Suy niệm về

ÐỜI SỐNG MỚI TRONG CHÚA KITÔ

 

Chương X

 

BÁC ÁI

 

"Lòng bác ái không được giả hình" (Rm 12,9)

 

Phần đầu của thư Rôma nói đến việc Thiên Chúa làm cho ta trong Ðức Kitô, phần sau của thư (từ chương 12) nói đến sự đáp ứng của ta trước hành động của Thiên Chúa, đáp ứng bằng sự lựa chọn và đời sống của ta. Phaolô không tiên vàn nói đến những bổn phận của ta, như bác ái, khiêm tốn, phục vụ., để rồi sau đó mới nói đến ân sủng, như thể ân sủng là hệ quả của những bổn phận đó. Nói thế tức là nói việc làm của con người đi trước việc làm của Thiên Chúa. Không. Ngược lại, Phaolô bàn trước về sự công chính hoá và ân sủng, tiếp theo mới bàn về những bổn phận phát xuất từ đó, vì "người ta không đến với đức tin nhờ các nhân đức, nhưng đến với các nhân đức nhờ đức tin" (Grêgoriô Cả)

 

Theo Phaolô trong thư Ephêsô (2,8-10), chúng ta là công trình của Thiên Chúa. Ðó mới là điều chính. Việc tốt, chính Thiên Chúa làm trước. Còn những cái gọi là "việc lành" chúng ta phải làm, thì đến sau. Chính nhờ việc tốt Thiên Chúa đã làm trước mà những việc lành của ta mới có thể làm được, và phải làm. Quả thực, chúng ta không tự cứu mình nhờ các việc lành, nhưng cũng không thể cứu mình mà không có việc lành. Augustinô cũng nói tương tự: "Ðấng đã dựng nên ta mà không cần ta, thì lại không cứu ta mà không có ta"

 

Như vậy, Phaolô khởi đầu bằng việc tốt Thiên Chúa làm, là ban Ðức Kitô cho ta như một ân huệ. Chúng ta phải lấy đức tin đón nhận. Nhưng ngài không dừng lại ở nguyên đức tin, mà còn dạy ta coi Ðức Kitô như là gương mẫu phải bắt chước bằng các việc lành ta làm, để cho thấy rõ sự gắn bó trung thực và đức tin hữu hiệu của ta.

 

Mục đích của bắt chước không phải thuần tuý là làm cho ta nên giống hệt như Ðức Kitô, làm những việc Ngài đã làm, nhưng là làm cho ta "mặc lấy Chúa Kitô", tức là làm cho Ðức Kitô đầy tràn trong ta, biến đổi ta thành Ngài, sao cho trở thành "một tinh thần với Ngài" (1Cr 6,17). Sự bắt chước được thể hiện đặc biệt trong việc thực hành các nhân đức kitô giáo. Mục tiêu của các nhân đức này không phải để giúp ta nên hoàn hảo về phương diện luân lý, nhưng là để ta có được Chúa Thánh Thần (cũng là mục tiêu của cả đời sống kitô giáo), và sống theo Chúa Kitô. Theo Phaolô, các nhân đức này, cùng với những cố gắng khác nhau của người kitô hữu, đều quy về điều này là: "hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa" (Rm 12,1).

 

Chúng ta hãy bắt đầu bằng đức ái.

 

1. Một tình yêu chân thành

 

Trong số những hoa quả của Thần Khí, hoặc những nhân đức mà Phaolô kể ra trong thư Galát (5,22), thì đứng đầu là bác ái. Trong thư Rôma, cũng chính bác ái khai mào cho phần khuyến thiện, phần thực hành các nhân đức. Tuy ở những chương 13 và 14, cũng có các ý tưởng về bác ái, nhưng cả chương 12 được Phaolô dành riêng nói lên một chuỗi các lời khuyên về bác ái. Phaolô cũng cho biết đức ái như là hoa quả của Thần Khí, tức như một nhân đức ta có do nỗ lực không ngừng của ta cộng tác với ơn Chúa.

 

Ðể hiểu rõ ý tưởng cơ bản của những lời khuyên về đức ái, phải đi từ câu đầu tiên: "Lòng bác ái của anh em không được giả hình". Ðây không phải là một trong các lời khuyên, nhưng là khuôn mẫu cho các lời khuyên khác. Bí mật của đức ái là ở đây. Dựa vào Thần Khí, ta thử tìm hiểu bí mật này.

 

"Không giả hình" là một hạn từ hiếm hoi trong Tân ước, hầu như chỉ được dùng để xác định đức ái kitô giáo. Nó cũng có nghĩa là "không bôi bác" (2Cr 6,6; 1Pr 1,22). Vậy đức ái không giả hình là nó phải thành thật, chính thực, không bôi bác, hết lòng. Cũng như rượu nho phải ép ra từ trái nho mới "gin", tình yêu cũng phải phát xuất từ tấm lòng mới thật.

 

Tư tưởng của Phaolô đúng là rập theo tư tưởng của Ðức Giêsu. Quả thực, có lần Chúa nói: lòng là chỗ quyết định giá trị việc làm của người ta: "Tự lòng phát xuất những ý định gian tà" (Mt 15,19). Về đức ái, có thể nói Phaolô đã trực giác thấy một thế giới hoàn toàn nội tâm, vượt lên trên thế giới hữu hình và bên ngoài của nó, tức những hành vi và lời nói bác ái.

 

Trực giác này còn được thấy rõ trong đoạn thư Corintô nổi tiếng về đức ái (1 Cr 13). Ðọc kỹ đoạn này, ta thấy Phaolô hoàn toàn nhấn mạnh về đức ái nội tâm, về những tình cảm bác ái: bác ái thì rộng lượng, không ghen tương, không nổi giận, tha thứ hết, tin mọi sự, trông cậy mọi sự. Ta không thấy có gì liên hệ trực tiếp với việc làm điều thiện, với những việc bác ái. Tất cả đều đưa về cội rễ là muốn điều thiện. Ý nuốn đi trước việc làm.

 

Phaolô cũng nói lên sự khác biệt giữa bác ái bên ngoài và bác ái bên trong. Bác ái bên ngoài, cho dù là việc lớn mấy đi nữa, cũng chẳng ích gì cho mình, nếu không có bác ái bên trong. Không có bác ái bên trong, thì đó là bác ái giả hình. Bác ái giả hình là làm điều tốt mà không yêu mến. Cái bên ngoài không tương ứng với cái bên trong. Nó chỉ có cái mã ngoài là bác ái. Có thể nó che giấu một sự ích kỷ, bác ái vụ lợi, hoặc làm vì do áy náy hay hối hận trong lương tâm mà thôi.

 

Tuy có hai lãnh vực bác ái, nhưng không được đối nghịch chúng, không chỉ an tâm với bác ái bên trong mà không thực hiện bác ái bên ngoài. Ðức Giêsu (Mt 25), thánh Giacôbê (2,16tt), thánh Gioan (1Ga 3,18) dạy ta phải thực hành bác ái hữu hiệu. Phaolô cũng coi việc quyên tiền giúp đỡ cộng đồng Giêrusalem là quan trọng.

 

Vấn đề không phải là coi nhẹ việc bác ái bên ngoài cho bằng tạo cho nó một nền tảng chắc chắn, chống lại sự ích kỷ hoặc những hình thức gian trá của ta. Nền tảng này là bác ái. Chính Thiên Chúa đã đặt nền tảng này khi dạy: "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Mt 22,39). Ngài không dạy: phải yêu người thân cận như yêu mến Thiên Chúa. Vì sao vậy? Là vì, người ta có thể gian dối khi yêu mến Thiên Chúa, nhưng không thể gian dối khi yêu mình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ai nấy đều rõ phải yêu mình ra sao.

 

Yêu mến không giả hình là yêu đến độ không thể dối trá được, vì chỉ có mình ta đối diện với ta, và có Thiên Chúa biết. Nhờ con đường này, người anh chị em đi vào tận thâm sâu con người của tôi, cái mà Kinh Thánh gọi là "con người bên trong". Người anh chị em đó trở thành người thân cận, vì tôi mang người đó trong tâm hồn tôi, cho dù chỉ có mình tôi với Chúa và với chính tôi. Ðó là điều cao quý nhất mà một người có thể ban tặng cho người khác. Thì từ đời dời, Thiên Chúa đã làm như thế cho ta. Ngài mang ta trong trái tim Ngài. Ngài đã làm điều tốt cho ta, vì Ngài muốn điều tốt cho ta.

 

2. Một tình yêu thần linh

 

Ðức ái kitô giáo phải phát xuất từ nội tâm. Phải nhấn mạnh bác ái bên trong hơn bác ái bên ngoài. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Bước thứ hai là phải hiểu rõ chiều sâu nội tâm này. Nó không chỉ là chiều sâu nội tâm như quen hiểu trong tâm lý học. Nó còn là chiều sâu thần học, chiều sâu của Thiên Chúa, do việc Chúa Thánh Thần cư ngụ nơi ta. Chính đây là mầu nhiệm bác ái. Chính đây là sự mới mẻ mà đời sống mới trong Thần Khí tạo nên nơi ta. Không hiểu điều này là không hiểu gì cả, và chúng ta vẫn ở trên bình diện tự nhiên thôi. Nếu chỉ xét trên bình diện tự nhiên, tình yêu kitô giáo cũng chẳng khác gì các tình yêu khác. Nhưng trong kitô giáo, bác ái tự nhiên, bác ái luân lý xây dựng trên bác ái đối thần, quy về bác ái đối thần. Do đó mà sự nội tâm hoá của bác ái đạt tới chỗ thần hoá.

 

Thế nào là có một tình yêu thần linh? Thánh Phêrô nói: người kitô hữu là người yêu bằng một quả tim tinh tuyền. Con tim nào là tinh tuyền? Chính là con tim mới mẻ. Ngày xưa, dưới chế độ lề luật, người ta đã xin: "Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng" (Tv 50/51,12). Và Thiên Chúa cũng hứa ban một quả tim mới (Ed 36,26). Thì quả tim này đã được ban cho ta, cho mọi người đã được Rửa Tội. Nó là một thực thể đã có, nhưng phải làm cho nó hoạt động. Phần khuyến thiện của thư Rôma là nhắm vào việc này.

 

Khi chúng ta yêu bằng quả tim mới, thì chính Thiên Chúa yêu thương trong ta, vì Ngài hiện diện trong ta bằng Thần Khí Ngài. Tình yêu của Thiên Chúa đi qua ta, và hành vi yêu của ta thực sự được thần hoá.Vì chưng, thánh Phêrô nói: chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa (2Pr 1,4). Bản tính của Thiên Chúa là Tình Yêu, thể hiện bằng hành động yêu thương. Thế nên được thông phần bản tính Thiên Chúa cũng chính là được thông phần hành động của Thiên Chúa, thông phần hành động yêu thương của Thiên Chúa. Do đó mà hành động yêu thương của ta được thần hoá.

 

Chúng ta yêu người khác, không những vì Thiên Chúa yêu họ, hoặc vì Ngài muốn ta yêu họ, nhưng còn vì khi ban Thánh Thần cho ta, Ngài đã đặt nơi tâm hồn ta tình yêu của Ngài đối với họ. Chúng ta biết Ðức Giêsu đã cầu xin Chúa Cha, để tình yêu mà Ngài đã nhận được từ Cha, cũng có nơi các môn đệ (Ga 17,26).

 

Thế cho nên, tình yêu kitô giáo phân biệt với mọi tình yêu khác, vì là tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu của Chúa Kitô. Không phải tôi yêu, mà là Chúa Kitô yêu trong tôi. Lòng bác ái phát xuất từ nguồn mạch vĩnh cửu là Ba Ngôi, mặc lấy một hình hài và một quả tim nhân loại nơi Ðức Giêsu Kitô, giờ đây lan toả trên khắp mặt địa cầu, và muốn lưu chuyển trong các tâm hồn.

 

Nếu muốn, tôi có thể là một trong những trung tâm chiếu toả tình yêu của Thiên Chúa. Không ngoa đâu, và cũng không phô trương đâu. Tôi có gì đâu để phô trương, vì tôi cũng chỉ lãnh nhận tình yêu này từ Thiên Chúa. Hơn nữa, đó còn là cách thức chết cho mình, làm cho con tim cũ chết đi, để con tim mới có thể hoạt động.

 

Bây giờ chúng ta đi vào một vài điểm cụ thể mà chính Phaolô gợi ra.

 

3. Loại bỏ nọc độc của những xét đoán

 

Phaolô viết: "Sao bạn lại xét đoán người anh em? Sao bạn khinh dể người anh em?...Vậy ta đừng xét đoán nhau nữa" (Rm 14,10-13).

 

Những xét đoán hằn học, đầy ác cảm và lên án, cần phải loại ra khỏi lòng ta. Ðức Giêsu nói: "Ðừng xét đoán để khỏi bị xét đoán." (Mt 7,1-3). Không phải để người khác sẽ không xét đoán ta, nhưng là để Thiên Chúa sẽ không xét đoán ta. Hoặc đúng hơn: Ðừng xét đoán, vì Thiên Chúa đã không xét đoán ta. Ðây không phải là thứ luân lý thực dụng, nhưng là luân lý của Tin Mừng. Theo lời Chúa nói, lỗi của người bị xét đoán chỉ bằng cái rác, trong khi lỗi của người xét đoán to như cái xà. Và cái xà đầu tiên là chính việc xét đoán, vì nó là tội nặng nề đối với Thiên Chúa.

 

Cả Phaolô lẫn Giacôbê đều nêu ra lý do cấm xét đoán. Giacôbê nói: "Anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?" (Gc 4,12). Lời này muốn nói rằng: chỉ mình Thiên Chúa có thể xét đoán, vì Ngài thấu suốt lòng dạ người ta, biết lý do, ý định và mục đích của mỗi hành động người ta làm. Còn ta, ta đâu có biết lòng dạ người khác, khi họ làm điều này điều nọ, đâu có biết hoàn cảnh nào chi phối và thúc đẩy họ làm thế.

 

Muốn xét đoán người khác là một việc liều lĩnh. Cũng như phóng lao mà nhắm mắt, không rõ nó sẽ ghim vào ai. Ngay bản thân ta mà lắm khi ta còn thấy khó hiểu và khó xét đoán, huống hồ là xét đoán người khác. Không thể đi sâu vào cuộc sống của họ, quá khứ và hiện tại của họ, nỗi đau khổ họ đang chịu.

 

Còn Phaolô thì đưa ra lý do này: người xét đoán làm chính những điều mà họ xét đoán nơi người khác. Ngài viết: "Dù bạn là ai đi nữa mà xét đoán, thì bạn cũng không thể bào chữa được., vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình" (Rm 2,1). Ðây là một sự thật. Có lẽ ai cũng thấy. Xét đoán người khác xong, rồi suy nghĩ về cách sống của mình, lắm khi thấy mình cũng làm như thế, cũng có lỗi như thế. Nét điển hình của tâm lý con người chúng ta là xét đoán và lên án nơi người khác chính điều cũng có ở nơi mình, mà mình không dám đương đầu, không dám đụng đến. Chẳng hạn, người hà tiện lại lên án sự hà tiện. Người hay bép xép lại lên án người hay bép xép. Người kiêu ngạo thấy rất rõ chung quanh mình những tội kiêu ngạo.

 

Tuy vậy, nói về sự xét đoán cũng là một việc tế nhị và phức tạp. Nếu hiểu thuần tuý không được xét đoán ai, có thể coi là thiếu thực tế. Là vì, làm sao chúng ta sống mà không có một sự xét đoán nào? Ta không thể thấy, không thể nghe, không thể biết, mà không có ít nhiều đánh giá về con người hay sự việc mà ta thấy, ta nghe, ta biết, nghĩa là có xét đoán.

 

Thật ra, điều phải khai trừ khỏi lòng ta, không phải là sự xét đoán cho bằng sự độc địa trong xét đoán, tức là một cách lên án người khác. Theo Luca, Chúa nói: "Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị xét đoán", rồi tiếp ngay sau là một lời khác như để minh giải cho lời trên: "Anh em đừng lên án thì anh em sẽ không bị lên án" (Lc 6,37).

 

Tự nó, hành vi xét đoán vô thưởng vô phạt. Nó có thể đưa tới điều xấu, mà cũng có thể đưa tới điều tốt. Lời Chúa chỉ kết án những việc xét đoán xấu. Một người mẹ trong gia đình và một người xa lạ với gia đình có thể cùng xét đoán về một lầm lỗi nào đó của người con trong gia đình này. Xét đoán của hai người sẽ khác nhau xa. Người mẹ xét con trong tâm trạng đau khổ vì lầm lỗi của con, cảm thấy mình cũng có trách nhiệm, thấy phải giúp con sửa lỗi này, không muốn cho người khác biết con mình có lỗi. Còn như nếu là người ngoài xét đoán, thì có thể có ít xít ra nhiều, có thể tìm cách hạ giá người khác để đưa mình lên. Xét đoán của ta về người khác cũng phải giống như của bà mẹ trên đây, vì như Phaolô nói, chúng ta là những bộ phận của một thân thể (Rm 12,5).

 

Chúng ta nhận rằng bất cứ ai có một trách nhiệm nào về người khác (cha mẹ, bề trên, cha giải tội.) đều phải xét đoán. Ðôi khi xét đoán còn là cách phục vụ cho Giáo Hội hay cho xã hội. Tương tự như nơi thân xác chúng ta, đôi mắt có nhiệm vụ quan sát. Nhưng ăn thua là phải có tình yêu kitô giáo. Tình yêu có khả năng thay đổi ngay cả xét đoán, biến một hành vi không yêu thương thành một hành vi yêu thương. Chính Phaolô cũng đã xét đoán đồng bào Do thái của mình ở đầu thư Rôma (Rm 2,17tt), nhưng trước mặt Thiên Chúa và đối diện với lương tâm, ngài biết rằng mình yêu họ mà làm thế. Một tình yêu không giả hình.

 

Cụ thể: đừng xét đoán, trừ ra khi buộc phải làm, hoặc làm mà có tình yêu chân thành như Phaolô. Cũng đừng xét nét quá, làm cho người khác cũng như chính mình đâm ra khó sống. Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn.

 

Và nếu phải xét đoán, sửa lỗi, đừng ngạc nhiên khi thấy chưa có kết quả tức khắc và rõ rệt. Có khi đã cố gắng làm cho một người anh chị em hiểu một điều gì đó, trong một thời gian lâu mà vẫn vô ích, chúng ta nhận ra rằng mình đã không thực sự hết lòng yêu thương người đó. Mọi khó khăn đều từ đó mà ra. Phải khởi sự lại từ đầu theo một cách thức khác. Theo lời Chúa nói, tiên vàn phải lấy cái xà trong mắt ta ra đã, mới có thể nhìn rõ và lấy cái rác trong mắt anh chị em (Mt 7,5), tức là phải loại bỏ thái độ không yêu thương của ta trước, rồi điều chúng ta nhận xét mới hy vọng được đón nhận, và người anh chị em có lẽ mới để ta lấy cái rác trong mắt họ.

 

Có một điểm khác xác định phẩm chất của bác ái bên trong, đó là sự kính trọng: "Hãy coi người khác hơn mình" (Rm 12,10). Cái khó ở đây là đụng chạm đến sự vị kỷ, tự ái của ta. Muốn tôn trọng anh chị em, muốn đánh giá cao anh chị em, đừng quá tự trọng, "đừng đi quá mức khi đánh giá mình" (Rm 12,3). Người đánh giá mình quá cao giống như người đứng trước một luồng sáng chói chang trong đêm tối, không thể thấy gì khác ngoài ánh sáng này, không thể nhìn thấy ánh sáng nơi người anh chị em, tức là những phẩm chất và giá trị của họ.

 

Do đó, cần loại trừ những ý nghĩ và tình cảm coi thường coi khinh người khác. Trong mối liên hệ với anh chị em, chỉ nên đánh giá cách tương đối những phẩm chất của mình và những khuyết điểm của họ. Ðừng làm ngược lại, tức đánh giá cách tương đối khuyết điểm của mình và phẩm chất của họ. Ta thường có khuynh hướng này: lỗi của mình thì cho là nhẹ, lỗi của người khác lại cho là nặng, đề cao cái tốt của mình mà lại không đề cao cái tốt của người khác. Phải tập đặt mình vào ghế bị cáo. Nếu nó muốn ngồi ghế quan toà, phải lôi nó trở lại ghế bị cáo, nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Ðó là đường đưa tới chỗ hoán cải đích thực, làm cho ta triển nở trong sự khiêm tốn và bác ái.

 

Ðôi khi ta có thể có ý nghĩ như thế này: giả như tôi kính trọng người khác, đánh giá cao người khác, thì họ sẽ không còn kính trọng tôi, họ sẽ coi thường tôi. Ý nghĩ này có thể ngăn cản ta thực hành bác ái chân thành. Thế nhưng luật yêu thương mới không dạy ta làm cho người khác điều họ làm cho ta, nhưng dạy ta làm cho người khác điều Thiên Chúa làm cho ta. "Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau" (Cl 3,13).

 

Có khi ta muốn dựa vào mức độ người khác làm cho ta, để hành động đáp lại. Tức là: họ làm tốt cho tôi bằng nào, tôi cũng làm tốt cho họ bằng ấy. Vậy thôi. Thế mới chỉ là giao tế thông thường, chưa đủ đâu. Tiêu chuẩn hay mức độ không phải là điều người khác làm cho ta, nhưng là điều ta muốn người khác làm cho ta (Mt 7,12). Khác nhau xa, vì điều ta muốn chắc chắn phải là điều tốt nhất. Vậy hãy biết thực hiện điều tốt nhất cho người khác.

 

Tựu trung, trong hành động bác ái, ta không đối chiếu ta với người khác, nhưng đối chiếu ta với Thiên Chúa và với chính mình. Chỉ cần quan tâm đến điều ta làm cho người khác, và đến cách ta nhận điều người khác làm cho ta. Còn sự gì khác nữa thì không thuộc về ta, nhưng liên hệ tới người khác.

 

4. Không nói lời xấu

 

Giữa thái độ bên trong và công việc bác ái bên ngoài, có lời nói được coi như xen kẽ. Môi miệng bày tỏ tâm hồn. "Lòng có đầy miệng mới nói ra" (Mt 12,34). Dĩ nhiên, chúng ta không được phép yêu chỉ bằng lời nói và miệng lưỡi (1Ga 3,18), nhưng cũng phải yêu cả bằng lời nói và miệng lưỡi nữa. Thánh Giacôbê bảo miệng lưỡi có thể "huênh hoang làm được nhiều chuyện to lớn" cả trong điều tốt lẫn trong điều xấu. Nó có thể "làm bốc cháy đám rừng to lớn" mà cũng "chứa đầy nọc độc giết người" (Gc 3,1-12). Chúng ta thì vẫn nói: giết người không gươm. Biết bao lần ta giết người bằng miệng lưỡi. Trong một cộng đoàn, một gia đình, những lời nói tiêu cực, làm phật ý, không chút xót thương. có thể làm cho một người thu mình lại, có thể dập tắt sự tin tưởng và bầu khí huynh đệ, Những người nhạy cảm nhất có thể "chết" vì những lời lẽ như thế. Có lẽ chúng ta từng kinh nghiệm về điều đó.

 

Ðương nhiên, chúng ta không chỉ biết sửa lời ăn tiếng nói một cách giả hình, mà không sửa chính tâm hồn là nguồn mạch của lời nói. Phaolô đã ban bố luật vàng về lời nói cho các kitô hữu như sau: "Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe" (Ep 4,29).

 

Những lời trên có thể là đề tài cho đời sống thiêng liêng cả một thời gian dài, chẳng hạn Mùa Chay, Chúng đòi ta một hình thức chay kiêng: kiêng những lời nói xấu, những lời độc địa. Lấy những lời trên đây làm luật sống sẽ mau chóng cảm thấy môi miệng của mình, và rồi tâm hồn của mình, như được cắt bì.

 

Phân biệt lời xấu và lời tốt không phải chuyện khó. Chỉ cần xem chúng dẫn tới chỗ nào, xem chúng làm vinh danh cho mình hay cho người khác, xem chúng làm tăng giá trị của mình hay của người khác. Lúc đầu có thể vẫn còn lời nói xấu bộc phát tự nhiên, đôi khi lỡ mồm lỡ miệng. Biết chận lại bằng cử chỉ xin lỗi. Cố gắng tập lâu ngày thì sẽ không còn những lời đó nữa. Thế vào đó là những lời nói tốt. Ðó là cách nâng đỡ anh chị em, là một ân huệ của chính Thiên Chúa, vì như đã thấy, khi ta yêu thương hết lòng thì chính là Thiên Chúa yêu thương trong ta. Thiên Chúa đã dùng lời làm phương tiện ưu đãi để an ủi, soi sáng, ban sự sống cho thế gian, và mạc khải tình yêu của Ngài. Chính Ðức Giêsu là Lời phát xuất từ lòng Chúa Cha. Ta cũng phải dùng lời tốt giúp anh em.

 

5. Nhìn anh em bằng đôi mắt mới

 

Tình yêu chân thành là cách giải quyết tổng quát. Nhưng trong từng trường hợp riêng, có khi khó xác định được điều tốt phải làm. Trước một lầm lỗi của anh em, yên lặng hay lên tiếng, để cho qua hay phải sửa? Thế nhưng, nếu ta có lòng bác ái, thì bất cứ ta làm điều gì, đó sẽ là điều phải làm, vì "đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại" (Rm 13,10). Chính theo nghĩa này mà Augustinô đã nói: "Cứ yêu đi và làm điều bạn muốn. Nếu bạn yên lặng, hãy vì yêu mà yên lặng; nếu bạn lên tiếng, hãy vì yêu mà lên tiếng; nếu bạn sửa lỗi, hãy vì yêu mà sửa lỗi; nếu bạn tha thứ, hãy vì yêu mà tha thứ; hãy có cội rễ tình yêu trong đáy lòng bạn, từ cội rễ này, không thể phát xuất điều gì khác hơn là điều tốt".

 

Tình yêu là món nợ duy nhất ta mắc với mọi người. "Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái" (Rm 13,8). Ai đến với ta, đều là một chủ nợ, đến nhận món nợ mà ta mắc. Có thể họ sẽ đòi những điều ta không thể cho, thậm chí đôi khi phải từ chối. Nhưng cả khi ta không thể cho họ, thì vẫn phải lưu ý đừng để họ ra về mà không nhận được tình yêu của ta. Trong Ðức Kitô, Thiên Chúa đã ban cho ta một tình yêu để chia sẻ với anh chị em. Tình yêu này không thuộc về ta. Người anh chị em có thể đòi hỏi nơi ta phần tình yêu này. Ta là người mắc một món nợ không bao giờ hết, vì có làm gì đi nữa vẫn không bao giờ cho đi hết tình yêu mà ta nhận được từ Thiên Chúa. Tình yêu này giống như "phần lương thực" mà chủ nhà, khi đi xa, đã đặt trên quản gia để phân phát đúng lúc cho các gia nhân (Mt 24,45tt).

 

Bác ái bên trong mà Phaolô chỉ ra cho tới lúc này (Rm 13), là bác ái mà mọi người phải thực hành, và thực hành luôn mãi. Hành vi bên ngoài nhất thiết phải có lúc ngưng, nhưng bác ái thì không. Ðây không phải là bác ái mà một số người phải làm, còn một số khác thì nhận. Mọi người, bất kể là ai, đều có thể và phải thực hành bác ái này.

Bác ái này rất cụ thể: bắt đầu nhìn mọi người và mọi tình huống chung quanh bằng đôi mắt mới. Chả cần phải tìm dịp đâu xa để thực hiện. Dịp có sẵn trước mắt. Chỉ cần ta quyết định nhìn người khác bằng một tình yêu không giả hình. Chúng ta sẽ thấy một thái độ hoàn toàn khác đối với các anh chị em là điều có thể làm được. Giống như nơi ta có một cặp mắt khác với cặp mắt tự nhiên quen nhìn sự việc. Các tương giao quan hệ sẽ thay đổi. Và chúng ta có thể làm điều trên đây trong bất cứ tình huống nào.

 

Ðể kết luận, chúng ta hãy lặp lại một lời kinh của Phụng vụ dâng lên Thiên Chúa để xin như sau:

 

Lạy Chúa là Thiên Chúa tình yêu,

xin dùng Thánh Thần tình yêu của Chúa

mà biến đổi tâm hồn chúng con.

Xin cho tư tưởng của chúng con

phù hợp với tư tưởng của Chúa.

Bấy giờ,

đối với anh em cũng như đối với Chúa,

chúng con sẽ chỉ có một mối tình.

 

(Lời nguyện nhập lễ của Thánh lễ cầu xin ơn bác ái).

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)

 

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà