SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

***

BÀI GIẢNG TRÊN NÚI :

 

15. MỘT VÀI ĐỀ TÀI TRONG Mt 5,13-48 (tt)

 

5. Trả thù

Từ câu 38 đến câu 42, Chúa dạy chúng ta đừng trả thù, đừng lấy ác báo ác, theo kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng”, như chỉ thị của Luật cũ (Xh 21,24).

 

Tác giả Romano Guardini trong cuốn Le Seigneur đã chú giải đoạn này rất hay. Cha viết: “Bao lâu bạn còn đòi trả đũa theo lẽ công bình, bạn sẽ không ra khỏi sự bất công”. Nói khác đi, nếu chúng ta không nhắm cao hơn sự công bình, thì sự công bình của chúng ta vẫn không phải là sự công bình. Để đạt tới công bình, phải vượt qua nó. Phải huy động tất cả tình yêu để làm điều được coi là công bình. Bao lâu còn muốn trả thù, ăn miếng trả miếng với kẻ làm điều bất công cho ta, thì chính chúng ta cũng ngày càng bất công, vì ý nghĩ nung nấu hận thù sẽ đưa chúng ta vượt quá giới hạn.

 

Tất cả vấn đề được đặt ra ở đây là mối liên hệ giữa công bình và bác ái.

Một tác giả khác, Proudhon, cũng đưa ra một câu định nghĩa về sự công bình, đáng cho ta lưu ý: “Sự công bình chính là sự kính trọng con người, khi nó bị đe doạ bằng bất cứ cách nào, và bằng bất cứ sự rủi ro nào xẩy đến cho ta nếu ta bảo vệ nó”.

 

Vấn đề không còn là sự bất công mình phải chịu, nhưng là sự bất công người khác phải chịu, và chúng ta muốn bảo vệ người đó. Ở đây, để có sự công bình, cũng cần phải có tình yêu. Bảo vệ người là nạn nhân của sự bất công, chúng ta có thể có nguy cơ gặp khó khăn này khác, như bị đe doạ, bị chống đối…  Vì thế, phải yêu nhiều, rất nhiều. Để vượt qua luật ăn miếng trả miếng, phải đưa những sức mạnh siêu nhiên vào trong cuộc tranh chấp.

 

Cũng tác giả Guardini kết thúc chú giải của mình bằng câu: Con người ta chỉ có thể trở thành công bình khi tìm kiếm gì hơn là sự công bình. Chỉ đạt tới sự công bình bằng cách nhắm cao hơn sự công bình. Cái cao hơn đó chính là tình yêu.

 

6. Yêu kẻ thù

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thày, Thày bảo anh em : Hãy yêu kẻ thù” (Mt 5,43).

 

Yêu kẻ thù là một tình yêu thực sự tự do, không mong được yêu lại. Tôi yêu bạn. Còn bạn, có lẽ bạn không yêu tôi, bạn là kẻ thù của tôi, bạn tỏ ra vô ơn đối với tôi. Không sao cả! Tôi yêu bạn, và tôi tự do làm điều đó. Tình yêu của tôi không đòi người tôi yêu phải đáp ứng. Tôi vẫn có khả năng yêu người khác, cho dù hành vi của người đó làm cho tôi có quyền ghét họ.

 

Lời dạy trên đây của Chúa thật quan trọng. Thiết tưởng đây cũng là lời giải đáp thật sự trước vấn đề mà các bạn trẻ thường nêu ra : Thiên Chúa mà làm gì ? Đức tin mà làm gì? Nó có thêm gì cho tôi không ? Chính Đức Giêsu trả lời khi Ngài nói : Yêu bạn hữu ư ? Người ngoại chẳng làm như thế sao ? Bạn có chào hỏi anh em, thì người ngoại cũng làm y như thế. Nhưng, yêu kẻ thù, đó mới là nét riêng của kitô giáo. Chúng ta thấy có những người không phải là kitô hữu cũng yêu thương kẻ thù. Không sai. Nhưng làm cho một kẻ thù hoặc, cụ thể hơn, làm cho một người ít được thiện cảm nhất trong cộng đồng, làm cho người đó điều mà hẳn là mình sẽ làm cho một người thân thương nhất, lại là chuyện khác.

 

Tình yêu dành cho kẻ thù là một tình yêu hoạt động. Quan trọng là phải làm. Khởi đầu bằng chú ý, quan tâm. Trong  cộng đồng nào cũng vậy, người ta bắt gặp những người ít có thiện cảm, và hầu như bỏ rơi họ. Trên thực tế, chính những con người như vậy mà chúng ta phải yêu hơn.

 

Yêu kẻ thù là tột đỉnh của tình yêu. Phải chăng là khó ? Thực ra, không chỉ là khó, mà còn là điều bình thường không thể làm. Hãy bắt đầu bằng việc dễ hơn mà Chúa có nhắc : Cầu nguyện cho những người bách hại mình. Cầu nguyện là dấu chỉ tha thứ. Và tha thứ sẽ dẫn đến những hành vi yêu thương khác.

 

7. Hoàn thiện như Cha trên trời

Chỉ có một phương thế nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, là luôn vươn tới sự hoàn thiện. Nói theo ngôn ngữ toán học thì đó là giới hạn tiệm cận. Đó là cách thực hiện mỗi ngày một hơn (magis), như ta vẫn nói, trong mọi trình độ của đời sống thiêng liêng.

 

Đối chiếu với Lc 6,36. Trong khi Matthêu viết: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48), thì Luca lại ghi nhận lời Chúa nói: “Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Hai câu song song trong hai đoạn diễn tả cùng một ý, muốn nói lên rằng sự hoàn thiện của Chúa Cha hệ tại ở lòng nhân từ, tức là tình yêu dành cho những kẻ bé mọn, những người tội lỗi, thù địch. Quả thực, trong khi chúng ta còn là thù địch với Thiên Chúa do phạm tội, thì Ngài đã tỏ lòng nhân từ thương xót ta. Để tiến dần trên con đường hoàn thiện, chúng ta cũng hãy có lòng nhân từ thương xót.


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà