SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

LOAN BÁO TIN MỪNG :

 

BÀI GIẢNG TRÊN NÚI : TÁM MỐI PHÚC

 

Chúng ta đọc Bài Giảng Trên Núi trong các chương 5,6 và 7 của Tin Mừng Matthêu. Tác giả đã gom vào đây nhiều điều Chúa Giêsu nói trong những hoàn cảnh khác nhau, làm thành bài giảng khai mạc Nước Trời, quen gọi là Bài Giảng Trên Núi hay Hiến Chương Nước Trời.

 

Trước mặt Chúa có đám đông và bên cạnh Ngài có các môn đệ. Cảnh tượng này có thể gợi ngay ra cho chúng ta một suy nghĩ : Đám đông thấy gì ? Các môn đệ thấy gì ? Chúa Giêsu thấy gì ?

 

Đám đông thấy Chúa và các môn đệ bên Ngài. Những con người này, chỉ mới đây thôi, còn thuộc vào số họ, sống đời thường như họ. Thế mà giờ đây, các ông lại là những con người khác, hoàn toàn thuộc về Chúa, sống với Chúa, rong ruổi với Chúa. Có điều gì đó xẩy đến với các ông mà không phải với người khác. Điều đó, đám đông có thể biết rõ.

 

Còn các môn đệ thì sao ? Các ông thấy đám đông. Các ông đã xuất thân từ họ, và sau này sẽ được Chúa sai đến với họ, bởi các ông sẽ được Chúa đặt làm Tông đồ, tức những người được sai đi.

 

Cuối cùng là Chúa Giêsu. Ngài thấy gì ? Bên cạnh mình là hạt nhân của Giáo Hội. Ngoài kia là tất cả những người được Ngài kêu gọi qua trung gian các môn đệ, để làm thành một Giáo Hội rộng lớn. Ngài là Đấng được Chúa Cha sai đến. Các môn đệ là những người được Ngài sai đi. Ngài biết các ông sẽ bị thế gian từ chối, giống như Ngài bị thế gian chối từ. Cả Ngài lẫn các ông đều có cùng một mầu nhiệm thập giá. Đương nhiên, tiếp theo chúng ta cũng phải suy nghĩ về mình, để mỗi người có thể đi vào tinh thần của Tin Mừng.

“Chúa mở miệng dạy họ” : một công thức quen thuộc trong Kinh Thánh để nhấn mạnh tầm quan trọng của những điều sắp được nói ra. Nhưng trước đó, hẳn đã có những giây phút thinh lặng. Chúng ta cũng biết dành ra những giây phút thinh lặng, trước khi suy niệm những lời Chúa công bố.

 

1. Phúc thay …

Lời Chúa tiên vàn nhằm nói với các môn đệ. Bản văn song song trong Tin Mừng Luca cho thấy rõ điều này (Lc 6,20). Theo lời hứa thì cả đám đông phải được hạnh phúc, nhưng các môn đệ đã đáp lời Chúa kêu gọi, được hạnh phúc ngay từ lúc này. Các ông hạnh phúc vì được giải thoát khỏi những gì mình có. Niềm vui là kết quả của tự do. Nước Trời thuộc về các ông trước khi thuộc về người khác, vì các ông là những con người tự do.

 

Chúng ta hãy đọc chậm rãi từng mối phúc một. Cả tám mối phúc giống như một viên kim cương, tuy toả ra những ánh sáng lấp lánh khác nhau nhưng chỉ là một viên kim cương. Bẩy mối phúc trước quy về sự nghèo khó (Các mối phúc từ 2 đến 7 chỉ là những cách diễn tả chi tiết mối phúc đầu tiên về sự nghèo khó). Mối phúc cuối cùng như một thứ kết luận : Nếu anh em sống như trên, chắc chắn anh em sẽ bị người đời bách hại, vì khuấy động cuộc sống của họ khiến họ phải lo lắng. Và vì không muốn lo lắng, họ sẽ gây khó dễ cho anh em.

 

2. Phúc thay những người nghèo

Theo Matthêu, đây là những người có tâm hồn nghèo khó. Nhưng Luca nói đến những người nghèo khó thực sự, nghèo tiền túng của. Điều này áp dụng trước hết cho các môn đệ. Quả thực, khi theo Chúa, các ông mất mọi sự, không có gì bảo đảm, không còn gì sở hữu, không còn mảnh đất nào làm quê hương. Tất cả hy vọng của các ông chỉ là ở nơi Chúa, Đấng đã kêu gọi các ông. Chấp nhận theo Chúa là chấp nhận thiếu thốn hoàn toàn. Đó là nghèo khó.

 

Ý nghĩa của sự nghèo khó, tự nó, không rõ ràng. Tự nó, cái nghèo không làm cho người ta vui. Do đó, Matthêu đã xác định thêm : nghèo trong tâm hồn. Giá trị nằm trong tâm hồn, một tâm hồn nghèo khó. Tâm hồn hay tinh thần nghèo khó giúp cho người ta có lòng tin, cậy, mến, tức là có đời sống theo thần đức.

 

Trước hết, người nghèo là người tin vào Thiên Chúa, tin tưởng vào Ngài. Mà tin vào Thiên Chúa là đặt Ngài làm  tâm điểm cuộc đời ta. Sống đức tin là như vậy.

 

Người nghèo cũng là người cậy trông vào Chúa, không hy vọng nơi điều gì khác ngoài Ngài, không cảm thấy an thân về những gì đang sở hữu. K. Marx đã hiểu rõ là phải kêu gọi người vô sản nếu muốn xây dựng một xã hội vô giai cấp. Nhưng như vậy là hạ thấp hạnh phúc của người nghèo vào hạnh phúc trần thế, biến hạnh phúc ấy thành một phạm trù xã hội học và chính trị. Trong khi đó, theo Chúa Giêsu, nghèo khó là một phạm trù tinh thần, nhưng có những ảnh hưởng xã hội, chính trị.

 

Chắc chắn người giầu chỉ có thể ca ngợi quá khứ và không thích tương lai. Ca ngợi quá khứ, vì nhờ quá khứ mà họ giầu có. Không thích tương lai, vì tương lai có thể làm họ mất tài sản. Người nghèo không ca ngợi quá khứ, vì quá khứ làm cho họ nghèo. Họ hy vọng vào một tương lai có thể bảo đảm cho họ một cuộc sống khá hơn. Người giầu không thể hy vọng, vì đã có đầy đủ thừa thãi. Chính theo nghĩa này mà F. Mauriac đã viết: “Hạnh phúc là bất hạnh”. Bất hạnh, vì người được hạnh phúc không biết trông chờ hy vọng gì hết. Họ không có tâm trạng “hướng tới”.

 

Người nghèo thì tìm kiếm. Đây là một từ chủ chốt của Kinh Thánh : “Ai tìm thì sẽ thấy” (Mt 7,8), “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6,33). Vì tìm nên họ sẵn sàng để lời Chúa chất vấn họ. Chính đó là kiểm điểm đời sống, một thái độ đang được cổ võ ngày hôm nay.

 

Cuối cùng, người nghèo có lòng yêu thương, vì được cởi trói bên trong. Họ sẵn sàng phục vụ. Trong Kinh Thánh, ý tưởng phục vụ rất gần gũi với ý tưởng nghèo khó. Người Tôi Trung phục vụ những người nghèo của Giavê. Những con người này không đòi hỏi gì trước mặt Thiên Chúa, không phô trương công lao và những việc tốt mình làm, như người biệt phái trong một dụ ngôn (Lc 18,9-14).

 

Cũng cần phân biệt nghèo khó với lầm than. Lầm than là một điều kiện sống cần phải loại trừ. Thế nên đừng gán cho nó một mầu sắc thiêng thánh. Gán như vậy là không còn cố gắng đưa người ta ra khỏi đó. Chúa không nói : Phúc cho anh em là những người không có gì ăn. Chủ trương bần cùng hay chủ trương thống khổ, lấy lý do chúng giúp ích cho đời sống đạo đức, là những chủ trương xa lạ với kitô giáo. E. Mounier nói : thuyết bần cùng hay thuyết thống khổ không phải là truyền thống kitô giáo.

Tuy vậy, có một mối liên hệ giữa sự nghèo khó tinh thần và sự nghèo khó vật chất. Nếu xem xét sự nghèo khó tinh thần một cách nghiêm túc, ta sẽ phải từ bỏ mọi thành kiến bảo vệ sự tiện nghi vật chất. Phải hiểu rằng tiền bạc hoạ hoằn lắm mới không liên hệ gì với quyết định đức tin. Vì vậy mà Chúa đã nói: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13). Quả thực, người ta không thể phục vụ đồng thời cả hai chủ đó.

 

Chúa muốn chúng ta có tinh thần nghèo khó, tức sự nghèo khó cho phép ta sống đời sống đức tin, đức cậy, đức mến, nhưng đừng quên sự nghèo khó ấy cũng tác động trên đời sống vật chất của ta. Không được nghĩ rằng chỉ cần có tinh thần nghèo khó là đủ, còn sống sung túc như những người giầu cũng chẳng sao. Thánh Augustinô nói: “Nếu bạn muốn mở rộng không gian tình yêu, bạn phải hạn chế không gian xác thịt”. Tiền bạc chính là những cái thuộc không gian xác thịt.

 

Chúng ta có nguy cơ nói nhiều về sự nghèo khó mà lại không sống với người nghèo. Chúng ta nên nói nhiều về những người nghèo hơn là về sự nghèo khó. Bằng không, người khác dễ nghĩ rằng chúng ta chỉ biết nói những gì trừu tượng.

(còn tiếp)

 

Lm Micae Trần Đình Quảng


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà