SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

***

BÀI GIẢNG TRÊN NÚI :

16. MỘT SỐ CÂU TRONG Mt 6 và 7

 

“Đừng lo cho mạng sống…”

“Thày bảo cho anh em biết : đừng lo cho mạng sống : lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể : lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao ? Hãy xem chim trời … Hãy xem bông huệ ngoài đồng … Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai : ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó.” (Mt 6,25-34)

 

Những lời khuyên trên đây của Chúa, quả thực, dễ là cớ vấp phạm. Phải thấy như vậy để đừng nói hay chú giải lung tung. Đây là trọng tâm của Tin mừng, nên cần lưu ý.

 

S. Kierkegaard, triết gia lớn người Đan mạch, đã viết cả một cuốn sách về đề tài trên. D. Bonhoeffer thì nói: “Chỉ mình Đức Giêsu mới có thể nói những lời như thế; còn tôi, tôi chỉ có thể cùng với Đức Kitô lặp lại, nếu tôi thật sự thấm nhuần tinh thần của Ngài.”

 

Theo tác giả này, hoặc bản văn là một lời mỉa mai những người nghèo khổ, lầm than. Cứ nhìn với con mắt tự nhiên, những người này ngày mai sẽ chết đói, nếu hôm nay họ không lo xem ngày mai sẽ có gì để ăn. Đừng đùa với những người ấy khi bảo: Anh em đừng lo lắng… Những người ấy nhìn vào hầu bao của họ, thấy nó trống rỗng, chưa đến lúc hoặc không có cơ may rủng rỉnh đồng vào.

 

Hoặc bản văn này tạo nên một thứ luật không thể chấp nhận. Hoặc đây là lời loan báo duy nhất về chính Tin mừng, Tin mừng về sự tự do của các con cái có một người Cha ở trên trời. Một người Cha đã ban tặng Con Một mình, lẽ nào lại không ban cho họ những sự khác. Tự nền tảng, đây là một đức tin thực sự : tin rằng mình có một người Cha, và Người lo cho mình.

 

Những cũng đừng vì vậy mà cho rằng mình chẳng cần làm việc, chẳng cần lo toan theo một nghĩa nào đó. Không giống với những sinh vật khác, chúng ta là những con người có lý trí. Lý trí chúng ta là một cơ năng biết tiên liệu. Nhưng là kitô hữu, chúng ta còn biết mình có một người Cha quan tâm đến chúng ta cũng như đến mọi người. Phải thật sự tin tưởng vào Cha giữa những công việc của ta, giữa những lo toan bận bịu của ta. So với chim trời và hoa cỏ đồng nội, chúng ta có giá hơn bội phần.

 

Đức Giêsu cho ta biết những gì Ngài biết về Chúa Cha. Ngài là Lời của Cha, từ đời đời là Con của Cha. Ngài đơn sơ nói với ta : Chúa Cha là người cha. Chúa Cha không thờ ơ với đời sống của con người, với chính sự sống. Đừng tưởng rằng Người chỉ quan tâm đến những sự siêu nhiên. Không phải vậy. Sự dữ có đầy trong thế gian, ai nấy đều có thể thấy hay cảm nghiệm. Nhưng Thiên Chúa không làm ra sự dữ, cũng không đem sự dữ vào đó. Người ở bên ta khi ta chiến đấu chống lại nó, chống lại những cơ cấu xã hội vô nhân đạo.

 

Cuộc chiến đấu thật cam go. Không có yêu thuật nào ở đây cả. Thiên Chúa không phải là thứ người lúc nào cũng can thiệp. Người tôn trọng ta. Tranh đấu cho công lý và hoà bình là công việc của ta. Chính chúng ta phải xắn tay áo, phải nhập cuộc. Chúng ta không xin Người ban từ trời xuống những của ăn dọn sẵn, nhưng phải tìm kiếm và nấu nướng lấy, với những khổ cực nhọc nhằn.

 

Vậy nhiệm vụ của ta là chiến đấu cho sự công bằng, để người nào cũng có của ăn. Dĩ nhiên phải vất vả vì lương thực không phải là một biểu tượng. Không những thế, lương thực còn bao gồm cả ăn mặc, nơi ở, sinh hoạt, giải trí… Chỉ có điều, bác ái huy động công việc của chúng ta phải đi kèm với đức tin và đức cậy. Thế mà hai nhân đức này không cho phép chúng ta sợ hãi. Sợ là điều đáng chúc dữ, cho những ai không có lòng tin cậy. Tin cậy chính là sự bình an giữa bao lo toan và công việc. Chúng ta biết tiên liệu trong niềm tin cậy phó thác.

 

Để tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, đặc biệt trong vấn đề tiền bạc, nhất thiết phải có một mức độ thánh thiện nào đó. Nhiều vị thánh đã có thái độ này, và những kết quả cụ thể đã xẩy ra. Ngược lại, khi quá chú trọng đến tiền bạc, người ta sẽ mất dần tinh thần nghèo khó, thậm chí mất cả niềm tin. Chúa Cha lo lắng cho chúng ta. Cũng như chúng ta, Người muốn cho con cái của Người được những điều tốt cho thân xác, có của ăn hằng ngày, có chỗ cu trú, có tất cả những gì tối cần cho đời sống. Đồng thời, Người cũng muốn cho ta nhìn đến, và ưu tiên nhìn đến, cái cao cả hơn, là Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.

Kierkegaard nói rằng người quá lo lắng là người muốn quan phòng riêng cho chính mình.

 

Hãy đọc lại lời của Phaolô trong thư gửi tín hữu Corintô: “Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì” (1Cr 7,32); hoặc lời thư gửi tín hữu Philipphê: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4,6).


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà