 

Tiểu sử của Mozart ghi lại câu chuyện sau đây : Có lần người ta trình diễn trước mặt hoàng đế một bản quatuor thì phải, của thiên tài âm nhạc này. Nhiều người trong số thính giả không hài lòng, vì cho là các nhạc công đã diễn sai. Bản nhạc được đưa lại cho Mozart kiểm chứng. Và nhạc sĩ đã quả quyết: “Đây đúng là bản nhạc do tôi viết.” Bản nhạc này có gì đó mới mẻ, khác với kiểu sáng tác thông thường, nhưng vẫn trung thành với các tiêu chuẩn của thẩm mĩ âm nhạc.

 

Thiếu óc sáng tạo là một trong những điểm đáng lo ngại trong Giáo Hội hôm nay. Phải biết dứt bỏ dần dần những gì cũ kỹ. Điều này khiến nhiều người cảm thấy mất bảo đảm, thậm chí tưởng rằng tôn giáo đã thay đổi. Không phải vậy. Tôn giáo không thay đổi. Cái cần thay đổi là vỏ bọc tôn giáo. Tiếng la tinh trong phụng vụ chẳng hạn. Nó thuộc truyền thống Âu châu. Thực ra, ngay cả tại Âu châu, bây giờ nhiều người không còn hiểu được nó. Không lẽ bắt người ta đọc hay nói một thứ ngôn ngữ mà người ta không còn hiểu ?

 

Đây chỉ là một ví dụ trong phụng vụ. Còn rất nhiều vấn đề khác trong Giáo Hội đòi người ta phải dứt bỏ cách sâu sắc hơn nhiều. Phải chăng cần dịch các mối phúc trong bài giảng trên núi thế này : Phúc cho những ai có tâm hồn  nghèo khó, và vô phúc cho những ai có tâm hồn của kinh sư. Vô phúc cho linh mục, tu sĩ, các người hoạt động tông đồ, nếu họ có tâm hồn của kinh sư, nếu chỉ đọc hay giảng lề luật như con vẹt, nếu nói về thần học mà chỉ thuần tuý lặp lại những gì người khác đã nói. Nói vậy không có nghĩa là đoạn tuyệt với truyền thống. Nhưng truyền thống phải sống động. Paul Claudel viết: “Cứ đến mùa xuân, cây phát minh ra hoa của nó”. Hoa vẫn là hoa, nhưng mỗi mùa là mỗi hoa mới.

 

Thiên Chúa muốn chúng ta làm người du mục. Du mục thì không ở yên một chỗ. Ở yên một chỗ là ngược với tinh thần Tin mừng. Con cáo có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người thì đi, không nơi gối đầu, không nơi yên nghỉ. Tinh thần du mục là tinh thần của người khước từ chỗ cư ngụ vĩnh viễn, rời bỏ giường ấm chăn êm của gia đình. Tinh thần ấy thường đòi người ta phải từ bỏ nhiều. Từ bỏ của cải để có được chính Chúa.

 

Chúng ta tìm kiếm tinh thần của Đức Kitô theo đường lối truyền thống. Nhưng truyền thống đích thực là một lời mời gọi đi tới. Truyền thống không phải là hộp đựng thức ăn chế sẵn.

 

Không được bám víu vào những gì bảo đảm an ninh cho ta. Abraham không bám vào quê hương Ur ở Canđê. Ông đã rời bỏ khung cảnh quen thuộc, chấp nhận thiếu thốn, làm người du mục. Chính vì vậy mà ông trở thành Tổ phụ của các người tin. Đức Giêsu năm 12 tuổi đã dứt bỏ những gì thuộc gia đình, trở thành con người không còn lệ thuộc gia đình. Trên khuôn mặt của Ngài đã có một cái gì khác, in dấu một sự vâng phục khác. Chúng ta cũng phải biết dứt bỏ những gì quen thuộc, để có thể đi theo Chúa.

 

Lm Micae Trần đình Quảng

31-5-2004


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà